9 tháng 9, 2018

NGÔN NGỮ “QUAN QUYỀN”

Tạ Hữu Đỉnh
Tạp bút

Trên mạng internet có bài: “Ngôn ngữ quan quyền”, của GSTS Nguyễn Đức Dân trả lời Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, ông nói: “HTV9 hỏi tôi về chuyện “Trạm thu giá”, “giá dịch vụ đào tạo…” là cách dùng từ trong ngôn ngữ hành chính nghe trục trặc quá”. Tôi đáp, cách nói này mọi người nghe đều thấy kỳ cục, lạ tai vì nó không tồn tại trong tiếng Việt. Đây là cách nói do những người có quyền đặt ra, bịa ra rồi áp đặt vào tiếng Việt, nên đây không phải là ngôn ngữ hành chính mà là thứ ngôn ngữ “quan quyền”; dân gian có câu “Muốn nói oan làm quan mà nói”.
Ví dụ: “diễn biến hoà bình” là một thuật ngữ trung tính, không tích cực mà cũng không tiêu cực, nhưng trong ngôn ngữ chính trị chúng ta đã áp đặt ra một thứ ngôn ngữ quan quyền “âm mưu diễn biến hoà bình” để chỉ khái niệm âm mưu lật đổ một chế độ bằng con đường diễn biến hoà bình…”.
Chúng tôi (người viết) cũng rất tâm đắc đề tài này, nên xin phép GSTS được trích mấy dòng trên, và viết tiếp mấy dòng sau đây:
Cũng trên mạng, báo Việt Nam Nét đăng bài: “Đằng sau vụ kích động người dân xuống đường gây rối ở TP Hồ Chí Minh có đoạn viết: “Bà Hồng đưa cho Tuấn biểu ngữ và nói với Tuấn, cứ tham gia biểu tình từ 8h sáng đến 20h tối, gặp tại hồ Con Rùa (Q3) sẽ nhận được 400 ngàn đồng. Bà Hồng còn hướng dẫn Tuấn khi hoà vào dòng người, phải liên tục giơ cao tờ giấy nói trên (Nhưng ở trên không thấy bài báo nói đến tờ giấy nào cả) và hô lớn “Đả đảo cho Việt Nam tiến lên, tiến lên”.
Cũng bài này còn có đoạn viết: “Điển hình là vụ của đối tượng Võ Văn Trụ (SN 1982, quê Long An) vừa bị công an quận Bình Tân khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ” vì ném cục đá hơn 30kg vào lực lượng CSCĐ tại công ty Pou Yuen vào ngày 11 – 6…”.
Những dòng chữ đó, chắc chắn cũng là thứ ngôn ngữ “quan quyển” của “quan làm báo” bịa ra, chứ nếu bảo cứ đi biểu tình, tối đến hồ Con Rùa sẽ nhận được 400 nghìn đồng, thì bà Hồng phải có một kho bạc, và chắc bà ta đang bị điên cho nên mới đem tiền của mình đi cho thiên hạ như vậy. Vì chẳng thiếu gì kẻ lợi dụng, nhận biểu ngữ nhưng chẳng làm gì, rồi tối đến lĩnh tiền. Còn bảo cứ hô lớn “Đả đảo cho Việt Nam tiến lên!”. Thì đả đảo cái gì? Và sao chỉ hô đả đảo mà Việt Nam lại tiến lên được?
Viết như vậy, chắc báo Nét muốn người đọc tin rằng bà Hồng được “Các thế lực thù địch” đưa tiền để mua chuộc người dân đi biểu tình gây rối. Nhưng thưa ông Nét, chiến tranh đã kết thúc từ lâu rồi. Mấy “ông đế quốc” ngày xưa xâm lược nước ta, bây giờ đã trở thành bè bạn, thành đối tác tin cậy của ta, và đôi bên đã công nhận thể chế của nhau rồi. Vậy “Các thế lực thù địch” cụ thể là bọn người nào? Phải chăng là ba ông Việt kiều đang sống lưu vong? Nhưng bây giờ thì họ (những người còn sống) đã già nua, cơm ăn, áo mặc hàng ngày còn phải cậy nhờ con cháu, họ lấy đâu ra tiền mà đưa cho bà Hồng? Vả lại, cũng không ai có thể tin rằng, bọn người này vẫn còn ý chí muốn quay vể để chiếm lại những gì trước đây với hàng triệu quân, họ đã không giữ được.
Cho nên, cái gọi là “Các thế lực thù địch” cũng chỉ là giả tưởng, do các “quan quyền” bịa ra rồi áp đặt cho xã hội, để áp chế những người biểu tình phản đối Formosa gây ô nhiễm làm cá chểt, hay Luật đặc khu kinh tế cho người nước ngoài thuê đất 99 năm. Chứ làm gì có chuyện chỉ có mỗi một mình với hai khẩu súng mà “ông Việt Tân” nào đó lại định lật đổ chính quyền!
Hay bảo Võ Văn Trụ ném cục đá hơn 30kg vào lực lượng CSCĐ , cũng là ngôn ngữ “quan quyền” thêu dệt ra, bịa ra. Chứ ngôn ngữ của người dân thì cục đá chỉ bằng nắm tay, bằng củ đậu (đá củ đậu), chứ làm gì có cục đá hơn 30kg. Mà nếu quả thực Võ Văn Trụ ném được hòn đã nặng hơn 30kg, thì đó là đại lực sĩ, là “siêu nhân”, là người “ngoài hành tinh”, là “báu vật quốc gia” rồi, sao lại khởi tố?
Hay như ngày nào, để cứu một số nhà Ngân hàng có quá nhiều nợ xấu khó đòi khỏi bị phá sản, các “quan quyền” liền thành lập công ty mua nợ xấu với giá là không đồng. Dân gian ta có câu: “Tiền giao cháo múc”. Phải nhận tiền rồi mới múc cháo. Hay cháo đã múc rồi thì phải được nhận tiền. Đã gọi là “mua” mà lại chỉ mua bằng “không”, bằng “mồm”. Hay đúng ra là chẳng bằng cái gì cả. Nói như vậy, có lẽ chỉ các “quan quyền” nghe mới lọt tai, chứ dân chúng thì thấy chướng tai quá!
Đáng lẽ Viện ngôn ngữ Việt Nam nên mở một cuộc điều tra xem vị “quan quyền” nào đã có công phát minh ra cái thuật ngữ điêu trá hoàn hảo đến mức tài hoa như vậy, để thưởng cho quan ấy cái huân chương “NAM TÀO BẮC ĐẨU BỘI TINH” hạng siêu! Vì từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ, người Việt ta chưa có phát minh nào vĩ đại như vậy.
Lại một trường hợp nữa cũng rất kì cục, nhưng lần này là do một ông “quan nhà văn” phát ngôn. Theo nhà văn Ngô Xuân Hội thì ngày mới giải phóng miền Nam, tỉnh Quảng Ninh có một đoàn nhà văn vào thăm thành phố Huế. Nhà văn SH hỏi một người ở bên đường: “Kia có phải là nhà thằng Ngô Đình Cẩn không, ông?”. Ông Huế hỏi lại” “Chắc các ngài mới ở ngoài Bắc vô?”. “Vâng!”, nhà văn vui vẻ đáp. Ông Huế mỉm cười: “Tôi biết ngay, vì chỉ có ngoài Bắc mới gọi người già là thằng”. Các nhà văn đều lặng đi, vì cú sốc bẽ bàng!...
Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ có hai câu thơ rất nổi tiếng: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Thực ra, từ nghìn năm trước, khi đi xuống phương Nam mở cõi, ông cha ta không chỉ mang gươm, mà còn mang cả nền văn minh, văn hiến của người miền Bắc, của Kinh đô Thăng Long thương nhớ vào Nam. Cho nên “cái nôi” văn minh của nước Việt là ở miền Bắc chứ không phải là ở miền Nam.
Nhưng ông Huế nói đúng, “chỉ có ngoài Bắc mới gọi người già là thằng”. Về vấn đề quan trọng này, cho đến hôm nay người miền Bắc vẫn phải chịu một nỗi oan, mà chưa có nhà tư tưởng, văn hoá nào lên tiếng thanh minh.
Vậy, tại sao người ở “cái nôi văn minh”, (hơn nữa người ấy lại là nhà văn, tầng lớp vẫn được coi là tiêu biểu cho văn minh) mà cách xưng hô trong giao tiếp lại thô thiển, kệch cỡm như vậy? Xin thưa, vì miền Bắc đã phải trải qua một cuộc cách mạng về tư tưởng đấu tranh giai cấp, xác định kẻ thù là thực dân Pháp xâm lược. cấu kết với bọn vua quan phong kiến áp bức bóc lột nhân dân ta. Cho nên đối với kẻ thù đã không đội trời chung, thì gọi chúng là “thằng”, là “mày”, là “trâu”, là “ngựa” gì mà chẳng được. “Thằng Tây mày cứ vẩn vơ/ Cái hố này chờ chôn sống mày đây” (Tố Hữu).
Thậm chí trong Cải cách ruộng đất, những người bị quy là địa chủ, dù già bẩy, tám mươi tuổi cũng bị gọi là “thằng địa chủ”, “con mụ địa chủ”. Và Đội cải cách bắt họ phải gọi nông dân từ gìa đến trẻ là “ông nông dân”, “bà nông dân”, và phải xưng “con” với cả những đứa trẻ chỉ sáu bẩy tuổi. “Con chào ông nông dân”, “Con chào bà nông dân”. Hoặc “xin phép ông (hay bà) nông dân cho con đi vệ sinh”, khi họ còn bị giam cầm.
Thiết nghĩ, cái cách bịa ra một thuật ngữ xưng hô bất chấp cả luân thường đạo lý, rồi áp đặt vào đời sống xã hội đó đã tự kết thúc từ lâu rồi. Nhất là từ ngày đổi mới, người giầu không bị coi là kẻ áp bức bóc lột nữa. Nhưng cái danh xưng của cuộc cách mạng đó thì vẫn còn. Cho nên trong ý thức và lời ăn tiếng nói của cư dân miền Bắc vẫn còn hệ luỵ nặng nề như vậy.
Ở trên kia chúng ta đã đề cập đến việc tặng huân chương cho vị “quan quyền” nào đã phát minh ra cái mẹo mua nợ xấu bằng “mồm”. Thì ở đây cũng nên tặng cho ”quan Đội cải cách ruộng đất” hoặc ai đó đã có công bịa ra cái trò đảo ngược luân thường đạo lý cái “mề đay” để cho thật công bằng!
Tuy nhiên, những sự kiện trên kia xem ra cũng chưa “siêu” bằng các “quan nhà báo” thời chống Mỹ, họ chỉ hạ có một chiêu tiểu xảo ngôn từ, mà đẩy được một con người rơi xuống hàng cầm thú!...
* * *
Dân ta có tập quán nuôi chó để giữ nhà, và để…ăn thịt (ngoại trừ chó cảnh để bế bồng, làm bầu làm bạn). Thịt chó rất ngon, giầu đạm. Có thể nói ở khắp nơi trên đất nước ta đâu đâu cũng có nhà hàng bán thịt chó. Hà Nội có cả một dẫy phố mà dân bợm rượu gọi là phố “Cầy Tơ”, vì phố có nhiều hàng thịt chó. Nhưng biển hiệu thì hầu như nhà nào cũng đề là “Cầy Tơ”, hoặc “Thịt cầy bẩy món”, chứ không đề là thịt chó bẩy món. Vì sao vậy?
Cầy và chó là hai loài động vật hoàn toàn khác nhau. Phải chăng vì loài cầy có nhiều dòng giống, cầy giông, cầy vòi, cầy bông lau, cây hương. Nhất là cầy hương, vì giống này có túi xạ thơm, và vì thơm cho nên cái danh xưng của nó có vẻ thanh cao hơn, “quý phái” hơn chó. Chó, tuy thịt rất ngon, nhưng phàm ăn, ngoài những thứ chủ cho ăn như cơm, cá… chúng còn rất thích ăn bẩn, nếu kiềm được. Cho nên các nhà hàng kiêng, không cho cái âm tiết “chó” lên biển hiệu.
Ngày xưa khi chưa giải phóng miền Nam, chính quyền Sài Gòn còn tồn tại, ông Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống, ông Nguyễn Cao Kỳ làm Phó Tổng thống. Dựa vào hai âm tiết kỳ và cầy hơi na ná giống nhau, các “quan báo” miền Bắc liền bắt chước các hàng thịt chó, hoán vị cho chó thành cầy. Họ gọi ông Nguyễn Cao Kỳ là “Nguyễn Cao Cầy”, và gọi Chính phủ Cộng hoà Việt Nam là “Chính phủ Thiệu - Cầy”, hay “bọn Thiệu - Cầy”.
Ngày 30 – 4 – 1975, nhân dân cả nước ta vui mừng vì thống nhất đất nước. Nhưng có lẽ ông Nguyễn Cao Kỳ còn thêm một niềm vui riêng là cái tên “Cầy” miệt thị, người ta áp đặt cho ông đã được gỡ bỏ. Rồi sau một thời gian sống lưu vong, khi trở về thăm quê hương cố quốc, ông đã thẳng thắn nói với báo giới rằng: “Chúng tôi cũng muốn thống nhất đất nước, nhưng chúng tôi không làm được. Người anh em miền Bắc làm được, thì chúng tôi chấp nhận thôi”. Câu nói này đã khẳng định ông Nguyễn Cao Kỳ trước sau vẫn là một con người và là một công dân nước Việt./.

Không có nhận xét nào:

Trang