6 tháng 10, 2017

BIẾT RỒI NÓI MÃI MỎI TAI

Phạm Trần
“Cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý…”
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận như thế nhưng không mới trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6/Khoá đảng XII tại Hà Nội ngày 4/10, và dự trù kết thúc ngày 11/10/2017.
Có khác chăng là thêm một lần nữa, người đứng đầu đảng phải tiếp tục gánh lấy thất bại của công tác được gọi là “tinh giảm biên chế”, hay giảm bớt số người có ăn mà không làm, hay làm rất ít vẫn tồn đọng trong hệ thống cai trị năm sau cao hơn năm trước.
Bởi vì công tác này đã được thực hiện từ năm 1999 khi đảng khoá VIII thời Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư, đưa ra Nghị quyết “Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước” tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (họp từ ngày 9 đến 16-8-1999 tại Hà Nội).
Thế mà sau 18 năm (1999-2017), qua 3 đời Tổng Bí thư (Lê Khả Phiêu-Nông Đức Mạnh-Nguyễn Phú Trọng), truyện dài biên chế cứ mãi mãi dài thêm vì bớt đầu này lại phình ra đầu kia như quốc nạn tham nhũng càng chống càng đẻ ra thêm con đàn cháu giống để cùng nhau tiếp tục hoan ca “vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi”.
Bằng chứng bê bối như ông Trọng đã nói trước các Ủy viên Trung ương và các cựu Lãnh đạo sáng 4/10 (017) rằng:” Tổ chức bộ máy của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý; cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều.”
CỨ Ỳ RA ĐẤY
Nhưng nhiều là bao nhiêu ? Không có bất cứ số thống kê nào cho ta biết, chỉ thấy ông Trọng bảo rằng:”Cho đến nay, chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước đã có khoảng 58 nghìn đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế; giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội như: Dịch vụ y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể dục thể thao..”
Nhưng 3 nơi gồm Công an, Quân đội và Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có bao nhiêu triệu miệng ăn tiền của dân, và họ đã đền đáp công ơn của dân ra sao ? Ai ở Việt Nam cũng thấy Công an ngày nay không còn được coi là bạn của dân, là người bênh vực và bảo vệ dân mà rất nhiều Công an đã biến chất, tự diễn biến và tự chuyển hóa thành kẻ thù của nhân dân vì đã mê say đàn áp dân, tích cực tham gia tham nhũng, móc túi dân giữa ban ngày và ở bất cứ nơi nào có thế làm được.
Vậy Quân đội có khá hơn không ? Rất khó mà lượng định công bằng. Chỉ biết rằng thay vì chỉ rèn luyện để bảo vệ vẹn tòan lãnh thổ và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ dân thì bây giớ họ đã được lệnh phải “làm kinh tế” để nuôi và bảo vệ đảng vững tâm mà tiếp tục cai trị độc tài, mặc cho Quân Trung Cộng tự do chiếm đảo và đàn áp ngư dân Việt Nam ở Biển Đông.
Tình hình như vậy mà Quốc Hội do đảng cử dân bầu không biết phải làm sao ư ?
Thật tội nghiệp cho dân, cái Quốc Hội chỉ biết làm theo lệnh của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đảng cũng vô tích sự muôn năm. Hầu hết chỉ biết than theo cho đẹp lòng cử tri và chỉ dám “cho ý kiến với Đảng và Nhà nước” mà không có bất cứ hành động nào để cải thiện tình hình.
Bằng chứng như Nguyễn An đã tường thuật trong báo An Ninh Thủ Đô ngày 22/08/2017 rằng:” Sau 5 năm cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, nhiều đầu mối đã được thu gọn nhưng tình trạng “bộ trong bộ” lại có xu hướng gia tăng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến vào báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Báo cáo chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại, đó là dù đã có nhiều nỗ lực tinh giản song bộ máy Nhà nước vẫn đang phình to.”
Với tựa nhỏ “Bóp ở trên, dưới lại phình ra”, báo này viết tiếp:”Qua làm việc với 15 bộ, ngành Trung ương và trực tiếp giám sát tại 15 tỉnh, thành phố, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội chỉ ra, kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn rất hạn chế. Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước vẫn cồng kềnh, một số cơ quan chức năng quyền hạn còn trùng lặp, chồng chéo, thiếu hợp lý.
Số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên, xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra ở nhiều bộ. Thậm chí, có tình trạng thu gọn đầu mối trong các bộ nhưng lại tồn tại nhiều “bộ trong bộ”, tổng cục, cục nhiều hơn… Chính vì cơ cấu tổ chức bộ, cơ quan ngang bộ có quá nhiều đầu mối đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số công chức tham mưu.”
Vẫn theo Nguyễn An thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng thừa nhận:”Bộ máy hành chính Nhà nước hiện vẫn còn cồng kềnh. Thực tế, số đầu mối ở các cơ quan quản lý không tăng nhiều nhưng bên trong lại tăng nhiều cục, chi cục, phòng, dẫn đến tình trạng một việc phải trải qua quá nhiều cấp hành chính cho ý kiến, thẩm định, chỉ đạo giải quyết.
Một trong những nguyên nhân khiến tăng biên chế công chức, tăng số đầu mối trong bộ máy hành chính là do bổ sung chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành và việc chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.”
Nhưng ai đã vẽ ra để có thể hành dân đến mức chỉ còn cái khố như thế mà “đảng trưởng” Nguyễn Phú Trọng không làm gì được từ 7 năm qua ?
Hay vì toàn là dây mơ rễ má chằng chịt buộc chân nhau để chia chác quyền lực nên Tổng Bí thư Trọng cũng phải đầu hàng. Hoặc là các “lợi ích nhóm” nhiều qúa nên bác Trọng cũng phải gồng mình nói ra cho khỏi hổ danh lãnh đạo với dân chứ ông biết thừa có nói cũng chả ma nào nó nghe ?
Dù sao thì cứ nghe tiếp lời của Chuyên gia Kinh tế, Bà Phạm Chi Lan để biết thêm chuyện của vũng bùn biên chế thặng dư và chia nhau ăn tiền ở Việt Nam nó nghiêm trọng đến mức hại dân như thế nào.
Bà nói:”Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.”
Trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo Điện tử ViệtTimes được VietNamNet đăng lại ngày 09/06/2017, Bà cho biết:”Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.
Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.”
Bà Lan đưa ra một so sánh:”Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.
Như vậy, chúng ta thấy 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức này.”
Trả lời câu hỏi:”Đội ngũ công chức, viên chức của chúng ta đông như vậy, nhưng theo nhiều người thì chất lượng lại không cao. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Chuyên gia Phạm Chi Lan đáp:”Khi còn ở cương vị Phó thủ tướng ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”.
Tôi bổ sung thêm là 30% nữa là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Khi còn là Bộ trưởng TT&TT ông Lê Doãn Hợp còn thêm: “30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ”.
CHIA NHAU ĂN THẢ DÀN
Trong cuộc phỏng vấn này, bà Phạm Chi Lan còn tiết lộ nhiều chuyện chia ăn hút mồ hôi nước mắt nhân dân của các Tổ chức do Đàng lập ra, ngoài chuyện biên chế cũng ngập đầu trong các cơ quan này.
Bà nói:”Theo Dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 được Bộ Tài chính công khai trên website của bộ này thì, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới 1.503,740 tỉ đồng, gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (92,435 tỉ đồng); Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng); Trung ương Hội LHPN Việt Nam (158,685 tỉ đồng); Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng); Hội CCB Việt Nam (80,830 tỉ đồng); Tổng LĐLĐ Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng.”
Nhưng không phải chỉ có bấy nhiêu thôi mà Bà Lan còn cho biết:”Tuy nhiên, đây mới là phần thông tin chi cho các hội, đoàn thể được công khai. Còn rất nhiều hội đặc thù, ở cả Trung ương và địa phương cũng được ngân sách tài trợ một phần, nhưng chưa được công khai trong dữ liệu của Bộ Tài chính, từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đến Hội Đông y, Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Người mù và rất nhiều hội đoàn khác.
Một trong những nghiên cứu hiếm hoi về ngân sách cho các hội, đoàn thể của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ngân sách (ước tính) chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho toàn bộ khối này, tức là lớn hơn dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ NN&PTNT (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) (khoảng 11.000 tỉ đồng), một bộ được coi là siêu bộ, gần gấp đôi ngân sách của Bộ Giáo dục và Bộ Y tế, chỉ thua Bộ LĐTB&XH (Lao động, Thương binh và Xã hội) , và Bộ Tài Chính.
Bà kết luận :”Nghiên cứu này cũng ước tính, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP.
Hầu hết các hệ thống hội đoàn, trong đó đặc biệt là các tổ chức chính trị- xã hội, được tổ chức theo mô hình hành chính, có biên chế, nhà cửa, trụ sở, xe cộ, với hệ thống tổ chức và mô hình hoạt động hầu như không thay đổi từ thời bao cấp đến nay.”
VẼ ĐƯỜNG CHO HƯƠI CHẠY
Nhưng tại sao một đảng cầm quyền vẫn tự khoe có kỷ luật và biết tổ chức nên đã đạt được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác mà Lãnh đạo lại qúang gà như vậy ?
Chả ai biết đầu cua đuôi nheo ra sao, nhưng xem ra đã rã ra từng mảnh rồi đấy. Bởi vì, Bộ Nội vụ đã báo cáo Quốc hội:” Từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2017, tổng số đối tượng được tinh giản biên chế là 22.763 người. Với tốc độ và cách làm như hiện nay, việc tinh giản biên chế “rất khó” đạt mục tiêu đề ra.
Trong tổng số biên chế được tinh giản, các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm đa số (14.791 người); tiếp đến là cán bộ, công chức cấp xã (4.086 người); các cơ quan hành chính (2.824 người); các cơ quan của Đảng, đoàn thể (944 người) và cuối cùng là các doanh nghiệp nhà nước (122 người).
Trong đó năm 2015, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người và 6 tháng đầu năm 2017 là 5.062 người. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết, với tiến độ và cách làm như hiện nay thì “khó có thể thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị”. (theo báo Công an Nhân dân, ngày 18/05/2017)
Nghị quyết 39 ban hành ngày 17/04/2015, Khóa đảng XI của Nguyễn Phú Trọng, đã ra lệnh:”Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”
Nhưng kết qủa vẫn là chuyện cổ tích “phép Vua thua lệ làng”, là trên bảo dưới không thèm nghe mà Bộ Chính trị cũng cóc làm gì nổi . Vì vậy mà Bộ Nội vụ đã phải méc thêm với Quốc Hội rằng:”Đến nay, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt Đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất giải quyết chính sách tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ 6 tháng/lần).
Việc chưa xây dựng đồng bộ đề án tinh giản biên chế và kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 khiến nhiều đơn vị không có phương án cụ thể ngay từ đầu, không xác định rõ được những người trong diện phải tinh giản, dẫn đến tinh giản thụ động, hầu như mới chỉ thực hiện trên cơ sở nguyện vọng của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức. Các đơn vị cũng mới chỉ tập trung tinh giản biên chế mà chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm.”
Do đó mới có chuyện trớ trêu hầu hết những con số gỉam người của các Cơ quan, Tổ chức được báo cáo với Bác Trọng lại là những người đã đến tuổi nghỉ hưu hay muốn nghỉ hưu sớm, hoặc chuyển qua chỗ làm ngoài Chính phủ.
Nếu ông Trọng hoan hỷ coi những con số này là “thành công vượt bực” của tài lãnh đạo của mình thì ông cứ yên tâm ngồi yên đấy mà hưởng thụ chứ nhấp nhỏm đứng lên, ngồi xuống làm gì cho tổn thọ ? -/-

Không có nhận xét nào:

Trang