31 tháng 1, 2013

Vui một tí


                                                                           Anh Nguyên

                 MÌNH CHỈ TRÓT

Ông bác sĩ nha khoa hỏi bệnh nhân là bạn thân
- Hôm trước ông nhờ tôi nhổ hộ mấy cái răng sâu, tôi đợi mãi mà chẳng thấy ông đến, vì sao vậy?
- Xong rồi, không phải nhờ ông nữa.
- Chắc uống thuốc, hay nó tự rụng hả?
- Không phải. Mình chỉ trót cãi bà xã có một câu. Thế là…xong!


                             THỂ LOẠI

Một đấng mày râu nói chuyện với bạn
- Cuộc đời mình đúng như một bài thơ.
- Ô, tuyệt quá nhỉ! Bài thơ ấy thuộc thể loại nào?
- Nó thuộc thể loại thơ…trào phúng!
-!!!


                   LẤY GHẾ RÁN…GHẾ

Vợ hỏi chồng là sếp cấp tỉnh
- Bằng cách nào mà anh xoay được khoản tiền kếch xù “chạy ghế” từ huyện lên tỉnh?
-Rất đơn giản, dùng chiêu “Ghế rán ghế”!
- Nghĩa là sao?
- Là thế này. Trước khi lên chức, cấp tập kí quyết định “thay ghế” cho dăm cậu trong cơ quan mình!
-!!!


                               CHỈ CÓ MỘT CÁCH

Nhà thơ trẻ hỏi nhà thơ gạo cội
- Bác nổi tiếng và có nhiều kinh nghiệm, cháu  hỏi bác, làm thế nào để thơ được bay cao bay xa?
- Theo mình, ngày nay chỉ còn một cách. Sau khi làm xong, lấy dây buộc bài thơ vào bóng bay rồi thả lên trời!
-!!!


                                            MUA LÀM GÌ?

Gặp nhau trong hiệu thuốc, người đàn ông hỏi bạn
- Ông đã đình sản, còn mua que thử thai làm gì?
- Mình đã đình, còn bà xã mình thì chưa!

Em ơi, Hà Nội...kẹt



                                                                    Thái Sinh

Bác Thảo Dân quay chiếc điếu thuốc lào về phía  lão Cò. Hình như lão không để ý, đầu óc lão miên man với những dòng suy tưởng. Hôm rồi thằng cháu giao nhiệm vụ cho lão về Hà Nội làm công tác “ngoại giao”. Mặc dù đã lâu rồi lão không ló mặt về Hà Nội, bởi thế lão hơi ngại, nó bảo:

- Việc này cháu chỉ tin tưởng mỗi bác thôi. Nghe danh Tiến sĩ Cò họ mới tiếp...
Lão thở dài:
- Hà Nội đất ngàn năm văn hiến, tiến sĩ nhan nhản đầy đường, chứ cái danh tiến sĩ mua như tao chém bảy ngày không hết, đất Hà thành thiếu gì?
- Dưng mà bác ơi, chỉ bác mới làm nổi việc này...
Hoá ra là nó nhờ bác mang phong bì tới Bộ nọ, Ban kia và các nhà thầu chính A,B,C...chúc mừng năm mới. Đường ra vào Hà Nội chật cứng xe biển số các tỉnh. Xe nào cũng hối hả, chen lấn tranh dành nhau từng xăng ti mét đường, ai cũng muốn chạy thật nhanh sợ không kịp giờ. Phải vật lộn gần ngày trời lão mới thoát ra khỏi Hà Nội, tự dưng lão lẩm bẩm: Em ơi Hà Nội...kẹt.
Bác Thảo Dân nghe thế thì ngơ ngác hỏi:
- Lão ngủ mê hay sao vậy? Lão định làm nhạc sĩ hay sao mà lại chế lời bài hát? Em ơi Hà Nội phố, chứ có phải là em ơi Hà Nội kẹt đâu.
Lão Cò bật cười:
- Hà Nội...kẹt, đúng là Hà Nội đang trong những ngày kẹt xe kinh khủng. Năm nào cũng vậy, từ rằm tháng Chạp đến ba mươi tháng Chạp đường Hà Nội chật cứng xe các tỉnh, cứ như họ đang đổ dồn về Hà Nội xem quái thú không bằng.
- Họ đổ xô nhau về Hà Nội làm gì?
- Chúc Tết...
- Nghe nói Chính phủ có chỉ thị cấm chúc Tết lãnh đạo cấp trên, thì xe các tỉnh đổ dồn về Hà Nội làm gì?
- Chỉ thị cấm chúc Tết lãnh đạo, nhưng không cấm chúc Tết vợ lãnh đạo, thì các tỉnh cứ về bác ạ.
- À, hoá ra là như vậy- Bác Thảo Dân lẩm bẩm, bỗng dưng bác cất tiếng hát giọng khàn đặc thuốc lào- Tháng Chạp vui sao Hà Nội...kẹt/ Kẹt mà các quan vui Hà Nội ơi...


CON GÀ TRỐNG VÀNG

Trịnh Kim Thuấn

TRẦN SINH vốn là một hào gia, ngụ thành Tây, đất Kinh kỳ, ngàn năm văn vật. Tính tình đôn hậu lại hào phóng, kết giao bằng hữu các nơi, mọi người đều mến phục. Thuở thiếu thời từng nấu sử, sôi kinh, nhưng không thích chốn quan trường : vào luồn, ra cúi, nên không ra ứng thí, ở nhà cai quản sản nghiệp tổ tiên để lại, rãnh rang thì đi thăm viếng bằng hữu, du sơn, ngọa thủy.
Thuở trẻ, một lần đi chơi núi Yên T, tình cờ gặp được mấy ông Tiên đang chơi cờ, Trần Sinh hăng hái tình nguyện làm người phục dịch. Buổi chiều tan cuộc cờ, mấy ông Tiên cảm kích, một ông Tiên bảo Sinh :
- Chúng ta 100 năm mới đến đây chơi cờ 1 lần, nay gặp được ngươi đây, âu cũng là duyên phận, cảm kích công lao của ngươi từ sáng đến giờ, ta ban cho ngươi 1 phép mầu là nghe và hiểu được tiếng nói của muông thú, đổi lại ngươi không được kể lại cho ai nghe cả, nếu trái lời chết ngay tức khắc. Đồng ý chứ !
Trần Sinh : Dạ ! con đồng ý ạ ! đồng thời cám ơn rối rít .
Kể từ ấy,  Trần Sinh nghe và hiểu được tiếng nói của muông thú, tính tình đôn hậu, lấy cái may mắn làm vui, có dịp giúp chúng nó được thì giúp, chứ không sử dụng lợi thế đó mà tàn hại bọn chúng.
Điển hình như : Một chú cọp bị hóc xương, nuốt vào không được, nhả ra không xong, cả tháng không ăn uống chi cả, cọp ta ốm chỉ còn da với xương. Sinh đi ngang bảo cọp há miệng ra, móc xương giúp cọp, cọp lấy làm cảm kích khôn cùng.
Một lần đi chơi nghỉ trưa trong rừng, nằm cạnh tổ kiến to, nghe chúng than thở : Ngày mai có bão, lũ lớn ập vào đây, thời gian gấp quá, không di dời  kịp, có lẽ ngày mai có số chết chìm, có số chết trôi, có số làm mồi cho cá … Trần Sinh liền dời ngay Tổ kiến lên đồi cao, cứu được hàng triệu sinh linh nhà kiến ……..
Đến năm 50 tuổi, cưới thêm 1 người vợ lẽ (chổ nầy, đến nay tôi chưa hiểu, ai biết chỉ giúp : vợ chánh là 1, vợ kế là 2, vậy 2 là chẳn, sao gọi là lẽ) để tiện gọi là bà Hai nhé.
Bà Hai còn trẻ (trên 20 tuổi) và đẹp (đẹp mới cưới, chứ xấu thì sống với vợ cũ cho rồi, cưới thêm làm gì). Vì biết mình trẻ và đẹp, nên bà Hai chảnh và nhõng nhẽo tợn, lúc đầu Trần Sinh còn thấy vui vui, càng ngày càng oải, đôi khi bực mình, rồi lại tự cười nhạo mình “ đường thẳng không đi rước cục nợ về, đáng cái tội già mà ham”.
Một đêm nọ, đang dỗ giấc ngủ. Trần Sinh nghe con bò và con ngựa nói chuyện với nhau ngoài chuồng.
Bò than thở : Anh ngựa ơi ! số của anh sao mà sung sướng quá, ban ngày thỉnh thoảng chỉ cỡi ông chủ đi công việc, hoặc đi chơi, công việc thật nhàn nhã. Còn tôi, trời mờ sáng, có hôm chưa tỏ mặt người, thằng Chăn quăng cho nắm rơm, nắm cỏ xong, lôi mũi dẫn ra đồng bắt cày, bừa … Phải vậy xong đâu, đi chậm nó cũng đánh, đi lẹ nó cũng đánh, đi bên phải nó cũng đánh, đi bên trái nó cũng đánh ,như đêm rồi nó hẹn con bồ của nó ch đống rơm sau nhà, đêm đó con nhỏ không đến, nó ngồi chờ đến khuya, bị muỗi cắn, hôm sau nó trút giận lên cái lưng của tôi quá trời, giận quá tôi muốn quay đầu lại húc nó 1 cái cho bõ tức,nhưng tôi không dám, nó không chết, chắc mình chết .
Ngựa : Tại anh ngu quá, anh phải chịu thôi, người ta thường nói ngu như trâu, ngu như bò đó hay sao ? thôi để tôi chỉ cho anh 1 kế, để anh khỏi cực nhé !
Bò : Kế chi, làm ơn chỉ cho tôi đi anh Ngựa.
Ngựa : Sáng mai, thằng Chăn vào quăng cỏ cho anh, anh giả bệnh đừng ăn, nó lôi anh đứng dậy, anh giả bộ đứng dậy không nổi, như thế là ngày mai anh khỏi phải đi cày.
Bò : Hay quá ! mai tôi nghe theo lời anh .
Sáng sớm, Trần Sinh nghe tiếng thằng chăn gọi : Ông chủ ơi, con bò bị bệnh rồi, mà đất đã lãnh cày cho nhà thằng Đậu, để kịp xuống giống, phải làm sao ?
Trần Sinh : Bò đau, thì bắt ngựa cày thế chứ sao !
Thế là ngày hôm ấy công việc của con bò được con ngựa làm thế, Bò ở nhà nhởn nhơ nhai cỏ, lấy làm khoái chí.
Trần Sinh để ý theo dõi, chiều tối khi ngựa ta về tới chuồng, mặt mày bơ phờ, trông thật là thê thảm. Trần Sinh cười thầm :" Cho đáng đời, rõ vẽ chuyện ,đồ tào lao”.
Tối đến , Trần Sinh chờ nghe tiếp câu chuyện của bò và ngựa.
Ngựa : Anh Bò ơi ! nghe tin gì chưa ?
Bò : Tin chi vậy anh ngựa ?
Ngựa : Anh tiêu đời rồi, ngày mai ông chủ sẽ làm thịt anh .
Bò : Trời ơi ! tại sao lại giết tôi ?
