9 tháng 5, 2018

Dân ghét cán bộ – Bi kịch từ đâu?

Tác giả: Hoàng Dân
KD: Công thức này có thể lý giải “bi kịch” dân ghét cán bộ : Đặc quyền, đặc lợi + Pháp luật thiếu thượng tôn= Dân mất sạch niềm tin.
Dân đã mất sạch niềm tin thì nhìn đâu cũng thấy… ghét 
Cái sự đặc quyền đặc lợi không phải bây giờ mới có. Xin nhớ cho, từ thời bao cấp, đã có câu vè: “Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài mua xe. Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho cán bộ xây nhà/ xây sân”. Nhưng có lẽ chưa bao giờ cái sự bất công giàu nghèo giữa dân và cán bộ nó kinh khủng như bây giờ- thời Kim Tiền. Các vụ đại án là một phép so sánh đau đớn. 
Dù phải công bằng mà nói rằng, trong lịch sử chống tham nhũng thời hiện đại, chưa bao giờ, những loại sâu bọ lớn bị “lôi cổ” nhiều đến thế. Đó là một điều cần ghi nhận.
Nhưng sau chống phải là xây. Xây gì? Nếu không phải là xây một thiết chế kiểm soát quyền lực một cách hữu hiệu. Mà điều này, chả cần phải nghiền ngẫm, nghiên cứu để đưa ra mô hình. Các QG văn minh đã có đầy. Vấn đề là VN có muốn học và làm thật hay không
                                    ——————
Nhà báo Lê Thanh Phong viết trên trang cá nhân của mình rằng, bi kịch lớn nhất của quan chức thời nay là không được dân yêu. Không làm thì bị chửi vô tích sự, làm thì bảo mị dân hoặc làm để kiếm ăn. Không có bằng cấp thì bảo ngu dốt, có bằng cấp thì bảo lãnh đạo không cần giáo sư tiến sĩ.
Tôi nghĩ nhận định trên rất đúng. Nếu phân tích ra thì rất nhiều vấn đề để bàn, nhưng trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ nêu ra một vài khía cạnh để lý giải từ đâu và tại sao quan chức thời nay lại không được dân tin yêu và hay bị chửi, bị ghét.
Trước năm 1975, ở Miền Bắc và cả nước thời bao cấp dù cuộc cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, gian khổ nhưng người dân vẫn tin vào Đảng, tin vào cán bộ. Bởi lẽ, cán bộ (quan chức) thời đó sống giản dị, trong sạch, ít tham nhũng và đặc biệt là gần gủi, gắn bó với dân.. Công bằng mà nói, thời đó ngay đến cả Chủ tịch, Bí thư tỉnh thậm chí kể cả lãnh đạo cấp trung ương khi đương chức hay về hưu tài sản cũng chỉ là căn nhà tập thể mấy chục mét vuông ở thành phố hay căn nhà cấp 4 ở quê nhà và cái sổ lương.
Nhưng kể từ khi đổi mới tới nay thì hoàn toàn ngược lại. Cán bộ trở nên giàu có, thậm chí là siêu giàu. Cuộc sống của họ tách biệt thậm chí là đối lập với dân và mâu thuẩn bắt đầu nảy sinh. Nạn tham nhũng, lạm quyền, hách dịch, mị dân, độc đoán, nói một đằng làm một nẽo, thất hứa, đạo đức lối sống suy đồi, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải…tràn lan. Nếu trước đây, cán bộ tham nhũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì ngày nay người thanh liêm, trong sạch khó tìm. Cho nên người dân không còn tin, không yêu cũng là lẽ đương nhiên.
Dân mình xưa nay quen với hình tượng cán bộ kiểu như anh chủ nhiệm “áo nâu bạc màu bay với gió”. Nay thấy giàu có, ở nhà lầu đi xe hơi thì sinh ra nghi ngờ, đố kỵ. Rằng tiền đâu, trong khi lương không đủ sống ?
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói, nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì “lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua”. Vậy tiền đâu mà nhiều quan chức xây biệt phủ, mua xe đẹp, con cái du học ? Chỉ có thể là tham nhũng mà thôi. Thậm chí đến chủ tịch xã cũng xây được biệt thự thì nói gì cấp cao hơn. Cho nên, việc Tổng Thanh tra Chính phủ, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, huyện, giám đốc sở, ban ngành… xây biệt phủ cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.
Cuộc sống đã thay đổi, kinh tế phát triển, nhu cầu xã hội cũng khác xưa. Lương cán bộ công nhân viên chức lại quá thấp, mỗi lần tăng lương không đủ bù trượt giá. Đói thì đầu gối phải bò, từ đó sinh ra tham nhũng.
Và sở dĩ nạn tham nhũng trở thành quốc nạn cũng do cơ chế thiếu minh bạch, pháp luật có nhiều kẻ hở và xét xử sai phạm không nghiêm.
Đã có quá nhiều vụ việc không minh bạch, không xử lý nghiêm đúng người đúng tội, nói thẳng ra là bao che hoặc xử án theo kiểu “giơ cao đánh khẻ” khiến cho người dân bất bình, mất hết niềm tin vào chế độ. Chẳng hạn như: Những vụ thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của các tập đoàn kinh tế, những sai phạm trong việc thu hồi đất biến nông dân thành dân oan, những cái chết oan trong đồn công an không được làm rỏ, những cán bộ dùng nhục hình bức cung gây ra án oan thế kỷ không bị trừng trị, những vụ lợi dụng cổ phần hoá để chia chác tài sản của nhà nước…có vụ nào xử tới nơi tới chốn đâu.
Chuyện cán bộ “bán không trừ thứ gì” và “ăn không trừ thứ gì” không còn là chuyện hiếm mà trở nên phổ biến, đâu đâu cũng có, mọi cấp mọi ngành: Cấp xã, ăn chặn từ gói mì tôm cứu trợ cho đến bò dê ủng hộ người nghèo, bớt xén phần khẩu phần ăn học sinh, rút ruột dự án nông thôn mới, lạm thu quỹ. Từ cấp huyện trở lên thì ăn dự án, bán đất, bán rừng, bán tài nguyên, bảo kê này nọ.…
Tham nhũng quyền lực, chuyện cả nhà, cả họ làm quan ở khắp nơi, cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, anh bổ nhiệm em…
Rồi nạn chạy chức chạy quyền, bằng cấp giả, bài bạc, đánh nhau, ăn mãi lộ, nhận phong bì, chạy án, nhục hình bức cung, quan hệ bất chính, hối lộ tình dục…
Xin lỗi chứ, Cán bộ xây biệt thự, đi ô tô mà nói rằng, tôi liêm khiết, tiền tôi xây nhà là do tôi buôn chổi, nuôi lợn, chạy xe ôm thì ai mà tin cho được. Tướng Công an, đứng đầu cơ quan chống tội phạm của đất nước mà tiếp tay, bảo kê cho tội phạm thì còn gì để nói ? Bí thư một tỉnh mà bổ nhiệm mấy chục người trong gia đình, họ hàng giữ các chức vụ chủ chốt thì sao dân không bất bình cho được ?
Quan chức đã tham nhũng, hoặc dính dáng tới tham nhũng thì nói dân không bao giờ nghe. Nhưng họ cũng không thể sống trong cơ chế thị trường với đồng lương tháng èo ọt mãi được. Không có sự thay đổi cơ chế, không cải cách tiền lương, luật pháp không nghiêm, thiếu dân chủ thì không thay đổi được gì cả.

Không có nhận xét nào:

Trang