14 tháng 3, 2015

Loạn là do dối trá, do 'hình danh không đúng’

* NGUYỄN KHẮC MAI
Dư luận đang quan tâm đến Báo cáo điều tra xã hội học về nhũng thói xấu của xã hội Việt hiện nay do Trần Ngọc Thêm chủ trì. Đây là một đề tài nhạy cảm, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận, vì nó chính là những giá trị được hình thành một cách từ từ qua quá trình lịch sử do sự tác động bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là hệ ý thức ngoại lai được du nhập vào Việt Nam ngoài ý muốn của người dân.
Trước hết xin trích một câu nói của K. Marx về vấn đề này: “Tệ dối trá, tệ lớn nhất, gắn liền với báo chí bị kiểm duyệt, tệ xấu căn bản này là nguồn gốc của tất cả những thiếu sót khác của nó, trong đó cả mầm mống của mỹ đức , tệ đó là nguồn gốc của tệ đáng ghét nhất - thậm chí xét theo quan điểm mỹ học cũng thế - tệ tiêu cực. Điều đó dẫn đến cái gì? Chính phủ (ở VN thì phải nói trước hết là Đảng) chỉ nghe thấy tiếng nói của chính mình, duy trì sự lừa dối và cũng đòi nhân dân phải ủng hộ sự lừa dối đó. Còn nhân dân hoặc sẽ rơi vào tình trạng mê tín chính trị, hoặc hoàn toàn quay lưng với cuộc sống quốc gia , biến thành đám người chỉ sống với cuộc đời riêng tư”(Marx- Engels toàn tập,T1, tr105, NXB Sự thật).
Có một nghịch lý tồn tại từ rất lâu trong việc sử dụng chủ nghĩa Marx ở Việt Nammà cả giới lãnh đạo chóp bu cũng như hệ thống Trường Đảng đều rất hiểu nhưng không bao giờ nói ra. Đó là, một mặt, họ lợi dụng những phần không tưởng, thậm chí sai lầm nghiêm trọng trong học thuyết của Marx làm kim chỉ nam lừa bịp nhân dân, nhằm duy trì càng lâu càng tốt chế độ độc tài toàn trị; mặt khác lại phủ nhận những tư duy khoa học, nhất là những phản tỉnh trên tinh thần phục thiện vào cuối đời khi ông nhận ra những sai lầm của mình trong quá trình viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”và “Tư bản luận”.
Cho dù là “tổ sư” của Chủ nghĩa duy ý chí, nhưng cách đây gần hai trăm năm, Marx cũng đã từng cảnh báo tệ dối trá là nguồn gốc của mọi thứ tệ hại khác. Chính phủ, Đảng duy trì sự dối trá là chỉ muốn nghe tiếng nói của chính mình bất chấp mọi ý kiến phản biện của các thành phần xã hội.Và kết quả của nó là đẩy xã hội tới sự bất ổn chính trị, kinh tế khủng hoảng, văn hóa đạo đức băng hoại.
Cuối đời Marx và Engels đã đính chính lại học thuyết của mình khi họ nhiều lần khẳng định rằng không có cái gọi là lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa, đó là ảo tưởng nhất thời và ấu trĩ, và, về vai trò của giai cấp công nhân trong Cách mạng vô sản chỉ là sự ngộ nhận. Hãy nghe Ph. Engels nói (Trich Lời nói đầu Cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp): “Lịch sử chứng tỏ còn làm được nhiều hơn thế, không những đã xóa bỏ mê muội của chúng ta hồi đó mà còn thay đổi điều kiện đấu tranh của giai cấp vô sản. Phương pháp đấu tranh năm 1848 nay đã lỗi thời về mọi mặt, chẳng có mục tiêu lớn Chủ nghĩa cộng sản gì cả. Đó chỉ là một mệnh đề được người khai sáng chủ nghĩa Marx dề xuất lúc trẻ, nhưng vứt bỏ nó vào cuối đời”.
Còn về quyền sở hữu, thực chất là tư hữu, Marx đã phủ nhận chính học thuyết của mình: “Những nhà sản xuất (doanh nhân), chỉ trở thành tự do, một khi họ sở hữu được những phương tiện sản xuất” (đất đai, nhà xưởng, tàu thuyền, ngân hàng, tín dụng…). Thế mà các đảng Cộng sản cầm quyền, trong đó có Việt Nam lại xác quyết với dân là Marx chống tư hữu để đưa vào Hiến pháp khẳng định thể chế công hữu là chủ đạo, tìm mọi cách hạn chế quyền sở hữu của người dân nhất là về ruộng đất, đẩy đại đa số nông dân thành “vô sản” đúng với nghĩa đen của nó.
Điều thứ hai là Marx có một quan niệm hoàn toàn khác về vai trò giai cấp công nhân so với thời kỳ đầu: “Chính quyền của giai cấp công nhân sẽ được tạo dựng bằng một chế độ ủy quyền. Người ta sẽ phó thác cho một nhóm người tự mình ứng cử và bầu cử nhằm đại diện và cai trị họ. Điều ấy sẽ khiến cho họ rơi tõm ngay vào mọi sự lừa dối, và mọi sự lệ thuộc của chế độ ủy trị và tư sản. Sau một hồi ngắn ngủi tự do và say sưa cách mạng, làm công dân của một nhà nước mới, họ sẽ bừng tỉnh thấy mình là nô lệ, là con rối hoặc là con mồi cho những tham vọng mới” (ils se reveilleront esclave, jouets,ou victimes de nouveau ambitieux). Cả hai câu trên đều trich dẫn tư Marx Cuộc đời và tác phẩm của J.Eleinstein, NXB Fayard.
Khi nói về xã hội Việt Nam hiện tại, không thể không bàn tới cái gọi là chế độ Xã hội xã hội chủ nghĩa hay Chủ nghĩa cộng sản. Trước hết phải thừa nhận chủ trương công hữu tài sản là sai sai lầm nghiêm trọng, coi giai cấp công nhân là lực lượng tiên tiến lãnh đạo cách mạng, trong thực tế chính là đánh lừa họ, vô hình chung, biến họ thành con rối, con mồi cho những tham vọng chính trị của giới cầm quyền.
Chính thể CHXHCN Việt Nam hiện nay thực chất chỉ là bản sao không hoàn chỉnh của mô hình nhà nước kiểu trại lính của Stalin và phương châm “súng đẻ ra chính quyền” của Mao Trạch Đông. Những khẩu hiệu sáng loáng như “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” hay “Thể chế XHCN của chúng ta tốt đẹp gấp triệu lần tư sản”, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”… chỉ là những ngôn từ rỗng tuếch, bịp bợm, mê hoặc nhân dân nhằm củng cố địa vị thống trị của một tập thể “vua lãnh đạo” mà tiểu biểu là 16 danh xưng ngồi chót vót ngôi cao nhưng thiểu năng trí tuệ, não trạng đen tối.
Từ nhũng năm 1960 cho đến trước năm1975 ở miền Bắc, rồi từ 1975 đến 1986 ở cả nước, Đảng CSVN đã quán triệt một chủ trương duy ý chí đến mức điên rồ “tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Kết quả là, không phải sức mạnh hủy diệt của B52 Mỹ như R.Nixson từng tuyên bố, mà chính đường lối sai lầm của Đảng CSVN, đã xuýt nữa “đưa đất nước Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”. Đến trước Đại hội VI, khi mà nền kinh tế Việt Nam đang mấp mé bên bờ vực thẳm, người dân có nguy cơ chết đói hàng loạt, khiến ông Đảng trưởng phải buột miệng kêu lên “chúng ta phải tự cứu mình trước khi trời cứu, thì cũng là lúc Đảng nhận ra sai lầm nhưng lại đổ lỗi cho hoàn cảnh “khách quan”, đó là “tại kháng chiến chống Mỹ và thằng bao cấp(?!). Ông trùm Lenin từng cảnh báo về tác hại của thói “kiêu ngạo cộng sản” nhưng Đảng không lấy đó làm bài học sửa mình mà luôn tự vỗ ngực khoe khoang, họ bao giờ cũng đúng. Chỉ có nhân dân là sai, cho nên, khi bị dồn đến bước đường cùng, Đảng vội đẩy “thằng bao cấp” ra làm vật hy sinh.
Thật ra bao cấp chỉ là một phương thức quản lý và phân phối sản phẩm xã hội, nó được hình thành ngay từ thời kỳ phong kiến. Ngày nay, “bao cấp” được duy trì dưới nhiều hình thức khác nhau trong hầu hết các quốc gia, trong đó làm tốt nhất phải nói là các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch. Đó là những nước nằm trong hệ thống Tư bản chủ nghĩa, nhưng thực chất nội hàm của nó lại là “Chủ nghĩa xã hội dân chủ”. Ở đó, an sinh xã hội cao chính là một hình thức bao cấp tuyệt vời nhất, mà với Việt Nam, có lẽ đến thế kỷ XXII vẫn chỉ là giấc mơ giữa ban ngày.
Ở châu Á , Singapore là nơi phương thức bao cấp theo Lý Quang Diệu cũng là một mô hình rất đáng cho những người Cộng sản Việt Nam học tập.
Nhưng vấn đề là, “đảng ta” không bao giờ hạ mình học tập ai bởi “Đảng là trí tuệ, là văn minh…” (Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của HCM), thì làm sao còn phải học.
Ai cũng biết nhà nước pháp quyền hiện đại đều phải dựa theo nguyên lý cơ bản “Tam quyền phân lập”, một thứ được xem là “khế ước xã hội” tiến bộ cả thế giới phải thừa nhận, Đảng không dám trắng trợn xóa bỏ nguyên lý này, bèn đánh tráo bằng mệnh đề rất chi là “thớ lợ”: “sự phân công giữa ba cơ quan quyền lực!”. Thế nhưng, đến đứa trẻ con cũng biết, sự phân công là đương nhiên giữa các cơ quan quyền lực, kể cả trong cái cơ cấu nhà nước độc tài toàn trị Cộng sản.
Có thể nói Đảng CSVN là bậc thầy của những chuyên gia sáng tạo “giảo ngữ”. Ví dụ, khi đưa ra “sáng kiến” “phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN”, thì báo chí hé lộ một định nghĩa quá tức cười, bởi vì nó không định được gì cả, rằng “kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế có đầy đủ yếu tố thị trường theo định hướng XHCN”(xem bài tường thuật cuộc hội thảo “Nhận thức mới về kinh tế thị trường XHCN” trên báo Tuổi trẻTPHCM).
Một thiết chế xã hội, trong đó những thực thể được coi là chính thống, nhưng không chính danh, lô gích nội tại không chính xác, làm sao khắc phục được sự rối loạn chuẩn mực. Một khi đã rối loạn chuẩn mực thì tất yếu dối trá sẽ lên ngôi, biến một xã hội tử tế thành xã hội lưu manh, trong đó kẻ cầm quyền là trùm lưu manh.
Đầu năm Con Dê này, ở lĩnh vực văn hóa, ngoài các tin “giật gân” như hiện tượng “cướp” trong các lễ hội đến mức ẩu đả phải vào bệnh viện mà ông Phó trưởng Ban Tuyên Huấn Thành ủy Hà Nội giải thích theo “định hướng” là “cướp có văn hóa”, tin Mạnh Vương ngự trên “ngai vàng” ở “phòng khánh tiết” tư gia, tiếp Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (lực lượng hậu bị) thì sự kiện làm bàn dân thiên hạ “choáng” nhất là cái hôn đầy nhơt dãi mang nặng màu sắc tình dục vào má cô hoa hậu mới đăng quang của một ông Giáo sư, Anh hùng lao động, rởm. Lại nữa, ngoài đôi câu đối đầu ngô mình sở nặng mùi sex mà một vế “mượn tạm” của Lý Bạch, tặng người đẹp Kỳ Duyên, “Đương đại quốc sư” còn bị bóc mẽ khi “thuổng” trọn vẹn đôi câu đối của người khác đặt lên bàn thờ tổ tiên họ Vũ của mình.
Từ những hiện tượng không bình thường trên, ta có thể thấy nền văn hóa Việt Namđã đến kỳ mạt vận. Trần Nhân Tông viết trong Cư trần lạc đạo: “Cùng nơi ngôn cú”, nghĩa là nơi lĩnh vực ngôn cú - lĩnh vực tư duy khoa học, nghiên cứu…phải đi đến cho tận cùng. Điều tra xã hội học để thấy rõ cái thực trạng đang diễn ra từng ngày, từng giờ trong cuộc sống. Tuy nhiên, chỉ mô tả thực trạng không đủ mà phải cứu xét đến tận cùng của nguồn gốc. Có như thế mới tìm được cách uốn nắn, điều chỉnh.
Phương Tây họ có mấy chữ bắt đầu bằng ký tự “W” để nói cả qui trình nghiên cứu. Chữ “What” là nói nội dung của thực trạng tệ giả dối. Chữ “Who” nói ai là thực thể hành xử tiêu cực, và quan trọng là “ai” đã góp phần gây nên tệ nạn. Không thể không nghĩ tời tầng lớp trí thức vốn rất bạc nhược của nước ta. Họ không phải là kẻ đầu têu, nhưng là kẻ cổ xúy rất nhiệt tình cho những tệ nạn xấu xa đó. Có thể nói, “Văn hóa Đảng” đã biến giới trí thức Việt Nam thành những kẻ bạc nhược, nhưng lại cơ hội và đầy tham vọng.
Có một “ai” nữa là hệ thống chính trị cổ hủ, lạc hậu , giáo điều. Trong cái guồng máy đầy khuyết tật ấy, 4 triệu đảng viên không thể là kẻ vô can.
Còn chữ “Why” là nói sự tìm tòi cho ra nhũng nguyên nhân khác nhau. Có nguyên nhân từ hệ ý thức, thể chế chính trị, có nguyên nhân văn hóa , đạo đức, nguyên nhân kinh tế, giáo dục, nguyên nhân tông giáo (đương nhiên là tông giáo quốc doanh). Trong lĩnh vực này, K.Marx tuy mắc không ít sai lầm , nhưng đôi lúc ông cũng có những nhận định khá chính xác về các mối quan hệ xã hội: “bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội”. Tuy nhiên hầu hết cán bộ tuyên huấn thường quên chữ “bản chất” nên hiểu hiểu sai ý Marx. Khi những quan hệ xã hội lệch pha, rối loạn, không xác tín, nghĩa là những quan hệ dối trá, thì phẩm chất của con người sẽ thế nào có thể đoán định ra được.
Bản báo cáo không chỉ tìm nạn nhân, phải tìm thấy tội nhân và cả nhũng tác nhân trong vô vàn những dữ liệu sống.
Tôi xin trích một câu nổi tiếng về chính danh trong sách Lã Thị Xuân Thu: “Danh chính thì trị, danh mất thì loạn. Kẻ làm cho mất danh là kẻ nói, chủ trương quá mức. Nói, chủ trương quá mức, tức là biến cái có thể, cái cho phép thành cái không có thể, không cho phép: Nên cái phải, biến thành cái không phải, biến cái đúng thành cái không đúng, cái sai thành cái không sai…Phàm mọi sự loạn là do hình danh không đúng vậy”.
Trước khi dừng bút xin chép tặng giới trí thức nước nhà một câu triết lý của Alcuin, mà Nietzsche rất thán phục và nhắc lại: “Thiên chức của triết học (Trí thức) là đính chính những điều thiên lệch, củng cố những điều chính nghĩa, và làm thăng hoa những điều thánh thiện”(La vẻritable vocation royale pour une philosophie: Prava corrigere,et recta corroborare et saneta sublimare). Liệu trí thức nước nhà đã thật sự “thức dậy” chưa đặng kê lại cho bằng nhũng thiên lệch, gia cố cho đủ mạnh những gì đứng đắn, và làm thăng hoa những gì là tốt đẹp?

Không có nhận xét nào:

Trang