Phạm Văn Chữ.
1-Mác- Lê nin không phải là một ông.
Ông N, Trưởng
phòng TC huyện HS được cấp trên cử đi học thêm 3 năm nữa để có thêm bằng cơ cấu lên lãnh đạo cấp cao hơn. Sau ba tháng học, kết thúc mấy học phần, ông
tranh thủ về phép mấy ngày. Ông M, Q.Trưởng phòng bàn với anh em tổ chức một
bữa tiệc cho vui vẻ. Trong không khí tưng bừng“tửu nhập ngôn xuất”, ông S,
mới lên phó phòng đề nghị tất cả im lặng để dành cho mình được nói:
- Xin thay mặt anh em nâng cốc chúc mừng thủ
trưởng N của chúng ta vừa thi xong mấy môn đạt điểm cao ngất trời, cao chưa
từng có, chỉ có 9 và 10, không bị một điểm 8 nào... Chắc là học vấn rộng mở
thêm nhiều lắm anh nhỉ!
Mọi người dừng ăn uống, dừng
nói, dừng cười và lặng phắc để nghe:- Tất nhiên. Học phải đạt điểm cao, mới hơn
người ta cái đầu và lãnh đạo người ta được chứ…Chuyện tớ học, bây giờ mà giảng
cho các cậu nghe cả năm, cả đời cũng không hết. Tớ nói chẳng hạn nha: ta cứ
luôn nói là học thuyết Mác- Lê nin, tư tưởng Mác- Lê nin, rồi chủ nghĩa Mác- Lê
nin này nọ. Ai cũng cứ tưởng Mác- Lê nin là một ông. Lớp tớ học toàn là những
tay tầm cỡ, kinh nghiệm lãnh đạo đầy mình, mà anh nào anh nấy cứ viết trong bài
làm là: ông Mác- Lê nin, đồng chí Mác- Lê nin, rồi Mác- Lê nin nói… Các thầy
mới gạch đỏ cho. Họ tên người Tây mà, có lắm cái ngang nối ở giữa, cứ ngỡ như
ông sít, ông sờ, ông ốp, ông ép gì đó. Ai ngờ! Hóa ra không phải. Nhận
thức như vậy là hoàn toàn sai lầm, phi quan điểm lịch sử và rất thiếu biện chứng
nữa đấy. Học lên cao rồi mới biết. Té ra Mác- Lê nin là hai ông. Đích thị là
ông các cậu ạ! Hai ông hoàn toàn không hề có dính dáng họ hàng, anh em, bà con
gì với nhau sất. Một ông người Liên xô và một ông là người Đức đấy. Nhưng cả hai
ông đều vĩ đại nên họ đứng bên nhau. Thế thôi. Các cậu nghe nhập tâm mà nhớ lấy!
Tớ học ở cấp cao, nghiên cứu sâu những vấn
đề lí luận về kinh điển, học hàng mấy nghìn tiết. Còn học ở mấy trường đại
học như các cậu, dăm bảy chục tiết, vài ba trăm tiết, ăn thua gì...Cưỡi ngựa
xem hoa, học cho có biết tí chút về duy tâm duy vật ấy mà...Ồ! Mà toàn học
với những ông thầy giỏi vô biên, cỡ TS giáo sư và siêu giáo sư đấy. Các vị ấy
du học về, nói tiếng Tây như tiếng Việt, lên lớp cầm những cuốn sách tuyển tập
dày cộp cả gang tay, mà trích dẫn ở đâu là mở ra đọc chính xác cho chép ngay ở
đó...Chính cái ông học ở Liên xô về giảng cho bọn tớ về hai ông Mác- Lê nin đấy...
Được học là nó thông minh, nó
sáng ra nhiều vấn đề lắm. Cái anh nào bảo “ Càng học càng thấy dốt” là đồ ngu,
đồ vất đi...Lãnh đạo làm sao được. Loại ấy đi học chỉ có ngủ gật. Thà ở nhà bế
em hay cầm sào đuổi gà cho vợ còn hơn!
À, mà thôi, hôm nay tạm giảng
vậy đã. Các cậu cứ ăn uống tự nhiên đi, tiếp tục đi!
Cuộc rượu đầy trí tuệ lại cứ tiếp tục...2- Cùng họ nhà Lí cả
Hồi ấy, giáo viên đào tạo ra
đã thiếu lại mất cân đối; không dồi dào, thừa thãi như bây giờ, các nhà quản lí
tha hồ mà lựa chọn để bố trí theo định biên và ý muốn của mình.
Tổ Lí- Hóa- Sinh trường cấp
III (THPT) NX rất “căng” trong việc bố trí giờ dạy, nhất là môn Vật lí; có thầy
phải dạy tới 28- 30 tiết/ tuần (giờ chuẩn quy định chỉ 16 tiết). Mà thừa giờ
cũng không được thanh toán, lại cũng không được coi là thành tích để bình xét
Lao động tiên tiến vào cuối kì, cuối năm (!?), nên các thầy cô rất khó chịu khi
phải dạy vượt giờ. Đã hai năm nay, tổ lập văn bản kêu lên BGH. BGH lại lập văn
bản kêu lên Sở, quyết xin cho được 2 hoặc ít ra cũng được 1 GV Vật lí nữa.
