13 tháng 10, 2018

Nhất thể hóa

Tác giả: FB Huy Đức- Nguyễn Minh Nhị và Tô Văn Trường.
Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ “cấu thành hình thức” này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, VN sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hoà bán tổng thống (Huy Đức)..KD: Mấy hôm nay, trang mạng XH râm ran bàn chuyện “Nhất thể hóa”. Hôm nay, mình còn nghe thông tin: Đã xong “Nhất thể hóa” với số phiếu 15/16???.Cùng lúc nhận được bài của anh Bảy Nhị, và Ts Tô Văn Trường. Dù đó đều là những bài viết đã khá lâu, nhưng vấn đề “Nhất thể hóa” còn quá mới mẻ với QG này, và những vấn đề đặt ra trong bài viết vẫn mang tính thời sự, rất đáng quan tâm. Các tác giả đều là những người tâm huyết với vân mệnh dân tộc. Xin được đăng lên các bài viết, như những tiếng nói đầy tinh thần trách nhiệm XH với QG- đang trong cơn bĩ cực, mong chờ hồi … thái laiTitle bài, xin được lấy title bài của nhà báo Huy Đức đặt chung cho cả ba bài viết————
Tôi không bình luận nhân sự cụ thể. Nhưng nếu quyết định để Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước lần này trở thành tiền lệ thì cũng rất có ý nghĩa. Ít nhất “biên chế” sẽ chỉ còn là Bộ Tam thay vì Bộ Tứ.
Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ “cấu thành hình thức” này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, VN sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hoà bán tổng thống.
Chủ tịch – nên là chức danh duy nhất được coi là nguyên thủ – thống lĩnh lực lượng vũ trang và đại diện Nhà nước trong các hoạt động đối ngoại. Đây là cái ghế mà chỉ ai thực sự là một chính trị gia hàng đầu mới nên ngồi vào.
Trong khi đó, Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị. Vai trò của Thủ tướng là thiết lập được một nền hành chính công chuyên nghiệp và đưa ra được các công cụ hành pháp kịp thời để phát triển kinh tế – xã hội. Không nên làm Thủ tướng mất thời gian vào các cuộc họp bàn chuyện bắt bớ hay các buổi tiếp tân hình thức.
Tuy nhiên, nếu các chính sách của ông và nội các kinh tế có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích nhóm thì ông và các thành viên mà ông chọn có thể phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ. Vì, cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với “nội các”.
Tháng 9-1997, khi chuẩn bị rời nhiệm sở, ông Võ Văn Kiệt nói về người kế nhiệm, “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Trong khi ông Phan Văn Khải thừa nhận, “Về bản lĩnh chính trị tôi không thể nào so sách với đồng chí Võ Văn Kiệt”.
Cho dù bị trì hãm trong cái kiềng “Tam Nhân”, ông Kiệt đã hành động như một nguyên thủ và ông Khải thực sự là người đứng đầu “nội các kinh tế”. Ông Khải là một nhà kỹ trị. Chính phủ của ông rất khác với Chính phủ Võ Văn Kiệt và càng rất khác với Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Và, cho dù dưới thời một Tổng bí thư như Tướng Lê Khả Phiêu hay như Nông Đức Mạnh, ông Khải vẫn điều hành “nội các kinh tế” (phần mà ông có thực quyền) một cách mực thước và để lại các di sản rất là quan trọng.
Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ. Nước cũng chỉ nên có một “vua”. Ai cũng muốn đứng đầu. Ai cũng làm chính trị mà thiếu một người kỹ trị thì chính trường rất dễ thành đất “quần ngư tranh thực”; thị trường chỉ là chợ đen; hành chính rối ren và xã hội không thể nào ổn định.
Con đường để một quốc gia đi đến thịnh vượng còn rất dài. Nhưng với những gì vừa diễn ra chiều nay, nếu không phải để tập trung quyền lực mà nhằm mở ra một hướng đi thì thời gian không lúc nào là quá trễ để bàn một lộ trình đáng hy vọng hơn cho đất nước.
Bài:
ĐẢNG NÊN CÓ CƠ CHẾ “NHẤT THỂ HÓA”
Tác giả: Nguyễn Minh Nhị (Bài năm 2006)
—————— 
Theo TTXVN, ngày 6/2/2006, Thủ tường Chánh phủ ban hành quyết định số 31 phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006 – 2010. Nội dung thì chưa rõ, nhưng nhất định là có tiến bộ hơn lối đào tạo vừa qua.
Đối với tôi, đây là tin vui vì tôi hiểu nỗi khó khăn của cán bộ chánh quyền và người dân ở xã. Bởi cơ chế của ta chưa được minh định rõ ràng giửa vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, quản lý – điều hành của chính quyền – mà trong chánh quyền thì vai trò – quyền lực của HĐND và chức năng – quyền hạn của UBND như thế nào; vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể, ngoài việc không có quyền ra nghị quyết và bầu UBND thì có khác với HĐND như thế nào với tư cách là bộ phận cấu thành của hệ thống chánh trị ở cơ sở. Ai cũng có quyền nhân danh hệ thống chánh trị để huy động sức dân, để hành xử công việc theo kiểu chung chung lâu quá rồi sinh ra quen và có khi vi phạm nguyên tắc và luật pháp. Còn người dân cũng gặp rất nhiều lúng túng, thậm chí có khi “bị hành” mà không biết ai là người ở cấp xã có trách nhiệm đối với họ. Sự kiện để chứng minh thì có nhiều, báo chí có nêu, nhưng còn ít.
Trường Đảng và Trường hành chánh trung ương, rồi cả hệ thống đào tạo cán bộ, đến tận các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, tất cả cán bộ của Đảng, chánh quyền, đoàn thể (cả các bộ ban ngành cấp trên) đều học chung một chương trình – toàn là cơ bản. Không có trường nào có chương trình riêng dạy để về làm bí thư, làm chủ tịch. Rồi từ các lò đào tạo “toàn năng” như vậy nên việc phân công, bổ nhiệm cũng hết sức là “bách khoa”, nhất là những người được bầu vào ban chấp hành Đảng bộ các cấp. Nếu là cấp ủy viên là có thể phân công lãnh đạo bất cứ ngành nào. Cách làm nầy dễ cho sự phân công cán bộ, khó cho người chấp hành. Nhưng khó nhất là cho thuộc cấp của người được phân công và cuối cùng là đổ dồn cái khó cho người dân phải chịu sự quản lý của người đứng đầu ngành chuyên môn hoặc cấp hành chánh mà họ là “đối tượng bị quản lý”.
Thực trạng công tác cán bộ là vậy, nên không đáp ứng yêu cầu “đưa nghị quyết của Đảng, luật pháp của Nhà nước đi vào cuộc sống”. Vì có “hồng” mà không có “chuyên”. Việc triển khai các nghị quyết của Đảng thường có tình hình là Trung ương nói sao thì địa phương (tận xã) cũng nói y như vậy. Nghe qua tưởng nhất trí và quán triệt sâu sắc nhưng thật ra là không đủ sức để thể hiện bằng hành động cụ thể, đành phải sao chép nguyên xi, nói như hô khẩu hiệu. Gần như xã nào cũng nói “chống diễn biến hòa bình”, “chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, “công nghiệp hóa”…, mà kẻ thù của diễn biến hòa bình ở xã là ai? Làm cái gì mà ra chuyển dịch cơ cấu kinhh tế? Công nghiệp hóa là phải làm sao?…Thậm chí có lần một đồng chí phó chủ tịch xã mới học xong cử nhân hành chánh về, phát biểu: “Đề nghị cấp trên hỗ trợ, giúp đỡ xã vùng sâu, vùng xa”. Chủ tịch tỉnh hỏi cụ thể muốn giúp cái gì thì không trả lời được (!). Số người hưởng lương và phụ cấp công tác ở xã rất nhiều nhưng người đứng đầu cơ quan hành chánh (có trách nhiệm cao nhất) lại có mức lương quá ít. Nếu bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch ủy ban thì lương cũng không cao hơn. Có nơi tổ chức làm thử: bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch ủy ban, nhưng nơi làm được nơi không. Rồi thôi! Tôi không tin là làm không nổi. Nước lớn như Trung Quốc, nước nhỏ như Lào có cùng chế độ chánh trị với ta mà từ trung ương đến xã họ đều thống nhất hai chức danh vào một người. Vấn đề ở đây là tinh thần trách nhiệm trực diện vối dân; cái ranh giửa lãnh đạo và quản lý ở cơ sở rất khó phân biệt cho rõ ràng (dù có nói gì đi nữa) nên “nhất thể hóa” là phù hợp nhất, dễ thực hiện dân chủ nhất vì có tập trung. Và nếu được như vậy thì lương cho người đứng đầu ít nhất cũng phải cao gấp 2 – 3 lần người phó. Như vậy mới thuận lợi cho tập trung và dân chủ. Cái cơ chế bùng nhùng như lâu nay nói mãi, cứ chê “yếu nhất là cơ sở” mà không sửa được cũng là vậy. Nhưng thử đặt ngược lại, nếu “núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu” thì các cấp trên cơ sở mới thật giật mình!
Việc Chánh phủ duyệt Đề án đào tạo chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là tin vui cho người dân vì sẽ có đội ngũ cán bộ chánh quyền cơ sở được “chuyên môn hóa”. Nhưng nếu Đảng chánh thức có cơ chế “nhất thể hóa” – người lãnh đạo đồng thời là người quản lý thì nền dân chủ sẽ có bước tiến mới, uy tín của Đảng và hiệu lực của Nhà nước càng sáng tỏ hơn, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền. 
Bài: 
VỀ CÁCH TIẾP CẬN VÀ LỘ TRÌNH CẢI CÁCH HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM
Tác giả: Tô Văn Trường (Bài viết năm 2007)
———
Shakespeare nhà viết kịch nổi tiếng trên thế giới người Anh ở thế kỷ 16 (thời kỳ phục hưng) đã để cho nhân vật Hamlet có câu nói bất hủ cho đến tận ngày nay :”To be or not to be” có nghĩa là “tồn tại hay không tồn tại”. Nhiều người dân Việt Nam vẫn còn nhớ thời kỳ cuối thập niên 80, nhất là khi khối Đông Âu suy yếu và tan rã, trước các yêu cầu bức xúc của cuộc sống, để tồn tại, Đảng và Nhà nước ta đã tự cứu mình bằng cách tiến hành đường lối Đổi mới, tạo ra các bước đột phá đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng, trì trệ. Thực tế trong những năm qua, chứng minh Đổi mới là đúng hướng đã tạo ra thế và lực để có được một Việt Nam như ngày nay.
Đảng và Nhà nước đã tổng kết 20 năm quá trình Đổi mới của đất nước là rất cần thiết nhưng vẫn còn khập khiễng vì chỉ có tổng kết cả quá trình 30 năm (trong đó có cả 10 năm trước thời kỳ Đổi mới) để thấy rõ những sai lầm trong nhận thức quản lý kinh tế, tự ta làm khổ ta vv…từ đó, mới rút ra được những bài học cần thiết cho các thế hệ lãnh đạo mới của đất nước. Tất nhiên, nếu phân tích cả thời kỳ 10 năm trước Đổi mới sẽ “đụng chạm” đến quan điểm của không ít người có chức, có quyền, kể cả người đã nghỉ hưu hay đã khuất nhưng sự thật dù có đau lòng đến đâu vẫn mang giá trị phát triển. 
Ngay từ trước năm 1975, miền Nam đã hình thành tầng lớp nông dân tiểu chủ, có tập quán sản xuất hàng hoá cao, hệ thống tiếp thị thương mại, công nghiệp nhẹ phát triển, hệ thống ngân hàng, tài chính hiện diện khá nhiều. Sau ngày thống nhất đất nước, hào khí chiến thắng của cả dân tộc cùng với cơ sở vật chất, cơ chế sản xuất theo xu thế thị trường ở miền Nam đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 1976 đạt mức kỷ lục là 16,8%. Có ý kiến cho rằng thời kỳ đó, giá như Việt Nam cũng áp dụng một thời gian “một đất nước hai chế độ” như Trung Quốc thực hiện ở Hồng Kông và Ma Cao chắc nước ta không rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế! Giá như thời đó chúng ta nhớ đến vị danh tướng Napoleon của Pháp, người không biết sợ là gì, khi được hỏi :”Điều gì làm ngài sợ nhất?”. Ông nói :”Sợ nhất là sau khi chiến thắng làm ru ngủ con người, quên đi những thiếu sót, khuyết điểm, không cẩn trọng để bước vào cuộc chiến mới”. Tất nhiên, lịch sử không bao giờ có hai từ “giá như”.
Miền Nam nước ta vừa ra khỏi chiến tranh đã trải qua sóng gió của hợp tác hoá và cải tạo kinh tế tư bản, tư doanh. Các chương trình đưa dân thành thị đi phát triển các vùng kinh tế mới, cùng với một số biện pháp sai lầm trong quản lý kinh tế đã tách người lao động và quản lý ra khỏi tư liệu sản xuất, thực sự chuyển nền kinh tế thị trường sang kinh tế chỉ huy bao cấp. 
Năm 1980, cả nước có hơn 126 nghìn hợp tác xã với 65,6 % hộ nông dân. Kinh tế nông thôn tập trung vào sản xuất nông nghiệp, hoạt động kinh doanh, ngành nghề không có điều kiện phát triển. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đã triệt tiêu mọi động lực khuyến khích người lao động. Riêng năm 1980, nước ta phải nhập lương thực đến 1,6 triệu tấn. Kết quả phần lớn các mục tiêu kinh tế của kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980) do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đề ra đều không đạt được. Mức tăng trưởng kinh tế tụt xuống chỉ còn 2,9% vào năm 1980 so với chỉ tiêu là 13%. Xuất khẩu chỉ bằng 20-25% nhập khẩu. Năm 1984, khoảng 75% dân số sống dưới mức nghèo đói. Lạm phát lên đến mức đỉnh điểm năm 1986 là 774,7%. Khủng hoảng kinh tế đã đe dọa ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ môi trường.
Từ chân tường của khủng hoảng kinh tế-xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 nhận định: cơ chế quản lý tập trung đã không tạo được động lực phát triển, làm suy yếu nền kinh tế, kìm hãm sản xuất, giảm sút năng suất, chất lượng sản phẩm dẫn đến lưu thông vào tình trạng rối loạn. Đại hội đã nhấn mạnh động lực chủ yếu để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội trong kế hoạch 5 năm (1986-1990) là đổi mới tư duy, chiến lược về phát triển kinh tế , chính thức công nhận sự tồn tại và vai trò của cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam, xoá bỏ chỉ tiêu kế hoạch, không đốt cháy giai đoạn, vận hành theo quy luật khách quan…Nhận thức mới về quản lý kinh tế là cơ sở để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển sang trang sử mới. Thực tế, đã minh chứng công cuộc Đổi mới kinh tế do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong 20 năm qua (1986 – 2006) đã mang lại cho đất nước những biến đổi hết sức sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Người dân mãi mãi biết ơn và ghi nhớ công lao của những người đặt nền móng và đi tiên phong lãnh đạo công cuộc Đổi mới mà tiêu biểu là các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt vv… để có được các thành quả như ngày hôm nay. 
Tuy nhiên, để Việt Nam tiếp tục có nền kinh tế xã hội ổn định, phát triển nhanh, mạnh, bền vững nhất là sau khi gia nhập WTO, rõ ràng các biện pháp áp dụng trong thời kỳ Đổi mới ngày càng bộc lộ những hạn chế bởi vì từ Đổi mới có tính chất “cởi trói”, sửa sai đến hội nhập là cả quá trình, đặc biệt phụ thuộc rất lớn vào hệ thống chính trị của quốc gia. Đổi mới, về nội hàm chỉ có giá trị nhất thời bởi vì bản thân nó chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách, nổi cộm có nghĩa là phần ngọn, không phải gốc rễ, căn bản. Trong các năm qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là ở Châu Âu, người ta thường nhắc nhiều đến từ “PERESTROIKA” được dịch là “Cải tổ”. Thực chất, cần hiểu “PERE” là làm lại, “STROIKA” là xây dựng, nếu dịch đúng nghĩa là “Tái cấu trúc” hay nói nôm na là xây dựng lại từ nền móng. Tuy nhiên, kiểu cải tổ của Liên bang Nga trước đây dễ gây xốc và không phù hợp với nền văn minh lúa nước như Việt Nam. Lịch sử đã sang trang từ lâu. Mặc dù mô hình nhà nước “Xô viết” không còn nữa nhưng trong tâm khảm của người dân Việt Nam đều hiểu sâu sắc giá trị của hoà bình và tình hữu nghị, sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả của bạn bè trong những năm tháng gian khó của cuộc chiến tranh và xây dựng đất nước là cao hơn tất cả. Trước những phũ phàng của thời cuộc, người dân Việt Nam vẫn luôn trân trọng, giữ gìn chân giá trị ấy với tình cảm lẫn lộn cả tình yêu và trách móc.
Đất nước ta có diện tích 329.314 km2, khoảng 85 triệu người, tổng giá trị GDP trên 45 tỷ đô la chưa bằng 1 tập đoàn kinh tế của Nhật Bản nhưng lại có một hệ thống tổ chức và nhân sự của Đảng, chính quyền, 8 tổ chức đoàn thể ở cả 4 cấp từ Trung ương đến 64 tỉnh thành , 639 quận, huyện, thị xã, 10.776 thị trấn, phường xã vừa cồng kềnh chồng chéo, chi tiêu quá khả năng cung cấp, lại vừa hoạt động kém hiệu quả dẫn đến lạm quyền, tham nhũng trở thành nỗi nhức nhối trong toàn xã hội. Bộ máy Đảng và các đoàn thể của chúng ta được hình thành từ thời bao cấp, được thiết lập theo hệ thống dọc, không những trùng lắp chức năng với các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương mà còn dễ và đang bị hành chính hóa, xơ cứng. Những khuyết tật của nền kinh tế ‘Công hữu hoá – Nhà nước hoá – Kế hoạch hoá tập trung bao cấp” đã vượt quá tầm quản lý và là “bà đỡ” cho nạn hối lộ, tham nhũng, lãng phí tràn lan. Nhiều người dân còn nhớ câu nói nổi tiếng của ông Nguyễn Cơ Thạch phát biểu ở Bangkok khi còn đang giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao :”Cơ chế quản lý tập trung bao cấp có sức công phá nhiều lần hơn cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam”.
Có ý kiến cho rằng chúng ta đang học hỏi mô hình tổ chức nhà nước của Trung Quốc, với tốc độ phát triển GDP hàng năm rất cao, thì có việc gì phải ầm ĩ, đòi tiếp tục đổi mới, cải cách? Tốc độ phát triển kinh tế hàng năm của Trung quốc đúng là vào loại cao nhất trên thế giới, đặc biệt là các tỉnh, thành phố ven biển. Xin lưu ý, các chỉ số tăng trưởng kinh tế không bao giờ nên là mục đích cuối cùng của một quốc gia muốn trở nên thực sự hùng cường. Mặt trái của xã hội Trung Quốc là vẫn lan tràn nạn tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, môi trường bị suy thoái, ô nhiễm trầm trọng. Nguy cơ bất ổn định xã hội, sự tương phản giầu nghèo càng thấy rõ ở các vùng nông thôn, đặc biệt là các tỉnh phía bắc. Thật khó tưởng tượng “Cái đêm hôm ấy,…đêm gì” vào năm 1983 ở xã Phú Yên, huyện Gia Lộc, tỉnh Thanh Hoá của Việt Nam là hiện tượng thì lại trở thành phổ biến ở Trung Quốc. Đơn cử ví dụ nông dân Trung Quốc muốn ra thành phố tìm việc, không được cắt hộ khẩu vì phải đóng “ thuế thân” hàng năm cho xã. Người nông dân phải đóng 26 khoản thu ngoài quy định của Trung ương. Nếu không giải quyết được bài toán “Tam nông” nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì Trung Quốc vẫn là xã hội bất ổn, khó trở thành một nước hùng cường theo đúng nghĩa của nó. 
Hệ thống chính trị của nước ta hiện nay là mô hình một Đảng lãnh đạo, trong đó có lãnh đạo hệ thống chính trị của đất nước. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong cách mạng tháng Tám năm 1945 và 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và công cuộc Đổi mới đã khẳng định vị thế của Đảng ta. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, với mục tiêu mới :”Dân giàu, nước mạnh…” để tiếp nhận những gì tốt đẹp, văn minh của nhân loại, đồng thời “ta vẫn là ta” bắt buộc Đảng ta phải có Tầm nhìn, Hướng tiếp cận và Chiến lược phát triển của hệ thống chính trị, mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền để theo kịp thời đại. 
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4, khoá X vừa qua, đã đánh dấu một giai đoạn chuyển biến tích cực về nhận thức bằng hành động sắp xếp lại theo hướng thu gọn tổ chức các ban của Đảng còn 5 ban và 1 văn phòng. Sắp đến sẽ cải cách lại bộ máy tổ chức của Chính phủ theo hướng Bộ đa ngành, đa lĩnh vực là hướng đi đúng, bởi vì hệ thống tổ chức phải tinh gọn, phù hợp với yêu cầu và khả năng của hạ tầng kinh tế xã hội. Khi sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Chính phủ cần tránh phép “tính cộng” giữa các ngành mà phải dựa trên cơ sở mối quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất lấy hiệu quả thực tế làm thước đo. Lấy ví dụ trong quá khứ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã 3 lần sát nhập và thay đổi tổ chức, đổi mới chức năng, nhiệm vụ. Từ 3 Bộ: Nông nghiệp, Công nghiệp thực phẩm và Lương thực, nhập lại năm 1987, theo mô hình quản lý phối hợp sản xuất – chế biến – phân phối. Đến năm 1995, ba Bộ: Lâm nghiệp, Thuỷ lợi, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm nhập lại theo mô hình quản lý phối hợp sản xuất – quản lý tài nguyên. Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo mô hình kết hợp quản lý phối hợp kinh tế và xã hội. Trong quá trình thực hiện theo chức năng nhiệm vụ mới, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có nhiều chuyển biến từ chỉ đạo tập trung, mệnh lệnh sang điều hành bằng luật pháp và vận dụng cơ chế thị trường, từng bước chuyển sang điều hành dựa trên quy hoạch…Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm so với yêu cầu, bộ máy quản lý vẫn cồng kềnh, cơ chế vận hành còn nhiều lúng túng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu bức thiết của ngành. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phải mất ít nhất 3 tháng để lo công tác phòng chống lụt bão (thiên tai đối với mảnh đất hình chữ S, hàng ngàn năm nay đã là định mệnh), trong lúc, các vụ lở mồm, long móng, dịch cúm gà, vàng lùn, xoắn lá, hạn hán, cháy rừng, các chương trình bò sữa, mía đường, chè, cà phê Arabia, dứa Cayene vv…cũng chiếm hết thời gian của lãnh đạo. Riêng năm 2006, ở Bộ Nông nghiệp & PTNT có hơn 1000 cuộc họp. Nếu không đẩy mạnh cải cách hành chính, coi chiến lược phát triển nông thôn là nền tảng, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành thì bất cứ ai làm Bộ trưởng cũng không còn thời gian để tập trung cho công tác quản lý ngành và quy hoạch chiến lược phát triển. Hiện nay, ngay vấn đề liên quan đến tài nguyên nước có đến 3 Bộ cùng tham gia quản lý là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên-Môi trường và Bộ Công nghiệp. Từ kinh nghiệm trong quá khứ, nếu biết đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp theo tinh thần hội nhập sẽ rất hữu ích cho việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Chính phủ khoá tới. 
Nói về hệ thống chính trị, trên thế giới có các hình thức tổ chức bộ máy nhà nước rất phổ biến như sau:
Nội các chế (tiêu biểu như Cộng hoà liên bang Đức, Ấn Độ, Israen, thực quyền là Thủ tướng )
Tổng thống chế (Liên bang Nga, cực đoan hơn như Mỹ, không có Thủ tướng…)
Hỗn hợp (Pháp)
Quân chủ lập hiến, thực chất giống như Nội các chế (Thái Lan, Hà Lan, Anh) vv…
Các mô hình tổ chức bộ máy nhà nước phụ thuộc vào điều kiện riêng của mỗi nước, mang đậm dấu ấn văn hoá quốc gia và dựa trên nền tảng “biết mình là
ai”.
Lịch sử các nước đã có thời gian dài đô hộ hàng trăm năm ở nước ta như Trung Hoa có công trình Vạn lý trường thành, Di hoà viên. Nước Pháp có Louvre là bảo tàng nghệ thuật cổ kính và lớn nhất thế giới. Đứng dưới chân cột tháp Eiffel xem những bức ảnh mô tả quá trình xây dựng tháp mới thấy hết được tài năng, chí sáng tạo và sức mạnh của dân tộc Pháp. Chỉ bằng các phương tiện thủ công và sức cơ bắp, dưới sự chỉ huy của kỹ sư Eiffel, người ta đã đưa lên không trung hàng vạn thanh sắt với hàng triệu đinh tán để lắp đặt hoàn chỉnh, chính xác, chắc chắn một khối sắt thép khổng lồ hàng nghìn tấn, cao hơn 300 mét. Tháp Eiffel đã và sẽ mãi mãi là biểu tượng đáng tự hào của nước Pháp. Đứng giữa quảng trường Concorde nhìn cột đài kỷ niệm mà danh tướng Napoleon đã mang về sau cuộc viễn chinh thành công ở Ai Cập và di hài của ông hiện còn được trang trọng giữ gìn trong quan tài bằng gỗ quý đặt ở lâu đài Invalide, nhiều người không khỏi tự hỏi làm thế nào mà dân tộc Việt Nam chỉ có di sản văn hoá nhỏ bé, khiêm nhường như Chùa một cột, Quốc tử giám đã làm chấn động thế giới không phải chỉ có đánh thắng quân xâm lược phong kiến Trung Hoa, thực dân Pháp mà ngay cả Đế quốc Mỹ và Phát xít Nhật cũng nằm trong danh sách các nước bại trận. Nhớ lại, bốn mươi mốt năm về trước, giữa lúc cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam leo thang đến mức độ ác liệt, Tổng thống Pháp Charles De Gaulle trong một bức thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết, đại ý:”Giá như trước đây có cách gì để chúng ta hiểu biết nhau hơn thì đất nước Ngài đã không phải trải qua những tai họa như vậy”. Tuy nhiên, lịch sử lại không bao giờ biết nói đến hai từ “giá như” và quan hệ Việt-Pháp đã phải trải qua những thăng trầm.
Chúng ta tin rằng một dân tộc luôn yêu tự do, sáng tạo, quật khởi, lẫy lừng trong công cuộc chống ngoại xâm như Việt Nam sẽ biết cách để hội nhập, học hỏi những thành tựu của nền văn minh thế giới để phát triển. Có dịp tiếp xúc với một số tri thức lão thành chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Pháp, họ vẫn tâm đắc kể cho chúng tôi nghe nền hành chính Pháp trước đây để lại cho Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị của thời đại như việc chọn thủ đô, xây toà thị chính, thành lập ngân hàng trung ương (không phải ngân hàng nhà nước), cách thức chia tỉnh vv…
Theo quan điểm duy vật lịch sử, hệ thống chính trị là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc có mối quan hệ hữu cơ gắn bó với cơ sở kinh tế. Thực tế đã chứng minh chân lý kinh tế thị trường, dân chủ xã hội là sự tồn tại, trào lưu phát triển của thế giới. Cải cách hệ thống chính trị quốc gia là việc làm cấp bách đòi hỏi có phương pháp tiếp cận khoa học, chiến lược tổng thể, bước đi cụ thể, với sách lược khôn ngoan, mềm dẻo bởi vì thực tế cái mới bao giờ cũng phải đương đầu với cái cũ, lạc hậu, cản trở. Hay nói một cách nôm na, tư duy chiến lược phải dựa vào xu thế của thời đại, hiểu được hơi thở của cuộc sống, bởi vì chiến lược là quyết sách có tính chất toàn cục, lâu dài và cơ bản để phát triển. Chiến lược còn là công cụ chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền phối hợp với cộng đồng. Khi xây dựng chiến lược, có 3 câu hỏi căn bản cần phải trả lời:
Câu hỏi 1: Mô hình tổ chức hệ thống chính trị của nước ta hiện nay đang ở đâu? Cần phân tích một cách khách quan và khoa học ưu khuyết của các loại mô hình tổ chức nhà nước hiện có trên thế giới và khu vực. Khi cải cách xây dựng mô hình hệ thống chính trị, luôn nhớ đến vị thế đặc biệt của Việt Nam là nằm giữa đất liền và biển, giữa thế giới phương Tây và châu Á . 
Câu hỏi 2 : Chúng ta muốn gì trong tương lai? Thị trường là đầu ra, vốn là đầu vào. Việt Nam gia nhập WTO, ASEAN, ASEAN+3, ASEAN+6, APEC …đang hội nhập thế giới hơn bao giờ hết. Các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài liên quan đến các kịch bản phát triển kinh tế xã hội của đất nước cần được xây dựng một cách chủ động, có cơ sở khoa học và thực tiễn. 
Câu hỏi 3: Cuộc sống đòi hỏi những người có trách nhiệm ra quyết sách của đất nước phải trả lời câu hỏi cụ thể chúng ta phải làm gì – làm như thế nào – khi nào để đảm bảo mục tiêu tối thượng cho sự phát triển bền vững của đất nước? (Bài toán cân đối, hài hoà giữa kinh tế, xã hội và môi trường) 
Lộ trình cải cách hệ thống chính trị: Hội nghị trung ương 4 vừa qua, nổi bật nhất là tinh gọn bộ máy của Đảng, chuyển các mảng liên quan đến quản lý nhà nước sang cơ quan hành pháp và việc quyết định chuyển các doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần thuộc các cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể xã hội sang các cơ quan quản lý nhà nước. Quyết sách này đã phản ánh đúng tinh thần hội nhập là các doanh nghiệp đều được đối xử bình đẳng, có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm như nhau. Cách đây hơn chục năm, ở Việt Nam đã có một số người đề xuất quyết sách như trên, nhưng tiếc thay, hồi đó, họ chỉ là thiểu số nên đành phải chấp hành theo ý kiến đa số của những người có thẩm quyền. Trên thế giới, ngay cả một số nước tiên tiến cũng bị “no đòn” về cơ chế đa số “tối thiểu” nên họ đã cải cách hệ thống chính trị. Viết đến đây, tôi không khỏi ngậm ngùi nhắc lại, lịch sử không bao giờ biết nói đến hai từ “giá như”!
Có thể tóm lược một số công việc cần phải thực hiện để cải cách hệ thống chính trị ở Việt Nam như sau:
Chủ động sửa đổi, bổ sung hiến pháp 1992, tập trung triển khai chiến lược xây dựng pháp luật vào việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động các thiết chế trong hệ thống chính trị đảm bảo quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế.
Thúc đẩy nhanh và mạnh hơn tiến trình tái cấu trúc lại cơ cấu của nền kinh tế và đổi mới theo đúng nghĩa của mô hình kinh tế thị trường như giá cả, lương, tỷ giá, không có sự can thiệp của nhà nước như giá điện, giá than vv…
Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, của dân tộc cần phải đổi mới trong quan hệ phân công trong lãnh đạo và quản lý điều hành. Nhiều ý kiến cho rằng chế độ dân bầu hiện nay thực chất là “Đảng cử dân bầu” cần thay bằng “dân bầu Đảng cử”. Ý thức chính trị của người dân Việt Nam phải nói vào loại bậc nhất trên thế giới. Minh chứng là ở hội nghị APEC Hà Nội, Thủ tướng Úc, John Howard, buổi sáng tập thể dục thoải mái chạy bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Ngay cả Tổng thống Mỹ George W. Bush đi đến đâu cũng bị người dân sở tại biểu tình, chửi mắng nhưng ở Việt Nam lại được hoan nghênh với các nụ cười, bắt tay thân thiện, cởi mở. Tri thức của dân chúng ngày càng được nâng cao nên Đảng phải hoạt động trong tư thế chấp nhận cạnh tranh không phải với các đảng phái đối lập mà là trong sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân. Tất cả các vị trí dân cử, Đảng cần chọn các thành viên ưu tú nhất của mình để tranh cử một cách công khai, minh bạch với nhau và kể cả với người ngoài Đảng. Trên thế giới ngày nay, có lẽ chỉ còn duy nhất là nước Việt Nam khi đón nguyên thủ các quốc gia vẫn phải có 3 người. Ngay các nước như Trung Quốc, Cu Ba, Lào, Triều Tiên đã đồng nhất vai trò lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ lâu rồi. Tất nhiên, mọi cải cách đều phải có lộ trình cho phù hợp với thực tế nhưng con đường tất yếu để minh chứng cho bài học “Dân vi bản” nghĩa là lấy “dân là gốc” cần phải thực hiện “dân bầu Đảng cử”. Điều đó, có nghĩa là tất cả các vị trí được dân bầu từ vị Chủ tịch nước (thông qua Quốc hội) đến các vị lãnh đạo uỷ ban nhân dân ở các tỉnh, thành phố, phường, xã (qua hội đồng nhân dân) sẽ là cơ sở để Đảng cử kiêm nhiệm các chức vụ Tổng bí thư, và bí thư các cấp tương đương.
Nguyên lý điều hành quản lý nhà nước là trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi. Nếu quyền hạn lớn hơn trách nhiệm dễ sinh ra tham nhũng, quan liêu. Nếu quyền lợi không gắn với trách nhiệm sẽ mất động lực. Sở dĩ ngay cả Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan hành pháp ở nước ta cũng có lúc bất lực chỉ vì trách nhiệm lớn hơn quyền hạn. Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đối thoại trực tuyến với nhân dân qua website ngày 9/2/2007 đã có đến hơn 20.000 câu hỏi nóng bỏng, trong đó, nhiều người đề cập đến quyền lực của Thủ tướng trong hệ thống chính trị hiện nay. Ví dụ, trên báo Thanh Niên ngày 7/2/2007 đăng câu hỏi của bạn Nguyễn Đức Chiến 52 tuổi như sau :”Tôi rất thích phong cách của Thủ tướng, nhất là khi tiếp xúc với nguyên thủ của các nước trên thế giới, rất là tự tin, chững chạc. Trong đối nội Thủ tướng đã làm cho dân tin tưởng khi kiên quyết chống tiêu cực. Tôi chỉ thắc mắc tại sao Đảng và Quốc hội không trao thêm quyền cho Thủ tướng như được quyền cách chức, miễn nhiệm các bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch tỉnh nếu để xẩy ra tiêu cực hoặc không tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ?”.
Hệ thống chính trị của nước ta có nhiều nấc, nhiều tầng. Cải cách hệ thống chính trị phải đồng bộ từ trung ương đến địa phương gắn chặt với cải cách về kinh tế. Tuy nhiên, khâu đột phá nhất lại phải thực hiện từ hạ tầng cơ sở (cấp xã, phường, quận, huyện…) nơi mà cán bộ công chức hàng ngày trực tiếp, tiếp xúc với dân. Cần có cơ chế tuyển chọn công khai, minh bạch và đào tạo nâng cao chất lượng bộ máy công quyền sao cho đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống. Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề của thời hội nhập của các ngành, các cấp cũng là yêu cầu rất cần thiết. Ví dụ, nước ta có hàng nghìn luật sư, trong số đó chỉ khoảng 60 người là am hiểu các luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trong số họ cũng chỉ có được vài ba người là đủ trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kinh nghiệm để có thể tranh luận làm “thầy cãi” ở các toà án quốc tế. Bạn đọc rất tâm đắc và chia sẻ quan điểm với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Cộng sản nhân dịp đầu xuân Đinh Hợi 2007 :” Kinh tế thị trường không thể phát huy tác dụng nếu không đi đôi với Nhà nước pháp quyền. Kinh tế chỉ có thể phát triển một cách bền vững trong môi trường cạnh tranh. Người tài chỉ có thể xuất hiện thông qua sự lựa chọn dân chủ. Trước hết, người tài phải được lựa chọn một cách thực sự dân chủ, ngay cả người tài trong Đảng. Nếu một Đảng cầm quyền mà không tập hợp được những người ưu tú, để “đảng trí” không cao bằng “dân trí”, thì rất dễ xảy ra tình trạng, Đảng sẽ dùng quyền hành để lãnh đạo thay vì dùng khả năng thuyết phục và vai trò tiên phong của mình. Không có cơ chế để lựa chọn người tài, không có công cụ để giám sát và chế ước quyền lực một cách hữu hiệu thì không thể nào có được một hệ thống chính trị trong sạch và phục vụ tốt cho dân, cho nước được…” 
Trong hệ thống chính trị ở nước ta, còn có 2 vị trí rất quan trọng phải trả lại đúng vị thế độc lập có thực quyền là Chánh án toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao. Ngay trong Đảng, họ cũng chỉ ở cấp uỷ viên trung ương, một vị thế rất khiêm tốn, không thể có tiếng nói trọng lượng bằng các thành viên khác trong Chính phủ như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao là uỷ viên Bộ Chính trị. 
Đẩy mạnh cải cách hành chính, sống và làm việc theo pháp luật là đòi hỏi cấp bách. Thật khó hình dung, tại hội nghị toàn quốc về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vừa qua, do Phó Thủ tướng thường trực chủ trì có lãnh đạo 2 Bộ và 21 tỉnh, thành phố trong cả nước “trốn họp”. Đảng và Nhà nước đã xác định giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu nhưng cũng thật ngạc nhiên ở hội nghị tổng kết 5 năm về khoa học công nghệ cuả cả nước vừa qua, không có một vị chính khách nào của Đảng và Nhà nước tham dự (đại biểu cấp cao nhất chỉ là thứ trưởng). Rất nhiều hội nghị, hội thảo trong cả nước, kể cả khi có khách nước ngoài, nếu tổ chức cả ngày thì vào buổi chiều, không ít các vị làm công tác quản lý, và các nhà khoa học trong nước cũng “lặn” mất tăm.
Chính phủ của thời kỳ hội nhập phải là một chính phủ kỹ trị. Một chính phủ mạnh, trước hết, phải có các thành viên đủ tâm, đủ tầm. Lựa chọn Bộ trưởng ngoài các tiêu chuẩn quy định của Trung ương, thời hội nhập còn đòi hỏi họ phải là người có tầm nhìn chiến lược, hiểu biết quy hoạch phát triển của cả nước, của ngành, am hiểu sâu sắc lĩnh vực mình phụ trách, và biết sử dụng người giỏi hơn mình. Tôi chưa bao giờ tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển nhưng hình ảnh của ông khi đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO hay lúc trả lời chất vấn ở Quốc hội với phong thái tự tin, thẳng thắn, nên rất thuyết phục mọi người. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Mai Ái Trực cũng là người để lại rất nhiều ấn tượng tốt về cách quản lý điều hành các công việc của Bộ và phong cách đối thoại với dân. Hai vị Bộ trưởng này, chắc phải là người ham đọc, biết lắng nghe và quyết đoán mới có được sự tự tin như vậy. Người dân mong rằng trong các thành viên của Chính phủ khoá mới có nhiều vị Bộ trưởng như thế! Bởi vì trong tay các vị tướng mạnh đó, chắc sẽ có những người tài thực sự cần thiết cho ngành, cho đất nước :
“Dưới cửa danh sư ắt có cao đồ
Trong tay tướng mạnh, không có quân hèn”
Xin mượn lời cổ nhân đã dậy để kết thúc cho bài viết này.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 8 tháng 2 năm 2007
Tô Văn Trường
Viện trưởng Viện Quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam

Không có nhận xét nào:

Trang