11 tháng 4, 2020

Đại dịch

Tác giả: Lê Thanh Dũng
Tôi cám ơn những người có chức trách đã làm rất tốt công việc chống dịch và tôi còn cám ơn nhiều lần hơn hơn nữa các vị đã làm cho những khẩu hiệu rất đẹp trên đây hình như có sắc hồng và hơi thở trở lại dù còn yếu ớt.
Cơn đại dịch và cách xử lý khiến chúng ta nhớ lại cái thời đã qua chưa xa nhưng không biết bao giờ lại có, cái thời: Trên dưới một lòng, toàn dân đoàn kết, tất cả cho tiền tuyến, ý đảng lòng dân…
Nhà nước có thật sự vì dân hay không thì dân biết, chả cần dóng dả véo von cho nhiều (LTD)
KD: Tác giả Lê Thanh Dũng gửi cho bài viết này. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ
————-
Những chuyến tàu mùa dịch COVID-19
Đại dịch virus corona đem tai hoạ đến mọi người, mọi nơi với tốc độ kinh hoàng. Nó không tha cho ai, bất kể sang hèn giàu nghèo, nó lan tràn trong đám người lam lũ nghèo khổ, xồng xộc xông vào các cung vua phủ chúa, nội các, bất chấp mọi hệ thống an ninh bảo vệ. Nó nhởn nhơ khinh nhờn mọi trật tự đã được thiết lập, đảo lộn mọi thể chế đã định hình…Và thật ghê gớm, nó không diễn ra từ từ, nó không chờ đợi ai mà cuốn phăng tất cả, kèm theo đó là sinh mạng của hàng trăm ngàn người, từng ngày, từng giờ..
Nhìn vào trong nước mình, đại dịch này đã làm thay đổi thái độ sống và cách sống của mọi người, từ học tập hội họp, vui chơi giải trí, giao tiếp vv. Cũng không kém phần quan trọng, nó thay đổi cách quản lý và quan niệm quản lý xã hội của hệ thống nhà nước.
Trước cơn bão dịch với mức độ phá hoại khủng khiếp và với tốc độ kinh hoàng thì lề thói xưa cũ cũng phải bị cuốn phăng đi. Tác phong lười nhác, nói suông, chừng nào đó là phét lác, kiểu như “chúng tôi sẽ”, “từng bước”…không còn chỗ đứng. Thay vào đó là làm gì cũng phải NGAY LẬP TỨC và CÓ HIỆU QUẢ THỰC SỰ. Vị lãnh đạo nào “chuyên ngành” kêu gọi chung chung, nói câu nào cũng “đúng trở lên” nhưng rỗng tuếch thì cứ nói, người ta thông cảm vị trí ấy phải nói “cái gì chứ”, thì thôi đành nghe và bỏ ngoài tai cho xong. Nhưng người viết bài này, cùng với sự lo lắng như bao nhiêu người dân khác trước đại dịch, xin trân trọng bày tỏ sự biết ơn những người có trách nhiệm trong hệ thống quản lý nhà nước từ cấp cao, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung vv đến hàng vạn hàng triệu cán bộ viên chức các ngành, các thầy thuốc, các chiến sỹ bộ đội, công an, các tình nguyện viên đã xả thân ngày đêm tận tình làm việc, khẩn trương nhưng phối hợp chặt chẽ có phương pháp, không bối rối hoảng loạn. Có nghe thế giới khen thì xin biết vậy, chả cần “tự hào” làm gì. Xã hội yên lành, dân tin yêu là phần thưởng vô giá, chả cần gì hơn.
Xin nói thật lòng, có gì trái tai xin các vị có chức có quyền cứ nghe thử, nếu chả đáng gì thì bỏ đi cũng chưa muộn.
Lâu nay nghe trên truyền thông “lề phải” những điều nói đi nói lại mấy câu chữ rỗng tuếch thấy chán, thậm chí phản cảm vì mang tính lừa dối hơi nhiều. Tôi biết trong các vị chức sắc có nhiều người biết thừa những gì không thật nhưng vì nhiều lý do, họ không bàn đến để giữ gìn sự “nhất trí” trong guồng máy mà thôi. Và thế là sự dối trá dấu diếm có đất sống. Nhưng cứ thế kéo dài mãi thì khổ cho dân tộc này quá, và cũng khổ cho những người có chức quyền mà có cả thứ quí hiếm là lương tâm và nhân cách.
Nhưng trong cơn đại dịch và trong cách xử lý đại dịch, trong tôi dần dà le lói một niềm vui dè dặt. Dè dặt nhưng cứ mạnh dạn vui vì đâu dễ kiếm (!)
Người ta từng đưa ra những khẩu hiệu đẹp đến không chê vào đâu được: “Do Dân, Vì Dân, Dân biết Dân bàn Dân làm Dân kiểm tra, Dân là gốc, Dân chủ” vv, nhưng qua thời gian, nhất là gần đây, những khẩu hiệu đó đã trở nên vô hồn, thậm chí mỉa mai, cho nên chả ai muốn nói đến nữa.
Tôi cám ơn những người có chức trách đã làm rất tốt công việc chống dịch và tôi còn cám ơn nhiều lần hơn hơn nữa các vị đã làm cho những khẩu hiệu rất đẹp trên đây hình như có sắc hồng và hơi thở trở lại dù còn yếu ớt.
Cơn đại dịch và cách xử lý khiến chúng ta nhớ lại cái thời đã qua chưa xa nhưng không biết bao giờ lại có, cái thời: Trên dưới một lòng, toàn dân đoàn kết, tất cả cho tiền tuyến, ý đảng lòng dân…
Nhà nước có thật sự vì dân hay không thì dân biết, chả cần dóng dả véo von cho nhiều.
Câu ca dao trong bài ĐI DÂN CÔNG (1949) của nhà văn Thanh Tịnh xưa rồi nhưng chưa bao giờ cũ:
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Mong sao có nhiều tình nguyện viên như trong hoạt động chống dịch hiện nay hơn là chăm chút “xây dựng hàng ngũ” dư luận viên. Hãy chăm chút cho Dân Trí, Dân Khí, cho những Nguyên Khí quốc gia thực sự chứ không phải cho những trang báo mà các tổng biên tập viết để lo niêu cơm cho mình và cho anh chị em trong toà soạn.
Chống xong cái đại dịch này thì mừng lắm. Và nếu sau đại dịch này Dân “được như khẩu hiệu” thì đại phúc. 
LTD.

“Dị nhân” Nguyễn Lê Anh dự báo Việt Nam sẽ kết thúc dịch vào ngày 15/5

Tác giả: theo Fb Ẩn số Z
GS Lê Anh dự báo tổng số ca nhiễm của Việt Nam toàn mùa dịch trong khoảng 500 ca (cộng, trừ), trong đó số ca phải điều trị nhiều nhất tại một thời điểm là 225 ca (vào ngày 05/04 và 06/04). Điều đó có nghĩa là đỉnh dịch sẽ vào ngày 06/04. Sau ngày 06/04 số ca phải điều trị sẽ giảm dần từ 225 ca xuống 20 ca vào ngày 08/05 và sẽ được khống chế vào giữa tháng 5 (tất nhiên với điều kiện chúng ta vẫn đóng cửa quốc tế), (theo ông Đỗ Cao Bảo- thành viên HĐQT của FPT)
KD: Bạn bè gửi cho bài viết này. Theo thông tin mình nhận được của bạn bè, có hai ý kiến trái chiều: Một là rất khen NLA, một lại… không tin những tính toán của NLA (người này từng làm việc với NLA ở công ty 3C). Dù khen chê ngược hẳn nhau, vẫn xin đăng lên để bạn đọc quan tâm, chia sẻ. Và biết đâu, có thể đối chứng khi theo dõi đường đi yểu điệu, bí hiểm của cô nàng Covid- 19 đáng sợ
Cũng xin trích tin nhắn của cô bạn gái thân của mình, cũng là một Gs khá biết Lê Anh: “Dự báo của Lê Anh chuyển sang thấp hơn số thực rồi chị ơi. Cả 3 điều kiện đặt ra để tính đều khó thực khi không theo dõi được thông số đầu vào. L.A siêu giỏi nhưng về dự báo thì trên TG có rất nhiều nhóm cực giỏi & họ cố giải thích đơn giản để mọi người hiểu. Tiếc là không có người dịch ra tiếng Việt các tài liệu Anh, Đức, Pháp … thú vị lắm chị ạ”.
Tin nhắn của cô bạn đã cho thấy dữ kiện thiếu- thông số đầu vào- đương nhiên xác suất có thể ko làm hài lòng những người khó tính, đòi hỏi cao. Nhưng mình vẫn thấy nó thú vị và xin hãy coi như để đối chứng với thực tiễn. Nếu sai số nhỏ càng tốt ạ
Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ
—————-
Bằng một công thức phức tạp với nhiều dữ kiện đầu vào, ông Nguyễn Lê Anh đã đưa ra các dự báo theo từng ngày về đại dịch Covid-19. Và thật sự, các tính toán đưa ra dự đoán của ông gần sát với thực tế đến kinh ngạc.
ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA DỰ BÁO DỊCH 10 NGÀY QUA
Đây là dự báo và thực tế về số ca đang điều trị của Việt Nam từ ngày 22/03 đến 30/03 mà GS Lê Anh đã dự báo từ ngày 21/03:
Ngày 22/03: dự báo 95, thực tế 96
Ngày 23/03: dự báo 108, thực tế 104
Ngày 24/03: dự báo 121, thực tế 117
Ngày 25/03: dự báo 134, thực tế 131
Ngày 26/03: dự báo 147, thực tế 136
Ngày 27/03: dự báo 160, thực tế 149
Ngày 28/03: dự báo 172, thực tế 158
Ngày 29/03: dự báo 183, thực tế 169
Ngày 30/03: dự báo 193, thực tế 151
Trước hết phải giới thiệu qua ông Nguyễn Lê Anh. Ông là người cùng thời với các tên tuổi đình đám Việt Nam là Trương Gia Bình, Bùi Việt Hà, Bùi Bình Thuận. Nhiều người phong ông là Anh-xờ-tanh Việt Nam (Einstein). Thậm chí bạn bè còn gọi ông là “người thông minh nhất Việt Nam”. Nhiều người quý trọng tôn ông là Giáo sư Nguyễn Lê Anh dù bản thân ông không bao giờ làm hồ sơ để xét phong giáo sư (như ý của bạn bè ông nói).
=====
Sau đây là bài viết của ông Đỗ Cao Bảo (Thành viên HĐQT FPT, Nguyên Phó tổng GĐ FPT) về công thức tính toán thần kỳ của ông Nguyễn Lê Anh:
Bắt đầu từ hôm nay tôi muốn các bạn cùng tôi theo dõi dự đoán về diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam của GS Nguyễn Lê Anh, người đã dự báo chính xác diễn biến dịch covid-19 ở Việt Nam trong 10 ngày qua.
Tại sao lại là GS Nguyễn Lê Anh?
Thứ nhất bởi GS Lê Anh đã dự báo khá chính xác diễn biến của dịch covid-19 ở Việt Nam trong 10 ngày qua, bắt đầu từ ngày 21/03, một công việc vô cùng khó khăn, hiếm ai có thể dự báo gần chính xác.
Những con số về số ca đang điều trị (số ca nhiễm trừ đi số ca hồi phục) từ ngày 22/03 đến 30/03 trên thực tế đều thấp hơn một chút so với dự báo của GS Nguyễn Lê Anh.
Thứ hai bởi GS Lê Anh đã bám rất sát chiến lược chống covid-19 của chính phủ Việt Nam, đó là chiến lược “khống chế đến mức loại bỏ hoàn toàn khả năng lây chéo mất kiểm soát trong cộng đồng”. Chi tiết thuật toán chống dịch như sau:
– Lập hồ sơ bệnh án từng bệnh nhân, phản ánh rõ sự di chuyển gặp gỡ theo thời gian để xác định chính xác cây lây nhiễm.
– Khoanh vùng và cách li triệt để các đối tượng nghi nhiễm.
– Chữa trị tốt nhất cho các bệnh nhân.
Theo GS Lê Anh đây là thuật toán chống dịch mẫu mực nhất thế giới, chưa từng có quốc gia nào thực hiện.
Thứ ba bởi GS Lê Anh là người cực thông minh, cực giỏi Toán, là người thông minh nhất trong số số những người Việt Nam tài giỏi mà tôi biết. Bằng trí tuệ và kiến thức Toán và Vật Lý siêu việt của mình, GS đã mô hình hoá dịch covid-19 ở Việt Nam thành một hàm số phân bố Tanh(x), ban đầu là phân bố Gauss, sau khi đạt đỉnh dịch thì theo phân bố Poission.
Khi chọn hàm phân bố, GS đã tính toán đến sự hỗn loạn và ngẫu nhiên gia tăng, trong điều kiện phụ thuộc vào khoảng cách, cùng với các dữ liệu được thống kê qua dịch H5N1 và SARS trước đây trên toàn thế giới.
Bổ sung thêm, GS Nguyễn Lê Anh đã dùng Toán học để tính toán đúng toạ độ máy bay MIG bị rơi trên đỉnh núi Tam Đảo từ cách đây 49 năm (1971) và cùng với BQP tìm được mảnh xác máy bay.
ĐỘ CHÍNH XÁC CỦA DỰ BÁO DỊCH 10 NGÀY QUA
Đây là dự báo và thực tế về số ca đang điều trị của Việt Nam từ ngày 22/03 đến 30/03 mà GS Lê Anh đã dự báo từ ngày 21/03:
Ngày 22/03: dự báo 95, thực tế 96
Ngày 23/03: dự báo 108, thực tế 104
Ngày 24/03: dự báo 121, thực tế 117
Ngày 25/03: dự báo 134, thực tế 131
Ngày 26/03: dự báo 147, thực tế 136
Ngày 27/03: dự báo 160, thực tế 149
Ngày 28/03: dự báo 172, thực tế 158
Ngày 29/03: dự báo 183, thực tế 169
Ngày 30/03: dự báo 193, thực tế 151
Như vậy là số thực tế luôn thấp hơn số dự báo của GS Lê Anh. GS Lê Anh cho rằng số thực tế thấp hơn là do chúng ta đã bỏ sót người đã dương tính với covid-19 chưa phát hiện và chưa nhập viện điều trị (thời điểm ngày 30/03 là sót 42 người).
DỊCH SẼ ĐƯỢC KHỐNG CHẾ VÀO GIỮA THÁNG 5
GS Lê Anh dự báo tổng số ca nhiễm của Việt Nam toàn mùa dịch trong khoảng 500 ca (cộng, trừ), trong đó số ca phải điều trị nhiều nhất tại một thời điểm là 225 ca (vào ngày 05/04 và 06/04). Điều đó có nghĩa là đỉnh dịch sẽ vào ngày 06/04. Sau ngày 06/04 số ca phải điều trị sẽ giảm dần từ 225 ca xuống 20 ca vào ngày 08/05 và sẽ được khống chế vào giữa tháng 5 (tất nhiên với điều kiện chúng ta vẫn đóng cửa quốc tế).

Khi một tài năng lớn, một tuổi trẻ anh hùng bị tha hóa- hay là bi kịch Nguyễn Đình Thi


Tác giả: Fb Trần Mạnh Hảo
… Tôi xin nói thẳng, anh Thi và chúng tôi ngồi đây, xét cho cùng đều là bồi bút của đảng. Thân phận chúng ta lầm than lắm, nhục nhã lắm. Anh viết bao tác phẩm nịnh đảng, có bao giờ anh dám mang gương mặt thật của anh ra viết đâu. Anh là kịch sĩ vĩ đại của đảng, đã đóng bao nhiêu vai kịch kẻ khác trừ bản thân mình. Anh không có gương mặt thật trong văn chương, anh là một tên hề cho kẻ cầm quyền mà thôi! (Trần Mạnh Hảo)
KD: Hiếm có một văn nghệ sĩ lớn nào trong nước Việt thời chưa xa, hội tụ đủ những ưu thế trời cho và tài năng đa dạng như Nguyễn Đình Thi: Đẹp trai, phong độ Tây phương, hấp dẫn, có thể coi như một nhà Triết học, bên cạnh một nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, kịch tác gia… Chả thế mà đàn bà lao vào ông như thiêu thân, từ con nhà khá giả, văn nghệ sĩ trong ngành, đến cả cô công nhân…
Rất có thể ông là một nhà văn hóa lớn, được cả XH ái mộ và cả ghen tỵ
Nhưng ông cũng lại mê quyền lực, ham quyền lực, yếu đuối trước quyền lực như trước đàn bà, và cả bị quyền lực “tha hóa”
Đó là bi kịch tự ông ham hố và lựa chọn.
Có lần, trò chuyện với nhà văn Nguyễn Đình Chính, mình đã xin lỗi và thẳng thắn nói hết tất cả những nhận xét về ông. Con trai ông, nhà văn Nguyễn Đình Chính bảo: Ko sao, KD nói thẳng thế là tốt. Khi còn sống, có lần ông cũng bảo mình thế này, KD này: “Cậu đừng bao giờ đi theo con đường của tôi. Cậu có biết đó là gì không? Đó là máu + với c.u.t
Mình trố mắt, sửng sốt, không nói nổi câu nào. Hai bên im lặng rất lâu
Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ
————–
 
Mùa thu năm 1988, chúng tôi đang học tại học viện Goocky, khóa tại chức 4 tháng tại Matxcơva thì hay tin ông Nguyễn Đình Thi, tổng thư ký hội nhà văn Việt Nam từ năm 1958 đến thăm và nói chuyện.
Anh chị em rất hồi hộp chờ đợi thần tượng văn học này từ lâu, nay được mãn nhãn. Tin một nhà văn, một nhà thơ, một nhà nghiên cứu triết học, một nhà viết kịch xuất sắc, một nhạc sĩ thiên tài chỉ với hai bản nhạc là ông Nguyễn Đình Thi đến nói chuyện được sứ quán thông báo cho mấy chục anh chị em đang làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ văn học tại Liên Xô cùng đến khoa viết văn trường Goocky tham dự.
Phải nói ông Nguyễn Đình Thi với vẻ đẹp trai hiếm có, với tài hùng biện sắc sảo, với giọng nói ấm áp, dịu dàng, mê hoặc chúng tôi ngay từ phút đầu.
Nhưng không hiểu sao hôm nay ông lại giở giọng tuyên huấn khuyên bảo chúng tôi rằng, các bạn trẻ thân mến, các bạn sang đây học nhưng phải biết chắc lọc, chọn lọc, đừng nghe những giáo sư giảng thiên về đổi mới triệt để kiểu Gocbachốp mà làm phương hại đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mà đảng ta đang dựng xây.
Nghe chối tai, Trần Mạnh Hảo tôi bèn xin phát biểu ý kiến rằng : thưa nhà văn hóa lớn, các cụ cho chúng tôi sang học tập Liên Xô, sao lại còn sang tận nơi dặn chúng tôi không được nghe lời họ, vậy thì học làm gì ạ…
Ông Nguyễn Đình Thi nổi cáu, đe dọa tôi rằng, anh Hảo và các anh đây đều là đảng viên của đảng, không được nói vô tổ chức như vậy !
Trần Mạnh Hảo bèn nổi máu điên, chỉ vào ông Nguyễn Đình Thi nói toẹt ra sự thật :
– Xin anh Thi bình tĩnh, tôi xin nói thẳng, anh Thi và chúng tôi ngồi đây, xét cho cùng đều là bồi bút của đảng. Thân phận chúng ta lầm than lắm, nhục nhã lắm. Anh viết bao tác phẩm nịnh đảng, có bao giờ anh dám mang gương mặt thật của anh ra viết đâu. Anh là kịch sĩ vĩ đại của đảng, đã đóng bao nhiêu vai kịch kẻ khác trừ bản thân mình. Anh không có gương mặt thật trong văn chương, anh là một tên hề cho kẻ cầm quyền mà thôi !
Lập tức một chiến sĩ trung thành vô hạn với đảng ngồi sát bên cạnh tôi đứng lên bẻ tay và bẻ cổ tôi là ông Chu Lai, không cho tôi nói…
Cả khối quần chúng trung kiên là các nhà văn thơ, là các tiến sĩ văn học tương lai đến nghe ké cùng ồ lên chửi tôi nói bậy.
Ông Nguyễn Đình Thi như bị dội nước sôi, ngồi xuống một lúc im lặng và không nói gì được nữa.
Chuyện này có các nhà văn chứng kiến đang còn sống : Chu Lai, Thạch Qùy, Vũ Quần Phương, Lê Chí, Trung Trung Đỉnh, Tô Hoàng, Kim Cúc, Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa, Khánh Chi…chứng kiến.
Sau đó, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long kêu tắc xi chở ông Nguyễn Đình Thi về khách sạn tại Matxcơva. Anh Long sau đó nói với chúng tôi, ngồi trên xe, ông Nguyễn Đình Thi đã khóc.
Lâu lâu, nhớ lại chuyện này, tôi có hơi ân hận vì mình trong lúc nóng giận, đã nói toạc móng heo cái sự thật hiển nhiên của thân phận “phục vụ chính trị” của người cầm bút trong xã hội cộng sản.
Điều mà một trí thức lớn, một nhà nghệ thuật lớn như ông Nguyễn Đình Thi đã xóa con người cá nhân của mình, xóa sĩ diện, xóa nhân phẩm mình đi làm bồi cho bữa tiệc cách mạng vô sản vốn không coi ai là người mà chỉ là công cụ, là tôi đòi của họ, là “người ăn kẻ ở trong nhà” như Nguyễn Khải đã nói.
Có lẽ cú “búa tạ” của tôi hôm ấy đã là nỗi đau, nỗi nhục của ông Nguyễn Đình Thi âm ỉ suốt, mới thành những câu sám hối tận cùng như sau trong một số bài thơ ông đã viết đã in :
“Rồi hôm nào bỗng gió bay
Cái bóng ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng dậy
Đến giờ rồi hôm nay
Trên tay cốc nhỏ không đầy
Uống chúc bạn bè ở lại
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây chìa khóa…”
( Sóng reo – 2001)
Anh có như con sâu trong quả
Mang ra chợ bỏ đời mình
Cuộc đời nhiều trò chơi mà ít niềm vui
Tháng ngày không đợi
Anh hãy đi, núi lớn sông dài nghìn vẻ lạ
Dù nhúng vào bóng đêm hồn anh không nhuộm đen…
Đã có mùa xuân đời tôi không nhỉ
Và đã có không cả một mùa hè
Tôi chỉ nhớ đã đi nhiều mê mải
Năm tháng đêm ngày theo một ánh xa
(Mùa thu vàng)
“Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
(Gió bay)
“Rồi hôm nào bỗng gió bay
Cái bóng ngoài kia đến đợi
Anh giật mình đứng dậy
Đến giờ rồi hôm nay
Trên tay cốc nhỏ không đầy
Uống chúc bạn bè ở lại
Anh chắt đời anh chắt mãi
Chút ngọt bùi chút đắng cay
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn
Mong anh em hiểu đừng cười
Tôi gửi lại đây thìa khóa
Tất cả cửa nhà tôi đó
Ngổn ngang qua tạm cuộc đời
Tiếng đập cửa thình thình gọi
Anh cười vẫy
Xin chia tay
Lời ai văng vẳng
Hôm nào gió bay.
Đây là một trong 3 bài thơ cuối cùng của Nguyễn Đình Thi (Mùa thu vàng, Gió bay và Núi xưa).
Nguồn: Trong cát bụi (thơ), Nguyễn Đình Thi, NXB Văn học, 1992
“Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình
Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Tôi biết tôi đã nhiều lần ác
Và ngu dại còn nhiều lần hơn”
Cảm phục sự sám hối hết mình của Nguyễn Đình Thi khi ông tự nhận “ Người tôi còn nhiều bùn tanh”, nhận mình là vai hề của đảng “ mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ”, rằng đời ông toàn “dối lừa khóac lác”, mua “ dây nhợ tự buộc mình”…
Kính phục ông Nguyễn Đình Thư đã dám phủ nhận bản thân mình, phủ nhận con đường và công lao của ông với đảng cộng sản đến thế là cùng.
Ngạn ngữ phương Tây : “ Quyền lực làm tha hóa con người” thật chí lý trong trường hợp của Nguyễn Đình Thi; hay nói chính xác, chủ nghĩa cộng sản đã tha hóa ông đến tận cùng.
Thời Pháp thuộc đã đào tạo ra một thanh niên yêu nước tuyệt vời, một trí thức lớn, một nhạc sĩ, một người viết lớn.
Bị phát xít Nhật bắt, tra tấn, hành hạ vậy mà trong nhà tù, Nguyễn Đình Thi đã viết được một bản nhạc vào hàng kiệt tác là bài “Diệt Phát xít”. Năm 1947 ông lại hoàn thành một kiệt tác âm nhạc khác là “Người Hà Nội”
Năm 1942, đang học đại học, Nguyễn Đình Thi đã viết 5 cuốn sách triết học bằng tiếng Việt. Ông là người viết sách triết bằng Việt ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1977, một lần đến thăm vị linh mục dạy triết học, tôi đã xin cha 5 cuốn sách triết của Nguyễn Đình Thi xuất bản năm 1942 để rồi tặng lại mấy cuốn này cho ông Thi. Ông mừng và cám ơn tôi lắm lắm…
Xin xem danh mục các tác phẩm đã xuất bản, đã công diễn của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, kịch tác gia Nguyễn Đình Thi :
Sách triết :
• Triết học nhập môn (1942)
• Triết học Kant (1942)
• Triết học Nietzsche (1942)
• Triết học Einstein (1942)
• Triết học Descartes (1942)
• Siêu hình học (1942)
Truyện, văn xuôi
• Xung kích (1951)
• Thu đông năm nay (1954)
• Bên bờ sông Lô (tập truyện ngắn, 1957)
• Cái Tết của mèo con (truyện thiếu nhi, 1961)
• Vào lửa (1966)
• Mặt trận trên cao (1967)
• Vỡ bờ (tập I năm 1962, tập II năm 1970)
• Trên sóng thời gian (tập bút ký, 1996)
• Tuyết (tập truyện ngắn, 2003)
Tiểu luận
• Mấy vấn đề văn học (1956)
• Công việc của người viết tiểu thuyết (1964)
Thơ
• Người chiến sĩ (1958)
• Bài thơ Hắc Hải (1958)
• Dòng sông trong xanh (1974)
• Tia nắng (1985)
• Trong cát bụi (1992)
• Sóng reo (2001)
• Đất nước (1948 – 1955). (Đã được nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc phổ thành bản Giao Hưởng – Hợp xướng cùng tên “Đất nước” Biểu diễn lần đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà nội ngày 1 tháng 9/2009, Do chính Đặng Hữu Phúc chỉ huy Dàn nhạc – Hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch VN[1])
• Việt Nam quê hương ta
Kịch
• Con nai đen (1961)
• Hoa và Ngần (1975)
• Giấc mơ (1983)
• Rừng trúc (1978)
• Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979)
• Người đàn bà hóa đá (1980)
• Tiếng sóng (1980)
• Cái bóng trên tường (1982)
• Trương Chi (1983)
• Hòn Cuội (1983 – 1986)
Nhạc
• Người Hà Nội (1947)
• Diệt phát xít (1945)
• Con voi
Đầu kháng chiến chống Pháp,Nguyễn Đình Thi chủ trương cách tân thơ, làm tiếp công việc nhóm “Dạ Đài”trước 1945 do Nguyễn Xuân Xanh & Trần Dần chủ xướng : tuyên dương thơ không vần, thơ tự do, bị nhà thơ Tố Hữu và nhà thơ Lưu Trọng Lư phản đối quyết liệt, thậm chí lên án Nguyễn Đình Thi là phản động. Lưu Trọng Lư còn mượn lời Platon mắng Nguyễn Đình Thi : “hãy quàng vào cổ anh Thi vòng nguyệt quế và đuổi anh ta ra khỏi nước cộng hòa thơ kháng chiến Việt Bắc”
Thành công thơ của Nguyễn Đình Thi còn để lại một bài thơ lớn là bài “Đất nước”.Hầu hết thơ Nguyễn Đình Thi trong kháng chiến chống pháp, chống Mỹ là thơ minh họa.
Văn xuôi của Nguyễn Đình Thi từ “Xung kích” đến “Vỡ bờ” hầu như là thứ văn xuôi minh họa, xu thời, ít thành tựu.
Kịch Nguyễn Đình Thi là kịch luận đề, bị Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Tố Hữu đánh lên đánh xuống. Dù sao, nhiều vở kịch như “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Con nai đen”… là những vở kịch lớn, là những thông điệp ngầm mang tính phản biện xã hội đầy đau đớn, quằn quại của một Nguyễn Đình Thi sám hối, muốn thoát mình ra khỏi vũng lầy bồi bút, vươn lên ánh sáng nhân văn của một con người khao khát chân lý và lẽ phải.
Một lần đại hội nhà văn Nguyễn Đình Thi đã biến các nhà văn thành hạt bụi để tôn vinh đảng quang vinh, đảng vĩ đại vô cùng, rằng : “ Mỗi nhà văn chúng ta chỉ là hạt bụi của đảng, nhưng là những hạt bụi lấp lánh”.
Nguyễ Đình Thi, bi kịch của một thanh niên yêu nước, một tài năng, một trí thức lớn đi theo cách mạng & kháng chiến, bị cộng sản tiêu hóa trong dối lừa, trong tủi nhục phi nhân, nhưng vẫn cố sống cố chết trồi lên khỏi mặt nước chìm nghỉm, tuyệt vọng chìa tay khỏi trang giấy ngập ngụa bùn tanh mà kêu cứu sự giải thoát.

Sài Gòn ngày 15-2-2020

Trần Dần và bóng in trên vách!

Tác giả: theo FB nhà báo Ngô Nguyệt Hữu
Tôi thích câu nói của Phạm Nhật Vượng, “Làm người rồi, không thể sống một cuộc đời hoài phí được”.
Khoảng trắng chỗ Trần Dần ngồi có khiến ông hoài phí cuộc đời hay không?
Chắc chắn, là không.
Bởi ít nhất tấm lưng của bậc tài hoa ấy, đã giữ lại cho bức tường một khoảng sáng! (Ngô Nguyệt Hữu)
KD: Đời người chỉ sống có một lần mà. Sống có ích, tạo ra những giá trị sống, chính là hạnh phúc!
Mà nếu không tạo ra những giá trị, ít nhất xin đừng làm điều Ác với đồng loại
———-
Trần Dần là một tài hoa của quốc gia, là một nguyên khí của tiếng Việt, là bậc trưởng thượng trong sử dụng ngôn ngữ, là nhà cách tân chữ Việt khoa học và hợp lý nhất…
Trần Dần, là một bi kịch.
Sau vụ Nhân văn Giai phẩm rất buồn một giai đoạn, Trần Dần của “Người người lớp lớp” về một Điện Biên Phủ bi tráng mà kiêu hùng, Trần Dần của “Những ngã tư và những cột đèn” được giới xuất bản Hàn Quốc và Anh tranh nhau mua vì hiểu được giá trị thương mại từ tác phẩm…
Nhưng rồi mọi thứ giá trị ấy từng không được thừa nhận ở quốc gia chỉ run rẩy, “Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”. (Nhất định thắng).
Trần Dần ngồi im một góc nhà, không nói, không cử động.
Bạn bè văn nghệ sĩ đến thăm, Trần Dần chỉ uống rượu, ai tài hoa lắm thì được Trần Dần buông một câu khen, “Cậu cũng khá”.
Được kim khẩu của Trần Dần khen “Cậu cũng khá”, ấy là một bảo chứng cho tài năng mà không giải thưởng nào có thể so sánh được.
Sắp đến những dịp lễ lớn, Trần Dần cất tiếng bảo vợ, “Mình nhớ treo cờ”. Đó có lẽ là câu nói chủ động hiếm hoi của Trần Dần.
Trần Dần, đã tận chán.
Tôi đọc sử như một niềm yêu thích, tôi đọc hồi ký như một thói quen, tôi đọc về những biến cố văn học để quan sát những lừng lẫy tài danh mà tôi biết…
Tôi thật sự tôn trọng họ, về tất cả.
Không ai thấy Phùng Quán khóc, không ai thấy Nguyên Hồng khóc, không ai thấy Trần Dần khóc, không ai thấy Hữu Loan khóc…
Đã chọn một con đường, nghĩa là – cứ lầm lụi bước đi.
Đã chọn một con đường, nghĩa là – tự thân không ai ép buộc.
Đã chọn một con đường, nghĩa là – không trách cứ oán than.
Cậu bạn mà tôi rất yêu thương từ Hà Nội vào nơi này, có bao nhiêu đắng cay đã chịu từ bằng hữu, có bao nhiêu xót xa đã chịu từ người mà cậu xem là anh em.. Lắm lúc tôi xót, bảo “Để đấy Hữu tính”. Cậu bạn gạt ngang, “Mình thế nào mình biết, kệ đi Hữu”.
Có lần bạn tôi inbox, “Hữu đừng hiểu nhầm tớ nhé, tớ không bênh nó đâu. Hữu muốn thế nào, tớ chìu Hữu thế đó”. Tính tôi dễ xúc động, cứ bần thần mãi về câu nói ấy.
Cậu bạn của tôi, cũng đã chọn một con đường, và không bao giờ kêu thán.
Bóng in trên vách đâu?
Trần Dần đã ngồi im lặng lâu đến độ, bụi thời gian phủ hoen ố cả bức tường, chỉ mảng nơi Trần Dần ngồi là vẫn sáng.
Không chỉ Trần Dần, ngay cả lúc bị hành hạ đến mỏi mệt – Phùng Quán còn kịp nhìn thấy bờ mông tròn đẹp như trứng chim cút của phụ nữ.
Tôi thích câu nói của Phạm Nhật Vượng, “Làm người rồi, không thể sống một cuộc đời hoài phí được”.
Khoảng trắng chỗ Trần Dần ngồi có khiến ông hoài phí cuộc đời hay không?
Chắc chắn, là không.
Bởi ít nhất tấm lưng của bậc tài hoa ấy, đã giữ lại cho bức tường một khoảng sáng!
Đọc tiếp :
Nhà văn Trần Dần và những tác phẩm gây choáng ngợp khi trở lại
Hiền Phương (theo Zing)
Được sáng tác từ lâu, nằm im lìm trong ngăn tủ, mấy mươi năm sau, các tác phẩm của Trần Dần mới lần đầu ra mắt công chúng trong sự mong đợi, ngỡ ngàng và thán phục.
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, có những cuộc trở lại gây được ấn tượng, bất ngờ đối với người đọc, và Trần Dần nằm trong những cuộc trở lại như thế.
Mười năm trở lại đây, bất cứ tác phẩm nào của Trần Dần ra mắt cũng tạo được tiếng vang trong giới văn chương, kể cả độc giả phổ thông lẫn những nhà phê bình. Người ta chờ đợi tác phẩm chất lượng “nghệ thuật vị nghệ thuật” được ấp ủ qua thời gian dài im ắng.
Nếu như các tác phẩm xuất bản trước đây gồm Bài thơ Việt Bắc (trường ca – viết năm 1957, xuất bản năm 1990), Cổng tỉnh (thơ – tiểu thuyết, viết năm 1959-1960, xuất bản năm 1994), Người người lớp lớp (tiểu thuyết 1954, xuất bản năm 1955) mang về cho Trần Dần giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007; thì các tác phẩm xuất bản sau này như Trần Dần – Thơ (2008), Những ngã tư và những cột đèn (2011), Đêm núm sen (2017) đều tạo tiếng vang mỗi lần ra mắt.
Trần Dần – Thơ và cuộc săn lùng một cuốn sách chất lượng
Cuốn sách do Công ty sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Đà Nẵng liên kết ấn hành này đã giành giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội và Giải thưởng văn học – nghệ thuật thủ đô năm 2008.
Cuốn thơ với tranh minh họa người to đầu bé ngày càng hiếm.
Nhà văn Hồ Anh Thái – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khi đó khẳng định: Với tập Trần Dần – Thơ, lần đầu tiên nhà thơ cách tân và cách tân có hiệu quả. Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thành tựu trọn đời về thơ cho nhà thơ quá cố Trần Dần (1926 – 1997) để khẳng định tính độc đáo và mới mẻ của những tác phẩm lần đầu được chính thức công bố, tính cập thời và bền vững của các tác phẩm, tính tiên phong mở đường trong đổi mới thơ, có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ cách tân thơ đương đại.
Cuốn sách tới nay không được tái bản, tạo nên cuộc “săn lùng” trong giới mến mộ văn chương. Một cuốn Trần Dần – Thơ với bìa có minh họa hình người to đầu bé này có giá tăng theo từng ngày. Sách càng cũ càng mất giá, đôi khi bán với giá đồng nát, còn tập thơ này càng cũ giá càng tăng.
Tới nay, một cuốn thơ này có giá từ bảy trăm nghìn đến một triệu đồng, vượt xa giá bán ban đầu của tập thơ. Ai có trong tủ sách nhà mình tập thơ này cũng là một điều tự hào. Có lẽ cũng chính điều này đã góp phần đưa những tập sách sau của Trần Dần trở nên đáng mong đợi hơn.
Những ngã tư và những cột đèn -Tác phẩm hay không bao giờ lạc hậu với thời gian
Ở thơ người ta bất ngờ với Trần Dần một, thì tiểu thuyết người ta lại bất ngờ với Trần Dần mười. Không ai nghĩ một “người thơ” như thế lại viết tiểu thuyết, có tiểu thuyết hay nhường ấy. Và Những ngã tư và những cột đèn là một ví dụ, minh chứng rằng tác phẩm hay không bao giờ lạc hậu với thời gian.
Tiểu thuyết trinh thám của Trần Dần đã được mua bản quyền tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh.
Một tác phẩm ra đời những năm 60 của thế kỷ trước, viết sau một thời gian tiếp xúc với nhiều ngụy binh cũ thời Pháp thuộc, do sở Công an Hà Nội đã cấp giấy phép ra vào trại giam, để sau đó bản thảo được gửi lên sở Công an, khi đã hoàn thành.
Cuộc chia tay của tác giả và tác phẩm kéo dài hơn hai mươi năm. Một ngày năm 1988 sở Công an Hà Nội mang bản thảo trả lại Trần Dần, tại nhà riêng, cùng tập thơ chép tay Cổng tỉnh.
Trước khi Trần Dần mất hẳn khả năng làm việc, vì bệnh tật, ông đã quay trở lại với Những ngã tư và những cột đèn, một lần nữa, lần cuối cùng. Ông chép lại, và sửa chữa, chủ yếu về văn phong. Trong nhật ký 1989, ông nhắc nhiều lần về tiểu thuyết này.
Và năm 2011 cuốn sách được Nhã Nam và NXB Văn Học ấn hành. Lần đầu tiên ra mắt, tiểu thuyết lập tức chinh phục đông đảo bạn đọc. Tác phẩm được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải ở thể loại văn xuôi cùng với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh; tiểu thuyết Kín của nhà văn Nguyễn Đình Tú.
Đây là một sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực làm mới của ông. Và cuốn sách mang đậm yếu tố trinh thám, tự thuật này được tái bản ngay sau khi xuất bản không lâu. Bản thân ấn bản đầu hiện nay cũng trở thành quý hiếm.
Nhờ nỗ lực giới thiệu của đơn vị nắm bản quyền trong nước, một số đại lý bản quyền quốc tế đã tiếp cận tác phẩm, và giới thiệu thành công tới những nhà xuất bản nước ngoài. Trong tương lai, tiểu thuyết sẽ có bản tiếng Hàn và tiếng Anh.
Đêm núm sen – bom tấn văn chương của 2017
Khi người ta không còn bất ngờ với Trần Dần thơ, Trần Dần tiểu thuyết nữa thì Trần Dần lại xuất hiện với một tác phẩm đồng thoại. Lần đầu tiên ra mắt sau 56 năm được viết ra, Đêm núm sen vẫn đủ sức chinh phục bạn đọc đương thời, mời gọi những hướng nghiên cứu đối với các nhà phê bình.
Đêm núm sen gây choáng ngợp với bất cứu ai đặt chân vào thế giới kiến – người mà Trần Dần tạo ra. Cuộc phiêu lưu vào thế giới giả tưởng ấy khiến người ta nhận ra sự khốc liệt của chiến tranh.
Chiến tranh đến, nghiền nát tất cả: sự sống, tình yêu, thành phố… Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng Trần Dần đã viết về chiến tranh khi ghé xuống những phận người trên chiến hào.
Nhà phê bình Mai Anh Tuấn bảo, thời đó không ai viết về chiến tranh như vậy, đi một quãng xa nữa, mới thấy Bảo Ninh có cách viết về chiến tranh như thế trong Nỗi buồn chiến tranh.
Đêm núm sen ra mắt sau 65 năm vẫn gây choáng ngợp.
Tiểu thuyết còn gây choáng ngợp về khả năng sự dụng ngôn ngữ giàu chất thơ, đầy cảm xúc của Trần Dần. Với Đêm núm sen, Trần Dần cho thấy tiếng Việt đẹp thế nào, và vì sao ông vẫn là một thành lũy trong nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ.
Bên cạnh ba cuốn sách ra mắt gây tiếng vang trong khoảng 10 năm trở lại đây, Trần Dần có những tác phẩm khác, nếu in lại tin chắc sẽ tạo được dư luận. Cổng tỉnh từng in năm 1994, Mùa sạch từng in năm 1998, nếu trở lại phù hợp với thẩm mỹ thơ hiện nay. Ngoài ra, một số bản thảo tác phẩm của Trần Dần vẫn chưa được khai thác hết.
Bên cạnh sáng tác, Trần Dần còn có mảng dịch thuật, đủ làm nên một danh xưng “Trần Dần dịch giả”. Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng, Trần Dần từng dịch nhiều sách với các bút danh như: Trọng Kha, Vũ Văn Kha, Trần Dần, đôi khi không ký tên ở các bản dịch.
Ông đã dịch các tác phẩm như: Bộ Những người chân đất (Zaharia Stancu), bộ sách của Jules Valles (Chú bé, Cậu Tú, Người khởi nghĩa), Cái chết là nghề của tôi (Robert Merle), Chú nhóc đen (Richard Wright), Chàng Memét mảnh khảnh (Yasa Keman)…

Trang