21 tháng 9, 2018

Chuyện phiếm: Nhà toàn con gái

Tác giả: theo Khám phá
Nhà toàn đàn bà con gái, nên cái dây phơi, dài từ đầu đến cuối sân, lúc nào cũng lủng lẳng toàn xì-líp với coóc-sê, hồng đỏ xanh vàng, đủ cả!
Nhiều khi vội đi, không để ý, bị xì-líp nó đập vào mặt, coóc-sê nó quấn quanh đầu.
Rồi những khi rầu rầu, bên ấm trà tầu, nhìn cái mớ xì-líp coóc-sê ấy phất phơ theo gió hiu hiu, hệt như những chiếc lá bàng già nua lay lắt trên những cành khô gầy guộc khẳng khiu trong buổi chiều đông giá rét…
Buồn chẳng để đâu cho hết… (Khám phá)
KD: Bạn bè gửi cho bài viết này. Đọc mà cười rũ. Toàn cooc sê, xì líp mà có ích phết. Bác nào nhà toàn cooc sê, xì líp nên đọc bài này, sẽ thấy được an ủi vỗ về…
————————
Tôi có 2 đứa con, nhưng buồn thay, toàn là con gái! Còn cái nhà hàng xóm – cách nhà tôi mỗi cái dậu mồng tơi – cũng có 2 đứa, mà lại toàn con trai. Thật mỉa mai! 
Có con trai đúng là sướng thật! Những ngày lễ tết, bố con trở thành bạn nhậu, nâng chén cà kê – chứ con gái, chúng nó cắm đầu hùng hục ăn, vừa ăn vừa lèo bèo: “Bố uống ít thôi! Ăn cơm, ăn thịt đi!”.
Có con trai cũng rất tiện: đi tắm quên quần sịp, gọi con trai nó mang cho, rồi mở toang cửa nhà tắm, hiên ngang đón lấy – chứ con gái thì phải nép sát vào tường, cửa hé tin hin, thò vài đầu ngón tay ra ngoài, rụt rè nhón lấy.
Có con trai cũng yên tâm: trộm cướp vào nhà, mấy bố con nhảy ra đánh hội đồng – chứ con gái, vừa một mình mình kháng cự, vừa lo nếu mình gục, con gái mình sẽ bị chúng nó hiếp dâm…
Nói vậy thôi, chứ tôi và con gái cũng có một thứ có thể dùng chung, ấy là cái dao cạo râu.
Hôm trước, tìm cái dao cạo râu mãi không thấy đâu, tôi cáu, quát um lên, thì đứa con gái lớn chạy từ trong buồng ra, cầm cái dao cạo trên tay, bảo: “Con trả bố đây!”.
Tôi nhìn chiếc dao cạo thì nhăn mặt hỏi: “Mày vừa cạo cái gì đấy?”. “Dạ! Con cạo lông nách thôi mà!”. “Đúng là lông nách chứ?”. “Dạ đúng! Con thề!”. Là bố con, chẳng lẽ nó thề mình lại không tin…
Nhà toàn đàn bà con gái, nên cái dây phơi, dài từ đầu đến cuối sân, lúc nào cũng lủng lẳng toàn xì-líp với coóc-sê, hồng đỏ xanh vàng, đủ cả!
Nhiều khi vội đi, không để ý, bị xì-líp nó đập vào mặt, coóc-sê nó quấn quanh đầu.
Rồi những khi rầu rầu, bên ấm trà tầu, nhìn cái mớ xì-líp coóc-sê ấy phất phơ theo gió hiu hiu, hệt như những chiếc lá bàng già nua lay lắt trên những cành khô gầy guộc khẳng khiu trong buổi chiều đông giá rét…
Buồn chẳng để đâu cho hết…
Chiều nay, tôi qua bên nhà lão hàng xóm chơi, tiện thể xin đoạn dây thép, về gia cố lại cái dây phơi (chắc treo nhiều xì-líp coóc-sê quá nên nó chuẩn bị đứt đến nơi).
Vào nhà, tôi thấy lão hàng xóm một mình nằm rầu rĩ trên giường, mặt quay vào tường, rên hừ hừ, nghe rất đáng thương!
Tôi hỏi sao thế, lão bảo bị cảm cúm mấy hôm nay, vợ lại vắng nhà, chả ai mua thuốc, nấu cháo cho ăn, nên mệt lả…
– Ông ốm mà vợ ông còn đi đâu? – Tôi hỏi bằng giọng đầy bức xúc.
– Vợ lên Hà Nội, chuộc xe cho thằng cả!
– Nó lại cắm à? Mới tuần trước thấy vợ ông lên chuộc rồi mà?
– Tuần trước là nó cắm để bắt trận Ngoại hạng Anh, tuần này, nó cắm để bắt trận C1!
– Thế bao giờ vợ ông về?
– Vợ tôi định về hôm nay, nhưng nghĩ đã là thứ 5 rồi, hai ba hôm nữa lại là cuối tuần, lại có giải Ngoại hạng Anh, nên ở lại luôn, đỡ mất công đi đi về về!
Tôi thở dài, nhìn quanh, rồi hỏi thế thằng út nhà lão đâu, thì lão ngán ngẩm lắc đầu, bảo rằng nó vừa về cạy tủ, vơ hết tiền của lão mang đi chơi game.
Lão tiếc tiền lao tới, ôm chặt nó lại, nào ngờ, nó hất tay lão ra, túm lấy cổ áo lão, rồi giơ nắm đấm lên dọa.
Lão điên tiết quá, quát to: “A! Thằng này láo! Mày định đánh cả bố mày hả? Đây! Bố đứng im đây! Mày có giỏi thì đánh đi!”.
Kể đến đó, lão dừng lại, nhăn nhó véo một miếng bông gòn, chấm chấm lên cái môi sưng vều còn đương rướm máu.
Đúng lúc này, có tiếng xe máy rú ga inh ỏi ngoài ngõ. Tôi hốt hoảng ngó cổ ra, thì thấy phải đến chín mười gã cởi trần, xăm trổ, ngồi trên bốn năm cái xe máy hùng hổ phóng vào: đứa vác dao, người cầm gậy, kẻ khiêng quan tài…
Chúng vứt xe giữa sân, quẳng cái quan tài ngay trước cửa kêu cái “rầm”, rồi quát tháo ầm ầm:
– Thằng con trai mày vay tiền của tao, giờ nó trốn biệt rồi! Mày giấu nó ở đâu, đưa ra đây mau, không tao chém chết cả nhà!
Tôi hoảng quá, mặt mũi tái nhợt, tay chân rụng rời. Thế nhưng lão hàng xóm thì chả có biểu hiện gì cả. Lão bình thản đi ra, đứng trước mặt bọn chúng, chắp tay trước ngực, rồi quỳ thụp xuống cạnh cái quan tài, giọng bi ai:
– Trăm sự nhờ các anh! Em cũng đang muốn tìm thằng con em để chém chết nó đi đây, mà tìm hoài không thấy! Giờ có các anh tìm và chém nó giúp em thì tốt quá rồi! Em xin đa tạ! 
Chém nó xong em cũng sẽ tự tử luôn! Đang lo không có tiền mua quan tài thì các anh lại mang đến cho! Đội ơn các anh quá!
Nói rồi, lão hàng xóm nhảy luôn vào quan tài, nằm duỗi dài. Mấy thằng cởi trần xăm trổ ngơ ngác nhìn nhau, rồi chúng lao tới chỗ quan tài, ra sức lôi lão hàng xóm ra.
Nhưng lão hàng xóm chơi lầy, cứ bám chặt, nằm lì ở đó. Thấy thế, thằng cầm đầu của lũ xăm trổ mới tiến tới, chắp tay trước ngực, rồi quỳ thụp xuống cạnh cái quan tài, giọng bi ai:
– Em xin anh! Anh làm ơn ra ngoài giúp để bọn em còn vác quan tài đi nhà khác, kẻo tối không xong việc thì về đại ca bọn em chém chết ạ!
Khi ấy, lão hàng xóm mới chịu lồm cồm bò ra. Mấy thằng xăm trổ vừa nãy hung hăng là thế, giờ ngoan ngoãn, cum cúp như mèo, lầm lũi bỏ đi.
Ấy vậy mà lũ đó vừa đi được một lúc thì đã lại nghe tiếng xe máy rú ga ngoài ngõ, tôi lại hốt hoảng quay ra: may quá, không phải bọn chúng, mà là thằng con út lão hàng xóm vừa đi chơi game.
Tuy vậy, vẻ mặt thằng đó cũng hung hăng không kém lũ xăm trổ vừa rồi. Nó vứt cái xe đổ cái “rầm” ngoài sân, hùng hổ chạy vào nhà.
Thật kỳ lạ, lúc này, tôi lại rất bình thản, còn lão hàng xóm thì đâm ra cuống cuồng, hoảng loạn. Tôi hỏi sao vậy, lão bảo: “Bọn xăm trổ chỉ dọa thôi! Còn thằng này, nó làm thật đấy!”.
Quả đúng vậy! Lão hàng xóm vừa nói dứt lời thì thằng con lão đã xông tới, đè nghiến lão xuống giường, ghì chặt chân, ấn chặt cổ lão…
– Ông già! Biết điều thì nôn tiền ra!
– Mày vừa cạy tủ lấy hết rồi! Ở đâu nữa mà nôn?
– Ông tưởng tôi ngu à? Trong tủ đó chỉ là vài đồng lẻ thôi! Tôi biết ông còn tiền! Mau nôn ra! 
Lão hàng xóm bị ấn cổ thì hình như khó thở, mặt lão tím bầm. Rồi bất ngờ lão vùng lên, hất ngửa thằng con ra, cắm đầu chạy thẳng.
Thằng con lão sau tích tắc ngỡ ngàng thì cũng lập tức chồm dậy, tiện tay vơ luôn cái gậy, hùng hục đuổi theo…
Còn lại mỗi mình, tôi chán quá, lững thững đi về. Vừa tới nhà, tôi đã nghe tiếng ai đó thều thào gọi tôi vọng ra từ gian buồng.
Tôi lò dò bước vào: thì ra là lão hàng xóm, lão đã may mắn cắt đuôi được hai thằng con, trốn vào trong đó, nằm bẹp dí chỗ góc buồng,
Tôi vội vàng bế lão lên giường. Mấy ngày ốm mệt, không ăn uống gì, bị đấm sưng mồm, lại vừa vẫy vùng, chạy thục mạng, nên có lẽ sức lão đã kiệt.
Đứa con gái lớn nhà tôi, thấy quần áo lão bẩn, hôi hám quá, lấy đồ của tôi cho lão mặc, rồi đem mớ quần áo bẩn của lão ra giếng giặt; đứa út xuống bếp bắc nồi, nấu vội cho lão bát cháo cầm hơi…
Đón bát cháo từ tay con bé út, lão run rẩy đưa lên miệng, húp soàn soạt một hơi hết sạch. Từ khóe mắt lão chảy ra hai hàng lệ long lanh.
Tôi hỏi: “Sao thế? Cháo cay quá à?, thì lão lắc đầu, bảo: “Không, cháo ngon! Chưa bao giờ được ăn bát cháo nào ngon như thế!”.
Xưa, Chí Phèo ăn xong bát cháo hành của Thị Nở thì bừng tỉnh, thoát khỏi những cơn say triền miên, u muội, nghe được tiếng chim hót, tiếng thuyền chài đánh cá trên sông, và dâng lên trong lòng tình yêu cuộc sống.
Nay, người ăn cháo là lão hàng xóm, còn tôi lại là người bừng tỉnh. Tôi bước ra sân, gió nhè nhẹ, nắng lung linh, khiến những chiếc xì-líp, coóc-sê trên dây phơi như ánh lên, phấp phới, dập dình theo gió rung rinh…
Chưa bao giờ thấy mớ xì-líp, coóc-sê nào đáng yêu như thế!

Lạ quá! Sao lại đổ lỗi “tư duy tiểu nông” làm hỏng ngành giáo dục Tác giả: Nguyễn Quang Duy (Úc)

KD: Thú thật, mình đã rất chán bàn về GD, ko muốn viết về GD nữa. Tự nhiên đợt này ồn ào xung quanh vụ CNGD, rồi CT SGK mới. Hôm rồi Blog KD/KD lại nhận được bài viết này của tác giả NQD gửi, phản biện về những quan niệm “tư duy tiểu nông” trong GD. Buồn cười quá. Thật ra nói “tư duy tiểu nông” không sai, vì đó là “khí chất” của cả một dân tộc lúa nước, lấy nông nghiệp làm nghề hàng đầu. Nhưng phải nhìn thấy xa hơn cái gốc của sự rối loạn về GD hiện nay mới thấy vì sao?
Cần thấy bản chất GD nước Việt có sự ảnh hưởng rất đậm của GD nhân loại nhưng chưa bao giờ tìm thấy Mình. Đó là gì?
Xa xưa, GD nước Việt ảnh hưởng GD thực dân (Pháp), mang nặng tính hàn lâm, nhưng khá uyển chuyển. Đánh đuổi Pháp đi rồi, GD nước Việt tình nguyện chọn GD Liên xô và các nước XHCN anh em là “phe cánh”, ngưỡng mộ GD Nga, từ tư tưởng đến mô hình GD. Mà GD Nga Xô bản chất còn đậm đặc hàn lâm, và hơn nữa, khi đưa GD Nga Xô vào nước Việt, nó còn được “chính trị hóa” hơn nữa vì ý thức hệ tư tưởng của đệ tử theo CN Mác- Lê. Bất ngờ, Liên bang CHXHCN Xô viết sụp đổ, tan rã, GD nước Việt khi đó thật khổ, bẽ bàng, hoang mang không biết “bấu víu” vào học thuyết GD nào, chả biết theo ai, làm theo mô hình nào.
Vì chưa bao giờ là Mình, và cũng chưa tìm ra Mình, nên GD nứơc Việt hiện nó luẩn quẩn, và cãi nhau như mổ bò là vậy.
GD nước Việt trải qua 4-5 cuộc CCGD và Đổi mới, chưa lần nào thành công, mà chỉ thấy thất bại “có phần”. Người Việt vừa chửi bới om xòm CNGD của GS Hồ Ngọc Đại, mà không biết rằng, bản chất cuộc “đấu tố” đó đâu phải đi vào những hình tam giá, hay vuông tròn, mà nó thực sự mang mục đích muốn đập chết CNGD để chia lại “thị phần”. Vì hơn 01 triệu hs tiểu học, mà có tới 6 bộ SGK tiểu học, riêng sách CNGD đã chiếm tới 800.000 thì làm sao được phép “tồn tại”. Nếu sách CNGD tồn tại, thì lấy đâu các bộ sách khác có đất sống? Cứ diễn giải mãi cái hay của CNGD cũng là một sự buồn cười. Bởi “ông đấm Gà, bà tránh Vịt”
Nhưng chủ Blog cũng dám cá cược đó, lần nào CCGD cũng được khởi đầu bằng viết lại CT, SGK. Sau trận chửi bới CNGD, đến lúc nào đó, người Việt sẽ lại tập trung chửi bới SGK mới cho mà xem. Và “thành công chưa thấy, thất bại có phần” của CT, SGK mới sẽ lại “Tam Quốc diễn nghĩa”….
Giờ rất nhiều người Việt (bên thua cuộc) những yêu nước Việt khổ đau này, ngậm ngùi tiếc nuối tư tưởng nền GD Việt Nam Cộng Hòa: Dân tộc- Nhân bản- Khai phóng, có lý của họ. Sao không học những cái hay của chính người Việt nhỉ??? Viết đến đây lại thấy rất buồn
—————— 
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Báo Giáo dục Việt Nam ngày 22/09/2016, đưa nhận định của Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn Phó Chủ tịch Hội Vật Lý Việt Nam “Đừng làm chương trình, sách giáo khoa bằng tư duy… tiểu nông”.
Hai năm sau, đến ngày 12/09/2018 cũng trên Báo Giáo dục Việt Nam Giáo sư Hãn lại đổ lỗi cho chương trình soạn và thẩm định sách giáo khoa theo “văn hóa tiểu nông” không khoa học nên mới dẫn đến việc khủng hoảng giáo dục.
Trả lời BBC tiếng Việt, Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cũng cho biết:
“Về chuyện cải cách giáo dục, tôi nhớ nhà toán học Hoàng Tụy từng nói Cải cách giáo dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại vì tư duy tiểu nông, vì bóc ngắn cắn dài cắt khúc cuốn chiếu, thiếu một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính phủ và của xã hội”.
Đã nói tới khoa học thì thay vì vô cớ đổ lỗi cho “tư duy tiểu nông” hay “văn hóa tiểu nông”, chúng ta thử tìm hiểu nguyên nhân trước khi dẫn đến kết luận và tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.
Văn hóa tiểu nông là gì?
Người Việt đa số sống bằng nghề nông. Đời sống nông dân chủ yếu là tự lực, tự cường, tự cung, tự cấp, sống thực, không hình thức, không tham lam, trao đổi với bên ngoài chỉ xảy ra khi thật sự cần thiết…Người nông dân vì thế rất độc lập, yêu quê hương, nhận trách nhiệm, sống nhân bản, hòa đồng với thiên nhiên, tôn trọng và duy trì những quy ước, những trật tự do cha ông để lại.
Đương nhiên nền văn hóa nào cũng có mặt trái như bản tính của người nông dân là ngại thay đổi, không cạnh tranh, không thích hợp cho việc buôn bán, không thích đời sống ồn ào phố thị…
Khi đất nước lâm nguy những nông dân sẵn sàng nhận trách nhiệm tòng quân cứu nước. Hết chiến tranh họ lại quay về lo cày cấy ruộng vườn xây dựng gia đình và đất nước.
Việt Nam được tồn tại đến ngày nay chính nhờ những nông dân tay lấm chân bùn thật thà chất phác.
Nông thôn Việt Nam cho đến 1954 rất độc lập với sự quản lý của chính quyền trung ương. Xã hội Việt Nam vì thế được phân quyền một cách hết sức rõ ràng.
Khi triều đình thuyết phục được tầng lớp nông dân thì mọi việc dù lớn thế nào cũng xong. Còn nếu như nhà vua không hợp với lòng dân thì “phép vua thua lệ làng” việc gì cũng hỏng.
Như Hội nghị Diên Hồng thà chết không hòa.
Như cải cách giáo dục tại Việt Nam trước năm 1945. Khi vua Thành Thái ra sắc lệnh theo tân học dùng chữ Quốc ngữ các thầy đồ ở thôn quê đồng loạt tuân theo dạy chữ Quốc ngữ cho con em nông dân và khuyến khích nông dân cắt tóc ngắn theo tân học…
Nông thôn thời đó thay đổi rất nhanh và cũng nhờ thế mà phong trào Việt Minh Cộng Sản đã nhanh chóng cướp được chính quyền khi Nhật đầu hàng Đồng Minh.
Văn hóa Cách mạng Xã hội chủ nghĩa
Năm 1949 khi Đảng Cộng sản Trung Hoa thắng cuộc, tình hình miền Bắc Việt Nam cũng bắt đầu thay đổi.
Đến năm 1952 Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu phóng tay phát động Cải cách Ruộng đất với chủ trương “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, toàn miền Bắc ngập trong máu và nước mắt nông dân.
Đa số những người giàu có ở nông thôn đã rời lên thành phố tránh chiến tranh. Khi chỉ tiêu 5% dân số là địa chủ được đưa ra thì thầy giáo, nông dân và những người có văn hóa ở nông thôn là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Văn hóa tiểu nông bị xóa bỏ được thay thế bằng văn hóa cách mạng nhập cảng từ Trung Hoa.
Văn hóa cách mạng tôn thờ lãnh tụ, trung thành với tổ chức, trung ương tập quyền và độc quyền lãnh đạo, là hồng hơn chuyên, là tuyên truyền ngụy biện phản khoa học…
Khi biến thái văn hóa này kết hợp quyền lực và quyền lợi biến thành các nhóm lợi ích chỉ biết đến quyền và tiền.
Văn hóa mới cần phải có con người mới. Lớp người mới thấm nhuần văn hóa cách mạng ở nông thôn được ồ ạt đưa vào chính quyền, được đưa vào ngành giáo dục, được đưa lên thành thị.
Hầu hết người thành thị tránh công sản di cư vào Nam. Lớp người mới xã hội chủ nghĩa mang những thói quen từ thôn quê lên thành thị biến thành phố ra nông thôn.
Hà Nội ngàn năm văn vật biến thành Hà Nội vạn vật. Nhà nhà nuôi chó, nuôi heo, nuôi gà, nuôi vịt để ăn thịt và để tăng gia sản xuất. Hải Phòng, Vinh và các thành phố lớn cũng chịu chung số phận.
Xã hội miền Bắc đảo lộn từ nông thôn đến thành thị. Văn hóa mang màu sắc Bắc Kinh ảnh hưởng nặng nề đến giáo dục, nghệ thuật, văn nghệ, chính trị, tư tưởng, quân đội… nói chung là toàn xã hội miền Bắc.
Tầng lớp người mới này được đưa sang Trung Hoa, Liên Xô, Đông Âu du học trở thành tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa.
Mà xã hội chủ nghĩa là cái chi chi đến nay chưa ai rõ nên bao thế hệ trí thức xã hội chủ nghĩa miền Bắc cứ thế nhắm mắt mà đi, sai đâu sửa đó càng sửa càng sai.
Bởi thế thực hiện quản trị kiểu cuốn chiếu, không đâu vào đâu, lãng phí, gian dối, thiếu khoa học, thiếu viễn kiến, thiếu trách nhiệm, thiếu lãnh đạo có tâm có tầm… thì không chỉ riêng trong ngành giáo dục mà là phương cách quản trị ngày nay.
Phương cách quản trị đất nước này xuất phát từ văn hóa cách mạng xã hội chủ nghĩa không có chút tư duy tiểu nông tí nào.
Nông dân vốn bản tính làm đâu ra đó, sẵn sàng nhận trách nhiệm, không gian dối, ăn chắc mặc bền, quý trọng từng hạt gạo cộng rơm, tôn trọng của công, lo chuyện làng xã, tôn trọng quy ước và lãnh đạo làng xã…
Không hiểu cái gì cũng đổ lỗi cho ông bà coi chừng bị ông bà quở chết.
Bà Chủ tịch Quốc hội nói gì về giáo dục?
Trên Báo Giáo dục Việt Nam ngày 13/09/2018 Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn bắt đầu bằng lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Sách vở tôi học mấy năm sau em tôi vẫn dùng học lại được. Bây giờ mỗi năm một sách khác, tốn tiền nhân dân lắm!…”
Báo Lao Động nói rõ hơn về ý kiến của bà Chủ tịch Kim Ngân như sau: “Tôi thấy rất thương học sinh hiện nay học quá khổ sở. Thế hệ chúng tôi học cách đây đã 50, 60 năm nhưng kiến thức không quên điều gì. Tất cả các bài từ vỡ lòng vẫn nắm chắc. Trong đó, 3 tháng hè chúng tôi vẫn được nghỉ trọn vẹn. Học sinh hiện nay không có 3 tháng hè trọn vẹn, không có tuổi thơ, không có vui chơi…”
Bà Kim Ngân không nói rõ là trước đây học sinh chỉ học 1 buổi, hoặc sáng hay chiều. Không như ngày nay các em phải học cả ngày. Ở thành phố thích học thêm hội họa, võ thuật, nhạc,… cha mẹ cho học thêm không gò ép.
Bà Kim Ngân vốn xuất thân là nông dân, cả cha mẹ đều theo cộng sản, chính quyền miền Nam biết rõ nhưng không phải vì thế mà đối xử thiếu công bằng với bà.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên Việt Nam Cộng hòa từng cho biết: “chính trị chỉ là nhất thời, tương lai của dân tộc mới trọng đại, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đều phải ngưng lại trước ngưỡng cửa học đường”.
Bà học xong Trung học rồi vào Đại học Văn khoa Sài Gòn nhờ vậy ngày nay bà mới hiểu rõ nên nay đứng trước Quốc hội mới tỏ bày sự luyến tiếc nền Giáo dục Việt Nam Cộng hòa.
Việc bà Kim Ngân so sánh chẳng khác nào phủ nhận con đường “Bi đác” Xã hội chủ nghĩa, và biểu lộ tư tưởng về nguồn lấy nền tảng triết lý giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng làm căn bản.
Trên trang Báo Mới bà Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân còn cho biết: “Chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được, lịch sử các trận đánh, các triều đại từ Lý, Trần, Tiền Lê đến giờ cũng vẫn nhớ nguyên. Còn giờ hỏi bọn trẻ những thứ đó hầu hết đều không biết”.
Nghĩ thật buồn các em ngày nay không hiểu biết về địa lý về sử ký Việt Nam thì làm sao biết được cội nguồn mà tìm về.
Làm toán mà đặt sai vấn đề thì đáp số đương nhiên là sai.
Làm nhân văn xã hội mà nhìn sai vấn đề thì xã hội ngày càng loạn.
Cách nhìn, cách đánh giá khi so sánh thể chế giáo dục Bắc Nam của bà Kim Ngân là cách nhìn đúng đắn, rất khoa học rất đáng khuyến khích.
Cũng là người Việt Nam, cũng thoát khỏi sự cai trị của người Pháp, cùng chịu chiến tranh mà tại sao miền Nam thành công cho đến nay cả người theo cộng sản còn luyến tiếc. Còn miền Bắc càng cải cách càng lún sâu vào khủng hoảng.
Bấy lâu nay tôi rất áy náy khi nghe nói đến cụm từ “tư duy tiểu nông”, nhân cơ hội mới được tỏ bày nếu có điều chi chưa đúng hay chưa rõ rất sẵn lòng đón nhận ý kiến và trao đổi.
Còn muốn có “một người nhạc trưởng có tâm, có tầm, có uy tín và uy lực, dám chịu trách nhiệm, huy động được cả tài lực lẫn vật lực của chính phủ và của xã hội”. như băng khăng của nhà toán học Hoàng Tụy thì phải trả ngay lại quyền cho người dân chọn lựa.
Vì sao chúng ta nên ủng hộ dân chủ?
Hết sức đơn giản vì nếu ông Tổng thống và Nội các của ông ấy không làm tròn nhiệm vụ như lời hứa hẹn thì chỉ trong vòng 4 năm người dân sẽ đuổi ông ta khỏi chính quyền trao quyền cho người khác thực hiện.
Vì giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội không phải của riêng ai, muốn thực hiện tốt ông ấy phải thăm dò ý kiến của Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn, của Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng, của các thầy cô khác, của phụ huynh học sinh và nhất là của người dân trong và ngoài nước để đưa ra và thực hiện những chính sách khả thi nhất trong hoàn cảnh đất nước.
Có dân chủ Việt Nam mới thoát khỏi cách quản lý độc quyền thiếu khoa học, thiếu viễn kiến, thiếu trách nhiệm sai lại sửa càng sai càng sửa đất nước trải qua mấy chục năm nay.
Các thế hệ con em chúng ta không còn bị biến thành khỉ vì giáo dục kiểu hiện nay (lời của Giáo sư Hồ Ngc Đại) hay không bị biến thành “chuột bạch” tiếp tục bị mang ra làm thí điểm cho Công nghệ giáo dục.
Không con đường nào khác hơn Việt Nam phải tiến tới dân chủ tự do.
Melbourne, Úc Đại Lợi
Nhân tiện cũng xin giới thiệu cùng các bạn 3 bài viết cũ về Giáo Dục thời Việt Nam Cộng Hòa
Giáo dục Việt Nam: cố sửa hay trở về gốc? Nguyễn Quang Duy

Ông TRẦN ĐẠI QUANG, CHỦ TỊCH NƯỚC ĐÃ TỪ TRẦN

Tác giả: theo FB Trương Huy San 
10:05, 21-9-2018, Trần Đại Quang (1950 – 2018)
KD: Mình cũng nhận được tin như vậy, sáng nay. Quả là mỗi người một mệnh!
Xin đưa tin để bạn đọc chia sẻ. Các báo chắc còn chờ chỉ đạo, thống nhất cách đưa tin.
Blog KD/KD xin chia buồn cùng gia quyến của ông. Mọi tham sân si, hỉ nộ ái ố của kiếp người cũng đều đã ở thế giới bên kia
Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy.
Đã bắt đầu thấy báo chính thống đưa tin:
———— 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời
Sau thời gian mắc bệnh hiểm nghèo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần lúc 10h05 sáng nay tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Quốc Triệu – Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, Chủ tịch nước mất tại bệnh viện Trung ương quân đội 108.
Theo thông báo của Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mắc bệnh hiểm nghèo, đã được các giáo sư bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điện kiện nhưng không qua khỏi
Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Giang Huy.
Ông Trần Đại Quang, 62 tuổi, quê ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. 
Tốt nghiệp Trường Cảnh sát nhân dân Trung ương và Trường Cao đẳng Ngoại ngữ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), ông từng trải qua nhiều vị trí trong ngành Công an.
Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII. 
Ông làm Thứ trưởng Công an từ năm 2006 đến tháng 8/2011.
Từ tháng 8/2011 đến tháng 3/2016, ông giữ chức Bộ trưởng Công an; Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đại biểu Quốc hội khóa XIII; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.
Từ tháng 4/2016 đến nay, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; đại biểu Quốc hội khóa XIV.

————

15 tháng 9, 2018

Kỷ luật cảnh cáo Trung tướng Công an Bùi Xuân Sơn

(NLĐO)- Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Trung tướng Bùi Xuân Sơn, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an. 
Tại kỳ họp 29 diễn ra từ ngày 10-9 đến ngày 12-9-2018 ở Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Trong đó, có xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an (Tổng cục IV) và cá nhân liên quan về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 28 của UBKT Trung ương.
Căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Trung tướng Bùi Xuân Sơn, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục IV.
Trung tướng Công an Bùi Xuân Sơn - Ảnh: Vietnamnet
Đồng thời, đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục IV nhiệm kỳ 2015-2020.
Trước đó tại kỳ họp 28 từ ngày 24 đến 26-7-2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an
Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục IV) đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất an ninh và quản lý tài sản công; bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết kinh doanh, cho thuê đất an ninh không đúng quy định pháp luật.
Trung tướng Bùi Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác tham mưu thực hiện quản lý, sử dụng đất an ninh của ngành Công an khi được giao phụ trách lĩnh vực này.
Ngoài ra, Trung tướng Lê Văn Minh, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trung tướng Bùi Văn Thành, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp phụ trách Tổng cục IV, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục IV cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục IV và chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và các Trung tướng Lê Văn Minh, Bùi Xuân Sơn là nghiêm trọng, vi phạm của Trung tướng Bùi Văn Thành là rất nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Công an, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Cũng tại kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Trần Văn Minh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương (đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng). UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Văn Minh do những vi phạm trong thời gian giữ cương vị phó bí thư Thành ủy, bí thư Ban Cán sự Đảng, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
UBKT Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh và các cá nhân liên quan về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 28 của UBKT Trung ương.
Căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức phó bí thư và ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 đối với ông Diệp Văn Thạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; cảnh cáo đối với ông Trần Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố; cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Tám, nguyên phó bí thư Thành ủy, nguyên chủ tịch UBND TP Trà Vinh.
UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
UBKT Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật đại tá Hồ Xuân Vượng, trong thời gian giữ chức vụ ủy viên UBKT Đảng ủy Quân đoàn 4, Bộ Quốc phòng, ông đã vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, lối sống và vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông. Căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Hồ Xuân Vượng.
UBKT Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Luật, Phó trưởng Ban Giám sát Tập đoàn Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Luật đã thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định trong việc phê duyệt cấp tín dụng và cho doanh nghiệp vay vốn, dẫn đến nợ xấu với số tiền lớn.
Vi phạm của ông Nguyễn Xuân Luật là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng Vietcombank. Căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Luật.
UBKT Trung ương xem xét kết quả kiểm điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh Bình Dương về trách nhiệm liên quan đến các vi phạm xảy ra đối với dự án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
UBKT Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng ở các cơ quan và địa phương nêu trên chỉ đạo xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tập thể, cá nhân liên quan. UBKT Trung ương báo cáo Ban Bí thư chỉ đạo xem xét, xử lý đối với một số ông cán bộ diện Trung ương quản lý.
UBKT Trung ương xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBKT Tỉnh ủy Bình Dương; kết quả giám sát đối với Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y và một số cá nhân. Qua kiểm tra, giám sát, UBKT Trung ương đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng và cá nhân rút kinh nghiệm, sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.
Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, UBKT Trung ương kết luận:
Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa nhiệm kỳ 2015-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất đai và trong thực hiện một số dự án, công trình trên địa bàn huyện, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
Bà Hồ Thị Lệ Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; ông Võ Thanh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện; ông Đặng Trọng Vân, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và ông Nguyễn Ngọc Sắc, nguyên phó bí thư Huyện ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện và chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ông Đặng Minh Khanh, nguyên phó bí thư Thường trực Huyện ủy, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy và chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa và các ông, bà: Hồ Thị Lệ Hà, Võ Thanh, Đặng Trọng Vân là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật; vi phạm, khuyết điểm của các ông Nguyễn Ngọc Sắc, Đặng Minh Khanh cần phải tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm theo quy định.
Cũng trong kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, giải quyết tố cáo 2 trường hợp; giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng đối với 2 trường hợp và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác.
D.Châu

Học sinh Trường Thực nghiệm lên tiếng: ‘Chúng em tự hào về GS Hồ Ngọc Đại’

Tác giả: Tin Tổng Hợp

KD: Xin trích một cái còm của mình về bài viết này trên FB Luật Hiến Pháp: “Điều đáng nghĩ, học sinh Thực nghiệm rất yêu thầy, yêu trường mình và các em rất ngoan, còn người lớn thì chửi bới “hộ”, mặc dù các em ko yêu cầu. Hiếm có trừơng nào mà học sinh yêu mái trường của mình như vậy”!
Cũng xin nói thêm, con dâu mình cũng là học sinh Trường Thực nghiệm. Và con rất tự hào về Trường, rất yêu quý Thầy Hồ Ngọc Đại. Những ngày qua, trước những chửi bới “lộng ngôn” xấc xược của không ít kẻ gọi là cư dân mạng, trên FB của con, mình thấy con đưa rất nhiều bài viết của các bạn bênh vực Trường Thực nghiệm, như một cách “phản biện”. Nếu GS Hồ Ngọc Đại biết học trò yêu và sẵn sàng đứng sau ông để bảo vệ mái trường của mình, bảo vệ Thầy của họ, hẳn ông rất hạnh phúc.
———— 
Ảnh đại diện của chị chàng đây. Trong một stt có dòng chữ: TỰ HÀO LÀ HỌC TRÒ CỦA THẤY. Đọc vừa thương vừa buồn cười
Trước những tranh cãi về cách đánh vần tiếng Việt theo bộ sách ‘Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục’, nhiều học sinh Trường thực nghiệm đã lên tiếng bảo vệ chương trình ‘Công nghệ giáo dục’ và GS Hồ Ngọc Đại.
Mai Khanh (thứ ba từ trái qua) và thầy cô, bạn bè Trường thực nghiệm trong buổi hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Mai Khanh
“Trong lúc học sinh trường khác loay hoay đánh vần, chúng em đã biết làm thơ!”
Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết tranh cãi quanh phương pháp học tiếng Việt theo tài liệu “Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại. Các bài tập đọc như “Quả bứa”, “Bé xách đỡ mẹ”, “Mụ phù thủy”… trong cuốn sách của ông cũng bị phân tích, mổ xẻ về tính giáo dục, nhân văn.
Trước sự việc này, Nguyễn Mai Khanh (hiện đang học lớp 7, Trường THCS Thực nghiệm, Hà Nội), một học sinh từng học chương trình “Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng chia sẻ quan điểm.
Em cho biết mình bức xúc và rất buồn khi thấy phản ứng của dư luận về ngôi trường thực nghiệm và người thầy mà em kính trọng.
“Sẽ là tàn nhẫn khi vội vàng chê bai mà không hỏi ý kiến chúng con, những người trong cuộc, những người đang ngồi trên ghế nhà trường và được trải nghiệm phương pháp dạy học của GS Hồ Ngọc Đại.
Chúng con là người trong cuộc, sao không hỏi chúng con mà lại hỏi một số phụ huynh, giáo sư tiến sĩ chưa trải nghiệm tiết học nào ở trường chúng con? Chúng con cảm thấy chương trình công nghệ giáo dục rất hay và hiệu quả” – Mai Khanh chia sẻ.
Cũng theo Mai Khanh, Trường Thực nghiệm không chỉ dạy chương trình Công nghệ Giáo dục mà có cả những lớp dạy theo chương trình đại trà.
“Trước khi có cơ hội được học chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, em học lớp dạy theo chương trình đại trà. Học 1 tháng ở lớp này, em mới chuyển sang lớp học phương pháp giáo dục công nghệ, nên cảm nhận rõ rệt sự khác biệt giữa hai phương pháp dạy.
Khi mới chuyển sang lớp Công nghệ giáo dục, em thấy lạ lắm. Trước khi đi học, mọi người thường nói chấm dứt thời gian chơi, tập trung học tập… nhưng khi đi học thì không phải thế. Chương trình học thiết kế vui, dễ học nên chúng em cũng dễ tiếp thu và nhớ lâu.
Không chỉ có học, xen kẽ những bài học, các thầy, các cô còn kể chuyện cười cho chúng em nghe. Em không hề thấy căng thẳng vì học, mà vui như đang chơi” – Mai Khanh chia sẻ.
Cũng theo Mai Khanh, nhờ chương trình giảng dạy “hình tròn, ô vuông”, ghép phụ âm + vần thành từ mà các em nhanh biết đọc, biết viết. Trong lúc học sinh trường khác vẫn loay hoay với những bài học vần, các em đã biết ghép vần, làm thơ.
“Tự hào về GS Hồ Ngọc Đại”
Cũng theo Mai Khanh, thầy trò Trường Thực nghiệm dạy và học theo một phương pháp hoàn toàn khác với những ngôi trường khác bên ngoài.
Mai Khanh khẳng định em và các thế hệ Trường Thực nghiệm luôn tự hào về GS Hồ Ngọc Đại – người sáng lập nên Trường Thực nghiệm. Em cũng cảm thấy may mắn khi được học chương trình “Công nghệ giáo dục”, vì đã giúp em trải nghiệm những ngày đi học “vui như đi chơi”.
GS Hồ Ngọc Đại vui mừng khi gặp lại nhiều học trò, là khóa đầu tiên của Trường Thực nghiệm trong một sự kiện vào cuối tuần qua. Ảnh: Bích Hà
Cũng chung tâm trạng bức xúc, không hiểu tại sao dư luận lại chỉ trích GS Hồ Ngọc Đại và “Công nghệ giáo dục”, chị Nguyễn Thị Hương Giang (công tác tại Đại sứ quán Ba Lan, học sinh khóa đầu tiên của Trường Tiểu học thực nghiệm) khẳng định: Chị thấy may mắn vì được học chương trình Công nghệ giáo dục và là học trò của GS Hồ Ngọc Đại.
Chị Giang kể lớp mình có 30 học sinh, mỗi môn một giáo viên. Thầy cô của Trường Thực nghiệm lấy học trò làm trung tâm. Ở đó, các chị được tôn trọng sự khác biệt, không ai chê bai, cười nhạo khi nói gì sai, không chạy theo thành tích, điểm số.
Anh Nguyễn Khương Trang (đang công tác tại Bộ Ngoại giao), cũng là học sinh khóa đầu tiên của Trường thực nghiệm cho biết, chương trình “Công nghệ Giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại không chỉ có cách đánh vần nhiều người cho là khó hiểu, mà ở đó có những triết lý giáo dục vô cùng tiến bộ của GS Hồ Ngọc Đại.
“Học với thầy Đại, kỳ 1 lớp 1, chúng tôi chỉ học vuông, tròn, tam giác nhưng đọc vanh vách hàng loạt ca dao tục ngữ. Lớn hơn chút nữa, chúng tôi được thỏa sức tưởng tượng qua những đề Văn, Toán mang tính sáng tạo. Thầy Đại giúp chúng tôi được là chính mình, không cần so với ai”- anh Khương Trang chia sẻ.
Cựu học sinh khóa đầu trường Thực Nghiệm cũng mong muốn phương pháp giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được nhân rộng hơn và dư luận đừng vội vàng phán xét, chỉ trích “Công nghệ giáo dục” khi chưa tìm hiểu kỹ.
Nguồn : https://baomoi.com/hoc-sinh-truong-thuc-nghiem-len-tieng-chung-em-tu-hao-ve-gs-ho-ngoc-dai/c/27686798.epi?utm_source=facebook&utm_medium=feedfb&utm_campaign=facebook

9 tháng 9, 2018

TẤT CẢ MỌI NGƯỜI ĐỀU SINH RA CÓ QUYỀN BÌNH ĐẲNG !

BÙI MINH QUỐC
Những tiếng ấy vang lên, cách đây hơn 232 năm, từ văn bản lập quốc công bố ngày 4/7 năm 1776 của một quốc gia trẻ nhất hành tinh vào thời đó – Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ - cũng là quốc gia thiết lập chế độ dân chủ đầu tiên, mở ra một kỷ nguyên mới của nhân loại – kỷ nguyên dân chủ, tự do. Sau Hoa Kỳ 13 năm – ngày 14/7 năm 1789, cuộc cách mạng Pháp chấm dứt chế độ quân chủ hằng ngự trị đất nước này tưởng đến muôn đời, lập nên chính thể cộng hòa với tiêu ngữ của chế độ mới : TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI.
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng !
Mấy tiếng ngắn gọn ấy khẳng định chắc nịch rằng đây là một quyền tự nhiên, đương nhiên, một lẽ phải hiển nhiên không ai chối cãi được. Không một yếu tố khác biệt nào - dân tộc, quốc gia, chủng tộc, màu da, giai cấp, đẳng cấp, tôn giáo, tài sản, giới tính, tuổi tác, thể lực, thể hình, học vấn, nghề nghiệp… - có thể thay đổi, đảo lộn bản chất, vị thế bình đẳng giữa con người này với con người khác.
Từ xưa, minh triết dân gian Việt Nam đã khẳng định một cách hình tượng điều tương tự :
Hơn nhau tấm áo manh quần
Cởi ra mình trần ai cũng như ai
Theo suy nghĩ của riêng tôi thì kể từ khi tìm ra lửa và nhờ vậy thoát khỏi thời mông muội ăn lông ở lỗ, ăn sống nuốt tươi, đây là lần thứ hai con người tìm ra lửa, một ngọn lửa mới - ngọn lửa tinh thần - thắp lên soi đường đột phá để tự đưa mình thoát khỏi cái đêm trường dày đặc hằng tồn tại như một định mệnh truyền kiếp chồng chất vô vàn những tư tưởng, tâm lý, thái độ và hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử giữa con người với con người.Từ đây, mỗi con người cần phải ý thức được rằng nó bình đẳng với tất cả mọi con người khác.Với tư cách con người, nó đứng ngang hàng với tất cả mọi con người khác trên mặt đất này.Nó cần phải có lòng tự trọng và đồng thời phải biết tôn trọng người khác vì họ cũng là con người như mình và trước hết chỉ vì lẽ đó mà thôi. Mọi tư tưởng, thái độ và hành vi kỳ thị phân biệt đối xử với con người vì lý do dân tộc, quốc gia, chủng tộc, màu da, giai cấp, đẳng cấp, tôn giáo, tài sản, giới tính, tuổi tác, thể lực, thể hình, học vấn , nghề nghiệp… (thậm chí ở nhiều quốc gia đã trở thành chính sách của kẻ cầm quyền gây ra biết bao tội ác kéo dài bao năm) đều là phi nhân, dứt khoát không thể chấp nhận được, dứt khoát phải tìm mọi cách loại bỏ, thanh toán dần những trở lực hữu hình và vô hình ấy trên con đường tiến lên của từng con người, của toàn nhân loại.
Hành trình loại bỏ, thanh toán ấy đương nhiên là dài, dài lắm.
Lâu dài, bởi vì xét cho cùng thì trở lực nằm ngay trong chính bản thân con người. Hình như người ta chẳng mấy ai tránh được cái thói xấu – gần như một thứ bản năng - ỷ mạnh hiếp yếu, cậy giàu khinh nghèo.“Đồ khố rách áo ôm!” là câu đầu miệng của không ít những kẻ khá giả, giầu có khi nói về lớp người bần cùng trong xã hội. “Đồ ngu, đồ vô học!” là câu đầu miệng của không ít những kẻ có chút chữ nghĩa khi nói về những người thất học, ít học. Khó lường được chỉ nội mấy lời ấy thôi – phát ra một cách bình thường như sự hít thở - cũng đủ gieo vào lòng đối tượng bị xúc phạm một mối hận thù âm thầm dai dẳng và dẫn đến những xung đột xã hội ghê gớm đến thế nào.Trên phạm vi toàn cầu thì nước lớn, nước mạnh ăn hiếp, xâm lược nước nhỏ, nước yếu. Và trớ trêu thay, hành vi ăn hiếp, xâm lược lại xuất phát từ ngay cả những nước đi đầu giương cao ngọn cờ bình đẳng, tự do.
Lâu dài, bởi vì trong con người, cùng với khát vọng tự do, bên cạnh cái bản năng ỷ mạnh hiếp yếu, cậy giàu khinh nghèo lại có một cố tật – cũng gần như một thứ bản năng – là tính nô lệ (đại văn hào Nga An-tôn Sê-khốp cuối thế kỷ 19 đã phát hiện ra trạng thái bi thảm đó và nói - đại ý - rằng con người cần phải nỗ lực từng ngày từng ngày một tự vắt ra khỏi bản thân nó từng giọt nô tính).
Lâu dài, bởi vì con người phải làm sao tự chuyển hóa được cái chân lý “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” từ một nhận thức lý trí trở nên nhuần nhuyễn trong bản thân nó thành một tâm lý, một tập quán mới, một bản năng mới.Chủ nghĩa nhân văn mới hẳn không thể thiếu cái nội dung quan trọng thậm chí rất cơ bản này là từng ngày từng giờ nhẫn nại ươm mầm, bồi dưỡng cho con người một bản năng mới – bản năng tôn trọng lẫn nhau. Một thực tế sờ sờ ai cũng thấy : sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì diễn ra với tốc độ vũ bão nhưng sự tiến triển của tố chất nhân văn biết tôn trọng lẫn nhau giữa con người với con người và giữa các quốc gia, nhất là giữa nước lớn nước mạnh đối với những nước nhỏ yếu thì hết sức chậm chạp, trồi lên trụt xuống, nhiều khi tiến được vài ba tấc thì lại thụt lùi dăm bảy mét.
Quan trọng bậc nhất trong quyền bình đẳng là bình đẳng về quyền tự do suy nghĩ và tự do phát biểu trung thực điều mình nghĩ, nói cho gọn là QUYỀN MỞ MIỆNG. Đây là một quyền tự nhiên, con người sinh ra là có. Và là một quyền thiêng liêng.Khi lọt lòng mẹ, con người cất tiếng khóc chào đời là hành vi đầu tiên nó tự thực hiện quyền mở miệng, đồng thời cũng là quyền thông tin – con người thông báo về sự có mặt của cá nhân nó trên thế gian này.Hành vi bịt miệng con người không cho họ nói lên trung thực điều họ nghĩ, họ biết, họ thấy, là một tội ác, thậm chí là một tội ác bao trùm (“im lặng nuôi dưỡng tội ác!” – François Mitterand, cố tổng thống Pháp). Mỗi con người tự bịt miệng mình phải im lặng trước những sự thật không được phép im lặng thì mang tội với chính bản thân mình và với cộng đồng.Trong các chế độ độc tài, đặc biệt là chế độ độc tài toàn trị cộng sản – một kiểu chế độ quân chủ tân trang - thì bịt mồm bẻ bút là quyết sách chiến lược, đồng thời nó dùng mọi thủ đoạn trắng trợn và tinh vi, trấn áp đe dọa và mua chuộc để buộc các thần dân của nó phải tự bịt miệng và tự bẻ, tự uốn cong ngòi bút. Cần phải liệt cái quốc sách bịt mồm bẻ bút vào hàng tội ác chống nhân loại.
Gắn quyện mật thiết với quyền bình đẳng là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.Xưa nay, nói đến hạnh phúc, phần đông người ta thường chỉ nhăm nhăm trước hết mưu tính sự giầu có về vật chất.Dĩ nhiên nếu con người không được đảm bảo những nhu cầu vật chất thiết yếu thì không thể nói đến hạnh phúc, nhưng một cuộc sống thừa mứa về vật chất mà thiếu vắng tự do và sự tôn trọng lẫn nhau là một cuộc sống bất hạnh.Cái lòng tham vô đáy khiến con người mê muội không thấy được một lẽ phải đơn giản này : đời người là hữu hạn, sự hưởng thụ vật chất là hữu hạn, sự hưởng thụ về tinh thần là vô hạn. “ Vua ngô ba mươi sáu tàn vàng/ Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì ” - ca dao Việt Nam từ lâu đã khẳng định sự thật hiển nhiên đó. Thường chỉ đến khi sắp mãn đời, người ta mới ngộ ra sự giầu có về tâm hồn, trí tuệ, tình yêu thương của mình với mọi người và mọi người với mình mới là thứ hạnh phúc đích thực đáng để mưu cầu.
Cái gốc sâu bền của một cuộc sống tinh thần hạnh phúc là tự do và sự tôn trọng lẫn nhau.Tôi cho rằng chuẩn mực hàng đầu của một thế giới hạnh phúc chưa hẳn là sự dồi dào về vật chất mà là sự tôn trọng lẫn nhau giữa những con người tự do tự chủ tự lập và giữa các quốc gia độc lập, còn về vật chất thì chỉ cần đảm bảo đủ dùng và dư dả một chút phòng khi cơ nhỡ cho tất cả mọi người – vâng, xin phép nhấn mạnh : cho tất cả mọi người.
Trong sự tôn trọng lẫn nhau thì tôn trọng ý kiến riêng và quyền được nói lên ý kiến riêng của nhau là điều hệ trọng nhất, hệ trọng không kém gì tôn trọng mạng sống của nhau.Mỗi con người đều có cái đầu với những suy nghĩ riêng, với tư duy độc lập của mình.Tư duy độc lập chính là sinh mạng tinh thần của mỗi người.Nhân loại đã có những bài học đắt giá ghê gớm về giá trị của ý kiến riêng, của tư duy độc lập của cá nhân ngay cả trong trường hợp nó bị thiểu số tuyệt đối.Ga-li-lê bị thiểu số tuyệt đối với toàn bộ phần nhân loại còn lại khi khẳng định rằng trái đất quay quanh mặt trời, nhưng cái tiếng nói của con người bị thiểu số tuyệt đối và bị tòa án dị giáo buộc tội phải quản chế suốt đời ấy lại là chân lý khoa học. Cần phải tôn trọng ý kiến riêng ngay cả đối với một em bé.Tiếng reo hồn nhiên của em bé : “ Ô hô ! Kìa, nhà vua cởi truồng !” (trong truyện “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” của Hans Christian Andersen) nói lên cái sự thật trần truồng về nhân vật quyền lực tối cao, một sự thật ai cũng thấy mà không ai dám nói.Tôi cho rằng tất cả mọi người, trước hết là những người có quyền, từ các bậc cha mẹ trong một gia đình đến những người cầm quyền trong một quốc gia cần phải khắc cốt ghi tâm lời nàycủa nhà văn nữ nổi tiếng người Anh Evelyn Beatrice Hall : “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó”.Nhưng thế giới mà tôi đang sống, và nhất là đất nước tôi, sau một cuộc chiến tranh dài vẫn đang đầy rẫy áp bức bất công.Giai cấp thống trị - bọn to mồm hò hét xóa áp bức bất công nhưng thực chất chỉ là bọn lấy xương máu nhân dân đúc thành ngai ghế vua quan – hàng ngày hè nhau ra sức cướp đất dân, bịt miệng dân.Có thể nói, chúng tiến hành một cuộc chiến tranh (không tiếng súng) đơn phương chống lại nhân dân.
Sau chiến tranh chúng lại chiến tranh
cuộc chiến tranh một phía
người sống sót trở về oằn lưng suu thuế
bọn lấy máu đúc vàng
độc quyền ngự trị nghênh ngang
độc quyền nghĩ
độc quyền nói
độc quyền ráo trọi
dân đen chỉ mỗi quyền được đói
và thêm nữa là quyền
sợ hãi
triền miên…!
Thời trẻ, tôi rất tâm đắc hai câu thơ này của nhà thơ Nguyễn Đình Thi – được coi là một trong những nhà thơ cách mạng vào hàng tiêu biểu :
Còn một em bé rách
Chúng ta còn phải đi
Tôi đã mạn phép anh linh nhà thơ đàn anh, nương theo hai câu thơ trên mà thay lại mấy chữ để ký thác một tâm nguyện gan ruột của riêng mình :
Còn ai bị bức
Thì tôi còn phải đi
Và đây là TUYÊN NIỆM THƠ của tôi :
Thơ tôi tiếp lửa cho người bị áp bức
Từng ngày từng ngày
Cho sớm đến một ngày
Không còn ai cần đọc thơ tôi.
Đó là cái ngày mà đại đa số nhân loại, trên con đường dài tự hoàn thiện bản thân, đã mang trong mình một bản năng mới - bản năng tôn trọng lẫn nhau để tiến vào kỷ nguyên phi bạo lực, giải quyết mọi tranh chấp bằng đối thoại ôn hoà, bình đẳng, bình tĩnh lắng nghe lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, tiếp nhận và làm phong phú lẫn nhau, cùng nhau hợp tác phát triển trong hoà bình.
Đà Lạt Tháng Tám 2018

NGÔN NGỮ “QUAN QUYỀN”

Tạ Hữu Đỉnh
Tạp bút

Trên mạng internet có bài: “Ngôn ngữ quan quyền”, của GSTS Nguyễn Đức Dân trả lời Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, ông nói: “HTV9 hỏi tôi về chuyện “Trạm thu giá”, “giá dịch vụ đào tạo…” là cách dùng từ trong ngôn ngữ hành chính nghe trục trặc quá”. Tôi đáp, cách nói này mọi người nghe đều thấy kỳ cục, lạ tai vì nó không tồn tại trong tiếng Việt. Đây là cách nói do những người có quyền đặt ra, bịa ra rồi áp đặt vào tiếng Việt, nên đây không phải là ngôn ngữ hành chính mà là thứ ngôn ngữ “quan quyền”; dân gian có câu “Muốn nói oan làm quan mà nói”.
Ví dụ: “diễn biến hoà bình” là một thuật ngữ trung tính, không tích cực mà cũng không tiêu cực, nhưng trong ngôn ngữ chính trị chúng ta đã áp đặt ra một thứ ngôn ngữ quan quyền “âm mưu diễn biến hoà bình” để chỉ khái niệm âm mưu lật đổ một chế độ bằng con đường diễn biến hoà bình…”.
Chúng tôi (người viết) cũng rất tâm đắc đề tài này, nên xin phép GSTS được trích mấy dòng trên, và viết tiếp mấy dòng sau đây:
Cũng trên mạng, báo Việt Nam Nét đăng bài: “Đằng sau vụ kích động người dân xuống đường gây rối ở TP Hồ Chí Minh có đoạn viết: “Bà Hồng đưa cho Tuấn biểu ngữ và nói với Tuấn, cứ tham gia biểu tình từ 8h sáng đến 20h tối, gặp tại hồ Con Rùa (Q3) sẽ nhận được 400 ngàn đồng. Bà Hồng còn hướng dẫn Tuấn khi hoà vào dòng người, phải liên tục giơ cao tờ giấy nói trên (Nhưng ở trên không thấy bài báo nói đến tờ giấy nào cả) và hô lớn “Đả đảo cho Việt Nam tiến lên, tiến lên”.
Cũng bài này còn có đoạn viết: “Điển hình là vụ của đối tượng Võ Văn Trụ (SN 1982, quê Long An) vừa bị công an quận Bình Tân khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ” vì ném cục đá hơn 30kg vào lực lượng CSCĐ tại công ty Pou Yuen vào ngày 11 – 6…”.
Những dòng chữ đó, chắc chắn cũng là thứ ngôn ngữ “quan quyển” của “quan làm báo” bịa ra, chứ nếu bảo cứ đi biểu tình, tối đến hồ Con Rùa sẽ nhận được 400 nghìn đồng, thì bà Hồng phải có một kho bạc, và chắc bà ta đang bị điên cho nên mới đem tiền của mình đi cho thiên hạ như vậy. Vì chẳng thiếu gì kẻ lợi dụng, nhận biểu ngữ nhưng chẳng làm gì, rồi tối đến lĩnh tiền. Còn bảo cứ hô lớn “Đả đảo cho Việt Nam tiến lên!”. Thì đả đảo cái gì? Và sao chỉ hô đả đảo mà Việt Nam lại tiến lên được?
Viết như vậy, chắc báo Nét muốn người đọc tin rằng bà Hồng được “Các thế lực thù địch” đưa tiền để mua chuộc người dân đi biểu tình gây rối. Nhưng thưa ông Nét, chiến tranh đã kết thúc từ lâu rồi. Mấy “ông đế quốc” ngày xưa xâm lược nước ta, bây giờ đã trở thành bè bạn, thành đối tác tin cậy của ta, và đôi bên đã công nhận thể chế của nhau rồi. Vậy “Các thế lực thù địch” cụ thể là bọn người nào? Phải chăng là ba ông Việt kiều đang sống lưu vong? Nhưng bây giờ thì họ (những người còn sống) đã già nua, cơm ăn, áo mặc hàng ngày còn phải cậy nhờ con cháu, họ lấy đâu ra tiền mà đưa cho bà Hồng? Vả lại, cũng không ai có thể tin rằng, bọn người này vẫn còn ý chí muốn quay vể để chiếm lại những gì trước đây với hàng triệu quân, họ đã không giữ được.
Cho nên, cái gọi là “Các thế lực thù địch” cũng chỉ là giả tưởng, do các “quan quyền” bịa ra rồi áp đặt cho xã hội, để áp chế những người biểu tình phản đối Formosa gây ô nhiễm làm cá chểt, hay Luật đặc khu kinh tế cho người nước ngoài thuê đất 99 năm. Chứ làm gì có chuyện chỉ có mỗi một mình với hai khẩu súng mà “ông Việt Tân” nào đó lại định lật đổ chính quyền!
Hay bảo Võ Văn Trụ ném cục đá hơn 30kg vào lực lượng CSCĐ , cũng là ngôn ngữ “quan quyền” thêu dệt ra, bịa ra. Chứ ngôn ngữ của người dân thì cục đá chỉ bằng nắm tay, bằng củ đậu (đá củ đậu), chứ làm gì có cục đá hơn 30kg. Mà nếu quả thực Võ Văn Trụ ném được hòn đã nặng hơn 30kg, thì đó là đại lực sĩ, là “siêu nhân”, là người “ngoài hành tinh”, là “báu vật quốc gia” rồi, sao lại khởi tố?
Hay như ngày nào, để cứu một số nhà Ngân hàng có quá nhiều nợ xấu khó đòi khỏi bị phá sản, các “quan quyền” liền thành lập công ty mua nợ xấu với giá là không đồng. Dân gian ta có câu: “Tiền giao cháo múc”. Phải nhận tiền rồi mới múc cháo. Hay cháo đã múc rồi thì phải được nhận tiền. Đã gọi là “mua” mà lại chỉ mua bằng “không”, bằng “mồm”. Hay đúng ra là chẳng bằng cái gì cả. Nói như vậy, có lẽ chỉ các “quan quyền” nghe mới lọt tai, chứ dân chúng thì thấy chướng tai quá!
Đáng lẽ Viện ngôn ngữ Việt Nam nên mở một cuộc điều tra xem vị “quan quyền” nào đã có công phát minh ra cái thuật ngữ điêu trá hoàn hảo đến mức tài hoa như vậy, để thưởng cho quan ấy cái huân chương “NAM TÀO BẮC ĐẨU BỘI TINH” hạng siêu! Vì từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ, người Việt ta chưa có phát minh nào vĩ đại như vậy.
Lại một trường hợp nữa cũng rất kì cục, nhưng lần này là do một ông “quan nhà văn” phát ngôn. Theo nhà văn Ngô Xuân Hội thì ngày mới giải phóng miền Nam, tỉnh Quảng Ninh có một đoàn nhà văn vào thăm thành phố Huế. Nhà văn SH hỏi một người ở bên đường: “Kia có phải là nhà thằng Ngô Đình Cẩn không, ông?”. Ông Huế hỏi lại” “Chắc các ngài mới ở ngoài Bắc vô?”. “Vâng!”, nhà văn vui vẻ đáp. Ông Huế mỉm cười: “Tôi biết ngay, vì chỉ có ngoài Bắc mới gọi người già là thằng”. Các nhà văn đều lặng đi, vì cú sốc bẽ bàng!...
Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ có hai câu thơ rất nổi tiếng: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Thực ra, từ nghìn năm trước, khi đi xuống phương Nam mở cõi, ông cha ta không chỉ mang gươm, mà còn mang cả nền văn minh, văn hiến của người miền Bắc, của Kinh đô Thăng Long thương nhớ vào Nam. Cho nên “cái nôi” văn minh của nước Việt là ở miền Bắc chứ không phải là ở miền Nam.
Nhưng ông Huế nói đúng, “chỉ có ngoài Bắc mới gọi người già là thằng”. Về vấn đề quan trọng này, cho đến hôm nay người miền Bắc vẫn phải chịu một nỗi oan, mà chưa có nhà tư tưởng, văn hoá nào lên tiếng thanh minh.
Vậy, tại sao người ở “cái nôi văn minh”, (hơn nữa người ấy lại là nhà văn, tầng lớp vẫn được coi là tiêu biểu cho văn minh) mà cách xưng hô trong giao tiếp lại thô thiển, kệch cỡm như vậy? Xin thưa, vì miền Bắc đã phải trải qua một cuộc cách mạng về tư tưởng đấu tranh giai cấp, xác định kẻ thù là thực dân Pháp xâm lược. cấu kết với bọn vua quan phong kiến áp bức bóc lột nhân dân ta. Cho nên đối với kẻ thù đã không đội trời chung, thì gọi chúng là “thằng”, là “mày”, là “trâu”, là “ngựa” gì mà chẳng được. “Thằng Tây mày cứ vẩn vơ/ Cái hố này chờ chôn sống mày đây” (Tố Hữu).
Thậm chí trong Cải cách ruộng đất, những người bị quy là địa chủ, dù già bẩy, tám mươi tuổi cũng bị gọi là “thằng địa chủ”, “con mụ địa chủ”. Và Đội cải cách bắt họ phải gọi nông dân từ gìa đến trẻ là “ông nông dân”, “bà nông dân”, và phải xưng “con” với cả những đứa trẻ chỉ sáu bẩy tuổi. “Con chào ông nông dân”, “Con chào bà nông dân”. Hoặc “xin phép ông (hay bà) nông dân cho con đi vệ sinh”, khi họ còn bị giam cầm.
Thiết nghĩ, cái cách bịa ra một thuật ngữ xưng hô bất chấp cả luân thường đạo lý, rồi áp đặt vào đời sống xã hội đó đã tự kết thúc từ lâu rồi. Nhất là từ ngày đổi mới, người giầu không bị coi là kẻ áp bức bóc lột nữa. Nhưng cái danh xưng của cuộc cách mạng đó thì vẫn còn. Cho nên trong ý thức và lời ăn tiếng nói của cư dân miền Bắc vẫn còn hệ luỵ nặng nề như vậy.
Ở trên kia chúng ta đã đề cập đến việc tặng huân chương cho vị “quan quyền” nào đã phát minh ra cái mẹo mua nợ xấu bằng “mồm”. Thì ở đây cũng nên tặng cho ”quan Đội cải cách ruộng đất” hoặc ai đó đã có công bịa ra cái trò đảo ngược luân thường đạo lý cái “mề đay” để cho thật công bằng!
Tuy nhiên, những sự kiện trên kia xem ra cũng chưa “siêu” bằng các “quan nhà báo” thời chống Mỹ, họ chỉ hạ có một chiêu tiểu xảo ngôn từ, mà đẩy được một con người rơi xuống hàng cầm thú!...
* * *
Dân ta có tập quán nuôi chó để giữ nhà, và để…ăn thịt (ngoại trừ chó cảnh để bế bồng, làm bầu làm bạn). Thịt chó rất ngon, giầu đạm. Có thể nói ở khắp nơi trên đất nước ta đâu đâu cũng có nhà hàng bán thịt chó. Hà Nội có cả một dẫy phố mà dân bợm rượu gọi là phố “Cầy Tơ”, vì phố có nhiều hàng thịt chó. Nhưng biển hiệu thì hầu như nhà nào cũng đề là “Cầy Tơ”, hoặc “Thịt cầy bẩy món”, chứ không đề là thịt chó bẩy món. Vì sao vậy?
Cầy và chó là hai loài động vật hoàn toàn khác nhau. Phải chăng vì loài cầy có nhiều dòng giống, cầy giông, cầy vòi, cầy bông lau, cây hương. Nhất là cầy hương, vì giống này có túi xạ thơm, và vì thơm cho nên cái danh xưng của nó có vẻ thanh cao hơn, “quý phái” hơn chó. Chó, tuy thịt rất ngon, nhưng phàm ăn, ngoài những thứ chủ cho ăn như cơm, cá… chúng còn rất thích ăn bẩn, nếu kiềm được. Cho nên các nhà hàng kiêng, không cho cái âm tiết “chó” lên biển hiệu.
Ngày xưa khi chưa giải phóng miền Nam, chính quyền Sài Gòn còn tồn tại, ông Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống, ông Nguyễn Cao Kỳ làm Phó Tổng thống. Dựa vào hai âm tiết kỳ và cầy hơi na ná giống nhau, các “quan báo” miền Bắc liền bắt chước các hàng thịt chó, hoán vị cho chó thành cầy. Họ gọi ông Nguyễn Cao Kỳ là “Nguyễn Cao Cầy”, và gọi Chính phủ Cộng hoà Việt Nam là “Chính phủ Thiệu - Cầy”, hay “bọn Thiệu - Cầy”.
Ngày 30 – 4 – 1975, nhân dân cả nước ta vui mừng vì thống nhất đất nước. Nhưng có lẽ ông Nguyễn Cao Kỳ còn thêm một niềm vui riêng là cái tên “Cầy” miệt thị, người ta áp đặt cho ông đã được gỡ bỏ. Rồi sau một thời gian sống lưu vong, khi trở về thăm quê hương cố quốc, ông đã thẳng thắn nói với báo giới rằng: “Chúng tôi cũng muốn thống nhất đất nước, nhưng chúng tôi không làm được. Người anh em miền Bắc làm được, thì chúng tôi chấp nhận thôi”. Câu nói này đã khẳng định ông Nguyễn Cao Kỳ trước sau vẫn là một con người và là một công dân nước Việt./.

