12 tháng 7, 2014

Vận mệnh nước Việt và lợi ích nhóm!

Kỳ Duyên
Những con đường quốc lộ hỏng, lún, xuống cấp, và con đường lớn của nước Việt đứng trước vô vàn thử thách khắc nghiệt, đang cần gì?.
I- Những ngày này, không chỉ vụ việc ngoài Biển Đông mới soán ngôi tâm trí nước Việt. Mà sự tồn vong, sự phát triển đi lên của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế thôi thúc các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đi tìm một câu trả lời. Đó cũng là chủ đề hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN vừa tổ chức ngày 03/7.Ngày nay, sự giao thương, liên kết làm ăn, thậm chí là phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia là một điều bình thường, kể cả các quốc gia mạnh nhất. Nhưng sự phụ thuộc giữa một quốc gia yếu hơn, yêu chuộng hòa bình như VN vào một quốc gia mạnh hơn, luôn có dã tâm xâm chiếm, bành trướng như TQ, đặt trong bối cảnh chiếm đóng bất hợp pháp của giàn khoan 981 trên lãnh hải và lãnh thổ VN, là sự thách thức khắc nghiệt nước Việt, phải tìm ra sức mạnh nội lực của chính mình, giảm bớt sự phụ thuộc, là câu hỏi lớn của thời cuộc hiện nay.
Ở hội thảo này, ý kiến phân tích thẳng thắn từ thực tiễn của các chuyên gia kinh tế rất đáng suy ngẫm, dù khá chua xót: Phải chăng, tình trạng kinh tế VN phụ thuộc TQ quá nhiều, do lợi ích nhóm chi phối?
Lợi ích nhóm, khái niệm từ lâu không xa lạ với xã hội.
Chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường có định hướng, ở góc độ nhân sinh, văn hóa, nước Việt có sự đổi mới cách tư duy và hành động, cung cách quản lý. Từ chỗ coi nhẹ lợi ích con người, xóa nhòa bản ngã cá nhân, sang coi trọng hơn lợi ích này, hài hòa bên cạnh lợi ích nhà nước, lợi ích tập thể.
Nhưng sự thiếu vắng nền tảng lý luận vững chắc cho mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, thiếu vắng hẳn sự quản lý chặt chẽ, khoa học, lại thừa cung cách quản lý lỏng lẻo, trôi nổi, cùng sự bám giữ nặng nề cung cách quản lý xin- cho, khiến cho kinh tế thị trường hiện nay phát triển lộn xộn, phảng phất “kinh tế tư bản hoang dã”. 
Rất nhanh chóng, lợi ích nhóm- bản chất là lợi ích cá nhân của một nhóm người liên kết với nhau- hình thành, làm những điều phi pháp, thiếu minh bạch, lợi dụng cách quản lý tùy tiện để trục lợi, vơ vét của chung, xâm hại lợi ích Nhà nước. Họ cấu kết với nhau, hình thành những cái “vòi bạch tuộc”, bám chắc vào những khe hở quản lý, khe hở luật pháp để làm giàu bất chính. 
Như một quy luật, càng nhiều lợi ích nhóm bao nhiêu, kinh tế xã hội càng bất an, kém hiệu quả bấy nhiêu.
Lợi ích nhóm càng giàu lên bao nhiêu, kinh tế xã hội càng nghèo đi bấy nhiêu, bất ổn bấy nhiêu.
Lợi ích nhóm, thực sự như một thứ “nội xâm” đang thách thức vận mệnh sinh tồn và phát triển của nước Việt.
Một bên là lợi ích của quốc gia và một bên là lợi ích một nhóm (người)
Một bên là cần sự làm giàu cho quốc gia, một bên chỉ… đục khoét quốc gia, làm giàu cho bản thân mình và nhóm mình.
Một bên là sự chính danh giữa thanh thiên bạch nhật, một bên là liên danh… ma quỷ trong bóng đêm.
Cũng không phải bây giờ, hiện nay mới có lợi ích nhóm. 
Theo Tạp chí Cộng sản (ngày 02/7), lợi ích nhóm từ lâu có trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt, trong công tác tổ chức, cán bộ với những biểu hiện đa dạng và phức tạp. Nhưng tựu trung lại, nó có 04 “môn phái võ” rất lắt léo trong việc ban hành chủ trương, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ; cụ thể hóa chủ trương, chính sách thành các quy định, quy chế, quy trình cụ thể để trục lợi theo kiểu“trên có chính sách, dưới có đối sách”; trong việc chỉ đạo và thực hiện công tác này.
Lợi ích nhóm trong công tác tổ chức cán bộ đã dẫn đến có những ekip cán bộ năng lực yếu nhưng trục lợi cá nhân, trục lợi ekíp… mạnh. Hệ lụy nhãn tiền là ra đời những chính sách không có tác dụng thúc đẩy sự phát triển các ngành, các lĩnh vực, làm tổn hại uy tín Nhà nước. 
Hơn 300 văn bản sai sót, vi phạm luật trong số 1500 văn bản được ban hành, mà Chủ tịch QH từng cho rằng, đó là những văn bản pháp luật sai sót khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích nhân dân và doanh nghiệp (theo VnExpress, ngày 12/6/), liệu có liên quan gì đến những ekip sinh nở từ những lợi ích nhóm trong công tác tổ chức, cán bộ không?
Và xét cho cùng, lợi ích nhóm trong kinh tế mà các chuyên gia tham dự tại hội thảo cảnh báo, nó cũng vẫn phản chiếu, là “sản phẩm” của những lợi ích nhóm từ công tác tổ chức, cán bộ mà ra. 
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, VN đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo hình thức EPC (loại hợp xây dựng nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư). Con số này là 23/24 nhà máy xi măng; 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng, cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới. 
Ông phải đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta giao quá nhiều dự án cho nhà thầu TQ như vậy. Có bao nhiêu lợi ích quốc gia, bao nhiêu lợi ích cho ai?”. Trong khi, TQ là bậc thầy về mua chuộc, đút lót.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thụ, CT Hiệp hội DN cơ khí VN, tất cả các dự án mà nhà thầu TQ làm tổng thầu EPC đều bị chậm tiến độ có khi đến 03 năm, chất lượng thiết bị kém.
Trả lời VTC ngày 07/7, ông Lê Đăng Doanh nhận xét: Tình trạng nhận đút lót của doanh nghiệp TQ rất phổ biến và nghiêm trọng. 
Tỷ như việc TQ xuất lậu vào VN trên 5,2 tỷ USD, tương đương 130.000 tỷ hàng hóa qua biên giới, và VN xuất lậu 5,3 tỷ USD sang TQ theo số liệu của hải quan TQ công bố, là gì, nếu không phải là sự “phối hợp ăn ý”, kẻ tung người hứng giữa các nhóm lợi ích ở hai bên biên giới? Nếu không, khối lượng hàng hóa lớn như vậy, làm sao qua mắt được các cơ quan chức năng? Chả thế, VTC đã giật cái title rất sốc: TQ là bậc thầy đút lót, ắt có bậc thầy nhận hối lộ? 
Rõ ràng, lợi ích nhóm, bằng cách này hay cách khác, bằng cửa này hay cửa khác, đang múa gậy vườn hoang trước con mắt quản lý Nhà nước.
Nhưng công bằng mà nói, không phải chỉ có lợi ích nhóm khiến cho kinh tế VN phụ thuộc nặng vào TQ, mà ngay cả cung cách làm ăn, kinh doanh, và tính cách kinh doanh của người Việt cũng khiến cho sự phụ thuộc này nó …nhẹ nhàng không chịu nổi. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại rằng quan hệ kinh tế TQ- VN hiện nay quá sâu nhưng lại “rất không bình thường”. (Đất Việt, ngày 03/7) 
Dựa trên phân tích 04 điểm thể hiện tình trạng lệ thuộc vào kinh tế TQ ở các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, cơ cấu xuất khẩu… bà Phạm Chi Lan cho rằng, nguyên nhân là do lỗi của chúng ta, không chịu thay đổi cứ hài lòng với việc đi làm gia công, đi làm thuê. 
Tính cách làm thuê của người Việt này, đặt trong bối cảnh các DN vừa và nhỏ luôn bị chèn lấn ngay trong nước, các DN lớn và doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) mất dần động lực. Thậm chí có DN còn đi mua hàng TQ cho nhanh và rẻ. Mà với cách kinh doanh của VN hiện nay chỉ làm được với TQ, vì làm với TQ dễ hơn nhiều so với những nước khác. 
Rõ ràng, không chỉ lợi ích nhóm, mà tính cách thụ động, dễ thỏa mãn, và cam chịu của các DN, với nhiều bối cảnh chi phối, đã khiến kinh tế nước Việt chịu cảnh… đi bộ, trong thời đại có đủ các “phương tiện” giao thông để kinh tế cất cánh.
*************
II- Có lợi ích nhóm to lớn, thì cũng có những lợi ích nhóm “be bé” hơn. Có lợi ích nhóm xuyên quốc gia, cũng có nhiều những lợi ích nhóm tọa lạc tại quốc gia.
Nói vậy, bởi rất lạ trong tuần này, ngẫu nhiên báo chí liên tục thông tin về những con đường, đoạn đường hỏng. Đủ mặt “anh tài”. Từ ở Tây Nguyên cho đến đồng bằng, từ miền núi cho tới thành phố, từ t/p HCM ra tận Thủ đô Hà Nội. 
Hệt một cuộc liên hoan gặp gỡ của những con đường… hư hỏng.
Do đặc thù, giao thông đường xá vốn là một lĩnh vực ngốn rất nhiều nguồn tài lực, vật lực, nhân lực. Nhưng tốn kém đến gấp 03 lần, so với giá thành làm đường xá các nước, theo chính lời Bộ trưởng KH và ĐT Bùi Quang Vinh tại một hội nghị bàn về Luật Đầu tư công (VTC, ngày 13/3) mà lại thường hỏng trước thời hạn, hỏng trước thời gian bảo hành, thì chuyện đó chỉ có thể xảy ra ở VN?
Con đường hỏng, hay thực chất là… lương tâm con người hỏng, dù biện bạch bằng bất cứ lý do nào?
Cái sự hỏng của các con đường và hỏng lương tâm cùng trách nhiệm của con người VN cũng rất đa dạng, rất có “bản sắc” khác nhau.
Tỷ như đoạn đường Quốc lộ 14 (dự án nâng cấp, mở rộng đường HCM, đoạn qua Tây Nguyên), trong đó có gói thầu đầu tư theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao, được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước). 
Không chỉ chậm tiến độ (được khởi công từ tháng 9/2013, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2014, nhưng đến nay, mới thi công được 8,4% so với hợp đồng, chỉ đạt 30,5% so với tiến độ được giao), chủ đầu tư QL 14 đoạn qua Đắk Lắk còn vòi vĩnh 30% tiền “lại quả” với đối tác xây lắp dự án (VietNamNet, ngày 06/7).
Trước đó cuối tháng 05, hàng loạt con đường hỏng và đội tiền tổng mức đầu tư tăng gấp 02 lần so với dự toán ban đầu của các con đường, đã được báo chí chỉ mặt, chỉ tên. Nào dự án QL19 B, đoạn qua t/p Cần Thơ, đầu tư 455,6 tỷ đồng, vừa hoàn thành, đã phải chi sửa chữa 8,5 tỷ đồng. Dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên dài gần 20km, tổng số vốn của công trình này ước tính khoảng 1,1 tỉ USD, đã tăng lên 2,4 tỉ USD.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông ( Hà Nội) bị đội vốn gần 100%. Tổng mức đầu tư của dự án là 552,86 triệu USD, được điều chỉnh lên 891 triệu USD, tăng thêm 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội cũng tương tự. Dự án này ước tính tăng gấp 1,5 lần so với dự toán ban đầu năm 2006, (vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 783 triệu euro, nay đã điều chỉnh tăng thêm 492 triệu euro). Theo Bộ GTVT, chỉ trong vòng 3 – 6 năm qua, tổng mức đầu tư của các dự án qua quá trình thực hiện đã tăng trung bình 180% so với tổng mức được duyệt (100%)…. 
Rồi câu chuyện 80,9 tỉ đồng và 10,6km đường, vừa xong đã hỏng của gói thầu số 11, dự án bảo trì QL 05 (đoạn từ km 94 đến km 104+600) qua địa phận từ ngã ba Sở Dầu (quận Hồng Bàng) đến khu vực cảng Đình Vũ (quận Hải An, Hải Phòng) hằn lún tạo nên những rãnh như ruộng bậc thang. 
Điều kỳ tài, nhiều chuyên gia chỉ thẳng có chuyện “đi đêm” trong các dự án đội vốn, đấu thầu…, nhưng lãnh đạo ngành GT vẫn tin tưởng: Kết quả kiểm tra cơ bản cho thấy việc đấu thầu các dự án là tương đối minh bạch (Đất Việt, ngày 25/5). 
Nhưng minh bạch gì mà Bộ trưởng GTVT cứ giống như “Triệu Tử… Thăng” tả xung hữu đột, chỗ này “trảm” một tướng, chỗ kia yêu cầu dừng ngay việc thu phí vì đường quá xấu, giữa một… ma trận các nhóm lợi ích lớn, bé.
Kỳ tài nhất, có lẽ phải thuộc về cái vỉa hè “quý tộc” thuộc đoạn đường mệnh danh đắt nhất hành tinh, đoạn Ô chợ Dừa- Hoàng Cầu của Thủ đô Hà Nội. Tính ra 500 m đường ngốn hết 500 tỷ đồng, mỗi mét đường ở đây ngốn 01 tỷ đồng. Trong con mắt chuyên gia, lát vỉa hè là chuyện của mấy ông thợ, đâu phải đòi hỏi kỹ thuật cao siêu gì, tham quan nước ngoài nước trong gì, vậy mà mỗi cm vỉa hè ở đây, ngốn 10 triệu đồng. Chuyện vô lý mà có lẽ chỉ cái vỉa hè lẫn các cơ quan chức năng, các ngành các cấp quản lý con đường này mới biết rõ nhất, tiền đi đâu về đâu.
Và còn những con đường nào đã hỏng, đang hỏng và sắp hỏng, đã có tên và chưa có trong danh sách, còn đứng sau… cánh gà, chưa đến lúc thể hiện mình? 
Cái sự hỏng, lún của các con đường có thể khác nhau, nhưng ông chủ đích thực của tất cả con đường đắt giá tiền, rẻ chất lượng ấy là ai, nếu không phải là Đồng tiền? Ông chủ ấy, đủ sức sai khiến lương tâm, trách nhiệm các “nô tỳ”: Chủ đầu tư, chủ dự án, đấu thầu, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu, tất tần tật, theo kiểu bắt cởi trần phải cởi trần/ cho đô la mới được phần…đô la!
Những con đường quốc lộ hỏng, lún, xuống cấp, và con đường lớn của nước Việt đang đứng trước vô vàn thử thách khắc nghiệt, đang cần gì?
Chắc chắn những con đường đó không mong muốn sự tồn tại của các nhóm lợi ích ma giáo, ma quái, đủ kiểu, đủ hình thái.
Nhưng phép thần “quản lý công khai, minh bạch, và pháp luật thượng tôn” đến bao giờ mới xuất hiện, thực sự có hiệu nghiệm? Để cuối cùng, cái Ác thua cái Thiện, để người nghèo được hưởng hạnh phúc và xã hội thanh bình, như trong các câu truyện cổ tích tuổi thơ?

Không có nhận xét nào:

Trang