Thiện Tùng
Còn nỗi đau nào hơn khi nhà bị ủi sập, không nơi nương tựa!
Qua thời gian dài tiếp cận, ngày 26/06/2019, Thanh tra Chánh phủ thông báo kết luận thanh tra ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, tóm gọn: Lãnh đạo và các ban ngành có liên quan TP HCM vi phạm 2 điều 357 và 360 bộ luật Hình sự “Lạm quyền trong thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát công quỷ 26.315 tỷ VND, tương đương khoảng 1,1 tỷ USD. Sau khi chỉ ra những sai phạm, Thanh tra Chánh phủ đưa ra yêu cầu: "Nếu không khắc phục được vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12 (1) thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra" (Khởi tố).
Sau khi đọc toàn văn kết luận của Thanh tra Chánh phủ về vụ án Thủ Thiêm, chẳng những tôi mà nhiều người khác thắc mắc:
1 /Thanh tra không vì dân?
Nếu không có dân oan Thủ Thiêm khiếu kiện lâu dài, ngày một gay gắt chắc gì có cuộc thanh tra nầy? Thế thì tại sao trong bản kết luận của TTCP không đá động gì đến việc hơn 15.000 hộ dân Thủ Thiêm bị đuổi nhà, cướp đất và cướp cả 160 ha đất tái định cư theo quy hoạch ban đầu?.
Người dân, đặc biệt là nông dân, không thể sống thiếu đất. Suốt chiều dài lịch sử, hết thế hệ nầy sang thế hệ khác, người dân thay phiên nhau, sẵn sàng đổ máu bảo vệ đất nước để làm gì chẳng lẽ đảng CSVN không biết?!
Người ta trụ được nhờ có đất. Mất đất là mất chỗ trụ để ở và mưu sinh khi còn sống, mất chỗ cất mớ xương tàn khi chết.
Vì nước trước hết phải vì dân: Vì sự sinh tồn của dân tộc ta mới ra sức giữ nước? Nếu dân tộc không còn thì giữ nước để làm gì ? – Thủ Thiêm là một trong những hình ảnh đất nước thu hẹp, tại sao Thanh tra Chính phủ lại không quan tâm nổi thống khổ của dân?!.
“Đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý”. Nhà nước là ai – quá trừu tượng?. Nói nghe ngon lắm: Thời chiến đưa ra khẩu hiệu: “người cày có ruộng” để huy động sức người sức của cho cuộc kháng chiến. Thời bình rao giảng: “Người dân có quyền có chỗ ở”.
Thực tế thì sao ? – người dân muốn có đất canh tác hay chỗ ở, nếu không có đất ông cha để lại, thì phải bỏ tiền ra mua hoặc sang nhượng quyền sử dụng đất với giá thị trường. Nhưng nào đã yên, người có quyền “nhơn danh gì có thể nhơn danh, lợi dụng gì có thể lợi dụng”, muốn đuổi ai thì đuổi, đào mồ cuốc mã người ta, bồi thường với giá rẻ mạt. Ai “cứng đầu” dùng bạo lực cưỡng chế, cho vào tù. Còn quan chức cấp cao, cũng chỉ là một công dân, thì lại được hưởng “đặc ân”: dùng đất công xây biệt phủ, xây cất từ đường, làm mã mồ, làm tượng đài, trồng cây lưu niệm.v.v…, thử hỏi còn bất công nào hơn?.
Từ khi lên cầm quyền (1954 ở miền Bắc, năm 1975 trên cả nước), Đảng CSVN đưa ra luật đất đai với nội dung “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý”, tạo ra sự bất an thường trực đối với bất cứ người dân ở nông thôn cũng như thành thị.
An sao được, đất ở, đất canh tác từ lâu thuộc sở hữu của mỗi hộ, giờ đây luật đất đai tước đi quyền sở hữu tư nhân, chỉ cho họ quyền sử dụng có thời hạn và phải nộp thuế. Nhà cầm quyền quy định như vậy, phận làm dân, dầu có uống hàng xâu mật gấu cũng không dám cưỡng lại, mặc cho số phận đẩy đưa ! .
Cái gì đến đã đến, khi nắm quyền đất trong tay, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, chính quyền các cấp thấy chỗ nào đất tốt, tiện lợi khoanh những vùng quy hoạch, chẳng cần tham khảo ý kiến người dân tại chỗ. Quy hoạch làm ngay thì áp tới đền bù, giải tỏa. Quy hoạch treo thì không được xây/sửa nhà, không được trồng cây lâu năm, không được chôn xác người chết ở đây. Nhà nước đã là chủ đất, đền bù chỉ tính giá trị sản vật hiện có trên mặt đất. Nhà nước nói giá nào người bị giải tỏa phải chấp nhận giá đó và phải lập tức di nhà cửa, mã mồ người thân ra khỏi vùng quy hoạch. Nếu ai bất tuân thượng lịnh, nhà cầm quyền dùng bạo lực cưỡng chế - hành hạ người, san bằng sản vật.
2/ Thanh tra để tìm ra thủ phạm hay để chia tiền?
Dường như ngân sách nhà nước được liệt vào loại “bí mật quốc gia”, việc thu - chi ngân sách chưa một lần được công bố trước dân. Cũng như đất đai, cho đến nay, ngân sách nhà nước – tiền thuế của dân, được xem như “của chùa”, người có quyền tùy tiện trong thu-chi, kể cả những khoản chi mờ ám cho cá nhân và băng nhóm. Thế mà luôn lẽo mép: “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Đã quả quyết quan chức TP HCM phạm nhiều tội lỗi trong vụ Thủ Thiêm, sao không khởi tố ngay để điều tra xác định cụ thể từng vụ việc, đưa ra tòa luận tội từng kẻ gian tham, Thanh tra Chánh phủ lại đưa ra yêu cầu: "Nếu không khắc phục được vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra" (khởi tố).
Chỉ tính từ thời tổng thanh tra Trần văn Truyền cho đến nay, việc “bầy hầy” của ngành Thanh tra còn che giấu được ai?!
Kết luận và yêu cầu của Thanh tra Chính phủ trong vụ án Thủ Thiêm như vừa nói trên, dầu có cấm, người ta cũng đã thì thầm với nhau để xả bực:
Họ Cứu bồ: Cho thời gian hơn 6 tháng (26/6/2019 - 31/12/2019) hãy tìm cách tẩu thoát ra nước ngoài đi, chàn ràn ở đó sẽ bị còng đầu biết chưa ?!.
Họ chia của: Muốn ở lại trong nước và được miễn tố hãy “ói ra” 26.315 tỷ VND, tương đương 1,1 tỷ USD. Bằng không, buộc chúng tau phải cho cả bọn vào tù vì tội“ăn không biết kính trên, nhường dưới” biết chưa ?!.
.v.v…
Một đất nước bất kỳ, suy vong khi hội tụ đủ 2 yếu tố:
- Chế độ đang suy, biểu hiện chính yếu ở 3 phương diện: “Nội bộ xào xáo / quan chức hư ráo / nhân dân nhốn nháo”.
- Kẻ thù đang thịnh: kẻ thù bên ngoài đang hăm he thôn tính đất nước bằng nhiều hình thức, mọi chiêu trò.
Việt Nam ta đang trong hoàn cảnh nào, mọi người tùy hỉ định đoán. Người viết chỉ dám khẳng định một điều là: “Nếu có giặc ngoại xâm, người dân không nhiệt tình góp phần giữ nước như trước nữa đâu”. -/-
Chú thích
(1) Tháng 6/2018, khi tiếp xúc cư tri Thủ Thiệm, một quan chức quyền lực nhứt trong cuộc họp hứa đến tháng 11 giải quyết xong vụ kiện cáo ở Thủ Thiêm. Đến tháng 12/2018, dân oan Thủ Thiêm nhắc lại lời ông ta đã hứa , quan chức ấy nói rằng: “Tôi nói tháng 11 chớ đâu có nói năm nào?”. Trong thông báo kết quả của Thanh tra Chính phủ về vụ Thủ Thiêm có ghi đến trước 31/12 chớ không nói năm nào - coi chừng thời gian dây thun ?!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét