30 tháng 10, 2017

Doanh nhân, Chính trị gia và “ngưỡng dối lừa”

Tác giả: Lê Ngọc Sơn (Chuyên gia về quản trị truyền thông, rủi ro và khủng hoảng, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức)
Có lẽ chẳng thời nào mà chúng ta lại được chứng kiến một nghịch lý lạ lùng: Nhiều con buôn vô lại chăm chỉ diễn ngôn rao giảng về đạo đức một cách chuyên nghiệp như những chính trị gia, còn một số chính trị gia lại hành xử nghiệp dư như những con buôn thứ thiệt… Thật khó để vẽ ra đường ranh giới phân biệt đâu là doanh nhân thực thụ, đâu là những chính trị gia đích thực, và đâu là những con buôn vô lại làm kiệt quệ quốc gia… Cuối cùng, quốc gia, đám đông và đại chúng mới là những người lãnh đủ. (Lê Ngọc Sơn)
KD: Xét cho cùng, KhaiSilk hay ông chổi đót Phạm Sỹ Quý đều là sản phẩm “chính danh” và “trứ danh’ của XH này, một XH mà sự đạo đức giả lan tràn, lên ngôi, biến thành một lối sống bình thường. Nó tồi tệ và đáng hổ thẹn là ở chỗ đó. Không kẻ đạo đức giả nào thấy phải đỏ mặt, bởi họ nhìn nhau mà vơ vét, mà sống, và có khi dương dương tự đắc là khác
———————
Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn (tác giả bài viết) và giáo sư W.Timothy Coombs – cha đẻ của học thuyết kinh điển về “Truyền thông trong khủng hoảng dựa trên cảnh huống” (Situational Crisis Communication Theory) – người được coi là cây đại thụ (có nhiều công trình được trích dẫn nhất) trong ngành truyền thông về khủng hoảng. Ảnh:Blay Ludovic.
Tranh thủ giờ nghỉ sau ngày họp thứ nhất của Hội nghị quốc tế lần thứ 5 về “Truyền thông về Rủi ro và Khủng hoảng trong kỷ nguyên số” (diễn ra lại Lisbon, Bồ Đào Nha), tôi và cô bạn giáo sư của một đại học Mỹ chạy xe về phía biển Cascais để ngắm hoàng hôn.
Trên một mỏm cổ thạch nổi tiếng, phóng tầm mắt ra phía xa là những con sóng bạc cuộn nhau ở biển Bắc Đại Tây Dương, xuống phía dưới là những đợt sóng táp vào chân núi, tôi và cô bạn giáo sư ngồi luận bàn về các khủng hoảng trên thế giới.
Cô bảo, cô lo Donald Trump sẽ làm nước Mỹ loạn lên và thế giới sẽ điên cuồng theo sau. Một doanh nhân như Donald Trump lại là một chính trị gia quyền lực nhất thế giới, điều hành cường quốc số một của thế giới theo tư duy của một ông chủ doanh nghiệp, thì quả là một sự thách thức lớn đối với các giá trị mà nước Mỹ hướng tới bấy lâu.
Rồi cô hỏi tôi, nỗi lo của tôi về những thách thức của đất nước mình là gì, tôi chỉ nhún vai và trầm ngâm nhìn về những con sóng rượt đuổi nhau ngoài đại dương xanh thẳm kia. Tôi không trả lời cô đồng nghiệp, nhưng những câu chuyện về (nguy cơ) khủng hoảng ở Việt Nam luôn là một thách thức cần bàn tính.
Theo tôi, chúng ta hiện đang đối diện nhiều thách thức và nguy cơ đạt “điểm khủng hoảng”, mà nguồn cơn là chúng ta đang dựa trên những rường cột thiếu chắc chắn. Đạo đức xã hội (chẳng hạn trong kinh doanh) là một ví dụ.
Sự kiện Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng công bố hàng “Made in Vietnam” chỉ là một nấc tiến vượt “ngưỡng dối lừa”. Ở đó, phanh phui một sự thật trần trụi, lớn hơn cả việc mất tiền bạc: niềm tin và tự hào của người Việt đã bị đánh cắp. Ảnh: Zing
Thành ngữ tiếng Việt từ cổ xưa có câu: “Treo đầu dê, bán thịt chó” để lên án những thương nhân vô lại, gian dối, trục lợi bất lương. Bát thịt chó còn sót cái đuôi tố cáo ông chủ quán chuyên bán thịt dê là lừa đảo. Sự kiện Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng công bố hàng “Made in Vietnam” chỉ là một “cái đuôi chó” bị lộ như vậy.
Giọt nước làm tràn ly, chỉ là một nấc tiến vượt “ngưỡng dối lừa”. Ở đó, phanh phui một sự thật trần trụi, lớn hơn cả việc mất tiền bạc, niềm tin và tự hào của người Việt đã bị đánh cắp. Một sự đánh cắp trắng trợn, mà tay chủ mưu lừa đảo lại là kẻ chuyên rao giảng đạo đức cho giới doanh thương và người trẻ, như một tấm gương cho giới khởi nghiệp.
Tay trộm chuyên nghiệp đến mức, thuyết phục được các chính trị gia chọn hàng của hắn để làm quà mỗi khi có quốc khách đến thăm Việt Nam. Anh bạn của tôi là trợ lý cho một Phó Thủ tướng không khỏi ngán ngẩm khi than vãn rằng, anh sẽ chẳng biết nói thế nào khi câu chuyện lụa Khải bị truyền thông quốc tế nhắc đến và chưa biết phải giải thích ra sao với những khách quốc tế mà anh đã tặng quà (mua từ Khaisilk).
Điều đó, suy cho cùng không chỉ là cái đau của anh bạn trợ lý, đó là nỗi đau của quốc thể.
Trước khi xảy ra tai tiếng bán hàng Trung Quốc nhưng công bố hàng “Made in Vietnam”, ông chủ thương hiệu Khaisilk luôn có những phát ngôn tự tin về triết lý kinh doanh. Ảnh: Zing
Ai cũng biết, làm kinh doanh phải tôn trọng các chuẩn mực pháp luật lẫn đạo đức kinh doanh. Pháp luật sẽ trừng trị kẻ vô pháp, lương tâm sẽ phán xử kẻ vô lương. Trong trường hợp Khaisilk, kẻ chủ mưu kinh doanh vừa vô pháp lẫn vô lương một cách bài bản, có hệ thống, trong một thời gian rất dài. Vô pháp ở khía cạnh đánh cắp tiền bạc của thiên hạ bằng việc công bố sai chất lượng và xuất xứ hàng hoá; vô lương ở khía cạnh đánh cắp niềm tin ít ỏi vào hàng Việt của những người yêu nước Việt.
Tôi từng tự vấn trong một thời gian dài, rằng: duyên cớ nào mà nhiều người trẻ Việt chúng ta tuyên bố hùng hồn về “khởi nghiệp” khi chỉ đơn giản là sang Quảng Châu “đánh” vài lốc hàng về để mở một cửa hiệu thời trang. Phải chăng không ít người trẻ lờ mờ phát hiện ra được “đường đi”, “bí quyết thành công” của những “tiền bối” như “thần tượng” Hoàng Khải?
Những doanh nhân như Hoàng Khải phải chăng kích hoạt một xu hướng mới trong mong ước làm giàu, đặt lợi nhuận là mục tiêu tối thượng? Nhưng liệu đó có phải là bản chất của khởi nghiệp? Tôi e rằng câu trả lời là không, khởi nghiệp phải tạo ra giá trị mới, thay vì khởi nghiệp để làm những con buôn.
Nhìn rộng ra bức tranh hiện nay, chẳng thời nào mà chúng ta lại được chứng kiến nghịch lý lạ lùng: Nhiều con buôn vô lại chăm chỉ diễn ngôn về đạo đức như những chính trị gia, còn một số chính trị gia lại hăng hái hành xử như những con buôn thứ thiệt… Những chính trị gia đi “buôn chổi đót” để xây biệt phủ, cho con cái đứng tên sở hữu hàng ngàn m2 đất dự án “vàng”, hay tính bài toán cho nước ngoài thuê đất quê hương với thời hạn gần một thế kỷ… Tư duy con buôn ngắn hạn, vạch dự án để kiếm chác, tư lợi trước mắt của không ít kẻ này sẽ đẩy đất nước đến bờ vực khủng hoảng. Cuối cùng, những kẻ này châm ngòi cho các khủng hoảng tiềm tàng của xã hội, còn đám đông và dân tộc mới là những người lãnh đủ hậu quả nhãn tiền.
Ông Phạm Sỹ Quý vừa bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức Giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường Yên Bái do liên quan đến kê khai tài sản không không trung thực. Trước đó ông Quý từng trả lời báo chí tiền xây khu biệt phủ của gia đình ông có từ nhiều nguồn thu nhập khác nhau trong đó có từ công việc ông buôn chổi đót, lá chít, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ,…. Ảnh: Tiền Phong
Những dự án không bình thường kiểu cho Formosa thuê đất Vũng Áng đến 70 năm, hay đề xuất cho thuê 99 năm biển, đảo tại Phú Quốc làm du lịch, thương mại,… bên cạnh những lời hứa hẹn lợi ích mơ hồ, thì thách thức cho quốc gia là những điều hiển hiện.
Những con buôn vẽ ra các đại dự án, hứa hẹn siêu quyền lợi cho số đông, nhưng thực chất bài toán lợi ích quốc gia không phải dễ dàng nhìn như bài toán lợi ích riêng, thiết thân của người vẽ dự án.
Quyền lợi cho đất nước chưa thấy đâu, nhưng hoạ cho quốc gia là điều cần được bàn tính. Và để bàn tính hiệu quả, ắt hẳn không thể bằng lối tư duy của những con buôn.
Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ ra rằng món quà mà tôi tự hào là “quốc hồn, quốc tuý” đem tặng cô bạn giáo sư bên bờ biển Cascais là một tấm khăn lụa đang gây “sốt” tại Việt Nam. Tôi nhận ra rằng, hoá ra đôi lúc ta cũng là một con cừu non trong đám đại chúng bị dắt mũi bởi những kẻ buôn bán niềm tin.

Sẽ ra sao nếu nhìn xung quanh có nhiều giả dối?

Tác giả: Bích Diệp
Doanh nghiệp có tên là Thanh Ngũ ở Nghệ An thừa nhận bể chứa 7.000 lít xăng A92 thực ra đã được pha trộn thành xăng giả với hàm lượng xăng thật chỉ chiếm 50% và giọt nước mắt muộn màng của cựu Tổng giám đốc VN Pharma trước tòa trong vụ án “thuốc giả” gây chấn động… (Bích Diệp)
KD: Tác giả bài này chắc còn trẻ chăng mới đặt một câu hỏi (title bài)… ngây ngô? Sự giả dối trong XH này nó tồn tại hằng mấy chục năm rồi. Khi chủ Blog còn rất trẻ, tóc tết đuôi sam đi vào nghề báo. Và kinh hãi, đau đớn thấy sự giả dối nó mang rất nhiều bộ mặt. Chẳng phải bây giờ. Khác chăng, giờ đây nó bộc lộ và “thăng hoa” chỉ bởi thế giới phẳng, với thông tin đa chiều đã mang đến cho XH bộ mặt thật của… giả dối thôi. Lại nhớ câu thơ cay đắng của nhà thơ Bùi Minh Quốc: Nhìn vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa/ Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi
—————–
Những thông tin đó bao trùm lên dòng chảy xã hội, trở thành các từ khóa “hot” trên các tít báo tuần qua. Sự giả dối liên tục bị phơi bày và vạch trần không khỏi khiến người ta giật mình vì những giá trị cốt lõi có nguy cơ bị đảo lộn.
Một độc giả lớn tuổi tâm sự với tôi rằng, có thời điểm ông không dám đọc báo, nghe đài, xem ti vi vì nhìn vào đâu cũng có thể thấy sự hiện diện của dối trá, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế khiến ông thấy lòng mình nặng trĩu, mệt mỏi. Nhưng thử hỏi cuộc sống này sẽ đi về đâu nếu những sự giả dối, xấu xa đó không bị báo chí phơi bày? Không lẽ chúng ta vẫn phải dung chứa những lọc lừa ấy mãi hay sao?
Ai cũng biết “phi thương, bất phú”, ai cũng hiểu đã là người kinh doanh thì tối đa hóa lợi nhuận luôn được đưa lên hàng đầu. Khát khao làm giàu là chính đáng, nhưng, làm giàu bất chấp thì thật khó để có được sự tha thứ, cảm thông.
Khi bị cáo Nguyễn Minh Hùng, cựu Tổng giám đốc VN Pharma ôm mặt trước tòa nức nở xin được khoan hồng, được tại ngoại để chăm sóc cha mẹ già và người vợ đang có thai, tôi phần nào thấy có gì đó thương cảm. Nhưng nhìn lại việc anh ta đã trục lợi trên lòng tin của những con người tận cùng đau khổ, làm giàu trên hi vọng được sống của hàng nghìn bệnh nhân ung thư, tôi lại càng phẫn nộ. Chỉ có nhà tù, chứ không phải nơi nào khác là nơi mà những kẻ bất lương phải trả giá cho những gì đã gây ra.
Mới tuần trước, khi ông Hoàng Khải lên báo “tự thú” về hành vi buôn gian bán lận của mình, ông ta đã gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng và tuyên bố sẵn sàng đổi trả, xin được bồi thường. Kể cả khi ông Khải có dám làm dám chịu như thế, tôi cũng không thể coi đó là cách làm của người “quân tử”. Bởi nếu như thật sự ý thức được điều đó, Khaisilk đã không lừa dối khách hàng bằng thủ đoạn tráo mác bẩn thỉu suốt hàng chục năm qua.
Mất tiền là mất nhiều, nhưng sự bội tín mới thật nguy hiểm. Đúng như nhận định của ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho những người mua khăn, hành vi của gắn mác sai lệch này còn tác động dài hạn, to lớn hơn là gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những nhãn mác gắn trên sản phẩm, hàng hoá, từ đó làm thui chột những doanh nghiệp đang nỗ lực kinh doanh chân chính.
“Nếu Nhà nước không trừng phạt hành vi gian lận nhãn mác một cách thích đáng thì người tiêu dùng sẽ không còn tin vào nhãn mác hàng hoá nữa. Lúc đó sẽ làm mất đi động lực sản xuất hàng hoá có chất lượng cao của các doanh nghiệp. Đơn giản vì ai cũng sẽ có thể bán hàng chất lượng thấp và gắn mác chất lượng cao”.
Vâng, đây mới là điều đáng nói. Ai dám chắc rằng việc bán lụa giả “made in Vietnam”, xăng giả A92 rồi “thuốc giả” gây chấn động chỉ dừng lại ở những cái tên bị lộ?
Theo phản ánh của báo chí thì việc trà trộn hàng Trung Quốc vào hàng Việt Nam đã xảy ra từ nhiều năm trước. Không ít các gian thương lụa Trung Quốc trà trộn vào lụa Vạn Phúc, gốm sứ Trung Quốc trộn với gốm sứ Bát Tràng, hoa quả tàu gắn mác hoa quả Việt, đồ điện tử Tàu gắn mác “made in Việt Nam”…
Báo cáo kết quả điều tra người tiêu dùng năm 2016 của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đã báo động về tình trạng nhiều doanh nghiệp không sản xuất mà chỉ mua sản phẩm của Trung Quốc,… về dán nhãn rồi tung ra thị trường.
Khi mà đâu đâu cũng rình rập rủi ro về hàng giả, hàng nhái, liệu chỉ có thể đòi hỏi đạo đức kinh doanh ở những người buôn bán? Hay chờ đợi ai cũng có thể là người tiêu dùng thông thái để vạch trần thủ đoạn gian lận của doanh nghiệp như vụ khăn lụa Khaisilk? Xin thưa, chờ đến lúc đó thì hàng giả đã “nuốt” mất thị trường rồi!
Người tiêu dùng không thể trông chờ vào ai khác ngoài sự nghiêm minh của luật pháp, ngoài những người thực thi và bảo vệ luật pháp. Nên, sau tất cả những chuyện xảy ra, xin dành câu hỏi cho các cơ quan chức năng – vốn dĩ đang vận hành và tồn tại bằng tiền thuế của nhân dân.

29 tháng 10, 2017

Lần đầu tiên Chính phủ xác nhận có cán bộ cao cấp phạm tội tham nhũng

Nhận xét về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, UB Tư pháp của Quốc hội ghi nhận, đây là lần đầu tiên Chính phủ nhìn nhận thẳng thắn là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận, phạm tội tham nhũng…
“Lấy trách nhiệm tập thể làm nơi lẩn tránh an toàn”
Chấp nhận hướng tiếp thu của Chính phủ trong báo cáo mới nhất về công tác phòng chống tham nhũng, UB Tư pháp đồng tình với đánh giá nêu ra: “Tình hình tham nhũng vẫn đang diễn ra phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng”. Cơ quan thẩm tra cho rằng, đánh giá này là đúng với thực trạng hiện nay cũng như phản ánh của người dân, doanh nghiệp và xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế.
Trong báo cáo trước đó, khi Chính phủ dừng ở nhận định “tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp” nhưng không đánh giá mức độ “nghiêm trọng” của tình hình, UB Tư pháp thể hiện rõ sự băn khoăn, so sánh với đánh giá của TƯ Đảng, của các cơ quan giám sát độc lập.
Điểm tích cực được cơ quan thẩm tra ghi nhận là năm 2016, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có nhiều nỗ lực; tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm có chuyển biến tích cực
Tuy nhiên, công tác giải quyết tố giác, tin báo; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đều giảm so với cùng kỳ năm 2015 và không đạt chỉ tiêu đã giao theo Nghị quyết của Quốc hội.
Cụ thể, trong năm, cơ quan điều tra tiến hành khởi tố 142 vụ/335 bị can, giảm 25%; Viện kiểm sát truy tố 263 vụ/634 bị can, giảm 17,8%; Tòa án xét xử sơ thẩm 194 vụ/441 bị cáo, giảm 34%. Qua giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng thu hồi được 92 tỷ đồng, chỉ đạt 38,5%; qua công tác thi hành án thu hồi được 45 tỷ đồng, chỉ đạt 0,92%.
Đáng lưu ý, qua giám sát của UB Tư pháp, cơ quan này chỉ rõ, trong ba năm gần đây, số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đều giảm dần.
Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ, ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng còn ở cấp tỉnh, huyện, cấp bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những khu vực này còn nghiêm trọng.
Cơ quan thẩm tra ghi nhận, Chính phủ đã xác nhận nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền.
Trong nhiều phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là do trong nhiều năm các Báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có một số nơi”, “có một bộ phận”, “một số người đứng đầu”, “một số cơ quan, đơn vị”…. mà không có địa chỉ cụ thể nên không xác định được trách nhiệm cá nhân và không có tác dụng mạnh mẽ để chỉnh đốn, thay đổi. Quyết tâm chống tham nhũng, theo đó, chỉ nằm trên văn bản, còn hành động trên thực tế lại chưa tương xứng. Đáng lưu ý có một số cán bộ còn bao che, tiếp tay, “bảo kê” cho vi phạm .
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phân định rõ ràng trách nhiệm tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm, không quy được trách nhiệm cá nhân, lấy trách nhiệm tập thể làm nơi lẩn tránh an toàn cho trách nhiệm cá nhân.
Nhắc lại quan điểm của người đứng đầu Chính phủ là nói phải đi đôi với làm, quy rõ trách nhiệm cụ thể khi xảy ra sai phạm, UB Tư pháp thể hiện sự đồng tình và đề nghị Chính phủ kiên quyết thực hiện chủ trương này để xây dựng một Chính phủ liêm chính như cam kết của Thủ tướng trước Quốc hội.
Cụ thể hoá quy định về kiểm soát quyền lực
Về nguyên nhân tồn tại, hạn chế, cơ quan thẩm tra ghi nhận, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ năm nay đã đánh giá sâu sắc vấn đề.
“Lần đầu tiên Chính phủ nhìn nhận thẳng thắn trước Quốc hội là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật” – báo cáo thẩm tra viết.
Ngoài ra, UB Tư pháp đề nghị Chính phủ lưu ý một nguyên nhân hết sức quan trọng, là hiện nay có những quy định nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể, cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực trên thực tế dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”…
Cơ quan thẩm tra lập luận, các nghiên cứu quốc tế về tham nhũng đã khẳng định rằng, ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, quyền lực nếu không được kiểm soát chặt chẽ tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực – đây chính là bản chất và là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng.
Do đó, UB Tư pháp đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN có hiệu quả và góp phần thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực như quy định của Hiến pháp.
Trong công tác cán bộ, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra, bên cạnh những hạn chế trong việc điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức thì cơ quan chức năng cũng còn thiếu tiêu chí khoa học, khách quan để người đứng đầu đánh giá chính xác cán bộ, công chức. Sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức chưa được coi là tiêu chí, thước đo quyết định sự tồn tại và thăng tiến của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến tình trạng trì trệ, thiếu động lực làm việc, thậm chí vòi vĩnh, nhũng nhiễu.
Với quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống” đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ.
Mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, “dễ mình dễ ta”. Đây là những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị để PCTN còn hạn chế.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn để xác định các giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.

P.Thảo

TuanVietNam Tương lai chính trị Trung Quốc sau Đại hội Đảng 19

Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản TQ lần thứ 19 đã bế mạc, và nhiều câu hỏi đang được đặt ra về một “kỷ nguyên” Tập Cận Bình.
Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức trở thành nhà lãnh đạo TQ quyền lực nhất kể từ sau kỷ nguyên của Đặng Tiểu Bình, là một điểm vốn không ai nghi ngờ. Tuy nhiên sự nổi lên của ông Tập đặt ra thêm nhiều câu hỏi cho giới phân tích, về cả sự vận động của chính trị nội bộ TQ, cũng như những tác động về mặt ngắn hạn và dài hạn tới tình hình khu vực và thế giới.
Thường vụ mới: kiểm soát, cân bằng và thoả hiệp
Sự xuất hiện của năm gương mặt mới trong tổng cộng bảy thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị TQ không nằm ngoài dự đoán của nhiều người, vì hầu hết các thành viên Thường vụ cũ (trừ ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường) đều đã tới tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, việc Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật đầy quyền lực và là cánh thay phải của ông Tập trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo”, quyết định nghỉ hưu đã gây bất ngờ cho không ít nhà phân tích. Trong trường hợp Vương Kỳ Sơn tại vị, chắc chắn uy thế của ông Tập cũng như quy mô và mức độ của chiến dịch chống tham nhũng sẽ vẫn được nâng cao hơn.
Các nhà quan sát cho rằng việc ông Vương quyết định rời Bộ Chính trị cho thấy ông Tập vẫn tôn trọng quy tắc “bất thành văn” liên quan tới độ tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, bản thân Vương Kỳ Sơn cũng không muốn biến thế lực của mình trở nên quá lớn và gây cản trở quá trình tập trung quyền lực của ông Tập Cận Bình.
Người thay thế ông Vương là Triệu Lạc Tế. Là uỷ viên Thường vụ trẻ nhất trong số bảy thành viên, ông Triệu từng giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương và là một trong những cánh tay đắc lực của ông Tập gắn chặt với chiến dịch chống tham nhũng.
Trường hợp của Hàn Chính và Uông Dương được xem là ví dụ cho thấy ông Tập đã phải thoả hiệp với các phe phái khác nhau nhằm đảm bảo sự cân bằng trong cơ cấu quyền lực mới. Hàn Chính, một nhà kỹ trị đi lên từ Đoàn Phái và là cựu Bí thư Thượng Hải (vốn là trung tâm quyền lực của ông Giang Trạch Dân), được sắp xếp vào Thường vụ như là một truyền thống có từ thời Đặng Tiểu Bình.Nhân vật số ba của Thường vụ, Lật Chiến Thư, là một trường hợp nằm trong dự tính. Tên của ông xuất hiện trong hầu hết các bản danh sách dự đoán từ trước khi Đại hội 19 Đảng Cộng sản TQ (Đại hội 19) diễn ra. Là đương im Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, ông Lật là cánh tay phải của Tập Cận Bình trong nhiều vấn đề quan trọng từ ngoại giao cho tới cải cách tư pháp. Lật Chiến Thư được dự đoán sẽ là người đứng đầu Nhân Đại (hay Quốc hội TQ).
Hàn Chính được dự đoán sẽ là người đứng đầu Chính Hiệp. Uông Dương, nổi tiếng với “mô hình Quảng Đông” và là một nhà cải cách kinh tế, có thể được bố trí làm Phó thủ tướng thường trực. Tư tưởng tự do của ông sẽ giúp ông Tập tăng cường hình ảnh của chính phủ trong mắt công chúng, cũng như giúp ông Tập triển khai một số chính sách cải cách kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội quan trọng khác.
Một số bất ngờ cho giới phân tích trong việc bổ nhiệm nhân sự đó là trường hợp của Vương Hỗ Ninh, Hồ Tôn Hoa và Trần Mẫn Nhĩ. Hoàn toàn là một học giả, Vương Hỗ Ninh mặc dù không có nhiều kinh nghiệm quản lý nhưng vẫn nằm trong Bộ Chính trị khoá 18 gồm 25 thành viên và được đánh giá là chuyên gia hàng đầu TQ về lý luận và thực tiễn chính trị tại TQ hiện nay.
Là Trưởng ban Nghiên cứu chính sách Trung ương, Vương Hỗ Ninh đã để lại dấu ấn trong tất cả các nền tảng lý luận lớn của ba nhà lãnh đạo hàng đầu TQ gần đây. Một nhà tư tưởng và là một người có tính cách hướng nội, ít nói, Vương sẽ là nhân vật có thể hỗ trợ ông Tập Cận Bình trong việc tạo ra các nền tảng ý thức hệ cho các chương trình cải cách lớn của ông Tập, mà đặc biệt là các mô hình quản trị nhà nước kiểu mới cũng như định hình các bước đi cụ thể hơn cho “giấc mơ Trung Hoa”.
Hồ Tôn Hoa và Trần Mẫn Nhĩ trước Đại hội 19 vốn được đánh giá là có thể được bầu vào Thường vụ. Thậm chí có người cho rằng Trần Mẫn Nhĩ sẽ là người thay thế Chủ tịch Tập vào năm 2022. Tuy nhiên, kết quả lại cho thấy cả hai chỉ được bầu vào Bộ Chính trị chứ không được vào Thường vụ. Điều này đã thể hiện những toan tính và thoả hiệp giữa ông Tập và các phe phái khác trong Đảng: Trần Mẫn Nhĩ không nên thăng tiến quá cao và quá nhanh, đổi lại Hồ Tôn Hoa cũng sẽ không cần thiết phải bước chân vào Thường vụ nữa (Hồ Tôn Hoa được cho là thuộc Đoàn Phái và là thân tín của ông Hồ Cẩm Đào).
Tương lai chính trị TQ
Việc đưa “tư tưởng” của ông Tập Cận Bình vào trong điều lệ Đảng, ngang hàng với Mao Trạch Đông cho thấy một kỷ nguyên mới trong nền chính trị TQ đã chính thức bắt đầu. Một kỷ nguyên mà các nhà phân tích đánh giá là có khả năng có các đặc điểm tương tự như thời Mao: những ai chống đối lại lãnh đạo tối cao hoặc là sẽ phải rời khỏi chức vụ, hoặc là phải nghỉ hưu, hoặc là phải đối mặt với quá trình “thanh lọc” đầy khắc nghiệt; Đảng đưa ra một tư tưởng làm kim chỉ nam thống nhất mọi hành động và định hướng cho tương lai; và TQ bắt đầu thực hiện một “nhiệm vụ” lịch sử mà mọi người dân cần phải “trước sau như một” hoàn thành nhiệm vụ đó.
Kể từ năm 2012, “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” được cho là đã hạ bệ hơn 1,4 triệu quan chức tham nhũng, trong đó có khoảng 250 người là quan chức cấp cao. Rõ ràng là chiến dịch này đã giúp ông Tập đạt được hai mục tiêu căn bản. Thứ nhất là đảm bảo phần nào được tính chính danh của Đảng thông qua “pháp trị”, và thứ hai chính là thanh lọc những thành phần cản trở quá trình tập trung quyền lực của ông Tập.
Hai phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương đầy quyền lực bị hạ bệ, cùng với đó là Chu Dũng Khang, một cựu uỷ viên Thường vụ. Trước Đại hội 19 vài tháng, Tôn Chính Tài khi đó là Bí thư Trùng Khánh cũng đã bị bắt vì tham nhũng.
Ông Tập cũng đã nêu ra trong bài phát biểu dài ba tiếng rưỡi về những quan điểm mới của ông liên quan đến quản trị quốc gia, về chính sách đối ngoại, về xây dựng Đảng, đảm bảo công bằng xã hội, về phát triển kinh tế, và tất cả làm nền tảng đề xây dựng nên cái gọi là “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ trong kỷ nguyên mới”.
Thậm chí ông còn cho rằng tư tưởng này có thể phù hợp để các quốc gia khác học tập, trong trường hợp họ muốn tìm kiếm một sự phát triển kinh tế độc lập mà không muốn bị can thiệp bởi các thể chế tư bản công nghiệp quốc tế.
Cuối cùng, ông Tập cùng các cộng sự đặt ra một mục tiêu dài hạn 30 năm cho toàn bộ đất nước TQ, một “nhiệm vụ lịch sử”. Trong nước, mục tiêu là giải quyết sự mất cân bằng giữa phát triển và nhu cầu vật chất của người dân. Quan trọng hơn, kỷ nguyên của ông Tập sẽ xây dựng TQ trở thành một “cường quốc xã hội chủ nghĩa” hùng mạnh và đạt được “giấc mơ Trung Hoa”, biến TQ trở thành siêu cường thế giới.
Một số nhà phân tích đang phỏng đoán ông Tập sẽ tiếp tục nắm quyền thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa, trong bối cảnh người ta không thể nhận ra được một người kế nhiệm rõ ràng trong Thường vụ mới. Hoặc giả ông Tập có thực sự chuyển giao quyền lực đi chăng nữa, thì khả năng ông sẽ nắm thực quyền đằng sau hậu trường ngay cả khi về hưu (như trường hợp của ông Đặng Tiểu Bình) vẫn là rất cao.
Một hệ thống chính trị vốn tập trung quyền lực ở mức độ cao, được định hướng bởi tư tưởng, đặt dưới sự kiểm soát của một lãnh đạo mạnh mẽ, lôi cuốn nhưng cũng đầy quyền lực, hoàn toàn có thể dẫn tới những rủi ro khó lường.
Đó là bởi, một hệ thống chính trị như thế thường không cho phép các tư tưởng đối nghịch xuất hiện (Tập Cận Bình đã chỉ trích tư tưởng phương Tây kịch liệt), có khả năng bành trướng quân sự không kiểm soát (sự trỗi dậy của nhóm các sĩ quan trẻ với quan điểm dân tộc chủ nghĩa), dập tắt và kiểm soát tư tưởng xã hội và góp phần hình thành các liên minh quốc tế đối lập nhằm chống lại sức mạnh ngày càng gia tăng của bản thân.
Kỷ nguyên mới của ông Tập Cận Bình đặt TQ trước một ngã ba đường. Liệu TQ có trở thành một đất nước tự tin và mang tính xây dựng, có khả năng giải quyết các vấn đề của bản thân và đóng góp tích cực cho thế giới, hay trở thành một TQ hung hăng?

Nguyễn Thế Phương

Nhóm ‘cá mập’ nào âm mưu ‘nuốt’ Vạn Thịnh Phát và cựu bí thư Lê Thanh Hải?

Ngày 27/10/2017, một số tờ báo nhà nước bất chợt đăng tin lạ: “Bà Trương Mỹ Lan và 9 người nhà rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam”.
Theo tin trên, vào giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng 9 người trong gia đình bà là Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát và Lâm Thị Hoà đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Những cá nhân này đã được trả hồ sơ vào tháng 6/2015, nhưng đều không nêu lý do khi nộp đơn xin rút hồ sơ.
Rất đáng chú ý, bản tin trên lại kèm theo một nội dung được trích từ văn bản pháp quy dưới đây mà chỉ áp dụng đối với những trường hợp bị xem là phạm tội:
“Khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định: Người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;
b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;
d) Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;
đ) Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.
Khoản 3 Điều này quy định: Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam”.
Một chi tiết đáng mổ xẻ khác là mặc dù cơ quan chức năng (có thể là Bộ Tư pháp) đã trả hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam cho bà Trương Mỹ Lan và 9 người trong gia đình bà từ tháng 6/2015, nhưng đến tận bây giờ báo chí nhà nước mới đưa tin, để ngay lập tức tin tức này trở thành “hot”.
Trong thực tế, Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những công ty gia đình lớn và bí ẩn nhất Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Trương Mỹ Lan. Tập đoàn này hiện có vốn điều lệ tới 12.800 tỷ đồng, cao hơn cả Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (9.300 tỷ đồng) và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức với mức lần lượt là 7.200 tỷ đồng.
Chỉ riêng tại 2 công ty Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6.700 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lan có thể coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam, tương đương với ông Dương Công Minh – chủ tịch tập đoàn Him Lam hay bà Lê Thị Thúy Ngà – chủ tịch tập đoàn Nam Cường.
Nhưng cái tên Vạn Thịnh Phát và bà chủ Trương Mỹ Lan lại khá bí ẩn khi thông tin cá nhân rất hiếm hoi được tiết lộ với giới truyền thông.
Cái tên Vạn Thịnh Phát thực sự được chú ý khi tại phiên xét xử bị cáo Dương Tự Trọng ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ Giao thông vận tải) khai nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.
Sau đó, bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết mang tính móc xích về mối quan hệ “đặc biệt” giữa bà Trương Mỹ Lan với ông Lê Thanh Hải – Bí thư thành ủy TP.HCM từ năm 2015 trở về trước. Nhiều dư luận cho rằng nhờ có sự “bảo kê” của Bí thư Hải mà Vạn Thịnh Phát đã giành được nhiều khu đất vàng để kinh doanh bất động sản, mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn này
Rất có thể không bao lâu nữa, một thế lực chính trị và tài phiệt nào đó sẽ hất cẳng Vạn Thịnh Phát, và do đó hất cẳng cả cựu bí thư Lê Thanh Hải theo cách “của thiên trả địa”.
Sau đại hội 12, ông Lê Thanh Hải bị loại khỏi Bộ chính trị, không còn giữ chức bí thư thành ủy TP.HCM và coi như “hạ cánh”. Ông Hải cũng bị một số dư luận đồn đoán là “một trong những người tham nhũng và giàu nhất Việt Nam”.
Từ đầu tháng 8/2016 đã bắt đầu tăng cường những dấu hiệu tấn công vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương. Một trong số những bài viết trên báo nhà nước mang tựa đề “Đại gia Trương Mỹ Lan và ‘đế chế’ Vạn Thịnh Phát đang toan tính gì?”, cho rằng “Thâu tóm hàng loạt siêu dự án rồi để “trùm mền”, động cơ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên thị trường địa ốc TP.HCM đang là một ẩn số vô cùng bí hiểm”, với những thông tin như:
“Khởi đầu là việc thâu tóm Trung tâm thương mại Vincom A (nay được đổi tên thành Union Square) hồi tháng 6.2013, Vạn Thịnh Phát được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của ngân hàng Sài Gòn (SCB) và tập đoàn VIPD – đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại dự án trên… Nhưng 2 năm qua toàn bộ tầng trệt và các tầng hầm đều bị “phong tỏa” với biển thông báo đang sửa chữa và sẽ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất…
Dự án khác là Thuận Kiều Plaza sắp khai trương sau gần 20 năm “chết đứng”. Tòa nhà này đã được Công ty CP đầu tư An Đông – thành viên của tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại vào năm 2015. Khi đó, có thông tin Vạn Thịnh Phát chỉ lấy đất, đập lại xây mới nhưng đến nay chủ đầu tư mới chỉ sơn phết lại 3 tòa tháp từ màu hồng trắng sang màu xanh lá cây, sửa chữa lại phần trung tâm thương mại bên dưới và đổi tên dự án từ Thuận Kiều Plaza thành The Garden Mall…”.
Khó mà nghi ngờ rằng bản tin “Bà Trương Mỹ Lan và 9 người nhà rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam” không có “mùi”. Đó là một thứ mùi rất đặc trưng của thời đại: sau đại hội 12, những nhóm quyền lực và lợi ích mới nổi lên để thay thế và tìm cách “nuốt” những nhóm quyền lực và lợi ích cũ, đặc biệt từ giữa năm 2016 khi chiến dịch “chống tham nhũng” được Tổng bí thư Trọng tung ra đã bị không ít kẻ lợi dụng như một bình phong để bắt những kẻ khác phải “ói” ra
Từ cuối năm 2015 và trước đại hội 12, đã có tin Lê Thanh Hải và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan nằm trong danh sách “bị thịt”.
Ngày càng hiện rõ triển vọng trong thời gian không bao lâu nữa, một thế lực chính trị và tài phiệt nào đó sẽ hất cẳng Vạn Thịnh Phát, và do đó hất cẳng cả cựu bí thư Lê Thanh Hải theo cách “của thiên trả địa”.
Đó cũng là cách mà những con cá mập ở Việt Nam vẫn hàng ngày đớp nuốt lẫn nhau, sau khi đã thỏa thuê dạ dày xương thịt của dân chúng.
Thiền Lâm/(Cali Today news)

"Củi tươi" Phạm Bình Minh đã vào lò ?

Việc phó Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng ngoại giao, Ủy viên bộ chính trị Phạm Bình Minh "bị phân công" đọc tờ trình về công tác dân số trước đại hội đảng 6 và giờ phải kiêm thêm mảng kiểm tra đê điều là điều bất thường nhưng không có gì lạ. Bởi lẽ giống như người cha Nguyễn Cơ Thạch, ông Minh chưa bao giờ muốn xích lại với Trung Quốc
Còn nhớ tại hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN đầu tháng 8 năm 2017, chính ông Minh đại diện cho Việt Nam đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á có một lập trường mạnh mẽ hơn về sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Lãnh đạo ngoại giao cao nhất của Việt Nam đã cố gắng vận động để bổ sung ngôn ngữ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong thông cáo chung của ASEAN và khiến cho hội nghị ngoại trưởng Asean đã không thể đưa ra được thông cáo cuối cùng. Thái độ cứng rắn hiếm thấy của Việt Nam từ thời Nguyễn Phú Trọng tái cử đến nay chủ yếu xuất phát từ việc Trung Quốc vừa buộc được Việt Nam phải tạm ngưng khoan thăm dò tại lô 136/03 trên Biển Đông ngay trước thềm hội nghị ngoại trưởng Asean. Sự rút lui này khiến cho Việt Nam, mà nói thẳng ra là ĐCS VN, hết sức nhục nhã vì vừa mất tiền lại mất cả danh dự.
Trước lập trường cứng rắn của Việt Nam tại hội nghị ngoại trưởng Asean ở Manila, phía Trung Quốc đã tỏ thái độ bực tức mà bức ảnh về cái bắt tay thể hiện sự đối nghịch, thậm chí là có tý “bề trên”, của Phạm Bình Minh với người đồng nhiệm Vương Nghị đã nói lên tất cả. Kể từ đó, cái tên Phạm Bình Minh đã trở thành cái gai trong mắt của Bắc Kinh.
Nếu cuộc gặp Vương Nghị – Phạm Bình Minh thể hiện sự đối địch thì trong cuộc gặp ngay sau đó giữa Phạm Bình Minh và Rex Tillerson, người ta có thể cảm nhận một bầu không khí thân thiện được thể hiện rõ nét qua nụ cười tươi rói của ngoại trưởng Mỹ.
Kể từ đó, việc phải nhổ bằng được cái gai Phạm Bình Minh đã trở thành mệnh lệnh được giới lãnh đạo Bắc Kinh đưa ra.
Tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cuối tháng 9/2017, người ta không thấy bóng dáng của ông Minh cho dù hội nghị này có sự tham dự của nhiều đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế. Thay vào đó, là ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 2 phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Vương Đình Huệ vốn không có kinh nghiệm gì về ngoại giao. Thậm chí, bên lề hội nghị này, người gặp gỡ đại diện sứ quán Đức để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao bắt cóc Trịnh Xuân Thanh lại là ông Vương Đình Huệ – một cựu Bộ trưởng tài chính, trưởng ban nội chính trung ương chả hề có chút chuyên môn hay kinh nghiệm ngoại giao gì. Đấy là chưa kể, ông này còn không hề biết gì về ngoại ngữ để có thể trình bày hay đàm phán với phía bạn.
Cũng giống hạ bệ Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh hay Phạm Trường Long, người anh cả ngồi ở Bắc Kinh đã ra lệnh cho đàn em Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội thực hiện ý đồ của mình.
Và mệnh lệnh của cấp trên đã được cấp dưới thực hiện triệt để. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 hôm 11/10 vừa qua, đích thân ông Trọng dõng dạc tuyên bố “kết thúc hoạt động của các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ ngoại giao”.
Điều đó tức là trong thời gian tới, đảng bộ của Bộ Ngoại giao và Đảng bộ của các cơ sở ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài sẽ có sự sắp xếp lại. Những người thân cận và được Phạm Bình Minh tin dùng trong những năm qua sẽ phải ra đi để nhường ghế cho những nhân vật gần gũi với Trọng, Phúc và tay chân.
Như vậy là sau khi nhổ bật 2 cái gai Đinh La Thăng và Nguyễn Xuân Anh ra khỏi 2 thành phố lớn nhất Việt Nam (trừ thủ đô Hà Nội), Trung Quốc tiếp tục thọc bàn tay lông lá vào những chỗ mà trước kia là bất khả xâm phạm đối với họ.
Một khi chính thể được nắm giữ bởi một kẻ vì quyền lực của mình mà bất chấp tất cả thì bất kể ai ở vị trí công tác nào cũng chỉ bị coi là củi cho chiếc lò tham tàn Ma De In Chi Na mà thôi.

Đất Mới/(Chân Trời Mới)

25 tháng 10, 2017

Tham kiến về đề nghị thành lập “Viện đạo đức học” cho cán bộ

Thiện Tùng
Sáng ngày 18/10/2017, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên Giáo Trung ương tổ chức cuộc hội thảo khoa học về “Sửa đổi lối làm việc – những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tại hội thảo nầy, phó giáo sư Nguyễn Trọng Phúc đưa ra đề nghị thành lập “Viện đạo đức học” dành cho cán bộ đảng viên (1).
Cán bộ đảng viên thất đức ngày một nhiều, điều nầy ai cũng biết. Việc Trung ương định mở “Viện đạo đức học” để nâng tính người cho những kẻ thất đức đó là điều mới lạ, ngoài sức tưởng tượng của mọi người.
Vì chưa biết Viện dùng “bùa phép” gì để có thể cảm hóa số người thất đức đó, trong phạm vi bài viết nầy, người viết chỉ nói lên những cảm nghĩ của mình nhầm góp phần xem nên hay không thành lập “Viện đạo đức học” dành riêng cho cán bộ đảng viên.
Con người cũng chỉ là một dạng động vật, nếu không được giáo dục về đạo đức, nhân cách,…thì chẳng khác chi những loài động vật hoang giả khác. Nhưng có điều, người ta “uốn măng” chớ không ai “uốn tre”. Khi tre định hình rồi, cố uốn nó sẽ gãy.
Những đứa trẻ khi lọt lòng đã được cha mẹ chúng chỉ dẫn sơ đẳng tính cách con người, khi lớn lên vào trường, ngoài học các môn khoa học khác, nhà trường lấy môn “Công dân giáo dục” dạy dỗ đạo đức, nhân cách nhầm tăng tính “người” cho mỗi cá nhân. Tính người nhiều hay ít trong mỗi cá nhân hoàn toàn tùy thuộc vào sự tiếp thu, rèn luyện qua những bước giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội để thành nhơn . Hai chữ “Thành nhơn” là nói về đức tài chớ không phải nói về thể xác.
Muốn có một đất nước, một xã hội tiến bộ, văn minh, phải chọn ra những người tài đức nổi trội trong cộng đồng (chớ không phải chỉ trong phe nhóm, đảng phái) bổ nhiệm vào những chức danh lãnh đạo từ thấp đến cao.
Ở Việt Nam ta đã và đang áp dụng phương thức “đảng chọn, dân bầu”. Đảng chỉ chọn trong khoảng hơn 4 triệu thành viên của mình vào hầu hết các chức vị lãnh đạo từ thấp đến cao. Tệ hại hơn, ngoài phân biệt vùng miền, còn nạn gia đình, gia tộc trị. Từ đó, đội ngũ lãnh đạo phần lớn bất tài, thất đức, thiếu tính người, họ đã như những cây tre khô, dầu có mở “Viện đạo đức học” cũng không uốn được họ đâu, thuộc bản chất cố hữu rồi, chỉ có loại bỏ, đừng ở đó mơ tưởng, đào luyện thêm hoang phí.
Mở “Viện đạo đức học” các vị định đưa nôi dung chương trình gì vào đó để giáo huấn cán bộ đảng viên?. Đã tốn biết bao công sức, tiền của cho công trình học tập mọi mặt về Hồ Chí Minh mà có kết quả gì đâu. Cụ Hồ tóm gọn đạo đức, nhân cách con người chỉ gói gọn trong mấy chữ: “Cần, kiệm, liêm, chình, chí công vô tư” mà họ có hiểu, có làm được gì đâu, chỉ toàn là phá hại. Đối với họ, giá trị tinh thần chẳng là gì cả, giá trị vật chất mới quan trong. Thời xưa, con người chỉ ăn lương thực, thực phẩm; ngày nay, ăn phong phú hợn nhiều, họ ăn cà cát, đá, xi-măng, sắt thép, cả khi hút cầu vệ sinh cũng ăn. Ăn tạp, đi xe hơi, ở nhà lầu có máy lạnh riết ú na ú nần hết rồi đó không thấy sao?. Rao giảng về đạo đức đối với họ khác nào đàn khải tai trâu.
minh họa
Đảng như một cơ thể, đảng viên như những tế bào. Tế bào thoái hóa, biến chật ngày càng nhiều, càng lan rộng, cơ thể rơi vào bịnh nan y, đang sống dở chết dở. Chính vì thế, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phải bi quan nhận xét về đảng của mình: “Không còn con đường lùi, nhưng chưa biết tiến đi đâu!”.
Hiện nay, đảng viên đương quyền xấu nhiều hơn tốt. Số xấu đã kết thành bè cánh, loạn sứ quân, muốn chống lại “triều đình”. Dầu dùng “lò bát quái” dọa chúng cũng chẳng sợ hà hống “lò củi”. Có lẽ, không còn cách nào khác, dùng bàn tay sắt không được phải dùng bàn tay nhung: đưa số cán bộ xấu vào “Viện đạo đức học” tập cho họ ăn chay niệm phật, tu tâm dưỡng tính; bổ xung cho họ có thêm tính người để sử dụng lại, loại hết lấy ai “lo việc nước”.
Là một công dân, xét về lý, người viết xin nói thẳng: Nếu Đảng CSVN muốn mở “Viện đạo đức học” để giáo dục đạo đức cho đảng viên của mình thành người tử tế thì hãy lấy kinh phí riêng của Đảng mà chi, không được lấy kinh phí quốc gia do dân đóng góp.

Kết thúc Đại hội 19, Trung Quốc bước vào ‘kỷ nguyên mới’

Tác giả: Ngụy An
Đại hội Đảng Cộng sản đã chính thức thông qua việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào điều lệ đảng, đồng thời bầu ra bộ máy lãnh đạo mới chèo lái Trung Quốc trong 5 năm tới.
KD: Sẽ là một thời kỳ “khốn khổ” của QG nào đây???
————————
Phiên bế mạc Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) được tiến hành vào sáng nay, bầu ra Ban chấp hành trung ương và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) mới. Trong ảnh, dưới ánh mặt trời lên rạng sáng 24/10, người lính của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đứng gác tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, nơi diễn ra phiên bế mạc Đại hội.
Người dân Bắc Kinh chụp ảnh tại lễ kéo cờ ở quảng trường Thiên An Môn vào sáng sớm ngày 24/10. Hơn 3.000 nhà báo đã tới đưa tin về Đại hội lần thứ 19 CPC, trong số đó có 1.818 nhà báo hải ngoại, bao gồm từ các đặc khu Hong Kong, Macao và đảo Đài Loan. Các phóng viên nước ngoài tới từ 134 quốc gia, tăng 19,6% so với kỳ đại hội trước. Ảnh: Getty.
Các binh sĩ quân đội Trung Quốc diễu hành qua Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh trước giờ bế mạc. Đại hội lần thứ 19 CPC diễn ra trong giai đoạn quyết định khi Trung Quốc đang xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện và chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: Reuters.
Tham dự phiên bế mạc Đại hội 19 có lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc, hơn 2.300 đại biểu đại diện cho hơn 89 triệu đảng viên và 4,5 triệu tổ chức Đảng cơ sở. Ảnh: Getty.
Chủ đề của Đại hội lần này là: “Không quên khởi đầu, ghi nhớ sứ mệnh, giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, quyết tâm xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, giành được thắng lợi vĩ đại từ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, không ngừng phấn đấu thực hiện giấc mơ phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại”. Ảnh: Getty.
Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì lễ bế mạc. Sau khi bỏ phiếu, Chủ tịch Tập tuyên bố: Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã bầu ra Ban chấp hành trung ương khóa 19 gồm 205 ủy viên và Ủy ban Giám sát Kỷ luật trung ương. Ngoài ông Tập Cận Bình, một số nhân vật nổi bật như Vương Hỗ Ninh, Lưu Kỳ Bảo, Hứa Kỳ Lượng, Tôn Xuân Lan, Lý Khắc Cường, Uông Dương, Trương Xuân Hiền, Triệu Lạc Tế, Hồ Xuân Hoa, Lật Chiến Thư và Hàn Chính cũng được bầu vào Ban chấp hành trung ương khóa 19. Ảnh: Getty.
Theo kế hoạch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bầu Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Trung Quốc trong phiên họp toàn thể đầu tiên ngày 25/10. Ảnh: Getty.
Tại phiên bế mạc, các đại biểu cũng thông qua các nghị quyết báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Ảnh: Reuters.
Theo Tân Hoa Xã, các đại biểu đã bỏ phiếu về sửa đổi điều lệ đảng, chính thức đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào bản điều lệ. Học thuyết mới được gọi “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”, được ông Tập nêu ra trong báo cáo chính trị đọc tại khai mạc đại hội đảng cách đây gần một tuần. Ảnh: Reuters.
Kể từ thời Mao Trạch Đông, người sáng lập ra đất nước Trung Quốc hiện đại, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo đương quyền có hệ tư tưởng được ghi nhận và nêu tên chính thức trong điều lệ đảng. Ngoài “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc còn ghi nhận cả “Lý luận Đặng Tiểu Bình”. Đặng Tiểu Bình chỉ được thêm tên vào điều lệ sau khi ông mất vào năm 1997. Tư tưởng mới của ông Tập sẽ là kim chỉ nam cho đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian tới. Ảnh: Reuters.
“Kỷ nguyên mới” của Trung Quốc là chủ đề chính xuyên suốt báo cáo chính trị được ông Tập Cận Bình đọc tại khai mạc Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hôm 18/10. Trong bài phát biểu, ông Tập 26 lần miêu tả Trung Quốc bằng những từ như “siêu cường” hoặc “cường quốc”. Đây là bước tiến dài kể từ thời mà các lãnh đạo Trung Quốc còn gọi đất nước họ là nước nghèo và đóng vai trò khiêm tốn trên trường quốc tế. Trong ảnh, toàn thể đại biểu đứng lên thực hiện nghi lễ chào cờ, hát quốc ca trong lễ bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Ảnh: Reuters.
Các đại biểu rời Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh sáng 24/10. Bộ máy lãnh đạo do Đại hội thứ 19 của Đảng Cộng sản bầu ra sẽ chèo lái đất nước và quyết định vận mệnh của Trung Quốc trong 5 năm tới. Ảnh: Getty.

“Căn Tính Dân Tộc” và sự “Ăn Mày Dĩ Vãng” đã và đang đưa Việt Nam vào Ngõ Cụt

Tác giả: Nguyễn Trọng Bình (theo Viet-studies)
Chúng ta – những người Việt hôm nay có thể đang coi thường, dè bỉu khinh khi sự độc tài của họ Tập. Thế nhưng, nhìn một cách tổng thể, ở giác độ văn hóa, dù sao dân tộc họ vẫn có bề dày và “kinh nghiệm” hơn dân tộc chúng ta. Và điều quan trọng hơn, một khi xác lập “tư tưởng Tập Cận Bình” ít nhiều đã cho thấy, tuy giống nhau về thể chế và ý thức hệ, nhưng về nhận thức có thể khẳng định các lãnh đạo ĐCS Trung Quốc “cởi mở”, “linh hoạt”, “uyển chuyển” và “đa nguyên” chứ không bảo thủ, giáo điều và nhất là chỉ biết “ăn mày quá khứ”.
TG: Nguyễn Trọng Bình là một giảng viên đại học tuổi còn khá trẻ. Đây là bài viết mang quan điểm riêng của tác giả. Dù vậy, chủ Blog xin được biên tập một vài câu chữ, cho phù hợp tinh thần Blog
.Title bài, xin rút lại cho ngắn gọn
————
Trông người mà ngẫm đến ta
Những ngày này, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông là những thông tin và hình ảnh về Đại hội lần thứ 19 của ĐCS Trung Quốc. Tâm điểm của sự kiện này chủ yếu tập trung vào một nhân vật duy nhất là Tập Cận Bình với “giấc mộng Trung Hoa” mà ông ta đã công khai với thần dân mình cũng như toàn thế giới.
Báo Tuổi trẻ – tờ báo hàng đầu của nước Việt hiện nay – số ra ngày 19/10 đã kịp thời chuyển tải đến người dân cả nước sự kiện trên bằng một bài viết rất kỳ công và trang trọng: “Khoảnh khắc ấn tượng trong đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc”.
Một tờ báo lớn khác là Thanh niên cũng chạy tít: “Trung Quốc xác lập tư tưởng Tập Cận Bình”.
Nhưng có lẽ nhanh nhảu và dày đặt nhất là báo điện tử Vnexpress với hàng loạt bài tường thuật và bình luận như: “5 thế hệ lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung quốc”;”5 điểm nhấn trong bài phát biểu mở ra kỷ nguyên mới của ông Tập”, “Trung Quốc với tham vọng trở thành cường quốc hàng đầu năm 2050”; “Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ mô hình thành công với các nước”…
Trông người mà ngẫm đến ta. Nếu lấy thời điểm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc vào năm 1991 với phương châm “16 chữ vàng” (“Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan” ) có thể khẳng định, cho đến hôm nay, 4 chữ “vận mệnh tương quan” là hoàn toàn phi thực tế đối với Việt Nam. Vì lẽ, trong khi Trung Quốc của họ Tập đang trên đường trở thành bá chủ toàn cầu và cao giọng hứa hẹn “chia sẻ mô hình phát triển” của mình thì Việt Nam vẫn là một quốc gia “không chịu phát triển”. Và hiện tại, tuy vẫn đang quay cuồng với chuyện “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nhưng miệng vẫn không thôi chém gió và hoang tưởng: hết “quốc gia khởi nghiệp” lại đến “cách mạng công nghiệp 4.0”…?
Hãy tự thức tỉnh
Có lẽ, có không ít người Việt đang cảm thấy rất “dị ứng” và khó chịu trước sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại. Tuy vậy, nếu chúng ta dũng cảm gạt bỏ cái tâm lý tự hào, tự tôn dân tộc quá đà; bình tâm suy ngẫm lại mọi thứ trên tinh thần “biết người biết ta”, tôi nghĩ dù muốn dù không cũng phải thừa nhận họ – dân tộc Trung Hoa đã và đang hơn chúng ta – dân tộc Việt Nam hôm nay một “cái đầu”. Sự thành công của họ hôm nay âu cũng là điều tất yếu, không quá khó để lý giải.
Nói cách khác, chúng ta có thể không ưa Tập Cận Bình vì “tư tưởng” cùng “giấc mộng Trung Hoa” mà ông ta đang thiết kế và theo đuổi. Nhưng trước khi tỏ thái độ ấy, có lẽ mỗi người Việt hãy tự nhìn lại tầm vóc và tư duy của dân tộc mình; hãy biết xấu hổ về những hạn chế và yếu kém của dân tộc mình thay vì cứ suốt ngày véo von, réo rắt tự hào về vô số những truyền thống “tốt đẹp”, “hào hùng” gì đó trong quá khứ (nhất là cái truyền thống “đánh Pháp, đuổi Mỹ”).
Dù sao thì dân tộc họ cũng có “tư tưởng” và “giấc mơ” (ít ra là theo quan điểm và tinh thần của các lãnh đạo ĐCS và truyền thống của dân tộc họ) để nuôi dưỡng và đeo đuổi. Các lãnh đạo của họ, trong từng giai đoạn và bối cảnh cụ thể đều có sách lược, chiến lược phù hợp nhằm từng bước hiện thực hóa “giấc mơ” ấy.
Còn dân tộc chúng ta, tôi tự hỏi: lâu nay người Việt có “tư tưởng” gì không? Và hiện nay, chúng ta đang “ước mơ” gì?
Xin mạo muội và bạo gan trả lời luôn vậy. Nói cho cùng, dân tộc chúng ta cho đến hôm nay chẳng có một “tư tưởng” gì cả (hay nói chính xác hơn là cũng có nhưng là mớ lý thuyết pha trộn Ta – Tàu – Tây rất tù mù và rối rắm). Cũng như cả dân tộc hiện nay chẳng có một “giấc mơ” to tát nào; và dĩ nhiên các lãnh đạo cấp cao của ĐCS VN trong từng giai đoạn cũng chẳng có một sách lược, chiến lược gì hay ho để xây dựng và phát triển đất nước.
Nếu như thời cổ đại, người Trung Quốc có các “ông Tử”; sau đó cũng giống như ta, họ cũng “cung thỉnh” hai vị Mác-Lê về kết hợp với “tư tưởng” của Mao Trạch Đông. Nhưng tiếp theo Mao là Đặng Tiểu Bình, sau Đặng là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và bây giờ là “tư tưởng” của Tập Cận Bình.
Trong khi đó, dân tộc chúng ta, trước đây thì “xài ké” các “ông Tử” của họ; sau đó và cho đến nay thì chỉ có mỗi “giấc mơ” (giải phóng dân tộc thống nhất đất nước để “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”) và “tư tưởng” của Hồ Chí Minh trên nền tảng học thuyết của một ông ở Tây Âu (C. Mác) và một ông ở Đông Âu (Lênin). (Và nói cho đúng thì phải chăng chỉ có học thuyết triết học của Mác-Ănghen thôi chứ làm gì có “triết học” hay “Chủ nghĩa Mác-Lênin” )
Nói khác đi, nhìn lại vai trò dẫn dắt dân tộc và đất nước của các lãnh đạo ĐCS VN trong quá khứ lẫn hiện tại, kể từ sau Hồ Chí Minh, chúng ta chưa từng nghe nói đến “tư tưởng” hay “ước mơ” của bất kỳ một lãnh đạo ĐCS nào khác.
Con hơn cha là là có phúc. Trò hơn thầy là đại phước của quốc gia. Sau đại hội lần này, “tư tưởng và tầm nhìn mới” của Tập Cận Bình chắc chắn sẽ được đưa vào điều lệ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nghĩa là sẽ được “đặt” ngang hàng với “tư tưởng” của Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình – những vị tiền bối của Tập trước đó.
Chúng ta – những người Việt hôm nay có thể đang coi thường, dè bĩu khinh khi sự độc tài của họ Tập. Thế nhưng, nhìn một cách tổng thể, ở giác độ văn hóa, dù sao dân tộc họ vẫn có bề dày và “kinh nghiệm” hơn dân tộc chúng ta. Và điều quan trọng hơn, một khi xác lập “tư tưởng Tập Cận Bình” ít nhiều đã cho thấy, tuy giống nhau về thể chế và ý thức hệ, nhưng về nhận thức có thể khẳng định các lãnh đạo ĐCS Trung Quốc “cởi mở”, “linh hoạt”, “uyển chuyển” và “đa nguyên” chứ không bảo thủ, giáo điều và nhất là chỉ biết “ăn mày quá khứ”.
Tương lai của một dân tộc, một quốc gia đúng ra phải được nhìn nhận và thiết kế từ tất cả những phương diện, những vấn đề nẩy sinh trong đời sống ở thời điểm hiện tại (cho dù hiện tại là một đống hoang tàn, đổ nát đi nữa nhưng nếu nhận thức đúng đắn về nó thì vẫn quan trọng và có ích hơn là tránh né hoặc tô hồng) chứ không phải từ ánh hào quang của thời quá khứ xa xôi, không bao giờ tìm lại được.
Ấy vậy mà, kể từ sau ngày 02/09/1969 đến nay, nhìn vào “tầm vóc” lẫn thần thái của các lãnh đạo nước nhà thấy chẳng có gương mặt nào để cho dân chúng có thể hãnh diện trên trường quốc tế. Xã hội và thế giới vốn luôn vận động và biến đổi không ngừng, vậy mà các thế hệ cháu con chỉ dám rụt rè (hay giả vờ khiêm tốn) an phận “học trò xuất sắc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” thì hỏi sao đất nước này muôn đời không bao giờ “sánh vai được với các cường quốc năm châu”?
Người tài giữ Đảng và xây dựng đất nước – thêm một điểm khác biệt
Một quốc gia, một dân tộc có phát triển và hưng thịnh hay không, điều quan trọng và trước hết phụ thuộc vào tầng lớp lãnh đạo chóp bu (là người như thế nào; có tài thao lược gì để dẫn dắt dân tộc?). Nói “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” cũng là vì thế.
Có không ít ý kiến cho rằng “trong lòng” Trung Quốc hiện nay cũng đang đầy dẫy những bất ổn. Điều này là không sai nhưng suy cho cùng quốc gia nào mà không vướng phải những vấn đề nọ kia. Và có lẽ, không đợi tới người ngoài nói, Tập Cận Bình hẳn nhiên thừa biết trong lòng Trung Quốc cũng có những người chống ông và chống ĐCS Trung Quốc. Nhưng có hề gì, với đảng của mình đương nhiên ông ta phải củng cố và bảo vệ nhưng điều quan trọng hơn là việc Trung Quốc phát triển và trở thành bá chủ thế giới chính là câu trả lời quan trọng nhất của ông dành cho những người không ủng hộ mình.
Và thực tế đã cho thấy điều đó. Vị thế và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Trung Quốc hiện nay trên trường quốc tế ở cả hai phương diện: “quyền lực cứng” (kinh tế, quân sự…) lẫn “quyền lực mềm” (chính trị, văn hóa,…) là không còn bàn cãi.
Đây chính là cơ sở quan trọng để họ Tập mạnh miệng tuyên bố trở thành “siêu cường quốc” vào năm 2050. Không những vậy, đó còn là một mô hình “chủ nghĩa xã hội đặc sắc”kiểu Trung Quốc!? Riêng về phương diện chủ quyền quốc gia, ông Tập không ngần ngại gửi thông điệp ngầm đến tất cả các bên liên quan (đương nhiên là có Việt Nam chúng ta) theo luận điệu bá quyền thường thấy là: ” sẽ không dung thứ cho bất cứ ai, bằng cách nào, vào thời điểm nào, muốn tách một tấc đất ra khỏi Trung Quốc”.
Nói điều này để thấy rằng, hơn ai hết họ Tập cùng tập đoàn chính trị của ông ta, hiểu rất rõ những vấn đề thuộc về nội tình Trung Quốc trong bối cảnh chung của thế giới khi xây dựng “giấc mơ” của dân tộc mình trong tương lai.
Qua đây có thể thấy, các lãnh đạo ĐCS Trung Quốc ngoài việc lo giữ Đảng của mình thì vấn đề xây dựng và phát triển nhằm đưa đất nước Trung Quốc trở thành siêu cường thế giới là mục tiêu lớn nhất của họ. Vậy nên, việc chọn “người tài” để kế vị của họ bao giờ cũng chú trọng cùng lúc hai mục tiêu này. Phải chăng đây cũng chính là ưu điểm và là sự khác biệt lớn nhất so với các lãnh đạo ở Việt Nam (kể từ sau khi nước nhà thống nhất cho đến nay).
Hay nói khác đi, lâu nay, ĐCS VN chỉ lo tìm “người tài” để giữ Đảng thôi chứ người tài để xây dựng và phát triển đất nước thì chẳng màng quan tâm.
Có lẽ trong hoàn cảnh hiện nay, nếu chỉ tìm người tài để xây dựng và phát triển đất nước thì chắc chắn sẽ không thiếu nhưng để tìm người có cái “lý lịch ba đời trong sáng như gương” để chủ yếu lo giữ Đảng, giữ chế độ thì chuyện phải cân nhắc, nâng lên hạ xuống âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng điều này lại chính là bi kịch của dân tộc nếu nhìn về tương lai. Nói như lời của cố Tiến Sĩ Alan Phan năm nào là: “đã ngu, đã nghèo mà còn “kiên định lập trường” ấy nữa thì vô phương cứu chữa.
Thay lời kết
Tóm lại, chúng ta có thể không ưa một Trung Quốc bá quyền, không ưa một Tập Cận Bình vì cái luận điệu và tâm lý nước lớn của ông ta hôm nay nhưng nếu chỉ có thế và nhất là không tự nhìn lại những yếu kém của dân tộc mình để mà phấn đấu và từng bước thay đổi hiện trạng thì chỉ càng cho thấy rõ cái tâm lý ghen ghét, đố kỵ của chúng ta trước sự thành công của người khác mà thôi.
Một dân tộc sống không “tư tưởng” và ước mơ nhưng lúc nào cũng dè bĩu, coi thường tư tưởng và ước mơ của dân tộc khác chắc chắn không phải là một dân tộc lớn (trưởng thành) và đáng để người khác nể trọng.
Ngược lại, một dân tộc nếu chỉ biết ngồi nhìn và thán phục; chỉ biết tung hô và xem người khác như một “hình mẫu” hay “thần tượng” rồi rập khuôn, bắt chước và theo đuôi thì càng tệ hại hơn nữa. Đó không chỉ là đang tự thừa nhận sự yếu kém của bản thân mà trên hết là thái độ nhu nhược, hèn kém và vong bản.

———
Tham khảo:
[1]: “Khoảnh khắc ấn tượng trong đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc”. Xem tại:http://tuoitre.vn/khoanh-khac-an-tuong-trong-dai-hoi-dang-lan-thu-19-cua-trung-quoc-20171019150344415.htm
[2]: “Trung Quốc xác lập tư tưởng Tập Cận Bình”. http://thanhnien.vn/the-gioi/trung-quoc-gioi-thieu-tu-tuong-tap-can-binh-857819.html
[3]: “5 thế hệ lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc”. Xem tại: https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/5-the-he-lanh-dao-cua-dang-cong-san-trung-quoc-3656091.html
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-10-17

Trang