14 tháng 8, 2014

Trung Quốc âm mưu thiết lập 'siêu hạm đội' dầu khí ở biển Đông

"Nhà máy lọc dầu trên biển" Hải Dương 118 vừa được Trung Quốc hoàn thành và nhiều khả năng sẽ hoạt động tại Biển Đông.Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 8/8, Tổng công ty dầu khí đại dương Trung Quốc (CNOOC) đã hoàn thành việc đóng mới tàu “kho nổi” kiểu FPSO mang tên Hải Dương 118. Kho nổi này đã được hoàn thành tại nhà máy đóng tàu Đại Liên, dự kiến sẽ bàn giao trong tháng 8/2014 và nhiều khả năng sẽ hoạt động tại khu vực Biển Đông, cùng các tàu FPSO khác.
Hải Dương 118 dài 266,64m, diện tích boong tàu tương đương với 2 sân bóng đá tiêu chuẩn, chiều cao từ đáy tàu tới cấu trúc thượng tầng của tàu là 50 m. Với kích thước như trên, Hải Dương 118 tương đương với một tòa nhà 17 tầng trên biển.
Theo tin từ báo Hải dương Trung Quốc, kho chứa nổi, xử lý và chế biến dầu thô FPSO Hải Dương 118 có trọng tải thiết kế 150.000 tấn với khả năng xử lý 56.000 thùng dầu mỗi ngày.
Sau khi Hải Dương 118 được bàn giao, CNOOC sẽ có tổng cộng 17 kho nổi loại này, biến công ty này thành “ông trùm” sở hữu “siêu hạm đội” FPSO có quy mô và trọng tải hàng đầu trên thế giới.
FPSO là thiết bị tổng hợp cỡ lớn trong ngành dầu khí đại dương, bao gồm các khâu xử lý dầu thô, lưu trữ và xuất dầu. Thiết bị FPSO được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” trong ngành dầu khí, hay còn gọi là “nhà máy lọc dầu trên biển”.
Tân Hoa Xã tuyên bố, khu vực hoạt động của các FPSO Trung Quốc chủ yếu ở Biển Đông và biển Bột Hải (Đông Bắc Trung Quốc), độ sâu tác nghiệp từ 10 - 330 m, trọng tải từ 50.000 - 300.000 tấn. Hiện tại Trung Quốc đã có thể tự thiết kế, chế tạo và thử nghiệm các kho FPSO của mình.
Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn năng lượng Trương Vũ Khuê lớn tiếng cho rằng thiết bị FPSO không chỉ là trang bị thiết yếu trong ngành dầu khí hải dương, mà còn thể hiện năng lực về công trình biển của cả một quốc gia.
Năm 2009, kho nổi FPSO cỡ lớn Hải Dương 117 trọng tải 300.000 tấn được đưa vào khai thác tại mỏ dầu Bột Hải. Năm 2010 FPSO siêu nhỏ chuyên hoạt động tại các mỏ dầu gần thềm lục địa - Hải Dương 161 cũng được đưa vào sử dụng.
Tân Hoa Xã khoe khoang, Trung Quốc hiện tại đã có đủ khả năng đưa ra thiết kế dựa theo đánh giá yêu cầu và lợi ích kinh tế của những mỏ dầu khác nhau.
Việc hoàn thành kho nổi Hải Dương 118 sẽ giúp CNOOC hoàn thiện khả năng khai thác và xử lý dầu thô ngay trên biển. Điều này có thể dẫn tới những căng thẳng mới trên Biển Đông một khi “siêu hạm đội” FPSO được Trung Quốc đưa vào hoạt động tại các vùng biển tranh chấp.
                                                                                                          (Nguồn Trí Thức Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Trang