11 tháng 4, 2020

Trần Dần và bóng in trên vách!

Tác giả: theo FB nhà báo Ngô Nguyệt Hữu
Tôi thích câu nói của Phạm Nhật Vượng, “Làm người rồi, không thể sống một cuộc đời hoài phí được”.
Khoảng trắng chỗ Trần Dần ngồi có khiến ông hoài phí cuộc đời hay không?
Chắc chắn, là không.
Bởi ít nhất tấm lưng của bậc tài hoa ấy, đã giữ lại cho bức tường một khoảng sáng! (Ngô Nguyệt Hữu)
KD: Đời người chỉ sống có một lần mà. Sống có ích, tạo ra những giá trị sống, chính là hạnh phúc!
Mà nếu không tạo ra những giá trị, ít nhất xin đừng làm điều Ác với đồng loại
———-
Trần Dần là một tài hoa của quốc gia, là một nguyên khí của tiếng Việt, là bậc trưởng thượng trong sử dụng ngôn ngữ, là nhà cách tân chữ Việt khoa học và hợp lý nhất…
Trần Dần, là một bi kịch.
Sau vụ Nhân văn Giai phẩm rất buồn một giai đoạn, Trần Dần của “Người người lớp lớp” về một Điện Biên Phủ bi tráng mà kiêu hùng, Trần Dần của “Những ngã tư và những cột đèn” được giới xuất bản Hàn Quốc và Anh tranh nhau mua vì hiểu được giá trị thương mại từ tác phẩm…
Nhưng rồi mọi thứ giá trị ấy từng không được thừa nhận ở quốc gia chỉ run rẩy, “Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”. (Nhất định thắng).
Trần Dần ngồi im một góc nhà, không nói, không cử động.
Bạn bè văn nghệ sĩ đến thăm, Trần Dần chỉ uống rượu, ai tài hoa lắm thì được Trần Dần buông một câu khen, “Cậu cũng khá”.
Được kim khẩu của Trần Dần khen “Cậu cũng khá”, ấy là một bảo chứng cho tài năng mà không giải thưởng nào có thể so sánh được.
Sắp đến những dịp lễ lớn, Trần Dần cất tiếng bảo vợ, “Mình nhớ treo cờ”. Đó có lẽ là câu nói chủ động hiếm hoi của Trần Dần.
Trần Dần, đã tận chán.
Tôi đọc sử như một niềm yêu thích, tôi đọc hồi ký như một thói quen, tôi đọc về những biến cố văn học để quan sát những lừng lẫy tài danh mà tôi biết…
Tôi thật sự tôn trọng họ, về tất cả.
Không ai thấy Phùng Quán khóc, không ai thấy Nguyên Hồng khóc, không ai thấy Trần Dần khóc, không ai thấy Hữu Loan khóc…
Đã chọn một con đường, nghĩa là – cứ lầm lụi bước đi.
Đã chọn một con đường, nghĩa là – tự thân không ai ép buộc.
Đã chọn một con đường, nghĩa là – không trách cứ oán than.
Cậu bạn mà tôi rất yêu thương từ Hà Nội vào nơi này, có bao nhiêu đắng cay đã chịu từ bằng hữu, có bao nhiêu xót xa đã chịu từ người mà cậu xem là anh em.. Lắm lúc tôi xót, bảo “Để đấy Hữu tính”. Cậu bạn gạt ngang, “Mình thế nào mình biết, kệ đi Hữu”.
Có lần bạn tôi inbox, “Hữu đừng hiểu nhầm tớ nhé, tớ không bênh nó đâu. Hữu muốn thế nào, tớ chìu Hữu thế đó”. Tính tôi dễ xúc động, cứ bần thần mãi về câu nói ấy.
Cậu bạn của tôi, cũng đã chọn một con đường, và không bao giờ kêu thán.
Bóng in trên vách đâu?
Trần Dần đã ngồi im lặng lâu đến độ, bụi thời gian phủ hoen ố cả bức tường, chỉ mảng nơi Trần Dần ngồi là vẫn sáng.
Không chỉ Trần Dần, ngay cả lúc bị hành hạ đến mỏi mệt – Phùng Quán còn kịp nhìn thấy bờ mông tròn đẹp như trứng chim cút của phụ nữ.
Tôi thích câu nói của Phạm Nhật Vượng, “Làm người rồi, không thể sống một cuộc đời hoài phí được”.
