Tuần Việt Nam/Vnn
Ảnh bên: Tọa đàm: Từ cuộc cách mạng xác lập nền dân chủ nghĩ về nước Việt Nam giàu mạnh, tự chủ.
NQL: Đây là cuộc thảo luận rất thú vị, nó chạm tới những vấn đề cốt lõi của thể chế khốn khổ này. Cảm ơn nhà báo Thu Hà và Tuần Việt Nam.. Tiếc rằng khi lên báo vẫn bị biên tập quá đáng.
Ví dụ Ts Giang nói "Hãy bắt đầu từ việc xây dựng nhà nước pháp quyền" thì bị bổn báo thêm vào cái ngoặc XHCN: Hãy bắt đầu từ việc xây dựng nhà nước pháp quyền (XHCN). Lâu nay vẫn là pháp quyền XHCN rồi còn " bắt đầu" cái đíu gì nữa? Chỉ một cái ngoặc thôi đã làm hỏng cả chủ đề cuộc tọa đàm.
Vẫn biết phải biết sợ để tồn tại, nhưng sợ đến thủ tiêu hoặc làm biến dạng điều mình muốn nói thì nên bỏ bút về ôm đít vợ, đừng làm báo nữa phí cơm.
Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc tọa đàm với 2 vị khách mời: Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, GĐ kiêm kinh tế trưởng của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐHQG), thành viên nhóm tư vấn chính sách của Thủ tướng. Và, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đến từ Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng.
Nhà báo Thu Hà: Trong môi trường toàn cầu hóa, các quốc gia đang ngày càng có các mối quan hệ chặt chẽ, lệ thuộc lẫn nhau, đúng không ạ?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Xét về góc độ kinh tế của quan hệ thương mại quốc tế, việc Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc có lý do.
Trung Quốc được xem là nguồn cung ứng nguồn nguyên liệu giá rẻ và chất lượng thấp cho thế giới. Hai đặc điểm này phù hợp với Việt Nam. Nói thật là số đông doanh nghiệp Việt Nam không có đủ tiền mua hàng chất lượng cao, giá đắt hơn từ các quốc gia khác, họ chỉ có đủ tiền để mua hàng với giá rẻ, quay vòng vốn nhanh và Trung Quốc đã đáp ứng được điều đó.
Về xuất khẩu cũng thế, thị trường Trung Quốc rất dễ dãi về chủng loại, không có nhiều hàng rào kiểm định khắt khe như thị trường Mỹ, Nhật, Eu… nên phù hợp với hàng hóa chưa có thương hiệu, xuất khẩu thô và chất lượng kém.
Nhà báo Thu Hà: Thái Lan, Đài Loan, Malayxia và nhiều nước khác cũng có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng sao họ không gặp rủi ro như chúng ta?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Đúng. Quan hệ kinh tế của nhiều nước với Trung Quốc cũng rất nhộn nhịp, nhưng họ không đến nỗi bị lệ thuộc quá lớn vào Trung Quốc vì bên cạnh những hàng hóa phù hợp xuất nhập khẩu phù hợp với thị trường Trung Quốc thì những nước này đã chuẩn bị những hàng hoá chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kiểm định ngặt nghèo của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Bản thân Việt Nam cũng phải nhận thấy một thời gian dài chúng ta chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc và rơi vào bẫy mua bán hàng hóa giá rẻ. Chính từ những hành động vừa rồi của Trung Quốc như đóng cửa khẩu, đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam buộc các nhà hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp của chúng ta phải thức tỉnh.
Nhà báo Thu Hà:Thực tế đã chứng minh, kinh tế chưa mạnh sẽ là mối đe dọa có thực về an ninh quốc gia, về độc lập chủ quyền lãnh thổ?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Xét trên nguyên tắc kinh doanh, không bao giờ cho trứng vào một giỏ. Khi tập trung quá nhiều tiềm lực vào một nơi thì tính rủi ro cũng tăng lên.
Còn xét trên các phương diện khác, không chỉ thuần kinh tế, thì nếu gắn bó vào một thể chế chính trị khó đoán như Trung Quốc thì chúng ta dễ bị rủi ro, nhất là khi hai bên cơm không lành canh không ngọt.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Trước những động thái vừa rồi trong khu vực và trên thế giới người dân muốn nhận được những thông điệp rõ ràng từ phía những nhà lãnh đạo Việt Nam về hướng đi sắp tới của đất nước, để họ yên tâm.
Với kích cỡ của một quốc gia và nền kinh tế như hiện nay của chúng ta, và trong một thế giới toàn cầu hoá, rõ ràng chúng ta nên đặt ra câu hỏi “ta nên đứng bên cạnh ai, chọn ai là bạn?”
Chỉ khi chúng ta chứng tỏ được mình là một thành viên có giá trị, có đóng góp vào cộng đồng quốc tế, thì lúc đó mới được các quốc gia khác hỗ trợ, bảo vệ khi chúng ta gặp khó khăn.
Nhà báo Thu Hà: Vài năm vừa qua, đã có nhiều cuộc thảo luận rộng rãi trong xã hội về việc đi tìm một mô hình phát triển phù hợp cho Việt Nam. Với những thách thức gần đây cả về nội tại cũng như môi trường quốc tế, trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dạy mạnh mẽ, thì mô hình phát triển của Việt Nam cần được bổ sung như thế nào?
