31 tháng 1, 2013

HIẾN PHÁP NƯỚC NGOÀI VIẾT VỀ ĐẢNG CẦM QUYỀN RA SAO?



                                                                                          Hải Hoành


Hiến pháp hầu hết các nước đều không nói gì về đảng cầm quyền. Tại một số nước giới thiệu dưới đây, Hiến pháp có viết về sự lãnh đạo của đảng cầm quyền.
1) Liên Xô cũ : chỉ có một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản (ĐCS) đồng thời là đảng cầm quyền. Trong thời gian tồn tại (1917-1991), nước này đã sử dụng 4 bản Hiến pháp.
Hiến pháp 1918 (còn gọi là Hiến pháp Lê-nin) và Hiến pháp 1924 (Lê-nin có chỉ đạo soạn thảo) không nói gì về ĐCS Liên Xô, dù Đảng đã lãnh đạo nhà nước ngay từ sau Cách mạng Tháng Mười.
Hiến pháp 1936, còn gọi là Hiến pháp Xta-lin [1], là Hiến pháp tồn tại lâu nhất (41 năm), và lần đầu tiên nói tới vai trò lãnh đạo của ĐCS Liên Xô, nhưng không nói tại các chương trình bày về cơ cấu xã hội và nhà nước, mà chỉ nói tại một phần trong Điều 126 thuộc « Chương X — Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân ».
Điều 126 viết : « Để phù hợp với lợi ích của người lao động và nhằm phát huy tính tự lập về tổ chức và tính tích cực về chính trị của quần chúng nhân dân, công dân Liên Xô được đảm bảo có quyền tập hợp trong các tổ chức xã hội như : công đoàn, hợp tác xã, đoàn thanh niên, các tổ chức thể thao và quốc phòng, các hội văn hóa, khoa học và kỹ thuật ; và những công dân tích cực và giác ngộ nhất trong hàng ngũ giai cấp công nhân, nông dân lao động và trí thức lao động tự nguyện tập hợp lại trong Đảng Cộng sản Liên Xô, là đội ngũ tiên tiến của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng xã hội cộng sản và là hạt nhân lãnh đạo của tất cả các tổ chức của nhân dân lao động — các tổ chức xã hội cũng như các tổ chức nhà nước. » 
Điều 126 cho thấy ĐCS coi mình là một trong các tổ chức xã hội, chỉ khác ở chỗ là hạt nhân lãnh đạo của tất cả các tổ chức xã hội và nhà nước ; không coi Đảng là một tổ chức quyền lực, không buộc xã hội phải thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng như một đặc quyền.
Hiến pháp 1977 (Hiến pháp Brê-giơ-nep) [2] đề cập nổi bật vai trò lãnh đạo của ĐCS Liên Xô bằng Điều 6 trong « Chương I — Chế độ chính trị » :
« ĐCS Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Xô viết, là hạt nhân của hệ thống chính trị, của nhà nước và các tổ chức xã hội. ĐCS Liên Xô tồn tại vì nhân dân và phục vụ nhân dân. ĐCS Liên Xô được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lênin quyết định chính sách đối ngoại, đối nội của Liên Xô, lãnh đạo các hoạt động sáng tạo vĩ đại của nhân dân Liên Xô, làm cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi cho chủ nghĩa cộng sản có đặc điểm là có kế hoạch, có căn cứ khoa học. Mọi tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp Liên Xô. » 
Quy định này có tính pháp lý rõ rệt, khác với Điều 126 Hiến pháp 1936. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cho biết Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 1980 là học Điều 6 Hiến pháp 1977 Liên Xô.
Tháng 3/1990, Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô thông qua quyết định sửa đổi Hiến pháp, hủy bỏ quy định về địa vị lãnh đạo của ĐCS Liên Xô, tuyên bố tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các chính đảng tham gia xây dựng và quản lý nhà nước, xã hội. Sau sự kiện 19/8/1991, ĐCS Liên Xô tuyên bố tự giải thể.
2) Trung Quốc cho tới nay đã sử dụng 4 bản Hiến pháp.
Hiến pháp 1954 trong Lời Nói Đầu (không thuộc phần chính văn của Hiến pháp nên không phải là quy định pháp luật) có nói về địa vị lãnh đạo của ĐCSTQ trong Mặt trận Thống nhất nhưng không xác nhận địa vị đó đối với toàn bộ nhà nước, cũng không có quy định chức quyền của Đảng trong đời sống nhà nước. Các điều văn trong Hiến pháp hoàn toàn không nói gì tới đảng.
Hiến pháp 1975 (ban hành trong Cách mạng Văn hóa) có 30 điều. Các Điều 2, 13, 15 và 16 đều quy định « ĐCSTQ lãnh đạo » ; Điều 26 viết : « Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân » trước hết là « ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCSTQ ». Hiến pháp 1975 xác nhận địa vị lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ đời sống nhà nước và có quy định cụ thể về chức quyền của ĐCSTQ, như quyền lãnh đạo và quyền thống soái về quân sự, quyền lãnh đạo Quốc hội, quyền đề cử Thủ tướng. Nhưng không có quy định trình tự Đảng phải tuân theo khi hành xử các chức quyền đó.
Hiến pháp 1978 (Hoa Quốc Phong chủ trì soạn thảo) cơ bản giữ lại các quy định về địa vị pháp lý của ĐCSTQ như Hiến pháp 1975, chỉ bỏ đi quy định về quyền lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.
Hiến pháp 1982 được soạn thảo từ năm 1980, sau khi ĐCSTQ quyết định tiến hành Cải cách mở cửa. Hiến pháp được đưa ra toàn dân thảo luận, Quốc hội thông qua và ban hành ngày 4/12/1982.
Hiến pháp hiện hành [3] là Hiến pháp 1982 có bổ sung 4 Tu chính án do Quốc hội đưa ra vào các năm 1988, 1993, 1999 và 2004. Trừ Lời Nói Đầu (không có tính pháp luật) ra, tất cả các điều văn (138 điều) trong chính văn Hiến pháp hoàn toàn không có từ « Đảng Cộng sản » và « cộng sản ». Theo giải thích đó là vì Báo cáo chính trị tại Đại hội XII ĐCSTQ (9/1982) chỉ rõ : « Đảng không phải là tổ chức quyền lực ra lệnh chỉ huy quần chúng ». Điều lệ mới của Đảng đưa ra quyết định lịch sử : « Đảng phải hoạt động trong phạm vi Hiến pháp và pháp luật ». Từ năm 1941 Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố phản đối « Dĩ đảng trị quốc » (dùng đảng cai trị đất nước).
Hiến pháp 1982 tồn tại lâu nhất và được giới lý luận Trung Quốc đánh giá là Hiến pháp tốt nhất của nước này.
3) Triều Tiên : Hiến pháp hiện hành được thông qua năm 2009 đã bỏ tất cả các câu nói về chủ nghĩa cộng sản trong Hiến pháp trước (1979) ; chỉ dùng từ chủ nghĩa xã hội và tư tưởng chủ thể.
Ngày 13/4/2012, Quốc hội thông qua pháp lệnh « Phê chuẩn Tu chính án Hiến pháp XHCN nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên », đưa ra quy định « đồng chí Kim Jong Il  [đã mất từ 17/12/2011] là Chủ tịch vĩnh viễn Ủy ban Quốc phòng » nước này, đặt thêm chức vụ Chủ tịch thứ nhất Uỷ ban quốc phòng và quy định người này là « Nhà lãnh đạo tối cao » của CHDCND Triều Tiên [hiện nay là ông Kim Jong Un, con ông Kim Jong Il, cháu nội ông Kim Nhật Thành (tức Kim Il Song, mất 8/7/1994)]. Lời Nói Đầu Tu chính án Hiến pháp có 17 lần nhắc tới tên Kim Nhật Thành, trong đó 6 lần gắn sau từ Lãnh tụ vĩ đại ; và gọi đây là Hiến pháp Kim Nhật Thành.
Tu chính án Hiến pháp [4] có 7 chương, 166 điều, chỉ có hai điều văn dùng tới từ « đảng » :
Điều 11 trong « Chương I — Chính trị » viết : « Nước CHNDDC Triều Tiên tiến hành mọi hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Triều Tiên. »
Điều 67 thuộc « Chương V — Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân » có câu « Nhà nước cung cấp điều kiện tự do hoạt động cho các chính đảng dân chủ và đoàn thể xã hội. » Điều này có lẽ không thực tế vì ở nước này chỉ có một chính đảng duy nhất là Đảng Lao động Triều Tiên.
Tu chính án Hiến pháp chỉ có một chỗ nhắc tới chủ nghĩa cộng sản, đó là Điều 29 trong « Chương II — Kinh tế » : « Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản được xây dựng dựa vào sự lao động sáng tạo của nhân dân lao động. »
4) Lào : Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào chỉ có một chính đảng duy nhất là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Hiến pháp Lào được Nghị viện Nhân dân tối cao thông qua ngày 14/8/1991, gồm 10 chương, 80 điều [5]. Trong Lời Nói Đầu có hai chỗ dùng từ « đảng », đó là Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hiện nay.
Trong toàn bộ các điều văn chỉ có một lần nhắc tới từ « đảng », đó là Điều 3 thuộc « Chương I — Chế độ chính trị » : « Quyền làm chủ nhà nước của nhân dân các bộ tộc Lào được bảo đảm và thực hiện thông qua chế độ chính trị với hạt nhân lãnh đạo là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. »
5) Cuba : Hiến pháp nước Cộng hòa Cuba có 12 chương gồm 141 điều [6], được toàn dân bỏ phiếu thông qua. Trong Hiến pháp, tại « Chương I — Cơ sở chính trị, xã hội và kinh tế của nhà nước » có hai chỗ nhắc tới từ « đảng ».
Điều 5 : « Đảng Cộng sản Cuba — đội tiên phong chủ nghĩa Mác-Lê có tổ chức của giai cấp công nhân — là lực lượng lãnh đạo tối cao của xã hội và nhà nước, tổ chức và chỉ đạo mọi người cùng cố gắng đạt tới mục đích cao cả xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến tới tương lai chủ nghĩa cộng sản. »
Điều 6 : « Liên đoàn thanh niên cộng sản — tổ chức thanh niên tiên tiến — dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý công tác đào tạo các thành viên tổ chức này trở thành người cộng sản tương lai và sử dụng các phương pháp giới thiệu thanh niên tham gia học tập, tham gia các hoạt động yêu nước, lao động, quân sự, khoa học và văn hóa để thúc đẩy dùng tư tưởng cộng sản giáo dục thế hệ thanh niên. »
Chú ý :
1) Liên Xô cũ, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp Lào không có từ chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lê, cộng sản ; Điều 2 viết : « Nước CHDCND Lào là nhà nước dân chủ nhân dân. ».
2) Tại 4 trong 5 nước nói trên chỉ tồn tại một chính đảng duy nhất (và là đảng cầm quyền). Riêng Trung Quốc thực hành cơ chế hợp tác đa đảng giữa ĐCSTQ cầm quyền với 8 đảng phái dân chủ trong một mặt trận thống nhất gọi là Hội nghị Hiệp thương chính trị. Lời Nói Đầu Hiến pháp Trung Quốc viết : Chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị do ĐCSTQ lãnh đạo sẽ tồn tại và phát triển lâu dài. Ngoài ra do áp dụng thể chế một nước hai chế độ nên hai đặc khu hành chính Hồng Công và Ma Cao thuộc Trung Quốc vẫn giữ chế độ đa đảng. □
                                                               Hồ Anh Hải

Không có nhận xét nào:

Trang