Bí Thư Triệu Tài Vinh trong một buổi họp. Ảnh: nguoilaodong. |
Dư luận gần đây lại tiếp tục nóng lên với việc có thông tin xác nhận rất nhiều người thân của Bí Thư Triệu Tài Vinh hiện đang nắm rất nhiều chức vụ có tính chất lãnh đạo tại tỉnh Hà Giang, cũng là nơi công tác của ông.
Bí Thư Triệu Tài Vinh, sinh năm 1968, người dân tộc Dao; là tiến sĩ nông nghiệp. Ông Triệu Tài Vinh là một trong những Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất nước khi được bầu vào chức vụ này năm 2010 và tái đắc cử Bí thư Tình ủy Hà Giang năm 2015. Ông là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XI và Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII.
Về vụ việc, cụ thể, theo thông tin được xác nhận lại, một số cá nhân như bà Phạm Thị Hà, vợ ông Vinh, đang đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Ông Mạc Văn Cường, em rể ông đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Công an Thành phố Hà Giang. 3 em trai ông Vinh là những lãnh đạo ngành, địa phương trong tỉnh gồm: ông Triệu Tài Phong, Bí thư huyện ủy huyện Quang Bình; ông Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì; ông Triệu Tài Tân, Phó Giám đốc viễn thông Hà Giang; em gái ông Vinh là bà Triệu Thị Giang là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Hà Giang.
Ông Vinh khẳng định, quy trình bổ nhiệm đối với những người này đều tuân thủ đúng quy định của Đảng, Nhà nước và thực tế, cá nhân ông cũng “không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo”.
Tuy nhiên, đây không hẳn là vấn đề lớn nhất. Dù có rất nhiều chỉ trích về việc người thân của Bí Thư Tỉnh Ủy Hà Giang được cất nhắc làm quá nhiều chức vụ lãnh đạo, hay Chủ tịch Yên Bái ký bổ nhiệm em mình làm giám đốc Sở, cũng có nhiều người đặt câu hỏi mỉa mai “Thế chẳng lẽ tôi làm lãnh đạo thì con em, gia đình tôi phải làm “cu-li” hết hay sao?”.
Theo quan điểm này, chủ nghĩa huyết thống và chủ nghĩa thân hữu – nepotism và cronyism, có thể phát triển và được công nhận một cách công khai? Và sự thật rằng pháp luật Việt Nam chưa kiểm soát vấn đề quan trọng đang nói đến cũng là điều đáng suy ngẫm.
Bài viết chính là nhằm giải đáp thắc mắc đó.
Quá nhiều rủi ro kiểm soát quyền lực
Đây là một sự thật cần nhìn thẳng. Xét theo trường hợp tốt nhất, ngay cả khi người nắm chức vụ lãnh đạo không hề có ý định hỗ trợ, yêu cầu, đề nghị bổ nhiệm người thân của mình vào các vị trí lãnh đạo khác; quyền lực từ cái ghế của ông đôi khi cũng đã đủ để các hệ thống cấp dưới cân nhắc việc nên đề cử và bổ nhiệm ai.
Hiện tượng này tiềm ẩn nguy cơ có thể tạm gọi là chủ nghĩa “bè phái thụ động”, là nguồn gốc cơ bản của các nhóm lợi ích trong tương lai, được xây dựng dựa trên nền tảng quan hệ và gia đình (có rất nhiều nền tảng để xây dựng nhóm lợi ích khác). Một mặt chúng khiến cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đề cử các vị trí quyền lực hành chính không dựa trên năng lưc, ý nguyện người dân hoặc hướng đến hiệu quả quản lý tốt nhất; mà đơn giản chỉ là công việc lấy lòng nhau và gầy dựng quan hệ; mặt khác chúng tạo nên mạng lưới chính trị thiếu tính đối lập thực thụ, nhưng nhiều khả năng đấu đá nội bộ.
Ở góc độ khác, nếu người nắm chức vụ lãnh đạo chủ động thực hiện những việc trên, hệ quả sẽ thậm chí xấu hơn khi các cá nhân làm việc độc lập, các nhóm quyền lực khác dần dần bị đẩy ra khỏi hệ thống chính trị của địa phương một cách có chủ đích. Phương pháp này cũng làm suy yếu hay thậm chí loại bỏ mô hình “kiểm tra và giám sát” cần thiết phải có trong một cơ quan nhà nước. Lấy ví dụ đơn giản như việc người lãnh đạo bổ nhiệm người thân của mình vào cơ quan điều tra, vào cơ quan tài chính nhà nước hay thậm chí kể cả quản lý một cơ quan nắm vai trò kiểm soát bầu cử. Theo đặc trưng chính trị tại Việt Nam, việc bổ nhiệm nhiều người thân vào các cơ quan hành chính và các tổ chức chính trị xã hội cũng đồng nghĩa với việc người lãnh đạo có thể có nhiều ghế hơn trong cơ quan lập pháp địa phương.
“Thế chẳng lẽ tôi làm lãnh đạo thì con em, gia đình tôi phải làm “cu-li” hết hay sao?” – “Phải. Và đó nên là luật”
Hiển nhiên, đây không phải là một cách nói chính xác, mà chỉ để làm rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của hệ thống pháp lý mới mẻ này tại Việt Nam. Giới hạn, ít nhất phải được đặt ra với những cơ quan, tổ chức – nơi mà người lãnh đạo đang nắm giữ quyền lực và các cơ quan chịu ảnh hưởng trực tiếp cấp dưới.
Để bảo đảm nguyên tắc công lợi và hệ thống “check and balance” của quốc gia mình, chính phủ tại nhiều quốc gia đã và đang sử dụng hệ thống pháp luật để chống lại chủ nghĩa huyết thống và gia đình trị.
Tại Đức, vào năm 2013, đã có 2 dân biểu thuộc Bavaria buộc phải từ chức vì các cáo buộc và chỉ trích liên quan đến việc ký hợp đồng tuyển dụng người thân của họ. Trong đó, ông Georg Schmid đã tuyển dụng vợ của mình vào một công việc có mức lương và phúc lợi xã hội từ chính phủ cực kỳ tốt. Tuy nhiên, đây là một phát hiện lớn vì trước đó đến 13 năm, năm 2000, luật pháp bang Bavaria đã có quy định cấm các dân biểu của mình tuyển dụng người thân.
Hoa Kỳ cũng không hẳn vô can với chủ nghĩa huyết thống và gia đình trị. Một trong những trường hợp kinh điển và ở cấp độ lớn nhất là ông Robert F. Kennedy, nắm giữ vị trí Tổng Chưởng Lý Hoa Kỳ, dưới thời của anh mình, Tổng Thống John F. Kennedy.
Tuy nhiên, bốn năm sau cái chết của ông, Bộ Luật Liên Bang Hoa Kỳ – U.S. Code cũng đã ghi nhận rất rõ tại Điều 3110 – về việc giới hạn tuyển dụng người thân. Trong đó, các vị trí công quyền sẽ không được phép chỉ định, bổ nhiệm, tuyển dụng, quảng bá, hỗ trợ hay ủng hộ việc chỉ định, bổ nhiệm, tuyển dụng của bất kỳ người thân nào của mình cho các chức vụ tại cơ quan mà người đó đang làm việc – hoặc cơ quan mà người đó có có vị trí cấp trên và thẩm quyền kiểm soát. Khái niệm “người thân” – “relatives” cũng được định nghĩa rất rộng bao hàm “cha, mẹ, con cái, anh chị em, cô dì chú bác, anh em họ, cháu, vợ, chồng, mẹ vợ, mẹ chồng, cha vợ, cha chồng, con rể, con dâu, cha mẹ kế, con nuôi…”
Thêm vào đó, trong Bộ Quy Tắc Ứng Xử của Hạ Viện Hoa Kỳ (House Rule 23, clause 8(c)(1)), các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng bị nghiêm cấm tuyển dụng vợ chồng của mình vào vị trí có trả lương, hay cũng cấm nhân viên của Hạ Viện nhận khoản chi trả do thực hiện công việc cho một Ủy ban mà vợ, chồng của người đang tham gia.
Ngoài ra, các tiểu bang Hoa Kỳ cũng rất nỗ lực kiểm soát và giải quyết triệt để vấn đề ưu đãi tuyển dụng và quyền lực cho thành viên trong gia đình trong các cơ quan nhà nước. Gần phân nửa số tiểu bang có quy định ngăn cấm hoặc hạn chế nepotism ở nhiều mức độ. Các tiểu bang không có quy định cụ thể để ngăn cấm hoặc hạn chế thì lại có các đạo luật về “đối kháng quyền lợi” – “conflict of interest”, nhằm tạo công cụ để duy trì hệ thống kiểm tra giám sát của chính quyền.
Tại bang Wyoming, việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển hay hỗ trợ bất kỳ người thân nào của mình vào các cơ quan công quyền thậm chí bị xem là phạm tội tiểu hình, có thể bị sa thải hoặc bãi nhiệm ngay lập tức. Hai bang Massachusetts và Pennsylvania không có cả hai hình thức pháp lý trên, nhưng Ủy ban đạo đức của cả hai lại có nhưng quy định cấm và kiểm soát trên thực tế. Điều này tất nhiên đi kèm với một hệ thống chính trị đối lập và mạnh.
—
*** Tìm kiếm lợi ích thân hữu là bản tính của con người, và vì vậy nó có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu, quốc gia phát triển hay đang phát triển, tư bản hay chủ nghĩa xã hội. Vấn đề là chúng ta có dám đối mặt và sử dụng luật pháp để kiểm soát chúng hay không? Chúng ta xưng tụng chính thể cộng hòa, mà không phải quân chủ, là có lý do của nó. Và đã đến lúc chúng ta thể hiện điều đó.
Nguyễn Quốc Tấn Trung/(Luật Khoa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét