30 tháng 10, 2017

Sẽ ra sao nếu nhìn xung quanh có nhiều giả dối?

Tác giả: Bích Diệp
Doanh nghiệp có tên là Thanh Ngũ ở Nghệ An thừa nhận bể chứa 7.000 lít xăng A92 thực ra đã được pha trộn thành xăng giả với hàm lượng xăng thật chỉ chiếm 50% và giọt nước mắt muộn màng của cựu Tổng giám đốc VN Pharma trước tòa trong vụ án “thuốc giả” gây chấn động… (Bích Diệp)
KD: Tác giả bài này chắc còn trẻ chăng mới đặt một câu hỏi (title bài)… ngây ngô? Sự giả dối trong XH này nó tồn tại hằng mấy chục năm rồi. Khi chủ Blog còn rất trẻ, tóc tết đuôi sam đi vào nghề báo. Và kinh hãi, đau đớn thấy sự giả dối nó mang rất nhiều bộ mặt. Chẳng phải bây giờ. Khác chăng, giờ đây nó bộc lộ và “thăng hoa” chỉ bởi thế giới phẳng, với thông tin đa chiều đã mang đến cho XH bộ mặt thật của… giả dối thôi. Lại nhớ câu thơ cay đắng của nhà thơ Bùi Minh Quốc: Nhìn vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa/ Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi
—————–
Những thông tin đó bao trùm lên dòng chảy xã hội, trở thành các từ khóa “hot” trên các tít báo tuần qua. Sự giả dối liên tục bị phơi bày và vạch trần không khỏi khiến người ta giật mình vì những giá trị cốt lõi có nguy cơ bị đảo lộn.
Một độc giả lớn tuổi tâm sự với tôi rằng, có thời điểm ông không dám đọc báo, nghe đài, xem ti vi vì nhìn vào đâu cũng có thể thấy sự hiện diện của dối trá, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế khiến ông thấy lòng mình nặng trĩu, mệt mỏi. Nhưng thử hỏi cuộc sống này sẽ đi về đâu nếu những sự giả dối, xấu xa đó không bị báo chí phơi bày? Không lẽ chúng ta vẫn phải dung chứa những lọc lừa ấy mãi hay sao?
Ai cũng biết “phi thương, bất phú”, ai cũng hiểu đã là người kinh doanh thì tối đa hóa lợi nhuận luôn được đưa lên hàng đầu. Khát khao làm giàu là chính đáng, nhưng, làm giàu bất chấp thì thật khó để có được sự tha thứ, cảm thông.
Khi bị cáo Nguyễn Minh Hùng, cựu Tổng giám đốc VN Pharma ôm mặt trước tòa nức nở xin được khoan hồng, được tại ngoại để chăm sóc cha mẹ già và người vợ đang có thai, tôi phần nào thấy có gì đó thương cảm. Nhưng nhìn lại việc anh ta đã trục lợi trên lòng tin của những con người tận cùng đau khổ, làm giàu trên hi vọng được sống của hàng nghìn bệnh nhân ung thư, tôi lại càng phẫn nộ. Chỉ có nhà tù, chứ không phải nơi nào khác là nơi mà những kẻ bất lương phải trả giá cho những gì đã gây ra.
Mới tuần trước, khi ông Hoàng Khải lên báo “tự thú” về hành vi buôn gian bán lận của mình, ông ta đã gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng và tuyên bố sẵn sàng đổi trả, xin được bồi thường. Kể cả khi ông Khải có dám làm dám chịu như thế, tôi cũng không thể coi đó là cách làm của người “quân tử”. Bởi nếu như thật sự ý thức được điều đó, Khaisilk đã không lừa dối khách hàng bằng thủ đoạn tráo mác bẩn thỉu suốt hàng chục năm qua.
Mất tiền là mất nhiều, nhưng sự bội tín mới thật nguy hiểm. Đúng như nhận định của ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho những người mua khăn, hành vi của gắn mác sai lệch này còn tác động dài hạn, to lớn hơn là gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những nhãn mác gắn trên sản phẩm, hàng hoá, từ đó làm thui chột những doanh nghiệp đang nỗ lực kinh doanh chân chính.
“Nếu Nhà nước không trừng phạt hành vi gian lận nhãn mác một cách thích đáng thì người tiêu dùng sẽ không còn tin vào nhãn mác hàng hoá nữa. Lúc đó sẽ làm mất đi động lực sản xuất hàng hoá có chất lượng cao của các doanh nghiệp. Đơn giản vì ai cũng sẽ có thể bán hàng chất lượng thấp và gắn mác chất lượng cao”.
Vâng, đây mới là điều đáng nói. Ai dám chắc rằng việc bán lụa giả “made in Vietnam”, xăng giả A92 rồi “thuốc giả” gây chấn động chỉ dừng lại ở những cái tên bị lộ?
Theo phản ánh của báo chí thì việc trà trộn hàng Trung Quốc vào hàng Việt Nam đã xảy ra từ nhiều năm trước. Không ít các gian thương lụa Trung Quốc trà trộn vào lụa Vạn Phúc, gốm sứ Trung Quốc trộn với gốm sứ Bát Tràng, hoa quả tàu gắn mác hoa quả Việt, đồ điện tử Tàu gắn mác “made in Việt Nam”…
Báo cáo kết quả điều tra người tiêu dùng năm 2016 của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đã báo động về tình trạng nhiều doanh nghiệp không sản xuất mà chỉ mua sản phẩm của Trung Quốc,… về dán nhãn rồi tung ra thị trường.
Khi mà đâu đâu cũng rình rập rủi ro về hàng giả, hàng nhái, liệu chỉ có thể đòi hỏi đạo đức kinh doanh ở những người buôn bán? Hay chờ đợi ai cũng có thể là người tiêu dùng thông thái để vạch trần thủ đoạn gian lận của doanh nghiệp như vụ khăn lụa Khaisilk? Xin thưa, chờ đến lúc đó thì hàng giả đã “nuốt” mất thị trường rồi!
Người tiêu dùng không thể trông chờ vào ai khác ngoài sự nghiêm minh của luật pháp, ngoài những người thực thi và bảo vệ luật pháp. Nên, sau tất cả những chuyện xảy ra, xin dành câu hỏi cho các cơ quan chức năng – vốn dĩ đang vận hành và tồn tại bằng tiền thuế của nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Trang