Khoảng trắng chỗ Trần Dần ngồi có khiến ông hoài phí cuộc đời hay không?
Chắc chắn, là không.
Bởi ít nhất tấm lưng của bậc tài hoa ấy, đã giữ lại cho bức tường một khoảng sáng!
Đọc tiếp :
Nhà văn Trần Dần và những tác phẩm gây choáng ngợp khi trở lại
Hiền Phương (theo Zing)
Được sáng tác từ lâu, nằm im lìm trong ngăn tủ, mấy mươi năm sau, các tác phẩm của Trần Dần mới lần đầu ra mắt công chúng trong sự mong đợi, ngỡ ngàng và thán phục.
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, có những cuộc trở lại gây được ấn tượng, bất ngờ đối với người đọc, và Trần Dần nằm trong những cuộc trở lại như thế.
Mười năm trở lại đây, bất cứ tác phẩm nào của Trần Dần ra mắt cũng tạo được tiếng vang trong giới văn chương, kể cả độc giả phổ thông lẫn những nhà phê bình. Người ta chờ đợi tác phẩm chất lượng “nghệ thuật vị nghệ thuật” được ấp ủ qua thời gian dài im ắng.
Nếu như các tác phẩm xuất bản trước đây gồm Bài thơ Việt Bắc (trường ca – viết năm 1957, xuất bản năm 1990), Cổng tỉnh (thơ – tiểu thuyết, viết năm 1959-1960, xuất bản năm 1994), Người người lớp lớp (tiểu thuyết 1954, xuất bản năm 1955) mang về cho Trần Dần giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007; thì các tác phẩm xuất bản sau này như Trần Dần – Thơ (2008), Những ngã tư và những cột đèn (2011), Đêm núm sen (2017) đều tạo tiếng vang mỗi lần ra mắt.
Trần Dần – Thơ và cuộc săn lùng một cuốn sách chất lượng
Cuốn sách do Công ty sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Đà Nẵng liên kết ấn hành này đã giành giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội và Giải thưởng văn học – nghệ thuật thủ đô năm 2008.
Cuốn thơ với tranh minh họa người to đầu bé ngày càng hiếm.
Nhà văn Hồ Anh Thái – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khi đó khẳng định: Với tập Trần Dần – Thơ, lần đầu tiên nhà thơ cách tân và cách tân có hiệu quả. Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thành tựu trọn đời về thơ cho nhà thơ quá cố Trần Dần (1926 – 1997) để khẳng định tính độc đáo và mới mẻ của những tác phẩm lần đầu được chính thức công bố, tính cập thời và bền vững của các tác phẩm, tính tiên phong mở đường trong đổi mới thơ, có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ cách tân thơ đương đại.
Cuốn sách tới nay không được tái bản, tạo nên cuộc “săn lùng” trong giới mến mộ văn chương. Một cuốn Trần Dần – Thơ với bìa có minh họa hình người to đầu bé này có giá tăng theo từng ngày. Sách càng cũ càng mất giá, đôi khi bán với giá đồng nát, còn tập thơ này càng cũ giá càng tăng.
Tới nay, một cuốn thơ này có giá từ bảy trăm nghìn đến một triệu đồng, vượt xa giá bán ban đầu của tập thơ. Ai có trong tủ sách nhà mình tập thơ này cũng là một điều tự hào. Có lẽ cũng chính điều này đã góp phần đưa những tập sách sau của Trần Dần trở nên đáng mong đợi hơn.
Những ngã tư và những cột đèn -Tác phẩm hay không bao giờ lạc hậu với thời gian
Ở thơ người ta bất ngờ với Trần Dần một, thì tiểu thuyết người ta lại bất ngờ với Trần Dần mười. Không ai nghĩ một “người thơ” như thế lại viết tiểu thuyết, có tiểu thuyết hay nhường ấy. Và Những ngã tư và những cột đèn là một ví dụ, minh chứng rằng tác phẩm hay không bao giờ lạc hậu với thời gian.
Tiểu thuyết trinh thám của Trần Dần đã được mua bản quyền tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh.
Một tác phẩm ra đời những năm 60 của thế kỷ trước, viết sau một thời gian tiếp xúc với nhiều ngụy binh cũ thời Pháp thuộc, do sở Công an Hà Nội đã cấp giấy phép ra vào trại giam, để sau đó bản thảo được gửi lên sở Công an, khi đã hoàn thành.
Cuộc chia tay của tác giả và tác phẩm kéo dài hơn hai mươi năm. Một ngày năm 1988 sở Công an Hà Nội mang bản thảo trả lại Trần Dần, tại nhà riêng, cùng tập thơ chép tay Cổng tỉnh.
Trước khi Trần Dần mất hẳn khả năng làm việc, vì bệnh tật, ông đã quay trở lại với Những ngã tư và những cột đèn, một lần nữa, lần cuối cùng. Ông chép lại, và sửa chữa, chủ yếu về văn phong. Trong nhật ký 1989, ông nhắc nhiều lần về tiểu thuyết này.
Và năm 2011 cuốn sách được Nhã Nam và NXB Văn Học ấn hành. Lần đầu tiên ra mắt, tiểu thuyết lập tức chinh phục đông đảo bạn đọc. Tác phẩm được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải ở thể loại văn xuôi cùng với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh; tiểu thuyết Kín của nhà văn Nguyễn Đình Tú.
Đây là một sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực làm mới của ông. Và cuốn sách mang đậm yếu tố trinh thám, tự thuật này được tái bản ngay sau khi xuất bản không lâu. Bản thân ấn bản đầu hiện nay cũng trở thành quý hiếm.
Nhờ nỗ lực giới thiệu của đơn vị nắm bản quyền trong nước, một số đại lý bản quyền quốc tế đã tiếp cận tác phẩm, và giới thiệu thành công tới những nhà xuất bản nước ngoài. Trong tương lai, tiểu thuyết sẽ có bản tiếng Hàn và tiếng Anh.
Đêm núm sen – bom tấn văn chương của 2017
Khi người ta không còn bất ngờ với Trần Dần thơ, Trần Dần tiểu thuyết nữa thì Trần Dần lại xuất hiện với một tác phẩm đồng thoại. Lần đầu tiên ra mắt sau 56 năm được viết ra, Đêm núm sen vẫn đủ sức chinh phục bạn đọc đương thời, mời gọi những hướng nghiên cứu đối với các nhà phê bình.
Đêm núm sen gây choáng ngợp với bất cứu ai đặt chân vào thế giới kiến – người mà Trần Dần tạo ra. Cuộc phiêu lưu vào thế giới giả tưởng ấy khiến người ta nhận ra sự khốc liệt của chiến tranh.
Chiến tranh đến, nghiền nát tất cả: sự sống, tình yêu, thành phố… Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng Trần Dần đã viết về chiến tranh khi ghé xuống những phận người trên chiến hào.
Nhà phê bình Mai Anh Tuấn bảo, thời đó không ai viết về chiến tranh như vậy, đi một quãng xa nữa, mới thấy Bảo Ninh có cách viết về chiến tranh như thế trong Nỗi buồn chiến tranh.
Đêm núm sen ra mắt sau 65 năm vẫn gây choáng ngợp.
Tiểu thuyết còn gây choáng ngợp về khả năng sự dụng ngôn ngữ giàu chất thơ, đầy cảm xúc của Trần Dần. Với Đêm núm sen, Trần Dần cho thấy tiếng Việt đẹp thế nào, và vì sao ông vẫn là một thành lũy trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ.
Bên cạnh ba cuốn sách ra mắt gây tiếng vang trong khoảng 10 năm trở lại đây, Trần Dần có những tác phẩm khác, nếu in lại tin chắc sẽ tạo được dư luận. Cổng tỉnh từng in năm 1994, Mùa sạch từng in năm 1998, nếu trở lại phù hợp với thẩm mỹ thơ hiện nay. Ngoài ra, một số bản thảo tác phẩm của Trần Dần vẫn chưa được khai thác hết.
Bên cạnh sáng tác, Trần Dần còn có mảng dịch thuật, đủ làm nên một danh xưng “Trần Dần dịch giả”. Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng, Trần Dần từng dịch nhiều sách với các bút danh như: Trọng Kha, Vũ Văn Kha, Trần Dần, đôi khi không ký tên ở các bản dịch.
Ông đã dịch các tác phẩm như: Bộ Những người chân đất (Zaharia Stancu), bộ sách của Jules Valles (Chú bé, Cậu Tú, Người khởi nghĩa), Cái chết là nghề của tôi (Robert Merle), Chú nhóc đen (Richard Wright), Chàng Memét mảnh khảnh (Yasa Keman)…

Không có nhận xét nào:

Trang