Cho tới nay, chiến dịch “tìm và diệt” đối với Trịnh Xuân Thanh đã vượt hơn 4 tháng. Thế nhưng đến giờ vẫn không có bất kỳ thông tin nào từ bất kỳ cơ quan chức năng nào của Việt Nam cho biết ông Thanh đang ở đâu, chưa nói gì đến chuyện “sẽ kiên quyết bắt Trịnh Xuân Thanh”.
Hội nghị trung ương 4 của đảng CSVN vào tháng 10/2016 đã kết thúc lặng lẽ. “Bài phát biểu quan trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” có lẽ là điểm nhấn duy nhất của hội nghị này, để chấm dứt bằng yêu cầu về nghị quyết “chống suy thoái” và chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Nhiều giải pháp được nêu ra, nhưng hình như chẳng có giải pháp nào cụ thể. Mọi thứ vẫn chung chung, vẫn trừu tượng một cách trì đọng.
Cuộc “chỉnh đảng” lần này là hoàn toàn không ấn tượng, nếu so với Hội nghị trung ương 4 khóa XI được giới tuyên giáo coi là “lịch sử”. Cứ khoảng vài ba năm, đảng lại ra một nghị quyết hoặc một “văn bản quan trọng” để chấn chỉnh lối sống, tư tưởng, đạo đức và bao gồm cả việc phòng chống diễn biến hòa bình trong cán bộ đảng viên. Sau đó, cán bộ đảng viên các tỉnh thành lại xách cặp đến hội trường để học tập nghị quyết. Học xong, đường ai nấy về.
Tuy nhiên kết quả của các cuộc chỉnh đảng liên tiếp như vậy có thể được xem là “thành công” đến mức nào?
Có thể mô phỏng tính song hành quy luật về suy thoái giữa kinh tế và chính trị. Trong một diễn đàn kinh tế Việt Nam cũng vào tháng 10/2016, nhiều chuyên gia nhà nước đã phải tán thán rằng sau 5 năm tái cơ cấu kinh tế, nợ công và nợ xấu đều tăng vọt.
5 năm lại là khoảng thời gian tính từ cuộc “chỉnh đảng” tại Hội nghị trung ương 4 năm 2011 cho đến nay. Kết quả mới nhất về tinh thần nghị quyết đảng là trường hợp Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Như Phong.
Là một đảng viên từng được xem là ‘ưu tú”, là một đại biểu quốc hội từng có số phiếu bầu cao nhất ở tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh đã bay thẳng sang trời tây để chống lại ông Nguyễn Phú Trọng mà do đó bị quy thành tội chống đảng. Không những thế, ông Thanh còn liên kết với blogger Người Buôn Gió – nhân vật bị công an và ông Trọng coi là “thế lực thù địch”.
Trong khi đó, đại tá công an Nguyễn Như Phong còn tỏ ra mạnh bạo hơn cả Trịnh Xuân Thanh. Vào tháng 9/2016 khi còn đương chức tổng biên tập báo Petrotimes, ông Phong đã cho đăng bài của tờ Thời Báo (Đức) phỏng vấn Người Buôn Gió với nội dung có lợi cho Trịnh Xuân Thanh.
Rất rõ ràng, cả ông Thanh lẫn ông Phong đều “tự diễn biến” một cách ngọt ngào, và ngọt ngào chưa từng thấy.
Tuy thế, điều đáng ngạc nhiên là trường hợp Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Như Phong lại không được mang ra Hội nghị trung ương 4 để làm bằng chứng cho hiện tượng “tự diễn biến”, ít nhất trên phương diện thông tin cho báo chí. Vì thế, dư luận xã hội vẫn chỉ biết đến cuộc “chỉnh đảng” của ông Nguyễn Phú Trọng qua bài phát biểu đã qua và có thể bản nghị quyết sắp tới.
Cũng cần nói thêm rằng cho tới nay, chiến dịch “tìm và diệt” đối với Trịnh Xuân Thanh đã vượt hơn 4 tháng. Thế nhưng đến giờ vẫn không có bất kỳ thông tin nào từ bất kỳ cơ quan chức năng nào của Việt Nam cho biết ông Thanh đang ở đâu, chưa nói gì đến chuyện “sẽ kiên quyết bắt Trịnh Xuân Thanh”. Cũng cho tới giờ, vẫn không có bất kỳ thông tin nào về việc tổ chức Interpol quốc tế đã đưa cái tên Trịnh Xuân Thanh vào danh sách truy nã quốc tế, dù cho Bộ Công an Việt Nam đã phát lệnh và gửi yêu cầu này cho Interpol quốc tế từ cả tháng trước.
Lê Dung/(SBTN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét