Hoàng Giang
Người đàn ông chèo thuyền để vận chuyển hàng cứu trợ trong trận lụt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, ngày 18/10/2010. Nguồn: Reuters.
Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 70.000 ngôi nhà đã bị ngập tại Quảng Bình, hơn 24.000 ngôi nhà bị ngập tại Đà Nẵng. Mùa mưa đến, mùa lũ về, người dân miền Trung có thể đã quá quen với cuộc sống song hành cùng thiên tai. Nhưng nó trở nên khủng khiếp và đau lòng hơn khi chính chính quyền của dân “tiếp tay” cho dòng lũ thêm dữ bằng cách xả lũ từ nhà máy thủy điện mà không hề báo trước.
Chúng ta bàng hoàng nhận ra đây như một phiên bản Việt của câu chuyện chính quyền Trung Quốc đột ngột xả đập gây lũ kinh hoàng khiến hàng trăm nghìn người dân thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc gặp nạn vào tháng 7 năm 2016. Trên các kênh truyền hình hay báo chí nhà nước, không một thông tin nào về việc xả đập được đề cập đến, người dân chỉ biết thông báo cho nhau qua các trang mạng xã hội khi nước đã tràn đến cách cửa nhà chỉ vài cây số. Trong cuộc họp báo trả lời những chất vấn của người dân, chính quyền thành phố Thiên Môn chối bay chối biến rằng không có vấn đề xả nước mà không thông báo trước cũng như không hề có người thiệt mạng.
Người dân miền Trung, họ còn gì? Sau sự kiện Formosa gây ô nhiễm biển khiến cá chết tràn lan khắp 4 tỉnh miền Trung, kế sinh nhai từ công việc đánh bắt, buôn bán hải sản coi như chấm dứt. Họ đã thôi hoang mang và thay vì chấp nhận sự im lặng hèn hạ của nhà nước, họ tìm cách tự đấu tranh.
Ngày 2/10/2016, ước tính khoảng 18.000 người dân tại huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung trước cổng tập đoàn Formosa để biểu tình. Người dân hiểu rằng 500 triệu đôla bồi thường không giải quyết được vấn đề, số tiền ấy không cứu sống được cuộc sống của họ, không bảo đảm được tương lai con cái họ. Biển không còn, người dân miền Trung nay sống nhờ vào các hoạt động nông nghiệp ruộng vườn.
Nhưng đến ngày hôm nay, đất cũng chẳng còn. Cả xã Hương Khê, Hà Tĩnh, đang chìm trong biển nước vì thủy điện Hố Hô xả lũ ồ ạt với lưu lượng 1.800 m3/giây cùng mưa lớn. Vẫn là ra rả “thương lắm miền Trung”, vẫn là ra rả những chỉ thị “đúng quy trình”, và vẫn còn đó từng đứa trẻ con đứng ngồi trên nóc nhà, nhìn bốn bề nước ngập cuốn theo cả gia tài con trâu con bò ít ỏi – sinh kế cuối cùng của gia đình mình. Có 20 người đã chết và mất tích trong cơn lũ.
Đây liệu có phải chỉ câu chuyện của quy trình, của trách nhiệm? Hay cơn lũ còn như một cái tát trời giáng vào mặt những người dân miền Trung, rằng chúng ta còn cơ cực lắm, chúng ta còn mạt hạng lắm, lo giữ lấy của cải, giữ lấy mạng sống vốn đã nghèo nàn của mình, đừng mơ tưởng đi biểu tình mà đòi lấy công bằng cho cuộc sống vốn dĩ đã quá nhiều bấp bênh.
Trên các trang báo, tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy nổi một thông tin về biểu tình chống Formosa, chỉ thấy một miền Trung nghèo khó và khổ sở trăm bề. Họ không được chính quyền bảo vệ, ngược lại, còn cố tình dìm chết họ, vô tình và vô ý như cơn xả lũ trong mùa mưa về. Với 500 triệu đôla trong số 10 tỉ đôla từ quỹ đầu tư vào nhà máy, Formosa vừa làm vừa lòng dư luận khi các cuộc biểu tình tại Sài Gòn và Hà Nội ngay lập tức chấm dứt; vừa mua đứt được sự an toàn khi được chính quyền Việt ra sức bảo vệ.
Giờ đây dân Hà Tĩnh có lẽ đã tự tìm được câu trả lời cho câu hỏi của họ trong cuộc biểu tình mới chục ngày trước: “Chọn dân hay chọn Formosa?” bởi số phận của họ, trớ trêu thay, hiện không khác gì những sinh vật chết ngập dưới biển độc, hay dưới bộ máy chính quyền đầy rẫy những thứ quy trình bán rẻ đất nước và coi thường mạng sống của chính người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét