29 tháng 1, 2018

'Lợi ích nhóm' nằm trong Luật Đất đai

Mới đây Bộ Tài nguyên và môi trường lại có ý định sửa đổi Luật Đất đai, do những bất cập của nó chỉ sau 4 năm thi hành
Hoàng Hải Vân: "Với phạm vi thu hồi đất được mở rộng vô hạn độ như vậy, trong cơ chế dân chủ nhất nguyên về chính trị ở nước ta, bất cứ một “đại gia” nào muốn đẩy nông dân ra khỏi ruộng vườn của họ để lấy đất làm dự án, chỉ cần thuyết phục hay mua chuộc được Bí thư hay Chủ tịch tỉnh thì đều có thể dễ dàng lấy được sự chấp thuận của Hội đồng nhân dân."
Luật Đất đai là một trong những đạo luật có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến đời sống của người dân, nhất là nông dân và là một đạo luật mà bóng dáng của các nhóm lợi ích hiện hình rõ nhất.
Hơn 80% đơn khiếu kiện của người dân gửi lên các cơ quan Trung ương là khiếu kiện liên quan đến đất đai. Dù Luật Đất đai đã được sửa đổi nhiều lần theo hướng tiệm cận với cơ chế thị trường, nhưng tình trạng khiếu kiện không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng.
Mới đây Bộ Tài nguyên và môi trường lại có ý định sửa đổi Luật Đất đai, do những bất cập của nó chỉ sau 4 năm thi hành. Tuy nhiên, sự bất cập dưới cái nhìn của nông dân rất khác với sự bất cập dưới cái nhìn của những người soạn thảo. Phạm vi bài này chỉ nói về vấn đề Nhà nước thu hồi đất. Vì phần lớn các khiếu kiện về đất đai đều liên quan đến các chính sách đền bù giải tỏa khi thu hồi đất, cho nên có thể nói đây là một trong những vấn đề mấu chốt cần được mổ xẻ.
Việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng và an ninh theo điều 61 Luật Đất đai không khiến ai thắc mắc. Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (điều 64), do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (điều 65) cũng không có vấn đề gì lớn. Nhưng thu hồi đất để “phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” quy định tại điều 62 thì có vấn đề nghiêm trọng. Việc thu hồi đất quy định tại điều này áp dụng cho các dự án quan trọng do Quốc Hội quyết định chủ trương đầu tư, các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Đây là điều khoản mơ hồ nhất và dễ bị lợi dụng nhất của Luật Đất đai. Vì những lý do sau:
Thứ nhất, khái niệm “phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” không có nội hàm được xác định, có nghĩa là các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là quá rộng. Đối với các dự án quan trọng do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hay các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư còn có những giới hạn có thể hiểu được, nhưng đối với các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận thì được mở rộng… "vô biên", trong đó có cả các dự án khu đô thị mới, dự án khu dân cư nông thôn, dự án chế biến nông, lâm, thủy, hải sản…, không phân biệt đó là dự án của tư nhân hay nhà nước.
Thứ hai, với phạm vi thu hồi đất được mở rộng vô hạn độ như vậy, trong cơ chế dân chủ nhất nguyên về chính trị ở nước ta, bất cứ một “đại gia” nào muốn đẩy nông dân ra khỏi ruộng vườn của họ để lấy đất làm dự án, chỉ cần thuyết phục hay mua chuộc được Bí thư hay Chủ tịch tỉnh thì đều có thể dễ dàng lấy được sự chấp thuận của Hội đồng nhân dân.
Nói ra thực tế này chúng tôi hoàn toàn không có ý coi thường các vị Bí thư hay Chủ tịch các tỉnh, vì rất nhiều Bí thư và Chủ tịch tỉnh một lòng vì dân vì nước. Điều chúng tôi muốn nói là một điều luật như điều luật trên đang dễ dàng tạo điều kiện cho người xấu làm việc xấu và rất có thể “chuyển hóa” một người tốt thành một người xấu, trong khi mục đích tối thượng của luật pháp là ngăn chặn người xấu không làm việc xấu. Tình trạng “chạy dự án” rồi sử dụng lực lượng cưỡng chế của chính quyền để lấy đất của nông dân mà chúng ta thường nghe nói, phần lớn được điều luật này tiếp tay, dung túng.
Lẽ ra, theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước chỉ nên thu hồi đất dành cho các công trình quốc phòng – an ninh, cho các dự án công cộng và hoạt động công ích, cho các công trình trọng điểm làm đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế với mức đền bù thỏa đáng cho người dân theo giá thị trường, còn mọi dự án kinh tế - xã hội của mọi thành phần kinh tế đều thực hiện theo nguyên tắc của thị trường, tức là chủ đầu tư muốn có đất để làm dự án thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất để được chuyển nhượng một cách sòng phẳng. Ai dám bảo người làm vườn làm ruộng không “vì lợi ích quốc gia, công cộng”?
Còn nhớ, trước khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2013, đã có một cuộc vận động lấy ý kiến với quy mô chưa từng thấy với gần 7 triệu ý kiến đóng góp vào dự Luật. Rất nhiều ý kiến, cả trong dân và tại diễn đàn Quốc Hội, đã đề nghị thu hẹp phạm vi Nhà nước thu hồi đất quy định tại điều luật này, nhưng Ban soạn thảo chỉ tiếp thu một cách hời hợt bằng cách đảo qua đảo lại chứ nhất định không chịu thu hẹp. Và điều lạ lùng là cuối năm vừa rồi, Bộ Tài nguyên và môi trường khi đưa ra thảo luận những đề xuất tiếp tục sửa đổi Luật Đất đai thì phạm vi Nhà nước thu hồi đất theo điều 62 này không những không được đề nghị thu hẹp mà còn đề nghị tiếp tục mở rộng.
Xin nói thẳng, không chỉ là đơn khiếu kiện chiếm 80%, mà điều 62 của Luật Đất đai đang vấy máu. Chúng ta đã nghe nhiều trường hợp người dân không chấp nhận rời khỏi ruộng vườn đã phản ứng bằng bạo lực với lực lượng cưỡng chế, máu của dân và máu của đồng bào làm nhiệm vụ cưỡng chế đều là máu của người vô tội. Nơi này nơi kia ở nông thôn đang bất ổn về chính trị, không phải do sự chi phối của các thế lực thù địch, mà do đất của dân bị Nhà nước thu hồi để giao cho các “đại gia”, tuy có thể đúng Luật nhưng trái đạo lý. Những đảng viên Cộng sản hãy nhớ rằng, Liên minh công nông là nền tảng chính trị của Đảng không chỉ ở nông thôn. Nền tảng chính trị đó mà bị phá vỡ thì Đảng không còn đất sống.

Hoàng Hải Vân

VJ định mở nhà hàng (kiểu Thổ) trên máy bay?

Tác giả: theo FB Phu Thai Pham
Phải chăng VJ định mở nhà hàng (kiểu Thổ) như thế này trên MB để đón những người anh hùng U23 của chúng ta. Lãnh đạo VJ cần giải thích về chuyện này và xin lỗi công chúng (Phu Thai Pham).
KD: Mình thì chỉ thấy “ghê ghê”, vì trông rất… bẩn. Nhưng cũng có thể, hoang dại mới là lý tưởng thẩm mỹ của đàn ông Việt… mà VJ muốn khẳng định?
Xin đăng luôn cả stt của “cô diễn viên múa” có khác gì “nhà hàng kiểu Thổ trên máy bay” để bạn đọc chia sẻ. Buồn nôn…
————————————

Trung tướng Nhà văn Công an 'chơi sang' (?!)

Khu văn hóa tâm linh được xây dựng trên mảnh đất rộng 1,5 ha. Mảnh đất được ông mua từ nhiều năm trước và tiến hành xây dựng từ năm 2014.
Trong không gian tâm linh này, tướng Ước đã xây dựng một quần thể bao gồm đình, chùa, khu thờ tự, ao cá, rất nhiều cây xanh và các phiến đá quý.
Đó là các phiến đá trắng đề tên người công đức, phiến đá khắc bản nhạc, bài thơ, châm ngôn sống của chủ nhân. Đặc biệt, có phiến đá ông đề thơ tặng vợ.
>=>http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/media/chon-luu-an-bat-ngo-cua-trung-tuong-huu-uoc-425388.html
Trước đây, trên diễn đàn talawas, tôi được ông Lâm Hoàng Mạnh ngỏ lời ngợi khen nức nở: “Không hiểu sao cứ mỗi lần đọc xong bài của T.N.T tôi cứ ‘nở từng khúc ruột vì khoái’ cách viết thông minh… của tác giả”. Ôi, tưởng gì chớ “thông minh” thì tôi nổi tiếng ngay từ thưở nhỏ - trước cả khi cắp sách đến trường - và đã khiến cho rất nhiều người phải xuýt xoa, hay tấm tắc!
Tuy tôi thông minh, học giỏi, bằng cấp đầy mình nhưng đi làm thì không ma nào mướn. Lý do: tôi được cái thông minh nhưng lại bị cái gương mặt rất khó coi (ngó tối tăm thấy ớn) và cách ăn nói thì cũng rất khó nghe, cứ như cắn vào mông người ta vậy. Chỉ thoáng nhìn thấy cái bản mặt của tôi là thiên hạ đã xuống tinh thần. Và hễ tôi mở miệng ra, dù chưa kịp nói dứt câu, là đã có đứa sấn (sổ) vào muốn... tát!
Để tránh bị bạo hành, tôi đành phải ở nhà hành nghề viết báo. Thời buổi này ra đường hay bị kẹt xe. Làm việc ở nhà cũng khỏe thôi, nếu kiếm ra tiền, và nếu sống độc thân.
Tiếc thay, tôi không có cái được hai thứ may mắn đó. Nhà tôi lại hơi... nhậy cảm. Đi ra, đi vô cứ nhìn thấy mặt (khó coi) của chồng là nàng nổi cáu. Đã thế - như đã thưa - tôi lại hay phát biểu linh tinh khiến cho vợ con, và mọi người chung quanh, nếu không nổi điên thì cũng (đùng đùng) nổi giận.
Hình minh họa
Cuộc đời tôi rõ ràng đã đi vào ngõ hẹp, và (ngỡ) sắp bế mạc tới nơi thì may sao ông Nguyễn Minh Triết nhảy ra chấp chính. Ở địa vị cao nhất nước, ổng thường nói chuyện trước đám đông, và ăn nói cũng rất khó nghe. Ổng giễu rất dở nhưng giễu dai, và giễu hoài, khiến cho cả nước phải cau mày hay đỏ mặt.
Từ đó, dù tôi có phát ngôn ngu ngốc hoặc bừa bãi tới cỡ nào (chăng nữa) cũng chả bị ai phiền trách. Đến Chủ tịch nước mà còn nói năng vô duyên, lạng quạng - cứ như một tên hề rẻ tiền - như vậy thì chấp gì một thằng thường dân (nát rượu) cỡ như thằng Tiến - đúng không?
Điều may mắn kế tiếp trong cuộc đời tôi là có lần xảy ra sự lên tiếng rất bất ngờ của vị đại biểu quốc hội, tỉnh Hà Nam ("Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc") cùng với ảnh chụp của đương sự, và lời bình của blogger Kami:
“Đọc lời phát biểu… kèm theo tấm hình của ông Trần Tiến Cảnh trong cuộc họp, nếu ai đó có chút hiểu biết về tướng mặt thì cũng được an ủi, vì câu phát biểu ấy nó cũng ngu không kém những gì hiện trên bộ mặt của ông ta.”
Nhà tôi, có lẽ, là người được “an ủi” nhiều hơn cả. Nàng chăm chăm nhìn vào mặt ông đại biểu, rồi (bất giác) thoáng nở một nụ cười: té ra, mặt mũi của chồng mình cũng chưa đến nỗi nào.
Từ hôm đó, kể như, gương vỡ lại lành!
Tôi biết ơn ông Nguyễn Minh Triết và ông Trần Tiến Cảnh không biết chừng nào mà nói. Hai ổng đã gỡ cho (cả đời) tôi một bàn thua thấy rõ.
Có kẻ khen như vậy là hậu vận tốt. Tôi cũng gật gù cho vui lòng người đối thoại chớ tự biết rằng (nó) cũng không tốt gì cho lắm.
Tôi vẫn sống rất chật vật bằng nghề viết báo. Tiền nhuận bút kiếm được để uống cà phê thì dư, hút thêm vài điếu thuốc lá là vừa đủ nhưng nếu (tiện thể) kêu luôn đĩa bò kho bánh mì thì chắc thiếu, thiếu chắc.
Tôi sống nhờ vợ, tất nhiên. Hoàn cảnh sống này tuy không thể gọi là lý tưởng nhưng cũng khả kham, cho đến khi có sự cố là bức thư ngỏ của nhà văn Trần Mạnh Hảo (“Kính gửi Trung tướng Công an Nhà văn - họa sĩ - nhạc sĩ - thi sĩ - kịch sĩ - nhiếp ảnh gia - điện ảnh gia Hữu Ước”) được phổ biến khắp nơi.
Nhà tôi, nói tình ngay, không biết, và cũng không cần biết, Trần Mạnh Hảo là ai. Nàng cũng chả để ý gì đến nội dung của bức thư, và những chuyện lùm xùm trong đó, chỉ cần thấy cả đống chức tước, danh hiệu... của ông Hữu Ước là đã đâm ra tức tối, nước mắt đầm đìa, rồi buông lời cay đắng:
“Coi, chồng người ta kìa: Trung tướng Công an Nhà văn - họa sĩ - nhạc sĩ - thi sĩ - kịch sĩ... tùm lum tùm la không thiếu thứ gì...”
May là nhà tôi chưa biết rằng ông Hữu Ước còn là Tổng Biên tập vài tờ báo nữa. Mà không phải là thứ báo để chùi hay để gói đâu nhá. Báo của ổng có độc giả hẳn hoi, kể cả độc giả ở nước ngoài - theo như tường thuật của ông Nghiêm Tiến Quang (Giám đốc Công ty in báo Hà Nội) trên tờ An Ninh Thế Giới.
“Tại chợ người Việt ở thủ đô Berlin (Đức), tôi gặp một ông mua một lúc 5 tờ ANTG. Tôi bắt tay ông hỏi: ‘Sao bác mua nhiều thế?’. Ông cười: ‘Tôi mua hộ mấy ông bạn cùng làm ở chỗ tôi. Tôi hỏi tiếp: ‘Ở Đức có nhiều người đọc ANTG không? Ông gật đầu: Nhiều đấy. Đọc xong lại cho mượn, rồi chẳng thấy ai trả lại. Bởi báo có nhiều bài cần đọc.”
Trước đây, trên báo Nhân Dân (số ra ngày 12 tháng 3 năm 2000, trong mục “bạn đọc góp ý và phê bình”) tôi cũng thấy có độc giả ở Hoa Kỳ bầy tỏ sự thích thú tương tự về tờ “công báo” này:
“Ðối với kiều bào ở California là nơi có đông người Việt Nam, thì báo Nhân Dân điện tử là món ăn tinh thần lớn nhất, quí nhất. Riêng đối với tôi việc làm đầu tiên trong ngày là mở trang báo Nhân Dân điện tử... Nhiều người chỉ mong sáng ra để đọc báo Nhân Dân...”
Ở một nơi mà đêm nào cũng bị cúp điện khổ như thế đấy. Nhiều người chỉ mong sáng ra để đọc báo Nhân Dân. (Tôi chết được chớ chả bỡn đâu, Giời ạ!)
Cái gì làm cho tờ Nhân Dân trở nên “hấp dẫn” (tới) cỡ đó thì không nghe ai nói, còn lý do khiến cho báo của ông Hữu Ước bán chạy - theo nhận xét của ông Trần Khuê - chỉ là “những trò câu khách rẻ tiền”:
“Giở bất cứ tờ báo công an nào cũng chỉ thấy toàn là tội ác tội phạm: con giết cha, chồng đầu độc vợ, trò đánh thầy, công an thì buôn ma túy, hải qua thì ăn hối lộ, tòa án và viện kiểm sát thì chơi xỏ nhau hoặc đồng tình xử oan người nghèo vô tội. Các sở thương binh xã hội cấp thẻ thương binh giả, đắp mộ liệt sĩ giả, người chết đã hàng chục năm vẫn còn tên trong danh sách và vẫn được các cán bộ ‘lĩnh hộ’ tiền. Cán bộ viên chức thì bằng cấp giả mạo, công ty quốc doanh, tư doanh thì chụp giật, móc ngoặc (‘lừa đảo’ ngân hàng, bộ trưởng thì thông đồng với cấp dưới ăn cả vào tiền xóa đói giảm nghèo, không kể miền xuôi miền ngược, ăn cả vào tiền cứu lũ cứu lụt,... Chưa kể đến các tin ghen tuông, tạt axít, say rượu đâm chết người, quan chức đi chơi gái điếm đánh bạc bị trấn lột nghe cũng đã đủ thấy ghê người, thế mà ngày nào cũng đăng tải bằng chữ cỡ lớn, bằng một giọng văn mùi mẫn. Thật là những trò câu khách rẻ tiền.”
Và “khách” của ông Hữu Ước cũng từng được ông Phạm Đình Trọng điểm danh, trên Đàn Chim Việt:
“Hãy lưu ý những người thường xuyên đọc báo Công an tpHCM sẽ thấy đó là những ông chạy xe ôm ngồi chờ khách đọc tin vụ án, những bà ngồi bán hàng ngoài chợ khi chợ vắng đọc chuyện quan hệ tình cảm của ông nọ bà kia, những cô công nhân ở khu nhà trọ đọc chuyện lừa tình, lừa tiền... Tờ báo với đối tượng người đọc như vậy, với nội dung thông tin như vậy dù số lượng phát hành có lên tới cả triệu bản vẫn không phải là tờ báo lớn!”
Giáo sư Trần Khuê và nhà văn Phạm Đình Trọng đều nói không “oan” nhưng (e) không đủ về báo của ông Hữu Ước. Ông Robert Templer, đặc phái viên của A.F.P tại Việt Nam, có nhận xét thấu đáo hơn:
“Tờ báo được nhiều người ưa thích nhất tại Việt Nam là tờ ‘Công An Thành Phố Hồ Chí Minh’, do công an địa phương xuất bản. Tờ báo này được in ra với số lượng hàng tuần là 500.000 số và những người bán báo cho biết là họ bán hết ngay, chứ không như tờ Nhân Dân của Đảng mà đa số đều không muốn bán vì nó mang lại quá ít tiền.
Tờ Công An đăng tải nhiều chuyện giật gân về tình dục và bạo hành, về các băng đảng và mãi dâm. Tờ báo này đưa ra hình ảnh về Việt Nam khác hẳn với ý niệm về nước Việt Nam an bình không hề có tội phạm theo đường lối trước kia của chính quyền. Nhưng tờ báo lại phối hợp hình thức đăng tin giật gân với sự nhấn mạnh về nhu cầu xiết chặt kỷ cương nhằm ổn định xã hội.
Nó thường là diễn đàn để công kích bất cứ ai chỉ trích Đảng – nó hay đả kích việc làm của những nhà văn, những nghệ sĩ và những người hoạt động tích cực trong lãnh vực xã hội, và thường có thái độ thù địch với người ngoại quốc.
Tờ báo hay có những bài về người Việt ở hải ngoại mà báo đó mô tả như những phần tử nguy hiểm và những tội phạm. Các bài báo thường có tính cách phỉ báng, và hay vi phạm quyền sống riêng tư của người dân. Nó tiêu biểu cho sự xấu xa nhất của hai thế giới: đó là cái xấu của lối làm báo chuyên đăng tin giật gân được thấy ở Tây phương và lối kiểm soát xã hội và chính trị tồi tệ nhất được phô bầy tại các nước cộng sản. Tờ báo này tuyên truyền hữu hiệu hơn tờ Nhân Dân và có nhiều người đọc hơn bất cứ tờ báo nào khác tại Việt Nam.
Tự do báo chí không thể bao gồm quyền được viết lên những lời lăng mạ và những bài báo bất lương như thường thấy trong tờ báo này.” (*)
Nạn nhân của “những bài báo bất lương thường thấy trong tờ báo này” là thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Trên blog riêng của mình, ông đã công bố đơn tố cáo gửi đến báo Công an Nhân dân và An ninh Thế giới về việc báo này đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật...
Tâm nguyện của Trung tướng nhà văn, nhà báo Hữu Ước là “không phấn đấu một cái gì khác ngoài việc làm tờ báo Công An Nhân Dân - An Ninh Thế Giới và Văn Nghệ Công An cho tốt.” Để làm “tốt” chuyện này, đương sự đã lắm phen “ngậm máu phun người” - theo như cách nói (nguyên văn) của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Những người không, hay chưa, có học vị tiến sĩ thì họ nói cách khác - bỗ bã hơn chút đỉnh: ngậm cứt phun người!
Tôi cố “giảng” cho nhà tôi hiểu rằng mình thà chịu đói chớ không thể hành sử như cái đám vô lại ở báo công an, hay công an làm báo:
“Nếu coi Hữu Ước là người thành đạt thì đây là trường hợp điển hình của kẻ thành đạt vào thời nhiễu nhương thôi em ạ...”
“Hứ, ngay cả vào lúc nhiễu nhương, đục nước béo cò, thiên hạ kiếm lợi kiếm danh dễ như lấy đồ trong túi... mà anh (vẫn) kiếm không đủ tiền để ăn sáng... là nghĩa làm sao?”
Thực đúng là cái thứ “dí l... vào thơ.” Nó nói thế thì thông minh cỡ tôi, chớ có thông minh gấp đôi, cũng đành phải botay.com thôi.

Tưởng Năng Tiến (DLB)
----------------------
Ghi chú:
(*) Đoạn văn thượng dẫn do ông Lý Công chuyển ngữ, và được trích từ bài nói chuyện của Robert Templer - tại cuộc hộ thảo “Vietnam: Développement et Démocratie – Perspective et Realités” - vào ngày 29 tháng 4 năm 1998, tại thượng viện Pháp. Chúng tôi in được bản dịch của bài nói chuyện này từ http://daiviet.org vào ngày 24 tháng 8 năm 2004. Hiện nay bài nói chuyện của Robert Templer không còn có thể tìm lại trên internet. Vì vậy, chúng tôi đã liên lạc với qúi vị phụ trách trang web Đại Việt Cách Mạng Đảng, qua địa chỉ tapchicachmang@yahoo.com, và được hồi âm vào ngày 16 tháng 8 năm 2010 như sau:
“Bài này chúng tôi có để trên trang nhà của Đại Việt, nhưng khoảng hơn năm nay, trang nhà của chúng tôi bị đánh phá không ngừng... Chúng tôi đã sửa nhiều lần, nhưng vừa sửa xong lần nào cũng bị đánh phá ngay lập tức. Hiện tại chúng tôi đang thiết kế lại toàn bộ nên không sửa lại trang nhà cũ nữa. Thành thử tìm ‘link’ của bài này trên trang nhà cũ, không biết nó nằm chỗ nào. Nếu ông chỉ cần Reference để kịp thời gian tính cho bài viết của ông, chúng tôi thiết nghĩ ông chỉ cần ‘refer’ là trích từ Tạp Chí Cách Mạng số 12 của Đại Việt Cách Mạng Đảng, trang 56, phát hành vào tháng 12 năm 1998, từ Germantown, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ.”

(Dân Làm Báo)

Thân Đức Nam liệu có về hưu?

Thân Đức Nam và Nguyễn Xuân Phúc
Thiếu tướng Trương Giang Long phó tổng cục trưởng tổng cục chính trị, người có bằng giáo sư, tiến sĩ đã được bộ trưởng công an cho nghỉ việc chờ ngày về hưu. Từ khi nghỉ việc đến khi chờ về hưu ông Trương Giang Long phải đợi mất 1 năm.
Theo điều luật mới soạn về tổ chức, thì các tướng công an có bằng tiền sĩ, giáo sư được kéo dài thời hạn về hưu lên đến 10 năm.
Ông Trương Giang Long là một trong nhiều người bị cho về hưu khi chưa đến hạn hoặc đến đúng độ tuổi. Ông Long là người nổi tiếng với bài nói chuyện đề cao cảnh giác trước âm mưu của Trung Cộng thâm nhập vào đội ngũ lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam.
Trong khi đó một kẻ không xứng đáng như Thân Đức Nam, phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội không rõ có về hưu vào cuối tháng 1 năm 2018 này không.
>> Thân Đức Nam mua chức và sa đọa:
=>>http://www.tintuchangngayonline.com/2018/01/tieu-su-va-nhung-cuoc-tinh-cua-pho-vp.html
Thân Đức Nam sinh ngày 5 tháng 1 năm 1958, là một tay buôn đồ quần áo cũ từ Thái Lan về Việt Nam, giai đoạn này Nam đã tích luỹ được một số vốn liếng và nhảy sang lĩnh vực bất động sản. Sau đó Nam làm sếp của Cienco5 do anh hùng Phạm Tuân đỡ đầu. Trong thời kỳ nhá nhem, lộn xộn của các dự án bất động sản, Nam đã phất lên nhanh chóng. Từ Cienco 5 Nam đẻ ra nhiều công ty con do anh em ruột của mình quản lý như Thân Hoá, Thân Thời, Thân Lâm...Có tiền kiếm được tập đoàn nhà họ Thân đã lôi Nguyễn Xuân Phúc từ Đà Nẵng ra trung ương và đưa lên ghế chủ nhiệm văn phòng chính phủ để rồi Phúc có cơ hội tiếp xúc với Trọng, Sang ngoi lên làm thủ tướng.
Sau khi để lại món nợ 1400 tỷ của Cienco5 với nhà nước, Thân Đức Nam ẵm gọn hàng ngàn tỷ chênh lệch giá ở các dự án xây dựng leo lên cái ghế phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội hiện nay. Vụ án mà công an điều tra về những sai phạm hàng ngàn tỷ của Thân Đức Nam được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo gác lại với lý do công an cần phục vụ những trọng án kinh tế khác mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang muốn giải quyết nhanh.
Một số tướng lĩnh công an muốn thúc đẩy việc điều tra sai phạm của Thân Đức Nam vì không muốn để sự vụ kéo dài, những hồ sơ, tư liệu bị tẩu tán khó cho việc điều tra. Phúc và Nam đã gọi Phạm Ngọc Hùng, tổng cục trưởng tổng cục tình báo quân đội, tên thường gọi là Hùng Tút đến để bàn cách đối phó. Hùng Tút dùng tổng cục 2 thu thập thông tin về các tướng lĩnh bộ công an và tung ra cho Phúc có cớ xử lý. Vì thế những sai phạm hàng ngàn tỷ của Thân Đức Nam không ai dám nhắc tới nữa.
Như nhà báo Osin Huy Đức từng vạch mặt tổng bí thư Nông Đức Mạnh xin dự án BOT cho vợ bé, thu lời hàng ngàn tỷ. Đấy chỉ là một dự án, còn Thân Hoá em của Thân Đức Nam là chủ của nhiều dự án BOT khác thì số tiền thu về phải khủng khiếp đến đâu. Như dự án quốc lộ 1 đoạn từ Duy Xuyên của Quảng Nam đến Phú Ninh hoàn thành năm 2015, đoạn Hoà Cầm Hoà Phước, đoạn Tứ Câu- Vĩnh Điện...nhưng trạm BOT khác do người khác làm chủ bị gây khó dễ, nhưng những đoạn do anh em nhà Thân Đức Nam làm thì tuyệt nhiên không bao giờ thấy ai dám đụng đến.
Thân Đức Nam là loại quan chức đảng viên tiêu biểu cho những tiêu chuẩn tham ô, lợi ích nhóm, hủ hoá, biến chất và cơ hội chạy chức chạy quyền. Vậy mà được đảng cho làm đại diện nhân dân, làm đại biểu quốc hội và leo đến chức phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội.
Trên có Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng, dưới có Phạm Ngọc Hùng nắm tình báo quân đội, lại làm quan chức cấp cao trong quốc hội. Thân Đức Nam mặc sức vơ vét và ăn chơi sa đoạ, trác táng. Y mua sắm nhiều nhà riêng khắp mọi miền đất nước để làm chỗ ăn chơi. Cùng với Nguyễn Xuân Phúc, cặp đôi này chuyên săn những mỹ nữ mọi miền đất nước để phục vụ thú chơi sa đoạ. Ngoài căn nhà tại 11B đường Điện Biên Phủ (Hà Nội) thì Thân Đức Nam đang sống sa hoa tại dinh thự nguy nga 800m số 78 Hoàng Văn Thụ, trung tâm Đà Nẵng. Đặc biệt, Thân Đức Nam còn sở hữu Khu du lịch nghỉ dưỡng Fusion Maia Đà Nẵng khổng lồ, Khu Fusion Café Hội An sở hữu chuỗi Bar, café và nhà hàng, do vợ là Đặng Thị Thu Thủy sinh năm 1959 và con trai sinh năm 1979 là Thân Đức Tiết làm Chủ tịch HĐQT đồng sở hữu. Con thứ 2 là Thân Thị Mỹ Sương sinh năm 1981 được Thân Đức Nam nhét vào Cụm Cảng hàng không Miền Trung. Con thứ 3 là Thân Đức Nghiêm Huân sinh năm 1983 đang làm cậu ấm tại Công ty Cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) Đà Nẵng, đơn vị thành viên của Cienco 5. Con thứ 4 là Thân Thị Thục Quyên sinh năm 1987 đang làm cô chủ nhỏ tại Khách sạn Sanova, Tp.Hồ Chí Minh tọa lạc ngay sát chợ Bến Thành, trung tâm mua bán sầm uất Quận 1, TP. HCM, do vợ của Thân Đức Nam là bà Đặng Thu Thủy sở hữu.
Thân Đức Nam, vợ bé và con
Không hiểu sao việc Thân Đức Nam có vợ bé, con riêng sống sờ sờ công khai ở Sài Gòn mà chẳng ban ngành của đảng nào sờ đến, trong khi ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gào toáng lên về chấn chỉnh đảng viên, xử lý mọi dấu hiệu tha hoá.
Đến khi những tấm hình chứng minh rõ ràng về việc tha hoá của Thân Đức Nam với bạn của con gái mình bị đưa lên mạng xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày kế cho Nam đưa vợ bé sang Mỹ làm một đám cưới giả với một Việt Kiều Mỹ tại Houston.
Ngay sau đám cưới giả này, vợ bé của Thân Đức Nam đã quay về Sài Gòn trong căn biệt thự mà Thân Đức Nam đã mua rộng 1000 mét vuông ở 307/32 Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh. Vào những ngày cuối tuần, Nam về đây sống với vợ bé bằng tuổi con gái mình, đưa vợ bé và con riêng đi ăn chơi, mua sắm ngang nhiên trước bàn dân thiên hạ.
Bởi thế lực của Thân Đức Nam quá lớn, các tờ báo đều bị gia đình y mua chuộc và đe doạ, nên không báo chí nào dám nhắc đến. Phần nữa báo chí đều biết Nam là tay chân của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như người nhà, nên chẳng dám đụng đến.
Một con người sa đoạ và đầy những hành vi sai phạm, làm thiệt hại cho đất nước hàng ngàn tỷ bởi tập đoàn gia đình họ Thân. Thế nhưng y vẫn nghênh ngang thách thức dư luận, đặc biệt là trong cái gọi là chiến dịch chống đẩng viên quan chức tha hoá, tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng đang phát động rầm rộ, điều này khiến người ta phải đặt câu hỏi.
Phải chăng chiến dịch chống tiêu cực, thoái hoá của Nguyễn Phú Trọng chỉ là một cái cớ để phe Phúc, Trọng tiêu diệt những người khác phe phái với mình. Còn những kẻ thuộc về cánh của mình thì dù có sai phạm ghê gớm đến đâu đều được bỏ qua.
Việc lại để Thân Đức Nam lại là một cách bao che cho Thân Đức Nam, khiến cho cơ quan điều tra e ngại vai trò đại biểu quốc hội của Thân Đức Nam mà không dám đụng đến. Việc kéo dài thời gian để bảo vệ Nam này còn có mục đích nhắm xem những ai có ý định muốn nêu ra sai phạm của Nam, sẽ xử lý người đó. Một trò gian xảo mà thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường sử dụng, như vụ bảo vệ chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.
Qua vụ việc Thân Đức Nam, dư luận thấy rõ đảng cộng sản Việt Nam đang diệt trừ nhóm lợi ích này, để hình thành nhóm lợi ích khác mà thôi. Mọi hô hào về chống tham nhũng, tiêu cực chỉ là trò mỵ dân. Nếu đảng CSVN đúng nghiêm minh trong chiến dịch chống tha hoá, tiêu cực thì cần phải loại ngay Thân Đức Nam ra khỏi đảng và quốc hội vì lối sống sa đoạ, tiếp đến để Thân Đức Nam phải ra pháp luật vì những sai phạm hàng ngàn try mà y đã gây thiệt hại cho đất nước.

Người Buôn Gió

Tàu sân bay Mỹ vào Đà Nẵng có ý nghĩa gì?

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Jim Mattis, và đồng nhiệm Việt Nam duyệt đội quân danh dự tại Hà Nội, 25 tháng Giêng.
Sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thăm Việt Nam, cùng triển vọng lần đầu tiên một tàu sân bay của Mỹ sẽ đến Việt Nam trong năm 2018 cho thấy một chủ trương có thể tạm gọi là “dựa Mỹ đối Trung” của giới chóp bu Việt Nam - như một biện pháp tình thế trong ngổn ngang và hỗn tạp tâm thế “không ưa Mỹ nhưng vẫn cần Mỹ”, vẫn chưa có gì thay đổi tính từ giữa năm 2014 đến nay và đặc biệt trong gần nửa năm qua.
“Dựa Mỹ đối Trung”
2014 là năm tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị Việt Nam.
Còn gần nửa năm trước, vào đầu tháng 8/2017, tướng Ngô Xuân Lịch đã đột ngột thực hiện chuyến công du Hoa Kỳ lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
Thật ra chẳng có gì ngẫu nhiên cho tất cả những gì đều chứa đựng động cơ và xảo thuật chính trị của Việt Nam. Ngay trước chuyến đi trên, vào cuối tháng 7/2017 đã xảy ra một sự kiện mà được dư luận xã hội liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhung vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương - cơ quan nổi tiếng với biệt danh “vòng kim cô” - cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc” lẫn và hiện tại “mười sáu chữ vàng”.
Từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 đến khi vụ Bãi Tư Chính và cho đến tận giờ đây, chưa bao giờ giới chóp bu Việt Nam cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn hàng chục “đối tác chiến lược” trong túi. Với “đối tác chiến lược toàn diện” lớn nhất của Việt Nam lại là “bạn vàng” Trung Quốc.
Tình thế lúc này là với Việt Nam, hy vọng mỏng manh còn lại chỉ là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.
Nhưng một tréo ngoe trong não trạng giới quân sự Việt Nam, đặc biệt là bộ phận bảo thủ và “thân Trung”, là vẫn duy trì thói quen không đổi: vừa sợ Mỹ lại vừa cần Mỹ.
Nhưng tiếp cận gần hơn với Mỹ thì không, hoặc vô cùng chậm chạp. Những bằng chứng gần nhất và rõ nhất là sau vụ Hải Dương 981, chỉ có một ít chuyến thăm qua lại giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với giới quân sự Mỹ, trong khi thỏa thuận về mua vũ khí sát thương vẫn hầu như chưa triển khai gì dù đã được Mỹ giải tỏa lệnh cấm vận, tình hình hợp tác hải quân cùng dấu hỏi về quân cảng Cam Ranh vẫn chậm lụt đến mức đáng nghi ngờ, trong lúc Việt Nam liên tiếp mất vài chiếc máy bay tiêm kích SU mà nhiều dư luận đặt nặng nghi vấn về bị “đồng chí Trung Quốc” hạ sát.
Chỉ vào năm 2017, khi chính sách đu dây của Việt Nam đã hầu như vỡ vụn, những quan chức bị xem là “bảo thủ” như Ngô Xuân Lịch mới tìm cách tiếp cận với Mỹ. Để trong chuyến công du trên, tướng Lịch đã nhận được lời hứa hẹn từ Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis về “một tàu sân bay Mỹ sẽ đến Việt Nam vào năm sau”.
Tin tức gần nhất cho biết, tàu sân bay này sẽ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, vốn là nơi có căn cứ hải quân Mỹ trong thời chiến tranh Việt Nam.
ExxonMobil?
Tất nhiên, tàu sân bay Mỹ, dù có cập cảng nào ở Việt Nam, thì điều đó cũng mang ý nghĩa như một sự hiện diện của hải quân Mỹ ở khu vực Biển Đông, và cách nào đó sẽ làm Trung Quốc chùn chân nếu muốn bước xuống “ao nhà” như cách họ thường tuyên bố.
(Ai cũng biết, Cam Ranh - cảng nước sâu và có vị trí chiến lược đắc dụng về quân sự mà có thể qua đó khống chế đến 2/3 Biển Đông - là nơi mà Việt Nam luôn lấy làm con bài để mặc cả và trả giá với Nga và Mỹ, vẫn còn quá “nhạy cảm,” chưa thể ‘bán” được.)
Trong khi đó, nhu cầu hiển hiện trước mắt của Việt Nam lại là khu vực vùng biển Đà Nẵng, nơi mà tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ đã được giới quan chức Hà Nội bật đèn xanh cho việc chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh. Trước đó, ExxonMobil từng thăm dò và hợp tác với Việt Nam để khai thác mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mỏ này có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối.
Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố “đường Lưỡi Bò” 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km.
Vào tháng Giêng năm 2017, Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ đã trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để khai thác dầu khí trên biển Đông với PetroVietnam. Một chi tiết đáng chú ý là hợp đồng giữa hai bên được ký ngày 13/1/2017 trong khi ngoại trưởng John Kerry đang ở thăm Việt Nam và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đi thăm Trung Quốc.
Có thể xem mỏ Cá Voi Xanh là dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam. Dự kiến khai thác khí ở mỏ này sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế - lên tới 10 – 12 tỷ USD/năm, và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 20 tỷ USD là con số rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm trước “đồng chí tốt” Trung Quốc.
Tuy nhiên đã có một sự cố xảy ra: trùng với thời gian Tổng thống Trump dự Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC Đà Nẵng mà được báo chí đảng tung hô “thành công tốt đẹp” và “Việt Nam là nước hưởng lợi kinh tế lớn nhất trong APEC”, ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam bởi vào ngày 7/11/2017, Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil đã tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019.
Một nguyên nhân của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.
Nếu đúng vậy, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình.
Giờ đây, một khả năng có thể xảy ra là trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Việc một tàu sân bay của Mỹ có thể hiện diện trong vùng biển Đà Nẵng, mà không phải là Cam Ranh, trong thời gian tới rất có thể là một động tác nhằm bảo vệ ExxonMobil và phục vụ quan điểm “tăng cường hơn nữa sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông” nhằm đối trọng với những sức ép đang gia tăng không ngừng và có thể kích động chiến tranh từ phía Trung Quốc.

Phạm Chí Dũng

Bộ trưởng Mỹ thắp hương chùa Trấn Quốc để gửi thông điệp gì?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (giữa) dâng hương tại chùa Trấn Quốc hôm 25/1. (Ảnh chụp màn hình ZingNews)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã dành riêng thời gian trong chuyến thăm chính thức 2 ngày tới Hà Nội để thăm viếng ngôi chùa cổ nhất tại thủ đô của Việt Nam.
Giữa các cuộc gặp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch hôm 25/1, Bộ trưởng Mattis đã tới thắp hương tại chùa Trấn Quốc, một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam trên Hồ Tây ở Hà Nội.
Hồ Tây là nơi gần chỗ máy bay của Thượng nghị sĩ John McCain bị bắn rơi vào năm 1967 trong chiến tranh Việt Nam. Lúc bấy giờ ông McCain là một phi công của Hải quân Mỹ. Ông McCain bị áp giải từ hồ Trúc Bạch và giam tại nhà tù Hỏa Lò cho tới khi được thả vào năm 1973.
Đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis không hề tham chiến tại Việt Nam. Tại Chùa Trấn Quốc, người đứng đầu Lầu Năm Góc trao đổi với nhà sư trụ trì và ca ngợi không gian thanh bình của ngôi chùa cổ hơn 1.400 năm gắn liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam.
“Tuyệt đẹp. Thanh bình. Tôi nghĩ không gian này làm cho ta trầm tư hơn,” ông Mattis nói với các nhà sư trong lúc thăm viếng ngôi chùa vào khoảng 5 giờ chiều giờ địa phương, theo ghi nhận của William Gallo, phóng viên VOA tháp tùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Theo nhận định của nhà phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp từ Singapore, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới chùa Trấn Quốc “mang tính biểu tượng để gửi đi một thông điệp về sự tôn trọng và hiểu biết về lịch sử và quá khứ của ông Mattis đối với Việt Nam.”
Truyền thông trong nước cho rằng đây là hoạt động nhằm tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam của ông Mattis.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof-Ishak nói việc thể hiện sự quan tâm và hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam của người đứng đầu bộ quốc phòng Mỹ cho thấy ông Mattis muốn tạo dựng một sự tin tưởng và gần gũi hơn với lãnh đạo và người dân Việt Nam.
Trước khi tới Hà Nội hôm 24/1, Bộ trưởng Mattis nói ông tìm kiếm “sự tin cậy và hợp tác” với Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á được Washington coi là một trong 3 đối tác an ninh quan trọng trong khu vực.
TS Hiệp cho rằng ông Mattis, một nhân vật vốn được coi là có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, còn gửi đi một thông điệp sâu hơn từ chuyến viếng thăm chùa Trấn Quốc.
“Bản thân chữ ‘Trấn Quốc’ liên quan đến việc bảo vệ đất nước và lãnh thổ của Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh có các mối đe dọa đặc biệt từ phương Bắc. Tôi nghĩ chuyến thăm ngôi đền của ông Mattis còn để gửi đi thông điệp là Hoa Kỳ có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam để giúp Việt Nam bảo vệ tốt hơn lãnh thổ và quốc gia của mình giống như ý nghĩa của tên ngôi đền đó.”
Trong chuyến thăm chùa, ông Mattis cùng phái đoàn tháp tùng đã lưu lại để dùng trà với các sư.
Cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã từng đến thăm một ngôi chùa ở Việt Nam trong chuyến thăm của ông vào tháng 5/2016. Vị tổng thống tiền nhiệm của ông Trump tới thăm chùa Ngọc Hoàng ở thành phố HCM để tỏ lòng tôn kính đối với truyền thống văn hóa của Việt Nam.
(VOA)
(*) - Tham khảo:

Bùi Văn Bồng


Vinh thiền TRẤN QUỐC

Với Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng Điện, …
Một góc hồ rực sáng chữ CÔNG
Rêu phong gợi nhớ thời Khai Quốc
Bồ đề xôn xao gió sông Hồng

Lại một thời chùa mang tên An Quốc
Mơ ước bình an trong bão lốc hưng vong
Đất thiêng lưng Cá Vàng hóa đảo
Dựng vinh thiền Tam Bảo đứng uy nghi

Trấn Quốc - tự bao đời giữ nước
Mái chùa cong như lưỡi kiếm thần
Một dáng nét thuần phong quen thuộc
Tình Yên Hoa mơ ước với cao xanh

Trên Văn Bia bỗng nhiên vầng dương mọc
Nét hoa văn chắt lọc ánh trời
Những rêu phong nói lời nguyện ước
Bao kiếp đời ngưỡng vọng trước uy nghiêm

Chùa Trấn Quốc giữ hồn thiêng non nước
Giữ tâm linh cho mọi cuộc mưu sinh
Sóng vẫn hát trên Hồ Tây gió lộng
Du khách đi trong hương khói yên bình

Một dòng chảy Lý Trần Lê và Nguyễn
Đến hôm nay vẫn nguyên vẹn chữ THIỀN
Chuông chùa vọng nghìn năm giữ nước
Bóng bồ đề che vạn kiếp nhân sinh

Ơi Thăng Long, ơi Đông Đô, Hà Nội…
Ai hát lên rực nắng Tây Hồ
Chùa Trấn Quốc hẹn bước chân du khách
Nén hương trầm nâng mộng ước Vạn Xuân.
BVB

25 tháng 1, 2018

Cuộc đời có được như bóng đá?

Tác giả: Lê Thanh Dũng
Bóng đá được gọi là môn thể thao vua vì nhiều lẽ nhưng có lẽ cũng vì nó giống cuộc đời, giống xã hội, một xã hội thượng tôn pháp luật, đồng thời đề cao sự trung thực, công bằng và minh bạch (LTD)
KD: Tác giả Lê Thanh Dũng gửi cho Blog bài viết này. Ngay sau trận thắng của U 23, có không ít suy nghĩ của người Việt trước chiến thắng xứng đáng của tuổi trẻ U 23 với hiện trạng đất nước của tuổi già U… X gánh vác, khi so sánh bóng đá (sạch) với cuộc đời. Ở đó chỉ có sự minh bạch, bộc lộ rõ tài năng hay bất tài, nhân cách hay thiếu nhân cách
Thời trẻ, mình cũng từng suy nghĩ như thế khi mong ước sự công bằng về đánh giá các giá trị, bởi thấy không ít bất công, không ít đạo đức giả sống và làm việc… Giờ, trải nghiệm quá nhiều, mình thấy cuộc đời rất giống bóng đá, nhưng là giống các trận bóng đá “mua bán độ”
Liệu thắng lợi của các U23 có làm thức tỉnh được các “lợi ích nhóm” không nhỉ. Nếu không có một thể chế văn minh và khoa học? 
——————
Cả nước đang sôi sục trong niềm vui chiến thắng của đội tuyển nước nhà trong giải bóng đá U23 châu Á. Mọi vấn đề xung quanh các trận đấu đều được bàn rôm rả trên mạng và các phương tiện truyền thông. Đó là tinh thần và ý chí, là bản lĩnh và tâm lý thi đấu vượt qua thử thách khó khăn, là đấu pháp, là cách dùng người, là kĩ thuật và thể lực, là sự gắn bó của các cầu thủ trong và ngoài sân cỏ, vân và vân vân…
Tạm xa cơn lốc thông tin và bình luận trên mạng, tạm xa những trận thư hùng căng như dây đàn, lão già ngoài tám mươi suy nghĩ miên man ra ngoài bóng đá…
Những người lớn tuổi là bậc cha chú, xoa đầu khen các cháu giỏi giang thế này thế khác thì dễ lắm, nhưng chúng ta, nhất là những người đang nắm trọng trách trong bộ máy nhà nước, từ vị giữ chức cao nhất cho đến các quan chức bên dưới liệu có phải ai cũng làm được như các cháu không?
Tất nhiên không ai yêu cầu chúng ta biết đá bóng nhưng liệu chúng ta có làm được như các cháu là đứng vững trên vị trí của mình mà dốc toàn bộ tâm trí và sức lực để phục vụ, với tâm hồn trong sáng không màng danh lợi, không tính toán ích kỉ? Các bậc cha chú có làm được như các cháu là thực thi trách nhiệm của mình một cách công khai dưới sự giám sát chặt chẽ từng giây từng phút của hàng triệu người, trong đó không có chỗ cho sự đùn đẩy, đổ vấy, dối trá và chối quanh? (trong 11 người, chẳng có ai là “cậu đánh máy” cả). Đời các cháu còn rất dài, các cháu còn phải học hành phấn đấu rất nhiều để hoàn thiện mình, nhưng với những gì thể hiện trên sân cỏ, các cháu xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều người, kể cả những người có tuổi cao hơn, chức vụ cao hơn, học hành nhiều hơn nhưng văn hoá và nhân cách tầm thường, những người ăn lương mà không làm việc hoặc làm hại đất nước.
Bóng đá được gọi là môn thể thao vua vì nhiều lẽ nhưng có lẽ cũng vì nó giống cuộc đời, giống xã hội, một xã hội thượng tôn pháp luật, đồng thời đề cao sự trung thực, công bằng và minh bạch.

AI ĐÁNG PHAỈ ĐỨNG TRƯỚC VÀNH MÓNG NGỰA?

Hương Khê
Vậy là sau 9 ngày “vừa thổi vừa húp” như người ăn cháo nóng, làm việc cả ngày nghỉ, và sau 5 ngày “nghị án”, cuối cùng thì vở tuồng xét xử Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, cũng đã kết thúc sáng nay 22/01/2018.
Theo đó: “TAND TP Hà Nội đã tuyên bản án đối với các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm trong vụ án tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu (khí PVC).
Sau khi đánh giá toàn bộ nội dung vụ án, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ án là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Tòa quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT (nay là hội đồng thành viên) PVN 13 năm tù về tội Cố ý làm trái.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc PVN 14 năm tù về tội Cố ý làm trái, tù chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt chung bị cáo Thanh phải chấp hành là tù chung thân(1).
Nói vụ án này là vở tuồng, vì chúng ta đều biết mọi phiên tòa đã và đang diễn ra trên đất nước Việt Nam dưới sự cai trị của đảng độc tài toàn trị, thì ngành tư pháp chỉ là con rối nhằm tô vẽ cho ra dáng tòa án xét xử độc lập, khách quan mà thôi. Mọi bán án đã được đảng chỉ đạo và định sẵn, dân ta hay gọi là “án bỏ túi”. Do đó, thay vì tòa án phải “Nhân danh công lý” để xét xử như các nước dân chủ văn minh, thì tại VN, tòa án lại “Nhân danh nước CHXHCN VN” để đưa ra những bản án theo ý đảng.
Đối với vụ án ông Đinh La Thăng, một cựu Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN, nguyên Bí thư TP.HCM, nay bị bắt và bị đưa ra xét xử, thì đương nhiên là loại “tội phạm rất nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng”.
Vậy mà, ngày 8/12/2017 khởi tố, bắt tạm giam. 12 ngày sau, hoàn tất hồ sơ kèm theo Lệnh Truy tố (20.12.2017) về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165, BLHS. Nếu trừ đi mấy ngày nghỉ cuối tuần, thì thời gian hoàn tất hồ sơ chẳng còn là bao.
Với hơn 18.000 bút lục, và chỉ hơn chục ngày để các luật sư nghiên cứu hồ sơ. Với chừng đó thời gian, chưa chắc các luật sư đã đọc xong đống tài liệu khổng lồ này.Chưa nói đến việc nghiền ngẫm so sánh với hệ thống rừng luật tại VN để đưa ra lập luận nhằm bào chữa cho thân chủ của mình.
Có lẽ trong lịch sử tố tụng của Nước CHXHCN VN sẽ phải ghi nhận kỷ lục vô tiền khoáng hậu về tốc độ xử nhanh của vụ án này.
Nói về số tiền do nhóm này làm thất thoát trong vụ án này theo cáo trạng, và báo lề đảng đưa ra, là một tấn hài kịch.
Báo Tuổi trẻ ra thứ 2, ngày 22.01.2018 viết: “Chốt năm 2013: PVC lỗ hơn 3.200 tỉ đồng”. Theo đó: “ Ông Thanh làm chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí VN (PVC), đơn vị này thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng”(2).
Nhưng đến nay, cũng trên tờ Tuổi trẻ ra hôm nay, thứ 2 ngày 22/01/2018, tòa đưa ra con số thất thoát lúc Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch PVC là “Về thiệt hại do hành vi của các bị cáo gây ra, tại bản kết luận giám định, giám định viên tư pháp kết luận thiệt hại do PVN và ban quản lý dự án tạm ứng cho PVC trái quy định, gây thiệt hại 119 tỉ đồng”.
Về Đinh La Thăng, trước đây báo chí lề đảng kết cho ông này đủ thứ tội. Theo đó:
“TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN cùng các đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Và báo lề đảng cũng đã thay mặt tòa án để kết tội ông Đinh La Thăng là “ Nếu theo cáo trạng truy tố thì ông Thăng có thể đối mặt với mức án khoảng 20 năm tù giam”(3).
Nhưng đến nay, tại bản án tòa tuyên sáng này, thì tội tham ô không còn. Và cái đuôi “gây hậu quả nghiêm trọng” trong cáo trạng cũng biến mất. Ông Thăng chỉ bị kết tội “Cố ý làm trái”, do đó bị kết án 13 năm tù.
Điều đặc biệt bi hài nữa là, số tiền 1.825 tỷ USD mà ông Đinh La Thăng khi còn làm Chủ tịch PVN, đã đầu tư vào đất nước Venezuela anh em, để cùng dắt tay nhau tiến lên thiên đường XHCN. Theo dự án trên giấy này, với tỷ lệ vốn góp 40%, PVN có thể thu về 4 triệu tấn dầu/năm, dự kiến hoàn vốn sau 7 năm. Con số này tương đương 70% sản lượng dầu của Vietsovpetro, liên doanh dầu khí đầu tiên và lớn nhất tại VN(4).
Thì đến nay, số tiền này đã “cuốn theo chiều gió”, cùng giấc mơ của Hugo Chávez về cõi thiên đường.
Thế mà tại phiên tòa này, số tiền thiệt hại khổng lồ này, là mồ hôi nước mắt của nhân dân lầm than đói khổ đóng thuế để nuôi đảng, lại không được tòa nói đến. Phải chăng vì đây là “chủ trương lớn của đảng”, cũng như hàng trăm “chủ trương lớn” khác của đảng, đã làm cho đất nước ngày càng kiệt quệ, nên tòa “há miệng mắc quai”?
Cũng tại phiên tòa này, người ta còn chứng kiến một cảnh bi hài nữa là: Đinh La Thăng khóc sướt mướt trước tòa.
Là đấng nam nhi đại trượng phu, đã từng ngồi trên chót vót đỉnh cao quyền lực, hét một tiếng có hàng triệu người xanh mặt. Với cương vị Bí thư thành Hồ, thì chiếc ghế Tứ trụ là trong tầm tay. Từ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang cũng đi lên “Tứ trụ” từ ghế này.
Là người đã từng dám ra lệnh đập nát chùa Liên Trì hàng trăm năm tuổi, là điểm tựa tâm linh của hàng triệu người dân Phật giáo, để thực hiện dự án cướp đất tại khu đô thị Thủ Thiêm để làm giàu cho nhóm lợi ích.
Là người đã từng ra lệnh thẳng tay đàn áp khốc liệt, đánh đập tàn nhẫn những người tay không, xuống đường nhằm phản đối bọn tội phạm Formosa gây ra thảm họa môi trường trên đất nước ta, làm cho hàng triệu người dân miền Trung phải điêu đứng.
Vậy mà nay, những giọt nước mắt đê hèn ấy lại chảy ra nhằm cầu mong ai đó rủ lòng thương xót chăng? Sao mà nhục nhã thế? Đúng là không đáng xách dép cho Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, dù bị tra tấn uy hiếp và hành hạ, vẫn hiên ngang với tư thế của người chiến thắng.
Có người nói rằng, các quan chức cộng sản chỉ quen đi lên bằng đầu gối, bằng những đồng tiền dơ bẩn do họ cướp được, chứ không phải bằng tài năng, đức độ và bản lĩnh của mình. Cho nên nay bị thất sủng, họ khóc lóc thảm thiết để cầu mong đối thủ rủ lòng thương xót là điều dễ hiểu.
Nhìn hình ảnh Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cúi gằm mặt trước tòa, nó tương phản với hình ảnh Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiên ngang ngạo nghễ giữa vòng vây an ninh, và nở nụ cười rạng rỡ, có người đã thốt lên:
“Em đi giữa một bầy lang sói
Vẫn hiên ngang nở những nụ cười”.
Nhà thơ Đặng Xuân Xuyến trong bài “Gánh hát”, đã bình luận về việc Đinh La Thăng cúi gằm mặt và những giọt nước mắt của Thăng như sau:
“ Ngẩng mặt lên anh
Quệt nước mắt đi anh
Dừng thôi mấy trò “con hát
Đời vốn đủ đắng cay mặn chát
Nếm cả đi anh để thấu hiểu lẽ đời……….
“Hà tất ngán mặt sắt đen sì xét xử
Hà tất khiếp lòng người giận dữ
Chẳng sợ làm ma trong tù
Chẳng sợ tòa tuyên án tử
Ngẩng đầu lên để không thẹn sống hèn”.
Theo cáo buộc của Viện KSND TP Hà Nội, vụ án này gây thất thoát cho PVN và PVC 132 tỉ đồng. Con số thiệt hại này chỉ là cái đinh so với các đại án khác của các quan tham ngân hàng như Huỳnh Thị Huyền Như, Trầm Bê, Phạm Công Danh..vv.làm thất thoát hàng mấy chục ngàn tỷ đồng.
Lại càng không thể so sánh với hàng ngàn tỷ đồng tại TP Hà Nội, trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội có liên quan không?
“Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra trong 38/204 dự án nhà ở, khu đô thị tại Hà Nội đã phát hiện hàng loạt sai phạm, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Sai phạm làm thất thu khoảng 6.000 tỷ đồng
Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định số 123/2001/QĐ-UB ngày 6/12/2001 của UBND TP Hà Nội (giai đoạn 2002-2014)”(5).
Vậy với con số thiệt hại như thế, có nên đưa một ủy viên BCT ra đứng trước tòa không? Trong khi Đinh La Thăng nói việc chỉ định thầu cho PVC tại nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là chủ trương của Bộ Chính trị?
Nếu so 132 tỷ mà nhóm này làm thiệt hại, so với những kẻ đã ký cho Formosa gây ra thảm họa môi trường, và còn bảo kê cho công ty này tiếp tục tàn phá môi trường, thì như thế nào? Tại sao những người như Võ kim Cự và hàng loạt cán bộ khác bình an vô sự và hạ cánh an toàn? Tại sao lúc đó Nguyễn Thanh Bình còn làm Bí thư Hà Tĩnh, chẳng những không ai đụng đến cọng lông chân của ông ấy, mà sau đó còn được thăng chức, hiện nay là UVTƯĐ, Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ?
Vẫn biết rằng bản chất của chế độ cộng sản là ăn cướp. Từ cướp chính quyền từ chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim năm 1945, đến cướp của giết người qua vụ Cải Cách Ruộng Đất năm 1953-1955, cướp tài sản của các nhà tư bản qua cái gọi là Cải Tạo Công Thương Nghiệp. Cướp quyền tư hữu ruộng đất bằng luật đất đai phi pháp, từ đó họ vẽ ra các dự án với những cái tên mỹ miều để cướp đất của dân và bồi thường với giá rẻ mạt, để rồi sau đó bán lại cho các nhóm lợi ích hoặc các nhà tư bản với giá cao gấp hàng ngàn lần, cướp mồ hôi xương máu của dân nghèo bằng việc lập ra hàng trăm trạm BOT rải rác trong cả nước trên các tuyến đường độc đạo, để ngày đêm hút máu nhân dân…
Nhưng nay họ lại cướp các thành quả của các đồng chí mình với trò hề chống tham nhũng, qua việc đưa một Ủy viên Bộ Chính trị như Đinh La Thăng ra xét xử, đã chứng tỏ bộ mặt tởm lợm và gian manh, xảo trá của họ. Chứng tỏ họ đang nhục mạ chính cái đảng cộng sản vốn đã nhuốm đầy máu của nhân dân ta trong mấy chục năm qua.
Chính chế độ độc tài chuyên chế đã đẻ ra tất cả các tội lỗi nhơ bẩn, đã khích động và nuôi dưỡng lòng tham, thúc đẩy các hành động lạm quyền, và cuối cùng, làm cho các đảng viên mất hết cả tư cách con người.
Chỉ trong một chế độ độc tài chuyên chế thì những vụ nhũng lạm khổng lồ như Vinashin, PVN, mới có cơ hội diễn ra và có thể kéo dài bao nhiêu năm. Cho đến khi tội lỗi bị đem ra ánh sáng thì cũng chỉ vì các phe cánh trong đảng tranh chấp, bới móc, để triệt hạ nhau; động cơ chính không phải vì công lý, không phải vì quyền lợi của đất nước.
Hôm nay Nguyễn Phú Trọng đưa Đinh La Thăng và đồng bọn ra trước tòa để xét xử. Nhưng sẽ đến một ngày, nhân dân VN lại đưa Nguyễn Phú Trọng và đồng bọn ra trước vành móng ngựa để xét xử về những tội lỗi của họ và phe đảng trong hàng ngàn tội ác mà cái đảng cướp ấy đã gieo rắc cho nhân dân VN trong mấy chục năm qua.
Trong vô số những tội trạng ấy, cái tội lớn nhất của họ là tội bán nước, tội rước voi về giày mả tổ, tội hèn với giặc ác với dân.
Trong đó, tội làm tay sai cho ngoại bang để phát động cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cướp đi sinh mạng hàng mấy triệu nhân dân VN, chỉ vì “ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”.
Tội nào thì bọn chúng cũng đáng phải dựa cột.

Chú thích:
(1): (https://tuoitre.vn/phat-ong-dinh-la-thang-13-nam-tu-ong-trinh-xuan-thanh-tu-chung-than-20180122000434559.htm).
(2): (https://tuoitre.vn/pvc-lo-3200-ti-thoi-ong-trinh-xuan-thanh-lam-lanh-dao-1117318.htm).
(3): (https://baomoi.com/ong-dinh-la-thang-co-the-doi-mat-voi-muc-an-khoang-20-nam-tu/c/24546278.epi).
(4): (https://thanhnien.vn/thoi-su/pvn-mat-trang-ca-chuc-ngan-ti-dong-o-venezuela-831472.html).
(5): (https://baomoi.com/ha-noi-de-that-thu-6-000-ty-tu-hang-loat-sai-pham-cac-du-an-nha-o/c/23962869.epi).

Trang