Dương Đình Giao
Theo blog Ông Giáo Làng
Theo blog Ông Giáo Làng
Theo công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới – World Economic Forum – vào đầu tháng 9/2013, nền giáo dục Việt Nam so với khu vực Asean vào hạng “đội sổ”, thua kém hơn cả Cam-pu-chia! Trong đó, Singapore vượt lên đứng đầu (nên nhớ rằng ông Lý Quang Diệu đã từng mơ ước Singapore có được nền giáo dục khai phóng của Việt Nam từ những năm 1960.
Thật là xót xa!
Qua 68 năm, đảng cộng sản Việt Nam đã đẩy nền giáo dục nước ta xuống tới đáy. Nguyên nhân hàng đầu chính là do giáo dục dưới sự lãnh đạo của đảng không phải để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước mà giáo dục chỉ có một mục đích phục vụ chính trị, phục vụ cho đảng cũng như văn học nghệ thuật. Điều này đã được khẳng định ngay từ năm 1948 trong Đề cương văn hóa Việt Nam trong bài viết của ông Trường Chinh.
Hiện nay, giáo dục chỉ được coi là một phần của công tác dân vận, công tác tuyên huấn, làm giáo dục để phục vụ cho đảng, chứ giáo dục chưa được coi là một khoa học. Vì thế, giáo dục:
1. Chỉ nhằm chứng minh nhờ có đảng cộng sản Việt Nam (từ sau sẽ viết gọn là “đảng”, không viết hoa) tài ba, sáng suốt đã lãnh đạo giáo dục không ngừng phát triển. Trong chiến tranh thì dù bom đạn của đế quốc Mỹ ác liệt thế nào nhưng học sinh vẫn đến trường, vẫn lên lớp, vẫn đỗ tốt nghiệp 100%. Kinh tế vô vàn khó khăn nhưng nhờ đảng lãnh đạo sáng suốt nên vẫn phổ cập giáo dục tiểu học rồi đến phổ cập trung học cơ sở. Đến bây giờ, dù kinh tế có suy thoái, nhưng trường trung học, đại học ở khắp nơi. Nhiều tới mức không có người học! Nhưng những trường ấy mở ra nhằm phục vụ cho ai? Học sinh có nhu cầu học tập thật sự không hay chỉ là học theo phong trào, là tâm lý chạy theo đám đông. Học xong đều nằm dài chờ việc, tới nay, đã có tới 72.000 người có bằng cử nhân thạc sĩ mà không sao kiếm được việc làm. Điểm thi đầu vào 3 môn mà chỉ 6, 7 điểm, thấp như thế thì học đại học thế nào? Nhưng bất chấp tất cả, trường vẫn cứ như nấm sau cơn mưa. Vì những người mở trường có lợi nhuận, giáo viên thêm chỗ dạy, có thể kiếm thêm bù vào tiền lương do nhà nước trả quá rẻ mạt, các cấp quản lý do đảng lập ra cũng có lợi vì anh nào mở trường mà chẳng phải có phong bì, xin một cái dấu ở phường ở xã còn phải phong bì nữa là xin mở cả một trường đại học. Khá nhiều trường không có địa điểm, không có giáo viên cơ hữu, thậm chí còn không có cả người học (vì không đủ điểm sàn), người dạy thì cũng chỉ là “cử nhân đào tạo cử nhân”. Đất nước chậm phát triển, lạc hậu nhưng vẫn tự hào vì số lượng tiến sĩ nhiều nhất Đông nam Á. Từ đó, gian dối trở thành căn bệnh phổ biến. Cái gì, ở đâu cũng trong tình trạng “nói vậy mà không phải vậy”. Tỷ lệ lên lớp luôn luôn là 100% mặc dù nhiều học sinh học đến lớp 6 lớp 7 vẫn chưa biết đọc, học sinh tiên tiến của lớp 9 vẫn không làm nổi một phép tính chia. Số lượng tiến sĩ thì nhiều nhất Đông nam Á nhưng chẳng có mấy tiến sĩ viết được luận văn, phần lớn là phải “đạo” ở các “chợ luận văn”, chẳng có công trình nghiên cứu nào được thế giới ghi nhận. Và suốt ngần ấy năm, con Lạc cháu Hồng vẫn đứng đội sổ trong những đóng góp cho nhân loại. Gian dối bất chấp quy luật. Đi học phải có người giỏi, người kém, người đủ khả năng lên lớp, người phải ở lại học thêm một năm nữa, …nhưng luôn luôn lên lớp 100%. Phụ huynh thấy con mình học kém, cần phải học lại để củng cố kiến thức lớp dưới mới hy vọng tiếp thu được kiến thức ở lớp trên, xin học lại một năm nữa, nhà trường cũng không cho vì như thế “ảnh hưởng đến thi đua”. Lẽ ra, gia đình học trò nghèo thì chỉ nên giúp họ đạt một trình độ tối thiểu (hết tiểu học, hay trung học cơ sở chẳng hạn), rồi giúp họ đi học nghề. Còn ít tuổi, đi học nghề, tiếp thu càng nhanh, càng có thời gian rèn luyện tay nghề, trau dồi phẩm chất của người làm nghề. Nhưng vì đảm bảo chỉ tiêu đến lớp nên tìm mọi cách vận động họ đến lớp, dù họ chẳng có hứng thú gì để học. Thế là suốt mấy năm học, tưởng là sẽ tốt hơn nhưng thực ra chỉ hư hỏng con người. Kiến thức thì chẳng thêm được bao nhiêu nhưng tiêm nhiễm thêm bao nhiêu thói xấu nhất là lười biếng và gian dối.
2. Chương trình học lạc hậu, rất nhiều tri thức đã bị người ta vứt vào sọt rác của lịch sử rồi nhưng vẫn bắt học sinh phải học. Tục ngữ có câu “Nó lú nhưng chú nó khôn”. Sách giáo khoa, thầy cô thì dạy như thế, nhưng gia đình học sinh không ít người hiểu biết họ thừa biết đó là những điều đã lỗi thời, chẳng lẽ học trò không biết. Biết rồi liệu có hy vọng học sinh toàn tâm toàn ý mà học không? Vì sao học sinh chán môn sử? Một nguyên nhân quan trọng là do sách giáo khoa lịch sử chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi của đảng. Gọi là lịch sử Việt Nam nhưng thực chất là lịch sử đảng. Lịch sử chỉ chứng minh là đảng tài giỏi, “công ơn đảng như biển rộng núi cao”, chiến đấu thì “ta thắng địch thua”, xây dựng chú nghĩa xã hội thì “thắng lợi rực rỡ”, lúc nào, ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào cũng “chiến thẳng vẻ vang” cả, không bao giờ có sai lầm khuyết điểm thất bại. Thậm chí, nhiều nhân vật, sự kiện lịch sử cũng bịa đặt nhằm phục vụ cho lợi ích của đảng. Sao học trò có thể hứng thú mà học được?
3. Vì chỉ để phục vụ cho mục đích của đảng nên sử dụng con người cũng vô cùng sai lầm. Ai làm đúng ý đồ của đảng thì được đảng sử dụng, đề bạt, bất kể tài năng, đức độ. Gần đây đã xuất hiện tục ngữ mới, đó là những người “tài năng có hạn, khốn nạn vô biên”. Ai hành xử theo lương tâm nghề nghiệp, tâm huyết với sự nghiệp thì bạc đãi, vô hiệu hóa. Chỉ nói chuyện nhỏ, như việc coi, chấm thi. Ai coi thi nghiêm túc không cho học trò gian lận thì không cử đi coi nữa. Vì như thế ảnh hưởng đến danh hiệu thi đua. Những người mặc kệ cho thí sinh muốn làm gì thì làm, phòng thi ồn ào như cái chợ thì chẳng sao. Khi nào có cấp trên đến kiểm tra, khi xe ô tô “toe toe” còi ngoài cổng trường, trong lúc bảo vệ từ từ đi mở khóa cổng, lãnh đạo hội đồng coi thi đi từng phòng nhấm nháy ra hiệu, trông thật bất lương đáng xấu hổ. Sau khi dạo qua một vòng, nhận thấy “tình hình coi thi rất nghiêm túc”, cấp trên nhận cái phong bì thế là xong cuộc thanh tra. Ô tô cấp trên ra khỏi cổng trường thì đâu lại hoàn đấy. Đi chấm thi ai chấm đúng đáp án, biểu điểm, không chịu thay đổi, nâng điểm cho những bài do lãnh đạo chấm thi đưa xuống thì lần sau không cử đi chấm nữa. Để dễ sai khiến, người ta dùng tiền “bồi dưỡng”. So với tiền lương, tiền bồi dưỡng coi, chấm thi không phải là nhỏ. Tiền này do học sinh đóng góp, dân gian gọi là tiền “chống trượt”. Thực chất, đây là một khoản tiền “lót tay” để thầy cô giáo làm ngơ cho học sinh gian dối khi coi thi, dễ dãi lúc chấm thi. Từ trước khi bước vào thiên niên kỷ mới, ngoài số tiền phụ huynh đóng góp cho nhà trường ra, đã có hiện tượng thí sinh trong một phòng thi nộp tiền, cho vào phong bì đặt trên bàn của giám thị.Thế là hai bên đều có lợi. Học sinh thì đỗ cao, còn đảng thì được mang tiếng lãnh đạo tài tình. Chỉ có dân là thiệt. Dân thiệt là vì mất tiền cho con đi học, cứ tưởng con mình được học hành “đến nơi đến chốn” nhưng thực chất là học hành chẳng ra gì, chỉ có cái đầu rỗng tuếch; dân thiệt là vì, mất tiền cho con đi học, đã không được kiến thức, còn nhiễm thêm cái tính dối trá, dối trá ngay từ khi vào lớp 1 nên đến lớp 12 thì bệnh dối trá này đã trầm trọng lắm rồi, cho đến hết đời không chữa nổi, thế là cả đời thành kẻ dối trá, dối trá mà không mảy may áy náy; dân thiệt là vì tiền thuế đóng góp tưởng là để xây dựng đất nước, nhưng thực tế, cái tiền thuế mồ hôi nước mắt ấy cuối cùng nó quay lại hại chính mình.
Cấp dưới dối cấp trên, cấp trên thừa biết nhưng vẫn làm như không biết, vẫn tỏ ra tin là thật. Rồi cấp trên lại dối cấp trên nữa…Cấp trên nói, cấp dưới nghe, biết thừa là cấp trên “xạo”, nhưng vẫn tỏ ra tin tưởng, xoa tay khen cấp trên sáng suốt. Vì cứ “Tít mù nó lại vòng quanh” như thế thì hai ba bên đều có lợi.
Lối làm ăn gian dối khiến cho những người có tâm huyết chán nản. Nếu thi cử nghiêm túc thì ai dạy thế nào có thể biết ngay. Tỷ lệ thi đỗ sẽ là công cụ nhắc nhở hữu hiệu cho người thầy. Trò không cố, vì không làm được thì nhìn bài của người bên cạnh, thì sẽ có người ném bài cho. Sự kiện Đồi Ngô (Bắc Giang) năm ngoái, Nam Lương Sơn (Hòa Bình) năm nay đâu có hiếm. Chỉ có người ta làm như thể không biết mà thôi. Thầy cũng chẳng cố nữa, vì cố để làm gì, mình chẳng dạy “nó” cũng vẫn cứ đỗ. Học trò đỗ là “hoàn thành xuất sắc rồi”! Có những thầy do lương tâm cắn rứt vẫn cố thì học trò cũng chẳng học.
Tôi vẫn hay nói vui, ngày trước thực dân Pháp ngu dân bằng cách không cho đi học (số người đi học chỉ khoảng 5% ), còn ta bây giờ ngu dân bằng cách cho đi học nhưng không cho biết gì. Cứ xem cách học ngoại ngữ là đủ biết. Trước đây, học trò chỉ cần học hết trung học cơ sở (thành chung) là đã có thể sử dụng thành thạo tiếng Pháp, ai học hết trung học (đỗ tú tài) thì trình độ đã cao lắm rồi. Tôi biết các dịch giả nổi tiếng như nhóm Lê Quý Đôn (các cụ Huỳnh Lý, Đỗ Đức Hiểu, Lê Trí Viễn,…)dịch tiếng Pháp. Các cụ Bùi Phụng, Bùi Ý, Đặng Thế Bính, Vũ Cận, …dịch tiếng Anh đâu có học đại học, làm gì có điều kiện đi du học nước ngoài? Nhưng đến nay hình như cũng chưa thấy có ai vượt được các cụ. Nhưng nay, học tiếng Anh từ lớp 6 dến lớp 12, 7 năm tất cả, trình độ thế nào? Sinh viên các trường ngoại ngữ học thêm 4, 5 năm nữa, có mấy ai đọc hết được một cuốn sách bằng thứ tiếng ấy. Thế mà đang định dạy tiếng Anh từ cấp tiểu học. Thật “xót tiền dân”!
Nhân đây, tôi mong các cụ đã học qua thời Pháp kể lại cách học ngoại ngữ cũ để các vị quan chức Bộ Giáo dục được “mở rộng tầm nhìn”.
Từ mục đích đã không được xác định một cách đúng đắn, giáo dục ta suốt gần bảy mươi năm nay vẫn lạc hướng, vẫn chẳng làm được những điều có lợi cho dân cho nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét