Tác giả: theo FB Lưu Trọng Văn
Gã quá hiểu Thanh chỉ là một nạn nhân rất đáng thương của một bộ máy tổ chức nhân sự không được kiểm soát mà gã muốn cảnh tỉnh rằng: trong bộ máy nhà nước hiện nay không thiếu gì những kẻ lãnh đạo như Thanh. Đất nước này sẽ tan hoang khi vẫn ngang nhiên tồn tại những con người như thế.
Nhưng thực ra bài học gã muốn kết ở câu chuyện này, lại là, ai là người đầu tiên đã vô tình đẩy Trịnh Xuân Thanh đến kết cục lao tù?
Không ai khác chính là bố của Thanh, người một thời là lãnh đạo trong hệ thống. Gã không biết có lúc nào ông chua xót nhận ra, con trai mình trước hết là nạn nhân của chính mình, nạn nhân của cái thói coi quốc gia là miếng bánh mà mình có quyền tranh thủ chia? (Lưu Trọng Văn)
KD: Đọc bài này lại nhớ bài viết của Xuân Ba về ông Trịnh Xuân Giới, khi đó hiện ra trên báo như một cán bộ liêm chính mẫu mực, hiền khô. Đọc chết cười
Đất nước này có không ít ông bố như Trịnh Xuân Giới, “coi quốc gia là miếng bánh”, dạy con và đẩy con vào vòng tham lam chia chác, mà cứ ngỡ đó là thương con. Để rồi con “lên voi, xuống chó con” đến thê thảm.
Nói theo cách của LTV, Trịnh Xuân Thanh có tới hai ông bố- Bố đẻ (cho hắn sự sống), bố nuôi (bộ máy nhà nước cho hắn quyền chức) chăng???
Nhưng mặt khác, cũng phải thấy, Trịnh Xuân Thanh- nguyên là một quan chức Phó CT tỉnh hẳn hoi- đã trưởng thành, đủ suy nghĩ và phải chịu trách nhiệm về việc hắn làm. Chả lẽ, TXT chỉ là đứa “trẻ con bị người lớn xui ăn cứt gà sáp”? Khi mà hắn vừa tham lam vừa bệ rạc về tư cách?
—————
Tại Cologne, Đức, gã nghe nói một thời Trịnh Xuân Thanh đã công tác tại đây.
Gã tìm hiểu những người quen biết Thanh để hỏi coi Thanh công tác gì? Và gã đã tìm đến nơi Thanh từng trải qua gần ba năm… công tác.
Đó là một nhà hàng và việc của Thanh là rửa bát.
Gã chia sẻ và cảm mến Thanh là con một gia đình quan chức khá giả, có vai vế, đã bỏ tất cả để tìm đường làm giàu bắt đầu bằng công việc rửa bát.
Cuộc đời của Thanh có thể thay đổi theo hướng tốt đẹp nếu tiếp tục bươn chải để có thể trở thành những người thành đạt tại Đức như biết bao người VN khác đã vượt lên số phận bằng nỗ lực lao động.
Nhưng, bước ngoặt cuộc đời Thanh xuất hiện khi bố của Thanh là một cán bộ cao cấp không chấp nhận cậu con trai của mình kiếm sống bằng nghề rửa bát ở xứ người, đã bảo với Thanh: Con về nước ngay đi, bố còn làm việc, bố sẽ tìm một việc thật tốt cho con.
Thanh đã tạm biệt các bạn rửa bát nhiều năm đồng cam cộng khổ với mình và thương yêu nhau như anh em để về nước.
Ông bố đã sắp xếp cho Thanh ngay một chức trưởng phòng của một công ty xây dựng có nhiều công trình béo bở thuộc Trung ương Đoàn, nơi mà ông có ảnh hưởng. Thanh thăng tiến nhanh chóng thành giám đốc công ty cùng với túi tiền dễ dàng phồng lên bởi được độc quyền làm các dự án bao cấp của hệ thống Đoàn.
Và rồi một bước ngoặt tiếp theo của cuộc đời Thanh lộ diện. Thanh gặp gỡ Đinh La Thăng – một người cũng từng xuất thân là một lãnh đạo Đoàn.
Họ nhanh chóng kết với nhau.
Gã nghe kể tại nơi Thanh nhiều năm rửa bát, rằng, khi là một nhân vật có vai vế ở tổng công ty Sông Hồng và Tập đoàn Dầu khí, Thanh mỗi lần qua Đức đều tìm gặp các bạn từng rửa bát với nhau, mời ăn uống, dúi tiền giúp đỡ họ. Nhiều người được Thanh mời về nước với bảo đảm sẽ cho chức giám đốc này, chủ tịch nọ.
Gã không rõ lắm có ai nghe theo lời dụ của Thanh không. Có điều, một người biết sự việc đã tỏ ra ngạc nhiên nói với người thân của mình rằng:
Làm giám đốc công ty nhà nước dễ như thế thì làm sao kinh tế nhà nước lại không nát như tương?
Gã kể lại câu chuyện này không để thêm điều gì không phải cho Trịnh Xuân Thanh, gã quá hiểu Thanh chỉ là một nạn nhân rất đáng thương của một bộ máy tổ chức nhân sự không được kiểm soát mà gã muốn cảnh tỉnh rằng: trong bộ máy nhà nước hiện nay không thiếu gì những kẻ lãnh đạo như Thanh.
Đất nước này sẽ tan hoang khi vẫn ngang nhiên tồn tại những con người như thế.
Nhưng thực ra bài học gã muốn kết ở câu chuyện này, lại là, ai là người đầu tiên đã vô tình đẩy Trịnh Xuân Thanh đến kết cục lao tù?
Không ai khác chính là bố của Thanh, người một thời là lãnh đạo trong hệ thống. Gã không biết có lúc nào ông chua xót nhận ra, con trai mình trước hết là nạn nhân của chính mình, nạn nhân của cái thói coi quốc gia là miếng bánh mà mình có quyền tranh thủ chia?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét