11 tháng 11, 2017

Kẻ ấu trĩ, cực đoan ngăn chặn văn minh khoa học

Con người được tự do tiếp cận thông tin bao nhiêu thì trí tuệ sẽ giàu có bấy nhiêu. Con người được tự do thể hiện suy nghĩ bao nhiêu thì phát minh sáng tạo sẽ phong phú rực rỡ bấy nhiêu.
Hạn chế, cấm đoán người dân tiếp cận thông tin là hạn chế cấm đoán người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ của loài người. Đó là chính sách ngu dân. Đó là kìm hãm sức phát triển của dân tộc. Chính sách đó không chỉ là đại trọng tội với một dân tộc mà còn là trọng tội với tiến bộ nhân loại.
HẠN CHẾ, CẤM ĐOÁN NGƯỜI DÂN TIẾP CẬN VỚI TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ LÀ KÌM HÃM SỨC PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘC
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng Việt Nam đang dấy lên sự lo lắng về những quy định hạn chế tiếp cận thông tin mà chính quyền có thể đưa ra, vì chính quyền lo lắng không thể kiểm soát được thông tin. Hệ quả trực tiếp là người Việt có nguy cơ bị hạn chế trong tiếp cận với những sáng chế của loài người như Google hay Facebook.
1. TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ SỰ THAY ĐỔI KHẢ NĂNG SÁNG TẠO Ở CÁC NƯỚC CHẬM PHÁT TRIỂN
Vũ trụ không ngừng phát triển và đổi thay. Đó là quy luật của vũ trụ. Xã hội loài người là sản phẩm của vũ trụ nên cũng không ngừng phát triển và thay đổi.
Tuy nhiên, do chịu sự chi phối của quy luật không ngừng hoàn thiện của tự nhiên, nên xã hội loài người luôn hướng về xu hướng hoàn thiện tối ưu. Bởi thế đời sau mới tiến bộ hơn đời trước.
Nhưng chưa bao giờ xã hội loài người lại có bước tiến kinh hoàng về khoa học công nghệ như hai thập niên gần nhất. Nói là kinh hoàng vì nó vượt qua mọi dự báo của các nhà khoa học tài ba, và trên cả sức tượng tượng của các nhà văn có trí viễn tưởng phong phú nhất.
Không thể đề cập toàn diện, mọi góc cạnh về sự tiến bộ khoa học công nghệ trong khuôn khổ bài viết ngắn này. Chỉ nhấn mạnh về tác động của tiến bộ khoa học công nghệ đến khả năng sáng tạo ở các nước chậm phát triển.
Nếu vào những năm 1990 -1991, khi mạng di động bắt đầu có ở Việt Nam, giá thành một điện thoại di động lên đến 2000 – 2200 USD một chiếc, cả nước chỉ vài trăm người sở hữu điện thoại di động, thì hiện nay hàng chục triệu người Việt Nam đã có điện thoại di động, thậm chí đến người bán rau cũng sở hữu đến vài chiếc điện thoại.
Những năm 1990-1995 khi internet bắt đầu ra đời, chỉ một bộ phận loài người trao đổi thông tin qua mạng thư điện tử email, thì bây giờ hàng tỷ người trên trái đất kết nối với nhau qua mạng facebook, twitter, zalo, viber... Từ những thổ dân ở miệt rừng sông Amazon cho đến những nhà tu trên triền Hymalaya tuyết phủ, tất cả đều có thể kết nối trực tiếp trên màn hình qua công nghệ livestream.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, để tìm hiểu thông tin, người ta phải tìm đến thư viện và những nhà thông thái. Nhưng bây giờ qua công cụ tìm kiếm Google, chẳng phải cất bước chân nào, chỉ một nút chạm tay, một em bé cũng trở thành nhà thông thái trong giây lát.
Trước đây, muốn thành thợ ảnh, phải theo học công phu, thì bây giờ với Iphone ai cũng là thợ ảnh. Thậm chí, nhờ các công cụ như photoshop người ta có thể tạo ra những bức ảnh lạ lùng nhất mà ngày trước chỉ có những họa sĩ tài hoa mới đủ năng lực đảm nhận.
Qua mạng xã hội, đơn cử là facebook, không kể tuổi tác - từ em bé cho đến cụ già, không kể học vấn - từ em học sinh phổ thông cho đến nhà văn, hàng triệu người đã tự trở thành nhà báo, người bán hàng. Họ tự thiết kế cho trang cá nhân của mình thành một tờ báo riêng, một thư viện riêng, một kho hàng riêng. Ai cũng biết tự quảng bá cho cá nhân mình. Ai cũng muốn liên thông với thế giới còn lại. Cả xã hội hiện ra thu nhỏ. Thế giới trở nên muôn màu lung linh rực rỡ trước mắt và sau dấu vân tay.
Tiến bộ khoa học công nghệ đã chắp cánh cho con người bay lên. Tiến bộ khoa học công nghệ đã đánh thức những khả năng tiềm tàng mà mỗi cá nhân không bao giờ biết đến. Xa hơn, tiến bộ khoa học công nghệ đã thay đổi phương thức sáng tạo.
Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi loài người phân chia thành hai phe đối đầu, mọi thứ đều là thế giới đóng. Những phát minh của hãng này hay nước kia đều là bí mật mà không thể thương mại hóa. Bởi vậy trí tuệ loài người phải trả giá cho những phát minh lặp lại mà không thể kế thừa. Một sự hoang phí to lớn về trí não và sức lực cho điều mà nhiều người khác đã hao tâm tổn trí từ trước.
Còn bây giờ, người ta đua nhau bán phát minh công nghệ để kịp thu lời. Nếu chậm trễ sẽ bị người khác vượt mặt, lỗ vốn. Các phát minh sáng chế được ứng dụng tức thì. Trí tuệ được kế thừa mà không bị lãng phí. Bởi thế nên khoa học công nghệ mới có những bước tiến kinh hoàng như vậy.
Ở mặt khác tiến bộ khoa học công nghệ đã phân chia các phát minh sáng chế ra hai thế hệ rõ rệt, phát minh sáng chế hàn lâm và phát minh sáng chế tổ hợp.
Thế hệ phát minh sáng chế hàn lâm là những phát minh sáng chế khởi thủy.
Còn phát minh sáng chế tổ hợp thì sử dụng các phát minh sáng chế thế hệ thứ nhất để cấu thành các phát minh sáng chế thứ cấp . Ví như các phát minh hàn lâm là tế bào thì các phát minh sáng chế tổ hợp sử dụng các tế bào để cấu thành các bộ phận mới.
Chẳng hạn như trong công nghiệp sản xuất ô tô, nếu gọi các nhà sản xuất động cơ, các nhà sản xuất hệ thống điều khiển điện tử... là thuộc thế hệ một, thì những nhà lắp ráp ô tô trở thành những nhà sáng chế thứ hai. Một phép suy diễn tương tự cho nhà sản xuất động cơ hay hệ thống điện tử. Cứ như vậy, một mặt tiến về vô cùng nhỏ, ở mặt khác là tiến về vô cùng lớn. Sáng chế này là hàn lâm cho sáng chế khác nhưng đồng thời lại là sáng chế tổ hợp của các sáng chế hàn lâm trước đó.
Nhờ các sáng chế tổ hợp của thời kỳ hội nhập thì Viettel mới có thể lắp ráp được các thiệt bị viễn thông, hay sản xuất ra các máy bay không người lái.
Nhờ sáng chế thế hệ hai mà Vingroup mới có cơ hội tạo nên ô tô thương hiệu Việt.
Cho nên, tiến bộ khoa học công nghệ đã mở ra cho các nước chậm phát triển như Việt Nam khả năng sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao, điều nằm mơ không bao có trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Câu hỏi hiển nhiên là: Sự khác biệt giữa phát minh sáng chế hàn lâm và tổ hợp sẽ đem lại hệ quả gì? Hay một câu hỏi khác là: Tại sao có quốc gia trở thành cường quốc mà quốc gia khác lại không?
Chỉ nói riêng về phát minh sáng chế, sự khác biệt làm nên các cường quốc chính là khả năng có được những phát minh sáng chế hàn lâm khởi thủy. Không sở hữu những phát sinh sáng chế hàn lâm khởi thủy thì không thể trở thành cường quốc.
Bởi thế, nhỏ như Israel mà là cường quốc. Giàu như Ả Rập Xê út hiện vẫn chưa là cường quốc. Từ đó mà thấy rằng, không bao giờ được lơ đãng về phát minh sáng chế hàn lâm.
Tiến bộ khoa học công nghệ không chỉ mở ra cho Việt Nam cơ hội mà cũng bắt Việt Nam phải thay đổi.
Trong lĩnh vực công nghiệp, hiện nay vì nền tảng công nghiệp yếu kém, nền khoa học chưa phát triển, nên chúng ta phải nhờ vào các phát minh sáng chế hàn lâm của các nước để khởi động các phát minh sáng chế tổ hợp. Nhưng nhất thiết phải trở về với phát minh sáng chế hàn lâm. Sự làm giàu nhất thời sẽ chẳng có nhiều ý nghĩa khi không hướng tới những phát minh sáng chế khởi thủy. Chỉ có những phát minh sáng chế hàn lâm mới thay đổi được vị thế của quốc gia.
Ví như nước Nhật, họ chưa sản xuất vũ khí hạt nhân, mà họ đã làm giàu uranium đến mức có thể sản xuất sáu trăm đầu đạn hạt nhân trong một thời gian ngắn. Đấy là sự khác biệt của cường quốc.
Cần lưu ý một điểm quan trọng khác liên quan đến phát minh sáng chế là lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ở đây, nên phân ra đào tạo hàn lâm và đào tạo tác nghiệp. Chỉ một số ít những học sinh năng khiếu về hàn lâm sẽ được đào tạo hàn lâm, đa số còn lại sẽ được đào tạo thành kỹ sư tác nghiệp. Các kỹ sư tác nghiệp sẽ làm việc liên quan nhiều đến các phát minh sáng chế thế hệ hai. Vì thế, ở bậc học phổ thông, nền giáo dục cũng phải thích nghi tương ứng cho đào tạo hàn lâm và đào tạo tác nghiệp.
Sẽ còn nhiều điều nữa chịu tác động của tiến bộ khoa học công nghệ mà Việt Nam cần thay đổi, nhưng không thể đề cập hết ở đây.
2. KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC TOÀN BỘ THÔNG TIN
Thông tin là thành tố của vũ trụ. Thông tin phát triển không ngừng và vô giới hạn cùng với sự phát triển không ngừng và vô giới hạn của vũ trụ. Bởi thế, không một cá nhân nào, không một tổ chức nào, không một chính quyền nào có thể kiểm soát được toàn bộ thông tin.
Nếu ai đó, một tổ chức nào đó, hay một chính quyền nào bằng cách này hay cách khác khống chế thông tin của một quốc gia thì quốc gia đó không thể phát triển được. Tuy nhiên, sự không ngừng phát triển của thông tin cuối cùng sẽ phá vỡ các trói buộc, bằng cách không tuân thủ và đi đến lật đổ sự thống trị của kẻ khống chế. Kết quả là kẻ khống chế thông tin sẽ bị tiêu diệt.
Đòi kiểm soát toàn bộ thông tin là ảo tưởng. Nếu ngoan cố thực hiện thì không chỉ bị thất bại mà sẽ bị quy luật của vũ trụ loại trừ.
3. HẠN CHẾ, CẤM ĐOÁN TIẾP CẬN THÔNG TIN LÀ KÌM HÃM SỨC PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘC
Vào những năm 60 ở thế kỷ trước, ở miền Bắc nước ta đã xẩy ra các trường hợp tháo bỏ các băng tần số ngắn ở đài radio, vì chúng có thể bắt được các đài như BBC hay đài tiếng nói Hoa Kỳ. Kết quả là người dân chỉ nhận được thông tin mà chính quyền phân phát.
Còn đến thập niên 90, cũng của thế kỷ trước, thì lại không cho phép nhập các máy in và photocopy laser màu vì sợ in được các con dấu màu đỏ của các cơ quan. Hệ quả là người dân không được tiếp cận kịp thời với những tiến bộ của khoa học công nghệ của nhân loại.
Ngược với chúng ta, các nước công nghiệp hàng đầu không bao giờ cấm đoán tiến bộ khoa học công nghệ. Họ biết rằng không thứ gì không thể làm nhái. Nhưng họ cũng biết rằng nếu cấm đoán thì khoa học công nghệ không thể phát triển được. Do đó họ đã chọn một chiến lược khác.
Khi đồng tiền mới ra đời bị làm giả, là trước đó nhà chức trách đã phải làm ra đồng tiền mới với công nghệ vượt trội. Khi một thị thực (visa) bị làm giả, là bài toán của nhà nước phải làm ra loại thị thực mới với những dấu hiệu bảo hiểm khó bị làm giả hơn.
Cho nên, khi người Nga bán cho Trung Quốc hệ thống S400, là lúc họ đã có S500. Hay người Mỹ bán cho Nhật F 35 mà chưa bán Rator 22 là điều đã được toan tính trước.
Chính cuộc đua tranh sòng phẳng không cấm đoán như vậy mới làm cho các nước công nghiệp hàng đầu vượt trội, bỏ xa các nước khác.
Trên bình diện khác, trong thời kỳ tích hợp toàn cầu ngày nay, cạnh tranh từ người nước ngoài đến gõ cửa mọi nhà trên khắp mọi miền đất nước ta, không phải chỉ nơi đô thị phồn vinh dưới ánh đèn xanh đỏ, mà đến tận rẻo cao nơi hang cùng trong tiếng thác nước và chim muông.
Từng giờ từng ngày các hãng, các nước săn lùng các phát minh sáng chế của đối thủ, tận dụng trí tuệ người khác để làm ra các phát minh sáng chế vượt trội mà đối thủ chưa kịp tung ra.
Nếu chính quyền lặp lại vết xe đổ của những năm 60 thế kỷ trước, hạn chế người Việt tiếp cận với thông tin của nhân loại, là trói buộc trí tuệ của người Việt, là làm cho người Việt ngu dốt đi so với các dân tộc khác, là dâng thị trường Việt Nam cho hàng hóa nước ngoài, là đẩy đất nước đến hoàn cảnh phải lệ thuộc ngoại bang.
4. QUYỀN TIẾP CẬN INTERNET, QUYỀN TIẾP CẬN MẠNG XÃ HỘI, QUYỀN TIẾP CẬN TIẾN BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ LÀ QUYỀN CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
Tiếp cận thông tin sẽ cho con người khả năng sở hữu mọi tiến bộ mới nhất của khoa học công nghệ, hiểu biết thêm về vũ trụ. Từ đó mới có những phát minh sáng chế. Những phát minh sáng chế không chỉ mang đến sự phồn thịnh, mà còn liên quan đến sự tồn vong của nhân loại.
Bởi thế quyền tiếp cận thông tin nói chung, trong đó bao gồm: quyền tiếp cận internet, quyền tiếp cận các mạng xã hội, quyền tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ là quyền cơ bản của con người.
Minh chứng cho luận điểm trên là việc Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc vào tháng 3 năm 2011 đã thông qua một nghị quyết, khẳng định quyền truy cập internet là quyền cơ bản của con người.
Chỉ có những chế độ độc tài vì muốn duy trì sự cai trị của mình, mới liều lĩnh khống chế thông tin. Các thể chế đó đang tâm kìm hãm sự phát triển của cả một dân tộc, chỉ để đổi lấy mục tiêu kéo dài sự thống trị của một nhóm người.
5. MUỐN TRỞ THÀNH CƯỜNG QUỐC
Trung Quốc là nước hàng xóm của Việt Nam. Chừng nào ở Trung Quốc chưa có một thể chế dân chủ, thì sự lớn mạnh của Trung Quốc là mối lo sợ của tất cả các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Điều này rõ đến nỗi trong đại hội 19 ĐCS trung Quốc từ 18-24/10/2017, trong diễn văn của TBT ĐCS Trung Quốc đọc tại đại hội, ông Tập Cận Bình đã phải trấn an thế giới về cam kết Trung Quốc không bành trướng.
Nhưng có ai tin được lời của ông Tập. Ngay cả các đồng chí của ông Tập trong ban lãnh đạo ĐCS Trung Quốc cũng không tin ông.
Bởi thế, với Việt Nam, muốn tránh được sự chèn ép của người hàng xóm khổng lồ, không có cách nào khác là phải tự hùng cường.
Nhưng muốn tự hùng cường thì phải huy động được tổng lực trí tuệ sáng tạo của toàn dân. Mà muốn huy động được tổng lực trí tuệ sáng tạo của toàn dân thì phải giải phóng mọi ràng buộc để trí tuệ của mỗi cá nhân được tự do tỏa sáng.
Ở mặt khác, muốn trí tuệ của mỗi cá nhân được tự do tỏa sáng thì quyền con người phải được tôn thờ. Trong quyền con người, quyền tự do tiếp cận thông tin và tự do thể hiện suy nghĩ là hai hạt nhân động lực của tiến bộ.
Con người được tự do tiếp cận thông tin bao nhiêu thì trí tuệ sẽ giàu có bấy nhiêu. Con người được tự do thể hiện suy nghĩ bao nhiêu thì phát minh sáng tạo sẽ phong phú rực rỡ bấy nhiêu.
Hạn chế, cấm đoán người dân tiếp cận thông tin là hạn chế cấm đoán người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ của loài người. Đó là chính sách ngu dân. Đó là kìm hãm sức phát triển của dân tộc. Chính sách đó không chỉ là đại trọng tội với một dân tộc mà còn là trọng tội với tiến bộ nhân loại.
Đất nước đang tụt hậu toàn diện trên bước đi nhân loại. Chưa bao giờ nước Việt cần tự do trí tuệ của người Việt như bây giờ!

Nguyễn Ngọc Chu

Không có nhận xét nào:

Trang