1 tháng 3, 2019

NGÀY XUÂN ĐẾN THĂM NGUYỄN DUY

Lê Phú Khải 
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
Cướp nay có Đảng có Đoàn hẳn hoi
Có con dấu đóng đỏ tươi
Có còng, có súng, dùi cui, nhà tù…
Nguyễn Duy
Mùng hai Tết, tôi rủ nhà văn Phạm Đình Trọng đến chúc Tết Nguyễn Duy. Từ lâu, tôi đã ngưỡng mộ Nguyễn Duy vì thơ rất hay và chữ rất đẹp. Thơ bây giờ bỏ tiền ra in, đem biếu, phải biếu thêm tiền để mong người ta… đọc, nhưng người ta chưa chắc đã đọc! Anh Trọng bảo tôi: đó là thơ ô mai, chua chua ngọt ngọt, xanh đỏ tím vàng… thơ ve gái! Nhưng thơ Duy in ra, tìm mua rất khó. Duy còn chép thơ in thành lịch tờ, bán Tết. Ai không mua được lịch có “thư pháp” của Duy để treo trên tường thì buồn lắm, trong đó có tôi.
Nhưng điều tôi muốn nói là Nguyễn Duy không làm thơ chỉ để “ca hót quanh Lăng”, anh là thư ký tâm hồn của nhân dân mà anh yêu quý. Anh làm đúng chức năng của nghệ sĩ: Làm con chim báo bão của thời đại của đất nước.
Năm 1988 khi Đảng cầm quyền hô hào đổi mới từ Mátxcơva xa xôi trong bài thơ nổi tiếng “Nhìn từ xa tổ quốc” nhà thơ đã cảnh báo:
Đừng lớn lối khi dân lành ốm đói
vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn
đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới
máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?
(Thơ Nguyễn Duy – NXB Hội nhà văn 2010 trang 307)
Thời kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơn bảo thị trường đã được nhà thơ cảnh báo:
Thời buổi thị trường mọi việc điều có thể
Có thể nước này mua trọn gói nước kia
Có thể lập những liên minh ma quỹ
Những công ty bán nước từng phần
(Kim mộc thủy hỏa thổ – Thơ Nguyễn Duy – NXB Hội nhà văn 2010 trang 389)
Năm 2018 vừa qua, nhà thơ đã viết bài “Cướp” trên mạng xã hội gây bão trong dư luận:
Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
Cướp nay có Đảng có Đoàn hẳn hoi
Có con dấu đóng đỏ tươi
Có còng, có súng, dùi cui, nhà tù…
Khi chúng tôi đến thì đã thấy Nguyễn Duy đang ngồi rượu trên bộ ghế tràng kỷ cổ với người bạn lính thông tin năm xưa là anh Phương. Lát sau có một người Đức lấy vợ Việt có tên là Trịnh Công Long. Duy giới thiệu với chúng tôi anh là một trí thức Đức, anh đã dịch thơ Duy trong những ngày Duy lang thang đi đọc thơ của mình ở Đức. Cái tên Trịnh Công Long do Trịnh Công Sơn đặt cho, tên Đức của anh là Frank Gevke do tự tay anh viết cho tôi.
Thấy Duy vừa tiếp khách, vừa chạy đi chạy lại chăm sóc bà vợ bệnh đã lâu ngày nằm trong buồng … nên chúng tôi uống vài ly, chúc Tết nhà thơ và gia đình. Trước khi về, tôi chỉ kịp hỏi: Duy nghĩ gì khi viết bài “Cướp”?! Vẫn là “phong cách” rất Nguyễn Duy, cười nói: Nghĩ gì đâu, nó phọt ra …!!! Tôi bất giác nghĩ đến Alfred de Musset (1810-1857) nhà thơ lãng mạn Pháp, được mệnh danh là “nhà thơ của tình yêu và đau khổ” (Amour triste). Musset cũng từng tuyên bố nổi tiếng: Hãy đập mạnh vào trái tim mình, thơ vọt ra từ đó!
Ngày thơ Việt Nam rằm tháng giêng năm Kỷ Hợi.

Không có nhận xét nào:

Trang