Tác giả: Vương Trí Nhàn
– Tôi chỉ đề nghị các anh một điều là in đính chính. Đính chính cho rõ Hoàng Ngọc Hiến nói A, mà Xuân Trường nói B.
– Anh thông cảm cho, hiện nay thiếu giấy.
– Nhưng lúc nào cũng thừa giấy để vu khống tôi. Làm như thế là mao ít. Xuân Trường mao ít. Hồng Chương mao ít. Chính tôi cũng mao ít nốt, nhưng tôi đang cố vượt lên, và bị các anh cản trở.
Trung quốc bây giờ nó đánh nhau, nó phê phán nhau, nó gọi nhau là kẻ thù. Còn anh Hà Xuân Trường đánh tôi vẫn gọi tôi là đồng chí. Như thế là đểu.
Các anh bảo đời sống là tốt đẹp văn nghệ ta là tốt đẹp. Với tất cả tinh thần của người cộng sản, tôi xin nói rằng các anh rất cơ hội. Đảng ta chưa tốt đẹp. Văn nghệ ta chưa tốt đẹp, ta còn bao nhiêu việc phải đấu tranh. Tại sao các anh lại cơ hội như thế được (Hoàng Ngọc Hiến).
KD: Bạn bè trên FB gửi cho bài viết này. Ở một XH “chính trị là thống soái”, sống cho ra một con người rất khó. Làm một người văn nghệ sĩ tử tế, đàng hoàng như Hoàng Ngọc Hiến- cũng vậy- khó thay
Thật buồn. Bao nhiêu “năng lực” chỉ để đối phó nhau, “đấu đá” nhau. Những người tốt, tài năng rồi cũng tàn lụi.
Ở một nền văn học minh họa, phục vụ chính trị, có bao kẻ vụ lợi, cơ hội, bưng bô? Ngoảnh đi ngoảnh lại, nước Việt này có mấy tác phẩm văn chương để đời???
Thời trẻ, do công việc, mình làm việc và có dịp đi công tác với cả hai anh em – cụ Hoàng Ngọc Di (khi đó là Vụ trưởng Vụ GDPT- Ban KGTU), cụ Hoàng Ngọc Hiến, khi đó là Hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du. Cả hai anh em người họ Hoàng, dù tính cách rất khác nhau, đều để lại cho mình ấn tượng quý trọng, nể trọng vì tư cách đàng hoàng và sự làm việc nghiêm cẩn. Nay cả hai đều đã trở về với cát bụi.
Xin đăng bài viết này để bạn đọc chia sẻ
———————
Ảnh giadinh.net.vn
Tháng 11 năm 1978, Nguyễn Minh Châu cho đăng trên tờ Văn Nghệ Quân Đội một bài viết nhan đề là “Viết về chiến tranh”.
Trong bài này, Nguyễn Minh Châu nhận định rằng nền văn học Miền Bắc trước năm 1975 và cả Việt Nam sau đó đều chưa hề có tiểu thuyết thực sự về chiến tranh, vì còn bề bộn sự kiện, nhân vật toàn là dạng người lý tưởng, chưa mô tả được các vấn đề đời thường của con người và xã hội trong chiến tranh.
Bài viết gợi ra ở Hoàng Ngọc Hiến những suy nghĩ khá bất ngờ về văn học xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm của ông được phản ảnh trong bài viết tựa là “Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua”, đăng trên tuần báo Văn Nghệ, số 23 ra ngày 9 tháng 6 năm 1979.
Sau khi tóm lược ý kiến của Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến viết như sau: “Hình như, Nguyễn Minh Châu viết, trong ý niệm sâu xa nhất của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại, mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng, đang mơ ước. Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống cho phải đạo, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại, thì mối quan tâm hàng đầu là mô tả sao cho chân thật.
Đọc một số tác phẩm, chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là chủ nghĩa hiện thực phải đạo”.
Hoàng Ngọc Hiến còn đi tới những khái quát sâu hơn
Thực ra ngay trong đời sống thực tại, do quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người “phải đạo” với những cung cách suy nghĩ nói năng ứng xử được xem là “phải đạo”. Khái quát những hiện tượng hết sức thực tại này vẫn nảy sinh chủ nghĩa hiện thực phải đạo”.
Tôi đã ghi lại toàn cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng 1979 trong những trang nhật ký văn nghệ viết cùng năm và phần quan trọng nhất là bài trên blog
Sau đây là những diễn biến tình hình 1980 cũng liên quan tới nội dung trên .
28/6
Việc ông Hiến qua đi gần một năm nay
Tạp chí Văn học có bài phê phán ngay từ cuối năm 1979. Tạp chí NCNT số 1/1980 cũng vậy. Bài của Kiều Vân, với luận điểm rất rối rắm. Kiến thức sai lầm cả.
Chính diện nhất là bài Hà Xuân Trường (tạp chí Cộng sản1/1980). Hoàng Ngọc Hiến tức lắm, lại viết bài trả lời, gửi thẳng đến tạp chí Cộng sản .
Buổi sáng cậu trợ lý biên tập đến nhà Hiến. Hiến mời nước, thuốc, cậu ta chiếu cố hút cho, và nói như ban ơn
– 9g sáng, anh đến để đại diện Ban biên tập gặp.
– Tôi bận công việc hôm nay không đến được.
Đến lúc này, cậu ta hoảng, biện ra lý do xin lỗi. Cuối cùng Hiến bảo nếu thế 8g30 tôi đến. Đến nơi, họ mời lên gác lên đó nói chuyện văn chương cho tiện. Hiến bảo bây giờ người ta bàn văn chương ngoài hàng nước chứ gì. Nhưng rồi cũng lên.
Họ chưa nói lý do không đăng bài, mà còn nói xa xôi.
– Nghe nói anh có viết bài trả lời Tô Hoài.
– Điều đó ta không bàn ở đây. Tôi thừa hiểu là các anh đã đọc nát bài đó, bên cạnh bài tôi gửi tới tạp chí Học Tập, việc gì phải giấu nhau cho khổ nữa.
Khi họ từ chối chưa nhận vội, ông Hiến đốp chát:
– Tôi chỉ đề nghị các anh một điều là in đính chính. Đính chính cho rõ Hoàng Ngọc Hiến nói A, mà Xuân Trường nói B.
– Anh thông cảm cho, hiện nay thiếu giấy.
– Nhưng lúc nào cũng thừa giấy để vu khống tôi. Làm như thế là mao ít. Xuân Trường mao ít. Hồng Chương mao ít. Chính tôi cũng mao ít nốt, nhưng tôi đang cố vượt lên, và bị các anh cản trở.
Trung quốc bây giờ nó đánh nhau, nó phê phán nhau, nó gọi nhau là kẻ thù. Còn anh Hà Xuân Trường đánh tôi vẫn gọi tôi là đồng chí. Như thế là đểu.
Các anh bảo đời sống là tốt đẹp văn nghệ ta là tốt đẹp. Với tất cả tinh thần của người cộng sản, tôi xin nói rằng các anh rất cơ hội. Đảng ta chưa tốt đẹp. Văn nghệ ta chưa tốt đẹp, ta còn bao nhiêu việc phải đấu tranh. Tại sao các anh lại cơ hội như thế được.
v.v.
Ngô Thảo bình luận: ông Hiến không sợ, vì ông ấy rất trong sáng. Như ông Thi mới sợ, người ta cấm kịch, ông Thi không dám cãi, vì người ta chỉ cần bảo “cụ Nguyễn Trãi này được đẻ ra, để minh oan cho chuyện tán gái đây mà”, thế là ông Thi chịu. Người ta bảo ông Thi đã hạ thấp Nguyễn Trãi xuống bằng ông Thi mà! Còn Hoàng Ngọc Hiến hắn sợ gì.
Ấy là không kể người ta còn sợ bóng sợ vía, có phải Liên Xô đứng sau ông Hiến không.
Nhàn: chắc là họ đã thấy dại khi bật đèn xanh đánh ông Hiến. Mà thủ mưu vụ này chắc là Hà Xuân Trường.
Thảo: Cho nên bây giờ Tạp chí NCNT rất muốn đăng bài ông Hiến trả lời Kiều Vân. Như thế để phân tán mục tiêu hơn. Nhưng Xuân Trường đã lộ mặt.
Nhàn: Tôi có cảm tưởng diễn đàn báo chí bây giờ vẫn rất quan trọng, nó là nơi trình làng về quan điểm hay sao ấy. Vẫn có sự thăm dò giữa mọi phe phái.
Thảo: Có chứ. Trung ương bây giờ năm bè bảy mảng. Những người tiên tiến như ông Duẩn lực lượng rất mỏng. Ông Thọ đang chuẩn bị ê kíp chuyên gia trẻ riêng của mình. Còn chuyện Liên Xô Trung Quốc nữa. Đầu 1978, PKPQ nó còn nghi là một ông tướng khi xuống rada hạch tại sao các đồng chí lại chĩa ra đa vào nước bạn?
Một người như Nguyễn Văn Hạnh bảo: Bây giờ cho người ta bầu ai là người theo Tầu ai theo Nga, người ta bầu đúng ngay.
Phương Lựu: Điều có thật là ở Trung quốc họ chống Mao thật sự, còn ở ta, lại theo Mao. Khi đông đảo quần chúng ý thức được điều này, sẽ sinh nhiều chuyện cho mà xem.
1/7
Hội nghị 35 năm văn học yêu nước và cách mạng 1945-80. Trước hội nghị, những người lãnh đạo chỉ lo trong tình hình này, có cái gì bùng nổ thì rất phiền. Họ không muốn hội nghị đi chệch hướng khẳng định. Còn người tham gia không muốn hội nghị thảo luận chung chung.
Hoàng Trung Thông bảo: Kiến nghị của tôi là hội nghị Nguyễn Trãi không chừng rồi người ta quay ra người ta bàn về Hồ Quý Ly. Nhưng cái đó không sao.
Có người sợ thảo luận không theo sát ý kiến trên. Nhưng Hoàng Trung Thông lại bảo: anh em văn nghệ sĩ họ khôn lắm. Họ sẽ lựa tình hình họ nói.
Nhớ một giai thoại Liên Xô. Khi người ta hỏi ông thích những vai kịch nào vai lớn hoặc vai nhỏ, Suksin trả lời cái đó còn tuỳ thuộc vào từng vở kịch. Nếu vở kịch hay tôi thích những vai lớn, còn nếu kịch tồi, tôi thích những vai nhỏ.
Sinh hoạt văn học hôm nay cũng là một vở kịch tồi nên tôi chỉ muốn đóng một vai nhỏ.
2/7
Trong hội nghị, ông Xuân Trường ra vỗ về ông Hiến. Hiến làm ầm lên. Sau lên nói giữa hội nghị:
– Tôi đồng ý là hoãn cuộc luận chiến lại. Để chống bạo ngược phương bác, chúng ta phải tạm hoãn chống bạo ngược trong nước.
Trước đó, gặp ông Trường, nói rất căng.
Ông Truờng: Chúng tôi sẽ phê phán anh Châu. Còn nếu đăng bài của anh, chúng tôi sẽ cho tiếp tục phê phán.
Hoàng Ngọc Hiến: Việc ông Châu, tôi không biết. Nhưng còn việc của tôi, anh cứ cho đăng đi, sau sẽ hay.
Ngô Thảo: Trong hội nghị này, chỉ có chữ bạo ngược của ông Hiến là còn.
Tôi hỏi một số người.
Nhị Ca: các ông trẻ cứ xui nhau làm bậy. Ông Hiến cứ thần kinh thế chết có ngày.
Nguyễn Văn Hạnh (bình luận): Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch là chiến thắng, nhưng chiến thắng ở đâu, bao giờ thì chịu, chưa biết.
Phương Lựu: có ai có đủ điều kiện về học vấn và chỗ đứng như ông Hiến để giúp Hiến đâu. Mà mình Hiến cô độc thì được việc gì? Thằng Từ Sơn nó bảo mình (Phương Lựu) đang có dư luận báo Văn nghệ chống Đảng kia kìa. Bọn Công an nó để ý cả đấy, phiền lắm.
Trên đưa xuống 20 tác phẩm để dưới, cụ thể là giới nghiên cứu và giới nhà văn, có ý kiến thêm. Cụ thể là có một số người thắc mắc về những quyển đó.
– Đất trắng Sao lại nói kỹ về tên đầu hàng?
– Kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan không tiêu biểu cho Nguyễn Trãi lắm. Và hình như có ám chỉ ta bây giờ.
– Người không cùng đi một chuyến tầu (của Nguyễn Quang Thân báo Văn nghệ số 13 1980) kể chuyện một người tốt luôn luôn bị lép vế, bị đẩy lùi. Riêng ở gần kết có một đoạn in nghiêng đại ý: Tôi không thể chịu được cảnh như thế này nữa. Tôi muốn thay đổi cả con tầu này – ông Lê Đức Thọ cho là có dụng ý xấu.
– Thơ của Thạch Quỳ: Con mơ ước vầng trăng, nhưng nên nhớ rằng cái bánh đa tròn, quan trọng hơn.
— Truyện dịch Chuyến xe cuối cùng toát lên cái ý có những thứ — ở đây xe điện — ngày nào là mới mẻ thú vị, thì ngày nay là cổ lỗ, cần phải cho về vườn v.v..
– Truyện dịch Người đàn bà cuối cùng trên có vẻ dân chủ vậy thôi nó chứng tỏ lung tung lắm rồi, ở dưới đâu cũng loạn xạ.
– Phim Cánh đồng ma được giải Bông Sen vàng ở Liên hoan phim Việt Nam nhưng quân đội lại không cho phép chiếu (vì có vẻ lên án chiến tranh).
Phim Đám cưới chạy tang, ông Bổng, ông Ngọc ông Khải xem, đều thấy nên cấm. Phim do Xích Điểu viết kịch bản Mai Thúc Luân biên tập, một đạo diễn cũ ở Sài Gòn làm. Ông Khải bảo chưa thấy phim nào chửi mình đau bằng phim này (nhân vật chính trong phim: một cán bộ cách mạng ngu ngốc, dốt nát). Nhưng ông Xuân Trường lại cho ra.
Phản ứng về 20 tác phẩm có vấn đề:
– Viện Văn học im lặng
– Hội nhà văn bệnh vực anh em.
Nhưng Trần Quang điên tiết lên, làm một bài “chẳng nhẽ có những người định dùng sách Tàu để đánh Tàu là sai chăng? Chẳng nhẽ nói ám chỉ một cành vàng lá ngọc hư hỏng là có tội chăng”.
Bài đưa báo Nhân Dân không đăng. Báo Tin sáng đăng.
Cấp trên tức lắm, gọi Trần Quang lên. Ông Quang bảo tôi không làm gì sai đường lối của Đảng cả. Ông Trường Chinh đập bàn. Trần Quang: tôi nể anh lớn tuổi, tôi không đập bàn thôi. Đập bàn thì tôi còn khoẻ hơn anh.
Hoàng Trung Thông cũng tức. Chính ông Quang này là xỏ xiên. Hồi trước ông ta mao-ít lắm giờ ông ta lại giở trò này.
Vũ Tú Nam. Tôi rất giận ông Trần Quang. Bài báo chẳng khác gì một cái tát đánh thẳng vào Đảng mình trong lúc này. Kinh nghiệm của tôi là phải cẩn thận lắm mới phải.
18/7
Ông Thi đang đi bán hàng.
Nhận xét về văn học 45 đến nay, cho rằng như cải cách ruộng đất là ta ảnh hưởng thằng Tàu; ảnh hưởng vào văn nghệ là Nhân văn Giai phẩm (nơi nổ ra đầu tiên là quân đội, vì sau Điện Biên căng thẳng quá). Nhưng sau đó lại được mùa, những năm 58-64. Ông Lành không viết bài thơ nào về cải cách ruộng đất. Thế là nhạy lắm.
NĐT này dạo này hay nói vấn đề tình thương….Chắc người còn đang muốn trở lại con đường chính trị nên mới hăng thế. Tự xin nói với Viện văn một vở kịch mới: một người vừa yêu chồng vừa ngoại tình, không bỏ được cái nào. Ý nói: Mình vừa muốn làm chính trị, vừa muốn làm văn nghệ, không bỏ được cái nào.
Nghiêm Đa Văn: ông Thi chỉ có tội khinh anh em
Ngô Thảo: ông Thi với trên thì khinh, với người cùng lứa thì ghét, với người ít tuôỉ hơn thì xoa đầu coi thường, có ra sao đâu!
Người có thể làm bộ trưởng Bộ Văn hoá, bên cạnh ông Thi, là Lê Liêm.
Liên xô nhận định: Bộ phận tuyên huấn chính là một thành luỹ của chủ nghĩa Mao. Trong khi đó, Xuân Trường nói ở hội nghị khoa học 35 năm: kinh nghiệm Liên xô rất quý, nhưng ta phải tìm ra con đường của ta. Lộ bài quá chăng!Có tin Xuân Trường đã tự phê về bài đánh Hoàng Ngọc Hiến, trên tạp chí Học tập 1/1980.
Bà Hoàng Thị Đậu, vừa dự cuộc Hội nghị khoa học 45 năm, người đi học Rumani về, đã di tản mà không thoát. Phương Lựu: Chắc bà ấy nhớ câu ông Hiến về những người lang thang trên TQ mình.
12/9
Ông Trần Độ họp với một số nhân vật văn nghệ.
Có Bằng Việt, Bùi Bình Thi, Duật, nhưng lại không có Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương.
Có Bùi Công Hùng nhưng không Phong Lê.
Có Phan Cự Đệ nhưng không Hà Minh Đức
Có Lại Nguyên Ân nhưng không có Vương Trí Nhàn…
Mở đầu Trần Độ bảo :
– Lâu nay, có một xu hướng đánh giá lại văn nghệ của ta, đặt lại vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và hiện thực, do đó, vi phạm tới những nguyên tắc mà nếu cần chúng ta phải lấy máu ra bảo vệ.
Xu hướng đó có công chúng của nó.
Nó hiện ra thành những bài báo được người ta hoan nghênh và không có những bài đúng đắn phê phán.
Ngay sau đó, Xuân Trường nói rõ thêm. Xu hướng này bắt đầu bằng bài của Nguyễn Minh Châu (bài viết về chiến tranh??) qua những tài liệu bàn về chiến tranh đăng ở VNQĐ (hồi tôi làm), cao trào là bài Hoàng Ngọc Hiến.
Gần đây có bài của Ngô Thảo, bàn về “nhà văn may mắn” (chẳng qua, một biến tướng của bài ông Hiến) nhưng không có ai phê phán gì cả.
Vây bây giờ phải ra sao?
Bùi Bình Thi nói về những thay đổi trong chính đời sống.Giờ là lúc thế nào là phải, thế nào là trái… đang còn phải bàn.
Triệu Bôn nói lấp lửng: ta ca ngợi như thế chưa đủ. Làm sao mà trong những năm qua ta chưa nói thật hết mọi chuyện được. Nói thật thì không ai dám đi đánh nhau nữa.
Phan Cự Đệ phụ hoạ với trên: Tôi làm công tác giảng dạy, thấy rất khó khăn. Có sinh viên làm khoá luận, lấy bài dịch trên một tạp chí ra làm tài liệu (VNQĐ?)
Thực ra, những chuyện mà các anh nói tới, đều cũ cả… Trở lại chuyện anh Thi hôm nói ở Viện, anh Thi phê phán Hoài Thanh khi Hoài Thanh cho là không có nỗi buồn. Như thế có phải không?
Xuân Trường lên án tình hình sách vở nước ngoài vào lung tung. Các anh đừng thấy sách Liên xô có ý gì, nói theo ngay. Nhiều vấn đề chúng tôi nói đã lâu rồi. Nhưng chúng tôi viết thì các anh không đọc.
Điều đáng kể, là ông Xuân Trường tâm sự: con cháu trong nhà cứ hỏi bao giờ có thay đổi? Trần Độ cũng bảo bây giờ khó quá. Ở cương vị ông ta phải ba không, không được khen (sợ ngừơi ta lợi dụng), không được chê (sợ người ta buồn), không được im lặng (sợ người ta bảo vô trách nhiệm). Cuối cùng chả còn biết ra làm sao nữa.
Bằng Việt: Như vậy là các ông ấy gọi mình tới để vừa răn đe mình, vừa bảo bây giờ số phận tôi với số phận các anh đã ràng buộc làm một, các anh phải bảo nhau mà giữ gìn.
Ng. Khải: Trăm thứ không gì bằng nỗi sợ. Tôi (NK) hỏi ông Tuân:
– Thế bác bây giờ còn sợ không. Tuổi bác đã cao, viết lách bác không cần, như thế bác không sợ chứ gì?
– Thế mà vẫn sợ. Sợ lắm.
Nguyễn Minh Châu nhận xét: Xem Hoàng Ngọc Hiến đấu với Hà Xuân Trường, lão kia nó cứ cười cười, còn ông này được một lúc, mặt đã trắng nhợt đi rồi.
4/10
Ông Trần Quang bị cách tuột mọi chức vụ ở đảng và đang kiểm điểm vì bài trên báo Tin sáng.
Ông Lê Đức Thọ ký một công văn gửi các nơi phê phán kịch Nguyễn Trãi của ông Thi. Ở vở ấy toát ra một cách nói: Bản chất hằng số của con người. Làm méo mó nhân vật Nguyễn Trãi hạ thấp Nguyễn Trãi và có nhiều câu móc máy tình hình hiện nay
18/10
Hội có ba người lên đường đi dự hội nghị Ban lãnh đạo Hội nhà văn các nước XHCN. Thành phần Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khoa Điềm.
Mấy ngày sau, tôi nghe ở chỗ cô Hiền, ban đối ngoại. Cô nói với ông Nho ở Tuyên huấn Trung ương:
– Anh về anh báo cáo, để sang năm Hội nhà văn mình nhận đăng cai Hội nghị ban lãnh đạo nhà văn các nước XHCN đi. Chứ cứ đun đẩy cho người ta mãi.
14/11,
Ban bí thư (hay BCT?) họp với một số Đảng đoàn, và phụ trách các tờ báo. Cô Hà báo với mấy ông già:
– Bố cháu mệt, bố cháu nghỉ ở nhà.
Có người đoán chắc họp gay go, mới đầu định thứ 4, sau hoãn thứ 5. Vì ai chủ trì. Mới đầu tưởng ông Độ, sau ông Độ cũng không được tin. Sáng ông Sáu. Chiều ông Ba. Ông Thông là loại khôn lắm. Đi có thế nào, họ ghi lấy, sau phe phái thay đổi, họ đánh chết.
Ngày hôm nay thứ hai 17/11, Ý Nhi bảo:
– Nghe đâu ở một hội nghi (?), Đảng Đoàn Hội Nhà văn cụ thể là ông Ngọc bị đánh ghê lắm.
Hữu Mai Nguyễn Khải nói rất mạnh gần như là muốn thay hẳn Ngọc đi.
Nhi nói thêm hai ý:
– Cái ông Ngọc này giờ cũng chẳng ai ưa. Quan cách lắm, sĩ diện lắm, người ta có định chào, trông thấy ông ấy nghiêm mặt lại, người ta cũng không muốn chào nữa.
– Nói chung là cũng dân hãnh tiến, chứ bọn làm chính trị già đời đâu nó có thế. Ông ấy cứ tưởng làm chức bí thư Đảng Đoàn là đã to lắm. Ông ta về đến Hội, có ai chào hỏi câu nào đâu? Nhưng bây giờ thấy ông ấy bị đánh, mình cũng thương. Căn bản là bọn kia thấy cùng cánh với nhau, mà ông ta lên to quá, nó cũng tức.
Ngô Thảo: Hồi nọ cứ bảo ông Khải bỏ ông Ngọc. Nhưng thực ra Ngọc đối với Khải cũng tệ. Ai lại bảo Khải thế này: “Trong Đảng đoàn bây giờ họ ngờ ai. Tôi thì không rồi (chỉ còn ông)..” Thế là Khải mới chạy.
Bữa nọ được giải Lotus, ông ấy phát biểu mấy câu cũng rất kiêu. Bây giờ đi đâu cũng thấy ngồi chủ tịch đoàn. Phát biểu thì huyên thiên, có xuống trường viết văn giảng bài về tiểu thuyết cũng thấy nói chả đâu vào đâu tới mức chúng nó rất coi thường.
Cả lão Tô Hoài nữa. Lúc bảo là Bão biển của Chu Văn thì rơm rác rồi, không cần nói tới. Lúc lại khen.
Ý Nhi : sau cùng thế là chẳng có đại hội đại hè gì nữa. Nhân sự thì các lão ấy đã chuẩn bị sẵn, có được bầu bán gì đâu.
Cuộc họp ngày thứ hai 17/11 nói trên hình như là Đảng Đoàn họp mở rộng. Lại Hồng Chương, Lê Xuân Vũ, Trần Bạch Đằng, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Khải…
Tôi nhớ những dịp họ bàn về vụ Cửa mở và một số cuốn trước, một người như Chế Lan Viên khi gặp ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, vừa phát biểu vừa khóc vì cảm động. Đến cuối buổi, lại bảo tôi giờ đã già, khóc cười thất thường.
Trên triệu tập họp làm gì? Để mọi người nhất trí đứng bên cạnh Trung ương. Đang trong cảnh cháy nhà. Nhà văn anh định xông vào dập, hay đổ thêm dầu, hay quay mặt đi.
Nhưng ở một cấp thấp hơn, như ông Tố Lành, thì hình như là xúi cho cấp dưới đánh nhau.
Vì thế mà Chế Lan Viên mới được thể.
– Đảng Đoàn gì mà toàn làm bậy: đề dẫn, bài ông Hiến, lại bài Ngô Thảo. Trường Hội mà giao cho hai tay Hoàng Ngọc Hiến và Phạm Vĩnh Cư thì hỏng hết.
– Làm việc như anh Ngọc thì nên thôi đi. Chúng tôi đề nghị anh Xuân Trường về.
Hữu Mai, Nguyễn Khải cũng đánh Ngọc.Với Hữu Mai, chắc là tại Ngọc cùng lứa mà lên to quá. Còn Khải? Bản đề dẫn năm ngoái Ngọc có hỏi Khải không không biết nhưng Khải đổ cho Ngọc – chỉ có Ngọc với Chí Trung làm.
Ý Nhi: Ông Ngọc cũng dại, lại đứng lên để nhận khuyết điểm. Mặc kệ nó có hơn không.
Xuân Diệu, Nguyễn Văn Bổng ngồi im.
Nguyễn Đình Thi: văn nghệ sĩ cũng như loài cua. Để cho nó khoảng rộng nó bò. Không có nó cắp vào nhau cũng chết. Và Thi chỉ Chế Lan Viên – đấy, hồi tôi làm tôi cũng bị ông này cắp cho luôn đấy.
Điềm báo trước: cách đây vài tuần, khoảng đầu tháng 11, cơ quan Hội họp công đoàn, bà Lê Minh đã bắt đầu đánh ông Ngọc rồi.
Bùi Bình Thi: Mụ ấy mới là dân hám quyền lực. Chỉ vì không được làm trưởng đoàn mà không đi Tiệp nữa. Đã ra đến sân bay rồi còn quay về. Bắt người ta dỡ cả hàng ra để trả lại va li cho mụ. Chính Lê Minh mới mong được làm bí thư Đảng Đoàn.
Những thế lực hôm qua, đánh Nguyễn Đình Thi, hôm nay lại đánh Nguyên Ngọc.
Đất nước này làm sao có thể thay đổi được?
Mọi cái mới đều vớ vẩn.
Bất cứ cái mới nào cũng bị dìm chết.
20/11
Một bước ngoặt trong sinh hoạt Hội .
Nguyên Ngọc có lẽ bị bật ra khỏi vai trò chủ chốt. Ngoài những chuyện cũ — ngày 14-15, ông Lê Đức Thọ, Lê Duẩn họp với văn nghệ và người ta tố nhau như trên — ngày thứ hai 17, họp Đảng Đoàn có kèm thêm các chủ báo + một số người khác, có tin mọi người tiếp tục phê bình Ngọc. Người mở đầu là Nguyễn Khải.
Đến hôm nay, có tin thêm:
Những tội của Nguyên Ngọc bị ông Chế kể ra:
– Vận động cho ông Bổng về báo Văn nghệ, và cho Bổng đi nước ngoài hai năm ba lần để Bổng bao che. Viết giấy lên trên — nhân danh Hội nhà văn — đề nghị tặng Huân chương Độc Lập cho Nguyên Ngọc, vì tiểu thuyết Đất nước đứng lên “mở ra một giai đoạn mới cho tiểu thuyết Việt Nam”. Chế Lan Viên mắng: đời anh chỉ viết được có hai cuốn, một cuốn được, một cuốn hỏng, mà anh làm rối bao chuyện.
Giang Nam một ủy viên đảng đoàn thì bảo phen này cũng phải có kỷ luật đảng và kỷ luật chính quyền, như thế nào đó với anh Hiến chứ? Và Giang Nam bảo: có nhiều cái tôi cũng không đồng tình với Ngọc v.v
Nhưng thực ra, họ ghét Ngọc vì ông ta lại dựa vào Tô Hoài. Tế Hanh đánh Nguyên Ngọc là để đánh Tô Hoài. Bùi Bình Thi khái quát về Tô Hoài: Lão ta như rán ngày trốn trốn lủi lủi chờ bay ra.
Ngọc cũng vây cánh đấy chứ? Đưa Ng Q Sáng, đưa Nguyễn Khoa Điềm đi họp ban lãnh đạo Hội nhà văn các nước XHCN, cho nó tiện. Nhưng chung quanh nó ghét .
Trước kia làm việc được, một phần là có Khải. Nay Khải cũng bay rồi. Cách đây mấy tháng, Khải xin sang Hội. Ngọc bảo: Biên chế giờ có thêm Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đủ. Khải tức lắm: tôi lại không bằng thằng ấy à?
Có lẽ vì thế mà Khải mới liên minh với một kẻ thù cũ là Chế Lan Viên để quyết tâm đánh lại Ngọc. Từ cách đây mấy tháng Khải bắt đầu nói xấu Ngọc, ra cũng là một người tham quyền cố vị. Hoà kể Ngọc tưởng chỉ không dùng Khải nữa là xong. Không ngờ còn vấn đề hận thù rất nặng.
Một lý do khác: Khải vào trong kia, phải nhờ bọn Anh Đức xoay cửa xoay nhà cho, nên cũng liên minh luôn với họ
Thế là rút cuộc, chúng ta có cái cảnh: một tướng lĩnh ở chiến trường ra nắm quyền, cánh cũ HN chống lại, tình hình loạn cả lên.
Đám chống Ngọc đang như kiêu binh, làm bất cứ việc gì họ muốn. Nghe đâu, một buổi chiều, Ngọc chịu đòn nặng quá, mới không đến họp. Thế là Khải với Chế Lan Viên tức tốc chạy lên ông Lành. Ông Lành bảo: về cách chức ngay.
Chiều nay 21/11 thường vụ thông qua quyết nghị cách chức Ngọc, Thế ai thay, ông Thi chăng? Không, ông Thi không nhận. Họ (Ban thường vụ bị thao túng) bàn là thế thì ông Bùi Hiển về làm thường trực.
Lê Lựu kể lần đầu tiên được Nguyên Ngọc rủ đi uống cà phê và tâm sự tình hình rối quá, có lẽ mình phải từ chức thôi.
Rồi Ngọc biết làm gì. Con người bây giờ hết sức viết rồi (Nguyễn Minh Châu: ông ấy không làm lãnh đạo thì làm gì), bây giờ sẽ “được” đi thực tế, rồi sẽ chui nhủi, ai tội gì mà in sách cho. Kiêu căng thế, trở lại quân đội cũng không được nữa.
Ghê nhất là đám người xung quanh. Chế Lan Viên là tay dám mắng xa xả người khác. Lúc thì bảo Vũ Đức Phúc thôi viện trưởng, lúc thì cách chức Nguyên Ngọc. Ng Khải, hôm qua vừa gắn với Nguyên Ngọc, nói như Nguyễn Minh Châu đèo xe nhau đi làm cách mạng… nay vì chuyện riêng, quay ra đánh Nguyên Ngọc không thương tiếc.
Hôm qua, Nguyễn Khải rất ghét Chế Lan Viên, có lần Nguyễn Khải đang làm việc với Hoà, thấy Chế Lan Viên vào, kéo Hoà chạy đi nơi khác khẽ bảo con người tuyên truyền ấy mà. Ng Khải lúc này liên minh với Chế Lan Viên.
Nay là lúc người trong Hội cứ kéo bày kéo đàn thì thà thì thụt. Chỗ này, Lê Minh to tiếng với Nguyễn Xuân Sanh, chỗ kia Huy Phương lồng lộn ra gọi điện thoại thông báo tình hình cho ai đó. Ra đầu đường còn thấy Chế Lan Viên Nguyễn Khải thì thầm, và buổi trưa Xuân Quỳnh qua chỗ Bờ Hồ, thấy Huy Phương đang to nhỏ với một bà quý tộc nào đó, nhìn kỹ thì hoá ra Lê Minh.
Ai lơ láo nhất trong những ngày này. Người ta bảo là ông Nguyễn Thành Long. Ông ta thường quá ảo tưởng về những sự thay đổi.
Vụ ông Hiến đến nay chưa xong. Tháng 10/1980 bài của Hà Xuân Trường lại được đăng trên tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật. Nhưng căn bản là Đệ đi đâu cũng bắn tin ở bài Hiến có rất nhiều quan điểm sai trái. Đệ đã đứng hẳn về phía Xuân Trường.
Hôm nọ, tại hội nghị 35 năm văn học, đến buổi Xuân Trường ra nói, sau đó Phan Cự Đệ minh hoạ ngay.
Ngô Thảo với bài Nhà văn may mắn cũng bị ghép vào phe Hiến
Lại Nguyên Ân có bài phê bình phương pháp nghiên cứu của Phan Cự Đệ, báo Văn nghệ không đăng, tạp chí NCNT định đăng thì Đệ biết, đi kêu ông Hà Xuân Trường. Bài Ân bị rút.
23/11
Thêm một số dữ kiện chung quanh vụ đấu đá Đảng Đoàn. Có một đầu mối chung là ai cũng muốn có vai trò trong bộ may và được đi nước ngoài những chuyến béo bở. Sở dĩ Chế Lan Viên đánh Ngọc ngoài lý do lão hay đánh người và cơ hội, còn có một lý do lão sắp phải về hưu. Bổng, Tô Hoài, đến 60 tuổi, được Ngọc giữ lại. Tế Hanh, Chế Lan Viên thì không. Ngọc lâu cũng không cho Chế đi một đoàn quốc tế nào cỡ Ban lãnh đạo, như vừa rồi, đã cho Nguyễn Quang Sáng và Khoa Điềm cùng đi.
Tế Hanh căm ghét Ngọc vì rất muốn làm trưởng ban đối ngoại. Khi hội đồng tướng lĩnh bàn chuyện thay người chủ trì Hội chứ không phải bí thư Đảng Đoàn, ông Bùi Hiển không nhận (cũng sắp về hưu rồi) nhưng Tế Hanh xung phong nhận.Thu Bồn nắm được bí mật của Ngọc hồi ở khu 5 hắn lại như thằng Chí Phèo lắm mồm, Ngọc phải bù vào, bằng cách cho hắn đi nước ngoài (năm 1979, 2 cú?).
Cô Hiền ở đối ngoại bảo: mua một người kể cũng rẻ thật.
Riêng Khải khá đặc biệt. Ngoài những lý do đã kể nhiều lần, cũng còn là thói quen phản loạn trâng tráo vốn có. Ta có thể làm bất cứ việc gì ta muốn. Ta không bị bất cứ một quá khứ nào ràng buộc. Ở chỗ kẻ khác tưởng ta không dám làm, ta làm cho mà xem
Nguyễn Minh Châu bảo với tôi thằng Sách như trời sinh ra để tô vẽ cho Khải vậy! Bây giờ, nó vẫn khen Khải là giỏi.
Tin của Phạm Vĩnh Cư Trưa 22/11 Ngọc bắt đầu phản công lại bằng cách lên gặp ông Thọ. Ông Thọ cho phái viên xuống giải quyết. Trước mặt phái viên lời lẽ mọi người mềm mỏng hơn.
Một trong những cách làm của bọn kia là định cùng từ chức tập thể, các ủy viên Đảng Đoàn thôi cả, hoá ra Ngọc phải thôi. Nhưng bắt đầu có ý kiến nói rằng Đảng Đoàn là do trên cử, chứ không phải một tổ chức do dưới bầu lên mà làm vậy.
Thứ hai, lấy ai thay bây giờ. Thi không chịu về. Thông cũng không nhận. Hơn nữa, Thi cũng bắt đầu lên tiếng bênh Ngọc.
Ông Thông, sau một tuần nằm ốm, bắt đầu trở dậy, chiều 21/11 bảo: Tôi thấy Ngọc làm được có chuyện gì đâu.
Bà Lê Minh ở Đại hội công đoàn Hội Nhà văn đã đánh Ngọc, nay hình như cũng nghĩ lại (vả chăng còn ông Tô Hoài nữa chứ), cho nên nay đã quay ra ủng hộ Ngọc. Và bà này quen nhiều, biết đâu chả đi kêu vài cửa.
Tình hình diễn biến căng quá, đến mức, họp thường vụ, ông Như Hoan làm thư ký, bị Khải khống chế không cho ra ngoài.
– Huyết áp tôi lên đây này… .
Và Như Hoan phải đi bệnh viện thì phải.
Ở VNQĐ người ta cũng chạy rối rít, Khải và Hữu Mai ghét nhau như chó, khinh nhau nữa, nay tự nhiên liên minh với nhau.
Năm 1978, Khải đánh Hồ Phương, để ủng hộ Oánh. Trong ban phụ trách, Oánh đang hục hặc với Chí Trung. Chí Trung với tư cách người của Ngọc luôn luôn tìm cách nắm VNQĐ ngày một chặt hơn.
Nay đột nhiên Oánh cũng bị bọn Hữu Mai đánh (vấn đề Đất trắng) Oánh và Ngọc chung một số phận – có thể bị loại – lại liên minh với nhau. Trung cũng liên minh với Oánh luôn. Chỉ còn Hồ Phương lại bám vào Khải để hòng ngoi lên trong dịp này.
Khải ở Phúc Xá ngày nào đi về cũng sang nhà Thiều tường trình mọi chuyện (Thiều là bí thư chi bộ, cũng phải nể lão, lão còn cho cân cá cân thịt) Thiều nói lại với Châu: tôi cũng mặc kệ, không nói gì.
27-11
Ma Văn Kháng kể về hội nghị Đảng đoàn mà Kháng mới nghe được:
– Các ông ấy đánh ông Ngọc rất ghê, nhưng toàn đánh đúng cả. Khuyết điểm của ông Ngọc là đề dẫn (sai đường lối), thái độ kiêu căng tự mãn, không coi ai ra gì, phương pháp công tác sai.
– Ngọc hoang mang không kiên định. Một người (?) nói chúng tôi rất muốn, nhưng không thể cộng tác được với thằng trẻ con quay quắt hôm qua vừa nhận khuyết điểm, hôm nay lại chối phăng rồi.
Cô Hà giữ thư viện (con Hoàng Trung Thông) bảo cả cơ quan này không ai làm việc như ông Ngọc. Hội nghị nào cũng phải dự. Rạc cả người đi. Bố cô bảo đánh Ngọc thì lấy ai về làm. Ông Thông thì không làm rồi. Có về tổ sáng tác thì về. Nhưng ông Thông cũng bình luận: Bị đòn như ông Ngọc đã thấm gì. Đường đời còn nhiều chuyện nữa.
Những ý mà ông LĐThọ nói ở hôm gặp văn nghệ: 1/Công tác văn hoá là khó, có gì chưa được ta bảo nhau. Cũng y như kinh tế vậy. Kinh tế ta rất khó, gỡ đâu đã ra.2/Nghị quyết đại hội IV ra đời, khi ta chưa có thực tế tình hình bây giờ. Từ nay ra sao, chúng ta còn phải tình nhiều.
Trong buổi sáng nói chuyện với khoa văn ĐHSP Tố Hữu bảo Thơ hay nhất chỉ có thơ tình và thơ thiên nhiên, nhưng tôi lại chưa làm được. Tôi chỉ có thơ chính trị. Giá được làm giáo viên, tôi muốn giảng cho học sinh thơ tình và thơ thiên nhiên.
Một bài trên Nhân dân nhật báo của Triệu Đan một người làm điện ảnh Trung quốc : Không cần phải dạy cho người nông dân cầm cày cuốc, người thợ mộc cầm cưa bào, rồi họ cũng làm được tát cả những gì ta cần ở họ. (ý nói: hãytrả văn nghệ cho văn nghệ)
1/12
Bùi Văn Hoà kể (chắc nghe từ Hoàng Trung Nho người của tuyên giáo nên so với một số chi tiết tôi đã ghi thì đầy đủ hơn). Ngọc nhiều chuyện dở. Đề nghị lên trên 4 người được nhận Huân chương Sao vàng (hay độc lập) Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc. Có người đề nghị Chế Lan Viên, nhưng Ngọc gạt đi.Vả chăng, buổi họp này do Ngọc khởi xướng thành phần không đầy đủ. Tự mình thao túng cả. Chế Lan Viên biết tức lắm.
Vừa rồi Ngọc dẫn đầu một nhóm sang Liên Xô dự hội nghị những người lãnh đạo Hội Nhà văn. Trước đó Thi cũng sang Bungari. Đoàn Ngọc chỉ nhận được điện anh Thi cùng tham gia đoàn. Sau tuyên huấn lại điện cho Đại sứ quán Thi sẽ là trưởng đoàn. Ngọc vẫn không biết.
Thi bảo: Bây giờ ta đến ĐSQ xem ở nhà có gợi ý gì không. Đại sứ quán đọc nguyên văn bức điện họ nhận được. Thi bảo bây giờ ta bàn bài phát biểu. Ngọc bảo đoàn chúng tôi đã chuẩn bị rồi. Thi bảo thế thì các anh cứ đọc. Và Thi chuẩn bị riêng một bài. Kết quả là tại cuộc họp này VN có hai tham luận. (Nguyễn Minh Châu: mình tưởng thằng Ngọc nó cũng trong sáng, ai ngờ…)
Hoà kể tiếp thời gian sau này, Ngọc hoàn toàn cô lập.
Ở một hội nghị do ông Độ triệu tập, Ngọc phát biểu rằng Văn nghệ ta càng phải làm chính trị nhưng chính trị ở đây là chính trị khác – ai cũng hiểu là chính trị nói chung. Trần Độ phản ứng ngay anh Ngọc nói thế nào, tôi không hiểu. Ông Thanh (vụ phó vụ Văn nghệ) ghé tai Phương Lựu bí thư Đảng đoàn ăn nói gì kỳ vậy.
3/12
Họp cơ quan toàn Hội nhà văn
Nguyễn Đình Thi phổ biến nội dung kỳ họp giữa một số đảng viên làm công tác văn nghệ với ông Lê Đức Thọ.
Ý kiến phát biểu của mọi người rất tốt, có cân nhắc thận trọng. Người ta khẳng định công tác văn nghệ của ta hiện nay có rất nhiều chỗ khó.
Có những buổi diễn những vở kịch rất quy phạm, chỉ bán được 73đ tiền vé. Lương một diễn viên số 1 của vở Hà Mi của tôilà 45 đ. Trong khi đó 1 tối biểu diễn của diễn viên xuất sắc ở Sài Gòn lĩnh 600đ.
Vấn đề đời sống của anh em: không ai dám đi thực tế vì… tàu xe đắt quá, ăn đường tốn quá, đi một chuyến về mắc nợ?
Thế giới vào ta rất nhanh. Những băng nhạc hay ở Mỹ, mấy ngày sau đã có ở Sài Gòn, Hà Nội.
Văn nghệ chưa biết làm thế nào. Phải tìm.
Nhưng lại cũng phải đề phòng xu hướng lệch lạc trong tìm tòi. Nhất là khi lệch lạc đó là ở cơ quan lãnh đạo thì thật là phiền.
Ở buổi gặp ông Thọ về, anh em tiếp tục trao đổi trên cái hướng đó và xoáy vào lãnh đạo, phê bình người chủ trì hồi thời gian vừa qua là Nguyên Ngọc. Lời lẽ có nhiều chỗ gay gắt.
Ông Thi: Theo ý tôi ta phải bàn. Tôi cũng không đồng ý với anh Hiến, bảo rằng ta viết cho phải đạo, vì sống cho phải đạo. Đúng là ta có ảnh hưởng Mao, cái đó bàng bạc khắp đây đó. Nhưng bảo rằng cái đó là chủ đạo trong chúng ta thì không đúng. Cứ lấy tất cả các tác phẩm tiêu biểu của chúng ta ra thì biết. Hoặc lấy tác phẩm của chính tôi cũng vậy. Cái phải đạo không thể là yếu tố chủ đạo được.
… Còn như trong công tác có sai lầm, cái đó dễ hiểu.
Ng Kiên: Đây cũng là một vụ đấy. Khi nào tình hình có khó khăn, thể nào văn nghệ cũng bị túm. Cái bất ngờ trong lần này, chỉ là chỗ các ông ấy làm nhau dữ quá thôi.
Nhưng mà ông Hiến chắc khó lòng qua khỏi, trên họ ghét lắm. Tuyên huấn rất ghét cái chữ hiện thực phải đạo, nó hơi đểu. Phủ nhận toàn bộ họ còn gì! Rồi lại cái ý viết không thật, vì đời sống không thật nữa. Nặng lắm. (Trong chỉ thị của Tuyên huấn, có nói rõ: phải cử người xuống trường viết văn giải thích lại các vấn đề anh Hiến đã nêu trong bài viết)
Tổng hợp vai trò NĐThi. Theo nhiều người cho biết, Thi cũng ra vẻ bênh Ngọc. Nhưng cái hôm Tố Hữu xuống hội nghị đảng viên, Thi có vẻ “tí tởn” lắm “cái tướng trẻ chủ quan tưởng dễ ăn lắm, tôi đã bảo mà…” khiến Ngọc về còn bảo tôi, lúc tối, ngồi ở 4 Lý Nam Đế “Nguyễn Đình Thi bộc lộ rõ chất cơ hội”. Ai cũng bảo ông Thi có vẻ cay cú.
Nhưng lần này, Nguyễn Đình Thi đang vướng nhiều chuyện (chuyện vỏ kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, chuyện mang tác phẩm ra in ở nước ngoài), tự nhiên lại rất sạch sẽ.
Ông Thi rất thoải mái, nhuần nhị, hiểu cả những lúng túng của Ngọc lẫn những đòn ghê gớm của Chế, ông Khải.
Theo tinh thần ấy, Thi lần này được cả mấy phe tranh thủ
NM Châu kể, trong một buổi sáng, Khải gặp cả Châu, gặp cả Nguyễn Đình Chính con ông Thi. “Xưa nay, mình nghe ông Thi nói ông Khải không ra sao đã nhiều lần rồi, lần này thấy Khải quay ra nịnh Thi, mà lại nịnh qua thằng Chính, mình ngán không thể tưởng nổi.
Trong buổi họp trước anh em, Thi tuyên bố rõ: theo tinh thần ở Đảng Đoàn và Thường vụ, ông là Tổng thư ký, vẫn phải tham gia mọi chuyện. Nhưng chỉ mong bớt việc cho ông đi một chút, vì ông còn một ít thứ muốn viết.
Cũng như HT Thông xưa nay vẫn bảo: Có về Hội Nhà văn sáng tác thì về chứ không thì ở Viện văn cho đỡ nhọc.
9/12
Thêm một ít chuyện chung quanh chuyện đấu đá.
Chính Yên: Hồi trước, tôi nghe ông Trần Độ bảo: Thế nào, sao người ta làm ồn chung quanh bài ông Hiến thế. Mình đọc thấy cũng vậy vậy, nhưng tay Thanh ở chỗ mình, nó cứ lồng lên. Thế mà bây giờ, người phê phán đã khiếp.
Nhưng mà cũng chính vì ông (chỉ Hoàng Ngọc Hiến) mà tôi bị treo thẻ đảng đấy) Đơn giản thôi, tôi đến báo Văn nghệ , tôi chửi ông Tô Hoài là ngu dốt ( đăng bài ông Tô Hoài đánh ông Hiến).Ông bí thư của tôi giảng: như thế là làm không đúng yêu cầu của Đảng
Chính Yên: Sao lại không?
Bí thư: Thì chỉnh Tố Hữu bảo Tô Hoài là phải viết cơ mà.
Chính Yên: Tôi không tin là ông Tố Hữu làm chuyện đó.
Bí thư: Sao lại không tin. Thế này càng lôi thôi to không biết chừng.
Chính Yên: Thế thì cứ ghi phát ngôn không có lợi, có lẽ hay hơn.
Chính Yên tiếp: Nhưng rồi mà xem, cứ vài năm mình lại xì ra cái gì đó. Vì tình hình nó lên, mình nghe ra, mình mới xì. Mình có sợ cũng chỉ sợ vài năm, sau lại tự nghĩ mình còn là đảng viên không, mình còn là cán bộ không. Thế là lại tham gia vào mọi chuyện.
Còn nhớ cái hồi tôi được gọi ra phụ trách Ban văn nghệ. Các ông ấy bảo: Tình hình đổi rồi đấy. Ra làm đi. Còn như bọn Mao ít nó có đánh thì chịu đòn vậy. Tưởng là ông ấy bật đèn xanh cho mình. Nào ngờ một hôm, nghe Thép Mới than: Ông Tố Hữu không kết Nguyên Ngọc lắm đâu. Và ông ấy bật đèn xanh cho đánh lung tung còn gì.
Ông ấy không chịu mới, thì mình mới làm sao được.
Hoàng Ngọc Hiến: Đúng, không phải là họ không biết đâu, thành ra không thể tranh luận với họ được. Họ chống lại tôi một cách vô thức.Còn chính tôi, một chữ như chữ hiện thực phải đạo thực ra nó cũng vọt ra một cách rất tự nhiên tôi không phải cân nhắc kỹ lắm, thế mới lạ. Bây giờ đọc lại, tôi không thấy có gì là sai cả.
Nhàn: Như vậy là anh đã tiến từ tri thức, kiến thức sang quan điểm, chứ không phải ngược lại, như thường thấy ở cách giáo dục của ta.
(Kiến thức tụ lại buộc anh phải phủ nhận ngày hôm nay, nhưng người ta chỉ nghĩ, anh nói)
Hiến: Đúng.
Nhàn: Có bao giờ anh cảm thấy đơn độc?
Hiến: Không. Người tốt nhiều chứ. Vụ này của tôi cũng làm cho mọi người vui chứ. Có thể rút kinh nghiệm bao nhiêu điều.
Nhàn: Anh thấy bài học chính qua đợt này là gì.
Hiến: Nó không phải ở chỗ dũng cảm kiểu hăng máu vịt. Phải có một sự tỉnh táo trí tuệ ghê lắm.
Nhàn: Vấn đề chính anh đã nói trong một số sách đã viết thời gian vừa qua là gì? và chủ đề trong thời gian tới.
Hiến: Tôi tưởng đó là điều tôi đã nói khá rõ trong tập sách đầu; đó là cần phải có những nhân cách lớn. Phải đấu tranh chống lại thói tư sản phàm tục. Đó chính là cảm hứng rất rõ qua kịch Mai a – mà do làm, tôi mới hiểu được.
17/12
Từ hôm nay, bắt đầu 3 ngày họp của “lãnh đạo” và tuyên giáo với giới phê bình nghiên cứu, có lẽ để bàn chuyện giữ vững trận địa chống Hoàng Ngọc Hiến như thế nào.
Phương Lựu (nhân nói ông Hiến) Làm thế này thì thui chột hết tài năng còn gì.
18/12
Ngô Thảo vừa cho biết: Ông Thanh đến VNQĐ, triệu tập toàn những tai to mặt lớn để để phổ biến về cuộc đấu tranh gần đây (có cả ông Văn Phác dự). Ông ta chỉ tên từng bài một, giải thích cụ thể. Như vậy là ở bài ông Độ, người ta còn tỏ ra tế nhị, không gọi tên chỉ mặt. Nhưng sắp tới, các bài cụ thể, sẽ phải lôi từng tội nhân ra xát xà phòng – một dự đoán vậy, chắc không phải quá đáng.
VNQĐ lâu nay lờ hết mọi chuyện của văn học nói chung (người ta muốn tạo ra một vương quốc riêng), nay cũng không thể như cũ nữa. Sẽ phải đăng bài ông Trần Độ lên đầu. Chính Hữu sẽ phải viết bài hưởng ứng. Tiếp sau đó là hàng loạt yếu nhân khác của VNQĐ lên tiếng – Chính Thảo kể với Ân như vậy.
Loại Sách, Hữu Mai, Hồ Phương chắc phen này ra quân hết. Bao nhiêu thù hằn riêng tư bấy lâu sẽ được dịp thanh toán.
Bùi Văn Ba (Phương Lựu) kể về ba buổi họp 17, 18, 19/12
Mấy ông Phan Cự Đệ, Đông Hoài, Lê Xuân Vũ phát biểu trước. Hình như họ đã đuợc bố trí. Cho nên, trong khi góp ý kiến về tình hình văn học hiện nay, họ sớm quay ra công kích bài ông Hiến: nào gây khó khăn cho việc giảng dạy của họ, nào là rơi vào luận điểm tư sản (L. Goldman, Camus)
Hoàng Ngọc Hiến lên trả lời ngay. Nhưng ông không bào chữa cho mình vội mà hãy nêu một số ý kiến về đời sống lý luận
Về vấn đề đóng – mở. Sự thực đây là vấn để bảo tồn và phát triển.
Có nhiều người nghĩ bảo tồn là bảo tồn nguyên tắc, còn chỉ phát triển về mặt khoa học. Thật ra thì nguyên tắc cũng phải phát triển, nếu không, nó sẽ trở nên ẩm ương, hoặc dở hơi nữa.
Ví dụ như chuyên chính vô sản, ở một số nước thì chuyển thành vấn đề Đảng toàn dân, ở ta thì chuyển thành làm chủ tập thể.
Ví dụ nội dung tính Đảng đang đuợc chuyển thành nhân đạo cộng sản chủ nghĩa.
Về yêu cầu của lý luận phê bình
Người ta thường chỉ nói tới hai yêu cầu: quan điểm lập trường, và chất lượng thông tin của các bài.
Nhưng còn một điểm nữa, phải nhấn mạnh đó là chất lượng văn hoá – ngôn ngữ của bài. Có những người, có đủ hai yếu tố trên rồi, cũng vẫn không trở thành nhà phê bình, nếu thiếu yếu tố cuối cùng.
Về yêu cầu đào tạo đội ngũ
Như tôi – Hoàng Ngọc Hiến nói, tôi có thể làm được một ít việc, vì hồi trước, tôi có được học tiếng Pháp và sau đó, tôi có đi học tiếng Nga
Nhiều anh em viết phê bình khác, anh anh Đức, anh Đệ, không đọc chắc chắn được một ngoại ngữ, thì làm sao có thể bàn chuyện gì đến đầu đến đũa được.
Về bài của mình, Hiến bảo đây là một bài tôi viết trong chùm bài viết cho tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, trong đó, tôi đề cập đến hàng loạt vấn đề: quản lý vận động của văn học thời kỳ mới, quản lý vận động của văn học mao ít của ta.
Phải nói là chưa bao giờ viết xong tôi hào hứng như vậy. Tôi tưởng là anh Trần Độ sẽ tăng lương cho tôi ngay.
Chính tôi cũng bất ngờ vì bài báo bị người ta lợi dụng. Có những người đến bảo vào tai tôi “Cậu phải đánh chúng nó thế mới đích đáng” Tôi rất phản đối.
Theo tôi, rất nên chú ý là bài viết của tôi có cái nhan đề là về một đặc điểm… như vậy, tôi chỉ nói một đặc điểm, chứ không phải nói tất cả. Vả chăng, bài viết của tôi là thuộc loại tiểu luận mỹ học, viết để đăng trên một tạp chí chuyên ngành, phạm vị phục vụ hẹp. Tôi đã có khuyết điểm là không kiên trì để lại đăng ở tạp chí đó mà lại mang đăng ở báo Văn nghệ,
….
Theo Phương Lựu, bài nói của Hiến tốt, tạo được không khí.
Còn nhiều người khác, công kích Hiến, nhưng không có gì sắc sảo. Kể cả Chế Lan Viên.
Trước lúc lên diễn đàn, Chế Lan Viên bảo với Hiến:
– Tôi sẽ đánh anh. Đáng nhẽ tôi với anh phải chung một trận tuyến đánh giáo điều đã. Nhưng bây giờ tôi đánh xét lại trước, rồi đánh giáo điều sau.
– Vâng, xin mời anh. Nhưng ta hẹn với nhau nếu anh không đánh được tôi, anh phải khao tôi một chầu thịt chó đấy nhé.
Thế là Chế Lan viên lợi dụng, vào đề ngay – Chúng ta đánh anh Hiến hơn một năm nay, mà anh vẫn tự hào là anh đúng. Chế Lan Viên gọi đây là hiện tượng Nhân văn 2. Nhớ được lý luận gì, tên tuổi nào ở phương Tây, ông lôi ra hết. Ông đặt cho Hiến 15 câu hỏi, theo lối bắt nọn, rất khó chịu. Rồi ra ngoài Chế Lan Viên còn bắt tay ông Hiến .
Nhưng theo Phương Lựu, nguy hiểm nhất là bài Xuân Trường. Ông cho là tình hình xấu đi với rất nhiều biểu hiện đại khái như ta nói “có hệ thống”: bài Hiến, bài Ngô Thảo, trước đó bài ông Châu, cuộc nói chuyện của ông Phạm Vĩnh Cư.
Vậy mà lâu nay, báo chí của ta tấn công lại rất kém. Văn nghệ không có bài gì đáng kể. VNQĐ lại còn cho đăng những bài như của Ng M Châu, hoặc các tài liệu dịch khác. Báo Nhân Dâncũng không có những bài cần thiết. Ông Trường lo lắng thật sự đến việc gìn giữ trận địa.
Đến lượt ông Lê Đức Thọ. Từ đầu đến giờ, ông ngồi ghi cẩn thận, tự ghi lấy mọi việc. Bây giờ, ông cũng bảo, đại ý là công việc còn mới mẻ, chúng ta phải suy nghĩ. Theo Hoàng Ngọc Hiến, thì ông Thọ có vẻ rất dễ chịu. Trước lúc nói chuyện với mọi người, ông nói chuyện riêng với Hoàng Ngọc Hiến. Bây giờ ông lại nói với hội nghị, rằng Hiến là người mác xít, rằng những tìm tòi là cần thiết, các vấn đề văn hoá tư tưởng hiện nay TW còn đang suy nghĩ, cứ nêu để mọi người trao đổi. Nhưng khi đã có nghị quyết rồi thì phải thực hiện. Ông chỉ lưu ý là chúng ta cẩn thận, nếu không lại rơi vào tình trạng giáo điều mới. Như trong kinh tế, nếu cái gì theo lối của các giáo sư kinh tế, thì cũng không được.
Lê Đức Thọ nói khiến cho Hoàng Ngọc Hiến cảm thấy tình hình khả quan.
Phương Lựu thì bảo ông này phải nói thế thôi, nhưng trong thực tế, từ ông ấy đến bọn dưới xa lắm. Ông Thọ rất thận trọng: khi nghe một hai người bảo đây là tiền Nhân văn, Nhân văn 2, thì gạt đi. Nhưng trong thực tế, họ đối xử bằng cách phát động cả một chiến dịch như thế này thì có khác chi thời chống Nhân văn.
Chung quanh hội nghị còn nhiều chuyện khác: Hoàng Trinh vừa ra vẻ học giả, vừa sống sượng đòi quyền chức. Hoàng Xuân Nhị tâng công, đâu đã viết cả một vở kịch , và đưa cho ông Thọ xem.
Bằng một cách rất khôn ngoan của những cáo già, riêng Nguyễn Đình Thi thì thấy nó vẫn chưa bắt được vào vấn đề lý luận của ta. Lê Đức Thọ bảo các ý kiến phát biểu ở đây còn nông cạn.
Ý của NĐThi ở hội nghị
– Nói như anh Hiến cũng là cực đoan và bè phải. Văn nghệ cao cả cũng có cái hay của nó. Thời cổ, Sôphốc là cao cả, và một người khác (Arítstôphan hay Ơripít ?) là tả như thực, hai người đều hay.
Gớt là cao cả, là hay v.v. và v.v
Cho nên, nói viết như thế này hay thế kia không hay, là còn hiểu nông lắm.
Nhàn: Theo ý anh, lý luận bây giờ có vấn đề gì
Nguyễn Đình Thi: Phải trở về với những cái cơ bản: Gớt bàn về thơ, Bandắc bàn về tiểu thuyết đều nên dịch và cho in cả, tạo nên cái nền cho chắc. Thứ hai, là suy nghĩ về dân tộc, về nguồn của mình cho tốt. Đừng có tin ở những ông óp ông ép nào đó hiện nay. Họ sẽ bị quên đi thôi. Đừng để họ úm mới phải.
(Ân kể ông Nguyễn Minh Tấn bình luận: NĐThi muốn ngầm nói đúng là văn nghệ ta có ảnh hưởng chủ nghĩ Mao, nhưng chỉ có người kém mới bị thôi. Nhà văn có tài có thể vượt được hết)
Trong lúc họp, ông Thi có nói vào tai Phương Lựu thế này:
– Tay Ngọc căn bản là tay viết giả, lên gân lên cốt lắm, cho nên chỉ được có mỗi cái Đất nước đứng lên. Sau bí suốt mấy chục năm nay. Giờ tay ấy lấy trường hợp riêng của mình, phóng to ra coi đó là tình trạng chung của văn học sau 45 cho nên mới chết. Khải thì tay này có tài, nhưng cũng lúc thật, lúc giả, cho nên gặp được Ngọc ở điểm ấy. Còn văn học của mình, nó vẫn có cách đi riêng của nó chứ.
27/12
Tháng 12 này, tạp chí Học tập có một bài của Phan Cự Đệ phê Hoàng Ngọc Hiến rất ghê.
Tất cả đã được chuẩn bị từ trước.
Hôm nọ, Chế Lan Viên bảo : Đề nghị phát bài của Ng Ngọc ở hội nghị đảng viên năm ngoái, làm tài liệu lưu hành công khai, để xem sao. Thật là một tay cò mồi trắng trợn
Tôi hỏi Phương Lựu:
– Phen này Ng Ngọc liệu có còn không?
– Không còn đâu. Ông Thọ có kể anh Ngọc viết thư cho tôi xin gặp tôi bận chưa gặp được. Nhưng mà làm bí thư Đảng đoàn như ông Ngọc.. thì, chui cha, gay lắm. Từ người bí thư chi bộ sang bí thư Đảng đoàn có nhiều cái khác chớ!
Ý Nhi kể năm ngoái, sở dĩ Ngọc bị Tố Hữu làm cho một trận điêu đứng, vì bấy giờ tình hình Tố Hữu đang gay go, chưa biết xếp về đâu, làm gì. Bây giờ mà bảo nền văn nghệ do ông ta lãnh đạo thời gian trước không ra sao, thì lôi thôi to cho ông ta cho nên, để giữ thân, ông ấy phải trị Ngọc bằng được.
Phương Lựu kể một chuyện có liên quan tới NĐ Mạnh: Nguyên kỳ này Mạnh cũng có một bài ghê lắm. Có động từ giữa 1979 nên không ai dám đăng, nhưng không hiểu sao vẫn tuồn ra ngoài. Hoàng Trung Thông đọc được. Có lần, ở viện Văn học, Hoàng Trung Thông đã bảo: Bậy hơn, có người như Nguyễn Đăng Mạnh còn muốn đối lập tính Đảng với tính tư tưởng. Trong bài ông Trần Độ, cũng nhắc tới luận điểm của ông Mạnh. NĐ Mạnh kể có lần tay Từ Sơn nó mới bảo mình thế này.Trong một lần nói chuyện vui, cha hắn là Hoài Thanh cho rằng Văn nghệ mình mà được ông Tố Hữu phụ trách là may lắm rồi. Chứ các ông khác thì còn chết nữa.
Nhiều chuyện được phanh phui trong lần này. Bộ mặt thật của nhiều cá nhân hiện hình.
Chế thường bảo tôi biết tôi nói thế này, các anh cho tôi là thằng khốn nạn thật, nhưng thà thế còn hơn. Tôi thì nói trước mặt các anh, còn những người khác cũng như vậy, chỉ có khác là họ nói sau lưng các anh thôi.
Tôi (Nhàn) nghĩ: Chế đúng là một tín đồ của Mao. Bởi vì như ông ta mới phá tan tành hết cả. Trong vụ này, ông ta mắng từ ông Hoàng Trung Thông mắng đi: “Ông Hoàng Trung Thông mời vợ chồng Hoàng Ngọc Hiến ăn cơm, là không được. Tôi nói thế, song tôi vẫn đề cử ông làm bí thư Đảng Đoàn. Nhưng nên nhớ rất nhiều người có tội.
Xuân Quỳnh, Ý Nhi: ông này lồng lộn lên từ hồi 75 đến giờ. Xấu hổ (?) vì không được vào trung ương, nên vào Sài Gòn ở.
Xưa nay, Nguyễn Thành Long vẫn theo ông Chế. Lần này giữa hội nghị Đảng đoàn + Thường vụ, Chế cũng nêu ông Long lên như một người cần phê phán, cho là không ra sao cả. Chưa đủ. Lúc xuống nhà dưới, ông ấy còn gọi mọi người lại bảo: Tôi dặn này, từ giờ mọi người phải cạch 3 cái mặt này Nguyễn Thành Long, Huy Phương, Lê Minh
Tôi (VTN) nghe cái ý này thấy khá, vì lâu nay, không kể Huy Phương, ngay Nguyễn Thành Long, tôi vẫn không khỏi có cảm giác ông như một loài mèo, có vẻ rất hiền đấy, nhưng có lúc ác lắm.
Nhàn: Thế bà Thường có hiểu ông Chế không?
Xuân Quỳnh: Hiểu cái khì gì, bà ấy căn bản là một bà nhà quê. Ông ấy nói gì bà ấy đều coi là chân lý. Có lần bà ấy còn bảo Xuân Quỳnh anh Hoan anh ấy hiểu về nghề ghê lắm. Bao giờ con Vàng Anh nó lớn, anh ấy dạy nó làm thơ thì phải biết. Văn ông Chế Lan Viên thì biền ngẫu nhưng gia đình thì lộn xộn, bừa bãi.
Ông Bùi Hiển mới làm Thường trực hội một tháng nay mà đã bắt đầu quan dạng, lúc nào cũng ngồi băn khoăn suy nghĩ. Xưa thấy Ý Nhi còn hỏi dạo này Ý Nhi có học tiếng Anh nữa không? Nay thì lờ hẳn đi có lẽ là do bận quá chăng? Nguyên Ngọc cũng xa dần chung quanh theo kiểu đó, từ hơn một năm nay. Quyền lực làm hỏng con người và mọi người cũng đẩy cho họ hỏng thêm. Trong hội nghị đảng viên, Xuân Diệu khen có được Đảng Đoàn hiện nay, cũng đã bao sàng lọc, sau hội nghị đảng viên lại bảo để phải đe dần các chú Đảng Đoàn mới được. Trước đó Xuân Diệu bảo Khánh Chi thơ nó có ra sao. Bảo nó có thơ hay y như bảo trẻ 12 tuổi mang thai. Sau nghe Tố Hữu khen, ông ta lại ngồi dịch thơ Khánh Chi ra tiếng Pháp, viết bài khen trên báo Văn nghệ.
Nhân bàn về chuyện Thi dạo này chỉ thích sáng tác, tôi khen ông Thi thì Xuân Diệu cho luôn NĐThi là hoàn toàn ngược với Nguyên Ngọc ý là chê Ngọc. Trong khi đó, trong bài về Lào, khi kể về các nhà văn VN, dù không ai bắt, ông ta cũng phải thêm tên Ngọc vào.
Vũ Tú Nam nhiều người hồi trước một điều kính thưa anh Ngọc, kính thưa anh Khải. Nay bắt đầu bảo: cậu Ngọc, cậu Ngọc này
Ý Nhi kể có lần trước mặt ông Ngọc cô ta dám bảo cái ông làm gì có quan điểm riêng, chẳng qua trên nói thế nào, ông nói theo, nhưng không xong đấy thôi. Giá như mọi khi, Ngọc rất cáu. Bây giờ ông ta chỉ cười. Một người mới nhập vào giới vài năm nay như Phạm Vĩnh Cư cũng bảo Ngọc vẫn hơn Thi chứ!
————–
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét