LÊ NGUYỄN
Trong lịch sử nước ta, thời Hậu Lê là thời kỳ đặc biệt nhất, với mô hình triều đình có cả vua lẫn chúa. Vua Lê chỉ ngồi làm vì, quyền hành gồm thâu hết trong tay chúa Trịnh. Cũng vì thế mà chính quyền thời Lê-Trịnh mang một hình thái khác với thể chế của các triều vua trước (và sau này), làm phát sinh thêm một tầng lớp quan lại mới, với những chức danh được biết đến lần đầu tiên trong quan chế thời quân chủ.
***
Nhà Lê trị vì được 360 năm (1428-1788), trong hai thời kỳ rõ rệt: một thời kỳ ổn định và phát triển kéo dài gần 80 năm, từ triều vua Lê Thái tổ (1428-1433) đến hết triều vua Lê Hiến tông (1497-1504) và một thời kỳ nhiều biến động, trong đó các vua Lê là nạn nhân của những âm mưu thoán đoạt hoặc ngồi làm vì, cay đắng nhìn cảnh lộng quyền của chúa Trịnh cùng các quyền thần. Thời kỳ thứ hai đánh dấu một sự kiện nổi bật, đó là tình trạng tương tranh giữa họ Trịnh ở Đàng Ngoài và họ Nguyễn ở Đàng Trong kéo dài gần 200 năm, từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 18, kìm hãm đáng kể đà phát triển của đất nước.
Tại Đàng Ngoài, sau khi kế tục sự nghiệp của cha là Lạng Quốc công Trịnh Kiểm và tiêu diệt xong họ Mạc, năm 1599, Bình An vương Trịnh Tùng bắt đầu gầy dựng nghiệp chúa. Tước vương thuộc về các chúa Trịnh kể từ đó, và cũng từ đó, các nhà chép sử ghi nhận những đổi mới trong cách xưng hô ở triều đình: Vua chết gọi là băng; Chúa chết gọi là tốt; đình thần tâu với vua gọi là tấu; trình với chúa gọi là khải; nơi ở và làm việc của vua là cung điện; nơi ở và làm việc của chúa là phủ liêu; con trai của vua gọi là hoàng tử; con trai của chúa gọi là vương tử; con trai vua được chọn để kế vị gọi là thái tử; con trai chúa được chọn để kế nghiệp gọi là thế tử … Khi thiết triều, trong lúc bá quan văn võ đứng thành hai hàng bên sân chầu, vua Lê mặc áo bào vàng ngồi trên ngai, thì chúa Trịnh mặc áo bào màu tía ngồi trên sập, chếch về phía trước ngai vàng. Càng về sau, mọi việc đều do một tay chúa Trịnh quyết định. Khi vị thế tử con chúa đủ 18 tuổi, sẽ được phong tước Công, lập Tiết chế phủ, điều hành công việc thường nhật ở triều đình, chúa chỉ can thiệp vào những vấn đề quốc gia đại sự mà thôi.
* Bộ máy chính quyền trung ương-
Trong thời gian đầu từ năm 1600 đến năm 1718, tổ chức bộ máy cai trị tại triều đình tương tự các thời trước, tập trung vào Lục Bộ, một cơ chế hình thành từ đời Lý, nhưng lúc đó chưa được phân định rõ ràng. Đến đời Nghi Dân (1459) và Lê Thánh Tông (1460-1497), lục bộ mới trở thành một hệ thống tổ chức có qui củ, gồm các bộ sau:
-Bộ Lại.- Phụ trách các việc liên quan đến: bổ nhiệm, thuyên chuyển, xét hạch, thăng giáng chức tước…tất cả quan lại tại triều đình và các địa phương.
-Bộ Hộ.- Phụ trách các việc liên quan đến thuế khóa, điền thổ, kho tàng, lương bổng..
-Bộ Lễ,- Giữ việc lễ nghi, tế tự, tiệc yến, học hành, thi cử, phẩm phục, cống, sứ..
-Bộ Binh.- Phụ trách các việc liên quan đến quân sự: tổ chức quân đội, sản xuất khí giới, phòng bị biên giới, tổ chức dịch trạm….
-Bộ Hình.- Trông coi việc hình pháp, các vụ kiện tụng, áp dụng hình phạt…
-Bộ Công.- Lo việc xây dựng, tu bổ cung điện,thành trì, cầu cống, đường sá, sông ngòi..
Bên cạnh lục bộ còn có cả một hệ thống tổ chức của các Khoa, Viện, Đài, Các…được đặt ra nhằm giám sát, hỗ trợ công việc của các bộ hoặc đặc trách một nhiệm vụ quan trọng và riêng biệt nào đó. Trước tiên phải kể đến Lục khoa gồm các danh xưng tương ứng với Lục bộ (Lại khoa, Hộ khoa, Lễ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa) giữ nhiệm vụ xét duyệt lại công việc của mỗi bộ. Kế đó là Lục tự gồm Thượng bảo tự, Quang lộc tự, Hồng lô tự, Thái thường tự, Thái bộc tự, Đại lý tự, việc phân nhiệm không được rõ lắm. Quan trọng không kém các tổ chức trên là Tôn nhân phủ, phụ trách các việc liên quan đến hoàng tộc và Ngự sử đài giữ nhiệm vụ đàn hặc các quan từ Thượng thư trở xuống, những ai làm không đúng phép sẽ bị đài này tra xét để tâu lên vua. Ngự sử đài còn có nhiệm vụ can gián nhà vua mỗi khi bậc thiên tử có những việc làm không chính đáng hay bất hợp lý.
Ngoài ra, trong bộ máy chính quyền trung ương thời Lê Trịnh, không thể không kể đến Hàn lâm viện (soạn các chiếu chỉ để vua ban); Quốc sử viện (chép sử); Quốc tử giám (trường đại học); Tư thiên giám ( làm lịch, dự báo thời tiết, xem tinh tú, đoán điềm lành dữ…); Thái y viện (chẩn bệnh, bốc thuốc cho nhà vua)….
Bên cạnh cung điện của nhà vua là phủ liêu của chúa Trịnh và phủ Tiết chế dành cho vị Thế tử đã đủ 18 tuổi. Năm 1718, đời vua Lê Dụ Tông (1706-1729), chúa Trịnh Cương thực hiện hai sự thay đổi quan trọng trong tổ chức chính quyền. Trước tiên, ông đặt ra Lục phiên trực thuộc phủ Chúa, tương ứng với Lục bộ của nhà vua, gồm Lại phiên, Hộ phiên, Lễ phiên, Binh phiên, Hình phiên và Công phiên. Trên thực tế, tổ chức này gồm thâu hết mọi việc của Lục bộ trước đó và tồn tại suốt 70 năm. Đến năm 1787, niên hiệu Chiêu Thống, một chỉ dụ của nhà vua bãi bỏ hẳn tổ chức Lục phiên. Đây cũng là thời điểm sắp cáo chung của chính quyền Lê Trịnh ở Đàng Ngoài. Sự thay đổi thứ hai của Trịnh Cương cũng thuộc vào hàng "độc nhất vô nhị" trong lịch sử chế độ phong kiến, đó là việc ông đặt ra một Giám ban song song với Văn ban và Võ ban trong triều, biến một thành phần bất túc (tự thiến hay không có bộ phận sinh dục bình thường), chuyên hầu hạ, phục dịch trong cung thành một tầng lớp quan lại có địa vị, phẩm hàm cao tại triều đình. Điều này nói lên ý đồ của nhà chúa muốn ban ơn mưa móc cho một tầng lớp quan lại để củng cố thêm hậu thuẫn cho mình. Tuy nhiên, có lẽ ban này cũng không làm được trò trống gì cho các chúa Trịnh, mặt khác, do các quan lại trong ban tỏ rõ sự lộng quyền mà đến năm 1740, đời vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Doanh, ban này bị bãi bỏ.
*Bộ máy chính quyền địa phương
Thời Lê Trịnh, chính quyền địa phương cũng chỉ có bốn cấp cơ bản như các triều đại trước, đó là: Xứ, Phủ, Huyện và Xã, các tổ chức khác chỉ được đặt ra tại một số nơi nhất định, không có tính phổ biến chung cho cả nước. Tổ chức này áp dụng cho đến cuối thời Lê Trịnh (thập niên 1780); chỉ có một thay đổi đáng kể vào thập niên 1660, chúa Trịnh đổi bốn xứ Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Lạng Sơn thành bốn trấn, những xứ khác vẫn giữ tên cũ.
*Quan chế thời Lê Trịnh
Thời Lê Trịnh, quan chế cũng dựa trên cơ sở thang bậc cửu phẩm đã được đặt ra từ năm 1089, đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Trong hệ thống cửu phẩm, mỗi phẩm hàm được chia ra hai bậc: chánh và tòng. Quan chế của triều đình vào thời kỳ này là quan chế đời Hồng Đức (Lê Thánh Tông) được sửa đổi phần nào cho phù hợp với tình thế hoặc theo ý riêng của chúa Trịnh. Đứng hàng đầu các quan lại triều đình là Thái sư, Thái úy, Thái phó, Thái bảo, xếp hàng chánh nhất phẩm (C1P), kế đó là Thái tử Thái sư, Thái tử Thái phó, Thái tử Thái bảo, hàng tòng nhất phẩm (T1P). Chánh nhị phẩm có Thiếu sư, Thiếu úy, Thiếu phó, Thiếu bảo. Những vị đại thần này thường chỉ có phẩm hàm, không có thực chức, là những người từng có công lớn với triều đình, nay không còn giữ một nhiệm vụ cụ thể nào. Các chức vào hàng nhất phẩm, cả văn ban và võ ban đều có, riêng võ ban về sau có thêm các trọng chức Đô đốc chưởng phủ sự và Thự phủ sự, xếp hàng nhất phẩm.
- Trong số quan lại có thực chức, xếp cao nhất ở văn ban là lục bộ Thượng thư, hàm chánh hoặc tòng nhị phẩm (tùy thời điểm), điều khiển công việc của sáu bộ. Chức danh này được đặt ra từ thời Lý, nhưng lúc đó, đôi khi chỉ có hai hay ba Bộ Thượng thư. Đến đời Nghi Dân (1459), nhà Lê mới có đủ lục bộ Thượng thư. Tại mỗi bộ, phụ giúp công việc cho Thượng thư có Tả Hữu Thị lang (T3P), Lang trung (C6P) và Viên ngoại lang (T6P).
- Chức quan phụ trách lục khoa là Đô cấp sự trung (C7P) và Cấp sự trung (C8P); phụ trách lục tự là các Tự khanh (C5P), Thiếu khanh (C6P), Tự thừa (C7P)…
- Phụ trách Tôn nhân phủ là các trọng thần trong hoàng tộc, nhưng phẩm hàm không cao tột bậc như ở triều Nguyễn sau này. Tôn nhân lệnh là chức danh cao nhất trong Tôn nhân phủ cũng chỉ được xếp vào hàng Chánh tam phẩm.
- Một trong những điểm "kỳ lạ" nhất trong quan chế đời Lê Trịnh là một "Giám ban" gồm toàn hoạn quan mà người đứng đầu là Tổng Thái giám xếp đến hàng chánh tam phẩm, ngang Tôn nhân lệnh, chỉ kém Thượng thư một bậc. Sự lộng hành của hàng quan lại này là một trong những vết nhơ của quan chế thời Lê Trịnh.
Sự tồn tại một phủ chúa bên cạnh cung vua cũng làm phát sinh nhiều chức danh mới, chưa thấy xếp trong quan chế các đời trước. Hai chức quan cao nhất tại phủ chúa là Tham tụng và Bồi tụng là những người thường xuyên ở cạnh chúa để bàn bạc chính sự. Theo Phan Huy Chú, tác giả bộ Lịch triều hiến chương loại chí, chức danh Tham tụng được coi như ngang hàng chức danh Tể tướng các đời trước. Điều hành lục phiên tại phủ chúa có Thiêm sai, Tri phiên, Phó tri và Thiêm tri. Các chức danh này cũng chỉ tồn tại đến năm 1787.
Tại địa phương, với tổ chức Tam ty ở cấp xứ, đứng đầu Đô ty là Đô Tổng binh sứ (C3P); đứng đầu Thừa ty là Thừa chính phó sứ (T3P); đứng đầu Hiến ty là Hiến sát chánh, phó sứ (C6P). Tại cấp Phủ và Huyện có Tri phủ (T6P), Tri huyện (T7P) và các viên chức thừa hành gồm Đề đốc, Đề lĩnh, Phủ ký lục, Phủ thư ký, Cai tri, Huyện thư ký…, xã quan có Xã trưởng, Xã sử, Xã tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét