11 tháng 8, 2014

Danh chính thì ngôn mới thuận

Gia Minh/TBKTSG
Ảnh bên:Khi phát biểu, tại sao các đại biểu quốc hội lại không đứng trên diễn đàn quay về phía “đồng viện” để nói với cả nước bởi trước mặt họ là những người đại biểu của nhân dân. Ảnh: Nguồn internet.
Mới đây các báo đăng lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rằng “có những phiên thảo luận của Quốc hội, người phát biểu không biết là nói ý của mình hay ý của ai, có đại biểu còn phát biểu bài của người khác, như thế là không nghiêm túc”. Nhận xét của người đứng đầu cơ quan lập pháp được nhiều người chia sẻ.
Như ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, còn đi xa hơn khi cho rằng đây là một tình trạng nguy hiểm trong hoạt động Quốc hội, đại biểu bị dẫn dắt, chi phối của các nhóm lợi ích, các thế lực nào đó mà không nói lên tiếng nói của mình, không nói lên tiếng nói và nguyện vọng của cử tri mà lại “phát biểu bài của người khác”.
Giã từ diễn đàn Quốc hội một thời gian ông nghiệm ra rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ đặc điểm riêng của Quốc hội nước ta đó là nặng tính cơ cấu. Cùng là đại biểu bình đẳng trong cơ quan quyền lực này nhưng người này là bộ trưởng, người khác là giám đốc một sở ở địa phương, người này là quan đầu tỉnh, người kia là cán bộ cấp huyện. Đại biểu “cấp dưới” liệu có mạnh dạn phát biểu ý kiến ngược lại đại biểu “cấp trên” hay không?
Quốc hội chúng ta đa số là những người đang giữ một chức vụ trong bộ máy chính quyền mà chúng ta gọi là kiêm nhiệm. Suy cho cùng thì cũng từ chuyện thể chế mà ra.
Ở hầu hết các nước, dân biểu hoặc nghị sĩ được bầu vào Quốc hội là những người ở địa phương, sâu sát và am hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân. Nhờ vậy mà họ là đại biểu đúng nghĩa, họ phát biểu vì người dân, bảo về lợi ích chính đáng của người dân. Họ có văn phòng thường trực ở địa phương để có mối quan hệ gắn bó, có điều kiện lắng nghe và giải quyết những yêu cầu khi dân cần đến nhất là về mặt quyền lợi.
Còn quan chức đầu tỉnh ở các nước có hai vai trò, một là người đại diện cho chính quyền trung ương trong vai trò cai trị, hai là công bộc của dân, lo cho dân từ cái ăn cái ở đến bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Làm tròn hai nhiệm vụ ấy thì ông ta mới được dân thương, mới tồn tại ở địa phương. Còn như chỉ một trong hai nhiệm vụ không tròn, nhất là khi không được lòng dân thì việc bị điều về trung ương là chuyện phải đến.
Ở nước ta cơ chế hoàn toàn ngược lại. Quan chức đầu tỉnh là người ở địa phương với các mối quan hệ chằng chịt và tế nhị có thể tác động đến vai trò quản lý xã hội đòi hỏi sự minh bạch và công bằng. Trong khi đó, rất nhiều đại biểu Quốc hội được cơ cấu không phải là người địa phương mà như từ trên trời rơi xuống, dân có khi không biết mặt người đại biểu mà mình đã bầu ra, “xuân thu nhị kỳ” họ trở về tiếp xúc với cử tri trước và sau mỗi kỳ họp thì làm sao có được sự gần gũi với dân, làm sao nói được tiếng nói trung thực phản ánh đúng ý nguyện người dân. Và khi ấy họ phát biểu bài của người khác, không phải của mình, lại càng không phải là điều người dân gửi gắm thì cũng dễ hiểu.
Khi phát biểu thì đại biểu Quốc hội của chúng ta đứng bên dưới hội trường hướng về đoàn chủ tịch như trình bày một vấn đề gì đó với cấp trên, tại sao lại không đứng trên diễn đàn quay về phía “đồng viện” để nói với cả nước bởi trước mặt họ là những người đại biểu của nhân dân. Đó cũng là một biểu hiện chưa bình đẳng trong sinh hoạt nghị trường dễ đào sâu khoảng cách giữa các đại biểu có điểm xuất phát khác nhau.
Sự nhập nhằng trong vai trò của các đại biểu Quốc hội, vừa là người tham gia chính quyền, vừa là đại diện cho ý nguyện người dân mà chúng ta gọi là kiêm nhiệm, trong chừng mực nào đó cũng như chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi.
Chẳng lẽ chúng ta không đủ người tài năng để chia sớt gánh nặng của thể chế? Chẳng lẽ ngân sách chúng ta không đủ khả năng trang trải chi phí cho hoạt động của các đại biểu Quốc hội đến mức phải nhờ vào đồng lương và phương tiện của bộ máy chính quyền phục vụ cho hoạt động lập pháp?
Sự nhập nhằng đó cũng làm Quốc hội mất đi tính chuyên nghiệp vốn là điều kỳ vọng lâu nay của người dân, mà cơ quan quyền lực này chưa đáp ứng được.
Mong sao rồi đây ở nước ta, khi một quan chức trở thành đại biểu Quốc hội thì họ sẽ phải giã từ chính quyền để toàn tâm, toàn ý trong vai trò quan trọng vừa được người dân tin cậy trao cho. Và khi ấy tiếng nói của họ mới độc lập, mới có trọng lượng vì đó là tiếng nói của người dân, mới không cần vay mượn của người khác, mới không phát biểu cho nhóm lợi ích nào cả.
Danh có chính thì ngôn mới thuận, người xưa đã nói vậy.

Không có nhận xét nào:

Trang