6 tháng 3, 2018

NÊN GIẢI THỂ HỘI ĐỒNG CHỨC DANH GIÁO SƯ NHÀ NƯỚC

PGS. TS Vương Xuân Tình
Phi Lộ: Ý kiến này không có gì lạ, nhất là thời gian qua, do hiệu ứng của “chuyến tàu vét” chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 khiến nhiều người đã lên tiếng như vậy. Tuy nhiên, có thể tác giả còn giữ kẽ, có thể báo chí chính thống khó trình bày điều nhạy cảm nên tôi thấy các ý kiến chưa xuyên vào nguyên nhân cốt lõi.
Tôi đã từng “làm” phó giáo sư cách đây 9 năm với kết quả khá suôn sẻ. Nói vậy để bạn đọc tin rằng, tôi không có bức xúc riêng gì với quý Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (sau đây xin gọi tắt là Hội đồng), thậm chí những ai tôi quen biết đã và đang là thành viên Hội đồng, nay gặp nhau đều tay bắt mặt mừng.
Tôi không có nhu cầu “làm” giáo sư, ngay từ khi “được” phó giáo sư. Điều này vợ con và nhiều người ruột thịt, bạn bè, đồng nghiệp đã biết. Nói vậy để bạn đọc tin rằng, tôi không có cay cú gì bởi không “được” giáo sư.
Tôi không có đồng nghiệp nào “làm” giáo sư hay phó giáo sư để cạnh tranh với tôi. Nói vậy để bạn đọc tin rằng, tôi không phải kẻ ghen ăn tức ở.
Tóm lại, những ý kiến của tôi chỉ mong hướng tới xây dựng một nền giáo dục và khoa học lành mạnh cho đất nước, không hề do ẩn ức. Các dẫn dụ của tôi không phải để khoe mẽ hay công kích cá nhân mà nhằm chứng minh: Hội đồng hiện nay chỉ là nơi bán vé, và các ứng viên là người mua vé.
Bởi vậy, việc giải thể Hội đồng là điều nên làm, càng sớm càng tốt, để tổ chức theo cách khác với hy vọng tốt đẹp hơn.
1. Trước hết, xin bắt đầu từ trải nghiệm cá nhân, chỉ vì chuyện liên quan khó lấy minh chứng của người khác với địa chỉ cụ thể. Khi “làm” phó giáo sư, ở Hội đồng cơ sở, tôi được 100 % phiếu đạt; Hội đồng ngành/liên ngành – bị mất 1 phiếu trong số 12 ủy viên, đạt 91,7 %; Hội đồng cấp nhà nước – đạt 100 %. Ai cũng biết “làm” giáo sư hay phó giáo sư, khó khăn nhất là ở Hội đồng ngành/liên ngành. Ở Hội đồng cơ sở, ít có người trượt, có lẽ do ứng viên và thành viên Hội đồng đều quen biết nhau chăng, và có xu hướng đẩy sự khó cho Hội đồng ngành/liên ngành. Còn ở Hội đồng cấp nhà nước, về cơ bản, việc xem xét, bỏ phiếu chỉ mang tính hình thức. Có thể nói, việc tôi “làm” phó giáo sư với kết quả như vậy cũng là “đẹp”, vì theo quy định, nếu dưới 70 % số phiếu kín – như ở Hội đồng ngành/liên ngành tức là có 4 phiếu không đồng ý mới trượt. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ phân tích của bài viết này, tôi phải thuyết phục bạn đọc lý lẽ của tôi từ 1 phiếu trượt đó.
2. Với tinh thần khiêm tốn, tôi vẫn nói rằng khi “làm” phó giáo sư, tôi rất tự tin mình xứng đáng. Các “phần cứng” của hồ sơ, tôi đều đủ, thậm chí dự kiến điểm công trình khoa học còn có thể “làm” giáo sư. Về ngoại ngữ, tôi không gặp khó khăn khi phải trình bày và thảo luận kết quả nghiên cứu bằng tiếng Anh trước Hội đồng, bởi tuy chỉ được đào tạo tiếng Anh không chuyên qua các trung tâm, nhưng tôi còn may mắn được học nhiều “cua” thuộc các dự án và của Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam (CEEVN) của Mỹ, do giáo viên bản ngữ giảng dạy; rồi đến thời điểm ấy đã có hàng chục năm tham gia làm việc với các dự án quốc tế; có nhiều dịp trình bày báo cáo bằng tiếng Anh ở trong và ngoài nước; từng vượt qua cuộc phỏng vấn của Hội đồng xét duyệt của Mỹ để đi nghiên cứu hậu tiến sĩ ở nước này; từng đồng chủ trì tiểu ban trong hội thảo quốc tế… Tóm lại, tôi tự tin đến mức còn nói với vài người thân rằng, ai không bỏ phiếu cho tôi thì người đó phải tự xấu hổ (!). Vậy mà vẫn có người không bỏ phiếu. Lại nhớ sau hôm họp Hội đồng cấp cơ sở, có bà chị quý mến tôi gọi điện thoại la mắng đe nẹt: “Mày đừng cậy mày tài mày giỏi ! Người ta không bỏ phiếu cho thì mày cũng chẳng làm gì được đâu !”.
3. Từ chuyện riêng của tôi, kết nối thêm các trường hợp khác mới thấy rùng rợn những lá phiếu ấy. Ở một lớp tôi học năm xưa, có bạn thông minh, học giỏi, sau là chuyên gia của một lĩnh vực chắc cả nước cũng chỉ được mấy người, vậy mà “làm” phó giáo sư trượt chỏng gọng. Có đồng nghiệp được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ rất bài bản ở nước ngoài mà “làm” phó giáo sư ngã lăn quay. Nhưng lại có người sau khi “được” phó giáo sư thì bạn bè cười nhăn nhở: “Thằng này mà phó giáo sư thì cả nước phó giáo sư !”. Rồi cứ mùa giáo sư nào xong cũng có những ầm ĩ về chuyện bỏ phiếu, kèm theo là đàm tiếu, văng tục, chửi thề. Điều đó khiến tôi phải đặt câu hỏi: “Việc bỏ phiếu của Hội đồng được tiến hành như thế nào ? Các quý vị trong Hội đồng có chịu trách nhiệm gì với lá phiếu đó không ? Và có ai giám sát lá phiếu đó không?
4. Nhìn lại cả ba cấp của Hội đồng, về thực chất đều là các hội đồng liên ngành, bởi dẫu là hội đồng ngành, cũng không thành viên nào có đủ kiến thức để là chuyên gia của tất cả các phân ngành, như ngành y chẳng hạn. Điều đó dẫn đến thực tế: trong một hội đồng ít thì có 9 người, nhiều tới hơn 20 người, việc thẩm định hồ sơ, năng lực chuyên môn của ứng viên nào, cũng chỉ cùng lắm có 2 người đọc với tư cách chuyên gia, số thành viên còn lại chỉ xem lớt phớt; và đến buổi họp thì “lắng nghe”, quan sát, bỏ phiếu là chính. Trở lại với những ủy viên thẩm định theo tư cách chuyên gia. Thực sự, để xem xét “phần cứng” của hồ sơ, chẳng khó khăn gì vì đã có quy chuẩn, và công việc này chỉ cần một cán bộ văn phòng với trình độ cử nhân cũng làm được. Các loại văn bằng, số giờ giảng dạy đã có chứng nhận; điểm công trình khoa học có các tạp chí hay nhà xuất bản đảm bảo, chỉ cộng trừ là xong. Lúc ứng viên trình bày báo cáo tổng quan bằng tiếng Việt, các thành viên hội đồng không cùng chuyên môn chắc khó đặt câu hỏi hay thảo luận mang tính chuyên sâu. Khi ứng viên trình bày báo cáo bằng ngoại ngữ, kể từ ngoại ngữ không thông dụng như tiếng Bun, tiếng Hung, tiếng Tiệp, nếu trong Hội đồng có ai biết cũng chỉ một hai người; còn tiếng Anh thì hình như nhiều hội đồng đều phải thuê chuyên gia thẩm định. Như vậy, công việc chính của thành viên Hội đồng là nghe và bỏ phiếu.
5. Đương nhiên trước khi bỏ phiếu, Hội đồng phải thảo luận. Như đã nói, rất ít người bị trượt ở phần hồ sơ, bởi để “làm” giáo sư hay phó giáo sư, họ đã chuẩn bị nhiều năm trước đó. Thiếu giờ giảng thì “lo” cho đủ giờ, thiếu điểm công trình phải lo bài vở để đăng. Vậy nên, nếu có “du di” nào, chủ yếu ở phần trình bày báo cáo bằng tiếng Việt và bằng ngoại ngữ.
Trở lại việc thảo luận của Hội đồng: các ý kiến chỉ rõ ràng khi hồ sơ – tức “phần cứng” không đáp ứng, còn lại khó rành mạch; và từ tình thế trong thảo luận đến kết quả bỏ phiếu có khi hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, có ứng viên được ủng hộ khi Hội đồng thảo luận nhưng lúc bỏ phiếu lại trật lấc. Có ứng viên bị chê bai ở ngoài cuộc họp nhưng khi thảo luận lại nhiều tiếng khen, rồi phiếu OK. Tức là có phiếu đen, nói một đằng, làm một nẻo. Tuy nhiên, chưa từng ai được nghe Hội đồng “tự kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm” chuyện ấy bao giờ; chưa từng nghe cấp có trách nhiệm phê bình hội đồng nào bao giờ. Và cái ý nghĩ ai bỏ phiếu trượt cho ứng viên xứng đáng phải thấy xấu hổ mà tôi từng nói, chỉ là sự hão huyền. Tóm lại, điều không may nếu rớt vào ai, người đó phải chịu. Trở lại câu chuyện bạn tôi “làm” phó giáo sư bị trượt, có ông bạn khác chân thành khuyên rằng: “Đừng nên chửi bới kêu ca gì cả, nếu còn làm tiếp !”. Hiện thực ấy gửi đi thông điệp: “Giỏi không cho cũng trượt, dốt được cho cũng qua”. Và thông điệp đó đã khêu gợi, kích hoạt các ứng viên: CHẠY.
6. Một lần tôi trà dư tửu hậu với đám bạn, thế nào lại dính đến chuyện học hàm học vị. Có người tủm tỉm bảo tôi: “Ông thì lạ gì chợ gà vịt ở đầu cầu Long Biên !”. Tôi thật thà tròn mắt: “Mình đã bao giờ vào chợ đó đâu ?”. Bạn tôi cười rũ rượi, giải thích ý nghĩa của câu nói đó. Thì ra dân gian kháo nhau, cứ đến mùa giáo sư là ở Hà Nội, “giới tinh hoa” lại nhộn nhịp như cái chợ ấy. Người tham gia và giá cả mỗi mùa mỗi khác. Tôi thề với các bạn tôi rằng, tôi không đi chợ ấy. Nếu tôi đi, vợ con tôi biết, Hội đồng biết, trời đất quỷ thần biết ! Họ cười ầm lên: “Ông không đi nhưng người khác đi”. Thú thật, trước khi “làm” phó giáo sư, tôi cũng được nghe những chuyện ngụ ý như vậy, song không quan tâm; chỉ khi vô hình trung bị quằng vào chuyện đó mới để ý quan sát và lắng nghe. Hóa ra cái chuyện gọi là “chạy” ấy nó muôn màu muôn vẻ, và nếu tôi là người máu mê tiểu thuyết thì viết được khối trang cười ra nước mắt.
7. Cứ giả định các quý ủy viên Hội đồng đều đức cao vọng trọng, song không thể thoát khỏi những lưới giăng. Bởi để “làm” giáo sư hay phó giáo sư, có thể các ứng viên tiềm năng đã xây dựng chiến lược quan hệ từ nhiều năm trước. Với nhiệm kỳ 5 năm của Hội đồng, họ có đủ thời gian để xây dựng chiến lược đó. Mời tham gia “nghiên cứu”, mời vào hội đồng nghiệm thu đề tài hay chấm luận văn luận án, mời chiêu đãi, tỉ tê trò chuyện khi có dịp, đón rước lúc về công tác ở địa phương hay từ nơi khác đến Hà Nội. Đến mức có chuyện cười, rằng quý ủy viên vào toa lét cũng có người lóc cóc chạy theo. Vậy nên đến mùa giáo sư, nhà riêng các vị, khách sạn nơi các vị ở dù ba lần khóa họ cũng mở được. Còn ai thiếu chiến lược, đã có mối quan hệ khác hỗ trợ. Khi “đến”, người thanh cao cũng phải có quyển sách đề tặng cùng cái xoa tay cầu cạnh. Kém thanh cao hơn thì chai rượu, chút quà quê. Trần tục thì phong bì. Và hình như cái thanh cao ngày càng ít, cái trần tục ngày càng cao; năm sau cao hơn năm trước, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Người ta đang đồn ầm ĩ ở cái chợ gà vịt ấy năm ngoái, “làm” giáo sư mất 500 triệu, phó giáo sư mất 300 triệu. Rồi đó là giá chung, chứ nhiều ngành còn cao hơn nữa !
8. Điều tôi kể trên đây không phải để bỉ bôi, đổ lỗi cho các ứng viên, bởi nếu chả có thông điệp “Giỏi không cho cũng trượt, dốt được cho cũng qua” khêu gợi, kích hoạt thì mấy ai làm vậy, và họ sẽ dùng cái chi phí kia để nâng cao kiến thức và dưỡng liêm. Mặt khác, sự suy thoái của Hội đồng chính là cách bỏ phiếu kín quái gở cùng lối tổ chức theo nhiệm kỳ khiến có người biến chất. Kết quả, là nó tạo ra một đội ngũ giáo sư, phó giáo sư chẳng giống ai. Tôi biết có những giáo sư của khoa học xã hội không sử dụng được ngoại ngữ nào. Giáo sư còn thế thì chấp gì phó giáo sư. Song điều nguy hại hơn: nó làm lộn tùng phèo thật giả, băng hoại nhân cách của những người vẫn được gọi là “nguyên khí quốc gia”. Mang danh kẻ sĩ, dù chỉ cầm quyển sách đề tặng để lấy cớ xoa tay xin xỏ đã nhục lắm, nói chi quà cáp, phong bao nữa. Vậy mà tất cả coi cứ như không, thậm chí còn bao biện đó là “văn hóa”. Kết cục, sau khi ứng viên thành “tân giáo sư, phó giáo sư”, có thể sẽ đẩy họ lao vào những cuộc mua bán, cướp giật khác tàn khốc hơn.
9. Tóm lại, mục đích của tôi viết bài này không phải để công kích, lên án cá nhân ai mà nhằm hướng đến đề xuất: cần giải thể Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước càng sớm càng tốt, và đưa quyền thành lập hội đồng cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Hội đồng mới chỉ tổ chức theo nhu cầu, không theo nhiệm kỳ; mỗi lượt hội đồng cần vài người có uy tín đúng chuyên môn mà không đưa quá đông đội ngũ chỉ ậm è ngồi bốc phong bì. Những cơ sở đào tạo muốn có uy tín, cần xây dựng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư mới. Các giáo sư, phó giáo sư cũ muốn làm việc tại đây thì mời tuyển dụng lại. Trong tuyển dụng giáo sư, phó giáo sư mới, ngoài nâng cao tiêu chuẩn, cần đảm bảo sự công khai, minh bạch. Khi tuyển dụng, nên đưa CV, công trình khoa học tiêu biểu của ứng viên lên mạng; và ngày tuyển dụng phải truyền hình, lưu hình để trước hết cho cán bộ, sinh viên, nghiên cứu sinh của cơ sở đào tạo, nghiên cứu được biết trình độ, đạo đức khoa học của thành viên hội đồng và ứng viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể lập Hội đồng giám sát, cử người đến dự hoạt động nêu trên. Khi tuyển dụng, không cần lối bỏ phiếu kín kỳ quái vì trách nhiệm, danh dự của thành viên Hội đồng đã được ủy thác.
10. Tôi chưa bao giờ tìm nhận đồng hương để vụ lợi, nhưng trong việc này, lại rất mong ý kiến trên đây bằng con đường đồng hương nào đó sớm đến được với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là một giáo sư ở Đông Anh quê tôi. Thời gian qua, có những người nói rằng ông mang cốt cách kẻ sĩ Bắc Hà. Tôi cũng tin như vậy. Kẻ sĩ Bắc Hà thì có trí lự, liêm chính và thanh cao. Bởi thế, tôi rất mong ông bằng uy tín và trách nhiệm, sẽ chỉ đạo giải thể càng sớm càng tốt Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước hiện nay để tổ chức và xây dựng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư mới phục vụ đắc lực cho việc canh tân đất nước. Theo đó, ông cũng sẽ từ bỏ chức danh giáo sư, vì trải qua thời gian, cái chức danh ấy đã quá lem nhem, không còn xứng với vị thế, cốt cách của ông. Nếu được như vậy, tôi sẽ nhắn gửi các giáo sư, phó giáo sư đồng hương Đông Anh của tôi theo gương ông từ bỏ chức danh. Riêng tôi, tôi sẽ không tham gia ứng viên của bất kỳ cơ sở đào tạo, nghiên cứu nào để khỏi mang tiếng tranh giành, vả lại cũng không đủ tài đủ sức. Nếu có khó khăn túng thiếu, tôi đã bàn với vợ con anh em cháu chắt, sẽ mua cặp bò về chăn trên triền đê, bờ bãi làng Mơ quê tôi. Mọi người đã đồng tình với kế hoạch ấy.

Không có nhận xét nào:

Trang