Facebooker Luân Lê bình luận: “Thực ra ông ấy nói đúng. Nợ công là nợ của quốc gia, tức là nợ của người dân chứ không phải của chính quyền hay đảng phái, mặc dù, chính phủ (và cả đảng cầm quyền) là người trực tiếp quản lý, sử dụng ngân sách và cũng là chủ thể tạo ra nợ nần. Nhưng người dân chính là những con nợ thực sự, với những món nợ mà nó được phát sinh từ sự chi tiêu của chính quyền (nhà nước).
Thế nên, mỗi khi ta thờ ơ với những hoạt động của chính quyền, không bận tâm đến tình hình đất nước, là đồng nghĩa với việc trách nhiệm của mỗi chúng ta cứ thế tăng dần lên.
Có hai cách để “gom” tiền của dân:
1. Tự nguyện: Thông qua việc phát hành và mua bán trái phiếu chính phủ; và,
2. Đánh thuế: Quy định các loại thuế, phí, lệ phí mới hoặc nâng các mức thuế, phí, lệ phí hiện tại lên cao, hoặc đồng thời cả hai cùng lúc“.
____
Lê Kiên
Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết ở Hàn Quốc trước đây xảy ra khủng hoảng tài chính, người ta coi nợ xấu là vấn đề của xã hội nên đã kêu gọi người dân góp tiền giải quyết.
Sáng 1-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế và thảo luận về nội dung báo cáo này.
“Việc đạt được mục tiêu bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế vào năm 2015 là hết sức khó khăn, kết quả này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu – trưởng đoàn giám sát, khẳng định.
Theo nghị quyết của Quốc hội, trong 2-3 năm đầu của giai đoạn 2011-2015 tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, 2-3 năm tiếp theo bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy còn ngổn ngang những việc chưa làm được, ở nhiều lĩnh vực tái cơ cấu chưa đạt yêu cầu.
Ví dụ, “Cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài tham gia vào khu vực công có sinh lời. Đầu tư vào công nghệ cao, vào những ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình, dự án thấp vẫn chưa được xử lý triệt để”.
“Tiến độ thực hiện tái cơ cấu DNNN chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến mang tính đột phá, nhất là phân bổ lại nguồn lực và phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp với xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường. Tiến độ thoái vốn còn chậm, tổng số tiền thu về còn thấp so với yêu cầu, phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên khó thu hút được nhà đầu tư” – ông Giàu nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng – phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước – thừa nhận nợ xấu và sở hữu chéo là hai vấn đề rất quan trọng phải xử lý trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
“Ở trên thế giới thì sở hữu chéo là bình thường, vấn đề là mức độ và khả năng kiểm soát đến đâu” – bà Hồng nói.
Bà cho biết Ngân hàng nhà nước đang từng bước áp dụng các chuẩn mực quốc tế cho tổ chức và hoạt động của các ngân hàng Việt Nam, phấn đấu năm 2015 phải có 10 ngân hàng đạt chuẩn Basel 2.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bức xúc khi đọc cả bản báo cáo mà “không thấy dòng nào nói về trách nhiệm”.
Ông Lý đề nghị phải phân tích thật cụ thể, ví dụ công ty mua bán nợ xấu hoạt động thế nào, thiếu cơ chế gì, tại sao mua 56.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng mới bán được có 1.600 tỷ.
“Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không?” – ông Lý gợi mở.
“Tôi cứ tự hỏi mình tại sao mấy nước xung quanh ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia không biết họ có tái cấu trúc nền kinh tế của họ hay không mà kinh tế họ phát triển tốt, tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Các đồng chí giải thích giùm tôi được không? Chắc là họ cũng khó khăn như ta, cũng bị tác động bởi khủng hoảng tài chính thế giới, cũng có những vấn đề nội tại” – Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lên tiếng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét