12 tháng 3, 2015

Một cơ quan trí thức “xôi thịt”?

Tác giả: Trực Ngôn
KD: Xưa nay các Hội .. vốn đã hữu danh vô thực. Nay đọc bài này về Liên hiệp các Hội KH và KT VN, càng thấy cái tính chất hữu danh vô thực, và cả sự vô dụng nữa. Thấy buồn làm sao.
Trừ những nhà khoa học thật, làm việc thật, tự lúc nào các nhà KHVN chấp nhận số phận “giá áo túi cơm” đến độ như thế này? Bỗng nhớ đến hiện tượng các nhà sáng chế chân đất sang xứ người cống hiến.
Dù vậy, khi đăng lên, chủ Blog đã biên tập một số từ ngữ cho phù hợp tinh thần Blog. Và sẵn sàng đăng những bài viết phản biện, tranh cãi về chủ đề này, một cách có tinh thần trách nhiệm và văn hóa.
———–
Đó chính là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN). Nghe cái tên thì rõ là sang, chức năng của nó cũng sang không kém, đó là làm nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Theo Chỉ thị 42/CT của Ban chấp hành Trung ương Đảng (ngày 10/4/2010), thì LHHVN được Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động như các đoàn thể chính trị khác. Kinh phí cấp cho tổ chức này không nhỏ, như năm 2012 vừa rồi được Nhà nước phân bổ gần 26 tỷ đồng cho cái gọi là “chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ” (quyết định phân bổ ngân sách số 2879/QĐ-BTC). Vậy nhưng họ đã làm được gì để đóng góp cho sự nghiệp KHCN nước nhà?
Trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Hẳn chúng ta còn nhớ trong năm 2012 sự kiện thủy điện Sông Tranh gây ồn ào dư luận. Rất nhiều nhà khoa học, nhà báo cũng như nhân dân nói chung mong muốn LHHVN với tư cách là tiếng nói đại diện cho trí thức lên tiếng kiến nghị với Nhà nước, tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học, phân tích rõ sự nguy hại của thủy điện Sông Tranh và tìm biện pháp khắc phục. Nhưng LHHVN “mũ ni che tai”, im lặng, không dây vì sợ đụng chạm, hay vì dốt không biết gì mà nói?
Còn rất nhiều những ví dụ khác như hiện tượng xe máy cháy bất thường khi đang lưu thông hay hiện tượng sụt lún các “hố tử thần” trên quốc lộ… LHHVN cũng không tập hợp các nhà khoa học để nghiên cứu, phân tích nguyên nhân để có câu trả lời cho xã hội. Mang tiếng là cơ quan trí thức hàng đầu của đất nước mà việc lớn việc bé gì (dính đến khoa học chứ có phải việc tào lao đâu), cũng “I don’t know” như thế thì thật không còn gì để nói về năng lực của họ.
Cả năm 2013 hầu như LHHVN không có hoạt động gì đáng kể, chức năng chính là tư vấn phản biện và giám định xã hội, vậy nhưng họ không có hoạt động nào thuộc về chức năng này cả. Trong những báo cáo của LHHVN nhắc đi nhắc lại việc đã làm từ hàng chục năm trước như phản biện cho Thủy điện Sơn La, hoặc phản biện cho việc xử lý dịch cúm gia cầm (từ hồi GS.VS Vũ Tuyên Hoàng – nguyên Chủ tịch LHHVN còn sống, tức là từ trước năm 2008). Đến nỗi có vị đại diện cho một hội khoa học kỹ thuật là thành viên thuộc LHHVN còn phải góp ý rằng: Hội chúng tôi một năm làm hàng chục cuộc phản biện, hội thảo khoa học, LHHVN ít hoạt động quá thì ghép phần việc mà các hội đã làm vào báo cáo chung cho phong phú mà báo cáo lên cấp trên, vì các hội cũng là thành viên trong gia đình LHHVN cả. Vị này còn nói vui, “con làm thì bố cứ tính công bố cũng được”.
Vậy số tiền 26 tỷ hàng năm LHHVN tiêu gì cho hết? Ngoài việc “vẽ” ra những cuộc hội nghị hội thảo vô bổ để chi tiêu vô tội vạ. Chẳng hạn tổ chức Hội nghị của Ủy ban Kiểm tra LHHVN, họ dẫn nhau xuống tận Cửa Lò, “nghị” thì ít mà “hội” thì nhiều, vì chủ yếu lấy cớ đi chơi, nghỉ mát, tắm biển. Hội nghị làm hết 01 ngày thì lấy hóa đơn 03 ngày để thanh toán tiền Nhà nước. Rồi thì tổ chức những cuộc giao ban 03 miền, đại biểu được cấp tiền ăn ở khách sạn, đi lại, lưu trú, công tác phí… nhậu nhẹt chúc tụng nhau tơi bời. Đặc biệt là chi cho lãnh đạo LHHVN đi công tác toàn bằng máy bay, mỗi năm tiền vé máy bay với công tác phí của ông Đặng Vũ Minh – Chủ tịch LHHVN lên tới 2-3 trăm triệu đồng.
Vấn đề là những chuyến đi công tác này hoàn toàn vô bổ, không có giá trị gì, ông Minh chỉ đi trao giải thưởng các cuộc thi nọ kia, với đi dự Đại hội các LHH địa phương, đi “úy lạo” các nhà khoa học già, v.v… Số tiền còn lại, họ đem “ban lộc” cho một số Hội KHKT thành viên để tổ chức hội nghị hội thảo của các hội này và chia cho các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc LHHVN để làm đề tài. Nhưng tệ hại ở chỗ, tiền Nhà nước, vậy mà họ xem như tiền của họ, bắt các đơn vị phải nộp lại 5% để cho vào quỹ đen LHHVN tự ý chi tiêu. Cũng có nhiều đơn vị thành viên có đề tài nghiêm túc, có giá trị, nhưng nếu không nộp lại 5% tiền đề tài thì họ không cho giải ngân, không cấp tiền.
Nhiều đơn vị lợi dụng điều này, vẽ ra nhiều đề tài vô bổ, thậm chí trộm đạo những đề tài đã có từ trước để rút tiền Nhà nước. Dịp cuối năm này thì LHHVN từ lãnh đạo đến nhân viên đều nhăm nhăm nghĩ cách làm thế nào để tiêu hết tiền được Nhà nước cấp, vì nếu không hết thì sang năm sẽ bị cắt bớt.
Có một chuyện đau lòng mà chúng tôi chứng kiến: Một hôm có nhà khoa học nọ là giám đốc một trung tâm KHCN trực thuộc LHHVN đến xin thanh toán tiền đề tài. Đây là một đề tài nghiêm túc, có giá trị, làm thật, do đó các khoản chi phí thật đã hết, ông phải bỏ tiền túi ra ứng trước cho cộng tác viên để thực hiện đề tài. Nay ông đề nghị thanh toán, thì được trả lời là do chưa nộp phí 5% nên chưa được thanh toán, thế là ông lại phải bỏ tiền túi ra trả cái phí 5% vô lý kia.
Ông Đặng Vũ Minh, chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Thường trực Đoàn Chủ tịch LHHVN hiện nay có 4 người, gồm 1 Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch. Trong 4 người này thì 3 ông đã về hưu, vậy nhưng họ mặc dù đã hưởng lương hưu rồi, nhưng vẫn đòi hưởng nguyên mức lương trước khi nghỉ hưu do LHHVN trả (mỗi người tới cả chục triệu), lại còn được tính thêm cả phụ cấp trách nhiệm, tính bằng mức phụ cấp của Bộ trưởng và Thứ trưởng. Không chỉ có thế, 4 ông này mỗi ông một ô tô riêng, một lái xe riêng, được cơ quan cấp điện thoại di động và tiền gọi điện thoại hàng tháng (tính đúng bằng tiêu chuẩn của Bộ trưởng, Thứ trưởng).
Sướng như thế nên mới có chuyện một ông Phó Chủ tịch trong một cuộc họp bị một ông Trưởng ban cũng thuộc LHHVN (ông Trưởng ban này sắp đến tuổi nghỉ hưu nên coi giời bằng vung) mắng cho là dốt nát, không xứng đáng ở cương vị này, nếu có liêm sỷ thì từ chức đi. Ông Phó Chủ tịch nọ “cố đấm ăn xôi” không nói gì, ngồi im chịu trận để giữ ghế.
Một cơ quan trí thức nghe sang trọng mà mục ruỗng, thối nát như thế, mới biết đạo đức xã hội đã xuống cấp quá thể. Trí thức ngày xưa sẵn sàng từ quan để về ở ẩn, nay nhiều kẻ bất tài vô tướng được giữ ngôi cao bị tố cáo vẫn cố tình chạy chọt giữ ghế.
Viết ra những lời này, chúng tôi không có ý phủ nhận vai trò của LHHVN. Dưới thời những lãnh đạo có tâm, có tầm như GS.VS Vũ Tuyên Hoàng – Chủ tịch; PGS.TS Hồ Uy Liêm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, LHHVN đã hoạt động sôi nổi, có nhiều phản biện gây được tiếng vang trong xã hội, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Thế mới biết khi quyền lực rơi vào tay kẻ thất phu sẽ gây hậu quả nguy hại đến thế nào.

Không có nhận xét nào:

Trang