Tác giả: Bùi Hoàng Tám
KD: Liệu vấn đề này đặt ra còn bởi hai yếu tốt rất đáng quan tâm: 1) Tham nhũng thì chỉ có quan chức.
2) Hiện XH này rất thiếu kinh phí để đầu tư xây nhà tù.
Rút cục nếu giải pháp tham nhũng như đề xuất gần đây, sẽ không bao giờ có tính giáo dục, răn đe, như chức năng của Luật pháp ở bất cứ XH nào, mà chỉ như trò “bắt cóc bỏ đĩa”.
Trong khi mấy người dân chỉ ăn trộm mấy con vịt cũng bị tới 13 năm tù.
Tưởng là nhân đạo và kinh tế, nhưng lại bộc lộ sự bất công XH rất lớn.
———
Nếu giảm hình phạt thì tham nhũng liệu có giảm khi mà bắt được thì hoàn trả lại, chả mất mát gì mà không bắt được thì… “ô kê con gà vàng”. Rồi chả lẽ nếu là dân ăn trộm con gà, con lợn… thì bỏ tù, cán bộ tham nhũng trăm tỉ ngàn tỉ trả lại là… “ô kê con gà đen”!
Có lẽ khỏi phải nói tệ nạn tham nhũng đã tàn phá đất nước này như thế nào. Thế nhưng càng buồn thay, khi tình trạng tham nhũng vẫn còn chưa giảm thì những vụ tham nhũng bị phát hiện, tài sản lại bị tẩu tán khiến lượng thu hổi rất thấp.
Theo ông Phạm Anh Tuấn – Phó Ban Nội chính Trung ương thì dù “chưa có con số thống kê đầy đủ, bước đầu qua báo cáo của các cơ quan chức năng năm 2013, tỉ lệ số tiền, tài sản tham nhũng được thu hồi đạt chưa đến 10%, năm 2014 là trên 22%. Nếu so sánh con số trên với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt thì trên thực tế tỉ lệ còn thấp hơn nhiều”.
Số vụ tham nhũng bị phát hiện đã ít, số tài sản thu hồi được lại càng ít nên số tài sản mất mát tất nhiên là phải rất và rất khổng lồ.
Còn nhớ cách đây mấy năm, một vụ án “động trời” là Vinashin với số tiền thất thoát khổng lồ nhưng tài sản thu hồi lại gần như con số không. Không chỉ thế, những kẻ gây nên các hậu quả nghiêm trọng ấy chỉ phải chịu một hình phạt rất không tương xứng. 20 năm tù cho Phạm Thanh Bình và vài chục năm tù cho các bị cáo khác.
Số tiền bồi thường thiệt hại 500 tỉ đồng và án phí 650 triệu đồng mà tòa đã tuyên là để… cho vui bởi ngay cả 650 triệu đồng án phí cũng khó có cơ thu được. Bởi tại phiên tòa, ông Bình than vãn rằng gia đình mình đều làm cho nhà nước nên “mức án phí như vậy thì khả năng gia đình tôi không thể thực hiện được”.
20 năm tù cho 500 tỉ đồng, tức là mỗi năm 25 tỉ đồng và cũng tức là hơn 2 tỉ đồng/tháng. Số tiền tương đương với lương của khoảng 800 người lao động/tháng ở các khu công nghiệp đến nay không biết đã thu hồi được một đồng nào chưa?
Tại hội thảo “Thu hồi tài sản tham nhũng – Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Ban Nội chính Trung ương tổ chức ngày 13/3, trả lời câu hỏi về đề xuất nếu người vi phạm nộp tài sản và hoàn lại tài sản tham nhũng thì sẽ được miễn giảm trách nhiệm hình sự, chuyển sang xử lý hành chính, ông Tuấn cho biết: “Thực ra đối với hành vi tham nhũng, tội phạm tham nhũng thì cái hướng tới đều là tài sản. Nếu nói về công bằng, chúng ta phải tìm mọi cách hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu, thì xem như là hòa, coi như là xong.
Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta cũng như trên thế giới, cũng có ý kiến cho rằng hãy xác định đây là tội phạm kinh tế, nếu khắc phục được hậu quả thì có thể xem xét, miễn trách nhiệm hình sự và đề cao việc khắc phục hậu quả.
Điều này thì không sai, nhưng ở đây nếu chúng ta loại bỏ hình phạt và chúng ta chỉ nhằm đến việc nếu cứ tham nhũng, nếu phát hiện thì thu hồi về, thế là xong, là hòa thì tôi nghĩ tính răn đe sẽ rất thấp, không đủ sức răn đe…”.
Đây quả là bài toán không dễ bởi nếu muốn thu hồi được cao nhất tài sản thất thoát thì phải giảm hình phạt, để nạn nhân khắc phục hậu quả. Nếu không giảm hình phạt thì đằng nào cũng thế, họ sẽ thà rằng “hi sinh đời bố…”.
Thế nhưng nếu giảm hình phạt thì chả lẽ coi như hòa. Và liệu khi đó tham nhũng liệu có giảm khi mà bắt được thì hoàn trả lại, chả mất mát gì mà không bắt được thì… “ô kê con gà vàng”.
Rồi chả lẽ nếu là dân ăn trộm con gà, con lợn… thì bỏ tù, cán bộ tham nhũng trăm tỉ ngàn tỉ trả lại là… “ô kê con gà đen”!
Vì thế, có không ít ý kiến cần tăng nặng cho loại tội phạm này mới đủ sức răn đe, thậm chí nên áp dụng cả hình thức tử hình.
Tóm lại, theo các bạn thì phương án nào là tối ưu, vừa đủ sức răn đe, vừa có thể thu hồi tài sản tham nhũng một cách hiệu quả nhất?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét