18 tháng 5, 2017

Chi phí không chính thức nhiều, cán bộ hay đi chơi

Tác giả: Hà Nam
KD: Tỷ như cán bộ chủ chốt đi nước ngoài học về bán vé số chẳng hạn
—————
– Các doanh nghiệp phản ánh tình trạng cán bộ ở địa phương đi chơi quá nhiều vẫn có và nhiều chi phí không chính thức quá nhiều.
Ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều
Sáng 17/5, tại trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với khoảng 2.000 đại biểu.
Đưa ra ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã chỉ ra một thực tế tồn tại bấy lâu nay đó là “ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều”.
Ông Đệ nhận định, hiện nay phải thừa khoảng 50% cán bộ, công chức. Tình trạng này dẫn đến cán bộ đi chơi, không tập trung công việc.
“Họ đi chơi quá nhiều, họ ngồi bói chữ nhiều hơn là làm”, ông Đệ nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Vì vậy ông Đệ cho rằng muốn các chính sách nhanh đi vào cuộc sống, Chính phủ cũng cần chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
Thay mặt cho Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, ông Đệ cho rằng nên có chính sách sửa đổi và chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này để chia sẻ quá tải cho hệ thống bệnh viện nhà nước
“Tất cả các hiệp hội đều có DNNVV. Khi chính sách ban hành, hiệp hội nào có DNNVV thì có trách nhiệm triển khai và thụ hưởng.
Tôi mong muốn Nghị quyết 35 phải thành công hơn nữa. Phải phát huy Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị, nhưng hiệu quả vẫn còn chưa đáp ứng. Ví dụ, tại Hải Phòng, chính quyền động viên DN bỏ 50 tỷ để xây dựng bến xe, sau khi đầu tư xong thì không cho. Đề nghị đưa Nghị quyết 04 vào thực hiện thí điểm tại Hải Phòng”, ông Đệ nhấn mạnh.
Chi phí không chính thức quá nhiều
Ý kiến của ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội nghị.
Ông đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ góp phần gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ DN hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.
Tuy nhiên ông Thân cho rằng, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho DN. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất dai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện. Trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, DN còn phải chi các khoản không chính thức.
Quang cảnh buổi đối thoại của Thủ tướng với các doanh nghiệp. Ảnh: TTO
“Chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng”, ông Thân nhấn mạnh.
Theo ông Thân, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ.
Do đó, DN phải ‘đi đêm’, ‘chung chi’, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. DN hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp, nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm.
Từ những tồn tại trên, ông Thân đề nghị các DN cần đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, làm giàu chân chính cũng như chung tay với cơ quan nhà nước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhà nước cần thực thi luật hỗ trợ DNNVV, giao trách nhiệm một cách cụ thể để thực thi luật cho hiệu quả.
“Các hộ kinh doanh cũng cần được đối xử bình đẳng như các DNNVV để họ nhận thấy lợi ích và chuyển thành DN. Đề án hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành DN cần được nghiên cứu kỹ, cho thí điểm chuyển giao một số dịch vụ công cho hiệp hội DN thực hiện để để giảm chi phí cho DN. Hơn hết, Thủ tướng và Chính phủ cần có giải pháp đột phá, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN”, ông Thân khẳng định.
Còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Pari”; chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”… và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Trong Hội nghị này, Thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Thủ tướng đề nghị đại diện các cơ quan nhà nước phát biểu ngắn gọn, dành thời gian cho các đại biểu doanh nghiệp trình bày ý kiến.
Ngay sau Hội nghị, trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhằm đề ra chỉ thị quan trọng thúc đẩy thực hiện hiện tốt hơn nghị quyết 35 với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Không có nhận xét nào:

Trang