11 tháng 8, 2014

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền khiếu nại EC về vấn đề nhân quyền VN

Trà My/ VOA
Ảnh bên:Bà Gaelle Dusepulchre nói rằng đánh giá tác động nhân quyền sẽ giúp soi rọi cho tất cả những sự cải cách cần thiết trong các thỏa thuận quốc tế và đồng thời cũng có ảnh hưởng rộng lớn hơn đối với các nước vi phạm nhân quyền khác trong khu vực ASEAN
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và tổ chức thành viên Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) hôm nay nộp đơn khiếu nại lên thanh tra của Liên hiệp Châu Âu yêu cầu xem xét việc Ủy ban Châu Âu (EC) từ chối không đánh giá điều kiện nhân quyền tại Việt Nam trong các cuộc thương lượng về Thỏa thuận Tự do Mậu dịch giữa EU với Việt Nam.
FIDH tố cáo các cuộc thương thuyết mậu dịch đang diễn ra giữa những vi phạm nhân quyền gia tăng và chiến dịch đàn áp khốc liệt của Hà Nội nhắm vào quyền tự do ngôn luận của người dân với ít nhất 65 blogger bị cầm tù trong năm ngoái và thêm 14 người nữa bị bắt trong nửa đầu năm nay.
FIDH nói thương lượng làm ăn mà không lưu tâm đến thực trạng nhân quyền tồi tệ là điều không thể chấp nhận, đồng thời lên án việc EC đề nghị giao thương ‘bình thường’ với Việt Nam trong lúc các giới chức hàng đầu của EU thời gian gần đây liên tục đả kích những bản án nặng tay Hà Nội dành cho giới bảo vệ nhân quyền hay những tiếng nói bất đồng với nhà nước.
Theo Liên đoàn, thỏa thuận thương mại và đầu tư có ảnh hưởng trực tiếp tới các vi phạm nhân quyền về các khía cạnh như quyền của người lao động, quyền tiếp cận sở hữu đất đai hay tài nguyên thiên nhiên, và các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.
FIDH nói có thể ngăn ngừa các vi phạm nhân quyền đó bằng các đánh giá nhân quyền, đưa các điều khoản về vi phạm nhân quyền vào thỏa thuận thương mại, và rằng việc EC từ chối không làm điều này hoàn toàn đi ngược lại với các nghĩa vụ về tôn trọng nhân quyền quốc tế.
EC hồi tháng 6 bác yêu cầu của FIDH và VCHR về việc tiến hành các đánh giá về tác động nhân quyền, nói rằng đánh giá được thực hiện từ năm 2009 đối với tất cả các nước ASEAN vẫn còn hiệu lực.
EC lập luận rằng việc đánh giá nhân quyền đã có các cơ chế và chính sách hữu hiệu khác của EU đảm trách.
Các công cụ phát huy nhân quyền và đáp ứng với các vi phạm tại Việt Nam mà EC nhắc tới bao gồm bao gồm Thỏa thuận Hợp tác Đối tác PCA kết thúc giữa năm 2012 nhưng chưa được phê chuẩn, Đối thoại nhân quyền, các hành động ngoại giao hay tuyên bố công khai, sự tương tác với giới bảo vệ nhân quyền, và các dự án hỗ trợ thăng tiến nhân quyền.
Phát biểu với VOA Việt ngữ, đại diện FIDH tại Châu Âu cho biết Liên đoàn trên 100 tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới này khiếu nại với thanh tra EU với hy vọng đưa nhân quyền trở lại trọng tâm của mối quan hệ Việt Nam-EU.
Bà Gaelle Dusepulchre nói thêm:
“Đánh giá tác động nhân quyền sẽ giúp soi rọi cho tất cả những sự cải tổ cần thiết trong các thỏa thuận quốc tế và đồng thời cũng có ảnh hưởng rộng lớn hơn đối với các nước vi phạm nhân quyền khác trong khu vực ASEAN mà EU đang tiến hành thương lượng các thỏa thuận như Miến Điện chẳng hạn.” 
Đại diện Liên đoàn hy vọng thanh tra EU sẽ đáp ứng lời kêu gọi của FIDH rằng quyền con người là vấn đề cấp thiết cần phải được ưu tiên trên tất cả các lợi ích về kinh tế.
FIDH cho biết theo dự kiến các cuộc thỏa thuận tự do thương mại Việt Nam-EU sẽ chung quyết trong tháng 10 tới đây.
Liên đoàn thúc giục thanh tra EU sớm hồi đáp khiếu nại, đưa ra khuyến nghị yêu cầu EC tiến hành đánh giá nhân quyền trong thương lượng mậu dịch với Việt Nam dù các khuyến nghị này không mang tính cưỡng hành đối với Ủy ban Châu Âu.
Trong trường hợp khiếu nại bị khước từ, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền quả quyết sẽ tiếp tục kháng nghị, dùng các đòn bẩy chính trị để đánh động sự quan tâm của quốc tế thúc đẩy nhân quyền Việt Nam.
Hà Nội lâu nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, gọi đó là hành động ‘xuyên tạc’, ‘chống phá’ của các thế lực ‘thù địch’, ‘thiếu thiện chí’.
Việt Nam nói tuy vẫn còn những điều cần khắc phục, nhưng nhân quyền trong nước luôn được tôn trọng và bảo vệ.

Không có nhận xét nào:

Trang