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Các nước Bắc Âu đã chỉ cho chúng ta thấy một mô hình phát triển nhân văn, thịnh vượng, dựa trên tôn trọng thiên nhiên, bình đẳng, khuyến khích sự phát triển của các cá nhân. Họ cũng khéo léo liên kết với các quốc gia khác để tuy bé nhỏ, nhưng họ vẫn giữ được hoà bình, tránh các xung đột ngoại giao hay quân sự.
Để bước được một chân lên con đường đó, không có cách nào khác là phải tạo được một bộ máy nhà nước minh bạch, chính quyền có trách nhiệm giải trình trước người dân.
Chúng ta cần một cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân rõ và sòng phẳng hơn; những thành công hay thất bại trong quản trị nhà nước không thể quy chung chung vào tập thể. Nhà nước cần lắng nghe trí tuệ của xã hội, thể hiện qua đại diện là các tổ chức công dân. Tiếp theo, chúng ta cần phá vỡ trì trệ trong giáo dục bằng việc dám thử nghiệm các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới. Nếu không thay đổi được, trong tương lai cùng lắm chúng ta chỉ trở thành cái xưởng sản xuất của thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Cái chúng ta đang vướng là ở tư duy. Đây đó vẫn còn tư tưởng kiểm soát, ôm đồm.
Đơn cử câu chuyện sách giáo khoa. Bộ Giáo dục vẫn muốn kiểm soát toàn bộ nội dung sách giáo khoa từ cấp 1 đến bậc đại học. Về mặt tri thức luận mà nói, bất cứ tổ chức nào cũng không thể làm được điều đó. Đó là bất khả thi và chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại, phi hiệu quả. Thế nhưng, tại sao cái điều ai cũng biết là thất bại như vậy cho đến nay vẫn tiếp tục được duy trì. Câu chuyện với sách giáo khoa chỉ là một ví dụ rất cụ thể trong vô vàn điều đang xảy ra ở chính đất nước ta.
Nhà báo Thu Hà:Trong hai, ba năm tới chúng ta có thể làm được gì để tháo gỡ những nút thắt đang là lực cản đất nước phát triển?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: Chúng ta cần quyết tâm cao để cải cách thể chế. Cũng bị tác động của khủng hoảng, nhưng các nước quanh ta như Indonesia, Thái Lan, Singapore đã cải cách thể chế rất mãnh liệt, đã có những hành động tích cực nhanh và ngay nên dù họ bị khủng hoảng mạnh hơn nhưng đã kịp phục hồi nhanh hơn chúng ta.
Việt Nam đang cương quyết hơn trong những cải cách mang tính chất cốt lõi, nền tảng, và động chạm đến cả những cấu trúc của nền kinh tế. Chúng ta có thể bắt đầu từ việc gây dựng lại niềm tin giữa các chủ thể kinh tế; khuyến khích tự do học thuật và nghiên cứu, tư duy độc lập, chấp nhận rủi ro; xây dựng môi trường minh bạch và trách nhiệm giải trình cụ thể và khuyến khích các tổ chức công dân tham gia và quá trình hoạch định chính sách….
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (phải) và tiến sĩ Nguyễn Đức Thành (trái)
Nhìn lại gần 70 năm qua, đã nhiều lần bị dồn đến chân tường và chúng ta đã kịp đưa ra những cải cách quyết đoán. Nếu lần này cải cách thể chế với một quyết tâm mạnh hơn tôi tin rằng thành quả đạt được cũng sẽ to lớn, ấn tượng hơn trước nhiều. Giờ là thời điểm cần phải thay đổi.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang: Cũng đáng mừng khi thể chế là con đường chủ đạo dẫn một quốc gia tới thịnh vượng. Bởi nếu văn hoá là quyết định, thì sẽ tuyệt vọng, vì ta không khi nào trở thành người Do Thái. Nếu là địa lý thì cũng gay, vì ta không thể dời đi chỗ khác. Nhưng khả năng cải cách thể chế nằm trong tay chúng ta.
Hãy bắt đầu từ việc xây dựng nhà nước pháp quyền (XHCN), nơi mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nơi những người yếm thế cảm thấy được che chở khi họ bị bắt nạt. Nơi các lợi ích nhóm bị xử lý, nơi người dân tin tưởng vào cán cân công lý.
Tiếp theo, năng lực công dân cần được phát huy qua các hoạt động của các tổ chức xã hội công dân, không chỉ qua các hoạt động thiện nguyện, mà đặc biệt qua đấu tranh chống tham nhũng, vận động chính sách, phản biện và giám sát quyền lực.
Năng lực của xã hội chỉ có thể được giải phóng nếu chúng ta tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, những tiếng nói, quan điểm khác nhau, những đặc tính của một xã hội nhân văn.
Nhà báo Thu Hà:Thưa quí vị độc giả, từ những chia sẻ của các vị khách mời, rõ ràng nhiệm vụ đặt ra trước mắt là rất nặng nề. Khó khăn, thách thức đang đòi hỏi mỗi chúng ta phải quyết tâm cải cách, cùng nhau xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển. Đây là con đường ngắn nhất để Việt Nam có cơ hội giàu mạnh và tự chủ, cải thiện vị thế và uy tín trên bản đồ kinh tế thế giới. Một lần nữa cám ơn hai vị khách mời và quí vị độc giả đã quan tâm theo dõi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét