21 tháng 9, 2018

Lạ quá! Sao lại đổ lỗi “tư duy tiểu nông” làm hỏng ngành giáo dục Tác giả: Nguyễn Quang Duy (Úc)

KD: Thú thật, mình đã rất chán bàn về GD, ko muốn viết về GD nữa. Tự nhiên đợt này ồn ào xung quanh vụ CNGD, rồi CT SGK mới. Hôm rồi Blog KD/KD lại nhận được bài viết này của tác giả NQD gửi, phản biện về những quan niệm “tư duy tiểu nông” trong GD. Buồn cười quá. Thật ra nói “tư duy tiểu nông” không sai, vì đó là “khí chất” của cả một dân tộc lúa nước, lấy nông nghiệp làm nghề hàng đầu. Nhưng phải nhìn thấy xa hơn cái gốc của sự rối loạn về GD hiện nay mới thấy vì sao?
Cần thấy bản chất GD nước Việt có sự ảnh hưởng rất đậm của GD nhân loại nhưng chưa bao giờ tìm thấy Mình. Đó là gì?
Xa xưa, GD nước Việt ảnh hưởng GD thực dân (Pháp), mang nặng tính hàn lâm, nhưng khá uyển chuyển. Đánh đuổi Pháp đi rồi, GD nước Việt tình nguyện chọn GD Liên xô và các nước XHCN anh em là “phe cánh”, ngưỡng mộ GD Nga, từ tư tưởng đến mô hình GD. Mà GD Nga Xô bản chất còn đậm đặc hàn lâm, và hơn nữa, khi đưa GD Nga Xô vào nước Việt, nó còn được “chính trị hóa” hơn nữa vì ý thức hệ tư tưởng của đệ tử theo CN Mác- Lê. Bất ngờ, Liên bang CHXHCN Xô viết sụp đổ, tan rã, GD nước Việt khi đó thật khổ, bẽ bàng, hoang mang không biết “bấu víu” vào học thuyết GD nào, chả biết theo ai, làm theo mô hình nào.
Vì chưa bao giờ là Mình, và cũng chưa tìm ra Mình, nên GD nứơc Việt hiện nó luẩn quẩn, và cãi nhau như mổ bò là vậy.
GD nước Việt trải qua 4-5 cuộc CCGD và Đổi mới, chưa lần nào thành công, mà chỉ thấy thất bại “có phần”. Người Việt vừa chửi bới om xòm CNGD của GS Hồ Ngọc Đại, mà không biết rằng, bản chất cuộc “đấu tố” đó đâu phải đi vào những hình tam giá, hay vuông tròn, mà nó thực sự mang mục đích muốn đập chết CNGD để chia lại “thị phần”. Vì hơn 01 triệu hs tiểu học, mà có tới 6 bộ SGK tiểu học, riêng sách CNGD đã chiếm tới 800.000 thì làm sao được phép “tồn tại”. Nếu sách CNGD tồn tại, thì lấy đâu các bộ sách khác có đất sống? Cứ diễn giải mãi cái hay của CNGD cũng là một sự buồn cười. Bởi “ông đấm Gà, bà tránh Vịt”
Nhưng chủ Blog cũng dám cá cược đó, lần nào CCGD cũng được khởi đầu bằng viết lại CT, SGK. Sau trận chửi bới CNGD, đến lúc nào đó, người Việt sẽ lại tập trung chửi bới SGK mới cho mà xem. Và “thành công chưa thấy, thất bại có phần” của CT, SGK mới sẽ lại “Tam Quốc diễn nghĩa”….
Giờ rất nhiều người Việt (bên thua cuộc) những yêu nước Việt khổ đau này, ngậm ngùi tiếc nuối tư tưởng nền GD Việt Nam Cộng Hòa: Dân tộc- Nhân bản- Khai phóng, có lý của họ. Sao không học những cái hay của chính người Việt nhỉ??? Viết đến đây lại thấy rất buồn
—————— 
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Báo Giáo dục Việt Nam ngày 22/09/2016, đưa nhận định của Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn Phó Chủ tịch Hội Vật Lý Việt Nam “Đừng làm chương trình, sách giáo khoa bằng tư duy… tiểu nông”.
Hai năm sau, đến ngày 12/09/2018 cũng trên Báo Giáo dục Việt Nam Giáo sư Hãn lại đổ lỗi cho chương trình soạn và thẩm định sách giáo khoa theo “văn hóa tiểu nông” không khoa học nên mới dẫn đến việc khủng hoảng giáo dục.
Trả lời BBC tiếng Việt, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cũng cho biết:
“Về chuyện cải cách giáo dục, tôi nhớ nhà toán học Hoàng Tụy từng nói Cải cách giáo dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại vì tư duy tiểu nông, vì bóc ngắn cắn dài cắt khúc cuốn chiếu, thiếu một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính phủ và của xã hội”.
Đã nói tới khoa học thì thay vì vô cớ đổ lỗi cho “tư duy tiểu nông” hay “văn hóa tiểu nông”, chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân trước khi dẫn đến kết luận và tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.
Văn hóa tiểu nông là gì?
Người Việt đa số sống bằng nghề nông. Đời sống nông dân chủ yếu là tự lực, tự cường, tự cung, tự cấp, sống thực, không hình thức, không tham lam, trao đổi với bên ngoài chỉ xảy ra khi thật sự cần thiết…Người nông dân vì thế rất độc lập, yêu quê hương, nhận trách nhiệm, sống nhân bản, hòa đồng với thiên nhiên, tôn trọng và duy trì những quy ước, những trật tự do cha ông để lại.
Đương nhiên nền văn hóa nào cũng có mặt trái như bản tính của người nông dân là ngại thay đổi, không cạnh tranh, không thích hợp cho việc buôn bán, không thích đời sống ồn ào phố thị…
Khi đất nước lâm nguy những nông dân sẵn sàng nhận trách nhiệm tòng quân cứu nước. Hết chiến tranh họ lại quay về lo cày cấy ruộng vườn xây dựng gia đình và đất nước.
Việt Nam được tồn tại đến ngày nay chính nhờ những nông dân tay lấm chân bùn thật thà chất phác.
Nông thôn Việt Nam cho đến 1954 rất độc lập với sự quản lý của chính quyền trung ương. Xã hội Việt Nam vì thế được phân quyền một cách hết sức rõ ràng.
Khi triều đình thuyết phục được tầng lớp nông dân thì mọi việc dù lớn thế nào cũng xong. Còn nếu như nhà vua không hợp với lòng dân thì “phép vua thua lệ làng” việc gì cũng hỏng.
Như Hội nghị Diên Hồng thà chết không hòa.
Như cải cách giáo dục tại Việt Nam trước năm 1945. Khi vua Thành Thái ra sắc lệnh theo tân học dùng chữ Quốc ngữ các thầy đồ ở thôn quê đồng loạt tuân theo dạy chữ Quốc ngữ cho con em nông dân và khuyến khích nông dân cắt tóc ngắn theo tân học…
Nông thôn thời đó thay đổi rất nhanh và cũng nhờ thế mà phong trào Việt Minh Cộng Sản đã nhanh chóng cướp được chính quyền khi Nhật đầu hàng Đồng Minh.
Văn hóa Cách mạng Xã hội chủ nghĩa
Năm 1949 khi Đảng Cộng sản Trung Hoa thắng cuộc, tình hình miền Bắc Việt Nam cũng bắt đầu thay đổi.
Đến năm 1952 Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu phóng tay phát động Cải cách Ruộng đất với chủ trương “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, toàn miền Bắc ngập trong máu và nước mắt nông dân.
Đa số những người giàu có ở nông thôn đã rời lên thành phố tránh chiến tranh. Khi chỉ tiêu 5% dân số là địa chủ được đưa ra thì thầy giáo, nông dân và những người có văn hóa ở nông thôn là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Văn hóa tiểu nông bị xóa bỏ được thay thế bằng văn hóa cách mạng nhập cảng từ Trung Hoa.
Văn hóa cách mạng tôn thờ lãnh tụ, trung thành với tổ chức, trung ương tập quyền và độc quyền lãnh đạo, là hồng hơn chuyên, là tuyên truyền ngụy biện phản khoa học…
Khi biến thái văn hóa này kết hợp quyền lực và quyền lợi biến thành các nhóm lợi ích chỉ biết đến quyền và tiền.
Văn hóa mới cần phải có con người mới. Lớp người mới thấm nhuần văn hóa cách mạng ở nông thôn được ồ ạt đưa vào chính quyền, được đưa vào ngành giáo dục, được đưa lên thành thị.
Hầu hết người thành thị tránh công sản di cư vào Nam. Lớp người mới xã hội chủ nghĩa mang những thói quen từ thôn quê lên thành thị biến thành phố ra nông thôn.
Hà Nội ngàn năm văn vật biến thành Hà Nội vạn vật. Nhà nhà nuôi chó, nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt để ăn thịt và để tăng gia sản xuất. Hải Phòng, Vinh và các thành phố lớn cũng chịu chung số phận.
Xã hội miền Bắc đảo lộn từ nông thôn đến thành thị. Văn hóa mang màu sắc Bắc Kinh ảnh hưởng nặng nề đến giáo dục, nghệ thuật, văn nghệ, chính trị, tư tưởng, quân đội… nói chung là toàn xã hội miền Bắc.
Tầng lớp người mới này được đưa sang Trung Hoa, Liên Xô, Đông Âu du học trở thành tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa.
Mà xã hội chủ nghĩa là cái chi chi đến nay chưa ai rõ nên bao thế hệ trí thức xã hội chủ nghĩa miền Bắc cứ thế nhắm mắt mà đi, sai đâu sửa đó càng sửa càng sai.
Bởi thế thực hiện quản trị kiểu cuốn chiếu, không đâu vào đâu, lãng phí, gian dối, thiếu khoa học, thiếu viễn kiến, thiếu trách nhiệm, thiếu lãnh đạo có tâm có tầm… thì không chỉ riêng trong ngành giáo dục mà là phương cách quản trị ngày nay.
Phương cách quản trị đất nước này xuất phát từ văn hóa cách mạng xã hội chủ nghĩa không có chút tư duy tiểu nông tí nào.
Nông dân vốn bản tính làm đâu ra đó, sẵn sàng nhận trách nhiệm, không gian dối, ăn chắc mặc bền, quý trọng từng hạt gạo cộng rơm, tôn trọng của công, lo chuyện làng xã, tôn trọng quy ước và lãnh đạo làng xã…
Không hiểu cái gì cũng đổ lỗi cho ông bà coi chừng bị ông bà quở chết.
Bà Chủ tịch Quốc hội nói gì về giáo dục?
Trên Báo Giáo dục Việt Nam ngày 13/09/2018 Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn bắt đầu bằng lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Sách vở tôi học mấy năm sau em tôi vẫn dùng học lại được. Bây giờ mỗi năm một sách khác, tốn tiền nhân dân lắm!…”
Báo Lao Động nói rõ hơn về ý kiến của bà Chủ tịch Kim Ngân như sau: “Tôi thấy rất thương học sinh hiện nay học quá khổ sở. Thế hệ chúng tôi học cách đây đã 50, 60 năm nhưng kiến thức không quên điều gì. Tất cả các bài từ vỡ lòng vẫn nắm chắc. Trong đó, 3 tháng hè chúng tôi vẫn được nghỉ trọn vẹn. Học sinh hiện nay không có 3 tháng hè trọn vẹn, không có tuổi thơ, không có vui chơi…”
Bà Kim Ngân không nói rõ là trước đây học sinh chỉ học 1 buổi, hoặc sáng hay chiều. Không như ngày nay các em phải học cả ngày. Ở thành phố thích học thêm hội họa, võ thuật, nhạc,… cha mẹ cho học thêm không gò ép.
Bà Kim Ngân vốn xuất thân là nông dân, cả cha mẹ đều theo cộng sản, chính quyền miền Nam biết rõ nhưng không phải vì thế mà đối xử thiếu công bằng với bà.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên Việt Nam Cộng hòa từng cho biết: “chính trị chỉ là nhất thời, tương lai của dân tộc mới trọng đại, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều phải ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường”.
Bà học xong Trung học rồi vào Đại học Văn khoa Sài Gòn nhờ vậy ngày nay bà mới hiểu rõ nên nay đứng trước Quốc hội mới tỏ bày sự luyến tiếc nền Giáo dục Việt Nam Cộng hòa.
Việc bà Kim Ngân so sánh chẳng khác nào phủ nhận con đường “Bi đác” Xã hội chủ nghĩa, và biểu lộ tư tưởng về nguồn lấy nền tảng triết lý giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng làm căn bản.
Trên trang Báo Mới bà Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân còn cho biết: “Chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được, lịch sử các trận đánh, các triều đại từ Lý, Trần, Tiền Lê đến giờ cũng vẫn nhớ nguyên. Còn giờ hỏi bọn trẻ những thứ đó hầu hết đều không biết”.
Nghĩ thật buồn các em ngày nay không hiểu biết về địa lý về sử ký Việt Nam thì làm sao biết được cội nguồn mà tìm về.
Làm toán mà đặt sai vấn đề thì đáp số đương nhiên là sai.
Làm nhân văn xã hội mà nhìn sai vấn đề thì xã hội ngày càng loạn.
Cách nhìn, cách đánh giá khi so sánh thể chế giáo dục Bắc Nam của bà Kim Ngân là cách nhìn đúng đắn, rất khoa học rất đáng khuyến khích.
Cũng là người Việt Nam, cũng thoát khỏi sự cai trị của người Pháp, cùng chịu chiến tranh mà tại sao miền Nam thành công cho đến nay cả người theo cộng sản còn luyến tiếc. Còn miền Bắc càng cải cách càng lún sâu vào khủng hoảng.
Bấy lâu nay tôi rất áy náy khi nghe nói đến cụm từ “tư duy tiểu nông”, nhân cơ hội mới được tỏ bày nếu có điều chi chưa đúng hay chưa rõ rất sẵn lòng đón nhận ý kiến và trao đổi.
Còn muốn có “một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính phủ và của xã hội”. như băng khăng của nhà toán học Hoàng Tụy thì phải trả ngay lại quyền cho người dân chọn lựa.
Vì sao chúng ta nên ủng hộ dân chủ?
Hết sức đơn giản vì nếu ông Tổng thống và Nội các của ông ấy không làm tròn nhiệm vụ như lời hứa hẹn thì chỉ trong vòng 4 năm người dân sẽ đuổi ông ta khỏi chính quyền trao quyền cho người khác thực hiện.
Vì giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội không phải của riêng ai, muốn thực hiện tốt ông ấy phải thăm dò ý kiến của Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn, của Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, của các thầy cô khác, của phụ huynh học sinh và nhất là của người dân trong và ngoài nước để đưa ra và thực hiện những chính sách khả thi nhất trong hoàn cảnh đất nước.
Có dân chủ Việt Nam mới thoát khỏi cách quản lý độc quyền thiếu khoa học, thiếu viễn kiến, thiếu trách nhiệm sai lại sửa càng sai càng sửa đất nước trải qua mấy chục năm nay.
Các thế hệ con em chúng ta không còn bị biến thành khỉ vì giáo dục kiểu hiện nay (lời của Giáo sư Hồ Ngc Đại) hay không bị biến thành “chuột bạch” tiếp tục bị mang ra làm thí điểm cho Công nghệ giáo dục.
Không con đường nào khác hơn Việt Nam phải tiến tới dân chủ tự do.
Melbourne, Úc Đại Lợi
Nhân tiện cũng xin giới thiệu cùng các bạn 3 bài viết cũ về Giáo Dục thời Việt Nam Cộng Hòa
Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc? Nguyễn Quang Duy

Không có nhận xét nào:

Trang