Ngày 3 tháng 12 năm 2014, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI). Việt Nam đứng thứ 119 trên 175 quốc gia. Trong khi các quốc gia lân cận đều cải thiện về chỉ số CPI, thì chỉ số CPI của Việt Nam không thay đổi trong ba năm liên tiếp (2012- 2014) và tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Vậy là qua 3 năm mặc dù đã có nhiều hô hào chống tham nhũng, nhưng tham nhũng vẫn không hề thuyên giảm.
Để xem xét vấn đề vì sao chống tham nhũng ở Việt Nam không hiệu quả, chúng ta thử so sánh với một quốc gia láng giềng có thành tích chống tham nhũng tốt là Singapore.
Singapore chống tham nhũng
Sau khi giành độc lập, Singapore phải đối mặt với vấn nạn tham nhũng hoành hoành tàn phá đất nước. Năm 1979 Thủ tướng Lý Quang Diệu đặt quyếttâm chống tham nhũng, ông nói: “Một khi những nhà lãnh đạo chủ chốt kém liêm khiết, không nghiêm khắc đòi hỏi những chuẩn mực cao, lúc đó cấu trúc toàn vẹn của hệ thống hành chính sẽ yếu đi và cuối cùng nó sẽ sụp đổ. Singapore chỉ có thể tiếp tục tồn tại nếu như các bộ trưởng và viên chức cao cấp đều liêm khiết và làm việc hiệu quả…Chỉ khi nào chúng ta gữi vững tính toàn vẹn của bộ máy hành chính thì nền kinh tế mới có thể vận hành theo hướng cho phép người Singapore thấy rõ mối liên hệ giữa làm việc siêng năng với những phần thưởng xứng đáng. Chỉ khi đó, người ta, người nước ngoài và người Singapore mới đầu tư vào Singapore; chỉ khi đó người dân Singapore mới làm việc để bản thân và con cái của mình tốt hơn thông qua giáo dục và đào tạo, thay vì chỉ trông chờ vào vận may đến từ bạn bè hay người thân, hay bôi trơn quan hệ ở những nơi thích hợp”
Cơ quan điều tra tham nhũng (CPIB) hoàn toàn tách biệt khỏi khỏi tất cả các cơ quan ban ngành khác, và chỉ đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ Tướng Lý Quang Diệu. Chính điều này giúp cho CPIB không bị chi phối trong quá trính điều tra chống tham nhũng.
Singapore đẩy mạnh chống tham nhũng từ trên xuống, bắt đầu từ các lãnh đão cao nhất cho đến Bộ trưởng. Khi các lãnh đạo đều liêm khiết, các viên chức nhìn thấy điều này thì không còn dám tham nhũng nữa, người dân từ đó tin tưởng vào các viên chức và lãnh đạo. Dần dần tham nhũng ở Singapore bị đẩy lùi.
Từ kinh nghiệm chống tham nhũng ở Singapore có thể thấy rằng nếu người lãnh đạo không trong sạch thì cuộc chống tham nhũng không thể thành công
Lãnh đạo phải làm và thực hiện trước thì các viên chức cấp dưới mới nhìn và làm theo.
Cần phải có cơ quan điều tra chống tham nhũng hoạt động độc lập mà không bị chi phối bởi bất kỳ tổ chức nào.
Chống tham nhũng ở Việt Nam
Trái ngược với Singapore, Việt Nam không phải chống tham nhũng từ trên xuống, mà là chống tham nhũng từ dưới lên.
Tất cả các vụ án tham nhũng ở Việt Nam đều bắt đầu từ dưới, và thường lên đến cấp bậc GĐ các Tổng Công ty là hết, điều tra cấp trên nữa là khó khăn và phải chấm dứt điều tra.
Ví dụ như vụ án Vinalines, khi Dương Chí Dũng cùng một loạt các nhân viên cấp dưới bị bắt, lời khai của Dương Chí Dũng lên đến cấp cao hơn là Thứ trưởng CA Phạm Qúy Ngọ, trong khi người ta đang chờ đợi diễn biến tiếp theo của vụ án thì ông Ngọ chết đột ngột, vụ án thế là dừng lại.
Một vụ án quy mô lớn khác là vụ án PMU18, đây là vụ án nổi tiếng cả nước và đặc biệt liên quan đến vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA). Rất nhiều người đã bị bắt, trong đó có TGĐ PMU18 là Bùi Tiến Dũng, vụ án đã điều tra lên cấp Thứ trưởng Thường trực Bộ Giao thông Vận tải là Nguyễn Việt Tiến.
Ông Nguyễn Việt Tiến bị truy tố với tội danh: Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
Rất nhiều bài báo thời gian này mô tả rất rõ về thói ăn chơi trác táng sa đọa của Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng khiến dư luận rất phẫn nộ.
Báo chí trong và ngoài nước thời gian này đang lên tiếng ca ngợi Việt Nam mạnh tay chống tham nhũng, khi mà đã có cấp Thứ trưởng bị tạm giam và khởi tố. Và dư luận trong nước chờ đợi những bản án thích đáng cho bị can.
Thế nhưng bất ngờ thay ông Tiến được tuyên bố trắng án và được phục hồi Đảng tịch, điều này khiến dư luận bức xúc với những nghi vấn về việc chạy án.
Thế nhưng sau đó sự việc còn kỳ lạ hơn nữa là 2 phóng viên của hai tờ báo lớn là Thanh Niên và Tuổi Trẻ viết bài về PMU18 bị bắt giam, điều này đúng là ngoài sức tưởng tượng của dư luận.
Dư luận nhìn chung nhìn nhận báo chí bị đối xử thô bạo khi chống tham nhũng, và chẳng còn gì vô lý hơn khi kẻ tham nhũng được trắng án, còn người viết bài về tham nhũng phải vào tù.
Với việc chống tham nhũng như thế cũng đá đánh dấu chấm hết cho niềm tin của người dân vào việc chống tham nhũng.
Báo tuổi trẻ đăng bài về hai nhà báo bị bắt vì chống tham nhũng
Để chống tham nhũng Chính phủ đã ra Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 08 năm 2011 của về minh bạch tài sản, thu nhập. Theo văn bản này thì người kê khai tài sản phải công khai bản kê ấy ở đơn vị công tác, nơi hay đến làm việc.
Việc kê khai phải có đầy đủ thông tin biến động cũng như số lượng, giá trị tài sản, thu nhập có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên…
Thực tế khi triển khai thì việc kê khai phụ thuộc vào ý thức tự giác của người kê khai tài sản, còn người xác minh tài sản lại cũng là người cùng đơn vị, đồng thời tài sản của người kê khai lại được giữ bí mật.
Người kê khai và người xác minh lại cũng không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Đồng thời người kê khai không muốn tiết lộ tài sản, người xác minh cũng cũng thừa hiểu việc này chả thế chống tham nhũng được nên cũng chỉ lam lấy lệ.
Việc xác minh tài sản cũng gặp khó khi mà tài sản của các quan chức rất nhiều là do người khác đứng tên.
Vì thế mà việc minh bạch tài sản để chống tham nhũng hoàn toàn thất bại
Hiện nay với việc phát triển bùng nổ của thông tin, rất nhiều những hình ảnh dinh thự nguy nga đồ sộ của các quan chức cấp cao, cũng như những bằng chứng tham nhũng công khai đăng trên các mạng xã hội, trong khi đó Chính phủ vẫn luôn có những lời hô hào chống tham nhũng nhưng nhiều chứng cứ trên mạng xã hội lại bỏ qua khiến người dân không có niềm tin vào chống tham nhũng.
‘Thượng bất chính, hạ tắc loạn’, các viên chức cấp dưới cũng không còn kiêng dè gì khiến cho tham nhũng chưa bao giờ hoành hoành tràn lan tàn phá đất nước đến thế. Tham nhũng đã len lỏi vào tất cả các ngõ ngách trong cuộc sống xã hội, đến từng người dân một, lan tràn phổ biến đến mức đã thành tự nhiên khiến người dân làm bất cứ thủ tục gì cũng phải có tiền mới xong việc được.
Phương án đẩy lùi tham nhũng tại Việt Nam
Để sớm đẩy lùi tham nhũng cần có biện pháp triệt để và mạnh mẽ. Đầu tiên phải xác định chống tham nhũng phải đi từ trên xuống dưới. Cần có một cơ quan điều tra chống tham nhũng hoạt động hoàn toàn độc lập mà không phải chịu chi phối bởi bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào, kể cả sự chi phối của Đảng.
Chống tham nhũng từ trên xuống dưới bắt đầu từ cấp cao nhất trong Đảng, Chính phủ. Việc chống tham nhũng ngay từ bên trên khiến cho các viên chức cấp dưới không còn dám tham nhũng nữa, cũng sẽ tạo được niềm tin của người dân.
Nếu không làm được như thế thì việc chống tham nhũng vẫn mãi chỉ quanh quẩn ở những lời hô hào, hoàn toàn không có tác dụng.
Ngọn Hải Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét