Tác giả Hải Tâm.
Không khó lý giải nỗi bức xúc này, vì nó xới lại một vấn đề
lịch sử, nhưng thực chất đang trở thành thời sự.
1. Sau gần hai
thiên niên kỷ, con cháu bà Trưng, bà Triệu lại khơi lên câu hỏi tưởng đã xưa
như Trái đất: Hai Bà Trưng đánh giặc nào? Nỗi bức xúc bắt nguồn từ một bài tập
đọc trong sách giáo khoa lớp 3 viết về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43)
mà không nêu đích danh kẻ xâm lược.
Không khó lý giải
nỗi bức xúc này, vì nó xới lại một vấn đề lịch sử, nhưng thực chất đang trở
thành thời sự. Đằng sau đó là nỗi bức xúc về những điều dù biết rành rành mà
nhiều khi không được gọi chính danh.
Chẳng hạn, ai cũng
hiểu những cái lạ đứng đằng sau cái quen đến nhẵn mặt là gì, ấy vậy mà vẫn cứ
phải coi là lạ. Hay có những người, sự vật, hàng hóa biết rõ đến từ đâu, vẫn cứ
phải gọi chung là từ "nước ngoài".
Đó chỉ là vài ví dụ
rất nhỏ trong vô số những chuyện hiểu nhưng phải chịu cảnh không thể
"trắng đen sòng phẳng" ra được.
Bức xúc, nhưng cũng
lại đâm... mừng. Mừng vì nếu thực câu hỏi Hai Bà Trưng đánh giặc nào được khơi
mào từ một đứa trẻ lớp 3, thì đúng là "con cháu chúng ta giỏi thật"
và cũng thật tràn đầy tinh thần phản biện. Lâu nay chúng ta luôn lo lắng bọn
trẻ lơi là với lịch sử, và mắc "bệnh" học gạo, chỉ biết cắm đầu
"tụng" suông để kiếm điểm cao.
Hàng ngàn điểm
không lịch sử trong các kỳ thi cấp quốc gia và tình trạng dân ta không rõ sử ta
đủ làm cơ sở cho những nỗi lo lắng đó. Nhưng có vẻ, không hẳn bọn trẻ quay lưng
với lịch sử nói chung, mà là quay lưng với cách dạy lịch sử "lấp lửng, loanh quanh, thiếu minh bạch, nếu
không muốn nói là né tránh, bưng bít".
Chúng ta kêu gọi
học sinh phải yêu sử để yêu nước mình. Nhưng có một thực tế như vị một giáo sư
uy tín ngành sử từng chỉ ra là: "Chủ
quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của
các thế hệ người Việt Nam ...
Thế mà có cả một thời gian dài, vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi
là "nhạy cảm" để rồi lịch sử không có lấy một dòng nào."
2. Để bọn trẻ được
mạnh dạn phản biện và nói lên ý kiến, người lớn sẽ phải đối mặt với nguy cơ để
lộ nhiều hạn chế của chính bản thân. Bởi bọn trẻ vốn chứa trong mình "vô
thiên lủng" những câu hỏi vì sao và nhận thức đang ngày càng trở nên già
trước tuổi.
Dẫu vậy, người lớn
vẫn rất cần vượt qua nỗi sợ "bị hỏi" để tạo cơ hội cho bọn trẻ bày tỏ
suy nghĩ của mình. Có như vậy, chúng ta mới gây dựng được một thế hệ những công
dân, trí thức phản biện tự tin và biết trăn trở trước những vấn đề của thời
cuộc, dân tộc.
Có lẽ là một tín
hiệu đáng mừng, khi năm học vừa qua, một sở giáo dục, đã vượt qua nỗi lo lắng,
để hướng tới xây dựng một môi trường "được hỏi" cho học sinh. Đó là Sở GD-ĐT Vĩnh Long với đề án
"Hình thành tính minh bạch cho học sinh tiểu học", vừa được thí điểm
ở tám trường tiểu học trong năm học 2011 - 2012, và sẽ mở rộng ra toàn tỉnh
trong năm học mới này.
Thông qua việc thực
hiện bảng thông tin "Điều em muốn nói", hộp thư "Em mong muốn gì
ở người lớn", đề án muốn khuyến khích các em mạnh dạn nói lên những điều
chưa hài lòng về những sự việc xung quanh, đồng thời thẳng thắn nêu lên những
nguyện vọng với cha mẹ, thầy cô.
Sau một năm học, đã
có hơn 2.000 ý kiến đưa lên bảng thông tin và gửi về hộp thư. Những ý kiến ban
đầu có thể rất đơn giản, như muốn cô giao ít bài tập hơn, siêu thị trường bán
nhiều đồ chơi hơn, v.v...
Nhưng dần dần, chắc
chắn các em sẽ có thói quen để quan tâm đến những vấn đề lớn và mang tính xã
hội rộng hơn, như tại sao phải tổ chức thi tốt nghiệp trong khi gần như 100%
đều đỗ, tại sao học sinh nào cũng được dạy phải trung thực, nhưng lớn lên
chuyện mua bằng cấp, đạo văn lại thành phổ biến, v.v...
Và biết đâu, chúng
chẳng là sự khơi mào ban đầu cho những ý tưởng "đại phẫu toàn diện"
cho giáo dục sau này?
3. Trong khi phải
trả lời vô vàn câu hỏi của bọn trẻ, người lớn cũng đồng thời đang phải xử lý
rất nhiều vấn đề của chính mình. Chẳng hạn, trong tuần qua người lớn vừa phải
trăn trở với chuyện mối quan hệ giữa Ví nhà nước và Túi nhân dân.
Vấn đề này trở nên
nóng khi mới đây một bản báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 đã cho thấy mức thuế,
phí chiếm đến 26,3% trong tổng thu ngân sách của nước ta, đứng đầu trong
khu vực, vượt xa tỷ lệ 12-17% tại các nước láng giềng như Thái Lan,
Malaysia, Trung Quốc.
Với niềm tự hào
"được" đóng thuế, phí cao ngất ngưởng đến thế, chúng ta hẳn hoàn toàn
có quyền kỳ vọng nhà nước - người đại diện phân bổ số tiền này - sẽ sử dụng
chúng hiệu quả. Nhưng cũng chính bản báo cáo kinh tế này đã chỉ ra, thuế, phí
bổ đầu dân ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với tốc độ và tỷ trọng chi tiêu công.
Bên cạnh đó, đầu tư công được đánh giá là lớn, dàn trải và kém hiệu quả.
Có người ví đóng
thuế phí như vậy chẳng khác nào... khoan thủng sức dân. Trong khi đó, những
công dân đóng thuế thường lại rất mù mờ về vai trò của mình. Một ví dụ dễ thấy
là một số cá nhân, gia đình khi nhận được các chính sách phúc lợi, thường rất
chân thành "cảm ơn nhà nước". Chẳng thấy mấy ai ý thức "cảm ơn
chính tôi cũng như các đồng bào nộp thuế khác".
Một sự mù mờ nữa mà
các công dân này cũng mắc phải là chuyện những đồng tiền thuế, phí đó được sử
dụng ra sao. Và cuối cùng, dù là những người còng lưng làm ra tiền để nộp thuế,
họ lại chẳng có mấy tiếng nói trong giai đoạn "nghiệm thu" hiệu quả
sử dụng tiền.
4. Một trong các mặt hàng người dân đang phải
đóng mức thuế cao ngất ngưởng chính là xăng. Hóa ra, mức thuế chúng ta phải
đóng để sử dụng loại năng lượng phục vụ cho nhu cầu đi lại thiết yếu hàng ngày
này lại thuộc hàng "tiêu thụ đặc biệt", nghĩa là xăng cũng bị coi là
"hàng xa xỉ" như rượu, thuốc lá...
Chưa hết, dù
"móc hầu bao" đóng mức thuế ngất ngưởng như vậy, chúng ta cũng chỉ
biết "cắn răn chịu đựng" mỗi lần giá xăng lên. Vì đến như một vị
chuyên gia kinh tế dày dặn kinh nghiệm cũng còn phải thốt lên: "Tại sao
việc minh bạch thông tin về cơ sở hình thành giá xăng dầu lại khó đến thế? Khó đến
nỗi nhà nước hứa với nhân dân mà mãi vẫn không thực hiện được".
Cái sự minh bạch đó
truân chuyên đến vậy, nên hẳn rất có lý khi mới đây một vị bộ trưởng đã phát
biểu: "Công khai phí giá xăng, dân sẽ sướng".
Và người dân sẽ còn
được sung sướng đến mức nào khi được công khai thêm cả các loại thuế, phí khác
như phí điện, nước, y tế...
Giờ thì, câu hỏi
còn lại, như cách nói lái thông dụng hiện nay, là "Làm sương cho sáo"
(tức Làm sao cho sướng). Trong lúc chờ đợi có câu trả lời, chúng ta hãy tạm
thời tận hưởng niềm sung sướng được đi trên những con đường cao tốc vào loại
đắt đỏ hàng đầu thế giới, thậm chí đắt hơn cả Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét