30 tháng 4, 2018

Lần đầu tiên công bố những hình ảnh "bí ẩn" của Dinh độc lập

Infonet 
Dinh Độc Lập (quận 1, TP Hồ Chí Minh) là 1 trong 10 di tích đầu tiên được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Hơn một thế kỷ qua, nơi đây đã chứng kiến những thăng trầm của lịch sử. 
Năm 1858, thực dân Pháp nổ những phát súng đầu tiên vào Đà Nẵng, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau khi chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang), người Pháp thiết kế, xây dựng một khuôn viên riêng biệt cho Thống đốc Nam Kỳ tại trung tâm Sài Gòn vào năm 1868. Dinh thự này được hoàn thiện năm 1871 và được đặt tên là dinh Norodom. Đây là nơi ở và làm việc của nhiều thế hệ toàn quyền người Pháp trong quá trình xâm lược Đông Dương.

© Infonet Lần đầu tiên công bố những hình ảnh "bí ẩn" của Dinh độc lập © Infonet Lần đầu tiên công bố những hình ảnh "bí ẩn" của Dinh độc lập 

Sau thất bại nặng nề tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Genneve. Lúc đó, Việt Nam lại bị chia cắt với sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Ngày 7/9/1954, chính phủ Pháp bàn giao Dinh Norodom cho đại diện chính quyền Sài Gòn là Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Sau đó, Ngô Đình Diệm quyết định đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập.

© Infonet Lần đầu tiên công bố những hình ảnh "bí ẩn" của Dinh độc lập 

Chính thể Việt Nam Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm duy trì chế độ cai trị độc tài, hà khắc khiến người dân oán hận, đồng thời vấp phải sự phản kháng của nhiều tướng lĩnh quân đội. Đó là lý do khiến 2 phi công thuộc phe đảo chính đưa máy bay ném bom làm sập một phần Dinh Độc Lập. Ngô Đình Diệm đã cho san bằng dinh cũ để xây mới hoàn toàn. Nhưng công trình chưa kịp hoàn thành, Ngô Đình Diệm đã bị phe đảo chính ám sát (2/11/1963). Đến tháng 10/1966, Dinh Độc Lập được xây dựng lại và giữ nguyên kiến trúc cho đến ngày nay.
Dinh Độc Lập đã chứng kiến giây phút lịch sử trọng đại ngày 30/4/1975, khi chiếc xe tăng số hiệu 390 của Quân giải phóng húc đổ cổng chính tiến thẳng vào Dinh và sau đó lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đánh dấu sự kết thúc của chế độ Việt Nam Cộng hòa, thống nhất hoàn toàn đất nước.
Đến nay, sau hơn 40 năm, Dinh Độc Lập vẫn là nơi diễn ra các cuộc họp, hội nghị và các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Không chỉ vậy, Dinh Độc Lập còn là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Từ sau giải phóng, Dinh Độc Lập vẫn thường xuyên mở cửa cho du khách tham quan như một điểm di tích lịch sử. Trong đó, trưng bày cố định gồm các phòng khánh tiết, nội các, đại yến, phòng khách, phòng trình quốc thư,... cùng các hiện vật lịch sử như xe tăng của quân giải phóng ngày 30/4, hay những chiếc xe, vật dụng mà các đời tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thường sử dụng.
Và lần đầu tiên, vào đầu tháng 3/2018 tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), Dinh Độc Lập đã khai trương trưng bày tập hợp hơn 500 tư liệu, có giá trị lịch sử và hiện vật quý lớn nhất từ trước đến nay.
Với tên gọi: Từ Dinh Norodom tới Dinh Độc Lập 1868-1966, thực hiện công phu, quá trình tìm kiếm tư liệu ròng rã trong vòng 4 năm trời nhằm giải mã những bí ẩn ít được biết đến. 
Theo Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát huy giá trị di sản, Dinh Độc Lập chưa có những buổi trưng bày thường xuyên mà có giá trị như một sự diễn giải lịch sử, với chiều sâu giúp mọi người có cái nhìn sâu hơn những kiến thức về từng mốc lịch sử của Dinh Độc Lập.
Sự kiện này là kết quả lao động miệt mài suốt 3 năm của tiến sỹ Lý cùng các cộng sự của mình. Theo chia sẻ của tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, công cuộc thực hiện được bắt đầu hoàn toàn từ con số không, các nhà nghiên cứu hoàn toàn không có bất cứ tài liệu nào trong tay, không có hiện vật, mọi người đều phải tự đi tìm trong nhiều năm.
“Để có được những thông tin, tài liệu, hiện vật quý giá, chúng tôi đã phải đào đi đào lại những trung tâm lưu trữ của cả Việt Nam và của Pháp. Trong quá trình đó, nhiều hiện vật tưởng chừng không có nhưng vẫn còn tồn tại nguyên vẹn như đoạn ghi hình của Tổng thống Kenedy năm 1963 khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, hay bức thư của Ngô Đình Diệm viết vào ngày cuối cùng của chính quyền trước ngày đảo chính... tất cả vẫn còn tồn tại nguyên vẹn, sinh động như vừa mới xảy ra thôi vậy” – Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý cho biết.
Nhờ sự cố gắng hết mình của những người thực hiện, buổi triễn lãm đã đưa đến cho công chúng một cái nhìn tổng quan và sâu sắc về thế kỷ trắng của địa danh lịch sử trên. Hầu hết các bức ảnh được trưng bày là những bức ảnh gốc phản ánh chân thực và sống động những sự kiện của câu chuyện được kể. Cho nên trưng bày giúp người xem có cái nhìn sự kiện, sự vật, nhân vật từ nhiều góc cạnh. Mỗi người có thể ngẫm nghĩ, suy tư và tự cảm nhận từ câu chuyện được dẫn dắt này theo nhãn quan riêng của mình.

Không có nhận xét nào:

Trang