15 tháng 8, 2017

Phương Tây sẽ mang dân chủ đến cho Việt Nam ?

Vẫn còn có khá nhiều người Việt, trong lẫn ngoài nước, hy vọng một phép màu từ các nước phương Tây, như Mỹ, Úc, Canada, Đức… có thể làm một điều gì đó, mang Dân chủ đến cho Việt Nam. Tuy nhiên, có những mơ ước viển vông, thì khó lòng thành hiện thực. Ngày nay, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đặt ngoại giao thỏa hiệp lên trên cả Nhân quyền và những giá trị tốt đẹp của Dân chủ, để đổi lấy lợi ích thương mại.
Trông cậy vào phương Tây mang lại dân chủ cho Việt Nam là viển vông. Ước mơ đó đang tan thành mây khói, vì chính quyền phương Tây ngày nay đặt ngoại giao thỏa hiệp lên trên cả nhân quyền và những giá trị tốt đẹp của dân chủ để đổi lấy lợi ích thương mại. Có thể gọi đó là một thất bại lương tâm (moral failure)
Từ chối chỉ trích và lên án mạnh mẽ những bắt bớ và đàn áp hung bạo của nhà nước cộng sản, đối với những công dân Việt Nam ôn hòa, phần nào thể hiện sự sa sút đạo đức và lương tâm.
Người viết sẽ dẫn chứng 4 sự kiện gần đây nhất, để chứng minh sự thất bại lương tâm (moral failure) của những nhà lãnh đạo trong các tổ chức tầm cỡ, để người đọc thôi dựa vào phương Tây mang Dân chủ đến cho Việt Nam
1. Viện Di Sản (The Heritage Foundation)
31/5/2017, trong chuyến viếng thăm chính thức Hoa Kì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Viện Di Sản (Heritage Foundation) có mời ông Phúc đến đọc diễn văn vào buổi chiều cùng ngày. Viện Di Sản là một tổ chức lớn, gồm những chuyên gia cố vấn (think tank) có tầm ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình hoạch định và thực thi chính sách của Hoa Kỳ. Trong buổi nói chuyện của ông Phúc tại Viện Di Sản, bà Nguyễn Thị Ngọc Giao, thành viên của Voice of Vietnamese Americans (Tiếng Nói Người Mỹ gốc Việt), là khách mời, nhưng đã bị đuổi ra khỏi hội trường,trước khi ông Phúc đọc diễn văn,vì sức ép của Hà Nội. Bà Giao kể lại sự việc với người viết trong nỗi thất vọng và tức giận, bởi bà đã rất ôn hòa và không hề có một hành động nguy hiểm, hoặc khiêu khích nào khiến cho nhà cầm quyền phải lo sợ. Phóng viên Hoàng Long của đài tiếng nói Hoa Kì VOA đã tường thuật lại sự việc :
"Bà Giao nói khi bà cố gắng giải thích bà có tên trên danh sách khách mời và được cấp thẻ khách mời, các nhân viên an ninh của phái đoàn Việt Nam khăng khăng đòi bà trả lại thẻ này trong khi nhân viên an ninh của Quỹ Di sản hối thúc bà chấp hành yêu cầu đó.Quỹ Di sản không hồi đáp những email và cuộc gọi điện thoại của đài tiếng nói Hoa Kì VOA hỏi về sự việc. VOA đến tận nơi để tìm gặp nhân viên an ninh áp tải bà Giao ra khỏi tòa nhà. Người này xưng tên là Robert Fisher và từ chối bình luận. Sau đó, cấp trên của ông Fisher cũng bước ra trao đổi với VOA. Ông này cũng từ chối bình luận và đề nghị VOA chuyển những câu hỏi sang bộ phận báo chí của Quỹ Di sản".
Người viết có mặt tại cổng ra vào của Viện Di Sản vào thời điểm chị Giao bị đuổi ra khỏi tòa nhà và chứng kiến nhân viên an ninh, Robert Fisher, một cách gay gắt ép chị Giao ra khỏi đó. Ngay sau khi sự việc xảy ra, người viết cũng đã email trực tiếp cho Phó Giám đốc (Vice President) và bộ phận chí của Viện Di Sản để yêu cầu hồi đáp vì sao họ lại đi ngược lại những giá trị dân chủ và tự do mà họ đang đại diện. Tuy nhiên, cho đến này người viết vẫn không nhận được bất kì hồi đáp nào từ họ.
2. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS)
11/7/2017, Greg Rushford, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng và trang Rushford Report, có tiết lộ những thông tin tuyệt mật về nhà cầm quyền Hà Nội, đã dùng tiền để chi phối hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), vốn là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu, gồm các chuyên gia cố vấn (think tank) uy tín của Hoa Kì hơn 50 năm qua. Vài chi tiết đáng chú ý của bản báo cáo :
"Kể từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã tặng CSIS hơn $450.000 để tổ chức các buổi hội thảo hàng năm về biển Đông. Qua nhiều năm, CSIS đã tăng thêm $55.000 từ tài khoản nội bộ của nhóm chuyên gia này, nguồn của nó không được xác định trong tài liệu mà tôi được cho xem".
"Trên hết mọi thứ, chính phủ Việt Nam muốn giới ưu tú trong chính sách đối ngoại ở Washington không để mắt tới các vi phạm thô bạo về nhân quyền của Hà Nội. Đảng Cộng sản xem sự tồn tại của chính họ là phụ thuộc vào khả năng tiếp tục đàn áp ngay cả người bất đồng chính kiến ôn hòa".("How Hanoi’s Hidden Hand Helps Shape a Think Tank’s Agenda in Washington, Greg Rushford, Rushford Report, 11/7/2017).
Chính quyền Việt Nam đã dùng rất nhiều tiền để mua hợp tác ngoại giao từ những tổ chức có ảnh hưởng lớn ở Washington. Và quan trọng hơn, các tổ chức tầm cỡ đóđã thể hiện rằng, sự im lặng của họ trước những vi phạm nhân quyền, có thể được mua bằng tiền.
3. Tập đoàn vận Động hành lang Podesta (The Podesta Group)
Tập đoàn Podesta, một cơ quan vận động hành lang quyền lực ở D.C., có quan hệ chặt chẽ với Hilary Clinton and các nhà sản xuất quốc phòng, cũng nhận tiền của chính quyền Việt Nam. Nhóm này đã vận động gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, trợ giúp Việt Nam tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), và chuyến viếng thăm Hà Nội của Tổng thống Obama. Hồ sơ đăng kí của Bộ Tư Pháp Hoa Kì (Foreign Agents Registration Act) cho thấy, chính phủ Việt Nam đã chi cho tập đoàn Podesta mỗi tháng 30.000 USD (khoảng 670 triệu VND), kể từ ngày 2 tháng 12 năm 2013, đến ngày 31 tháng 12 năm 2015, với tổng số tiền là khoảng 1,08 triệu USD, để vận động lập pháp và hành pháp của Hoa Kì.
Nhiều nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam cũng đã từng hy vọng, Tổng thống Obama trong chuyến thăm Hà Nội, sẽ lên tiếng chỉ trích những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra vì Hà Nội đã mua được sự im lặng và thỏa hiệp ngay cả của Obama.
Thứ Hai, 23 tháng 5, trong phát biểu đầu tiên tại Việt Nam, ông đã không chỉ trích những vi phạm nhân quyền của chính phủ, thay vào đó ca ngợi "tiến bộ khiêm tốn ở một số lĩnh vực mà cả hai bên xác định là mối quan tâm" và lưu ý rằng nhân quyền là "một vấn đề mà cả hai chính phủ không đồng thuận".
Vào ngày thứ Ba, Obama dự kiến gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền, nhưng chính phủ đã bắt giữ và ngăn chặn phần lớn các nhà hoạt động được mời đến gặp ông. Và Obama cũng không thể hiện sự giận dữ bằng cách chấm dứt cuộc gặp gỡ để phản đối hành động đạo tặc của chính phủ Việt Nam. Ông vẫn xem như không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra bởi đã được vận động hành lang từ tập đoàn Podesta.("From Team Hillary to Vietnam Lobbyist", Besty Woodruf, The Daily Beast, 5/25/2016)
4. Nguyên thủ quốc gia của các nước dân chủ
5/2016, Tổng thống Hoa Kì Obama đã im lặng về nhân quyền, cải cách dân chủ, và gỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam.
5/2017, Tổng thống Hoa Kì Donald Trump, được mong chờ là sẽ mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm, lên tiếng chỉ trích những vi phạm nhân quyền của Hà Nội trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng, Trump cũng đã im thin thít.
13/3/2107, Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người được trao giải Noel Hòa Bình qua đời trong khi đang chịu bản án 11 năm tù vì kêu gọi dân chủ ở Trung Quốc. Chỉ vài tuần trước khi ông Lưu qua đời, các nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối yêu cầu điều trị căn bệnh ung thư cho ông ở nước ngoài, trong khi vợ ông vẫn bị quản thúc tại gia.
Việc đối xử tồi tệ và tàn ác đối với các nhà bất đồng chính kiến ​​ở Trung Quốc là chuyện vẫn thường thấy ở những nước độc tài cộng sản : Việt Nam, Cuba, và Bắc Hàn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây cũng chỉ đưa ra một vài tuyên bố ngoại giao rất thận trọng và cho có lệ.
Trong lúc những người yêu chuộng dân chủ và nhân quyền đang khóc thương cho sự ra đi đột ngột của ông Lưu, thì tổng thống Trump (Hoa Kì) và tổng thống Macron (Pháp) đã không hề nhắc đến cái chết oan khuất của ông Lưu trong cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao. Thay vào đó, cả Trump lẫn Macron đồng thanh ca ngợi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình của đảng cộng sản Trung Quốc.
Trump hào hứng nói : "Ông Tập là một người tài năng và tốt bụng. Ông ấy rất yêu nước Trung Quốc. Ống ấy luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho Trung Quốc".
Macron cũng thể hiện sự tôn trọng và kết luận rằng : "Hiện nay, ông Tập là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới".
Chris Patten, hiệu trưởng của trường Đại học Oxford, chia sẽ trên Project Syndicate vào 24/7/2017 :
"Tôi chỉ có thể tự hỏi có bao nhiêu nhà lãnh đạo phương Tây trong những năm gần đây đã nêu trường hợp của ông Lưu Hiểu Ba với nhà cầm quyền Trung Quốc ? Cơ hội chắc chắn là rất nhiều, bao gồm cuộc họp thượng đỉnh G20 gần đây nhất, khi mà ông Lưu đang nằm trên giường bệnh... Trung Quốc đã tức giận, tìm cách gây hại cho Na Uy khi ông Lưu được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2010, thì phương Tây đã không biểu lộ sự tức giận hoặc thể hiện tình đoàn kết thực sự đối với một đồng minh của NATO".
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, việc thúc đẩy dân chủ toàn cầu của Hoa Kì dường như được thay thế bằng chính sách ngoại giao của an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế.
Trong những năm gần đây, khuyến khích những giá trị tốt đẹp của dân chủ không còn là ưu tiên hàng đầu đối với phần lớn các nhà lãnh đạo và công luận Hoa Kì. Có lẽ vì thế, các nhà nước độc tài đang vui mừng trước thay đổi hết sức đáng ngại về chính sách ngoại giao của Hoa Kì.
Thay lời kết
Greg Rushford đã kết luận : "Từ chối lên tiếng khi những công dân Việt Nam dũng cảm bị bắt giam chỉ đơn giản vì họ thực hiện những quyền phổ quát đến quyền tự do ngôn luận, chắc chắn là một suy sụp về đạo đức".
( "To refuse to speak out when courageous Vietnamese citizens are imprisoned merely for peaceable exercising their universal rights to free speech is surely a moral failure").
Và như bạn đọc đã thấy trong dẫn chứng kể trên, nhiều tổ chức quốc tế tầm vóc nói riêng và các nước phương Tây nói chung, đã chọn thỏa hiệp "đi đêm" với nhà nước cộng sản. Họ phớt lờ những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền của để đổi lấy hợp tác thương mại có lợi. Chính vì thế, những cá nhân và đoàn thểđấu tranh Dân chủ cho Việt Nam nên từ bỏ thái độ ỷ lại và dựa dẫm vào phương Tây. Đừng mong đợi bất kì tổ chức nước ngoài hoặc quốc gia sẽ mang đến dân chủ cho Việt Nam.
Dân chủ và tự do phải đấu tranh mới có. Dân chủ hóa Việt Nam trên hết phải là trách nhiệm của người dân Việt Nam ; trách nhiệm lớn nhất vẫn là giới trẻ và trí thức tinh hoa.
Quan trọng hơn, những anh chị em đấu tranh cần ý thức rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân, mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức để đẩy phong trào dân chủ sang một bước tiến mới hiệu quả hơn, đi đến thắng lợi cuối cùng là mang lại Dân chủ và Đa nguyên cho Việt Nam.
Sự tồn vong và cường thịnh của Tổ Quốc là trách nhiệm của mỗi người dân, không phải là độc quyền của một chế độ, đoàn thể, hay tổ chức nào. Những thử thách và chướng ngại dân chủ hóa đất nước là rất lớn.
Tuy nhiên, chúng ta, những con người của tự do, sẽ giành được thắng lợi khi chúng ta học cách làm việc chung với nhau, dựa trên tư tưởng và đồng thuận chungcủa tổ chức.
Muốn sớm có dân chủ, thì phải liên kết lại với nhau, để trở thành đối trọng của đảng cộng sản, yêu sách dân chủ và bầu cử tự do, thay vì mong chờ và dựa dẫm sự giúp đỡ của quốc tế.
"God helps those who help themselves".

Mai V. Pham (Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Không có nhận xét nào:

Trang