6 tháng 10, 2017

Hội nghị "Tinh giản biên chế"

Hội nghị Trung ương 6 bàn những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm - Ảnh 2.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: TTXVN
 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội. Khá nhiều nội dung vĩ mô được đưa ra tại hội nghị, trong đó, đáng chú ý nhất chính là đòi hỏi về "sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Đây là đòi hỏi mang tính nhu cầu tất yếu của nhân dân chứ không phải chỉ là vấn đề nội bộ Đảng!
Năm 2015, Phó bí thư thường trực tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng đã nói về một "cuộc thử nghiệm" thú vị: tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ Chính trị cho Quảng Ninh hợp nhất Ban Tổ chức tỉnh ủy với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Đảng với Thanh tra tỉnh, Ban Tuyên giáo tỉnh với Sở TT&TT tỉnh, Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND-UBND. Cũng năm ấy, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cũng đề nghị trung ương cho thử nghiệm tương tự tại Đà Nẵng.
Có người đã phân tích việc sát nhập sẽ tiết kiệm cho nhà nước một lượng "đất vàng" từ các trụ sở dư ra sau sát nhập từ cấp tỉnh xuống cấp... thôn. Tôi lại cho rằng sát nhập để đổi mới thể chế, tinh gọn biên chế nằm ở vấn đề con người. Một chính thể muốn bền vững thì cần có những nhân sự bảo vệ chính thể mang tính trung thành tuyệt đối. Điều đó chưa đủ, vì dù có nắm quân đội và công an tuyệt đối đến đâu thì cũng chẳng bằng chính thể ấy nghe dân và làm theo nguyện vọng nhân dân.
Tất cả các vấn đề ấy đều nằm ở hành chính nhà nước. Nơi trực tiếp xử lý các vấn đề mà người dân yêu cầu, mong muốn và đòi hỏi chính đáng.
Không bàn nhiều về Hội nghị 6, nhưng có thể nhận thấy rằng trách nhiệm của Chính phủ là hết sức nặng nề trong việc tinh giản biên chế của bộ máy đã quá cồng kềnh và nhiều khe hở để tư bản thân hữu chen chân vào tìm lợi ích. Làm điều đó, các quan chức được phong như Trịnh Xuân Thanh sẽ giảm thiểu cơ hội "bay cao" và không dễ gì về làm phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang dù gây thất thoát 3.200 tỉ đồng trước đó. Loại cán bộ như ông Nguyễn Xuân Quang - phó Cục trưởng Cục Kiểm soát bảo vệ môi trường- sẽ không có "cơ hội" mất 400 triệu ở Long An.
Tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng với vai trò Tổng Bí thư Đảng đã nhìn ra vấn đề nhân sự Đảng trong quản lý nhà nước có những bất cập nào cần xử lý. Trong đó, đáng chú ý nhất là 2 vấn đề "giúp" tinh giản nhân sự rất nhanh: 1- Xử lý các quan chức tham nhũng, bằng cấp giả, sai phạm quản lý bằng quy trình rà soát nội bộ. 2- Xử lý các quan chức bị thanh tra, tố cáo bằng kênh tiếp nhận thông tin công khai.
Việc này không dễ làm vì quy trình bổ nhiệm và "xé rào" như việc kinh doanh đa ngành của các tập đoàn kinh tế Nhà nước tới nay vẫn chưa xử hết. Nhưng bảo vệ chính trị nội bộ trước hết là giám sát và xử lý các cán bộ cao cấp để không "đẻ" thêm ra các mô hình đốt ngân sách hoặc các dự án lấy đất dân (hay môi trường, di sản) giao cho tư nhân bất chấp hậu quả.
Ngoài bản lý lịch, có lẽ hồ sơ của các nhân sự tham gia Đại hội cũng cần được (hay đã được) chú ý.
Để những ai phản bội quyền lợi nhân dân đều thành "củi"!
Tôi không ủng hộ Đảng Cộng sản (hay bất kỳ Đảng phái nào tới nay) nhưng tôi ủng hộ chủ trương chống tham nhũng và các hành động cụ thể hóa, thành công hóa chủ trương ấy! Và để minh họa cho điều này xin đưa một ví dụ rất cụ thể: Vụ phân bón giả Thuận Phong tại Đồng Nai (quê tôi) kéo dài hơn 2 năm không xử lý được đã có chuyển biến. Nếu quá trình điều tra lại thực hiện không xong thì sẽ khởi tố tội bỏ lọt tội phạm.
Kiếm "củi" từ những vụ việc tương tự rất dễ và đấu tranh chống tiêu cực cũng chính là giúp Chính phủ minh bạch. Vậy nên ý kiến của ông Nguyễn Đức Chung thời còn làm giám đốc Công an Hà Nội có lẽ cần được xem xét thấu đáo.
Ông Chung nói: "Tội phạm tham nhũng cần phải tử hình!" Đó cũng là cách "tinh giản biên chế" hiệu quả đấy!
Chú thích: Tôi đoán Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn tiếp tục nhiệm kỳ đến 2021. Vì không thể "đốt lò" dở dang được. 
Mai Quốc Ấn

Không có nhận xét nào:

Trang