14 tháng 12, 2016

‘Báo chí cách mạng’ chưa bao giờ phản động như thế này!

Phạm Chí Dũng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tung tóe, bẩn thỉu và vô sỉ
Đã quá xa vắng thời của những Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Lê Hoàng (báo Tuổi Trẻ), Thế Thanh (báo Phụ Nữ TP.HCM), cũng đã vắng bóng cái thời gần nhất của Lý Tiến Dũng (báo Đại Đoàn Kết), giờ đây ngày kỷ niệm 21 Tháng Sáu hàng năm cho “nền báo chí cách mạng Việt Nam” lại như thể một kiểu mặt cười nhạo báng dành cho chủ nghĩa kim tiền và truyền thông bẩn mượn danh ý thức hệ.
Khi những cái tên nhắc tới ở trên đều đã bị vùi hẳn vào quá khứ với án kỷ luật cho cái tội “bất đồng quan điểm,” đại đa số hơn 800 tờ báo giấy và hàng trăm báo mạng của chính quyền chỉ còn “im cho nó lành,” hoặc tiếp biến thành lũ châu chấu tàn phá những luống cày cuối cùng của dân sinh.
Quá khứ đã từng xôn xao khá nhiều cái tên nhà báo ăn bẩn. Hai chục năm trước, vụ Năm Cam đã lôi ra tòa những nhà báo tồi tệ như thế, kể cả phóng viên của một tờ có truyền thống trong lòng bạn đọc là Tuổi Trẻ. Có một quán cà phê đã trở nên có tiếng ở Sài Gòn, chỉ bởi nguyên do là tụ điểm của một nhóm nhà báo chuyên tụ tập để bàn mưu tính kế tống tiền doanh nghiệp.
Hai chục năm sau, không chỉ là một nhóm nhà báo mà đã trở thành một tổ hợp của một thứ “báo chí cách mạng,” đạp trên lưng người sản xuất để kiếm chác hợp đồng quảng cáo màu mỡ cho báo và “thù lao cá nhân” đậm hơn hẳn quảng cáo.
Tháng Mười Một vừa qua, vụ Bộ Thông Tin và Truyền Thông xử phạt 50 tờ báo lớn nhỏ liên quan đến sai phạm về thông tin nước mắm chứa chất asen đã trở thành kỷ lục xử phạt báo chí từ trước đến nay.
Kỷ lục cũ trước đây được lập chỉ là từ ba đến bốn tờ báo bị xử phạt một lúc, nhưng không cùng vụ.
Ông Trương Minh Tuấn đã làm đúng trong vụ nước mắm, cho dù chính ông vẫn bị cho là bảo thủ, lên gân và đang cố chứng minh với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng rằng ông xứng đáng với một cái ghế trong Bộ Chính Trị – tương đương chức vụ trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương – hơn bất kỳ ai khác.
Không chỉ đưa tin tức sai lệch về vụ nước mắm, rất nhiều tờ báo nhà nước còn mang đậm dấu hiệu “chung chịu” với doanh nghiệp muốn khống chế thị trường nước mắm, mà cụ thể là tập đoàn Masan đình đám với dự án Núi Pháo mà đang gây ra nạn ô nhiễm môi trường khiến quá nhiều người dân xung quanh phải sống dở chết dở.
Trước ông Trương Minh Tuấn, không một quan chức đảng hay chính quyền nào dám “thảm sát hàng loạt” truyền thông đen như thế. Thậm chí gần chục năm trước, dư luận còn ồn ào về vụ một tổng biên tập tố cáo một phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương “ngậm” vài chục ngàn đô la của doanh nghiệp để bịt tai nhắm mắt, chỉ đạo báo chí phải “câm miệng” trước tiêu cực của doanh nghiệp này.
Khi vụ truyền thông bẩn về nước mắm xảy ra, dư luận báo giới lập tức nói về một quan chức có hạng của báo Thanh Niên là ông Võ Khối. Nhiều xầm xì về việc ông nhà báo này đã “nẫng” một khoản tiền lớn để đạo diễn đăng bài dập nước mắm truyền thống do người dân làm, ngược lại đã nâng vị thế của Masan “lên một tầm cao mới.” Kể ra, ông Võ Khối bị cách chức và thu thẻ nhà báo vẫn còn là quá ưu ái.
Tháng Chín năm nay, dư luận báo giới và xã hội cũng xôn xao về vụ một nhà báo bị công an khám nhà. Theo một số nguồn tin không chính thức, nhà báo này chưa bị bắt, nhưng công an phát hiện trong nhà của nhà báo này có tới 168 tỷ đồng tiền mặt (nhấn mạnh: một trăm sáu mươi tám tỷ) và tám sổ đỏ (giấy chứng nhận sở hữu nhà).
Giới ký giả còm nhom giật mình, làm cách nào để nhà báo trên có được số tiền khủng khiếp ấy?
Thế nhưng vài nhà báo dày dạn sự đời lại nhún vai: “Chuyện vặt! Ở Hà Nội như vậy là bình thường.”
Đối chiếu với vụ những nhà báo “dính chùm” vụ Năm Cam cách đây 20 năm, trình độ và kỹ năng “ăn” của một số nhà báo vào thời buổi suy thoái toàn diện từ đảng đến đám ăn theo này đã tăng tiến vượt bậc. Không còn là vài ba trăm ngàn đô la, mà cái gì cũng quy về “cục gạch” ($1 triệu). Không chỉ là một hoặc hai cái nhà, mà hàng chục cái.
“Một bộ phận không nhỏ” báo nhà nước chưa bao giờ tung tóe, bẩn thỉu và vô sỉ đến như vậy.
Báo chí cách mạng có bao giờ được thế này không!
Nhưng thật kỳ diệu, bởi vì trong “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở Bắc Ninh vào ngày 13 Tháng Mười Một, Tổng Bí Thư Trọng bất thần cảm xúc: “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?”
Ông Trọng có vẻ thành thật khi thốt lên những từ ngữ trên trời ấy. Nhiều người vẫn không thể tưởng tượng nổi là cho đến tận giờ này, ông vẫn tự hào về thành tích mà đảng Cộng Sản đã đạt được, bằng những báo cáo tô hồng từ dưới lên trên và thói hô hào theo nghị quyết, bất chấp hiện tồn mới nhất về vụ cá chết Formosa đang khiến dân sinh miền Trung điêu đứng và vụ thủy điện Hố Hô xả lũ giết sống vài chục mạng dân Hương Khê ở Hà Tĩnh.
Vậy người từng phụ trách tạp chí Cộng Sản có khi nào nghĩ đến nền báo chí cách mạng có bao giờ được thế này không?
Trong số hơn 800 tờ báo nhà nước, chỉ có khoảng một chục đầu báo có tính phản biện và dám hé răng một chút sự thật về hiện trạng khốn quẫn của nền kinh tế và xã hội, dù chưa dám đả động gì về sự thật của nền chính trị và chế độ. Buổi hoàng kim nhất của làn sóng phản biện đã chỉ e ấp chút ánh sáng vào cuối năm 2011. Sau đó, bóng đêm trĩu nặng trùm lên tất cả.
Trong khi đó, tuyệt đại đại số báo chí nhà nước chủ ý giữ im lặng và cả câm lặng. Không có lấy một tiếng nói thống thiết nào ủng hộ phong trào phản kháng và biểu tình chống Trung Quốc. Cũng chẳng có tiếng nói nào được cất lên để hỗ trợ phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền. Càng tuyệt nhiên chẳng có lấy một bài báo dám đả động đến câu chuyện cơ chế một đảng đã gây ra bao nhiêu chuyện tày trời đối với dân tộc. Ngay cả khi những phóng viên báo nhà nước bị công an và “côn đồ công vụ” hành hung, cả Bộ Thông Tin và Truyền Thông cùng Hội Nhà Báo Việt Nam đều như thể rúc đầu vào gấu áo.
Vụ truyền thông bẩn về nước mắm đã chứng minh một sự thật cực kỳ phũ phàng là ngày càng có quá nhiều tờ báo nhà nước lợi dụng vị thế truyền thông để trục lợi, hoàn toàn không quan tâm đến tình cảnh khốn khổ của dân nghèo. Cứ cái đà này, không khó để tưởng tượng ra chuyện nếu cái dân tộc bị bạc nhược vì ý đảng này có trở thành một tỉnh lỵ của Trung Quốc, hẳn một số vẫn thường vênh vang trong ngày “Báo Chí Cách Mạng” sẽ tự nguyện biến thành lũ bút nô cho đám người phương Bắc.
Về bản chất, công cuộc lợi dụng trên xứng đáng với hành vi phản bội. Và nếu nâng tầm quan điểm như cách mà hệ thống tuyên giáo đảng và giới công an trị của Tổng Bí Thư Trọng hay sử dụng, một bộ phận không nhỏ lắm trong cái gọi là “báo chí cách mạng” hiện thời đã thật sự phản động trước nhân dân.
Hẳn đó là câu trả lời đích đáng cho Tổng Bí Thư Trọng vào “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở Bắc Ninh: Báo chí cách mạng có bao giờ được thế này không!

Không có nhận xét nào:

Trang