Lúc nào cũng nhận mình là đỉnh cao trí tuệ, là Do Thái châu Á, vậy mà đóng góp cho sự an toàn chung về môi trường của toàn cầu đứng 123/125, cho khoa học 89/125, cho y tế 111/125, và mới đây người ta còn cho biết Việt Nam có chỉ số tử tế thấp nhất thế giới, chỉ số trung thực thấp nhất trái đất, chỉ số tham nhũng đứng hàng đầu so với quốc tế. Và cuối cùng của những thứ đó là chúng ta đứng áp chót bảng xếp hạng 124/125 quốc gia được đánh giá trên toàn thế giới.
Vậy mà người ta tiếp tục cải cách giáo dục, khi VNEN thất bại, Thông tư 30 kìm hãm, và cả nền giáo dục ngập lụt trong những đề xuất, thí điểm và nạn thành tích bởi bị định hướng và chính trị hoá. Đến nay, khi tiếng Anh còn chưa đào tạo ra gì thì người ta lại tiếp tục đề xuất cho thêm tiếng Trung, Nga vào làm một môn học của các cấp, tính ra tổng cộng hiện có đến 6 ngoại ngữ thuộc vào chương trình bắt buộc của giáo dục nước nhà.
Tôi không hiểu họ định dạy gì cho thế hệ và con em chúng ta, chẳng lẽ mọi người sẽ im lặng mãi, chấp nhận bất công đầy rẫy ngoài xã hội vì lấy lý do để yên thân và cho con trẻ được ổn định, không bị ảnh hưởng, nhưng giờ thì còn có thể đưa ra bất kỳ lý lẽ nào để thuyết phục chính mình từ những bậc cha mẹ, phụ huynh cho việc tiếp tục im lặng được nữa không?
Khi con cái họ trở thành những con chuột bạch được đem thí nghiệm từng năm, gánh đủ các loại phí, bị áp đặt tư tưởng và rồi trên vai chúng là gánh nặng những chồng sách giáo khoa của sự giáo điều, lạc hậu, những chính sách cải cách liên tiếp mà chưa có dấu hiệu dừng lại, những môn học kinh hoàng – nhưng tất thảy những thứ ấy lại, chúng gần như trống rỗng về tri thức, về tính học thuật lẫn học thực, kinh nghiệm, tính khai sáng và đặc biệt là kỹ năng sống (sinh tồn).
Đó là sự thất bại cay đắng của một nền giáo dục.
Giáo dục phải dạy được con người ta tử tế, có kinh nghiệm, biết tư duy độc lập và biết phản biện, biết học thực, khai sáng tư duy, phát triển và khai phá tiềm năng, trau dồi kỹ năng để tồn tại khi bước chân ra ngoài xã hội và cuối cùng là suy nghĩ thích đọc sách, chứ không phải cả ngày vật lộn với thày cô, điểm chác, thành tích, thi cử và để đêm về ngủ vẫn còn hoảng loạn vì việc học ở trường, và vì thế mà không một đứa trẻ nào “muốn” hay “dám” nhìn đến sách để coi đó là một niềm cảm hứng, biến nó thành thói quen, mà nó cũng là thứ khởi nguồn của việc lĩnh hội và phát triển tri thức cho chính mình, và hẳn nhiên và hơn hết, việc đọc sách, cũng chính là một hành trình để khám phá thế giới mênh mông, bất tận và ngày càng lao đi vùn vụt ngoài kia.
Tôi đã nghe đâu đó câu nói, bác sỹ tồi có thể giết chết một vài bệnh nhân, nhưng giáo dục tệ, sẽ làm hỏng cả một vài thế hệ của dân tộc, của đất nước.
Không thể im lặng trước những thứ quá phi lý mà dung dưỡng cho nó tồn tại thêm nữa.
Hãy lên tiếng, ngay khi còn có thể.
____
Tôi đọc đi đọc lại bản tin trên báo Giáo dục VN cũng như các báo mạng chính thức khác về quyết định thí điểm giảng dạy tiếng Trung và tiếng Nga như ngoại ngữ thứ nhất cho HS từ lớp 3 trở lên của Bộ GD-ĐT (dưới đây xin gọi tắt là Bộ). Rồi hì hụi mở xem lại toàn bộ Đề án 2020. Càng đọc, cảm giác càng lùng bùng, không thể hiểu nổi các vị lãnh đạo ngành GD hiện nay đang muốn đưa việc dạy ngoại ngữ cho HS VN đi về đâu?
THẤT BẠI NGAY TỪ KHI RA ĐỀ!
Ngày 30/9/2008, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (thường gọi tắt là Đề án 2020). Tưởng là tín hiệu đáng mừng vì lần đầu tiên đã có một chiến lược tầm quốc gia được xây dựng riêng cho việc dạy và học ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong Quyết định lại chỉ rõ : “Quy định môn ngoại ngữ được dạy và học trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác”.
“Một số ngôn ngữ khác” sau đó đã được Đề án 2020 xác định là tiếng Trung, tiếng Nga và tiếng Pháp. Đây là cơ sở để Bộ GD-ĐT triển khai cái gọi là “giai đoạn 2 của Đề án 2020” bằng việc thí điểm đưa tiếng Trung và tiếng Nga vào dạy trong trường phổ thông từ lớp 3 trong thời gian sắp tới mà dư luận đang xôn xao phản ứng.
Hiện nay, theo kế hoạch “thí điểm” của Bộ, sẽ có hàng loạt ngoại ngữ “đổ bộ” vào các trường phổ thông của VN. Ngoài tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung như Đề án 2020 đã nêu, nay còn có thêm tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, tiếng Trung, Nga và Nhật sẽ được chọn là ngoại ngữ thứ nhất để giảng dạy theo chương trình 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12). Cũng theo Bộ, tiếng Hàn và tiếng Pháp sẽ được thí điểm dạy như ngoại ngữ thứ hai. Bên cạnh đó, kể từ năm học 2016-2017, Bộ còn cho thí điểm dạy thêm tiếng Đức như ngoại ngữ thứ hai (!?).
Như vậy, cứ theo kế hoạch này của Bộ, sắp tới sẽ có một “nồi lẩu thập cẩm” gồm 7 ngoại ngữ được đưa vào dạy cho HS phổ thông! Và theo thực tế hiện nay, tiếng Anh không những không còn cơ hội để được phát triển thành “ngôn ngữ thứ hai” (English as second language) mà ngay cả khả năng trở thành “ngoại ngữ thứ nhất” (English as first foreign language) ở VN cũng đang lùi xa…
Do đó, có thể nói, việc không xác định được ngoại ngữ nào là cần thiết và phải tập trung phát triển thành “ngôn ngữ thứ hai” cho VN đã là một thất bại ngay từ đầu của Đề án 2020. Cách nói chung chung theo kiểu “Quy định môn ngoại ngữ được dạy và học trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác” là nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn độn kiểu “trăm ngoại ngữ đua nở” trong việc thực hiện Đề án 2020 hiện nay.
THẤT BẠI THẤY TRƯỚC VỀ MỤC TIÊU
Ở đây xin không luận bàn chi tiết về tình hình thực hiện Đề án có ngân sách lên tới gần 10.000 tỷ đồng này. Chỉ nói vắn tắt rằng cho đến nay, khi còn có 4 năm nữa là tới mốc 2020, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã không thực hiện được. “Thành quả” lớn nhất mà Đề án mang lại là phong trào thi đua mua sắm các trang thiết bị đắt tiền phục vụ cho việc giảng dạy tiếng Anh ở các trường (như bảng tương tác, bút điện tử, sách điện tử…), để rồi sau đó phần lớn lại được “trùm mền” do GV không biết hoặc chưa được tập huấn để biết cách sử dụng… (xin xem thêm bài viết về tình hình thực hiện Đề án này trên VNExpress theo đường link: Đề án ngoại ngữ gần 9.400 tỷ sau 8 năm làm được những gì)
Để hình dung cụ thể hơn, hãy xem lại toàn bộ phần MỤC TIÊU của Đề án 2020 dưới đây (nguyên văn):
“1. Mục tiêu chung
Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 môn ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông. Từ năm 2010 – 2011 triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% số lượng học sinh lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015 – 2016; đạt 100% vào năm 2018 – 2019;
b) Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 10% số lượng học sinh dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp vào năm học 2010 – 2011, 60% vào năm 2015 – 2016 và đạt 100% vào năm học 2019 – 2020;
c) Triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục đại học (cả các cơ sở đào tạo chuyên ngữ và không chuyên ngữ) cho khoảng 10% số lượng sinh viên cao đẳng, đại học vào năm học 2010 – 2011; 60% vào năm học 2015 – 2016 và 100% vào năm 2019 – 2020;
d) Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong chương trình giáo dục thường xuyên với nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với các cấp học, trình độ đào tạo góp phần tích cực vào công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức; thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học.
Phấn đấu có 5% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên vào năm 2015 và đạt 30% vào năm 2020″.
Không thể không đặt ra một số câu hỏi khi đọc những mục tiêu nêu trên:
– Ngoại ngữ ở đây được xác định là ngoại ngữ chính nào ? Và nếu không phải là tiếng Anh thì sẽ là chuẩn nào cho các loại ngoại ngữ khác? (ví dụ nói phấn đấu có 5% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên vào năm 2015 thì loại ngoại ngữ yêu cầu đó cụ thể là tiếng nước nào và “bậc 3” là chuẩn gì? Theo đâu?).
– Việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực sẽ như thế nào để đáp ứng được các chỉ tiêu nói trên một khi không xác định ngoại ngữ nào là chính yếu? Theo bài báo trên VNExpress nói trên, hiện cả nước có khoảng 1,6 triệu học sinh lớp 3, 4, 5 trong tổng số gần 7,8 triệu học sinh được học tiếng Anh 4 tiết/tuần, chiếm khoảng 20%. Số còn lại tiếp cận với tiếng Anh với thời lượng 2 tiết/tuần. So với mục tiêu 100% học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh 10 năm thì đích đến vẫn còn xa. Đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng là khó khăn lớn nhất, cấp THCS hiện chỉ có hơn 33% đạt chuẩn và cấp THPT hơn 26%. Đáng nói hơn, nhiều địa phương còn thẳng thắn thừa nhận rằng ngay cả đối với các GV đạt chuẩn thì năng lực thực tế ra sao “vẫn là một câu hỏi lớn” (!?). Nếu chỉ riêng tiếng Anh mà GV còn thiếu và yếu như vậy thì làm sao có thể đảm bảo được nguồn nhân lực cho việc triển khai cùng lúc 6 loại ngoại ngữ khác, trong đó có tới 3 loại đã được xác định là “ngoại ngữ thứ nhất”?
– Nguồn tài nguyên (sách vở, trang thiết bị…) và các hệ thống đánh giá tiêu chuẩn chất lượng sẽ được chuẩn bị như thế nào để đáp ứng việc triển khai 7 loại ngoại ngữ cho học sinh như hiện nay?
Như thế, chỉ nhìn sơ bộ giữa các mục tiêu đặt ra so với thực tế cũng có thể thấy rõ yếu tố chủ quan, duy ý chí và rất mơ hồ của Đề án 2020. Xây dựng một chiến lược phát triển ngoại ngữ cho quốc gia mà mù mờ về định hướng, lộn xộn trong tư duy, lại không am hiểu chuyên môn và thiếu thực tế, thì hiển nhiên các mục tiêu sẽ là chỉ là những con số vô hồn để “nghe cho vui” mà thôi!
SAO KHÔNG LÀ TIẾNG ANH?
Điều đáng tiếc nhất là dù đặt mục tiêu “biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” nhưng Đề án 2020 lại không xác định được vai trò, vị trí của tiếng Anh trong giáo dục phổ thông và đại học tại VN. Hiển nhiên, tiếng Trung, tiếng Nga… không phải là các loại ngôn ngữ “thứ yếu” so với tiếng Anh, nhưng việc xác định “ngoại ngữ là thế mạnh” của dân ta quả là một khái niệm rất mơ hồ bởi nó không chỉ rõ được ngoại ngữ nào ta cần tập trung phát triển cũng như lý do tại sao. Còn tất nhiên, nếu vì “lý do chính trị” mà xác định phải chọn tiếng Trung và tiếng Nga để dạy cho HS thì đúng là không có gì để tranh luận thêm, mà như thế cũng không cần thiết phải xây dựng một Đề án phát triển ngoại ngữ quốc gia tới gần 10.000 tỷ đồng làm gì cho thêm tốn kém!
Có lẽ không cần phải nói gì nhiều về vai trò và sự ảnh hưởng của tiếng Anh trên thế giới hiện nay. Chỉ nên biết thêm rằng ở ngay cả những quốc gia phát triển như các nước Bắc Âu, tiếng Anh vẫn được xem là ngôn ngữ thứ hai và được sử dụng khá phổ biến chứ không phải tiếng Trung hay tiếng Nga. Tại Israel, dù ngôn ngữ chính thức là tiếng Hebrew và tiếng Arab nhưng tiếng Anh vẫn được xác định là ngoại ngữ đầu tiên để dạy trong tất cả các trường từ phổ thông tới đại học. Các sinh viên nước này khi tốt nghiệp ĐH đều bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh thông thạo. Điều này lý giải tại sao tất cả bộ máy lãnh đạo cũng như đội ngũ viên chức trong các cơ quan chính phủ, quân đội và các tổ chức, doanh nghiệp tại Israel đều có thể dùng tiếng Anh giao dịch dễ dàng với khách quốc tế khi quan hệ làm việc. Ở châu Á, có “tấm gương” Singapore mà hình như một thời gian ta cũng tính học theo nhưng không hiểu sao lại bỏ ý định (?). Khi xác định được tiếng Anh là chìa khóa để phát triển, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa tiếng Anh trở thành “first language” ở đất nước này chỉ trong vòng ba thập niên và lợi thế của một quốc gia nói tiếng Anh đã mang lại cho Singapore những cơ hội phát triển kinh tế vượt bậc. Hiện nay đảo quốc nhỏ bé với 5 triệu dân này đang giữ vị trí thứ ba trong số 10 quốc gia giàu nhất thế giới với GDP bình quân đầu người gần 85.000 USD (gấp hơn 40 lần VN).
Tất nhiên, có ý kiến cũng cho rằng một số quốc gia khác trên thế giới đâu cần phổ biến tiếng Anh mà vẫn phát triển tốt (như Nhật, Hàn…). Xin thưa rằng các quốc gia đó đã đi con đường phát triển thành công với thế mạnh riêng của dân tộc mình, nhưng ngay cả bây giờ họ cũng đang đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Anh ở nước họ. Còn VN ta có được thế mạnh gì ? Đã qua rồi thời chúng ta tự hào về nguồn nhân lực rẻ. Khi mà năng suất lao động của một người Singapore bằng 18 người VN, mà họ lại có ưu thế hơn về khả năng sử dụng tiếng Anh, thì ta có gì để cạnh tranh và thu hút đối với thế giới ? Ngay trong lĩnh vực xuất khẩu lao động giản đơn như giúp việc nhà hoặc điều dưỡng… chúng ta cũng thua xa người Philippines bởi họ có ưu thế về tiếng Anh và cả những phẩm chất tốt như tính kỷ luật, sự cần mẫn…
Vừa rồi có bà Tiến sĩ của ĐHSP Hà Nội còn phát biểu rằng học tiếng Trung là cần thiết vì 2 tỷ người trên thế giới hiện nay đang sử dụng tiếng Hoa. Lập luận đó thật ngớ ngẩn và buồn cười vì không hiểu bà Tiến sĩ có biết chỉ riêng Trung Quốc đã có gần 1,4 tỷ dân bắt buộc phải dùng tiếng Hoa là tiếng mẹ đẻ không? Mặt khác, bà có biết rằng dân TQ cũng đang đổ xô đi học tiếng Anh và tỷ lệ du học sinh TQ đến các nước nói tiếng Anh luôn cao hơn gấp hàng chục lần so với số lượng SV quốc tế đến học ở TQ?
Cách đây 9 năm, trong chuyến thăm VN, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về việc phát triển tiếng Anh từ những thành công của chính đất nước ông. Nhưng cho đến nay, lời khuyên đáng chú ý của ông : “Chìa khoá để tránh tụt hậu cho người Việt là tiếng Anh” dường như vẫn chưa bao giờ được những người lãnh đạo ngành giáo dục VN quan tâm hoặc nhớ đến!
Người Việt rất thích những cái nhất và thích đứng đầu. Với phong trào bùng nổ ngoại ngữ sắp tới, hy vọng quốc gia chúng ta sẽ đứng đầu thế giới về sự độc đáo trong việc dạy ngoại ngữ cho học sinh :))). Khả năng là khó có nền giáo dục nào dám mơ dạy tới 7 ngoại ngữ cho HS ở bậc học phổ thông như giáo dục VN :(((. Nhưng hãy chờ đấy, các vị PH ạ! Đừng vội nghi ngờ mà nhao lên như thế! Hãy nghĩ đến viễn cảnh con em mình sẽ chứng tỏ “ngoại ngữ là thế mạnh của người Việt Nam” bằng việc sử dụng thông thạo từ 2 đến 3, thậm chí tới 6-7 ngoại ngữ, toàn là tiếng của các nước lớn, phỏng quý vị có sướng không nào?
Còn tôi, chắc tôi đi chết đây!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét