Tác giả: Luân Dũng
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh khi báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.
KD: Mới nghe có vẻ hay ho. Nhưng sợ nhất là kết quả giống hệt nhau: “Đúng quy trình”. Cứ nghe khái niệm “đúng quy trình” là mình … nhăn mặt! Vì nó như cười giễu cái sự nghi ngờ, đầy tổn thương của người dân.
————
Xác minh tài sản, phát hiện 6 trường hợp vi phạm
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện minh bạch tài sản thu nhập được thực hiện nghiêm túc. Số người đã kê khai tài sản, thu nhập hơn 1,1 triệu người, đạt tỷ lệ 99,8%. Trong đó có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Yên Bái.
“Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ. Một số trường hợp được xác minh do trong quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực, hoặc do phản ánh của dư luận, của nhân dân và báo chí”, ông Khái cho hay. Qua xác minh, cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Cụ thể, đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại TP. Hồ Chí Minh; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; và đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại TP Hà Nội.
Liên quan đến việc tặng quà và nộp lại quà tặng, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2018, đã có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 451,5 triệu đồng. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.
“Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm đã có tác dụng răn đe, từ đó có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong PCTN tại đơn vị mình phụ trách”, ông Khái cho hay.
Kiên quyết loại bỏ cán bộ hư hỏng, tham nhũng
Theo Chính phủ, trong năm 2018, việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra đã được quan tâm thực hiện sớm, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó có những cuộc thanh tra, kiểm tra phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Cuộc thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG); việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và một số đơn vị thành viên; việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; việc thực hiện quy hoạch, thu hồi đất khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Theo ông Khái, qua thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật và thu hồi tài sản sau thanh tra đạt tỷ lệ cao. Điển hình có vụ việc kiến nghị thu hồi được tài sản giá trị rất lớn như cuộc thanh tra Dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã kiến nghị thu hồi hơn 8.500 tỷ đồng.
Chính phủ dự báo năm 2019, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp cần phải tập trung giải quyết. Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra cần được tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp nhà nước…
Nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra trong năm tới là tập trung xử lý, ngăn chặn “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy. Đồng thời tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.
Nhiệm vụ quan trọng khác, theo Chính phủ, phải tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; đầu tư theo hình thức BT, BOT; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm những biểu hiện “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau”… Đồng thời khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.
Chính phủ dự báo năm 2019, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp cần phải tập trung giải quyết. Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra cần được tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp nhà nước…
Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; có biện pháp khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; thống kê, theo dõi chặt chẽ kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.
————
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét