Tác giả: Đào Dục Tú
Từ những năm 30 thế kỷ trước, phong trào “Âu hóa” của nhóm trí thức Tây học kiến lập văn đoàn độc lập mang tên Tự Lực đã có tiếng vang và ảnh hưởng trước hết ở giới học sinh sinh viên và thị dân thành phố. Ở thời điểm này, hình ảnh người nhà quê với những thói tật phi văn minh, phi văn hóa nhìn từ góc độ Âu hóa, đã được đưa lên mặt công luận báo chí nhằm phê bình và gây cười. . . “xả hơi”.
Xã Xệ, Lý Toét trong những câu chuyện đàm tiếu và trong tranh vẽ trở nên quen thuộc với bạn đọc thời bấy giờ. Đối lập nhà quê với thành thị, dân nhà quê dân thành thị cũng là biến dịch, biến dạng sự đối lập tưởng như muôn thuở của văn minh làng xã, văn minh nông nghiệp phương đông trung cổ với văn minh phương tây, văn minh công nghiệp, giao thương hiện đại. Hai mặt đối lập một thời “đông là đông, tây là tây” thể hiện qua lối sống, lối cảm, lối nghĩ, lối phô diễn của hai loại người: Người nhà quê- người thành thị .
Nhận diện tiến trình phát triển từ góc độ văn hóa khoa học, ai chả biết người dùng nước máy sát trùng sạch khuẩn “tiến bộ” hơn người dùng nước ao tù! Ai chả biết trang nam nhi thành thị diện “comple” trông sáng sủa hơn anh chàng áo the khăn xếp búi tó đen xì. Ai chả biết tiểu thư khuê các quần là áo lượt đến trường nữ sinh bằng xe kéo trông xinh gái bắt mắt người đời hơn các chị nhà quê váy nhuộm bùn bạc phếch, áo nâu vá vai. .
Hiển nhiên dù thời thành thị Việt mới sơ khai cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 với ảnh hưởng trực tiếp văn minh Pháp, từ quy hoạch thành thị, kiến trúc đô thị, đến hình thành lớp trí thức thuộc địa, lớp thị dân tiểu tư sản buôn bán nhỏ, bảng giá trị phân biệt giữa nông thôn và thành thị chưa phải đã nhiều và sâu sắc như quá trình phân hóa sau này. Mặc dù đời sống thị dân cũng mới chỉ có phần bề nổi dễ thấy “con sen nước máy công cộng”, tiểu thuyết diễm tình rẻ tiền, mấy anh Xuân tóc đỏ “xài” tiếng Tây bồi ngọng nghịu, gọi bố mẹ là “thầy me” hay “cậu mợ” vân vân . . .
Thế nhưng một đàng cả làng “mắt toét là tại hướng đình”, ao tù nước đọng; một đàng là ánh điện sáng trưng, phố thị tưng bừng, hàng hóa sầm uất, “ngựa xe như nước áo quần như nêm” tưởng đã là hai thế giới biệt lập. Bao nhiêu mặt “hảo diệu” của người nhà quê làm nên văn minh lúa nước bốn ngàn năm chẳng thấy đâu, chỉ thấy người ta vạch ra đủ thứ tật tội của người nhà quê dưới ánh sáng văn hóa, dưới ánh sáng khoa học hiện đại phương tây.
Nào ăn tục nói phét, bói toán quàng xiên, ngô nghê ngu dốt, ăn bẩn ở thỉu v.v…, được các cây bút tây học và “nhuốm mùi tây học” với cái nhìn khách quan cộng với tài trào lộng của người Việt đã “cộng sức” bóc mẽ nhà quê giữa thanh thiên bạch nhật. Cái nhìn nhà quê phiến diện kiểu đó ăn sâu tới mức, đến thời bao cấp cách đây đâu đã lâu la gì mà còn tồn tại câu thành ngữ thời đại “nhà ngói nhà quê không bằng ngồi lê. . . thành thị” (có ghê răng không?)
Ấy thế nhưng người đời lại hồn nhiên quên mất cái gốc làng xã, cái gốc nhà quê và căn tính nông dân nghĩ cho cùng cũng chính là gốc gác, căn tính của người Việt. Nghĩ lại mà coi, huyền thoại giống nòi mình là chuyện trăm trứng đẻ ra trăm con, năm mươi người xuống biển theo cha rồng, năm mươi người theo mẹ tiên lên núi khai sơn phá thạch, dựng cơ nghiệp giống Lạc Hồng, xây đắp nền văn minh nông nghiệp lúa nước, lấy kinh nghiệm trồng cấy săn bắt làm “kiến thức” cơ bản.
Lấy đâu ra những thành thị văn minh cổ đại thuần thành như Aten, lấy đâu ra những nhà toán học như Pythagoras, vật lý học Archimedes, nhà triết học như Platon, Aristoteles v.v… Trước công lịch “người ta” đã “tiến” thế rồi. Còn mình, thời vua triều Nguyễn thế kỷ. . . 19 vẫn “không chấp nhận canh tân, không dám canh tân” ( như Minh Trị Thiên Hoàng bên Nhật) theo lời điều trần mười tám điều tâm huyết của cụ Nguyễn Trường Tộ, chả hề biết thông tin bên Tây người ta đã xài điện, xài máy hơi nước rầm rầm. Còn định đánh đòn (nghe nói thế) người đi tây về tâu trình bên đó có đèn… treo ngược!
Đặt trong bối cảnh lịch sử đại loại như thế, thử hỏi đô thị Việt đậm nét văn minh phương Tây “khởi sự” “khởi đầu” ra đời từ bao giờ, từ đâu, nếu không là cuối thế kỷ 19 “song sinh” với cuộc xâm lăng “khai hóa” của thực dân Pháp? Người Pháp đã mang theo họ không chỉ quy hoạch kiến trúc đô thị hiện đại, không chỉ “kinh tế tư bản” thị trường mà còn mang theo cả “triết học khai sáng” tư sản, tiểu thuyết, thơ lãng mạn, kịch nghệ, hội họa hiện đại với trường Mỹ thuật và tranh sơn dầu, hoạt động báo chí tân văn cùng hệ thống giáo dục tân tiến so với Nho học cuối mùa phong kiến Việt.
Những nhân tố đó “ngoài ý muốn thực dân cũ” nhưng đã đóng vai trò kích hoạt, cải hóa từ thị dân trung cổ sang thị dân hiện đại, từ thành thị kiểu phong kiến phương đông tập hợp các làng nghề, phường nghề, phường hội thành đô thị hiện đại. Làm sao trong khoảng thời gian chưa phải là dài, tính từ thời điểm tiếng súng đại bác của Pháp bắn vào thành Đà Nẵng uy hiếp một triều đình phong kiến bạc nhược đến những năm ba mươi thế kỷ 20, căn tính nông dân, gốc gác làng quê hàng nghìn đời đã có thể mất trong giới thị dân tiểu tư sản “hành nghề thủ công là chính” và buôn bán vặt cho được?
Cuộc giao thoa văn hóa, cuộc giao lưu văn hóa vừa tự nguyện vừa cưỡng bức do lý do lịch sử mất nước, không dễ một sớm một chiều gạt bỏ tận gốc căn tính đó trong mỗi một con người thị dân gốc gác làng xã. Chả thế mà “cụ đồ tây” Vũ Đình Liên từ những năm 40 thế kỷ trước, cho tới tận ngày nay, vẫn còn nổi tiếng với bài thơ Ông Đồ. Hình ảnh ông Đồ già viết câu đối đỏ. . . .mừng xuân là một trong những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt cổ điển.
Căn tính Việt,tâm thức Việt quả là bền bỉ trường tồn!
Không phải ngẫu nhiên trong vốn từ vựng của người Pháp hình như có Le Nhaque. Căn tính nông dân Việt, căn tính người làng xã Việt, người nhà quê Việt quá điển hình, quá đậm nét,”quá lạ” trong con mắt người phương Tây hiếu kỳ sẵn óc khoa học. . . tò mò, như một đặc trưng Việt thời họ song hành khai thác thuộc địa và khai hóa xứ sở này như họ “thích” thừa nhận.
Đã gọi là căn tính thì dù “tôi và chúng ta” có được thời đại a- còng và học thức, học lực, làm nhòe mờ bớt những nét tính cách. . . cù lần quê kệch, thì trong con mắt thị dân hiện đại mới “giầu xổi”, mới phất lên nhờ khai thác cơ chế thị trường, biết đâu có thể họ vẫn thấy mình. . . như Le Nhaque. Có sao đâu nào !. Ai không biết một thực tế hiển nhiên “như chân lý”, căn tính Việt chính là nguồn gốc sức mạnh tinh thần Việt.
Vấn đề còn lại là. . .”hiện đại hóa căn tính gốc”, loại bỏ những “hạn chế lịch sử” để Le Nhaque sớm hòa nhập với cuộc sống hiện đại thời. . . toàn cầu hóa mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét