20 tháng 10, 2018

“Nhân tai” và tư duy xơ cứng- vật cản sự phát triển

Tác giả: Tô Văn Trường

Chủ thuyết phát triển và thể chế vận hành đất nước ở ta đã lạc hậu từ lâu, chậm điều chỉnh, ngày càng tỏ ra bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đất nước. Đây là nguyên nhân sâu xa, có tính gốc rễ của mọi nguyên nhân mà khắc phục nó cần có 1 lãnh tụ đúng nghĩa và bản lĩnh.
Thể chế nào thì cán bộ đó. Do nhận thức lệch lạc nên không đủ năng lực để làm chức trách của mình trong công tác quản lý điều hành đất nước, dẫn tới khủng hoảng niềm tin trong dân. Đó là cái mất lớn nhất và cũng là nỗi lo lớn nhất của bất kỳ một thể chế nào…..Nhà hiền triết xưa (Thánh Anthony) đã nói lên nỗi lo lắng lớn nhất của mình “Khổ nhất là khi ta định hướng sai” (Tô Văn Trường)
KD: Ts Tô Văn Trường vừa gửi bài viết thấu đáo, cặn kẽ, đầy trách nhiệm về một chủ đề quan trọng: “Nhân sự cấp chiến lược”.
Xin đăng toàn văn bài viết. Title bài, chủ Blog xin đặt lại
————– 
Tiền nhân cũng như các bậc tinh hoa của nhân loại đã có những ngôn từ thật sâu sắc “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”; ” Cán bộ quyết định hết thảy!”; ” Con ngưòi là vốn quý nhất!”. Rõ ràng việc chọn hiền tài, chọn cán bộ, chọn con người mà lại là hiền tài, cán bộ và con người cấp chiến lược, cấp cao nhất là việc vô cùng hệ trọng, có thể nói là quan trọng nhất liên quan đến sự hưng thịnh hoặc suy vong của Quốc gia.
Băn khoăn lớn nhất
Trong lịch sử Giáo hội Thánh Anthony (1195-1231) là người nổi tiếng về nhân đức, phép lạ và những tư tưởng tiến bộ có câu trả lời một người mù: “Trí tuệ mẫn tiệp như ngài có phải chịu khổ điều gì không?`. Ngài chỉ thọ 36 tuổi, nhưng xem ra, câu trả lời của vị Thánh nổi tiếng của Thiên chúa giáo vẫn còn linh nghiệm đến muôn đời “Khổ nhất là khi ta định hướng sai”.
Có thể thấy rằng ngay cả một vị Thánh dù có phép màu nhiệm đến mấy cũng sợ nhất chuyện định hướng sai, huống hồ người trần mắt thịt. Với những người ở vị trí lãnh đạo, vận mệnh của cả đất nước, của gần trăm triệu con người, của hàng mấy thế hệ tương lai chung quy cũng chỉ phụ thuộc vào vỏn vẹn hai chữ “định hướng” vậy thôi.
Ở thời đại ngày nay, xã hội không thể còn chờ và tin vào phép lạ mà quan trọng nhất cho sự phát triển của một cộng đồng hay một nhà nước cho sự phát triển là có được nhận thức đầy đủ về định hướng phát triển có các giải pháp đúng đắn phù hợp với quy luật khách quan chung của nhân loại tiến bộ. Nhân có chuyện Trung ương Đảng cuối năm nay sẽ có hội nghị bàn về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược mà nhiều người cảm thấy băn khoăn: liệu đây có phải vấn đề cần thiết và nghiêm túc? Nếu thực sự là nghiêm túc thì Đảng cần làm gì và có thể làm được gì cụ thể tránh tình trạng chủ trương và lời nói không đi đôi với hành động thực sự khiến nhân dân thất vọng như nhiều đề xuất trước đây?
Trước hết, mọi người đều nhất trí là nội dung này rất cần và thiết thực bởi hàng loạt vấn đề thực tế bức xúc mà cơ chế hiện nay đang có nguy cơ bất lực, mà nguyên nhân chủ yếu không phải do các nguyên nhân chủ quan, khách quan của xã hội, quốc tế, dân trí v.v.. như chúng ta vẫn quen nói và quen nghe.
Có lẽ Đảng và Nhà nước cũng đã nhận thức được rằng cái “gốc” của chế độ là cán bộ, và trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo của chúng ta hiện đang bộc lộ quá nhiều vấn đề: 1) Thực tế cán bộ ở nhiều cấp, nhiều nơi không đủ trình độ và phẩm chất – nhân cách cho thực hiện nhiệm vụ quản lý; 2) Nhận thức lạc hậu và cơ sở pháp lý kém hiệu lực trong quản lý giám sát cán bộ; 3) Bộ máy chính quyền không có khả năng thậm chí không có nhu cầu tuyển dụng, sử dụng và giữ chân người có năng lực thực sự; 4) Đội ngũ lãnh đạo tại nhiều cấp, nhất là cấp hoạch định chiến lược chính sách còn khá yếu do tư duy chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, thiếu lửa và ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm.
Vậy để tập hợp được đội ngũ lãnh đạo chiến lược đủ khả năng phát triển đất nước Việt Nam cường thịnh, xứng với tiềm năng, và mong đợi của nhân dân, Đảng cần phải sớm xây dựng và kiên quyết thực hiện có hệ thống một lộ trình đổi mới quy hoạch nhân sự: (i) Đánh giá một cách khách quan chủ thuyết hiện trạng cán bộ và quản lý xã hội ở thể chế nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo; (ii) Nghiên cứu cơ sở khoa học, nhận thức mới và hoàn thiện pháp lý về tổ chức, quản lý cán bộ trong nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường; (iii) Quán triệt trong hệ thống của Đảng và Nhà nước về các yêu cầu, tiêu chuẩn của bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ trong tình hình mới; (iv) Đề xuất phương hướng và giải pháp tổ chức triển khai thực hiện trong điều kiện hiện nay ở VN.
Thực trạng cán bộ và bất cập trong quản lý kinh tế – xã hội
Chỉ tính từ trước Đại hội XII của Đảng CSVN đến nay tình hình hệ thống chính trị bộc lộ công khai nhiều vấn đề rất nghiêm trọng: từ vụ án gây xốc với nguyên ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đứng trước vành móng ngựa, việc buộc phải cách chức hàng loạt đại biểu Quốc hội, đến luận tội hàng loạt tướng công an và quân đội, vấn đề Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước ta trên Biển Đông,… là những biểu hiện bất cập rõ và lớn nhất về thực trạng yếu kém, suy thoái nghiêm trọng khó chối cãi của bộ máy lãnh đạo các cấp hiện nay.
Nếu như chỉ có 1 vài cán bộ hư hỏng thì có thể vấn đề chính nằm ở cá nhân con người đó, nhưng việc hàng loạt cán bộ cấp cao có khuyết điểm từ “nghiêm trọng” đến rất nghiêm trọng lại chỉ ra một vấn đề lớn hơn nhiều là lý luận nào, hệ thống nhân sự nào, môi trường công tác nào… đã tuyển chọn, dung dưỡng, cất nhắc những cán bộ hư hỏng này đến mức độ ấy. Còn biết bao nhiêu cán bộ khác đang trên “đường các anh đang đi, sao lại hướng nhà tù” hay thành củi đưa vào lò?. Liệu có còn cơ hội nào cho những người thanh liêm, chính trực thực sự có thể tồn tại và phát triển trong hệ thống công chức hiện nay?
Tham nhũng, bất công khủng khiếp
Tham nhũng bất công khủng khiếp dẫn đến tiêu cực từ “tham nhũng vặt như ngứa ghẻ” đến những “đại án tham nhũng” ngàn tỷ nở như nấm sau mưa, không chỉ làm rỗng ngân sách quốc gia mà còn như một đại dịch phá hoại hệ miễn dịch hệ thống chính trị cũng như của nền tảng đạo đức của toàn xã hội. Quan to ăn to, quan bé ăn bé – dân thấp cổ bé họng không chỉ chịu thiệt thòi phận mình mà còn ôm một mối hận ngày càng sâu sắc về sự bất công và băng hoại của xã hội.
Cha đẻ của tham nhũng là ai? Là gì? – cần được chỉ mặt, đặt tên cho rõ thì mới chữa trị được. Làm thế nào để tăng tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực đặc biệt trong đầu tư công và quản lý đất đai, môi trường.? Dân cứ nghe vụ án trăm tỷ, nghìn tỷ, trăm nghìn tỷ thì tài sản quốc gia còn gì nữa. Tham nhũng ăn rỗng ruột rồi.
Sự giả dối lên ngôi
Thực tế, chưa bao giờ người Việt mất niềm tin vào nhau nhiều như thời nay. Đặc biệt là giả dối trong xây dựng con người: bằng cấp giả, thi cử giả, thành tích giả tràn lan. Ta sẽ có nhiều thế hệ sinh ra và sống trong giả dối. Đồng tiền ngự trị công tác cán bộ như trong thời kỳ tư bản hoang dã nhất. Nhiều thế hệ cán bộ được tuyển dụng, sử dụng, cất nhắc bằng sự mua bán, đổi chác. Các thứ giả khác như hàng giả, chất lượng giả, hàng gây ngộ độc, đến cả “bao cao su” cũng giả nốt… làm sao có thể kiểm soát được để người dân còn dám ăn, dám uống, yên tâm cho con đến trường, dám tin vào những điều tử tế….
Quan hệ với Trung Quốc thiếu bình đẳng đến bạc nhược
Trong quan hệ với Trung Quốc phải học các cụ ngày xưa về bản lĩnh và sự mềm dẻo. Nước ta tuy nhỏ, phải chịu chung sống với anh láng giềng khổng lồ, gian tham, xaỏ quyệt, Quan trọng nhất là giữ được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất và biển (ít nhất không để mất thêm nữa), tuy cần mềm dẻo, khéo léo song phải có bản lĩnh mạnh mẽ, phải giữ được thể diện quốc gia và thấu hiểu lòng dân.
Ai lại để họ vào thuyết giáo giữa phiên họp của Quốc hội nghênh ngang chẳng khác gì Sài Thung khi xưa. Ai lại ở cấp nào cũng cứ phải liên kết chặt chẽ với Trung Quốc, trong khi họ chèn ép ta đủ điều đặc biệt là ở biển Đông. Ai lại cứ phải gửi các đoàn cán bộ chủ chốt đi Trung Quốc để “học tập” (?). Ai lại để cho chuyên gia Trung Quốc cố vấn để ra luật về các đặc khu kinh tế, thật chẳng khác nào nối giáo cho giặc, gây bất an và sự chia rẽ khủng khiếp trong lòng dân tộc.
Muốn tập hợp lòng dân như “Hội nghị Diên Hồng” khi xưa phải biết thực lòng dựa vào dân, phải biết đại đoàn kết toàn dân, cả trong nước và hải ngoại. Muốn đại đoàn kết phải nêu cao được đại nghĩa và phải thật lòng. Phải có lằn ranh đỏ ở tất cả các tuyến quan hệ với ngoại bang, đặc biệt là Trung Quốc. Đến đâu thì phải dừng lại vì anh không thể chà đạp lòng dân tôi thêm nữa. Mình yếu cũng phải biết tận dụng các quan hệ quốc tế khác để làm đối trọng. Không có bạn bè vĩnh viễn cũng như kẻ thù vĩnh viễn. Lợi ích dân tộc là thước đo tối hậu để xác định ai là bạn, ai là thù dù trong bất kỳ một giai đoạn lịch sử nào.
Việt Nam bấn loạn về đại vấn đề nợ công, nợ xấu
Nợ công nợ xấu trở thành vấn đề lớn, một phần do không biết tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tức là thấy thiên hạ có gì thì Việt Nam cũng phải có nấy, mà không tính đến quy luật của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh về giá cả, chất lượng, mẫu mã, sự phục vụ.
Đã có những cảnh báo về “bẫy nợ” của Trung Quốc, không chỉ lãi suất cao, thời gian trả ngắn và lại phải dùng thầu và hàng nhập từ Trung Quốc. Lãi suất vay từ Trung Quốc rất cao 3% so với lãi suất 0% của Đan Mạch, 0,2% của Tây Ban Nha, 2% của Nhật; 1,04% của Pháp, 0,75% của Đức, 1,75% của Ấn Độ vv… Cho nên, muốn phát triển bền vững không nên phụ thuộc qúa nhiều về kinh tế và là con nợ lớn của Trung Quốc.
Doanh nghiệp nhà nước phần lớn làm ăn thua lỗ.
Hầu hết các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hoặc dùng vốn nhà nước (như các công trình giao thông…) đều lỗ nặng hoặc suất đầu tư cao vọt (như 1 km đường đắt gấp mấy lần công trình cùng loại ở các nước khác). Bóng dáng của tham nhũng và vô trách nhiệm có mặt ở hầu hết các dự án đầu tư công. Kiểu làm ăn này đâu chỉ ở ngành năng lượng và giao thông mà ở hầu hết các ngành mà doanh nghiệp nhà nước mưu chiếm lĩnh đỉnh cao, nhưng thua lỗ kéo dài.
Doanh nghiệp nhà nước sử dụng phần lớn tài sản của kinh tế nội địa và cả tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia, nhất là hầm mỏ, không dành cho dân – dù dân là chủ (cho dù là trên danh nghĩa). Cứ tưởng kinh tế công hữu sẽ có CNXH… nên cố làm bằng mọi giá. Cuối cùng, lại ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Ngay Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân cũng cố nèo hợp tác xã và kinh tế nhà nước cùng là… nền tảng cuối cùng hóa ra toàn là nền tảng bằng đất sét. Toàn say sưa với câu chữ cho tròn, “sáo rỗng” mà không đi vào thực chất cuộc sống. Nguồn gốc là ở chỗ kinh doanh mà nếu lỗ, đều do nhà nước chịu (tức là tiền thuế của dân) thì tránh sao khỏi tính toán sai, làm ẩu, thậm chí như vậy mới dễ kiếm lợi riêng.
Môi trường sống suy thoái nghiêm trọng
“Rừng đã hết và biển thì đang chết” (lời bài thơ của cô giáo Lam), sông ngòi, ao hồ phần lớn đều đang ngắc ngoải. Quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống còn yếu kém. Xuất phát từ tư duy “ăn xổi ở thì”, tăng trưởng nóng nên ngày nay, đói nghèo vẫn còn tuy không còn là một vấn đề quá lớn nhưng môi trường sống bị đe dọa hủy diệt, là tác hại không gì bù đắp được cho đến hàng trăm năm sau.
Sự cơ cực của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, vùng khó khăn, thiếu các giải pháp căn cơ. Đặc biệt là nạn phá rừng, khai thác tài nguyên vô tội vạ đã hủy diệt môi trường sống và văn hóa của đồng bào thiểu số vv…
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa thì việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ là chuyện tất nhiên, nhất là đối với những quốc gia có điểm xuất phát thấp như Việt Nam. Nhưng trong cái khí thế hừng hực của làn sóng đầu tư nước ngoài ấy không ít lần, chúng ta đã bị dội những thùng nước lạnh, những phản đòn đau đớn với những thiệt hại không chỉ tính bằng sức khoẻ hàng trăm ngàn người lao động, hàng chục ngàn tỷ đồng tài sản mà còn là sự suy giảm niềm tin vào những chủ trương chính sách thu hút vốn đầu tư.
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là sự yếu kém (cả liều lĩnh nữa) trong quản lý điều hành của nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương và cá nhân có trách nhiệm khi nhắm mắt ký kết nhập những công nghệ lạc hậu từ nước ngoài, mà điển hình là từ ông bạn láng giềng phương Bắc.
Có bao nhiêu quyết định được đưa ra theo kiểu “đốt cả cánh rừng chỉ để châm một điếu thuốc”?. Đó là cái chết được báo trước cho đồng bào mình, vậy tại sao những ông quan ấy không biết sợ? Có phải vì “quan trí” kém không, hay còn vì những lý do khác?
Nghiên cứu và hoàn thiện pháp lý về tổ chức, quản lý cán bộ trong nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường
Vấn đề chủ yếu hiện nay phải có được chủ thuyết phát triển đúng đắn, phải xây dựng các chuẩn mực xã hội của VN hiện đại, có chiến lược phát triển con người phù hợp với chủ thuyết phát triển và cần có quyết tâm chính trị cao nhất để ưu tiên thực hiện được các chiến lược đó.
Hình như đến nay ở các nước XHCN và Việt Nam chưa có sự quan tâm thích đáng tới vấn đề/mối quan hệ giữa chủ thuyết (vĩ mô) và thực tiễn luận (vi mô, cụ thể). Lãnh đạo Đảng CSVN luôn quyết tâm duy trì chủ nghĩa Marx-Lenin trong khi hệ thống nghiên cứu thực hiện chương trình kinh tế xã hội khó giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn không tìm thấy giải pháp từ học thuyết này nhưng chưa có hay phát triển những hạn chế của nó. Ví dụ giai đoạn trước đây nếu không chấp nhận áp dụng lý thuyết kinh tế thị trường thì không thể thoát khỏi khủng hoảng dẫn đến sụp đổ mọi nhà nước XHCN. Như vậy, trong nhiều lĩnh vực quản lý xã hội hiện đại ở thể chế nhà nước Việt Nam nói riêng cần nghiên cứu cơ sở khoa học và giải pháp quản lý kinh tế xã hội trong đó có vấn đề con người và cán bộ phải kết hợp được những yêu cầu thực tế sâu rộng hơn học thuyết Marx – Lenin. Từ sự đổi mới sáng tạo tư duy đó sẽ là cơ sở xây dựng các công cụ pháp lý hiện đại đủ sức cho quản lý có hiệu lực cán bộ (công chức, viên chức) trong nhà nước pháp quyền có nền kinh tế thị trường. Đó là điều trước hết cần làm và Đảng CSVN hoàn toàn có thể làm được!
Kinh nghiệm Singapore là định hướng (tầm nhìn), xác định mình đứng ở đâu (thực trạng) và con đường (giải pháp). Nếu định hướng sai, ví dụ mục tiêu là Hải vương tinh thì đi cách gì cũng không tới được trong điều kiện hiện nay. Xác định thực trạng đúng, giải pháp phù hợp, trong đó luật pháp và giáo dục rất quan trọng. Hai lĩnh vực này đều có vấn đề (chất lượng dỏm) nên làm cái gì cũng méo mó. Qui hoạch mà định hướng mù mờ thì cũng như dân (Thơ Bút Tre) đã nói: “hàng đầu không biết đi đâu/đi đâu không biết hàng đầu cứ đi”. Làm hao tiền tốn của, tốn thời gian trong khi cuộc đua (cạnh tranh) ngày càng gay gắt. Lịch sử cho thấy nước nào chia rẽ, lạc hậu kéo dài thì rốt cuộc mất tên trên bản đồ thế giới.
Điều cốt yếu trong kinh tế hiện nay của đất nước là phụ thuộc quá lớn vào FDI và xuất khẩu để tăng trưởng dưới hình thức gia công là chủ yếu, công nghệ đa phần của nền kinh tế ở mức thứ hạng 4 và 3, và do đó hầu như rất chậm phát triển – cả trên phương diện văn hóa, giáo dục, xã hội, chính trị và quản lý quốc gia.
Thực trạng, khả năng tự vệ và chống đỡ mọi chấn động từ bên ngoài rất hạn chế. Kéo dài mãi tình trạng phát triển theo chiều rộng như thế này, mọi nguồn lực của đất nước ngày càng cạn kiệt. Càng phát triển nặng về tăng trưởng như hiện nay khiến cho quốc gia ngày càng lệ thuộc và phụ thuộc ngày càng nguy hiểm. 32 năm công nghiệp hóa-hiện đại hóa với một nguồn lực huy động được vô cùng lớn không một quốc gia khởi nghiệp nào trong thế giới hôm nay dám mơ tới, nhưng cuối cùng đất nước chỉ có một nền kinh tế gia công là chủ yếu, bán sức lao động, đất đai, môi trường là chính! Càng phát triển như vậy càng nợ nần, và hiện nay khoảng cách tụt hậu đang ngày càng lớn, chỉ có lợi cho gia tăng quan liêu, tham nhũng và bất công. Hệ quả chung cuộc là đất nước tuy hôm nay đạt mức quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng chất lượng sống và văn hóa xã hội xuống cấp nghiêm trọng, chế độ chính trị tích tụ ngày càng nhiều vấn đề nóng, nhân dân ngày càng mất lòng tin vào đảng, tính tiền phong chiến đấu của đảng phục vụ đất nước cũng ngày càng sa sút nghiêm trọng – đảng có trên 4 triệu đảng viên nhưng chưa bao giờ đảng yếu kém, tha hóa và bất cập như bây giờ.
Tất cả những thảm họa này, cần phải được nhận thức rõ nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ “nhân tai”. Lịch sử đất nước hàng nghìn năm qua đã chứng minh rằng không kẻ thù nào có thể ngăn cản sự phát triển của đất nước Việt Nam, mà chỉ có chính chúng ta mới có thể là lực cản, là nguyên nhân kìm lớn nhất. Phải chăng “diễn biến hòa bình” chính là đang hiển hiện ngay trong bộ máy nhân sự của thể chế hiện nay?
Giải pháp thực hiện
Để một xã hội phát triển lành mạnh về phía tiến bộ cần có (1) Một học thuyết phát triển đủ tốt và đủ tiên tiến, (2) Một hệ thống luật pháp & thể chế & bộ máy nhà nước & thị trường tổ chức tốt, (3) Những cá nhân, con người tốt, quả cảm, tài năng và đạo đức tức là đủ phẩm chất lắp vào các vị trí của hệ thống số (2) và (3) thường đồng thời là sản phẩm của (1) và (2).
Hệ thống luật pháp và thể chế này (2) vừa sử dụng lại cũng vừa phát triển và giám sát các cá nhân (3) đó, khiến cho họ “không muốn, không dám, và không thể” tham nhũng, rộng hơn là phải đáp ứng được yêu cầu của vị trí công việc. Hệ thống cũng rất sớm phát hiện và đào thải những cá nhân không phù hợp – cả về đạo đức công vụ lẫn năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Một hệ thống yếu kém không thể làm được việc ấy dẫn đến người xấu thì lợi dụng leo được lên cao và trục lợi, người tốt bị loại từ “vòng gửi xe”, không có không gian để tồn tại hoặc bị tha hóa thành người xấu.
Điểm mấu chốt là quyền lực độc lập và kiểm soát lẫn nhau. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay bị nhiều người dân cho là thất thường, nói dối như cuội, may là Mỹ còn có hệ thống luật pháp độc lập, dù Quốc hội đã bị phe của ông Trump lấn áp.
Chủ thuyết phát triển và thể chế vận hành đất nước ở ta đã lạc hậu từ lâu, chậm điều chỉnh, ngày càng tỏ ra bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đất nước. Đây là nguyên nhân sâu xa, có tính gốc rễ của mọi nguyên nhân mà khắc phục nó cần có 1 lãnh tụ đúng nghĩa và bản lĩnh.
Thể chế nào thì cán bộ đó. Do nhận thức lệch lạc nên không đủ năng lực để làm chức trách của mình trong công tác quản lý điều hành đất nước, dẫn tới khủng hoảng niềm tin trong dân. Đó là cái mất lớn nhất và cũng là nỗi lo lớn nhất của bất kỳ một thể chế nào.
Vì đúng là từ trước tới nay chỉ hô miệng thì rất nhiều rồi. Cụ Hồ cũng đã nói rất rõ: ”việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” nhưng trên thực tế hầu hết lại hoàn toàn ngược lại. Các văn bản chính sách chỉ toàn để có lợi cho cơ quan nhà nước và đẩy cái khó cho dân. Đến khi thực hiện thì cả một đội ngũ công chức cũng lại mang cái tư duy như vậy.
Vậy nên có lẽ đầu tiên là phải xây dựng Luật công vụ thật nghiêm khắc, chặt chẽ. Sau đó, phải tổ chức các đợt giáo dục công chức, rồi tổ chức đánh giá thường xuyên để kiểm soát và nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức nhà nước.
Dân chủ cũng vậy, sẽ khó thực hiện dân chủ theo đúng nghĩa của nó nếu không có ý chí cao và có lộ trình cụ thể để nhanh chóng xây dựng nền dân chủ thực sự được ngay. Vì ta có mặt bằng nhận thức, văn hóa, hiểu biết khá phức tạp và ở trình độ phát triển thấp, nên xây dựng nền dân chủ của nước nhà nhưng phải là cái đích lâu dài để hướng đến và mỗi năm phải có 1 vài bước tiến về hướng đó chứ không thể viện cớ “dân trí thấp” để trì hoãn mãi mà không làm gì.
Sai lầm trong công tác cán bộ giai đoạn 2005- 2011 là rất nghiêm trọng, sinh ra một loạt hậu quả để bây giờ phải xử lý cả về vụ việc và về đường lối ( bỏ tù, cách chức , ra nghị quyết mới vv…).
Về biện pháp thì cần xử lý rốt ráo theo tinh thần “đại phẫu”, cắt bỏ ung nhọt toàn phần để tránh “di căn”. Về định hướng phát triển thì vẫn phải kết hợp chiều rộng và chiều sâu, theo đó lựa chọn mũi nhọn chính xác, phù hợp đặc điểm tình hình trong và ngoài nước. Tuy nhiên, phải lấy triết lý đạo đức làm “bà đỡ” cho nền kinh tế xã hội, làm trong sạch hoạt động tư pháp vì sự công bằng, công lý.
Cần có thông điệp rõ ràng và những hành động mạnh mẽ, đột phá, hiệu quả để toàn dân nhận thấy mà tin tưởng được là Nhà nước luôn đặt lợi ích dân tộc, đất nước là tối thượng, lợi ích của người dân làm gốc. Từ nay, không phải hô các khẩu hiệu, phải đi đôi với thực hiện, chứ không “đánh trống bỏ dùi” hoặc “đầu voi đuôi chuột” như lâu nay nữa mà là 1 thông điệp sâu sắc và chân thành. Đảng phải nhìn thẳng vào sự thực, nhận rõ sai lầm và sửa sai một số chính sách pháp luật bảo đảm quyền tự do dân chủ của dân, chấm dứt việc quan tham cấu kết đại gia cướp đất của dân.
Việc quan trọng và cấp thiết hơn, nhất thiết phải làm trước, đó là cần thảo luận dân chủ, công khai rộng rãi trong đảng và trong cả nước, để đi tới đánh giá thống nhất:
– Có phải thực trạng đất nước đúng như đã trình bầy trên hay không?
– Nguyên nhân cốt yếu của tình trạng đất nước nói trên là 32 năm công nghiệp hóa- hiện đại hóa, Đảng lãnh đạo đã không xây dựng được một thể chế chính trị và bộ máy vận hành quốc gia mà sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đòi hỏi với mục tiêu chiến lược phải giành lấy là: Giải phóng vốn quý nhất của quốc gia là con người nói riêng và nguồn nhân lực nói chung, trên cơ sở đó và thông qua hội nhập quốc tế tạo ra sự phát triển bền vững chủ yếu dựa trên giải phóng và phát huy nội lực! Có phải như vậy không?
Đảng cộng sản Việt Nam nắm quyền lãnh đạo đất nước, do đó có trách nhiệm hàng đầu nêu ra 2 câu hỏi trên, và toàn đảng phải cùng với nhân dân cả nước tìm ra câu trả lời chuẩn xác để quyết định đường đi, nước bước cho đất nước trong thế giới khắc nghiệt hôm nay. Thống nhất được với nhau như vậy về nhận thức, ý chí, và quyết định, chúng ta sẽ có cơ sở vững chắc tin tưởng ở các giải pháp để đưa đất nước ta vượt qua giai đoạn khủng hoảng và tụt hậu hiện nay.
Trên cơ sở đổi mới tư duy chung rồi mới bàn đến công tác cán bộ là đúng, nhưng đó là đúng về nguyên lý, còn thực tế thì nhiều lúc không đợi bàn xong việc đổi mới tư duy rồi mới bàn đến công tác cán bộ. Hết nhiệm kỳ rồi thì phải giải quyết vấn đề cán bộ. Chưa đổi mới được tư duy chung thì vẫn phải bàn về cán bộ. Mà cán bộ như cũ thì lại không đổi mới được tư duy. Lâu nay, nó cứ bị “luẩn quẩn” như vậy. Bây giờ phải đột phá cách nào để thoát ra? Phải chăng cán bộ chiến lược hay cán bộ nguồn của đất nước phải là những người đầu tiên kiến nghị với Đảng và cả nước ý kiến của mình và những câu trả lời cho 2 câu hỏi nêu trên, đưa ra thảo luận ý kiến trong đảng và trong cả nước, nếu được chấp nhận thì cơ cấu họ vào danh sách để lựa chọn. Ngoài ra, cần có thể chế thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình để kiểm xoát và giúp đỡ cán bộ. Có dân chủ ắt sẽ có nhiều nhận tài cho đổi mới và phát triển đất nước.
Lời kết
Thực tế cho thấy công tác quản lý cán bộ nhà nước ở nước ta ở mọi cấp đang có rất nhiều bất cập là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ trong mọi hoạt động xã hội và gây thiệt hại về kinh tế nên Đảng và Nhà nước cần có một chương trình nghiên cứu toàn diện bao gồm các nghiên cứu cơ sở khoa học về chủ thuyết và thực tiễn luận nhằm xây dựng khung pháp lý đủ hiệu quả về công tác cán bộ trong thể chế nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều đó, Đảng với đội ngũ trí thức hiện nay hoàn toàn có khả năng làm được và là sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân. Nếu chỉ chủ trương quy hoạch cán bộ cấp cao với những chủ thuyết thiếu hoàn thiện cơ sở khoa học hiện nay sẽ khó khắc phục được những yếu kém cho quản lý kinh tế xã hội, khó đạt được những mong muốn của nhân dân.
Đối với một đất nước, một dân tộc thì đường lối, chính sách là bậc vĩ mô, “sai một ly sẽ đi cả dặm”. Do đó, các cấp lãnh đạo, giới chức sắc cần nghiêm túc và thật lòng khi thăm dò ý dân, hòa nhã nghiêm túc phải có thái độ cầu thị khi nghe người dân phản biện. Có lẽ chỉ có những người vô tâm mới có thể yên tâm trước thực trạng đất nước ta hiện nay. Mất lòng tin là mất dân. Mất dân là mất nước. Và khi đó học thuyết, thể chế này nọ còn nghĩa lý gì? Đừng quên dân đẻ ra chính quyền, và cả hệ thống chính trị này đều được nhân dân bảo vệ, chở che qua bao cuộc chiến tranh, ngày nay sống được là nhờ tiền thuế của dân.
Những vấn đề nêu trên đòi hỏi những người lãnh đạo hiện nay và sắp tới (quy hoạch) phải đối mặt, nếu không muốn chính họ trở thành những kẻ có tội với dân tộc, đẩy đất nước vào vòng trầm luân. Vấn đề là phải có cách tiếp cận mới, nhận thức và đường lối chính trị mới để xây dựng đất nước văn minh với con người có tri thức và thể chất tốt cũng giống như một gia đình có truyền thống, có nền nếp, có giáo dục tất sẽ trường tồn và phát triển.
Như đã mở đầu bài viết này, nhà hiền triết xưa (Thánh Anthony) đã nói lên nỗi lo lắng lớn nhất của mình “Khổ nhất là khi ta định hướng sai”. Thiết nghĩ đấy cũng là điều quan trọng nhất của tất cả mọi điều quan trọng đối với người cán bộ cấp chiến lược, là suy nghĩ đầy trách nhiệm với dân, với nước và với đảng cầm quyền mà mỗi cán bộ chiến lược của đảng hôm nay nhất nhất phải mở rộng tầm nhìn ra toàn thế giới, ngày đêm đem hết tâm trí thường xuyên rà xoát con đường phát triển đất nước đang đi, lấy kết quả việc thực hiện những quyền của dân và thành tựu phát triển bền vững của quốc gia làm thước đo duy nhất sự đúng, sai, để từ đó quyết định lẽ sống và hành động của chính mình, đúng với trách nhiệm đặt lên vai người cán bộ cấp chiến lược!

Không có nhận xét nào:

Trang