Nguyên Ngọc
Ngày xuân, và ngày nào cũng vậy, trong việc gì cũng vậy, dù nhỏ dù to, phải nhớ đến làng, yếu tố làng.
Ảnh: Nguyễn Nam
(TBKTSG Xuan AL) - Tôi sẽ bắt đầu bài viết này (lại là trong ngày đầu xuân, tôi xin lỗi vậy) bằng một nhận xét có thể gây sốc. Nhận xét ấy thế này: có phải một số tác phẩm văn học từng và còn rất nổi tiếng, thuộc dòng văn học hiện thực (hay “tả thực”) cũng từng rất nổi tiếng ở ta một thời, đã góp phần không ít khiến người đọc, tức là mỗi chúng ta và cho đến tận nay, thường nuôi một định kiến chẳng mấy hay ho, nếu không nói là khá xấu về làng, làng quê Việt Nam. Những Khao của Đồ Phồn, Việc làng và Tắt đèn... của Ngô Tất Tố..., cho đến cả Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường cùng những phóng sự nổi tiếng của Phùng Gia Lộc, Võ Văn Trực, Trần Huy Quang, Ngô Ngọc Bội... thời sôi nổi văn học đổi mới...
Phải nói ngay đó là những tác phẩm thật hay, và cái tình trạng nông thôn, cụ thể là các làng quê tăm tối, nhầy nhụa chúng phơi bày ra và mạnh mẽ tố cáo, là hoàn toàn hiện thực. Giá trị nghệ thuật của chúng, tác động xã hội và chính trị của chúng là to lớn, chắc chắn không thể phủ nhận...
Song, mặt khác, cũng rất cần biết rằng, và theo tôi đây là điều có thể còn quan trọng hơn nhiều, rất quan trọng cho đến tận ngày nay: đấy không phải bản chất của làng, đặc biệt của làng Việt Nam. Những tác phẩm ấy là tuyệt tác, chính vì chúng mô tả đến mức sắc sảo hiện thực của làng Việt Nam khi nó đã bị tha hóa. Còn bản chất của làng, làng Việt Nam, vai trò đặc sắc của làng trong suốt lịch sử, có thể chỉ riêng làng Việt Nam có, và cho đến tận ngày nay, thì khác. Xin thử cố gắng nói về điều này. Ảnh: Nguyễn Nam
Gần đây tôi có đọc lại bài viết của nhà sử học Pháp Jean Chesneaux, nhan đề rất đáng chú ý: Vì sao Việt Nam kháng cự? (Pourquoi le Vietnam résiste?). Có lẽ đúng ra là “Vì sao Việt Nam có thể kháng cự lại thành công (mọi thế lực ngoại xâm)”. Theo Chesneaux, ấy là do một cơ cấu xã hội đặc biệt của Việt Nam. Ông viết:
“Sự cố kết xã hội đáng chú ý của dân tộc Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào sức sống và ý chí tồn tại mà nó đã chứng tỏ trong suốt lịch sử của mình, và đặc biệt từ khi có những đội quân xâm lược của Pháp đến vào thế kỷ 20. Sự cố kết ấy có những gốc rễ lịch sử rất xa xưa, ở cả cấp làng xã lẫn cấp nhà nước.
Dưới nền quân chủ xưa, các cộng đồng làng, được đóng kín trong các lũy tre, sống cuộc sống riêng của mình. Ruộng đất công chiếm một phần quan trọng đất canh tác. Làng được điều khiển bởi một hội đồng hương chức, là nơi ký thác quyền lực công, và có quyền lực lớn theo tục lệ... Những người bên ngoài, ngay cả các phái viên của chính quyền trung ương, cũng không thể tự tiện dấn sâu vào làng. Sự cố kết của cộng đồng làng còn được tăng cường bằng những quan hệ gia tộc; trong cộng đồng đóng kín này mọi người đều hoặc là anh chị em họ hoặc là anh chị em rể của nhau. Đúng là, qua nhiều thế kỷ, cộng đồng cổ xưa đã bị mờ nhạt đi do tình trạng chiếm hữu đất tư; trong nội bộ cộng đồng đã xuất hiện những người giàu và những người nghèo, đã xuất hiện sự bóc lột bằng đất đai của người này đối với người khác, dưới hình thức địa tô, tá điền, phu phen có tính chất phong kiến theo nhiều cách khác nhau, có lợi cho địa chủ và gây hại cho nông dân nghèo. Nhưng thứ chủ nghĩa phong kiến kiểu Việt Nam này, còn tồn tại cho tới khi người Pháp đến, không có những tính chất cực đoan và tàn bạo như phong kiến Phổ hay Nga; dẫu sao địa chủ và nông dân đều cùng có cuộc sống chung như nhau trong nội bộ cộng đồng làng, tính liên đới rất thực đó làm dịu đi và biến dạng sự bóc lột giai cấp.
Làng Việt Nam, dù “hiện đại” đến mấy, vẫn còn đó, đẹp và khỏe như xưa. Và đúng như Paul Mus nói:
“...khó nắm lấy, không thể nắm lấy, như chiếm một thủ đô, lật đổ một triều đại, khuất phục một triều đình...”.
Chính sự kết tụ những tế bào làng nhỏ bé ấy đã tạo nên khối thống nhất và gắn kết của dân tộc Việt Nam. Nhà xã hội học Paul Mus ghi nhận: “Ngay từ trong nguồn cội quy hoạch nông nghiệp của đất nước, ngôi làng Việt Nam, chính từ bản thân sức chống chịu của nó (sa rusticité) là một chánh điện bất khả xâm phạm đối với quốc gia. Không phải nó đủ sức đơn độc chống chọi. Nhưng ta gặp hình thế có tính quốc gia này ở khắp nơi. Nó không tập trung ở bất cứ một chỗ nào để đối phương có thể chiếm lấy như chiếm một thủ đô, như đánh đổ một triều đại, hay khuất phục một triều đình (...). Trước tất cả mọi thứ, Việt Nam là một phương cách tồn tại và cư ngụ mà biểu hiện và phương tiện bành trướng là làng, rồi đến sự sinh sôi nảy nở của các làng, và cuối cùng một thảm đồng nhất các làng trồng lúa - giăng ngang kẻ dọc vùng đất một khi đã chiếm lấn được hoặc của tự nhiên hoang dã hoặc của các dân tộc khác”. Bao kẻ xâm lược từ thuở xa xưa đã từng được biết đến khả năng sống còn của Việt Nam ở cấp độ làng; rồi đến lượt người Pháp (cũng được nếm trải điều lạ Việt Nam ấy) vào năm 1858 trong cuộc xâm chiếm chậm chạp và khó khăn vùng Bắc kỳ. Và lần nữa trong cuộc chiến tranh 1945-1954... Paul Mus còn nói thêm: “Bị cắt mất phần ngọn(*) và chỉ còn hệ thống làng của mình, Việt Nam vẫn ‘‘trụ lại’’, dễ dàng hơn, bằng cơ cấu nền tảng lịch sử của nó, không giống các quốc gia khác””.
Tất nhiên Chesneaux không quên nói rằng, song song với hệ thống làng làm nền tảng thiên la địa võng, vừa mềm dẻo vừa bền chặt nên bất khả chiến thắng ấy, là hệ thống nhà nước trung ương tập quyền bên trên (mà người Việt đã chủ động học cách tổ chức từ kinh nghiệm Trung Quốc, để thường xuyên chống xâm lược của chính Trung Quốc trong suốt thiên niên kỷ thứ hai, sau khi đã giành lại được độc lập vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất).
Nghĩa là, nói cách khác: mô hình chuyên chế tập trung học theo kiểu Trung Quốc ở tầng trung ương, và nền tảng văn hóa bản địa giữ chắc ở làng được kết nối mênh mông. Nếu nói như nhà nghiên cứu Phan Ngọc: văn hóa không phải là một “cái” mà là một “kiểu”, thì đấy mới thực là văn hóa Việt Nam, kiểu tồn tại Việt Nam, kiểu chọn lựa cách tồn tại và phát triển của Việt Nam.
Và nhớ lại lịch sử, dường như có một quy luật không được quên: những thời bình ổn của đất nước và xã hội, là những thời hai hệ thống bên trên và bên dưới ấy được giữ cân bằng. Có một nhà nước mạnh bên trên, và một nền tảng bên dưới của các làng xã tự trị dân chủ và tự do. Còn khi mất cân đối, thì tất loạn. Cũng tất nhiên, chỉ có thể xảy ra lệch cân đối khi thế lực thống trị bên trên lấn sâu vào hệ thống làng xã bên dưới, chiếm lấy và triệt tiêu quyền lực, cũng là sức sống của nó. Hội đồng hương chức của làng, vốn là nơi “ký thác quyền lực” tự trị của dân làng, bị tha hóa, biến thành tay sai của chính quyền trung ương, đàn áp, bóc lột dân làng. Xã hội rối loạn, và chính quyền trung ương cũng chao đảo... Tuy nhiên quy luật chung đó không diễn ra một cách đơn giản. Một thể chế tập trung chuyên chế đến tuyệt đối ở bên trên, xóa bỏ hệ thống làng tự trị bên dưới, trong một thời gian lịch sử nào đó, cũng lại có thể tạo ra một thời kỳ cực thịnh, có sức mạnh lớn của đất nước. Lịch sử đã từng cho thấy một ví dụ sống động như vậy: đấy chính là thời Lê Thánh Tông, khi nhà nước trung ương tập quyền được tổ chức triệt để nhất theo mô hình chuyên chế Tống Nho. Một thời rực rỡ nhất của Đại Việt... Nhưng quy luật lại lập tức trở lại. Chẳng phải Lê Thánh Tông là đỉnh cao rực rỡ nhất, mà cũng là đỉnh cao cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam đó sao? Liền sau đó, là vực thẳm đột ngột đến kỳ lạ, là sụp đổ và loạn lạc...
Ngày xuân, nhắc lại chuyện xưa... Vì nghĩ lại, nhìn lại mà xem, chuyện vẫn chưa xưa lắm đâu. Chuyện làng. Làng Việt Nam...
Cách đây khoảng vài chục năm, tôi có đọc được một ý kiến của học giả Hoàng Xuân Hãn nói về hậu quả của sai lầm trong cải cách ruộng đất hồi những năm 1950. Theo ông hậu quả nặng nề nhất của sai lầm ấy là nó phá vỡ tế bào cơ bản nhất của xã hội Việt Nam: làng. Vết thương ấy vô cùng sâu sắc và lâu dài vì nó đánh đúng và làm tan vỡ hệ thống tế bào cơ bản tạo nên sức trường tồn Việt Nam. Bấy giờ, cạn nghĩ và láu táu, tôi có mạo muội viết: theo tôi, sai lầm ấy còn phá vỡ một tế bào có thể còn quan trọng hơn nữa: gia đình. Về sau, tôi đã nhiều lần nghĩ lại: chắc chắn Hoàng Xuân Hãn biết rõ hậu quả tai hại của sai lầm cải cách ruộng đất đối với gia đình. Nhưng cũng chắc chắn nếu ông chỉ nói về làng, thì là rất cố ý. Để đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố sức mạnh cốt lõi nhất khiến cho đất nước này đi qua mọi thử thách, tất cả các loại thử thách.
Ngày xuân, lại nói về làng. Bởi vì, lạ thế, vấn đề vẫn cứ còn hiện đại, đến không ngờ, vẫn còn rất hôm nay, là chuyện của một làng: làng Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội). Theo chỗ tôi được biết, đơn vị xã bây giờ thường tương đương với phạm vi một tổng ngày xưa; một tổng gồm nhiều làng. Tổng chỉ là đơn vị trung gian. Người dân sống chủ yếu gắn với làng. Đây là chuyện của một làng: làng Hoành. Và thật kỳ lạ, thật đáng kinh ngạc, ngay giữa ngày hôm nay, ngay sát một trung tâm đô thị lớn là thủ đô, vẫn còn đó, cứ còn đó, nhỏ nhoi, khiêm nhường mà vô cùng sống động, một cái làng Việt hầu như vẫn nguyên toàn vẹn bản chất và sức mạnh của cơ cấu đặc trưng chỉ làng Việt mới có: cộng đồng làng gắn chặt, mềm dẻo mà kiên định, bền bỉ đến kỳ lạ, kết tụ chung quanh già làng và “hội đồng già làng” dù hôm nay nó được gọi với tên hiện đại khác kiểu nào. Có làng Hoành, nghĩa là lịch sử vẫn sống, không xoay ngược được đâu. Làng Việt Nam, dù “hiện đại” đến mấy, vẫn còn đó, đẹp và khỏe như xưa. Và đúng như Paul Mus nói: “...khó nắm lấy, không thể nắm lấy, như chiếm một thủ đô, lật đổ một triều đại, khuất phục một triều đình...”.
Vậy đó, ngày xuân, và ngày nào cũng vậy, trong việc gì cũng vậy, dù nhỏ dù to, phải nhớ đến làng, yếu tố làng. Nó vẫn còn đó, lạ lùng quá, mà hiển hiện...
(*) Tức mất thủ đô và các thành phố
Ảnh: Nguyễn Nam
(TBKTSG Xuan AL) - Tôi sẽ bắt đầu bài viết này (lại là trong ngày đầu xuân, tôi xin lỗi vậy) bằng một nhận xét có thể gây sốc. Nhận xét ấy thế này: có phải một số tác phẩm văn học từng và còn rất nổi tiếng, thuộc dòng văn học hiện thực (hay “tả thực”) cũng từng rất nổi tiếng ở ta một thời, đã góp phần không ít khiến người đọc, tức là mỗi chúng ta và cho đến tận nay, thường nuôi một định kiến chẳng mấy hay ho, nếu không nói là khá xấu về làng, làng quê Việt Nam. Những Khao của Đồ Phồn, Việc làng và Tắt đèn... của Ngô Tất Tố..., cho đến cả Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường cùng những phóng sự nổi tiếng của Phùng Gia Lộc, Võ Văn Trực, Trần Huy Quang, Ngô Ngọc Bội... thời sôi nổi văn học đổi mới...
Phải nói ngay đó là những tác phẩm thật hay, và cái tình trạng nông thôn, cụ thể là các làng quê tăm tối, nhầy nhụa chúng phơi bày ra và mạnh mẽ tố cáo, là hoàn toàn hiện thực. Giá trị nghệ thuật của chúng, tác động xã hội và chính trị của chúng là to lớn, chắc chắn không thể phủ nhận...
Song, mặt khác, cũng rất cần biết rằng, và theo tôi đây là điều có thể còn quan trọng hơn nhiều, rất quan trọng cho đến tận ngày nay: đấy không phải bản chất của làng, đặc biệt của làng Việt Nam. Những tác phẩm ấy là tuyệt tác, chính vì chúng mô tả đến mức sắc sảo hiện thực của làng Việt Nam khi nó đã bị tha hóa. Còn bản chất của làng, làng Việt Nam, vai trò đặc sắc của làng trong suốt lịch sử, có thể chỉ riêng làng Việt Nam có, và cho đến tận ngày nay, thì khác. Xin thử cố gắng nói về điều này. Ảnh: Nguyễn Nam
Gần đây tôi có đọc lại bài viết của nhà sử học Pháp Jean Chesneaux, nhan đề rất đáng chú ý: Vì sao Việt Nam kháng cự? (Pourquoi le Vietnam résiste?). Có lẽ đúng ra là “Vì sao Việt Nam có thể kháng cự lại thành công (mọi thế lực ngoại xâm)”. Theo Chesneaux, ấy là do một cơ cấu xã hội đặc biệt của Việt Nam. Ông viết:
“Sự cố kết xã hội đáng chú ý của dân tộc Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào sức sống và ý chí tồn tại mà nó đã chứng tỏ trong suốt lịch sử của mình, và đặc biệt từ khi có những đội quân xâm lược của Pháp đến vào thế kỷ 20. Sự cố kết ấy có những gốc rễ lịch sử rất xa xưa, ở cả cấp làng xã lẫn cấp nhà nước.
Dưới nền quân chủ xưa, các cộng đồng làng, được đóng kín trong các lũy tre, sống cuộc sống riêng của mình. Ruộng đất công chiếm một phần quan trọng đất canh tác. Làng được điều khiển bởi một hội đồng hương chức, là nơi ký thác quyền lực công, và có quyền lực lớn theo tục lệ... Những người bên ngoài, ngay cả các phái viên của chính quyền trung ương, cũng không thể tự tiện dấn sâu vào làng. Sự cố kết của cộng đồng làng còn được tăng cường bằng những quan hệ gia tộc; trong cộng đồng đóng kín này mọi người đều hoặc là anh chị em họ hoặc là anh chị em rể của nhau. Đúng là, qua nhiều thế kỷ, cộng đồng cổ xưa đã bị mờ nhạt đi do tình trạng chiếm hữu đất tư; trong nội bộ cộng đồng đã xuất hiện những người giàu và những người nghèo, đã xuất hiện sự bóc lột bằng đất đai của người này đối với người khác, dưới hình thức địa tô, tá điền, phu phen có tính chất phong kiến theo nhiều cách khác nhau, có lợi cho địa chủ và gây hại cho nông dân nghèo. Nhưng thứ chủ nghĩa phong kiến kiểu Việt Nam này, còn tồn tại cho tới khi người Pháp đến, không có những tính chất cực đoan và tàn bạo như phong kiến Phổ hay Nga; dẫu sao địa chủ và nông dân đều cùng có cuộc sống chung như nhau trong nội bộ cộng đồng làng, tính liên đới rất thực đó làm dịu đi và biến dạng sự bóc lột giai cấp.
Làng Việt Nam, dù “hiện đại” đến mấy, vẫn còn đó, đẹp và khỏe như xưa. Và đúng như Paul Mus nói:
“...khó nắm lấy, không thể nắm lấy, như chiếm một thủ đô, lật đổ một triều đại, khuất phục một triều đình...”.
Chính sự kết tụ những tế bào làng nhỏ bé ấy đã tạo nên khối thống nhất và gắn kết của dân tộc Việt Nam. Nhà xã hội học Paul Mus ghi nhận: “Ngay từ trong nguồn cội quy hoạch nông nghiệp của đất nước, ngôi làng Việt Nam, chính từ bản thân sức chống chịu của nó (sa rusticité) là một chánh điện bất khả xâm phạm đối với quốc gia. Không phải nó đủ sức đơn độc chống chọi. Nhưng ta gặp hình thế có tính quốc gia này ở khắp nơi. Nó không tập trung ở bất cứ một chỗ nào để đối phương có thể chiếm lấy như chiếm một thủ đô, như đánh đổ một triều đại, hay khuất phục một triều đình (...). Trước tất cả mọi thứ, Việt Nam là một phương cách tồn tại và cư ngụ mà biểu hiện và phương tiện bành trướng là làng, rồi đến sự sinh sôi nảy nở của các làng, và cuối cùng một thảm đồng nhất các làng trồng lúa - giăng ngang kẻ dọc vùng đất một khi đã chiếm lấn được hoặc của tự nhiên hoang dã hoặc của các dân tộc khác”. Bao kẻ xâm lược từ thuở xa xưa đã từng được biết đến khả năng sống còn của Việt Nam ở cấp độ làng; rồi đến lượt người Pháp (cũng được nếm trải điều lạ Việt Nam ấy) vào năm 1858 trong cuộc xâm chiếm chậm chạp và khó khăn vùng Bắc kỳ. Và lần nữa trong cuộc chiến tranh 1945-1954... Paul Mus còn nói thêm: “Bị cắt mất phần ngọn(*) và chỉ còn hệ thống làng của mình, Việt Nam vẫn ‘‘trụ lại’’, dễ dàng hơn, bằng cơ cấu nền tảng lịch sử của nó, không giống các quốc gia khác””.
Tất nhiên Chesneaux không quên nói rằng, song song với hệ thống làng làm nền tảng thiên la địa võng, vừa mềm dẻo vừa bền chặt nên bất khả chiến thắng ấy, là hệ thống nhà nước trung ương tập quyền bên trên (mà người Việt đã chủ động học cách tổ chức từ kinh nghiệm Trung Quốc, để thường xuyên chống xâm lược của chính Trung Quốc trong suốt thiên niên kỷ thứ hai, sau khi đã giành lại được độc lập vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất).
Nghĩa là, nói cách khác: mô hình chuyên chế tập trung học theo kiểu Trung Quốc ở tầng trung ương, và nền tảng văn hóa bản địa giữ chắc ở làng được kết nối mênh mông. Nếu nói như nhà nghiên cứu Phan Ngọc: văn hóa không phải là một “cái” mà là một “kiểu”, thì đấy mới thực là văn hóa Việt Nam, kiểu tồn tại Việt Nam, kiểu chọn lựa cách tồn tại và phát triển của Việt Nam.
Và nhớ lại lịch sử, dường như có một quy luật không được quên: những thời bình ổn của đất nước và xã hội, là những thời hai hệ thống bên trên và bên dưới ấy được giữ cân bằng. Có một nhà nước mạnh bên trên, và một nền tảng bên dưới của các làng xã tự trị dân chủ và tự do. Còn khi mất cân đối, thì tất loạn. Cũng tất nhiên, chỉ có thể xảy ra lệch cân đối khi thế lực thống trị bên trên lấn sâu vào hệ thống làng xã bên dưới, chiếm lấy và triệt tiêu quyền lực, cũng là sức sống của nó. Hội đồng hương chức của làng, vốn là nơi “ký thác quyền lực” tự trị của dân làng, bị tha hóa, biến thành tay sai của chính quyền trung ương, đàn áp, bóc lột dân làng. Xã hội rối loạn, và chính quyền trung ương cũng chao đảo... Tuy nhiên quy luật chung đó không diễn ra một cách đơn giản. Một thể chế tập trung chuyên chế đến tuyệt đối ở bên trên, xóa bỏ hệ thống làng tự trị bên dưới, trong một thời gian lịch sử nào đó, cũng lại có thể tạo ra một thời kỳ cực thịnh, có sức mạnh lớn của đất nước. Lịch sử đã từng cho thấy một ví dụ sống động như vậy: đấy chính là thời Lê Thánh Tông, khi nhà nước trung ương tập quyền được tổ chức triệt để nhất theo mô hình chuyên chế Tống Nho. Một thời rực rỡ nhất của Đại Việt... Nhưng quy luật lại lập tức trở lại. Chẳng phải Lê Thánh Tông là đỉnh cao rực rỡ nhất, mà cũng là đỉnh cao cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam đó sao? Liền sau đó, là vực thẳm đột ngột đến kỳ lạ, là sụp đổ và loạn lạc...
Ngày xuân, nhắc lại chuyện xưa... Vì nghĩ lại, nhìn lại mà xem, chuyện vẫn chưa xưa lắm đâu. Chuyện làng. Làng Việt Nam...
Cách đây khoảng vài chục năm, tôi có đọc được một ý kiến của học giả Hoàng Xuân Hãn nói về hậu quả của sai lầm trong cải cách ruộng đất hồi những năm 1950. Theo ông hậu quả nặng nề nhất của sai lầm ấy là nó phá vỡ tế bào cơ bản nhất của xã hội Việt Nam: làng. Vết thương ấy vô cùng sâu sắc và lâu dài vì nó đánh đúng và làm tan vỡ hệ thống tế bào cơ bản tạo nên sức trường tồn Việt Nam. Bấy giờ, cạn nghĩ và láu táu, tôi có mạo muội viết: theo tôi, sai lầm ấy còn phá vỡ một tế bào có thể còn quan trọng hơn nữa: gia đình. Về sau, tôi đã nhiều lần nghĩ lại: chắc chắn Hoàng Xuân Hãn biết rõ hậu quả tai hại của sai lầm cải cách ruộng đất đối với gia đình. Nhưng cũng chắc chắn nếu ông chỉ nói về làng, thì là rất cố ý. Để đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố sức mạnh cốt lõi nhất khiến cho đất nước này đi qua mọi thử thách, tất cả các loại thử thách.
Ngày xuân, lại nói về làng. Bởi vì, lạ thế, vấn đề vẫn cứ còn hiện đại, đến không ngờ, vẫn còn rất hôm nay, là chuyện của một làng: làng Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội). Theo chỗ tôi được biết, đơn vị xã bây giờ thường tương đương với phạm vi một tổng ngày xưa; một tổng gồm nhiều làng. Tổng chỉ là đơn vị trung gian. Người dân sống chủ yếu gắn với làng. Đây là chuyện của một làng: làng Hoành. Và thật kỳ lạ, thật đáng kinh ngạc, ngay giữa ngày hôm nay, ngay sát một trung tâm đô thị lớn là thủ đô, vẫn còn đó, cứ còn đó, nhỏ nhoi, khiêm nhường mà vô cùng sống động, một cái làng Việt hầu như vẫn nguyên toàn vẹn bản chất và sức mạnh của cơ cấu đặc trưng chỉ làng Việt mới có: cộng đồng làng gắn chặt, mềm dẻo mà kiên định, bền bỉ đến kỳ lạ, kết tụ chung quanh già làng và “hội đồng già làng” dù hôm nay nó được gọi với tên hiện đại khác kiểu nào. Có làng Hoành, nghĩa là lịch sử vẫn sống, không xoay ngược được đâu. Làng Việt Nam, dù “hiện đại” đến mấy, vẫn còn đó, đẹp và khỏe như xưa. Và đúng như Paul Mus nói: “...khó nắm lấy, không thể nắm lấy, như chiếm một thủ đô, lật đổ một triều đại, khuất phục một triều đình...”.
Vậy đó, ngày xuân, và ngày nào cũng vậy, trong việc gì cũng vậy, dù nhỏ dù to, phải nhớ đến làng, yếu tố làng. Nó vẫn còn đó, lạ lùng quá, mà hiển hiện...
(*) Tức mất thủ đô và các thành phố
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét