9 tháng 5, 2018

Tứ khúc về Tướng Vĩnh

Tác giả: Nguyễn Hồng Lam

Ngay sau khi Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Phan Văn Vĩnh, trên trang mạng xã hội cá nhân của ông Nguyễn Hồng Lam đã có một bài viết tóm lượt lại mốt số huyền thoại của Tướng Vĩnh. Sau đây Ban biên tập xin giới thiệu nội dung bài viết của ông.
KD: Từ ông Tướng thành kẻ tù tội; từ nổi tiếng thành tai tiếng, cách nhau mỗi chiếc ghế quyền lực đã bị tha hóa.
Nhân tính không bằng Trời tính, là vậy!
Bạn bè gửi cho bài viết này. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ
                                                 —————
Ông Phan Văn Vĩnh – Nguyên trung Tướng, Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an
1. Cuối thập niên 1970, vừa được phân về phụ trách công an một xã vùng chiêm thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), anh công an trẻ đã phải đối mặt ngay với một vụ án rất… nhà quê: HTX bỗng dưng bị trộm cạy kho khuân mất gần 1 tấn thóc giống. Thóc giống thì tất nhiên đắt hơn thóc thường. Đối với nền kinh tế HTX miền Bắc giai đoạn đó, đây là một vụ án rất nghiêm trọng.
Bởi lẽ, không thể dùng thóc loại khác thay vào để gieo mạ, vì như vậy là sai kế hoạch, là phá chủ trương, phá hoại sản xuất. Xin cấp bù lại số thóc giống thì có mà chờ đến Tết mùng thất. Tóm lại là…rất nghiêm trọng. Thiệt hại chính trị của địa phương xem ra còn lớn hơn gấp bội sự bốc hơi của chục tạ thóc.
Sau khi xem xét hiện trường, dò hỏi khắp các nhà dân trong xóm, tân trưởng Công an xã đã yêu cầu một số công an viên, dân quân xã thay nhau rảo quanh chợ phiên các xã trong vùng, kê cho hết danh tính bất kỳ ai bán thóc. Sau ba phiên chợ, lọc lại danh sách, anh khẳng định: “Bắt được rồi!”. Nhà nghi phạm nằm ngay bên cạnh kho hợp tác xã. Vợ anh ta vừa đưa ra chợ 3 thúng, đúng loại thóc HTX bị mất. Bán thóc giống mà tiêu thì chẳng bao giờ có kết quả tốt.
Ngặt nỗi, không có cớ gì khám nhà người ta khi chỉ mới nghi cả. Suy nghĩ một chút, anh Trưởng công an xã cho gọi hết dân quân trong xã đến, bảo đêm nay cứ mang theo gàu, chậu chờ sẵn, khi có chuyện thì làm thế này, thế này….
Ba giờ sáng, cây rơm gần gian bếp nhà nghi phạm đột nhiên bốc cháy đùng đùng. Kẻng vỏ quả bom đánh inh tai, cả xóm bừng dậy dập lửa, cố ngăn không cho cháy lan từ cây rơm sang nhà bếp rồi bắt lên nhà trên. Dân quân vẫn luôn là lực lượng xung kích. Họ cứ xông bừa vào nhà trên khuân đồ đạc ra, phòng cháy lan. Chẳng hiểu sao, họ bình tĩnh ghê gớm, cứ nhè bao, thúng,.. chủ nhà giấu dưới gầm giường ra mà cứu, mà khiêng thẳng ra sân. Tảng sáng, đám cháy được dập tắt, chỉ thiệt hại mỗi cây rơm. Chủ nhà không mừng vì thoát nạn mà ngồi tiu nghỉu, luôn mồm bảo em nhận, em nhận. Không nhận ra mà được à, bao nhiêu thúng thóc giống ăn cắp của hợp tác xã đều đã bị bày ra giữa sân, không thiếu một cân. Có mà chối đằng trời!
Ông Phan Văn Vĩnh
2. Cũng anh Công an đó, sau này lên huyện, lại điều tra ra một vụ Công an xã mất súng rất thần tình. Chỉ bọn giang hồ ngoài ga Nam Định mới cần súng chứ không ai khác. Có điều thằng nào trộm, trộm rồi bán cho thằng nào thì chịu. Lại sau một hồi suy nghĩ, anh công an này bảo cấp dưới đi…may một túi năm gang bằng vải ka ki dày màu đen, đầu miệng thắt dây rút. Hỏi để làm gì, anh bảo khắc biết.
Ba giờ sáng – luôn luôn là ba giờ sáng nhé – nhà của một tay giang hồ gộc khu vực ga Nam Định đột nhiên có tiếng gõ cửa lộc cộc. Vừa mắt nhắm mắt mở ra ra mở cửa, chưa kịp nhận ra khách là ai, gã đã bị chụp bao giải rút lên đầu. Một người hất gã lên vai chạy băng băng trong đêm, ba bốn người khác chạy theo vữa đỡ, vừa rít răng: “Muốn sống thì im mồm!”.
Bao giải rút có gã giang hồ nằm trong được đặt ngay ngắn vắt ngang hai thanh ray đường xe lửa. Một người lôi bao thuốc lá ra châm điếu cuối cùng, tiện tay nhặt cục đá đường tàu nhét vào vỏ bao, nới giải rút nhét luôn vào ngực áo kẻ mới bị vác chạy đang khiếp đảm.
Hỏi: “Biết cái gì trong ngực mày không?”. Trả lời: “Dạ biết, quả lựu đạn”. “Uhm, biết mày đang nằm đâu không?”. Trả lời: “Dạ, ngang đường tàu”. Người kia hắng giọng: “Đúng rồi, có hiểu biết. Đường tàu đấy. Mày cứ nằm im đi, chút nửa tàu chạy qua sẽ cắt mày làm ba. Mày mà cựa quậy, lựu đạn trong túi nó nổ banh xác. Hiểu chưa?”.
Hiểu quá đi chứ. Thằng giang hồ đái ra quần đọc luôn một bài trăng trối: “Em cắn rơm cắn cỏ lạy các bác, các đại ca. Em còn mẹ già, vợ dại, 4 đứa con thơ nheo nhóc. Các bác, các đại ca, các lãnh tụ mở lượng hải hà cho em được sống, muốn gì em cũng chiều. Bảo cắt tiết thằng mèo mả gà đồng, ma cô ma cạo nào em cũng xin vâng…”.
Người kia cắt ngang: “Chẳng cắt, thẻo ai cả. Tao chỉ muốn nghe một câu thôi: khẩu súng trộm của xã đâu rồi?”. Thằng kia lại rống lên: “Em hứa, em thề, em bảo đảm, em không liên quan. Trộm súng là thằng X “sủi”. Nó không bán, mà trộm rồi giao lại cho anh Z “ga”. Bọn “quân khu” (lưu manh xuất thân là bộ đội ra quân) đang định “đánh giậm” mẻ lớn ạ. Em hứa, em thề, em bảo đảm. Em mà nói sai, lựu đạn nổ banh xác, tàu hỏa cán thây 18 mảnh…”.
Lại bị cắt ngang, nhưng lần này là bởi những tiếng phì cười. Gỡ bao giải rút ra khỏi đầu tên giang hồ, lôi gói thuốc ra khỏi túi nó, người kia cười to: “Ừ, sẽ nổ, nếu có lựu đạn. Nhưng đây chỉ là cục đá thôi. Bố bảo mày cũng không dám láo đâu. Tao tin. Giờ thì im lặng về nhà ôm vợ, coi như đêm nay mày chưa hề ra khỏi giường đâu nhé”.
Thằng giang hồ chân không bám đất, đến khi đó mới tạm hồi dương. Nhận ra những người vừa khiến nó chết khiếp không phải là bọn đầu gấu ngoài ga hay đám ưa lảng vảng tụ tập quanh khu vực nhà máy dệt, nhà thờ Khói Đồng hay bờ hồ Vị Xuyên, nó thảng thốt kêu lên: “Chú Vĩnh”!
Ba tiếng đồng hồ sau, thằng trộm súng và kẻ nhận súng đều bị bắt, khẩu súng được thu hồi.
Ông Phan Văn Vĩnh
3. Những giai thoại phá án liên quan đến “chú Vĩnh”, Phan Văn Vĩnh nhiều không đếm hết. Không thằng lưu manh thành Nam Định nào nghe qua tên ông mà không run. Nhưng chúng phục ông. Ông làm án, đối đầu và đối thoại với giang hồ, tội phạm không cứng nhắc, không máy móc. Vụ nào kể lại cũng nhuốm màu giai thoại. Ông bảo, “không phải khi nào đó cũng là lợi thế. Nhiều khi “già quá lại hóa non”. Và tôi đã từng phải trả giá”.
Ngày 12-3-1991, nắm được trước kế hoạch có 5 tên cướp từ Thái Bình sang Nam Định đánh cướp hiệu vàng Thịnh Vượng, Phan Văn Vĩnh quyết định cho đón lõng bắt quả tang. Biết rõ đám cướp này mày manh động, không ngần ngại dùng hàng nóng nếu bị truy bắt, Phan Vĩnh chủ trương chỉ bắt tại trận một tên, những tên khác để cho chúng chạy, CSHS sẽ bắt nguội sau để bảo đảm an toàn.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 13-3, toán cướp xuất hiện. 4 tên rút đồ chơi ém hai bên, tên thứ 5 vào đạp cửa gọi chủ tiệm dậy để mua vàng. Trinh sát tên Đài đóng vai chủ nhà vừa mở cửa đã bị tên cướp gí súng vào giữa mặt. Nhanh như cắt, Đài đánh bật súng của tên cướp. Toán cướp hiểu ngay chúng đã bị công an mai phục giăng lưới, lập tức túa ra chạy. Tên cầm súng tên là Phạm Văn Quang bị Phan Văn Vĩnh lao theo quật ngã, nằm đè lên người. Tên cướp Nguyễn Mạnh Cường thấy thế bèn rút lựu đạn ném vào ngay chỗ tên Quang bị Phan Văn Vĩnh đang đè, nhằm giết cảnh sát truy đuổi, giết luôn đồng bọn để diệt khẩu. Lựu đạn nổ, khắp người Vĩnh dính hàng chục mảnh, một mảnh găm vào mắt. Tên Quang nằm dưới, trên người có Phan Văn Vĩnh chắn mảnh nên hầu như không hề hấn gì. Hắn hất Phan Văn Vĩnh ra bỏ chạy nhưng bị tiêu diệt ngay. Bốn tên kia chạy thoát khỏi hiện trường nhưng cũng bị bắt ngay khi vừa về đến Thái Bình, cùng với 4 quả lựu đạn.
Phan Văn Vĩnh tỉnh dậy trong bệnh viện và biết mình chỉ còn một mắt phải. Từ đó viên sĩ quan công an lẫy lừng có thêm một biệt danh giang hồ hơn cả giang hồ: Vĩnh “chột”!
Làm án lẫy lừng nhưng Phan Văn Vĩnh hầu như không cho báo chí tiếp cận. Trang wikipedia lập về ông cũng ghi rất sơ sài. Cả sau này, khi đã là trung Tướng Tổng cục trưởng, ông vẫn ít chịu tiếp xúc báo chí. Hiểu cho đúng, đó không phải là sự dè dặt của một người khiêm tốn. Đó là sự kiêu ngạo không bộc lộ và không ưa bộc lộ của một cao thủ cực kỳ lão luyện trong nghề đánh án.
Có một giai thoại kể rằng, bên lề Hội nghị Công an Toàn quốc năm 1996, báo chí đã vậy quanh Trung tá Phan Văn Vĩnh với câu hỏi: nhờ đâu mà chỉ trong một thời gian ngắn giữ chức GĐ CA Nam Định, ông đã khiến giang hồ gần như biệt bóng ở xứ này, trong khi trước đó thành Nam khét tiếng đất dữ, thủ phủ giang hồ Bắc? Phan Văn Vĩnh đã trả lời: “Dễ lắm. Nhậm chức giám đốc xong, tôi hẹn hết 500 thằng đấu gấu giang hồ lại, phát cho mỗi đứa một cái phong bì. Tôi bảo: “Anh vừa lên giám đốc. An hay nguy đất này giờ là trách nhiệm của anh. Các chú cầm lấy ít tiền, qua bên kia phà Tân Đệ, về Thái Bình, Hải Phòng ….hay đi đâu đó mà làm ăn, để đây cho anh yên tí. Lỡ có “móm” thì về, anh lại cho một ít”. Chúng nó quý nên nghe tôi, kéo nhau bỏ đi hết. Vậy là Nam Định yên lành. Nào có bí quyết gì đâu”.
Chuyện này do chính ông Phan Văn Vĩnh tường thuật cho 3 nhà văn Minh Chuyên, Nguyễn Kế Nghiệp, Nguyễn Hồng Lam nghe trong một bữa uống rượu khan trong quán bar, lúc 3h sáng tại Nam Định vào tháng 3- 1997. Nghe đó, biết đó, tôi chỉ nhắc lại. Đúng hay sai, ai thắc mắc cứ kiếm ông Phan Văn Vĩnh mà hỏi. Vẫn không tin thì cứ đi tra Goole. Nhưng tôi phải nói trước là Google chẳng biết chả gì đâu mà tra.
Ông Phan Văn Vĩnh
4. Và bây giờ, vị Tướng làm án lẫy lừng ấy lại trở thành nhân vật tiêu điểm trong một vụ án khác với vai trò ngược lại. Ngày mai, chỉ ngay ngày mai thôi, tên ông sẽ là đề tài cho những bình luận bất tận, nhưng câu chuyện bất tận mà nhiều khi ngay chính người viết ra cũng không chắc đã biết. Tựu trung, người ta sẽ suy đoán, lý giải rằng ông gục ngã vì tiền, rất nhiều tiền, tự biến mình từ khắc tinh của tội phạm trở thành kẻ tiếp tay cho tội phạm.
Tôi nghĩ khác một chút. Vai trò của tiền, của vật chất tất nhiên khó phản bác, nhưng có lẽ với trường hợp cựu Trung Tướng Phan Văn Vĩnh, đó không phải nguyên nhân chính. Cốt lỏi là sự kiêu ngạo của quyền lực mang màu sắc giang hồ. Với một người lão luyện như Phan Vĩnh, rất có thể ông sẽ tự phụ rằng không có thể loại tội phạm nào có thể qua được mắt ông. Ông trị chúng, điều khiển chúng như ông muốn. Bắt hay tha, số phận và “sự nghiệp” của chúng đều do ông quyết định. Mọi cạm bẫy, mọi sự đe dọa đều vô nhiễm vào ông. Có chăng, ông chỉ quên mất một điều: ông nắm rõ và điều khiển, quyết định được mọi loại tội phạm nhưng không chắc ông đã tự nhìn được cái gáy của mình, không chắc có thể điều khiển và quyết định được số phận của mình.
Âu cũng là một đoạn kết đáng tiếc và rất buồn…

Tổng bí thư: Khắc phục tình trạng chạy chức, thân quen, ‘cánh hẩu’

Tác giả: Thu Hằng
Phát biểu khai mạc hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành TƯ Đảng khoá 12 sáng nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải cố gắng chỉ ra khâu đột phá là khâu nào, đánh giá cán bộ hay sắp xếp, bố trí cán bộ, khắc phục tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu” (TH).
KD: Thú thật là cách đây hơn 40 năm, khi còn là cô nhà báo trẻ, tóc tết hai vai, mình đã từng nhận xét: Công tác cán bộ là “phản động” nhất (theo nghĩa triết học), cản phá sự phát triển. Bởi mình thấy sự nịnh bợ, e kip, dốt nát và đạo đức giả, chỉ hô khẩu hiệu là mạnh, rất phổ biến, chả thấy vì việc chung đâu cả. Hơn 40 năm sau, từ e kip đã thành lợi ích nhóm, và kinh khủng hơn là sự chạy chức chạy quyền nó … mạnh hơn tất cả
Vì sao công tác nhân sự (cán bộ)- yếu tố cốt tử của một QG, một đất nước nó lại … “phá” mạnh sự phát triển đến vậy? Nếu không phải thì sao có hàng chục đại án, bị cáo bị can hầu tòa đều là những kẻ quan chức “có máu mặt”? Làm đất nước đã nghèo càng nghèo, dân càng oán thán?
Sự khuyết tật chắc chắn nằm ở thiết kế cấu trúc guồng máy, khi mà quyền lực không có sự kiểm soát, ngược lại, rất nặng tính “duy ý chí”, cho dù “phê và tự phê”, cho dù” học tập đạo đức”.
Xin nói, không có công cụ nào điều chỉnh hành vi con người bằng pháp luật. Thế nhưng nếu pháp luật cũng phải “cầm tay chỉ việc” thì sự tha hóa một số không nhỏ đội ngũ nhân sự trong thời hiện đại, chắc chắn không tránh khỏi! 
Và bài học này- nhân sự hiện nay- chưa có lời giải cuối cùng
                                                —————–
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số vấn đề để các đại biểu dự hội nghị thảo luận, xem xét, quyết định.
Về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Tổng bí thư cho rằng, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng.
Tổng bí thư dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Theo Tổng bí thư, từ trước đến nay, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng; đã có nhiều quyết sách rất đúng về cán bộ và công tác cán bộ; kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp, đạt được những kết quả quan trọng.
Nhờ đó, đội ngũ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng nâng lên; cơ cấu độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực công tác có sự cân đối, hợp lý hơn/
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đa số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín; cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chính Minh, có tư uy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
“Gần đây, việc xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn tiêu cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ, từng bước củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Chậm đẩy lùi chạy chức, chạy quyền
Tuy nhiên, Tổng bí thư lưu ý, đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đông nhưng chưa mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi.
Bên cạnh đó, cơ cấu giữa các ngành, nghề, lĩnh vực chưa thật sự hợp lý, thiếu sự liên thông giữa các cấp, các ngành; thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành.
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành TƯ Đảng khoá 12 khai mạc sáng nay
Không ít cán bộ, quản lý DN thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
“Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, … chậm được ngăn chặn và đẩy lùi”, Tổng bí thư chỉ rõ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ và những ưu điểm trong công tác cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước.
Song những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
Khắc phục tình trạng “thân quen, cánh hẩu”
Tổng bí thư nhắc lại yêu cầu của Nghị quyết đại hội 12 của Đảng là phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần “thời kỳ nào, phong trào nào thì cán bộ đó”.
Tổng bí thư cho hay, ngay từ tháng 5/2016, Ban Bí thư đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án để thực hiện nhiệm vụ Đại hội 12 đã đề ra, tiến hành tổng kết 20 năm (1997 – 2017) thực hiện Nghị quyết TƯ 3 khoá 8 về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, trên cơ sở đó xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết để trình hội nghị TƯ lần này.
“Đề án và dự thảo Nghị quyết đã được xây dựng, biên tập, chỉnh sửa nhiều lần, lắng nghe ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc TƯ; tham vấn ý kiến của nhiều đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành, các nhân sĩ, trí thức và các nhà khoa học”, Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư đề nghị các đại biểu thảo luận đề án này, trả lời cho được câu hỏi: Vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp? Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, ở cấp nào?
Đồng thời phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế trong thời gian tới; xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ mới, bối cảnh mới, nhất là những yếu tố tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực đến cán bộ và công tác cán bộ.
Từ đó, đi sâu thảo luận, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài và những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá khả thi cao để sớm khắc phục triệt để những hạn chế trong thời gian qua. Từ đó xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tổng bí thư yêu cầu phải cố gắng chỉ ra khâu đột phá là khâu nào, đánh giá cán bộ hay sắp xếp, bố trí cán bộ, khắc phục tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu”, chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực hay coi trọng cả hai?
“Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Chính sách tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?”, Tổng bí thư nêu hàng loạt câu hỏi với các ủy viên TƯ.
Sau hội nghị TƯ 7, Ban chấp hành TƯ sẽ tiến hành quy hoạch nhân sự khoá 13, trong đó có quy hoạch đối với tất cả chức danh từ Tổng bí thư.
Mấy chục năm qua, trong khi lương chưa được cải cách cơ bản, thì như một quy luật tất yếu, ngành nào cũng kêu lương thấp.
Thành ủy TP.HCM yêu cầu ông Tất Thành Cang kiểm điểm trách nhiệm trong vụ chuyển nhượng đất cho công ty Quốc Cường Gia Lai.
600 cán bộ cấp chiến lược gồm các ủy viên TƯ, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh…
Hội nghị TƯ 7 tuần tới sẽ bàn hàng loạt các vấn đề trong công tác cán bộ như: Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền…
Đề án cải cách tiền lương sẽ tạo ra một mặt bằng mới, tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều được tăng lương.

Dân ghét cán bộ – Bi kịch từ đâu?

Tác giả: Hoàng Dân
KD: Công thức này có thể lý giải “bi kịch” dân ghét cán bộ : Đặc quyền, đặc lợi + Pháp luật thiếu thượng tôn= Dân mất sạch niềm tin.
Dân đã mất sạch niềm tin thì nhìn đâu cũng thấy… ghét 
Cái sự đặc quyền đặc lợi không phải bây giờ mới có. Xin nhớ cho, từ thời bao cấp, đã có câu vè: “Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho cán bộ mua đài mua xe. Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho cán bộ xây nhà/ xây sân”. Nhưng có lẽ chưa bao giờ cái sự bất công giàu nghèo giữa dân và cán bộ nó kinh khủng như bây giờ- thời Kim Tiền. Các vụ đại án là một phép so sánh đau đớn. 
Dù phải công bằng mà nói rằng, trong lịch sử chống tham nhũng thời hiện đại, chưa bao giờ, những loại sâu bọ lớn bị “lôi cổ” nhiều đến thế. Đó là một điều cần ghi nhận.
Nhưng sau chống phải là xây. Xây gì? Nếu không phải là xây một thiết chế kiểm soát quyền lực một cách hữu hiệu. Mà điều này, chả cần phải nghiền ngẫm, nghiên cứu để đưa ra mô hình. Các QG văn minh đã có đầy. Vấn đề là VN có muốn học và làm thật hay không
                                    ——————
Nhà báo Lê Thanh Phong viết trên trang cá nhân của mình rằng, bi kịch lớn nhất của quan chức thời nay là không được dân yêu. Không làm thì bị chửi vô tích sự, làm thì bảo mị dân hoặc làm để kiếm ăn. Không có bằng cấp thì bảo ngu dốt, có bằng cấp thì bảo lãnh đạo không cần giáo sư tiến sĩ.
Tôi nghĩ nhận định trên rất đúng. Nếu phân tích ra thì rất nhiều vấn đề để bàn, nhưng trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ nêu ra một vài khía cạnh để lý giải từ đâu và tại sao quan chức thời nay lại không được dân tin yêu và hay bị chửi, bị ghét.
Trước năm 1975, ở Miền Bắc và cả nước thời bao cấp dù cuộc cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, gian khổ nhưng người dân vẫn tin vào Đảng, tin vào cán bộ. Bởi lẽ, cán bộ (quan chức) thời đó sống giản dị, trong sạch, ít tham nhũng và đặc biệt là gần gủi, gắn bó với dân.. Công bằng mà nói, thời đó ngay đến cả Chủ tịch, Bí thư tỉnh thậm chí kể cả lãnh đạo cấp trung ương khi đương chức hay về hưu tài sản cũng chỉ là căn nhà tập thể mấy chục mét vuông ở thành phố hay căn nhà cấp 4 ở quê nhà và cái sổ lương.
Nhưng kể từ khi đổi mới tới nay thì hoàn toàn ngược lại. Cán bộ trở nên giàu có, thậm chí là siêu giàu. Cuộc sống của họ tách biệt thậm chí là đối lập với dân và mâu thuẩn bắt đầu nảy sinh. Nạn tham nhũng, lạm quyền, hách dịch, mị dân, độc đoán, nói một đằng làm một nẽo, thất hứa, đạo đức lối sống suy đồi, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải…tràn lan. Nếu trước đây, cán bộ tham nhũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì ngày nay người thanh liêm, trong sạch khó tìm. Cho nên người dân không còn tin, không yêu cũng là lẽ đương nhiên.
Dân mình xưa nay quen với hình tượng cán bộ kiểu như anh chủ nhiệm “áo nâu bạc màu bay với gió”. Nay thấy giàu có, ở nhà lầu đi xe hơi thì sinh ra nghi ngờ, đố kỵ. Rằng tiền đâu, trong khi lương không đủ sống ?
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói, nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì “lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua”. Vậy tiền đâu mà nhiều quan chức xây biệt phủ, mua xe đẹp, con cái du học ? Chỉ có thể là tham nhũng mà thôi. Thậm chí đến chủ tịch xã cũng xây được biệt thự thì nói gì cấp cao hơn. Cho nên, việc Tổng Thanh tra Chính phủ, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, huyện, giám đốc sở, ban ngành… xây biệt phủ cũng không lấy gì làm ngạc nhiên.
Cuộc sống đã thay đổi, kinh tế phát triển, nhu cầu xã hội cũng khác xưa. Lương cán bộ công nhân viên chức lại quá thấp, mỗi lần tăng lương không đủ bù trượt giá. Đói thì đầu gối phải bò, từ đó sinh ra tham nhũng.
Và sở dĩ nạn tham nhũng trở thành quốc nạn cũng do cơ chế thiếu minh bạch, pháp luật có nhiều kẻ hở và xét xử sai phạm không nghiêm.
Đã có quá nhiều vụ việc không minh bạch, không xử lý nghiêm đúng người đúng tội, nói thẳng ra là bao che hoặc xử án theo kiểu “giơ cao đánh khẻ” khiến cho người dân bất bình, mất hết niềm tin vào chế độ. Chẳng hạn như: Những vụ thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của các tập đoàn kinh tế, những sai phạm trong việc thu hồi đất biến nông dân thành dân oan, những cái chết oan trong đồn công an không được làm rỏ, những cán bộ dùng nhục hình bức cung gây ra án oan thế kỷ không bị trừng trị, những vụ lợi dụng cổ phần hoá để chia chác tài sản của nhà nước…có vụ nào xử tới nơi tới chốn đâu.
Chuyện cán bộ “bán không trừ thứ gì” và “ăn không trừ thứ gì” không còn là chuyện hiếm mà trở nên phổ biến, đâu đâu cũng có, mọi cấp mọi ngành: Cấp xã, ăn chặn từ gói mì tôm cứu trợ cho đến bò dê ủng hộ người nghèo, bớt xén phần khẩu phần ăn học sinh, rút ruột dự án nông thôn mới, lạm thu quỹ. Từ cấp huyện trở lên thì ăn dự án, bán đất, bán rừng, bán tài nguyên, bảo kê này nọ.…
Tham nhũng quyền lực, chuyện cả nhà, cả họ làm quan ở khắp nơi, cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, anh bổ nhiệm em…
Rồi nạn chạy chức chạy quyền, bằng cấp giả, bài bạc, đánh nhau, ăn mãi lộ, nhận phong bì, chạy án, nhục hình bức cung, quan hệ bất chính, hối lộ tình dục…
Xin lỗi chứ, Cán bộ xây biệt thự, đi ô tô mà nói rằng, tôi liêm khiết, tiền tôi xây nhà là do tôi buôn chổi, nuôi lợn, chạy xe ôm thì ai mà tin cho được. Tướng Công an, đứng đầu cơ quan chống tội phạm của đất nước mà tiếp tay, bảo kê cho tội phạm thì còn gì để nói ? Bí thư một tỉnh mà bổ nhiệm mấy chục người trong gia đình, họ hàng giữ các chức vụ chủ chốt thì sao dân không bất bình cho được ?
Quan chức đã tham nhũng, hoặc dính dáng tới tham nhũng thì nói dân không bao giờ nghe. Nhưng họ cũng không thể sống trong cơ chế thị trường với đồng lương tháng èo ọt mãi được. Không có sự thay đổi cơ chế, không cải cách tiền lương, luật pháp không nghiêm, thiếu dân chủ thì không thay đổi được gì cả.

6 tháng 5, 2018

Chính quyền nói thất lạc, dân bức xúc công bố bản đồ gốc Thủ Thiêm

Tác giả: Văn Bình
–Người dân Thủ Thiêm khẳng định, bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 là có và họ đang giữ tấm bản đồ này.
KD: Xét cho cùng, vì luật pháp vốn rúm ró, được “cầm tay chỉ việc”, nên c/q mới coi thường dân quá
                                                 —————
Liên quan đến thông tin bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 bị “thất lạc” khiến việc đền bù, giải tỏa mặt bằng tại Khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết trong thời gian qua.
Ông Lê Văn Lung (nhà số 9, đường Trần Não, quận 2) cho biết, nhiều lần người dân Thủ Thiêm đã yêu cầu UBND TP.HCM cho xem bản đồ 1/5000 để xác định ranh giới giải tỏa mặt bằng nhưng đều bị từ chối.
“Chúng tôi yêu cầu TP phải trưng ra bản đồ quy hoạch 1/5000 để xác định ranh giới, nhưng họ bảo thất lạc. Việc này đẩy người dân vào vòng tranh chấp khiếu kiện kéo dài từ năm 1996 đến nay”, ông Lung nói.
Đặt vấn đề, tấm bản đồ gốc quy hoạch KĐT Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 có hay không? ông Lung khẳng định là có và đang giữ một tấm bản đồ có đầy đủ dấu mộc, ký xác nhận của cơ quan chức năng.
Để chứng minh điều này, ông Lung đã đưa tấm bản đồ này ra, trên bản đồ ghi cụ thể “Quy hoạch xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm – Tổng quy hoạch”, phía dưới ghi rõ các cơ quan chức năng đóng dấu xác nhận gồm: Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị với ký hiệu bản vẽ KT-06, ngày 12/6/1995, tỷ lệ 1/5000.
Tấm bản đồ quy hoạch KĐT Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 mà ông Lung đang giữ
Ông Lung cho rằng: “TP trả lời bản đồ thất lạc là điều không tưởng, vì quản lý đất đai trong đó có bản đồ này, nhiều đơn vị từ cấp cơ sở đến chính quyền cao nhất là TP nắm giữ”.
Từ đó, ông Lung đặt vấn đề: “Liệu có khuất tất gì liên quan đến tấm bản đồ này trong việc giải quyết tranh chấp ranh giới ở KĐT mới Thủ Thiêm hay không?”
Trước đó, ông Nguyễn Hồng Điệp (Vụ trưởng, Trưởng Ban tiếp dân Trung ương – Thanh tra Chính phủ) cho biết, nếu “thất lạc” bản đồ 1/5000 ở TP thì tại các cơ quan, đơn vị liên quan phải còn.
“Làm gì có việc thất lạc mãi mà không tìm thấy” – lời ông Điệp.
Vì vậy, theo ông Điệp, TP.HCM nên trả lời thẳng thắn với người dân khiếu kiện là “không có bản đồ gốc” và giải quyết thoả đáng lợi ích, quyền lợi của họ.
Thu hồi đất năm 2002 sử dụng quyết định năm 2005?
Tại cuộc họp báo Chính phủ hôm qua, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết, hiện nay quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng ở khu đô thị Thủ Thiêm là theo quy hoạch chung năm 2005.
“TP.HCM hôm nay trả lời là tất cả bản đồ cũng như hồ sơ pháp lý hiện có đầy đủ từ năm 2005, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ranh giới có đầy đủ và đang triển khai dự án, thu hồi đất dựa trên các quy hoạch này”, ông Hùng nói.
Ông Hùng giải thích, quy hoạch chung năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch năm 2005.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Lung cho rằng, việc trả lời của Thứ trưởng Bộ xây dựng là không chính xác.
“Việc triển khai dự án, thu hồi mặt bằng theo bản đồ Quy hoạch điều chỉnh năm 2005 này là trái pháp luật. Vì quyết định thu hồi đất chúng tôi có từ ngày 10/2/2002 theo Quy hoạch 367 của Thủ tướng Chính phủ kèm bản đồ 1/5000”, ông Lung nói.
Ông Lê Văn Lung, đại diện cho nhóm 71 hộ dân khiếu kiện về vấn đề tranh chấp đất ở Thủ Thiêm
Theo ông Lung, cơ quan chức năng cần phải sử dụng tấm bản đồ 1/5000 trong Quyết định 367 của Thủ tướng ngày 4/6/1996 để căn cứ ranh giới được phê duyệt xây dựng KĐT Thủ Thiêm.
Người dân Thủ Thiêm cho rằng, tấm bản đồ này, là mấu chốt chính trong việc khiếu kiện của cả trăm hộ dân Thủ Thiêm kéo dài hàng chục năm qua.
Họ cho rằng đất của mình không nằm trong khu vực quy hoạch nhưng lại bị giải tỏa. Người dân đòi chính quyền TP.HCM phải đưa ra bản đồ 1/5.000 KĐT Thủ Thiêm để xác định rõ ràng việc này.
Huyện Ba Vì (Hà Nội) đang tìm hiểu, làm rõ thông tin liên quan đến một Thứ trưởng mua bán đất lâm trường.
Một toà lâu đài màu trắng bề thế đi vào giai đoạn hoàn thiện ở một vùng quê tại Hà Tĩnh khiến người dân không khỏi trầm trồ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thông tin về bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc.
Không vùng cấm nào trong việc xử lý cán bộ tham nhũng, dù đó là cấp tướng, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng – Chủ tịch QH nói.

Đây chính là lý do bản đồ Quy hoạch Thủ Thiêm biến mất

Tác giả: theo FB Hoàng Hải Vân
Bản đồ quy hoạch gốc này đương nhiên phải có, bởi nếu không có thì Thủ tướng phê duyệt cái gì. Nhưng khi dân kiện, yêu cầu phải đối chiếu bản đồ quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tấm bản đồ này đã biệt tích. Nó biệt tích một cách triệt để, chứng tỏ rằng nó đã được những người rất có quyền lực tổ chức cho nó “bỏ trốn”, trốn khỏi các bộ ngành ở Trung ương, trốn luôn khỏi Văn phòng (Hoàng Hải Vân) 
KD: Dư luận XH các trang mạng và báo chí đang ồn ào vụ này. XH mình rất lạ, cứ đụng tới vụ việc gì thì hồ sơ vụ đó biến mất. Vụ TXT ư, vụ Hot Girl Thanh Hóa ư? Nay đến vụ Thủ Thiêm, đều biến mất… đúng quy trình- cái khái niệm của guồng máy chính trị các cơ sở đưa ra 
“Tài thật. Tài đến thế là cùng. Tiên sư những anh Tào Tháo”!
                                            —————–
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM cho biết bản đồ gốc năm 1996 quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm đến giờ này vẫn chưa tìm ra.
Vào tháng 10-2007, Báo Đại đoàn kết do anh Lý Tiến Dũng, một nhà báo nổi tiếng chính trực làm Tổng Biên tập đã cho đăng loạt bài “Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Ai phá nát quy hoạch?”. Báo Tuổi Trẻ do anh Lê Hoàng, cũng nổi tiếng là một nhà báo chính trực làm Tổng Biên tập, đã cho đăng lại trên Tuổi Trẻ online. Không rõ các kỳ tiếp theo có đăng trên Đại Đoàn Kết hay không (nhờ anh Đào Tuấn kiểm tra lại nhé), hiện chỉ còn kỳ 1 “Giấy thông hành cho quá trình phá nát” nằm trên Tuổi Trẻ online :
Bài báo này cho thấy, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) được Chính phủ phê duyệt (QĐ 367/TTg) 930ha, trong đó: khu trung tâm 770ha và 160ha để tái định cư cho dân. Sau 6 năm án binh bất động, đến ngày 22-3-2002, văn phòng UBND TP.HCM ban hành một lúc hai thông báo truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải đến Kiến trúc sư trưởng và Giám đốc Sở Địa chính nhà đất.
Thông báo thứ nhứt, số 77/TB-VP, yêu cầu cắm mốc giao đủ 770 ha cho khu trung tâm. Điều đáng nói là trong 770h theo quy hoạch thì có đến 130ha mặt nước, có nghĩa là muốn cắm mốc giao đủ thì hoặc là phải lấp 130 ha mặt sông Sài Gòn hoặc là phải lấy 130 ha dành cho tái định cư, nhưng vì lấp sông Sài Gòn là điều không thể nên phải làm theo cách thứ hai.
Thông báo thứ hai là công văn hỏa tốc số 78/TB-VP, yêu cầu xác định 160 ha tái định cư không nhất thiết tập trung 1 địa điểm mà có thể bố trí 3-4 địa điểm trên địa bàn quận 2. Có nghĩa là, diện tích khu đô thị Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt đã bị ông Lê Thanh Hải tự tiện cho “sáng tác” thêm một diện tích khá lớn nữa. Đáng chú ý là, bản đồ quy hoạch sau đó được UBND TP “cho vẽ một đường dích zắc, lắt léo, thò lên, thụt xuống theo ranh giới của các dự án tư nhân, đang được phân lô, bán nền và coi đó là ranh quy hoạch của khu trung tâm. Đưa 28 dự án tư nhân ra khỏi ranh quy hoạch mà thực tế đây chính lại là đất để TĐC cho dân”. Để bảo kê cho 28 dự án phân lô bán nền của tư nhân đáng lẽ phải được thu hồi đó, UBND TP đã thu hồi đất một cách phi pháp của dân để bù vào.
Đó là tóm tắt nội dung mà bài báo đã đề cập. Từ đó đến nay, nghe nói quy hoạch Thủ Thiêm tiếp tục thò ra lấn tới nữa, dân tiếp tục bị giải tỏa một cách phi pháp nữa, nhưng đâu còn bản quy hoạch gốc mà đối chiếu.
Bản đồ quy hoạch gốc này đương nhiên phải có, bởi nếu không có thì Thủ tướng phê duyệt cái gì. Nhưng khi dân kiện, yêu cầu phải đối chiếu bản đồ quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tấm bản đồ này đã biệt tích. Nó biệt tích một cách triệt để, chứng tỏ rằng nó đã được những người rất có quyền lực tổ chức cho nó “bỏ trốn”, trốn khỏi các bộ ngành ở Trung ương, trốn luôn khỏi Văn phòng Chính phủ là nơi lưu giữ Quyết định của Thủ tướng. Bằng chứng là, theo báo Tuổi Trẻ, khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trực tiếp giải quyết khiếu nại của dân liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm cũng không tìm thấy tấm bản đồ quy hoạch này.
Đọc bài trên Đại Đoàn kết xin một lần nữa nghiêng mình trước anh linh của nhà báo Lý Tiến Dũng. Tôi biết một trong những lý do khiến anh bị cho thôi chức Tổng Biên tập là đã can trường cho đăng bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối việc dỡ bỏ Hội trường Ba Đình để xây dựng nhà Quốc Hội mới, bức thư đã bị các báo từ chối vì Ban Tuyên giáo Trung ương cấm đăng (hình như theo lệnh miệng của người đứng đầu Chính phủ lúc đó), giờ còn biết thêm anh đã đương đầu từ rất sớm với các nhóm lợi ích vô cùng thế lực ở TP.HCM nữa.

Chính cán bộ cao cấp đầu cơ đất Thủ Thiêm??? Và chuyện dừng thanh tra đột ngột…

Tác giả: Theo facebook Ba Kiem Mai và Trương Châu Hữu Danh (Dân Việt)
Đoàn Thanh tra Chính phủ và các nhà báo nên phỏng vấn hai ông Bẩy Thanh và Chín Lực để biết các lãnh đạo ác ôn nào từng thâu tóm đất đai Thủ Thiêm. Không công bố quy hoạch cho người dân bị giải tỏa, làm mất bản đồ là vi phạm luật pháp! (Ba Kiem Mai)
KD: Kinh quá, tác giả dùng từ “lãnh đạo ác ôn” khiến mình tự nhiên nhớ “chế độ ngụy quân, ngụy quyền thối nát”… ngày xưa 
Xin đăng cả hai thông tin để bạn đọc tiện theo dõi.
Title bài chủ Blog xin đặt 
                                                  ————— 
Khoảng năm 2000, trong cuộc họp HĐND TPHCM, sau khi phê phán gay gắt lãnh đạo Q.2 chậm trễ trong công tác giải tỏa đền bù, chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh gút lại: “Anh Chín Lực (Đỗ Tiến Lực – chủ tịch UBND Q.2), tôi đã chỉ đạo, nhắc nhở anh nhiều lần phải tiến hành cắm mốc đường dẫn từ hầm Thủ Thiêm lên (đường Mai Chí Thọ bây giờ), để bàn giao cho đơn vị thi công, tôi cho anh hứa lần cuối, chừng nào cắm xong?”. Anh Chín Lực ngửa bài: “Thưa anh Bảy, anh làm ơn nói với các ông lớn, bà lớn cho tôi biết đất chỗ nào của ông nào hay của bà nào, để tôi biết đường mà cắm”. Toàn thể đại biểu cười rần, có lẽ chạm nọc nhạy cảm, ông Bảy Thanh chuyển sang phần nghị sự khác.
Hôm sau, chỉ có báo Phụ Nữ đăng câu nói của anh Chín Lực, anh khều tôi nói nhỏ, báo Phụ Nữ chịu chơi! Không ngờ vài tháng sau, ông Bảy Thanh cách chức chủ tịch Q.2, điều anh Chín Lực về làm bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐQT công ty Samco (Cơ khí Ô tô Sài Gòn) chuyên đóng ô tô buýt. Anh Chín rất bản lĩnh, xuống chức vẫn vui vẻ.
Đoàn Thanh tra Chinh phủ và các nhà báo nên phỏng vấn 2 ông 7 Thanh và 9 Lực để biết các lãnh đạo ác ôn nào từng thâu tóm đất đai Thủ Thiêm. Không công bố quy hoạch cho người dân bị giải tỏa, làm mất bản đồ là vi phạm luật pháp!
P/S: Luật Quy hoạch đô thị Số: 30/2009/QH12
Điều 9. Lưu trữ, lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị
1. Hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
2. Cơ quan quản lý về quy hoạch đô thị, cơ quan quản lý đất đai các cấp có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị và cung cấp tài liệu về đồ án quy hoạch đô thị cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Điều 53. Công bố công khai quy hoạch đô thị
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phê duyệt, đồ án quy hoạch đô thị phải được công bố công khai bằng các hình thức sau đây:
a) Trưng bày thường xuyên, liên tục bản vẽ, mô hình tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước các cấp có liên quan về quy hoạch đô thị, trung tâm triển lãm và thông tin về quy hoạch đô thị và tại khu vực được lập quy hoạch;
b) Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng;
c) In thành ấn phẩm để phát hành rộng rãi.
2. Nội dung công bố công khai gồm các nội dung cơ bản của đồ án và Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành, trừ những nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.
3. Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị có trách nhiệm cập nhật đầy đủ tình hình triển khai thực hiện đồ án quy hoạch đô thị đã được phê duyệt để cơ quan có thẩm quyền công bố công khai kịp thời cho các tổ chức, cá nhân biết và giám sát thực hiện.
Điều 54. Trách nhiệm công bố công khai quy hoạch đô thị
1. Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn công bố công khai đồ án quy hoạch chung được lập cho thành phố, thị xã, thị trấn do mình quản lý.
2. Ủy ban nhân dân quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc trung ương;, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn có trách nhiệm công bố công khai đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được lập cho các khu vực thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Đọc thêm:
Bản đồ Thủ Thiêm “mất tích” và chuyện dừng thanh tra đột ngột
Tác giả: Trương Châu Hữu Danh
Câu chuyện mất bản đồ, hay câu chuyện đột ngột dừng thanh tra một dự án khuất tất liên quan hàng chục ngàn hộ dân, đến giờ này không còn là chuyện “nội bộ” của TPHCM và Thanh tra Chính phủ với những văn bản lẽ ra phải công khai lại được che giấu bằng “dấu mật”, phải được xử lý rốt ráo từ cấp cao hơn.
Bản đồ gốc quy hoạch KĐT mới Thủ Thiêm hiện đang bị “mất tích” 
Chuyện cái bản đồ Thủ Thiêm “bị mất”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã từng phát hiện ra từ hồi cuối tháng 11.2017 khi ông làm việc với TP.HCM. Tại cuộc họp đó, TP.HCM đã báo cáo “các sở ngành liên quan đều không tìm thấy”.
Cho đến cuộc họp báo ngày 2.2, một lần nữa TP.HCM “lại không tìm thấy” dù bản đồ này liên quan trực tiếp đến ít nhất 15.000 hộ dân.
Trưa 2.5, Chánh Văn phòng UBND TP. HCM Võ Văn Hoan đã chủ trì cuộc họp báo định kỳ để thông tin về tình hình kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng tháng 4 trên địa bàn. Tại cuộc họp, các cơ quan báo chí cũng như các cán bộ dự họp khá bất ngờ khi phóng viên Hồ Văn của báo Dân Việt đặt câu hỏi “Bản đồ đi kèm Quyết định 367 về quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay đang ở đâu?”. Người chuyên quản lý việc vẽ bản đồ – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã tiếp tục cho biết… đến giờ vẫn tìm chưa ra.
“TP đã chỉ đạo các sở – ngành rà soát lại từng nguồn, đơn vị tư vấn trước đây và cũng có văn bản hỏi các bộ – ngành trung ương nhưng đến giờ vẫn chưa tìm thấy” – ông Nhã nói.
Theo ông Nhã, từ năm 1996 đến nay đã hơn 20 năm, nhiều đơn vị đã chuyển địa điểm nên không lưu trữ bản đồ này. Ông Nhã cho biết tài liệu hồ sơ thì có lưu nhưng bản đồ đi kèm lại không có, đồng thời khẳng định TP đã báo cáo Chính phủ và Bộ Tư pháp để xin ý kiến.
Nói rõ hơn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay bản đồ KĐTMTT chưa tìm thấy trong bộ hồ sơ lưu chứ không phải là không có, các bộ, ngành cũng đang cố gắng tìm.
“Trong thủ tục trình Chính phủ phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định thì mới được phê duyệt. Rất tiếc, hơn 20 năm rồi, không hiểu lúc ấy công tác lưu trữ làm như thế nào, đến hôm nay vẫn chưa tìm thấy bản đồ quy hoạch đó. Quyết định 367 kèm theo bản đồ là cơ sở pháp lý để Thủ tướng phê duyệt dự án nên không thể không có bản đồ được” – ông Hoan nhấn mạnh. Theo ông Hoan, TP đã chỉ đạo phải tìm bằng được và “nghe nói” đã tìm thấy bản photocopy chứ không phải bản gốc, bản màu.
Thực ra thì bản đồ không hề mất. Ngay trong năm 1996, bản đồ này đã được đăng trên báo Lao Động, công khai ở địa phương bị thu hồi đất. Hiện nay, hàng chục người dân xin được bản sao ở Chi cục Văn thư lưu trữ, dấu mộc đỏ chót. Thậm chí, công dân Lê Văn Lung – người đi khiếu nại 20 năm qua, ngoài “bản đồ gốc” còn nắm giữ hàng trăm bản đồ giải thửa của bà con xung quanh.
“Họ cần chúng tôi sẽ cho không. Nhưng không có bản đồ thì làm sao mà thu hồi đất. Họ sợ lộ vụ Thủ Thiêm nên thủ tiêu thôi chứ mất sao được!” – ông Lung cười chua chát.
Bản đồ đi kèm Quyết định 367 được xem là “chìa khóa” giải quyết chuyện khiếu nại, khiếu kiện của người dân ở Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm qua. Để đầu tư xây dựng “siêu dự án” này, TP HCM đã mất nhiều năm giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. TP.HCM cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư. Cũng từ đó, chuyện khiếu nại của người dân ở khu vực này phát sinh. Vấn đề khiếu nại kéo dài, mấu chốt nằm ở việc xác định ranh giới quy hoạch.
Theo “bản đồ gốc”, phần thu hồi tập trung đất nông nghiệp, ít đất dân cư và các cơ sở công cộng, trường học. Nhưng sau đó, hàng loạt hộ dân cũng bị thu hồi đất vì không hiểu sao nằm ngoài quy hoạch cũng bị thu hồi. Những công dân ở đây chua xót khi có nhiều ngôi trường đạt chuẩn quốc gia vừa xây xong đã bị đập phá nhường đất cho dự án. Nhiều nhà cửa nằm ngoài quy hoạch cũng bị cưỡng chế di dời.
Mấy năm qua, xung quanh Trụ sở tiếp Công dân của Thanh tra Chính phủ ngoài Hà Đông (Hà Nội) bỗng dưng xuất hiện “làng Thủ Thiêm” khi cả trăm người dân Thủ Thiêm kéo ra đây sống vạ vật kế bên để khiếu nại kéo dài.
Năm 2015, người dân mừng khấp khởi khi Thanh tra Chính phủ ra quyết định thanh tra Dự án Thủ Thiêm. Nhưng, đoàn thanh tra sau vài ngày làm việc, phát hiện hàng loạt sai phạm thì Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh bất ngờ có văn bản “Mật” đề nghị hoãn thanh tra toàn bộ dự án.

Ông Lê Văn Lung và tấm bản đồ do Chi cục Văn thư lưu trữ cung cấp (Ảnh: Hữu Danh)
Vào giữa năm 2016, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đối thoại với đại diện các hộ dân khiếu nại trong dự án. Tại cuộc đối thoại, các hộ dân cho rằng họ không nằm trong quy hoạch KĐTMTT và đề nghị chính quyền cung cấp bản đồ đi kèm Quyết định 367 để xác định ranh giới. Tuy nhiên, người ta không thể cung cấp được bản đồ này. Qua năm 2017, ông Ngô Văn Khánh có văn bản thông tin sẽ thanh tra dự án này trên cơ sở kế thừa các kết quả cũ. Tuy nhiên, đến nay đã gần giữa năm 2018, dự án này vẫn chưa bị thanh tra.
Câu chuyện mất bản đồ, hay câu chuyện đột ngột dừng thanh tra một dự án khuất tất liên quan hàng chục ngàn hộ dân, đến giờ này không còn là chuyện “nội bộ” của TP.HCM và Thanh tra Chính phủ với những văn bản lẽ ra phải công khai lại được che giấu bằng dấu “mật”, phải được xử lý rốt ráo từ cấp cao hơn.
Chưa lúc nào hơn lúc này, người dân Thủ Thiêm lại trông chờ hình ảnh cái lò đốt sạch củi khô đến vậy.

Chuyện làng “Vãi Đụ”

Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo (theo FB Trần Quốc Trọng)

Tức thật! ĐKM! Thế này thì tức thật! Đã thế, hắn chửi cái công trình đường sắt trên cao, khởi công từ cái thuở hắn chửa dậy thì, lún phún lông tơ. Giờ, hắn đã sang giai đoạn tiền mãn tinh, chim hai thứ tóc rồi mà cái công trình vẫn chưa đi vào hoạt động. Rồi hắn lại chửi tiên sư đứa nào làm mất cái bản đồ quy hoạch làng Vãi Đụ. Nhưng mà biết đứa nào đã làm mất? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả cái làng Vãi Đụ này cũng không ai biết… (Võ Tòng Đánh Mèo)
KD: Đúng là chuyện của cả làng “Vãi Đụ” hôm nay. Hẹ….hẹ…he..      
                                                ————
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi hội thánh đức chúa giời. Có hề gì? Mấy thằng đi theo cái hội đó đến cả bát hương tổ tiên chúng nó còn đập thì mấy câu chửi của hắn chúng nó có coi ra gì? Rồi hắn chửi cán bộ. Thế cũng chẳng sao: cán bộ cũng có cán bộ tốt và cán bộ đểu. Và cán bộ nào cũng tự nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả.
Tức thật! ĐKM! Thế này thì tức thật! Đã thế, hắn chửi cái công trình đường sắt trên cao, khởi công từ cái thuở hắn chửa dậy thì, lún phún lông tơ. Giờ, hắn đã sang giai đoạn tiền mãn tinh, chim hai thứ tóc rồi mà cái công trình vẫn chưa đi vào hoạt động. Rồi hắn lại chửi tiên sư đứa nào làm mất cái bản đồ quy hoạch làng Vãi Đụ. Nhưng mà biết đứa nào đã làm mất? Có mà trời biết! Hắn không biết, cả cái làng Vãi Đụ này cũng không ai biết…
Rồi hắn ghé cái quán rượu đầu làng, giọng lè nhè, gọi một xị rượu A Chín Năm – là loại rượu được nấu từ gạo quê nguyên chất, uống vào rất phê và bốc, nên được bà con dân làng ưa chuộng. Thế nhưng mụ chủ quán rượu lắc đầu, bảo: “Rượu A Chín Năm khai tử rồi, chỉ có rượu E Năm thôi, uống thì uống, không uống thì biến”.
“Ôi cái đệt!” – Chí Phèo nghĩ thầm – “Cái rượu E Năm ấy nấu toàn bằng sắn pha với cồn, uống như nhồn”. Hắn đã uống thử một lần, uống xong người cứ lịm đi, ỉu xìu, nấc cụt liên tục, chả còn chút sức lực. Tuy là giá có rẻ hơn tí xíu thật, nhưng nếu một xị rượu A Chín Năm hắn uống từ sáng đến nửa đêm vẫn phê, thì cái rượu E Năm, cũng một xị từ sáng, mà đến xế chiều đã thấy trong người chả còn tí hơi rượu nào. Đã vậy còn nghe đồn cái rượu sắn cồn ấy uống lâu rất hại người: nam dễ bị hại thận, xuất tinh sớm, liệt dương, nữ dễ rối loạn kinh nguyệt, ung trứng, tiểu đường…
Chí Phèo uất quá, gằn giọng: “Thằng nào bảo cấm rượu A Chín Năm để bán rượu E Năm? Thằng nào?”. Mụ chủ quán thở dài: “Thằng Bá Kiến chứ thằng nào! Nó đầu tư bao nhiêu tiền để xây cái lò nấu rượu E Năm, không cấm A Chín Năm thì chó nó uống E Năm à?”.
À, ra vậy! Lại là thằng Bá Kiến. Nó khiến bà con cái làng Vãi Đụ này khổ vãi cứt rồi: Nó dồn Lão Hạc vào đường cùng đến nỗi phải bán chó; Nó đẩy chị Dậu vào thế tận đến nỗi phải bán sữa; và giờ, nó lại bắt Chí Phèo phải uống cái thứ rượu E5 sắn cồn chất lượng như nhồn ấy nữa!
Chí Phèo vồ lấy con dao, rồi ước gì lão Bá Kiến chính là quả xoài đang để trên bàn để hắn có thể lao vào băm vằm lão ra cho hả dạ. Mà nếu lão Bá Kiến là quả xoài thật, thì cũng chả đến lượt Chí Phèo đâu, bởi rất nhiều bà con dân làng đã đã nhảy vào băm nát lão từ lâu…

Trang