18 tháng 12, 2012

“Đánh mất chiến trường”


Phạm Thị Phương Thảo



Giữa bao cuốn sách và những trang thơ được bạn bè gửi tặng, cuốn nhật ký bằng thơ mang tên “Đánh mất chiến trường” của nhà thơ Kiều Anh Hương bỗng làm tôi chú ý.  Có lẽ hiện nay không có nhiều những cuốn thơ viết về những ký ức của  một thời khói lửa như thế.  Tôi lặng lẽ đọc và bị lôi cuốn bởi chất lính tươi trẻ, những hồi ức chân thật với những dư âm về  chiến tranh  của một người lính rất đam mê thi ca, một nhà thơ chiến sỹ.
Anh vào chiến trường từ năm 1971 khi còn là một chàng trai vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
                                     Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Anh cũng giống như rất nhiều chàng trai trẻ của thế hệ chúng tôi khi ấy, nhiệt huyết, trẻ trung, yêu đời như những dòng thơ anh viết.


“Gió bay bay rập rờn lá ngụy trang
Xe thẳng hướng miền Nam xốc tới” 
         (Bài thơ Ra trận anh viết vào tháng 8/ 1971)
Với thời gian trên 5 năm ở chiến trường, thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để những người lính sống và trải nghiệm biết bao những niềm vui, nỗi buồn và sự tàn khốc của cuộc chiến tranh.Tập thơ về chiến trường của  Kiều Anh Hương được ra đời trong hoàn cảnh như vậy, nó mang theo cả trập trùng hơi thở thiên nhiên dãy Trường Sơn và sự ngột ngạt, khốc liệt của một thời bom đạn 
“Đường ra trận có háo hức buồn vui
Có nỗi nhớ quê  nhà, có nỗi khát khao diệt giặc
 Gác lại ước mơ nơi giảng đường Đại học
Mối tình đầu.. chưa dám ngỏ lời yêu.”
                                                    (Bài Ra trận)
Thơ lúc ấy không những trở thành một thứ tài sản quý giá  mà còn là những kỷ vật thiêng liêng còn mãi  trong tâm hồn những người lính và đồng đội của họ. Thật tiếc cho những kỷ vật  của anh mang đậm dấu ấn một thời đạn bom lại bỗng dưng biến mất. Dường như trong chiến tranh, nơi cận kề bom đạn thì mọi việc đều  có thể xảy ra và những người lính cũng không thể nói trước được điều gì.
“Những hố bom Đồng Lộc nham nhở đất còn tươi
Qua ngã ba đoàn xe như chậm lại
Tuổi hai mươi…chúng tôi chợt hiểu
Chiến tranh không phải là trò chơi” 
            (Bài Qua ngã ba Đồng Lộc nghe câu hát)


Có lẽ vì niềm tiếc nuối ấy mà tập thơ của anh mang cái tên hơi khác lạ đó là Đánh mất chiến trường chăng? Anh đã chép lại bằng ký ức của mình một loạt bài thơ về chiến trường với các địa danh A Sầu, A Lưới,Vĩnh Tuy, Đồng Lộc, Quán Hàu, Hải Vân, Phù Cát….và các bài thơ được ra đời từ đó như: Cái hầm trên đèo. Ở  rừng,, Suy tư Trường Sơn, Cái niêu đất…và biết bao những kỷ niệm mà anh hằng trân trọng.
Sự chia ly trong chiến tranh trong thơ anh còn là tiếng vọng của nỗi đau đớn, khắc khoải đợi chờ của những người vợ mới chỉ mơ ước khi hẹn về ngày cưới của mình:
“Có một mùa hè đốt lửa chia ly
Từng góc phố quê hương cũng chẳng còn nguyên vẹn
Lũ con ma ào qua khung cửa hẹp
Trang vở học trò vụn nát bom rơi”
Song những người lính vẫn  sắt son tin tưởng và chờ đợi ngày trở về với người yêu, người vợ của mình và đây là một câu thơ rất đẹp:
“Ngày hẹn cưới
Khuất dần trong trùng điệp quân đi…”
Tôi được biết tập thơ đầu tay của anh mang tên “Nhớ lại tuổi hai mươi”. Cũng rất  may mắn vì anh đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc và góp ý trước khi đem in ở NXB Hội Nhà văn VN. Điều may mắn hơn nữa là tập thơ “Chiến trường” của anh sau 10 năm thất lạc đã tình cờ tìm lại được đúng vào ngày anh dự tang lễ Nhà thơ Phạm Tiến Duật, điều này thật giống như một sự linh thiêng.
“Đánh mất chiến trường” cũng lại là một  tác phẩm có dấu ấn đẹp của sự nuối tiếc với những người lính Trường Sơn năm xưa khi anh và đồng đội của mình trở về nơi chiến trường xưa để tìm  lại hài cốt những đồng đội của mình.
Phần  1 tập thơ được mang tên: “Trường sơn của tôi, chiến trường của tôi” gồm 50 bài mang đậm dấu ấn  chiên tranh như: Ra trận, Qua ngã ba Đồng Lộc, hành trang đi B, Chạm mặt A lưới, Đường 72, Sốt rừng, Màu trắng hoa phong lan…
Bài thơ Cao điểm anh viết tại cao điểm 551 ở mặt trận Tây nam Huế tháng 4/1972 là một ký ức thật đẹp về chiến trường:
“Nhìn lên bốt nắng lửa vẫn như rang
Giây lát nữa thôi lại bom gầm, đạn réo
Đồng đội đang khát khô chờ đợi
Có nước là may rồi không phải nghĩ suy”.
Nỗi sợ hãi trong chiến tranh là luôn hiện hữu và những ngừoi lính- chỉ khi họ đã vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình thì  mới dám tin rằng mình vẫn còn sống:
“Không có chỗ cho sợ hãi nữa đâu
Qua ngầm rồi mới biết mình còn sốg
Đạn bom thù sau lưng vẫn ầm ầm khét lẹt
Quân ta vẫn hối hả xuống đồng bằng”- (Bài Qua ngầm tử thần)
Và trong từng khoảnh khắc cận kề của sự sống và cái chết ấy thì những ước mơ của người lính vẫn cháy bỏng những ánh sáng lung linh:
“Đêm yên tĩnh là đêm nhiều nỗi nhớ
Đêm chuyển rung là đêm ở chiến trường
Đêm không sao, giang đầy mơ ước..
Xích xe tăng nghiến nát tiếng bom rơi”- (Bài Ước mơ trong đêm)
Ngày nay chắc nhiều bạn trẻ cũng không thể hình dung được những hành trang mang theo trên mình của các chiến sỹ đi B ngày ấy, qua những câu thơ giản dị như thế này:
“Tăng bạt, chăn màn phải xếp trên cùng
Quần áo thu đông tạm cho xuống dưới
Đường sữa, lương khô để sao cho dễ lấy
Bánh kẹo, thuốc lá thơm…chẳng thiếu gì đâu”-(Bài Hành trang đi B)
Đây là một kỷ niệm đẹp đẽ với hình ảnh “Cả đội hình ngã ngồi vào đêm” rất ấn tượng:
“Bộ đội qua sông lặng lẽ xếp hàng đôi
Bỗng dưng như khựng lại
Giao liên báo đò vẫn chưa tới
Cả đội hình ngã ngồi vào đêm” – (Bài thơ QUA QUÁN HÀU )
 Và “Tân ơi” là một tiếng gọi bạn đau đơn khôn nguôi.Bài thơ Tân ơi là một minh chứng sống động về chiến tranh và nỗi xót  xa về sự hy sinh  đau đớn đến tàn khốc của người bạn chiến trường. Ngay cả khi “Trước giờ toàn thắng” 30/4/1975 trong niềm vui lớn của dân tộc thì vẫn nhói lên trong lòng anh là nối đau xót về người bạn của mình vừa hy sinh:
“Tin sét đánh anh nhận giữa ngày vui
Em ngã xuống trên đường vào thành phố
Ngôi mộ bên đường chưa kịp xanh màu cỏ
Đành phải chia tay, mặt trận mới gọi rồi”
                            ( Bài Trước giờ toàn thắng)
Phần 2 tập thơ của  Kiều Anh Hương gồm nhiều bài về những hồi ức của  Kiều Anh Hương như: Thầy giáo ở trường làng, Lời của vong hồn ngày 30/4, Đám tang nhà thơ Phạm Tiến Duật, Nỗi nhớ sông Hương, Dấu lặng, Tháng bảy, Một chút thôi…
Bài thơ Thầy giáo ở trường làng là một hồi ức không nguôi về người thầy trong chiến tranh
“Dấu muốn quên những hiện hữu chiến tranh
Dẫu cứ ngày ngày theo thầy đến lớp
Cánh tay cô đơn , chông chênh phấn viết
Day dứt cuộc đời, nhức nhối vết thương xưa”.


Những hồi ức của anh  đầy day dứt và chan chứa  tình yêu thương với quê hương, đồng đội và trên hết là tình yêu Tổ Quốc, tất cả tạo nên sức mạnh giúp người lính có nghị lực để sống và chiến đấu, hy sinh.
Ký ức về dải rừng Trường Sơn bạt ngàn với  sắc thông xanh biếc với vẻ đẹp trập trùng nay đã bị tàn phá một cách không thương tiếc do bom Mỹ và chất độc da cam đã gieo rắc. Sự hủy diệt và nỗi đau ấy còn dai dẳng ở bao thế hệ con cháu  sau này trên  mảnh đất  đau thương bởi cuộc chiến tàn khốc và muôn đời  sẽ không thể quên. 
“Thung lũng mang dáng hình một con thuyền
Bập bệnh trong ngút ngàn lau lách
Con thuyền bơi giữa đại ngàn đang chết
Triệu triệu thân cây trụi lá vô hồn…”( Bài A Lưới đầu mùa khô 1972)
Sau bao năm, khi đất nước đã hòa bình, thật xót xa khi dải rừng Trường Sơn hùng vĩ là thế nay đã bị tàn phá và các anh không thể tìm được những dấu vết xa xưa để lần tìm hài cốt và  nơi an nghỉ của những người lính đã chết trong chiến tranh:
“Đã có một ngày
Chúng tôi về lại chiến trường
Đắc Nông, Đắc Tô, A Sầu, A Lưới
Bỗng nhói đau khi những cánh rừng trơ trụi
Gốc thông già xưa cũng không còn
Mộ bạn giờ này biết tìm nơi đâu?”- (Bài Đánh mất chiến trường) 
Niềm xót xa ấy trào dâng trong từng nhịp thơ của anh và nỗi nhớ đau đáu về những người lính đồng đội đã ngã xuống mà đến nay vẫn không tìm được chút di hài nào của họ. Anh gom nhặt từng kỷ niệm còn lại của chiến tranh để viết nên những trang nhật ký đau xót bằng thơ của mình:
“Mùa lũ qua rồi ở cuối con sông
Phía bãi bồi có vong hồn người lính
Nắng rát đầu non đã tìm về với biển
Để hát lại bài ca
Chiến trường.” 
Chiến tranh đã đi qua, cuộc đời của bao con người đã thay đổi, có hạnh phúc, có bất hạnh nhưng nỗi đau của chiến tranh thì không ai được phép  quên và không thể được quên ơn những người đã nằm xuống cho cuộc sống hạnh phúc ngày hôm nay. Dẫu cho cuộc đời còn nhiều ngang trái, bất công, thì hạnh phúc lớn lao nhất vẫn là được sống và tiếp tục cống hiến. Người lính  của những năm xa xưa ấy hiểu rõ điều đó và vẫn luôn tự hỏi lòng mình trước bao trăn trở, nỗi đen bạc của cuộc sống thời bình:
“Để soi lại chính mình sau năm tháng bình yên
Bạn lính còn nhận ta không, giữa cuộc đời phù hoa đen đỏ
Ta có còn là chính ta không nhỉ
Hỡi những bạn lính của tôi ơi, hãy nói dùm ?”
( Bài Mượn nỗi nhớ vong hồn tháng  bảy)


Nghĩ về cuộc chiến đã qua , dẫu văn chương, thi ca  có những lời ngợi ca hào hùng đến đâu thì vẫn không thể quên được nỗi đau đớn và sự bạo tàn.
“Những niềm tin ấu trĩ và ngây thơ
Bốn mươi năm sau cho ta nhìn lại
Xác đồng đội tôi vẫn ôm ghì xác giặc
Cái chết đã hóa linh hồn của tự do”.
Những người lính và cả thế hệ khi ấy và sau này sẽ mãi mãi không thể quên những đau thương, bất hạnh tột cùng của chiến tranh.
“Vạn cây rừng, vạn con người ngã xuống
Nấm mồ tuổi xanh nằm cạnh gốc thong già
Mũi dao găm vẹt mòn khắc tên từng ngừời lính
Mây trắng Trường Sơn, đầu cuốn khăn tang”.
                         (Bài thơ Đánh mất chiến trường)
Thơ của Kiều Anh Hương còn là tiếng lòng của người lính đã đi qua chiến tranh, một tiếng lòng đầy xót xa nhưng không kém trầm hùng
“Cuộc chiến tranh nào cũng đều bạo tàn
Và mọi người lính đều hóa thành tấm bia cho cuộc đời ngắm bắn.”
                    ( bài Chiến tranh và người lính)
Chỉ tiếc rằng nhiều câu thơ của anh chưa thật trau chuốt, nếu anh chịu khó gọt rũa kỹ lưỡng hơn thì nhất định sẽ có nhiều bài hay hơn. “Đánh mất chiến trường” là một cuốn nhật ký đẹp về chiến tranh bởi những ký ức và hơi thở đau thương pha nỗi xót xa cùng những kỷ niệm sống động về cuộc chiến tranh của  một thời khói lửa  hào hùng mà đầy bi tráng.
 Hơn bốn mươi năm đã qua và bây giờ, chúng ta có thể tự hào về người lính Kiều Anh Hương năm xưa, bởi anh đã là một nhà quản lý, một nhà thơ, nhà doanh nghiệp đầy nghị lực đã thành đạt  sau chiến tranh. Anh đã có nhiều tác phẩm được đoạt giải trong các cuộc thi thơ và truyện ngắn, có lẽ niềm hạnh phúc và  thành công nhất của người lính, với anh bây giờ là vẫn còn  được viết, được sống bằng những hồi ức với những  đề tài nóng bỏng về chiến tranh với tâm hồn và trái tim của một nhà thơ chiến sỹ.

TB: (Phương Thảo viết những lời này với tấm lòng tri ân, như một món quà gửi tặng nhà thơ Kiều Anh Hương và những người lính để nhớ về những tháng năm hào hùng và những kỷ niệm về Trường Sơn năm xưa. Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân Đội nhân dân Việt Nam và ngày Quốc phòng toàn dân 22/12/2012 kính chúc các anh chị luôn vui khỏe,yêu đời, hạnh phúc và thành công.)

Không có nhận xét nào:

Trang