Ngựa : Thì tại anh bệnh, không cày bừa được nữa, chẳng lẽ nuôi anh tốn cơm à !
Bò : Cứu tôi với anh ngựa ơi ! tôi chưa muốn chết, tôi chưa có vợ mà !
Ngựa : Vậy thì sáng mai thằng Chăn quăng cỏ vào, anh ăn cho thật mạnh, tự đứng dậy chứng tỏ hết bệnh và đi cày.
Nghe đến đây, Trần Sinh thán phục trí khôn ngoan của con ngựa, khoái chí quá bật cười lớn, vỗ tay vào đùi đánh đét 1 cái, rủi thay cái tay lại đánh lộn vào đùi của bà Hai nằm cạnh. Giật mình thức giấc, lại thấy ông xã cười khan một mình .
Bà Hai : Chuyện chi vui vậy mình ?
Trần Sinh : Đâu có chi !
Bà Hai không chịu lối giải thích đâu có chi, truy đến cùng, Trần Sinh thú thật là không thể kể chuyện nầy được, vì kể lại là chết ngay.
Lý do chỉ kể lại một câu chuyện xong thì lăn đùng ra chết, không thuyết phục được bà Hai, thế là hôm sau bà bỏ ăn, bà khóc lóc ỉ ôi, ngày hôm sau nữa, nếu ông chồng không chịu kể, thì trong vòng 3 ngày bà sẽ tự vẫn.
Trần Sinh ruột rối như tơ vò, bà Hai không tự vẫn mà vẫn bỏ ăn, mà vẫn khóc lóc om sòm thì cũng không chịu nổi, thôi thà chết đi còn sướng hơn sống. Trần Sinh đồng ý với bà Hai : 3 ngày nữa sẽ kể cho bà Hai nghe, đồng thời ông viết thơ mời các bằng hữu, quyến thuộc xa gần đến nhà để gặp mặt, trối trăng, chia  tay lần cuối. Cho gia nhân hỏa tốc đi mời ngay, nội dung thơ : Vào ngày X, lúc 10 giờ, đến dự tiệc rượu thân mật, lý do : cho biết sau .
Ngày X, trời hửng sáng, sau khi liệng cho đàn gà mấy nắm thóc , Trần Sinh ngồi uống trà, lòng buồn rười rượi, ngắm đàn gà đang ăn, nhìn cảnh :
Con gà trống đang rượt mấy con gà mái để đạp mái, có con gà mái sau cùng không đồng ý, còn mắng mỏ nặng lời với gà trống.
Gà mái : Anh là đồ vô lương tâm, vô đạo đức, anh không thấy, không biết ngày hôm nay ông chủ từ giã cõi đời nầy à ? Lòng dạ nào mà còn đòi làm chuyện nầy được ? không biết xấu hổ à ?
Gà trống : Ông chủ ngu quá thì chết ráng chịu, sống chi chật đất, chỉ vì bà Hai mà phải chịu chết cũng đáng đời, như tôi đây 4,5 bà vợ, bà có thấy ai dám hó hé, dám ho với tôi không ?
Gà mái thỏ thẻ : Nếu anh là ông chủ, thì anh xử lý việc nầy thế nào ?
Gà trống : Dễ ợt, khó chi, ra sau vườn, chặt 1 nhánh tre bằng ngón tay cái làm cây roi, vào đánh cho bà Hai 1 trận, hỏi xem bả còn đòi nghe kể chuyện nữa hay không ? Sẵn dịp trị luôn cái bệnh chảnh và nhõng nhẽo của bà luôn.
Trần Sinh bừng tỉnh, thực hiện lời con gà trống vừa nói với vợ của nó ngay.
Vừa thức dậy, bới tóc, chải chuốt xong, bà Hai mặt mày hí hửng, vài giờ nữa thôi, mình sẽ được nghe kể câu chuyện bí mật nầy, không ngờ Trần Sinh từ ngoài bước vào, cầm roi tre quất thẳng vào người, chỉ trừ đi cái mặt, phần còn lại : ngực, bụng vai, lưng … tiếng roi trót ! trót ! trót !  Bà Hai đau quá, khóc thét lên. Định hỏi tại sao vô cớ bị đánh đòn, nhưng :
Trần Sinh hỏi trước : Còn đòi nghe kể chuyện nữa không ? còn đòi nghe kể chuyện nữa không ? ……..
Đau quá, bà Hai trả lời ngay : Không dám đòi, không dám đòi nữa …..
Liệng cây roi tre, Trần Sinh khoan khoái trong lòng tiếp tục vào bàn  uống trà. Bà Hai vào phòng lấy dầu xoa vào các lằn roi vừa rồi, vừa khóc rã rít.
 Khách đến, Trần Sinh vui vẽ tiếp đón, có người thắc mắc.
Hỏi : Thông thường phải có giỗ hay cưới mới có tiệc, sao hôm nay tiệc tùng bất ngờ thế ?
Trần Sinh : Bạn bè lâu ngày không gặp. nhớ quá bày tiệc để có dịp hàn huyên vậy thôi !
Hôm ấy, Trần Sinh vui quá, uống rượu nhiều. Người được xem là chết rồi, nay được sống lại mà .
Hôm sau, Trần Sinh đến hiệu Kim Hoàn đặt đúc 1 con gà trống bằng vàng y rất tinh xảo, đem về thờ trong nhà. Trần Sinh căn dặn : Từ nay về sau có tiệc tùng chi thì làm thịt vịt, heo, cá …chớ tuyệt đối không được giết gà làm thịt . Căn dặn thằng Chăn đối xử với con bò tử tế hơn, không được đánh đập vô cớ nữa, đồng thời giảm bớt giờ làm cho nó.
Người thân và gia nhân trong nhà, ai nấy đều làm lạ và thắc mắc, nhưng không ai dám hỏi, nếu ai dám hỏi thì chắc chắn Trần Sinh cũng không nói đâu phải không quí vị ?
Nhờ trận đòn roi tre hôm nào, bà Hai hãi quá, bỏ đứt luôn cái tật chảnh và nhõng nhẽo, từ đó không khí trong gia đình trở nên dễ chịu và ấm áp, hạnh phúc.
Trần Sinh sống thêm được 30 năm nữa. Đến năm 80 tuổi thì mất.

Những con sâu trên ti vi



                                      Trương Duy Nhất

Không phải sâu mà là sâu. Những con sâu bò trên ti vi nhưng lại làm chờn chợn bữa cơm gia đình.
Cả nhà vừa cơm tối vừa xem ti vi như thường lệ. Bỗng bà chị bất thần buông bát la toáng lên “sâu, sâu… con sâu kìa!”
Tưởng canh lẫn sâu. Người muốn nôn ọe. Người cuống cuồng định hất bỏ bát cơm ăn dở. Dòm tìm mãi trong bát canh với mâm cơm vẫn chẳng thấy sâu nào.
Định thần lại mới thấy bà chị vẫn vừa và thức ăn vừa vung đũa chỉ vào cái ti vi:
- Là con sâu kia kìa!
Trên màn hình, đồng chí X mặt trơn trán bóng cà vạt đỏ lòm đang rao giảng về… lòng tự trọng !
Không phải sâu trong mâm, nhưng bát cơm cứ chờn chợn. Ai nấy đều buông bát, quay mặt chờ cho con sâu X kia nói xong và bò khỏi cái màn hình ti vi mới tiếp tục bữa ăn.
 (Viết lại theo ý từ comment của bạn đọc Nguyên Thảo)

Có một lão nông viết văn



                                                                   Trần Vũ Long



Đã nhiều lần tôi và những người bạn ngồi tranh luận “văn là người” có đúng hay không. Một bên quả quyết “văn là người”, bên kia thì khẳng định “văn không phải là người”. Bên nào cũng đưa ra được những dẫn chứng thuyết phục đối phương, và rồi những cuộc tranh luận đó chẳng bao giờ có hồi kết thúc. Có lẽ trên đời này chẳng có gì tuyệt đối cả. Đối với người này là đúng nhưng với người khác lại không phải vậy, thậm chí còn khiến cho người đọc cảm thấy thất vọng sau khi gặp tác giả của những áng văn hay câu thơ mà mình đã từng yêu thích. Nhưng, với nhà văn mà tôi muốn nói đến trong bài viết này thì văn chương đã thể hiện đúng bản chất con người ông. Có thể ai đó chưa thực sự đồng ý nhưng với tôi thì tôi tin là như thế. Bởi tôi đã từng được trò chuyện với ông, đọc tác phẩm của ông và nghe người ta kể về ông. Ông là nhà văn Ngô Ngọc Bội.
Đối với người cầm bút, để có một vùng đất gắn bó gan ruột, trở thành nguyên liệu cho cuộc đời sáng tác của mình quả là một điều may mắn. Mảnh đất đó thường là nơi mà họ được sinh ra và lớn lên, là quê hương máu thịt. Quê hương là mạch nguồn cảm xúc vô tận, cứ viết mãi viết mãi vẫn thấy chưa thoả mãn với tình yêu họ đã dành cho mảnh đất thân thương đó. Tình yêu thì vô biên, nguyên liệu lại dồi dào, tuy nhiên để thành công không phải ai cũng làm được. Có lẽ Ngô Ngọc Bội là một trong số ít những người cầm bút làm được điều đó. Cả một cuộc đời viết văn, Ngô Ngọc Bội chỉ viết về đề tài nông thôn và bối cảnh cho các tác phẩm đó chính là mảnh đất quê hương ông. Ông sinh ra trong một gia đình trung lưu thuộc miền quê trung du Phú Thọ, nằm bên hữu ngạn sông Thao. Cái mảnh đất vốn được xem là màu mỡ đó nhưng đời sống người dân cũng chẳng khấm khá gì. Khi ông còn nhỏ, ngoài công việc đồng áng, bố mẹ ông còn mở một quán khâu vá để có đủ tiền nuôi đàn con ăn học. Hàng ngày ông vẫn thấy mẹ thu gom những thẹo vải thừa vào bao tải để bán cho cô mua vải vụn, lông gà lông vịt, tóc rối. Rồi đến một ngày, cô chè chai tóc rối đó đi lấy chồng, không đến mua nữa. Ông vẫn thấy mẹ mình lèn từng tải vải vụn, xếp sau nhà. Thi thoảng, bà lại đem ra chắp nối lại, nhưng ông cũng không hỏi bà chắp nối những mảnh vải đó để làm gì. Sau nạn đói 1945, ông phải dang dở việc học hành để làm ruộng đỡ đần cha mẹ. Ngoài ra, ông còn có thêm nghề trèo cọ, để cắt những lá cọ đem bán cho người ta lợp mái nhà. Có những cây cọ cao đến ba bốn chục mét mà ông cứ trèo thoăn thoắt. Hồi đó, ông là cao thủ trèo cọ của cả vùng nên cũng có đồng ra đồng vào để đỡ đần cuộc sống gia đình. Rồi, ông cũng tham gia hoạt động cách mạng, cũng vào đảng, đến tuổi lấy vợ cũng được bố mẹ tìm cho một cô gái ưng ý cùng làng. Ông bảo, chẳng bao giờ ông quên được hình ảnh cái giường ngủ của vợ chồng ông trong ngày cưới. Trên chiếc giường tre được trải một cặp chiếu cói mới. Đầu giường là hai chiếc gối và cái chăn được khâu bằng những thẹo vải đủ các màu xanh, nâu, đen, trắng. Mỗi thẹo vải chỉ bằng lá lúa, bao diêm, miếng nào to thì bằng bàn tay. Ông chợt bàng hoàng và thấy thương cho người mẹ tảo tần. Hoá ra, cả chục năm trời, mẹ ông cứ cóp nhặt những thẹo vải để làm thành đôi gối và cái chăn cho con trai cưới vợ. Ông bảo đó là món của hồi môn đáng giá ngàn vàng làm ông sững sờ thảng thốt. Chiếc chăn của mẹ ông khâu có hàng ngàn thẹo vải nặng tới 6kg. Những mép vải cộm lại phía trong làm cho chiếc chăn trở nên ấm áp. Đêm tân hôn rõ ràng là một đêm hạnh phúc, nhưng với ông nó còn có gì đó thật kì lạ. Mùi của những thẹo vải, mùi chiếu cói, mùi ẩm mốc của bức vách trát bùn đất còn chưa khô hẳn, cộng với mùi bồ kết trên tóc của người vợ trẻ cứ hoà quện vào nhau. Những cái mùi đó cứ ám ảnh, cứ văng vẳng suốt đời ông, đặc biệt là những năm tháng công tác xa nhà. 
 Tôi cũng đã từng về thăm nhà ông ở xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Một ngôi nhà hai tầng bên những tán cây hồng xiêm cổ thụ ngót cả trăm tuổi, toả bóng xum xuê. Sau hai chục năm nghỉ hưu ở tuần báo Văn Nghệ, ông sống cuộc đời thanh bạch nơi chôn rau cắt rốn cùng với người vợ hiền hậu chất phác mà ông lấy về từ năm 17, 18 tuổi. Bà là mẫu người đặc trưng của người phụ nữ nông thôn bắc bộ. Kể từ ngày về làm dâu họ Ngô, bà lặng lẽ, tảo tần gánh vác gia đình nuôi đàn con khôn lớn. Còn ông Bội thì cứ công tác biền biệt cho đến ngày nghỉ hưu. Bà bảo bây giờ cuộc sống đỡ vất vả, sướng hơn trước rồi. Ông Bội thủng thẳng cười: “Vợ ông Bội thì lúc nào mà chẳng sướng”. Xem ra bà lão có vẻ tự hào về ông chồng nhà văn của mình ra trò, tuy đều ngoài 80 tuổi cả rồi, nhưng bà vẫn chăm sóc ông Bội rất chu đáo: cơm nước, thuốc men, giờ giấc sinh hoạt. Những lúc ông ngồi vào bàn viết, bà lặng lẽ đi đóng cổng ngoài cửa trong để cho đám trẻ không nô đùa làm ảnh hưởng đến công việc viết lách của ông. Bà bảo, ông cứ viết hết cuốn này đến quyển nọ nhưng bà cũng chẳng đọc. Bà bảo suốt ngày bận rộn với lợn gà, vườn tược, cơm nước, thời gian đâu để đọc những quyển sách dày như thế, xem ra ông ý cũng là người quan trọng, chỉ mỗi tội không có tiền bạc bao giờ. Tôi mới cười bảo với bà: “Trong chiếu văn, ông nhà mình đúng là người quan trọng đấy bà ơi, chẳng gì thì cũng vừa được cái giải thưởng nhà nước đấy thôi, đâu phải ai cũng làm được điều đó”. Ông Bội cười hề hề một cách hiền hậu: “Làm cái anh nhà văn quan trọng gì ba cái giải thưởng giải thiếc. Ấy nhưng mà cái giải thương đó họ cũng cho được khá tiền đấy cậu ạ. Thế mà bà cứ bảo chẳng có tiền bạc bảo giờ”. Nói rồi ông lại cười tít mắt. Có lẽ ai đã từng gặp nhà văn Ngô Ngọc Bội một lần thì chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được gương mặt ấy , ánh mắt ấy. Nó vừa toát lên nét đôn hậu chất phác nhưng lại vừa hiện rõ vẻ rắn rỏi của một con người phong trần, từng trải. Ông ngoắc tay tôi rồi bảo: “Cậu đi theo tớ”. Bước xuống sân gạch trước nhà, ông chỉ ra cái ao cá, cách một vườn rau xanh mướt, rồi bảo: “Cách đây mấy năm, mỗi khi nhà có khách là tớ vẫn xuống ao bắt cá để nhắm rượu. Bây giờ thì chịu, đến rượu cũng chẳng uống nữa”. Thấy tôi đang tò mò quan sát một cây sào to bằng bắp tay dài khoảng 6 đến 7 mét, có những vấu chìa ra từ đầu đến ngọn khoảng một gang tay, ông cười bảo: “ngạc nhiên lắm phải không, cái này gọi là cây đà, dùng để trèo cọ. Ngày trước tớ vẫn trèo cọ bằng cây đà này đấy. Có những cây cọ cao bằng bốn đến năm lần cây đà này ý chứ. Nguy hiểm lắm. Cậu nhìn tay tớ đây này, khắp hai cánh tay đều là sẹo do trèo cọ cả đấy”. Nói rồi ông kéo tay áo cho tôi xem những vét sẹo trên tay mình. Ông lại dẫn tôi đi vòng ra sau nhà, sang nhà ông anh trai để giới thiệu cho tôi cái gian nhà thờ họ. Anh trai thì đã mất, chỉ còn hai bà vợ, bà cả hơn 90 xem ra đã yếu và hơi lẫn còn bà hai 85 tuổi vẫn khoẻ mạnh. Một mình bà hai làm tất cả mọi việc trong nhà và chăm sóc bà cả. Con cháu thì ở xa, một tháng về đôi ba lần. Tự nhiên tôi lại nhớ đến truyện ngắn “Hai người đàn bà xóm trại” của Nguyễn Quang Thiều. Chỉ khác, hai người đàn bà trong truyện của Nguyễn Quang Thiều có hai ông chồng khác nhau, đều chưa có con, ở cùng nhau dưới một mái nhà nơi xóm bãi ven sông để chờ hai ông chồng đi bộ đội trở về. Còn hai bà lão mà tôi đang gặp đây là vợ cả vợ hai, đều có con cái, ra vào như hai cái bóng trong mấy gian nhà ngói nằm trên quả đồi bát úp miền trung du này. Họ đang đếm thời gian trôi qua những năm tháng cuối cùng cuộc đời mình một cách lặng lẽ và chẳng trông đợi điều gì, có chăng họ chỉ chờ ngày con cháu về thăm để cho đỡ cô quạnh. Nhà văn Ngô Ngọc Bội quay sang tôi: “Văn học là đây chứ còn đâu nữa. Quê tớ có nhiều chuyện hay lắm, viết cả đời không hết được. Chính vì thế mà tớ luôn cảm thấy như người mắc nợ với quê hương, với nông thôn. Trong đầu tớ đang hình thành mấy cuốn tiểu thuyết nữa, tiếc rằng sức yếu rồi không viết được nữa. Đầu óc bây giờ không còn minh mẫn, cứ nhớ nhớ quên quên, mệt lắm”. Trong gian nhà thờ họ, ông ngồi gác cả hai chân lên thành ghế, đầu đội chiếc mũ nồi, trông có vẻ gì đó rất lãng tử, ông say sưa kể cho tôi nghe những câu chuyện của quê ông, những câu chuyện về gia đình và cuộc đời ông. Đang trò chuyện bỗng ông dừng lại và bảo: “Thôi chết cái thanh xà này bị mọt rồi cậu ơi. Đấy, cậu có thấy mọt nó ăn, rơi đầy cái phản kia không”. Rồi ông nói vọng với bà chị dâu thứ hai đang lúi húi trong bếp: “Bà ơi cái thanh này bị mọt ăn hỏng hết cả rồi. Thôi chết. Thế này thì bỏ mẹ”. Bà lão lật đật chạy từ dưới bếp lên xem, cầm cái chổi quét mọt xuống dưới nhà rồi quét ra sân. Ông Bội lại ngoắc tay tôi: “Thôi ta lại về bên nhà đi cậu”. Vừa đi ông vừa bảo: “Ở cái xóm này, bây giờ toàn ông bà già với nhau. Con cháu kéo ra thành phố hết cả rồi. Buồn thì cũng có buồn. Ấy thế mà cũng quen đấy cậu ạ. Cứ như tớ, mấy chục năm làm việc dưới Hà Nội, nhưng bây giờ cho về Hà Nội ở với con cháu khoảng một tuần mà cũng không thể ở được. Nó ngột ngạt tù túng lắm cậu ạ. Ngày xưa ở Hà nội, tớ cũng ít giao đãi bạn bè, cứ lặng lẽ viết lách là chính. Về đây gần gũi với thiên nhiên sướng hơn”. Tôi cũng đã được nghe nhiều người kể, ông là người ít giao đãi với bạn bè văn chương. Đặc biệt với các tên tuổi lớn, những nhân vật quan trọng hoặc những ông nhà văn hay tỏ vẻ khụng khệnh, giả cầy, ông lại càng tránh tiếp xúc. Ông bảo mỗi người có một công việc riêng, suy nghĩ riêng, một cách viết riêng, vậy thì cứ làm tròn bổn phẩn của mình đi. Với ông, ông đã chọn cho mình một cách sống, một cách viết mang nhãn mác rất Ngô Ngọc Bội. Trong giới văn chương, ta tạm gọi người viết về đề tài nông thôn cũng nhiều nhưng viết để cho ra hồn cốt của nông thôn Việt Nam thì lại ít. Ngô Ngọc Bội đã làm được điều đó. Nếu viết về nông thôn mà không thực sự thấm, thực sự yêu, thực sự đau đớn, không thực sự đắm mình trong thế giới nhà quê, thì cho dù tác phẩm của anh dẫu có viết về con trâu, viết về cây lúa, viết về củ khoai củ sắn thì cũng chỉ giống như người mặc com lê, đi giày tây cưỡi xe trên đường làng mà thôi. Thực tế, đã có nhiều tác giả thành danh khi viết về đề tài này, nhưng tác phẩm của họ lại chủ yếu bàn về đường lối, chủ trương chính sách nông nghiệp, những khó khăn vướng mắc, và cách tháo gỡ cho bà con nông dân nhưng lại chưa thực sự mang cái hồn nhà quê, như vậy thì tác phẩm đó chỉ dừng ở mức viết về nông nghiệp, chứ chưa thật sự viết về đề tài nông thôn. Còn đối với nhà văn Ngô Ngọc Bội lại như có một bản năng rất lớn, trước tiên đó là bản năng của một ông nông dân, cần mẫn lầm lũi làm việc cộng với bản năng văn chương đã tạo thành một Ngô Ngọc Bội không trộn lẫn vào đâu được. Ngô Ngọc Bội như một ông nông dân đi chân đất kéo cày vừa cầm bút viết văn. Chính vì vậy mà tác phẩm của ông thấm chất chân quê để đến được cái chân của văn chương. Ông viết về đời sống, những vui buồn, đau khổ, hạnh phúc, diễn biến tâm lý của người nông dân như viết về chính con người mình vậy, làm toát lên được tinh thần nhà quê rất rõ nét. Ngô Ngọc Bội hiểu người nông dân đạt đến mức độ hoá thân. Chỉ có người nông dân mới thực sự hiểu rõ bản tính của con trâu, nên khi ông viết về cảnh trọi trâu hay tả cảnh con trâu kéo cày thì mới thật sinh động và hấp dẫn. Ông miêu tả tâm lý con trâu trong từng hoàn cảnh khác nhau khiến người đọc thấy bỡ ngỡ, lý thú rồi bị hút vào đó. Chỉ có một anh trai làng làm ruộng mới có thể miêu tả những cảnh yêu đương của trai gái nông thôn mới chân thực đến thế, nó vừa vụng về, vừa mộc mạc lại vừa có duyên dưới một ngòi bút tinh tế. Tác phẩm của Ngô Ngọc bội bám sát người nông dân theo suốt một chiều dài lịch sử, từ trong những cuộc cách mạng, tham gia giải phóng được giải phóng và xây dựng kinh tế. Cuộc sống của người nông dân trong văn Ngô Ngọc Bội vô cùng sống động, có xung đột và hàn gắn, có nước mắt và nụ cười, có cái chung và cái riêng.  Ngô Ngọc Bội không chú tâm đến phong cách văn chương, ông viết theo bản năng. Và, ở ông cái bản năng đó đã được hoàn thiện với một phông văn hoá về nông thôn và phông văn hoá về văn chương chữ nghĩa. Ông bảo, người cầm bút viết văn có hai dạng. Dạng từ tâm huyết viết thành tác phẩm. Dạng này viết chậm chạp. Nhưng  khi đã chạm tới đích thì thành qủa thường bền chắc, sâu lắng. Dạng thứ hai thường là do bịa tạc hoặc có nơi đặt hàng, chỉ cần nghe báo cáo là có sản phẩm. Dạng này thường viết nhanh hết cuốn này đến cuốn khác. Nhưng văn chỉ có cốt truyện, sự việc, thiếu tình tiết, thiếu chi tiết sống và nội tâm nhân vật. Ông tự nhận mình là người viết thuộc vào dạng thứ nhất, vì vậy mà Ngô Ngọc Bôi đã có cả một sách lược lâu dài, hoạch định cho cả đời cầm bút của mình. Năm 1960, khi truyện ngắn Bộ quần áo mới được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, ông đã khẳng định cầm bút và đi vào nghiệp văn chương. Năm 1968, ông về công tác tại báo Văn Nghệ, đúng là nơi để ông thả sức học tập viết lách. Ông tranh thủ bổ sung kiến thức và tay nghề. Ông xông xáo đi viết bút kí phóng sự cho báo, trên rừng dưới biển, trong nam ngoài bắc, nơi nào ông cũng đặt chân đến. Đi tới đâu ông ghi chép rất cẩn thận và viết bút kí phóng sự tới đó. Những chuyến đi như thế đã giúp ông mở thêm tầm nhìn.
Trong những năm công tác ở báo Văn nghệ, Ngô ngọc Bội đã được anh em văn chương yêu mến và kính trọng về tài năng và đức độ của ông. Mọi người gọi ông là bà đỡ cho rất nhiều cây bút. Sau này có nhiều người nổi tiếng hơn ông nhưng họ vẫn nghĩ về ông bằng một sự kính trọng và biết ơn sâu sắc. Những góp ý chân thành, những việc làm của ông khi đó giống như cái đòn bẩy, giúp họ có bài học, động lực để tiến xa hơn trong con đường văn chương đầy chông gai. Sau này khi đã nghỉ hưu về quê, có nhiều người vẫn lặn lội về tận nơi thăm ông như thăm một người anh, một người thầy, một vị ân nhân. Những năm ông làm trưởng ban văn xuôi ở báo Văn Nghệ, có thể được xem là một giai đoạn hoàng kim của văn học, đặc biệt là thể loại văn xuôi. Thời kì đó báo Văn Nghệ đã tạo ra những cơn “địa chấn” với hàng loạt truyện ngắn, bút kí phóng sự. Hồi đó, nhà văn Nguyên Ngọc, là tổng biên tập báo Văn Nghệ được ví như là tổng công trình sư, còn Ngô Ngọc Bội là kĩ sư thực hiện. Ông bảo những năm biên tập văn xuôi ở báo Văn Nghệ, ông đã dùng thủ pháp “chập chờn” trên mặt báo. Lúc lảng ra, lúc lảng vào. Gọi là chiến thuật vỗ tay và tát. Một cái tát, chín cái vỗ tay. Hai cái tát, tám cái vỗ tay. Bốn cái tát, sáu cái vỗ tay. Rồi sáu cái tát, bốn cái vỗ tay. Nếu thấy anh nào nhăn mặt thì lại rút về, rồi tung ra mười cái vỗ tay. Hồi đó thấy báo Văn Nghệ mạnh dạn in những sáng tác mang tính đổi mới, đa chiều, phản đề, lập tức cộng tác viên cả nước rầm rập gửi bài tới. Tờ báo Văn Nghệ in từ ba vạn mỗi số, rồi lên tới năm vạn, có lúc lên đến bẩy vạn tờ. Không khí đổi mới văn chương sôi động khắp cả nước. Các báo khác thấy vậy cũng mon men làm theo.
Đang ngồi bàn nước, ông lại kéo tôi vào gian nhà trong. Căn phòng khoảng 10 mét vuông, chỉ có cái tủ quần áo, cái giường, cái bàn viết và cái ghế đẩu, tất cả đều đã ngả màu đen bóng. Ông bảo mấy thứ đồ gỗ này là cùng một bộ, ông mua chúng từ tiền nhuận bút của cuốn “Ao Làng”, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông. Đó là cuốn tiểu thuyết góp phần làm nên tên tuổi Ngô Ngọc Bội, nhưng cũng phải lận đận hơn 13 năm mới đem in được. Ông lúi húi tìm chìa khoá để mở cánh bên phải của cái tủ gỗ, rồi từ đó mở chốt của cánh cửa tủ bên trái. Từ trong khoang tủ tối om, ông bê ra mấy chồng sách vở, toàn là những bản thảo, sổ tay ghi chép, và những bài báo ông cắt ra dán vào thành một quyển. Những cuốn sổ tay được ghi chép ngay ngắn từ trang đầu đến trang cuối, đánh số quyển thứ mấy rất cẩn thận. Rồi ông lại khệ nệ bê ra một chồng sách, đó là những tác phẩm mà ông đã in, cuốn nào ông cũng ghi vào trang đầu, dòng chữ: “Bản lưu trữ của tác giả”. Ông bảo, cả một đời sống chết với văn chương, bây giờ nằm gọn trong cái tủ này, tính ra gần hai chục tác phẩm: tiểu thuyết và truyện ngắn, đấy là chưa kể cả trăm cái bút kí mà ông chưa tập hợp in thành sách.
Trước khi chia tay với nhà văn Ngô Ngọc Bội, tôi nói với ông: “Khi nào lên Hà Nội, ông ghé vào báo Văn Nghệ chơi với bọn con cho vui”. Ông lại cười tít mắt mà rằng: “Vui gì. Bây giờ có ai biết mình là ai, chỉ tổ làm mất thời gian của mọi người”. Ông tiễn tôi ra tận đầu làng. Nói là ra tận đầu làng nhưng cũng chỉ có mấy bước chân, bởi nhà ông nằm ngay đầu làng nhìn ra đồng lúa thẳng cánh cò bay. Nhìn từ xa ngôi nhà của ông nằm lúp xúp bên sườn một quả đồi bát úp, lác đác vài cây cọ cao vút. Bóng nhà văn Ngô Ngọc Bội, nhác trông cũng như một lão nông dân ra thăm đồng mà nhớ những vụ mùa, cứ xa dần… mờ dần.

HIẾN PHÁP NƯỚC NGOÀI VIẾT VỀ ĐẢNG CẦM QUYỀN RA SAO?



                                                                                          Hải Hoành


Hiến pháp hầu hết các nước đều không nói gì về đảng cầm quyền. Tại một số nước giới thiệu dưới đây, Hiến pháp có viết về sự lãnh đạo của đảng cầm quyền.
1) Liên Xô cũ : chỉ có một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản (ĐCS) đồng thời là đảng cầm quyền. Trong thời gian tồn tại (1917-1991), nước này đã sử dụng 4 bản Hiến pháp.
Hiến pháp 1918 (còn gọi là Hiến pháp Lê-nin) và Hiến pháp 1924 (Lê-nin có chỉ đạo soạn thảo) không nói gì về ĐCS Liên Xô, dù Đảng đã lãnh đạo nhà nước ngay từ sau Cách mạng Tháng Mười.
Hiến pháp 1936, còn gọi là Hiến pháp Xta-lin [1], là Hiến pháp tồn tại lâu nhất (41 năm), và lần đầu tiên nói tới vai trò lãnh đạo của ĐCS Liên Xô, nhưng không nói tại các chương trình bày về cơ cấu xã hội và nhà nước, mà chỉ nói tại một phần trong Điều 126 thuộc « Chương X — Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân ».
Điều 126 viết : « Để phù hợp với lợi ích của người lao động và nhằm phát huy tính tự lập về tổ chức và tính tích cực về chính trị của quần chúng nhân dân, công dân Liên Xô được đảm bảo có quyền tập hợp trong các tổ chức xã hội như : công đoàn, hợp tác xã, đoàn thanh niên, các tổ chức thể thao và quốc phòng, các hội văn hóa, khoa học và kỹ thuật ; và những công dân tích cực và giác ngộ nhất trong hàng ngũ giai cấp công nhân, nông dân lao động và trí thức lao động tự nguyện tập hợp lại trong Đảng Cộng sản Liên Xô, là đội ngũ tiên tiến của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng xã hội cộng sản và là hạt nhân lãnh đạo của tất cả các tổ chức của nhân dân lao động — các tổ chức xã hội cũng như các tổ chức nhà nước. » 
Điều 126 cho thấy ĐCS coi mình là một trong các tổ chức xã hội, chỉ khác ở chỗ là hạt nhân lãnh đạo của tất cả các tổ chức xã hội và nhà nước ; không coi Đảng là một tổ chức quyền lực, không buộc xã hội phải thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng như một đặc quyền.
Hiến pháp 1977 (Hiến pháp Brê-giơ-nep) [2] đề cập nổi bật vai trò lãnh đạo của ĐCS Liên Xô bằng Điều 6 trong « Chương I — Chế độ chính trị » :
« ĐCS Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Xô viết, là hạt nhân của hệ thống chính trị, của nhà nước và các tổ chức xã hội. ĐCS Liên Xô tồn tại vì nhân dân và phục vụ nhân dân. ĐCS Liên Xô được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lênin quyết định chính sách đối ngoại, đối nội của Liên Xô, lãnh đạo các hoạt động sáng tạo vĩ đại của nhân dân Liên Xô, làm cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi cho chủ nghĩa cộng sản có đặc điểm là có kế hoạch, có căn cứ khoa học. Mọi tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp Liên Xô. » 
Quy định này có tính pháp lý rõ rệt, khác với Điều 126 Hiến pháp 1936. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc cho biết Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 1980 là học Điều 6 Hiến pháp 1977 Liên Xô.
Tháng 3/1990, Đại hội Đại biểu nhân dân Liên Xô thông qua quyết định sửa đổi Hiến pháp, hủy bỏ quy định về địa vị lãnh đạo của ĐCS Liên Xô, tuyên bố tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các chính đảng tham gia xây dựng và quản lý nhà nước, xã hội. Sau sự kiện 19/8/1991, ĐCS Liên Xô tuyên bố tự giải thể.
2) Trung Quốc cho tới nay đã sử dụng 4 bản Hiến pháp.
Hiến pháp 1954 trong Lời Nói Đầu (không thuộc phần chính văn của Hiến pháp nên không phải là quy định pháp luật) có nói về địa vị lãnh đạo của ĐCSTQ trong Mặt trận Thống nhất nhưng không xác nhận địa vị đó đối với toàn bộ nhà nước, cũng không có quy định chức quyền của Đảng trong đời sống nhà nước. Các điều văn trong Hiến pháp hoàn toàn không nói gì tới đảng.
Hiến pháp 1975 (ban hành trong Cách mạng Văn hóa) có 30 điều. Các Điều 2, 13, 15 và 16 đều quy định « ĐCSTQ lãnh đạo » ; Điều 26 viết : « Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân » trước hết là « ủng hộ sự lãnh đạo của ĐCSTQ ». Hiến pháp 1975 xác nhận địa vị lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ đời sống nhà nước và có quy định cụ thể về chức quyền của ĐCSTQ, như quyền lãnh đạo và quyền thống soái về quân sự, quyền lãnh đạo Quốc hội, quyền đề cử Thủ tướng. Nhưng không có quy định trình tự Đảng phải tuân theo khi hành xử các chức quyền đó.
Hiến pháp 1978 (Hoa Quốc Phong chủ trì soạn thảo) cơ bản giữ lại các quy định về địa vị pháp lý của ĐCSTQ như Hiến pháp 1975, chỉ bỏ đi quy định về quyền lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.
Hiến pháp 1982 được soạn thảo từ năm 1980, sau khi ĐCSTQ quyết định tiến hành Cải cách mở cửa. Hiến pháp được đưa ra toàn dân thảo luận, Quốc hội thông qua và ban hành ngày 4/12/1982.
Hiến pháp hiện hành [3] là Hiến pháp 1982 có bổ sung 4 Tu chính án do Quốc hội đưa ra vào các năm 1988, 1993, 1999 và 2004. Trừ Lời Nói Đầu (không có tính pháp luật) ra, tất cả các điều văn (138 điều) trong chính văn Hiến pháp hoàn toàn không có từ « Đảng Cộng sản » và « cộng sản ». Theo giải thích đó là vì Báo cáo chính trị tại Đại hội XII ĐCSTQ (9/1982) chỉ rõ : « Đảng không phải là tổ chức quyền lực ra lệnh chỉ huy quần chúng ». Điều lệ mới của Đảng đưa ra quyết định lịch sử : « Đảng phải hoạt động trong phạm vi Hiến pháp và pháp luật ». Từ năm 1941 Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố phản đối « Dĩ đảng trị quốc » (dùng đảng cai trị đất nước).
Hiến pháp 1982 tồn tại lâu nhất và được giới lý luận Trung Quốc đánh giá là Hiến pháp tốt nhất của nước này.
3) Triều Tiên : Hiến pháp hiện hành được thông qua năm 2009 đã bỏ tất cả các câu nói về chủ nghĩa cộng sản trong Hiến pháp trước (1979) ; chỉ dùng từ chủ nghĩa xã hội và tư tưởng chủ thể.
Ngày 13/4/2012, Quốc hội thông qua pháp lệnh « Phê chuẩn Tu chính án Hiến pháp XHCN nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên », đưa ra quy định « đồng chí Kim Jong Il  [đã mất từ 17/12/2011] là Chủ tịch vĩnh viễn Ủy ban Quốc phòng » nước này, đặt thêm chức vụ Chủ tịch thứ nhất Uỷ ban quốc phòng và quy định người này là « Nhà lãnh đạo tối cao » của CHDCND Triều Tiên [hiện nay là ông Kim Jong Un, con ông Kim Jong Il, cháu nội ông Kim Nhật Thành (tức Kim Il Song, mất 8/7/1994)]. Lời Nói Đầu Tu chính án Hiến pháp có 17 lần nhắc tới tên Kim Nhật Thành, trong đó 6 lần gắn sau từ Lãnh tụ vĩ đại ; và gọi đây là Hiến pháp Kim Nhật Thành.
Tu chính án Hiến pháp [4] có 7 chương, 166 điều, chỉ có hai điều văn dùng tới từ « đảng » :
Điều 11 trong « Chương I — Chính trị » viết : « Nước CHNDDC Triều Tiên tiến hành mọi hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao Động Triều Tiên. »
Điều 67 thuộc « Chương V — Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân » có câu « Nhà nước cung cấp điều kiện tự do hoạt động cho các chính đảng dân chủ và đoàn thể xã hội. » Điều này có lẽ không thực tế vì ở nước này chỉ có một chính đảng duy nhất là Đảng Lao động Triều Tiên.
Tu chính án Hiến pháp chỉ có một chỗ nhắc tới chủ nghĩa cộng sản, đó là Điều 29 trong « Chương II — Kinh tế » : « Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản được xây dựng dựa vào sự lao động sáng tạo của nhân dân lao động. »
4) Lào : Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào chỉ có một chính đảng duy nhất là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Hiến pháp Lào được Nghị viện Nhân dân tối cao thông qua ngày 14/8/1991, gồm 10 chương, 80 điều [5]. Trong Lời Nói Đầu có hai chỗ dùng từ « đảng », đó là Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hiện nay.
Trong toàn bộ các điều văn chỉ có một lần nhắc tới từ « đảng », đó là Điều 3 thuộc « Chương I — Chế độ chính trị » : « Quyền làm chủ nhà nước của nhân dân các bộ tộc Lào được bảo đảm và thực hiện thông qua chế độ chính trị với hạt nhân lãnh đạo là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. »
5) Cuba : Hiến pháp nước Cộng hòa Cuba có 12 chương gồm 141 điều [6], được toàn dân bỏ phiếu thông qua. Trong Hiến pháp, tại « Chương I — Cơ sở chính trị, xã hội và kinh tế của nhà nước » có hai chỗ nhắc tới từ « đảng ».
Điều 5 : « Đảng Cộng sản Cuba — đội tiên phong chủ nghĩa Mác-Lê có tổ chức của giai cấp công nhân — là lực lượng lãnh đạo tối cao của xã hội và nhà nước, tổ chức và chỉ đạo mọi người cùng cố gắng đạt tới mục đích cao cả xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến tới tương lai chủ nghĩa cộng sản. »
Điều 6 : « Liên đoàn thanh niên cộng sản — tổ chức thanh niên tiên tiến — dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý công tác đào tạo các thành viên tổ chức này trở thành người cộng sản tương lai và sử dụng các phương pháp giới thiệu thanh niên tham gia học tập, tham gia các hoạt động yêu nước, lao động, quân sự, khoa học và văn hóa để thúc đẩy dùng tư tưởng cộng sản giáo dục thế hệ thanh niên. »
Chú ý :
1) Liên Xô cũ, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp Lào không có từ chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lê, cộng sản ; Điều 2 viết : « Nước CHDCND Lào là nhà nước dân chủ nhân dân. ».
2) Tại 4 trong 5 nước nói trên chỉ tồn tại một chính đảng duy nhất (và là đảng cầm quyền). Riêng Trung Quốc thực hành cơ chế hợp tác đa đảng giữa ĐCSTQ cầm quyền với 8 đảng phái dân chủ trong một mặt trận thống nhất gọi là Hội nghị Hiệp thương chính trị. Lời Nói Đầu Hiến pháp Trung Quốc viết : Chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị do ĐCSTQ lãnh đạo sẽ tồn tại và phát triển lâu dài. Ngoài ra do áp dụng thể chế một nước hai chế độ nên hai đặc khu hành chính Hồng Công và Ma Cao thuộc Trung Quốc vẫn giữ chế độ đa đảng. □
                                                               Hồ Anh Hải

ÔNG GÀN

                                   Tống Trung


Mắc tiếng gàn mà tự nghĩ không có điều gì gàn, thì ông gàn cho là đời nói càn, không để ý đến. Nhưng sau thấy vợ rầy rựt, vì ông chồng gàn mà bà vợ cũng bị giễu là "bà gàn", nên muốn tìm người hỏi xem mình gàn về nỗi gì. Một hôm dạo sơn thủy, gặp một ông cụ trên một ngọn núi cao, bèn đem chuyện ra hỏi.

Ông cụ hỏi: "Thế anh có hay nói chuyện đạo đức không?"

Ông gàn đáp:

- Thưa cụ, có.

- Thế là một tội gàn rồi! Vì người ta đều nói chuyện lợi danh, sao anh lại nói chuyện đạo đức.

Ông cụ lại hỏi: "Thế anh có tròn không?"

- Thưa cụ, không, cháu tất phải bánh chưng ra góc mới được.

- Thế là hai tội gàn rồi! Sao người ta tròn như cây gỗ, lăn đâu cũng được, mà anh lại bánh chưng ra góc cho chướng đời.

Ông cụ lại hỏi: "Thế anh có hay ngâm thơ không?"

- Thưa cụ, có.

- Thế là ba tội gàn rồi! Đời bây giờ người ta tranh nhau vì miếng ăn, giết nhau vì đồng tiền, nghĩ nát óc vì cách cướp ăn, vét tiền mà anh ngồi ngâm thơ thì sao hợp thời được. Cái gàn của anh ở đấy chứ ở đâu. Anh phải biết: Phàm trái với đời là gàn, dẫu mình phải mười mươi cũng mặc. Nhưng thôi! Sẵn tiền đây, anh có bán cái gàn ấy, lão mua.

- Thưa cụ, nếu thế là gàn, thì cái gàn ấy bao nhiêu tiền cháu cũng không bán. Muốn tạ cụ có lòng chỉ giáo, cháu lại xin ôm cái gàn này về nhà.


Thực là:

Gàn cũng năm bảy đường gàn

Bàn tay che miệng thế gian được nào

Đời này còn muốn thanh cao

Khen chê thôi có để vào chi tai

Văn chương thơ phú mấy ngài

Mua vui có được một vài trống canh...

        

Chùm thơ Nguyễn Huy Hiệp

           


Nhà thơ Nguyễn Huy Hiệp( Dược sĩ  cao cấp người Xuân Hồng)
                        

                                                                  












         CHỢ ĐÒ CỦI

Chợ Đò Củi sao không bán củi
Giữa đường quốc lộ với sông Lam
Lèo tèo dăm quán hàng thịt sống
Lơ thơ ba mớ muống, mồng tơi
Chị bán thuốc tây  tà áo trắng
Cô nàng hàng xén mắt đung đưa
Nắng mai vừa chớm lò ngọn Hống
Chưa kịp hết vòng chợ đã tan.


          LÀNG GIẰNG
                                    N.H.H

Làng Giằng vắt vẻo ở ven sông
Chính giữa đường đi ,cuối cánh đồng
Phía đông sừng sững Ngàn Hống dựng
Lam Giang thơ mộng cánh buồm xa
Bờ tre vương vấn khói chiều lam
Hoa mướp,nhà ai rực ngói vàng
Đàn bò lững thững về cuối ngõ
Leng keng lục lạc,nắng hoàng hôn.

                XUÂN THÀNH
                                 Nguyễn Huy Hiệp
Xuân Thành bãi tắm nước trong veo
Gió thổi diều lên cứ lộn lèo
Biển tắm mùa hè hơi nắng cực
Nhâm nhi hải sản cá không reo.   

     TIỀN TEM

Bốn anh em làm thơ
Cùng gửi về tòa soạn
Bốn anh em bốn tem
Vị chi là nghìn sáu
Nếu gửi chung tất c
Thì chỉ một tem thôi
Bốn anh em bàn nhau
Cho bài vào chú út
Hôm sau chú út hỏi
Mỗi anh chị một tem
Để cho em gửi tiếp
Ai cũng nhìn nhau nói
Chịu chú Út thông minh.     

    TÌNH M

Yêu lắm bàn tay m
Thổi gió mát cho con
Cũng từ bàn tay m
Trao tình mẹ sang con
Trong vòng tay của m
Con lặng thầm lớn khôn.          
      
 

Trang