Thật ra, dân ta đang phải nuôi cán bộ như thế nào?

Xuân Dương: " Điều đáng nói là danh mục mà VNNIC (Trung tâm Internet Việt Nam)đưa ra về “cơ quan nhà nước” không thấy đề cập đến các tổ chức chính trị - xã hội như Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Công đoàn, Hội Nông dân,… Mặt khác trong danh mục này, tổ chức Đảng được để riêng, không ghép với “Cơ quan nhà nước”.
Các tổ chức chính trị - xã hội nói trên là những đơn vị phi sản xuất, không làm ra của cải vật chất cho đất nước nhưng lại sử dụng một nguồn kinh phí khổng lồ từ ngân sách nhà nước. Không có lý do gì bắt dân phải nuôi một đội ngũ hùng hậu nhân sự thuộc các tổ chức chính trị - xã hội !Vấn đề là vì sao hệ thống chính trị Việt Nam lại cần đến quá nhiều hội đoàn, tổ chức chính trị - xã hội như vậy? Đây là câu hỏi động chạm đến nhiều vấn đề “nhạy cảm”, khó trả lời một cách sòng phẳng."
(GDVN) - Để giảm thiểu số “cán bộ” dân phải nuôi, việc có thể làm ngay là cắt nguồn kinh phí từ ngân sách cấp cho các tổ chức chính trị-xã hội.
Trên một tờ báo điện tử có bài: “Trung bình cứ 9 người dân nuôi 1 cán bộ nhà nước”, [1] về điều này có lẽ nên có sự bàn luận thêm để cho rõ thế nào là “nuôi cán bộ nhà nước”.
Muốn thế phải hiểu thế nào là “cán bộ nhà nước”.
“Cán bộ nhà nước” là thuật ngữ chỉ những người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh (theo nhiệm kỳ) trong cơ quan nhà nước.
Cơ quan nhà nước tại Việt Nam gồm 2 loại: Cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) và cơ quan hành chính (Chính phủ, Ủy ban Nhân dân,…).
Cán bộ nhà nước phải thuộc biên chế của một cơ quan, đơn vị nhà nước và được hưởng lương từ ngân sách.
Ảnh minh hoạ: http://africanleadership.co.uk
Theo danh sách được liệt kê tại “Danh mục cơ quan nhà nước tổ chức Đảng, Nhà nước cấp trung ương và cấp tỉnh” do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ Thông tin và Truyền thông công bố thì Việt Nam có 86 “Cơ quan nhà nước cấp trung ương và cấp tỉnh” trong đó có 35 đơn vị trung ương, 13 đơn vị thuộc tổ chức đảng, còn lại là đơn vị cấp tỉnh.
Theo ngành dọc các cơ quan này có thể trải xuống đến cấp huyện/xã. [2]
Điều đáng nói là danh mục mà VNNIC đưa ra về “cơ quan nhà nước” không thấy đề cập đến các tổ chức như Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Công đoàn, Hội Nông dân,…
Mặt khác trong danh mục này, tổ chức Đảng được để riêng, không ghép với “Cơ quan nhà nước”.
Nếu trừ các cơ quan thuộc tổ chức Đảng thì Cơ quan nhà nước cấp tỉnh và trung ương chỉ gồm 73 đơn vị. (xuống cấp huyện có thể thêm hơn 700 đơn vị nữa).
Ảnh chụp màn hình dữ liệu của “Trung tâm Internet Việt Nam”.
Nếu dữ liệu của VNNIC đưa ra là chính xác và được người/cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì có thể thấy, các tổ chức chính trị - xã hội không phải là cơ quan nhà nước (tổ chức Đảng được để riêng - không ghép vào “Cơ quan nhà nước”) .
Đến đây có thể kết luận, việc dân phải nuôi một đội ngũ hùng hậu nhân sự thuộc các tổ chức chính trị - xã hội là “ngoài dự kiến” vì đó không phải là “cơ quan nhà nước” và do đó nói “9 người dân nuôi 1 cán bộ nhà nước” là chưa chính xác.
Cũng cần nói thêm là tất cả các tổ chức chính trị - xã hội đều là những đơn vị phi sản xuất, không làm ra của cải vật chất cho đất nước nhưng lại sử dụng một nguồn kinh phí khổng lồ từ ngân sách nhà nước.
Tổng kinh phí hàng năm chi cho các tổ chức này được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra là khoảng 14.000 tỉ đồng.
Lớn hơn dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khoảng 11.000 tỉ đồng)…
Nghiên cứu của VEPR còn cho thấy nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 đến 68.100 tỉ đồng, tương đương 1-1,7% GDP. [3]
Từ kết luận trên, có thể thấy ngay là để giảm thiểu số “cán bộ” dân phải nuôi, việc có thể làm ngay là cắt nguồn kinh phí từ ngân sách cấp cho các tổ chức chính trị-xã hội.
Các tổ chức quần chúng được thành lập trên cơ sở tự nguyện, phục vụ nhu cầu của các nhóm cư dân khác nhau.
Đã là tổ chức hội đoàn, tức là “phi nhà nước” thì kinh phí để hoạt động phải là nguồn đóng góp của hội viên, không thể bắt người dân đóng góp để nuôi tổ chức không do mình lập ra, không phục vụ lợi ích của mình.
Để giải quyết tình trạng này, tại Úc người lãnh đạo đảng cầm quyền sẽ là Thủ tường và ngân sách sẽ chỉ phải trả lương cho Thủ tướng chứ không phải lãnh đạo các tổ chức chính trị.
Thứ hai, thế nào là “nuôi”?
Cha mẹ “nuôi” con, người nông dân “nuôi” gia súc nghĩa là phải lo cho đối tượng nuôi đủ sống.
Nối đối tượng được “nuôi” không đủ sống (ở mức tối thiểu), phải kiếm ăn thêm bên ngoài thì người “nuôi” chưa làm tròn bổn phận, nói cách khác đó không phải là “nuôi”.
Trong số 11 triệu đối tượng vừa được, vừa bị gọi là “nuôi” đó có tới 1,3 triệu người làm việc ở xã, phường, tổ dân phố, tổng kinh phí chi cho lực lượng này vào khoảng 32.400 tỷ đồng/năm.
Số lượng cán bộ, công chức cấp xã/phường là 234 nghìn người, hơn một triệu người còn lại hoạt động không chuyên trách và họ chỉ được nhận phụ cấp chứ không phải lương.
Theo quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP thì mức phụ cấp cao nhất không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung (mức thấp nhất một số địa phương quy định là 0,3).
Với thu nhập từ khoảng 400.000 - 1,39 triệu đồng/tháng mà kết luận ngân sách “nuôi” những người làm việc “không chuyên” rõ ràng là không chính xác.
Vấn đề là vì sao hệ thống chính trị Việt Nam lại cần đến quá nhiều hội đoàn, tổ chức chính trị - xã hội và người làm việc không chuyên như vậy?
Đây là câu hỏi động chạm đến nhiều vấn đề “nhạy cảm”, khó trả lời một cách sòng phẳng.
Thứ nhất, chất lượng con người
So sánh hai tiêu chuẩn đánh giá con người là “thể lực và trí tuệ” thì người Việt hiện đại đều không hơn, thậm chí một số tiêu chí thua kém các nước trong khu vực.
Số liệu Bộ Nội vụ và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố về tầm vóc người Việt cho thấy:
“Chiều cao của nam thanh niên Việt Nam thua xa Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí thấp hơn Lào, Campuchia,…”. [4]
Sự còi cọc về thể chất khiến khả năng tư duy bị trì trệ, năng lực sáng tạo giảm sút, hệ quả là một bộ phận khá lớn cán bộ, công chức trở thành những người làm việc thụ động, không biết sáng tạo, không dám sáng tạo.
Nền giáo dục suốt thời gian dài loay hoay với các “thử nghiệm”, trong khi học sinh bị biến thành “chuột bạch” thì đội ngũ nhà giáo cũng chỉ là “chuột chạy cùng sào”.
Một nền giáo dục mà thày và trò đều mang danh là “chuột” (tất nhiên không phải là tất cả), lại mang di chứng của các loại “thuốc thử” thì đương nhiên không thể cho ra những sản phẩm chất lượng.
Hiện tượng gian dối trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La,… chỉ là hiện tượng mà dân gian gọi là “vỡ mủ” của chiếc nhọt bọc đã ủ bệnh lâu ngày.
Nền giáo dục ấy khó có thể tạo nên một thế hệ sáng tạo, càng không thể đào tạo nên những con người khai phóng và hệ tư tưởng khai phóng.
Nói cách khác, nền giáo dục ấy trong phần lớn trường hợp góp phần đào tạo nên những người làm thuê, chấp nhận thân phận bị chủ tư bản nước ngoài bóc lột ngay trên quê hương mình chứ không phải con người làm chủ vận mệnh của mình.
Thứ hai, tư tưởng nông dân
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công với lực lượng nòng cốt là nông dân bởi vào lúc đó, đội ngũ công nhân và tầng lớp trí thức Việt Nam chưa phải là lực lượng đông đảo.
Trong đoàn quân tiến về giải phóng thủ đô năm 1954, đa số là con em nông dân, không ít trong số đó chỉ mới biết đọc, biết viết.
Có người nói khi đó chúng ta “lấy nông thôn khai sáng cho thành thị” không phải là hoàn toàn vô lý.
Xin không bàn đến khía cạnh lý luận của khái niệm “Tư tưởng nông dân” mà chỉ nhắc đến một số biểu hiện cụ thể:
“Tự cung tự cấp, bám lũy tre làng, ngại đi xa, ngại đổi mới, manh mún, cầu lợi cho bản thân bất chấp tất cả,…”.
Chuyện “rau hai luống”, chặt cây nọ trồng cây kia,… khiến nhà nước và xã hội luôn đối mặt với câu chuyện “giải cứu” cho thấy sự manh mún của nền nông nghiệp kéo theo sự manh mún của hệ thống hành chính, của hệ thống giáo dục đại học,...
Quan hệ dòng tộc, đồng hương len lỏi vào mọi ngõ ngách của công tác nhân sự, đến mức báo Thanhnien.vn phải chạy tít:
“Tuyển Việt Nam không phải của Sông Lam Nghệ An và Hoàng Anh Gia Lai”.
Thứ ba, truyền thống nói không làm, làm không đến nơi đến chốn
Dùng cụm từ “truyền thống” ở đây có phải là chưa chính xác?
Thói xấu “nói không làm, làm không đến nơi đến chốn” của cán bộ, đảng viên đã được Hồ Chủ tịch chỉ ra từ thời kỳ kháng chiến chống pháp trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.
Có những điều ghi trong Hiến pháp 1946 cho đến Hiến pháp 2013 vẫn chưa được thực hiện như quyền lập hội, quyền biểu tình,…
Thói xấu này ngày nay còn được thể hiện qua những lời “xin hứa, xin nhận trách nhiệm, xin rút kinh nghiệm” của không ít Bộ trưởng trước Quốc hội nhưng rồi lại “nhường nhiệm kỳ sau”?
Bao nhiêu vụ án do truyền thông phát hiện chứ không phải cơ quan chức năng?
Bao nhiêu “củi tươi, củi vừa vừa, củi khô” bị địa phương cho vào lò mà không cần chờ Trung ương chỉ đạo?
Hậu quả của chính sách con người và nền giáo dục đến năng lực cán bộ, công chức là không phải bàn cãi.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh từng chia sẻ với báo chí về con trai ông như sau:
“Bảo (con trai ông Thanh) tốt nghiệp loại giỏi ở Đại học Kinh tế Đà Nẵng, nó được giữ lại đi dạy 1 năm sau đó về làm phó giám đốc một công ty ở Chu Lai.
Sau tôi thấy xu hướng kinh tế khó khăn nên khuyên con thôi bây giờ quay về hướng nhà nước”. [5]
Không đủ năng lực lăn lộn trong nền kinh tế thị trường thì “quay về hướng nhà nước” liệu có phải chỉ là cá biệt hay là đặc điểm chung của “con cháu các cụ”?
Khi nhà nước trở thành miền đất hứa để những người như ông Lê Phước Thanh đặt con cháu, người nhà mình vào thì đương nhiên nó phải phình ra và cũng đương nhiên sự kém cỏi của họ khiến công việc đáng lẽ chỉ cần một người làm sẽ được “vẽ” ra cho nhiều người.
Cũng vì năng lực nên mới có chuyện một cấp trưởng cần nhiều cấp phó, chẳng hạn năm 2017, Sở Nội vụ Hà Nội có tới 8 Phó Giám đốc, Sở Nông nghiệp Thanh Hóa năm 2016 cũng có tới 8 Phó Giám đốc, Cục Truyền thông Bộ Công an có 13 Cục phó (được duy trì đến năm 2021),…
Đánh giá tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng:
“Quan điểm của tôi là cấp phó mà cần càng nhiều thì chứng tỏ cấp trưởng yếu và ngược lại.
Như ở Nhật và Singapore, mỗi cơ quan hành chính chỉ có 1 cấp phó”. [6]
Bất kỳ cơ quan, đơn vị nào cũng có vài ba cấp phó, mỗi cấp phó phụ trách một mảng công việc, khi phạm sai lầm thì họ phải chịu trách nhiệm, khi cần xuất hiện trước truyền thông, đa số trường hợp là cấp phó chứ không phải cấp trưởng, thế thì cần cấp trưởng để làm gì?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/trung-binh-cu-9-nguoi-dan-nuoi-1-can-bo-nha-nuoc-473225.html
[2]https://www.vnnic.vn/tenmien/hotro/danh-mục-cơ-quan-nhà-nước-tổ-chức-Đảng-nhà-nước-cấp-trung-ương-và-cấp-tỉnh
[3]https://www.thesaigontimes.vn/146256/Ngan-sach-va-cac-to-chuc-hoi---doan-the-nha-nuoc.html
[4] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/827966/nguoi-viet-co-kho-cai-thien-tam-voc
[5] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ong-le-phuoc-thanh-toi-muon-co-cong-bo-dung-sai-ro-rang-20151005001056459.htm
[6] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/thu-truong-noi-vu-cap-pho-nhieu-chung-to-cap-truong-yeu-473077.html
Xuân Dương

Trang