Thế rồi, vào năm học mới, Sở
có cho về thêm một cô giáo mới ra trường và cũng là “lí”, nhưng là…Địa lí,
mặc dầu môn này đã hơi thừa. Thầy T, Hiệu trưởng nhà trường, vừa mừng vì có
thêm một cô giáo trẻ, đẹp, hát hay nhưng lại vừa bực... Nhân có cuộc họp đầu
năm học, ông sẽ đến gặp phòng tổ chức nói cho ra nhẽ, thể nào Sở cũng chấp
thuận đề đạt của trường. Ông C, trưởng phòng đã phân trần và mách nước:
- Cái này...từ năm nay do Ban tổ chức chính quyền
tỉnh (Sở nội vụ) họ làm tận nơi. Bọn tớ chỉ việc chấp hành. Cậu sang đó mà trực
tiếp trình bày với ông Đ, người huyện nhà cậu đấy, mới lên chức Phó ban, phụ
trách khối văn hóa- y tế- giáo dục, chắc là được đấy.
Ông T dĩ nhiên là mừng, vì
còn thêm một lí do nữa: hồi còn làm cán bộ tổ chức huyện, ông Đ học BTVH cấp II,
mình có dạy Vật lí lớp 7... Tình nghĩa hai ba đường, lẽ nào không được.
Nào ngờ, đang bắt tay thân
mật, ông Đ đã vui vẻ cười hề hề và động viên:
- Biết chứ, tôi biết rõ hoàn cảnh của trường ta
lắm chứ. Nhưng mà thế này, trường thầy cứ cố xin cho có thêm giáo viên Vật lí
nhưng Bộ không phân đủ, tỉnh chưa có thì biết làm sao? Tôi đã thông cảm và linh
động giải quyết cho thêm 1 giáo viên Địa lí nữa, trong khi mấy trường cũng đang
rất cần. Nên thế cũng là tốt lắm rồi. Vì Vật lí hay Địa lí thì cũng đều là lí,
đều có lí trong đó, nghĩa là cùng họ nhà Lí nhà hắn cả... Đúng không? Mọi cái
chỉ là tương đối thôi, làm gì có tuyệt đối. Triết học dạy rồi. Đúng không? Hề,
hề...!
Chuyện này ông Hiệu trưởng
T không hề nói ra với ai, nhưng anh em trong hội đồng biết được là do cô L hôm
ấy lên xin thuyên chuyển, lúc đó cũng có mặt, đã chứng kiến và về kể lại.
3- Thừa cả rồi, chỉ thiếu lãnh đạo
Thầy H, Tổ trưởng tổ Toán, Trường
cấp III NĐ, thuộc loại cây đa cây đề, giỏi thực chất, đồng nghiệp cả tỉnh ai
cũng biết và kính nể.
Năm ấy, thầy chừng tuổi đã 58, 59.
Đang dạy bình thường, bỗng dưng thầy cứ mệt lai rai, phải nghỉ dạy và phải
vào BV huyện để điều trị cho chóng lành. Bệnh không nặng nhưng uống thuốc mãi
mà không chịu thuyên giảm cho. Nhà trường phối hợp cùng gia đình đưa thầy lên
BV tỉnh. Bệnh cũng không nặng thêm nhưng mới được 2 ngày thì bỗng dưng, đột
ngột quá,…Một buổi sáng, sau khi tiêm thuốc xong, thầy nằm ngủ, rồi...ngủ luôn!
Cả bệnh viện bàng hoàng, xôn xao...Vợ con và anh
em thân thích khóc hết nước mắt. Các thầy cô trong trường, học sinh và phụ
huynh vô cùng thương tiếc và cũng không cầm lòng được.
Đưa về nhà, người ta cho
thầy vào quan tài nhưng chưa đậy nắp vì còn chờ cho đúng giờ tốt. Nhưng thật kì
lạ! Giữa lúc mọi người đang khẩn trương chuẩn bị cho tang lễ thì thầy kêu lên mấy
tiếng: “ Ôi…nóng quá!...”. Thế là thầy được sống lại. Qủa là mừng chết
sống lại; xưa nay Trời cho quá hiếm. Y học hiện đại gọi đó là chết lâm sàng.
Mấy em học sinh bảo là thầy chết tạm thời, chết cục bộ...Còn mấy thầy hay đùa
thì bảo là thầy giả chết để xem cái nghĩa tử của người đời ra sao... Thế rồi,
sau một tuần nghỉ ngơi, bồi dưỡng, thầy bình phục sức khỏe và lại tiếp tục công
việc dạy học như thường. Tiết đầu thầy vào lớp nào là tiếng vỗ tay rào rào cất
lên một đợt và nhiều HS nữ hay mủi lòng, cứ vừa mừng vừa rơi nước mắt.
Cuối năm học, thầy vẫn đi
chấm thi tốt nghiệp lớp 10( nay là lớp 12) ở Hội đồng chấm thi của tỉnh, chỉ không
phải làm tổ trưởng chấm như trước mà thôi. Thầy có vốn kiến thức uyên thâm,
lại có tài hài hước, dí dỏm, nên giờ nghỉ anh em GV thường châu tuần lại để
nghe thầy kể đủ thứ chuyện. Một thầy trẻ ở trường khác xin đề xuất:
- Thầy ơi, được biết dạo tháng tư vừa rồi, thầy
đã “Từ cõi chết trở về chói lọi”. Thật là may mắn và hiếm có. Bọn em ở xa, biết
được rất mừng, nay thì xin chúc mừng thầy. Qủa là một chiến công! Bây giờ mong
thầy hãy kể lại cho biết, dưới âm phủ ấy cuộc sống ra sao, và thầy đã uốn ba
tấc lưỡi, thuyết phục “ HỌ” như thế nào để được sống trở lại?
Thầy tủm tỉm cười và vui vẻ kể:
- Xin các cậu đừng quá khen. Tớ chẳng lập được
chiến công và cũng chẳng có gì là chói lọi đâu. Chỉ là thế này: sáng hôm ấy,
vừa thiu thiu ngủ thì thấy có một ông ăn mặc lịch sự, sang trọng, tỏ ra rất tử
tế, đánh một xe con đẹp bóng loáng đến tìm gặp tớ và bảo là sẽ đưa chuyển tớ về
công tác ở một nơi tốt hơn. Tớ đồng ý và lên xe đi theo. Trên đường thấy làng
quê trù phú, phố thị đông vui, cảnh sắc đẹp đẽ lắm. Đi một chặng khá dài như để
cho mình tham quan, rồi mời xuống xe và dẫn vào gặp một ông khác đang ngồi chờ
sẵn. Chắc là trưởng phòng tổ chức. Ông này cũng rất lịch sự, tử tế và thân
thiện. Chứ không khệnh khạng và mặt lạnh như tiền của mấy ông tổ chức mà ta
thường gặp đâu. Niềm nở bắt tay, mời ngồi, rồi pha trà rót nước và ông ta nhẹ
nhàng hỏi:
- Thưa đồng chí, xin cho biết đồng chí làm
nghề gì ạ?
Tớ trả lời: “ Thưa đồng chí,
tôi làm nghề dạy học!”
- Ồ, thế thì giáo viên ở đây lại không thiếu.
Tớ nói cho rõ thêm: “ Nhưng, thưa
đồng chí, tôi là giáo viên dạy môn Toán”. Vì tớ nghĩ là giáo viên Toán còn
thiếu như ở ta.
- À, giáo viên Toán ở đây cũng đủ rồi đồng chí ạ!
Tớ thấy cần phải nói cho ông
ta rõ hơn nữa: “Đồng chí biết cho, tôi là giáo viên giỏi cấp tỉnh lâu năm đấy
ạ”.
- Nhưng mà…thưa đồng chí, giáo viên giỏi ở đây
cũng thừa cả rồi.
Ngẫm nghĩ một lúc, ông
ta hỏi tiếp:
- Thế…xin cho hỏi thêm: đồng chí có làm được lãnh
đạo không?
Tớ thấy cần
phải nói trung thực, xưa nay vẫn thế: “ Thưa thật cùng đồng chí, tôi chỉ biết
chăm lo dạy Toán và chỉ làm được tổ trưởng chuyên môn trở lại thôi ạ.”
- Chà, thật tiếc! Ở đây hiện nay đang rất cần
lãnh đạo, chỉ cần lãnh đạo...
Lặng đi một lúc,
ông ta nói tiếp:
- Thôi, thế thì đồng chí hãy vui lòng trở về đơn
vị để công tác cho tốt. Rồi đến tuổi nghỉ hưu thì cứ nghỉ cho thoải mái, đàng
hoàng và vui vẻ. Hãy chăm lo sức khỏe! Đừng có tham tiền, lao vào dạy thêm
làm gì cho khổ. Chờ vài ba chục năm sau, khi cần, chúng tôi sẽ vui lòng tiếp
nhận đồng chí. Những thầy giáo có năng lực và tâm huyết với nghề thì bao giờ và
ở đâu cũng quý. Cứ yên tâm chờ nhé, không bao giờ là muộn đâu đồng chí ạ!
Rồi đứng lên, lại với một cử
chỉ thân tình, ông ta nở nụ cười, bắt tay, chúc sức khỏe tớ và chào tạm biệt...
Thế là tớ tỉnh lại, có biết đâu vừa được chết mấy tiếng đồng hồ... Tớ chỉ có ưu
điểm là trung thực, có sao nói vậy, các cậu cứ tin đi. Nếu lừa dối, tớ thề sẽ
chết lần nữa đấy. Hà, hà, hà…!
Cả tổ chấm
Toán được một phen cười và vỗ tay. Một thầy khác lại nói to lên: “Hoan hô…! Thế
thì thầy của chúng ta phải ngoài 90, thượng thượng thọ!”. Lại một tràng pháo
tay nữa vang lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét