Tác giả: Đào Phương Liên
Những câu chuyện “không còn kịp kể” của Đào Phương Liên – con gái nhà thơ Lê Đạt – viết trong đêm ông ra đi (21-4-2008). Nhân ngày giỗ đầu của cha, tác giả gửi đến Tuổi Trẻ cuối tuần bài viết này với những câu chuyện riêng và chung đầy tiếng cười và nước mắt…
KD: Cũng may, nhà thơ Lê Đạt- “phu chữ”- không còn sống để nhìn thấy hôm nay, những thanh củi gộc, củi tươi của XH này, nó đốn mạt, khốn nạn ra sao. Còn ông- thân phận một người chót vác cái nghiệp Chữ- nó nặng trĩu, khốn khổ ra sao
—————
1. Lúc này đã là 1g30 phút sáng của ngày thứ hai, mẹ con con sống trong tâm trạng hoảng loạn của nỗi đau mất bố, bố ơi…
“Tôi cho rằng một trong những đức tính đáng quý nhất của con người là lòng bao dung. Tôi dị ứng mọi sự hằn thù và coi đó là một ung nhọt của nền văn minh thế kỷ XXI”
(Trích bài viết trên Tuổi Trẻ nhân nhận Giải thưởng Nhà nước 2007 – Đối thoại với đời & thơ – NXB Trẻ)
|
Chưa bao giờ chúng con có nhiều thời gian gần gũi bên nhau để nhắc về bố, để nghe mọi người nhắc về bố với những lời yêu quý và kính trọng như những giây phút này.
Bố của con ơi, ngay từ bé con luôn có thói quen kể với bố mọi chuyện, kể cả những chuyện bất như ý trong cuộc sống riêng của con sau này như đối với một người bạn nhưng có chuyện này… Con cứ lần lữa mãi, tính sẽ có dịp kể với bố nhưng giờ không còn kịp nữa, bố ơi!
Suốt tuổi thơ, con luôn trăn trở mãi trong lòng câu hỏi bố là ai? Và con luôn nuôi mơ ước được trở thành một người như bố, làm một nghề như bố vì con thấy bố tự do quá, không phải đi làm như những người khác dù không bao giờ dám hỏi bố làm nghề gì?
Sở dĩ có những câu hỏi này là vì ở đoạn phố Lãn Ông nho nhỏ của bố con ta, gia đình mình nghèo nhất nhưng tất cả mọi người, dẫu người Hoa buôn bán, bảo vệ hay trí thức (hồi đó con quan niệm thầy cô giáo là những người gương mẫu nhất, trí thức nhất!) đều tỏ lòng yêu quý, kính trọng khi nhắc đến bố mẹ.
Bố còn nhớ không, gia đình cụ tổ trưởng tổ mình là tư sản với khoảng chục con cả dâu lẫn rể đều là thầy cô giáo. Các cô chú ấy luôn giữ chúng con lại mỗi khi gặp ngoài đường với lời dặn dò: “Bố mẹ các cháu tốt lắm đấy. Các cháu phải luôn kính trọng bố mẹ!’’. Lúc đấy, con luôn vâng dạ nhưng trong đầu con lại bật lên câu hỏi: “Con cái nào chẳng phải kính trọng bố mẹ. Sao các cô chú lại dặn thừa như vậy?”. Và con đơn giản nghĩ rằng đó là một bài giảng đạo đức của các thầy cô giáo!
Ảnh tư liệu gia đìnhLê Đạt
(tên khai sinh Đào Công Đạt)
Sinh ngày 10-9-1929 tại tỉnh lỵ Yên Bái.
Tác phẩm chính: (đã xuất bản)
– Bài thơ trên ghế đá (1957), Cửa biển (1958 – in chung với Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm), Bóng chữ (1995), Ngỏ lời (1997), Hèn đại nhân (truyện ngắn, 1997), Mi là người bình thường (truyện ngắn, 2007).
Hi vọng xuất bản:
– Tình mẹ (thơ), Bước ký vào XXI (trường ca), Đường chữ (tiểu luận), Album trắng (thơ và đoản ngôn).
Năm 1945, tham gia Cách mạng Tháng Tám, đi kháng chiến, chủ yếu hoạt động trong ngành tuyên huấn. Năm 1949, công tác tại Ban Tuyên huấn T.Ư Đảng Cộng sản VN, thư ký của tổng bí thư Trường Chinh. Năm 1952 chuyển về Hội Văn nghệ T.Ư. Năm 1958 là một trong những người khởi xướng Nhân Văn giai phẩm và bị kỷ luật.
Giải thưởng Nhà nước 2007.
2. Con vào lớp 1 khi chiến tranh nổ ra, bố đã cho con đi sơ tán bằng cách sắm mũ rơm, nùn rơm, túi cứu thương để con tự đi học hăng ngày trên Bưởi bằng tàu điện.
Một chiều đông nhập nhoạng năm 1964, để có được 5 xu mua kem, con đã tìm cách trốn mua vé nhưng khi người kiểm soát đến, con đã mếu máo đưa 5 xu ra. Một cô đứng cạnh, trông vừa xấu vừa dữ hỏi con về đâu. Khi biết con về 9 Lãn Ông đã ra sức xin cho con, hỏi con có phải con bố Lê Đạt và mẹ Thúy Thúy không?
Con ngây thơ cải chính rằng mẹ cháu đúng là Thúy Thúy nhưng bố cháu là Đào Công Đạt cơ. Và con lại thập thò đồng 5 xu vì sợ cô ấy không “bảo lãnh” cho nữa, nhưng cô ấy đã đưa con về tận nhà và suốt quãng đường ấy cô luôn nhắc: “Bố mẹ cháu tốt lắm đấy. Cô thương bố mẹ cháu lắm!”. Khi đến cửa, con cảm ơn cô và hỏi tên cô để kể với bố mẹ nhưng cô ấy không nói và chỉ bảo: “Cho cô gửi lời thăm bố mẹ. Bố mẹ cháu không biết cô đâu”.
Một đứa trẻ 6 tuổi là con lại băn khoăn với câu hỏi bố mẹ là ai mà ngay cả người dưng đi đường, lại xấu nữa (con xin lỗi đã chỉ nhìn người qua hình thức) cũng thương, cũng kính trọng bố mẹ?
Con đã rớm nước mắt kể về lỗi lầm của mình và lòng tốt cũng như lời hỏi thăm của cô ấy cho bố mẹ nhưng không dám nói ra câu hỏi trong lòng vì sợ bất kính.
Rồi con bám chặt sau yên xe khi bố đạp trên đường Bà Triệu, nghe bố hào hứng bình luận, nói to, cười to về một trận bóng đá với chú Quân, về chân sút Ba Đẻn. Con thầm nghĩ sao bố giỏi thế? Và con đoan quyết bố là một huấn luyện viên bóng đá!
Rồi con lại băn khoăn hay bố làm trong đoàn xiếc khi nghe bố nói về các tiết mục xiếc, về cô Thúy Quỳnh với giọng thân quen, hiểu biết.
Rồi con nghe bố cười thoải mái, nói hào hứng khi bàn về những vở kịch, vở chèo, cải lương… khi sửa những câu thơ này, bình câu thơ kia, thậm chí cả thơ Đường nữa với ông Khương Hữu Dụng, chú Ngọc Thụ, chú Hoài Anh… Con lại tự hỏi phải chăng có một nghề như nghề của bố? Mà sao không thấy bố đi làm tám tiếng như mọi người hay đi công tác như mẹ?
Và con mơ ước… được làm một nghề tự do như bố, trở thành một người “biết tuốt” như bố!
Nhưng con không dám hỏi bố vì sao sau những buổi vui vẻ ấy mẹ lại lo lắng nhắc bố: “Ông đừng có nói to, cười lớn như thế!”. Bố thế nào cũng nổi cáu, quặc lại: “Tôi có làm gì khuất tất đâu mà không được cười to, nói to?”. Con đã bênh bố vì nghĩ đó không phải là một tội nhưng lại thầm thắc mắc: “Vì sao nhỉ? Hay cười nói to thế là không lịch sự?”.
3. Trên chiếc thùng gỗ tạp kê dưới cửa sổ có chấn song nhỏ xíu của căn gác ba như chuồng chim cu nhà ta, bố úp đáy làm bàn ngổn ngang giấy tờ, sách báo. Bố ngồi bệt dưới sàn hí hoáy viết rồi gạch xóa. Bố là nhà thơ, nhà văn ư? Con thoáng nghĩ đến cái nghề cao siêu đó nhưng rồi vội gạt đi ngay vì nhà mình không có một quyển truyện, quyển thơ nào. Con cũng đã nghĩ đến chuyện bố là người dịch sách. Vì con thấy quyển từ điển Pháp – Việt của Đào Duy Anh cũ, rách làm nhiều phần cùng cuốn Larousse mối mọt… Nhưng những quyển chi chít chữ viết về vua hề Charlot, về điều khiển học, tự động học đó không đề tên bố!
Rồi bố lại đứng, chắp tay sau lưng ngẩn ngơ nhìn ra ngoài khung cửa sổ bé tẹo, ngâm nga: “Chi chi… chành chành” với “Bom bom… Bí bom… Bon bon”. Con lo lắng sợ bố mắc tật nói nhịu, thắc mắc sao bố lại biết trò chơi của tụi con?
Con nghĩ hay bố ngâm nga cho đỡ buồn khi trực hứng nước từ chiếc máy bên hè đối diện!
Một hôm con thấy bố cười khà khà có ý chê bài dịch thơ Đường của ông Dụng và ngâm nga sửa ý, sửa lời. Con sợ ông buồn liền tỏ thái độ bất mãn với bố. Con ngạc nhiên thấy ông không giận mà còn gật gù tâm đắc. Ông đã kéo con ra một góc thì thào: “Cháu đừng giận bố. Bố cháu tốt lắm đấy, giỏi lắm đấy”.
Và con lại trăn trở với câu hỏi: Bố là ai? Làm nghề gì?
Đoản ngôn
Nói và không nói
Dám nói những điều mình biết chống lại áp lực của xung quanh là một cử chỉ can đảm.
Dám không nói những điều mình không biết chống lại áp lực của bản thân có khi còn can đảm hơn.
Điều đáng buồn
Điều đáng buồn nhất đối với một nhà thơ là ly kỳ trong đời thực và tẻ nhạt trong đời chữ.
(U 75 Từ tình – NXB Phụ Nữ)
4.
Con nhớ lại hồi năm 1969, sau đợt ném bom lần thứ nhất của Mỹ, những đứa trẻ tụi con từ sơ tán trở về náo nức chuẩn bị ngày khai giảng ở Hà Nội. Con đã hốt hoảng chạy về mách bố vì duy nhất không có tên vào lớp 4 Trường Thanh Quan. Bố cũng không tin và gặng hỏi hay con nhầm. Con mếu máo vì sợ không được đi học, vì bố không tin…
Bố cau mày vẻ lo lắng rồi dắt xe đi đâu đó. Khi trở về, bố bảo: “Có sự nhầm lẫn, ngày mai con vẫn đến trường dự khai giảng bình thường như các bạn”. Con chạy khắp nơi để khoe và háo hức… Nhưng ngày hôm sau, mồng 3-9, khi con khoác cặp thì bố lại bảo ở nhà. Con òa khóc hỏi lại: “Con không có tên hả bố”. Bố ôm con vào lòng, nhỏ giọng nói: “Không, cả nước hoãn khai giảng vì Ông mất…”. Mẹ lặng lẽ gài lên ngực áo con mảnh vải đen. Con chạy ngay sang cô bạn hàng xóm khoe: “Hôm nay tớ được nghỉ vì ông tớ mất”.
Nhỏ bạn con đang ngồi với ông nội nó, bảo: “Tớ cũng được nghỉ”. Con ngạc nhiên nhìn ông nội nó rồi chạy về hỏi bố: “Sao ông mình mất mà bạn con cũng được nghỉ?”. Bố rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào: “Ông của cả nước, con ạ”. Con nhìn vòng vải đen đính trên tay bố, mẹ, tò mò hỏi tiếp: “Bố, mẹ đeo cái gì ở tay đấy ạ?”. “Bố, mẹ để tang Ông”.
5. Rồi con không được xét vào Đoàn dù lần kết nạp nào con cũng được giới thiệu, dù các bạn thân của con đều là đoàn viên, cán bộ lớp. Con không lấy thế làm điều vì nghĩ mình chưa xứng đáng. Rồi con làm hồ sơ thi đại học, anh con bác hàng xóm cười khẩy: “Rồi em cũng như tụi anh thôi. Có giỏi mấy cũng chẳng vào được đại học. Cùng lắm là sư phạm. Mà mày chưa đoàn viên thì đừng mơ!”.
Đem thắc mắc đó về hỏi, bố cười gạt đi: “Làm gì có chuyện đó. Con cứ thi đi. Mà bố thấy sư phạm cũng tốt”. Bố chợt trầm ngâm: “Chắc không có chuyện gì đâu. Bút danh của bố là Lê Đạt cơ mà. Có phải Đào Công Đạt đâu mà lo?”. Rồi bố lo lắng hỏi lại: “Thế có thật không phải đoàn viên thì không được vào sư phạm không con?”.
Và bố tất tả dắt xe đạp đi.
Cho đến lúc ấy con mới được nghe từ bố cái bút danh Lê Đạt. Và con không hề biết chuyện vào Đoàn rồi sau đó chuyện vào Đại học sư phạm Ngoại ngữ của con vào giây phút cuối của hạn nộp hồ sơ có liên quan đến chuyến đi tất tả đầy lo lắng ấy của bố.
Cho đến ngày bố đi xa, cô chủ nhiệm cũ của con mới móm mém chỉ mặt con mắng yêu: “Tao đến khổ vì chuyện vào Đoàn của cái con này”. Con thật thà nhận lỗi: “Tại hồi đó em nghịch quá”. Cô lắc đầu: “Không, vì cái lý lịch!”.
Ôi, bố ngây thơ của con!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét