13 tháng 4, 2017

Cam kết trở thành Chính phủ kiến tạo mới chỉ dừng lại ở Thủ tướng

Tư Giang
Trong một hội nghị của Chính phủ, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thẳng thắn phát biểu, cam kết trở thành Chính phủ kiến tạo mới chỉ dừng lại ở Thủ tướng thôi, chứ không phải Chính phủ nói chung. 
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại: “Muốn kiến tạo thì trước tiên phải có tư duy phát triển, sau đó cải cách thể chế. Thể chế tốt mới giúp cải cách môi trường kinh doanh”.Ảnh: THÀNH HOA
(TBKTSG) - Nội hàm của “kiến tạo phát triển” vẫn còn cần được làm rõ nếu muốn thúc đẩy phát triển không chỉ trong kinh tế.
Nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành vẫn tỏ ra do dự khi được không ít người hỏi nên dịch cụm từ “Chính phủ kiến tạo” ra tiếng Anh như thế nào. “Có lẽ là constructive government chăng”, ông Thành giải thích, nhưng ông cũng thừa nhận từ “constructive” (có tính chất xây dựng) thiên về can thiệp và chưa sát nghĩa tiếng Việt. Một lần trong cuộc làm việc của lãnh đạo cao cấp, ông nghe phiên dịch viên dùng cụm từ “facilitating government”, song ông vẫn chưa thông tỏ vì nghĩa của nó lại quá hẹp.
Ông Tạ Quang Đông, một dịch giả chuyên nghiệp ở Hà Nội, cũng hay được hỏi điều tương tự như ông Thành. Sau khi loại trừ những cụm từ như “enabling” (tạo điều kiện thuận lợi), “creative” (sáng tạo), anh quyết định dùng từ “tectonic government” trong các buổi dịch cho lãnh đạo! “Tectonic” có ý nghĩa là kiến tạo về mặt địa chất và có ý nghĩa xây dựng, kiến trúc nên phù hợp, anh giải thích. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người băn khoăn với cách chọn từ này.
Khó khăn về dịch thuật như những câu chuyện trên bắt đầu từ một năm trước, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận nhiệm vụ và cam kết Chính phủ do ông đứng đầu sẽ trở thành một “Chính phủ kiến tạo”. Tuy nhiên, vượt qua khuôn khổ của lĩnh vực dịch thuật, nội hàm của nó vẫn còn chưa được định nghĩa rõ ràng cho đến nay.
Trong một hội nghị của Chính phủ, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thẳng thắn phát biểu, cam kết trở thành Chính phủ kiến tạo mới chỉ dừng lại ở Thủ tướng thôi, chứ không phải Chính phủ nói chung.
Trên thực tế, người đầu tiên đưa ra cụm từ này ở Việt Nam là nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, người rất muốn minh định giữa vai trò của Nhà nước và thị trường ở Việt Nam sau những kinh nghiệm đàm phán về hội nhập quốc tế. Ông Tuyển nhớ lại, ông viết về cụm từ này đầu tiên vào năm 2008 trên báo Nhân dân, nhưng rồi chẳng mấy ai biết. Sau một vài lần trình bày tại các cuộc hội thảo, nơi ông bày tỏ trăn trở giữa hai lựa chọn là Nhà nước nên “phục vụ phát triển”, hay “Nhà nước cai trị”, rốt cuộc ông Tuyển đã chắp bút viết một bài về Nhà nước kiến tạo năm 2014. Ông Tuyển mong muốn, để làm tốt chức năng kiến tạo, Nhà nước cần xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người dân phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình, thay vì mô thức Nhà nước làm thay người dân. Khi đó, người dân có thể phát huy tốt nhất quyền làm chủ, còn bộ máy hành chính nhà nước sẽ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản. Ông Tuyển kể, cụm từ “Nhà nước kiến tạo” được đề nghị đưa vào báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ 11 cách đây sáu năm, song không được chấp nhận. “Cả thế giới đang chuyển đổi khái niệm từ nhà nước chỉ huy sang nhà nước kiến tạo, nhưng tôi xin nói thật, Việt Nam tiếp nhận được cụm từ này không dễ”, ông Tuyển nói.
Thực tiễn khó khăn
Với Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, người có nhiều kinh nghiệm với Luật Doanh nghiệp, và các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nhận xét của ông Tuyển là sự thật. Trong một hội nghị của Chính phủ, ông Cung thẳng thắn phát biểu, cam kết trở thành Chính phủ kiến tạo mới chỉ dừng lại ở Thủ tướng thôi, chứ không phải Chính phủ nói chung. Điều này, ông Cung nói, được rút ra trong cả một quá trình.
Khi Nghị quyết 19 đầu tiên được ban hành vào năm 2014, đã có nhiều phản ứng từ cấp bộ trưởng. Ông Cung kể, lúc trình ra cuộc họp cao cấp, nhiều bộ trưởng chống. Cấp dưới của họ cũng vậy. Ông nói: “Lúc đó người ta chống đối, hay tỏ thái độ thờ ơ. Có người còn nói, các anh cứ thay đổi đi tôi không làm để nó thất bại, mà họ nói công khai”. Ông Cung kể tiếp, có nhiều quy định “hành hạ” doanh nghiệp mà ông và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, kiên trì đề nghị bỏ suốt 5-7 năm nay nhưng họ không nhúc nhích. Ông nói: “Điều đáng tiếc, thử hỏi có ông bộ trưởng hay ông chủ tịch tỉnh nào về thảo luận với nhau trong bộ, và chính quyền xem nên hiện thực hóa cam kết kiến tạo như thế nào”. Ông nhận xét, cho đến nay chưa nhiều bộ trưởng thực hiện tinh thần kiến tạo và hệ thống dường như vẫn đứng yên như cũ. “Vậy thì kiến tạo phát triển ở chỗ nào?”, ông Cung đặt câu hỏi.
Ông Tuyển giải thích: “Muốn kiến tạo thì trước tiên phải có tư duy phát triển, sau đó cải cách thể chế. Thể chế tốt mới giúp cải cách môi trường kinh doanh”. Ông Võ Trí Thành bổ sung thêm: “Một Chính phủ kiến tạo chỉ khi Chính phủ ấy có đủ năng lực, minh bạch, có khả năng giải trình, biết tương tác với xã hội”. Ông Cung đồng tình, và lấy ví dụ là nền kinh tế bao gồm năm loại thị trường là vốn, hàng hóa - dịch vụ, bất động sản, khoa học công nghệ, lao động mà trong đó hầu hết đều đang bế tắc, tạo môi trường cho cơ chế xin - cho nảy nở. Ông nói: “Những thị trường này đầy méo mó, sai lệch làm những người kinh doanh hiệu quả thì không thể tiếp cận nguồn lực, còn những người biết chạy chọt thì ăn đủ”. Ông Cung cho rằng, nếu không khơi thông được các thị trường này thì doanh nghiệp khó phát triển.
Người dân cần làm chủ
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kế Tuấn, Đại học Kinh tế Quốc dân, Giáo sư người Mỹ Chalmers Ashby Johnson được coi là người đầu tiên đưa ra khái niệm về nhà nước kiến tạo phát triển. Theo đó, nhà nước đề ra các chính sách mang tính định hướng phát triển, tạo môi trường và điều kiện cho các chủ thể kinh tế phát huy mọi tiềm năng trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, tăng cường giám sát để phát hiện các mất cân đối có thể xảy ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao mức sống của người dân.
Thực tế hiện nay, theo bài phân tích của ông Tuấn trong kỷ yếu hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam và vai trò của Nhà nước kiến tạo trong hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh” do Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng chủ trì, chuyển đổi sang mô hình “kiến tạo”, Chính phủ đang gặp một số khó khăn như chưa có sự chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị theo hướng xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều bất cập trong hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước với những biểu hiện như chất lượng chính sách không phù hợp với thực tế, tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “trên bảo dưới không nghe”, cải cách hành chính chậm trễ, bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh. Hơn nữa, theo ông Tuấn, tình trạng tham nhũng, lãng phí có xu hướng ngày càng phổ biến và trầm trọng. Quan hệ giữa tăng cường quản lý của Nhà nước với phát huy dân chủ, thu hút rộng rãi các lực lượng xã hội vào phát triển và quản lý sự phát triển vẫn còn nhiều mâu thuẫn.
Theo ông Tuấn, Nhà nước kiến tạo phát triển là Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Việc phát huy dân chủ trong quản lý nhà nước thể hiện đồng thời trên ba mặt. Thứ nhất, người dân được quyền tự do thực hiện hoạt động kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm. Thứ hai, người dân và các tổ chức có quyền tham gia vào quá trình hình thành hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, đặc biệt là các quy định liên quan trực tiếp đến họ. Thứ ba, đề cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước, bảo đảm người dân và các tổ chức thực hiện quyền giám sát hoạt động của Nhà nước bằng các hình thức thích hợp.
Xét trên cả ba mặt đó, theo ông Tuấn, bên cạnh những kết quả tích cực chủ yếu là trong việc bảo đảm “quyền tự do thực hiện hoạt động kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm”, việc bảo đảm dân chủ trong quản lý Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc thu hút sự tham gia của người dân và các tổ chức vào quá trình xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách mang nặng tính hình thức. Có tình trạng nội dung cơ chế chính sách thiên về bảo đảm lợi ích và sự thuận lợi của chính họ hơn là lợi ích và thuận lợi của các cộng đồng thuộc đối tượng điều chỉnh. Thực thi trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước còn là vấn đề xa vời. Nói một cách khái quát, nhiều vấn đề của quản lý nhà nước, “dân không biết, không bàn, không kiểm tra”. Với thực tế này, ông Tuấn khẳng định, hoạt động quản lý nhà nước hiện đang tồn tại khoảng cách khá xa so với yêu cầu xây dựng mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển.

Không có nhận xét nào:

Trang